Bản án về tội mua bán trái phép hóa đơn số 200/2024/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 200/2024/HS-PT NGÀY 15/03/2024 VỀ TỘI MUA BÁN TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN

Ngày 15 tháng 3 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 1293/2023/TLPT-HS ngày 08 tháng 11 năm 2023 đối với bị cáo Phạm Thị H phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn”. Do có kháng cáo của bị cáo, đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 124/2023/HS-ST ngày 27 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh.

1. Bị cáo có kháng cáo: Phạm Thị H, sinh năm 1991; nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Khu phố Đ, phường C, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn H1, sinh năm 1970 và bà Trần Thị L, sinh năm 1974; gia đình có 03 chị em, bị cáo là thứ nhất; có chồng là Trần Văn S, sinh năm 1990 và có 03 con, lớn nhất sinh năm 2010, nhỏ nhất sinh năm 2016; tiền án, tiền sự: Không; tạm giữ, tạm giam từ ngày 21/9/2022 đến ngày 18/11/2022 được thay thế bằng biện pháp “Bảo lĩnh”; hiện tại ngoại; có mặt.

2. Ngoài ra, trong vụ án còn có các bị cáo khác, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không kháng cáo, không bị kháng nghị; Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

1. Hành vi phạm tội của Phạm Thị H:

Năm 2011, Phạm Thị H thành lập Công ty TNHH S1 (viết tắt là Công ty S2), trụ sở tại khu phố Đ, phường C, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh với ngành nghề kinh doanh, sản xuất sắt thép các loại do Trần Văn S (là chồng H) đứng tên Giám đốc. Đăng ký mở tài khoản số 4331000012xxxx tại Ngân hàng Đ4 (viết tắt là B) Tuy nhiên, mọi hoạt động kinh doanh của Công ty S2 đều do H quản lý, điều hành. Từ cuối năm 2016, trong quá trình điều hành hoạt động kinh doanh, có một số người đến gặp và đặt vấn đề mua hóa đơn khống (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo), thấy có lợi nhuận nên H đồng ý bán hóa đơn của Công ty S2 với giá 2,05% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn cho khách hàng. Sau đó, H mua hóa đơn của các Công ty khác với giá 2% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào. Quá trình bán hóa đơn khống, nhiều người biết H và đặt vấn đề mua hóa đơn khống với số lượng lớn, để tránh bị cơ quan thuế phát hiện và tăng lợi nhuận, H nhờ người nhà hoặc thuê người đứng tên thành lập giúp H 12 Công ty, đều đăng ký ngành nghề kinh doanh, sản xuất sắt thép các loại để nhằm mục đích mua bán hàng hóa và mua bán hóa đơn khống, cụ thể:

(1). Công ty TNHH S1 (viết tắt là Công ty P2), địa chỉ trụ sở tại Cụm C, phường Đ, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh được thành lập tháng 11/2016, do Phạm Văn D, sinh năm 1994, trú tại khu phố Đ, phường C, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh (là em trai của H) đứng tên Giám đốc. Công ty P2 đăng ký mở tài khoản số 119000193099 tại Ngân hàng V1.

(2). Công ty trách nhiệm hữu hạS1 (TNHH ) Sản xuất và thương mại thép K (viết tắt là Công ty K1), địa chỉ trụ sở tại Cụm C, phường C, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh, thành lập tháng 7/2018, do Phạm Văn Q, sinh năm 1996, trú tại khu phố Đ, phường C, thành phố T (là em trai H) đứng tên Giám đốc. Công ty K1 đăng ký mở tài khoản số 118002808xxxx tại Ngân hàng C1 (viết tắt là V1).

(3). Công ty TNHH S1 (viết tắt là Công ty H13), địa chỉ trụ sở tại Cụm C, phường Đ, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh, được thành lập tháng 10/2018, do Trần Thúy H2, sinh năm xxxx, trú tại khu phố Đ, phường C, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh (là em dâu của H) đứng tên Giám đốc. Đăng ký mở tài khoản số 111960293xxxx tại Ngân hàng V1.

(4). Công ty TNHH S1 (viết tắt là Công ty S1), địa chỉ trụ sở tại khu dân cư D, phường Đ, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh được thành lập tháng 2/2020, do Trần Thị L, sinh năm 1971, trú tại khu dân cư D, phường Đ, T, Bắc Ninh (là mẹ đẻ của H) đứng tên Giám đốc. Công ty S1 đăng ký mở tài khoản số 117002861077 tại Ngân hàng V1.

(5). Công ty TNHH S1 (viết tắt là Công ty S1), địa chỉ trụ sở tại Cụm C, phường C, thành phố T, Bắc Ninh được thành lập tháng 01/2021, do Trần Văn V, sinh năm 1998 trú tại khu phố Đ, phường C, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh (người cùng khu phố với H) đứng tên Giám đốc. Công ty S1 đăng ký mở tài khoản số 11260555xxxx tại Ngân hàng V1.

(6). Công ty TNHH S1 (viết tắt là Công ty K2), địa chỉ trụ sở tại Cụm C, phường C, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh, được thành lập tháng 3/2021, do Trần Văn Đ, sinh năm 1986, trú tại khu phố Đ, phường C, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh (anh họ của Sáng chồng H) đứng tên Giám đốc. Công ty K2 đăng ký mở tài khoản số 11360588xxxx tại Ngân hàng V1.

(7). Công ty TNHH S1 (viết tắt là Công ty S1), địa chỉ trụ sở tại Cụm C, phường Đ, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh, thành lập tháng 4/2021 do Phạm Thị H đứng tên Giám đốc. Công ty S1 đăng ký ở tài khoản số 115002887820 tại Ngân hàng V1.

(8). Công ty TNHH S1 (viết tắt là Công ty H13), địa chỉ trụ sở tại Cụm C, phường C, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh được thành lập tháng 5/2021, do Trần Thị T, sinh năm 1994, trú tại khu phố Đ, phường C, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh (là nhân viên của H) đứng tên Giám đốc. Công ty H13 đăng ký mở tài khoản số 11560199xxxx tại Ngân hàng V1.

(9). Công ty TNHH S1 (viết tắt là Công ty Đ5), địa chỉ trụ sở tại Cụm C, phường C, thành phố T, Bắc Ninh, được thành lập tháng 7/2021, do Trần Văn Đ1, sinh năm 1984, trú tại khu phố Đ, phường C, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh (người cùng khu phố với H) đứng tên giám đốc. Công ty Đ5 đăng ký mở tài khoản số 11900289xxxx tại Ngân hàng V1.

(10). Công ty TNHH S1 (viết tắt là Công ty T12), địa chỉ trụ sở tại Cụm C, phường C, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh được thành lập tháng 7/2021, do Nguyễn Thanh T1, sinh năm 1976, trú tại thôn H, xã T, huyện H, tỉnh Bắc Giang (là bạn của Sáng chồng H) đứng tên Giám đốc. Công ty T12 đăng ký mở tài khoản số 11761695xxxx tại Ngân hàng V1.

(11). Công ty TNHH S1 (viết tắt là Công ty Đ6), địa chỉ trụ sở tại Cụm C, phường C, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh được thành lập tháng 8/2021, do Trần Thị H3, sinh năm 1978, trú tại khu phố Đ, phường C, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh (là người trong cùng khu phố với H) đứng tên Giám đốc. Công ty Đ6 đăng ký mở tài khoản số 11800291xxxx tại Ngân hàng V1.

(12). Công ty TNHH S1 (gọi tắt là Công ty H13), địa chỉ trụ sở tại Cụm C, phường C, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh, được thành lập tháng 11/2021, do Trần Thị H4, sinh năm 1995, trú tại khu phố Đ, phường C, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh (là nhân viên của H) đứng tên Giám đốc. Công ty H13 đăng ký mở tài khoản số 11900291xxxx tại Ngân hàng V1.

Mọi hoạt động kinh doanh của 13 công ty trên (Công ty S2 và 12 công ty theo thứ tự) đều do H quản lý, điều hành, trong đó có việc mua, bán hóa đơn khống (không có hàng). Khi cần ký hóa đơn, chứng từ, H đưa cho 12 người đứng tên giám đốc công ty cho H ký. Đối với hóa đơn điện tử thì H tự xuất hóa đơn. Khi H nhờ những người đứng tên giám đốc, H không nói cho những người này biết việc thành lập công ty để mua bán trái phép hóa đơn, bản thân những người được H nhờ đứng tên giám đốc cũng không tham gia quản lý, điều hành công ty và không biết H sử dụng hóa đơn của công ty để thực hiện hành vi mua, bán trái phép hóa đơn, không được H trả tiền công. Trong quá trình thành lập và điều hành các công ty, H thuê các nhân viên làm việc hàng tháng hoặc theo thời vụ để giúp H soạn thảo hợp đồng, viết hóa đơn, chứng từ; thực hiện việc nộp, rút và chuyển tiền tại ngân hàng, gồm: Nguyễn Thị Thùy L1, Trần Thị H5, Trần Thị T, Phạm Thị L2, Trần Thị N, Phạm Thị Nhật T2, Phạm Thị T3, Trần Thị G và nhiều người khác (thuê theo ngày nhưng đến nay H không nhớ tên, tuổi, địa chỉ cụ thể của những người này). Ngoài ra, H còn mượn tài khoản cá nhân của những nhân viên trên để thực hiện việc chuyển, rút tiền. Mỗi tháng, H trả lương cho mỗi nhân viên từ 5-7,5 triệu đồng hoặc trả theo các lần chuyển, rút tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng, tùy từng thời điểm và số lượng tiền chuyển, rút nhiều hay ít. Ngoài ra, H thuê chị Lê Hồng H6 làm kế toán thời vụ kê khai, báo cáo thuế đối với các Công ty S1, Công ty K2, Công ty H13, Công ty S1, Công ty Đ6, Công ty H13 và chị Nguyễn Thị Thùy L1 (nêu trên) kê khai, báo cáo thuế đối với các công ty còn lại. Mỗi công ty H6 trả công cho chị H6 2.500.000 đồng/tháng, còn đối với chị L1 thì trả lương 6.000.000 đồng/tháng. Hàng tháng, H6 chuyển hóa đơn, chứng từ cho chị H6 và chị L1 kê khai, báo cáo thuế, H6 không nói và chị H6, chị L1 biết việc H6 mua, bán trái phép hóa đơn.

* Về hành vi bán hóa đơn: Khi khách có nhu cầu mua hóa đơn thì họ cung cấp cho H6 thông tin và số liệu để viết hóa đơn như tên công ty, mã số thuế, mặt hàng, khối lượng, giá trị hàng hóa…qua zalo, điện thoại trực tiếp hoặc cho nhân viên đến báo viết hóa đơn. Sau đó, H6 tự viết hóa đơn hoặc giao cho một trong số các nhân viên nêu trên viết hóa đơn, lập biên bản giao nhận hàng, phiếu xuất kho...theo sự chỉ đạo của H6. Sau khi thực hiện xong, H6 chuyển cho Trần Văn S ký rồi trả cho khách hóa đơn, kèm theo các chứng từ trên (đối với Công ty S2). Đối với các công ty khác, khi thành lập công ty, phát hành hóa đơn, H6 chuyển cho các Giám đốc ký sẵn hóa đơn và các tờ giấy A4 trắng hoặc làm con dấu chữ ký, H6 chỉ việc viết hóa đơn xuất cho khách hàng và hoàn thiện các thủ tục khác về sau. Từ tháng 6/2021, theo quy định các công ty đăng ký hóa đơn điện tử thì H6 tự ký hóa đơn (có chữ ký số của Giám đốc) để xuất cho khách hàng. Để hợp thức hóa thủ tục thanh toán tiền qua ngân hàng, sau khi người mua nhận được hóa đơn, các tài liệu chứng từ kèm theo sẽ sử dụng tài khoản ngân hàng của Công ty, nhận hóa đơn chuyển khoản theo số tiền ghi trên hóa đơn đến tài khoản của Công ty mà H6 đã xuất hóa đơn. Khi nhận được tiền trong tài khoản, H6 trực tiếp ra ngân hàng rút tiền hoặc đưa séc rút tiền, giấy lĩnh tiền cho các nhân viên là Nguyễn Thị Thùy L1, Trần Thị H5, Trần Thị T, Phạm Thị L2, Trần Thị N, Phạm Thị Nhật T2, Phạm Thị T3…ra ngân hàng rút tiền đưa lại cho H6. Sau đó, H6 thu lại tiền bán hóa đơn theo thỏa thuận là 2,05% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn, số tiền còn lại H6 trực tiếp trả bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của người mua hóa đơn. Việc thanh toán tiền mua hóa đơn khống như trên giữa H6 và người mua hóa đơn không có chứng từ hoặc sổ sách ghi chép. Đến nay, H6 không xác định được hóa đơn, công ty nào H6 thực hiện các hình thức chuyển khoản và thanh toán như trên. Với cách thức như trên, trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2022, Phạm Thị H đã xuất bán khống 4.261 số hóa đơn GTGT đã ghi nội dung cho 149 công ty, tổng giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn 3.955.363.579.343 đồng, tiền thuế là 395.536.357.934 đồng, với giá 2,05% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn. Theo Phạm Thị H khai nhận, trong quá trình kinh doanh, do có nhiều công ty có nhu cầu mua hóa đơn, phần lớn các công ty cử nhân viên đến liên hệ mua hóa đơn, do các nhân viên của các công ty này thay đổi thường xuyên và việc xuất bán hóa đơn cho nhiều công ty trong thời gian dài nên H không nhớ được những người mua hóa đơn. Tuy nhiên, H xác nhận có trực tiếp giao dịch và xuất bán hóa đơn cho những người ở các công ty sau: Công ty H14: do Lưu Quang T4 đặt vấn đề, giao dịch mua hóa đơn và Khổng Thị Xuân báo số liệu để mua hóa đơn. Công ty G1 và Tùng Lâm P tại phường C, T, tỉnh Bắc Ninh do Trần Thị H7 trực tiếp đặt vấn đề, giao dịch mua hóa đơn. Công ty Đ7 tại phường Đ, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh do Đặng Phi L3 trực tiếp đặt vấn đề, giao dịch mua hóa đơn. Công ty T13 tại C, T, Bắc Ninh do Trần Thị T5 trực tiếp quan hệ, giao dịch mua hóa đơn. Công ty H15 tại phường C, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh do Trần Thị L4 trực tiếp đặt vấn đề, giao dịch mua hóa đơn. Công ty L7 tại phường C, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh do Nguyễn Thị Thanh T6 trực tiếp đặt vấn đề, giao dịch mua hóa đơn. Công ty T14 và Thế Đ2 tại huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc do Tô Thị M trực tiếp quan hệ, giao dịch mua hóa đơn. Công ty L8 tại thành phố Hà Nội do Nguyễn Thị L5 trực tiếp đặt vấn đề, giao dịch mua hóa đơn. Công ty P3 tại thành phố Đà Nẵng do Mai Văn T7 trực tiếp đặt vấn đề, giao dịch mua hóa đơn. Công ty H13 tại tỉnh Hưng Yên và công ty T15 tại huyện Đ, thành phố Hà Nội do Phạm Thị H8 trực tiếp đặt vấn đề, giao dịch mua hóa đơn. Công ty H13 tại huyện K, tỉnh Hưng Yên do Phan Văn Quý H9 trực tiếp đặt vấn đề, giao dịch mua hóa đơn. Công ty T16 tại huyện T, thành phố Hà Nội do Nguyễn Thị Q1 trực tiếp đặt vấn đề, giao dịch mua hóa đơn. Các công ty H13, công ty M1, công ty M2, công ty N1 do Đào Thị T8 - Giám đốc công ty M1 trực tiếp đặt vấn đề, giao dịch mua hóa đơn. Các công ty H16; công ty S3; công ty G2; công ty K3; công ty T17 tại T, Bắc Ninh do các Giám đốc công ty này trực tiếp đặt vấn đề, giao dịch mua hóa đơn với H.

Cơ quan điều tra tiến hành xác minh 149 công ty sử dụng hóa đơn của H bán khống, xác định trong 149 công ty có 89 công ty nhận hóa đơn với giá trị trên 100 triệu đồng tiền thuế và 60 công ty nhận hóa đơn với giá trị dưới 100 triệu đồng tiền thuế, cụ thể như sau:

- Đối với 89 công ty có giá trị hóa đơn trên 100 triệu đồng tiền thuế:

+ 15 công ty gồm: Công ty H14, Công ty H15, Công ty T18, Công ty Đ7, Công ty L7, Công ty G1, Công ty G1 tại Bắc Ninh; Công ty T14, Công ty T19 tại tỉnh Vĩnh Phúc; Công ty H13 và Công ty H13 tại tỉnh Hưng Yên; L, T, Ánh T9 tại thành phố Hà Nội; Công ty P3 tại thành phố Đà Nẵng. Cơ quan điều tra đã khởi tố các bị cáo liên quan trong vụ án.

+ 04 công ty gồm: Công ty H13, Công ty M1, Công ty M2, Công ty N1 do Đào Thị T8 làm giám đốc trực tiếp đặt vấn đề và giao dịch mua 162 số hóa đơn của Phạm Thị H có trị giá tiền hàng là 115.471.003.962 đồng, tiền thuế là 11.547.100.396 đồng. Ngoài ra, T8 còn mua nhiều hóa đơn GTGT khống của nhiều công ty khác, do vậy Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án độc lập theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-ANĐT và Quyết định khởi tố bị cáo số 23/QĐ-ANĐT cùng ngày 04/5/2023 đối với Đào Thị T8 về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” quy định tại khoản 2, Điều 203 Bộ luật hình sự, để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

+ 05 công ty gồm: Công ty H16, Công ty S3, Công ty T17, Công ty G2, Công ty K3, giám đốc các công ty này đều trình bày mua hàng hóa thật của Phạm Thị H và thanh toán tiền hàng đầy đủ. Phạm Thị H khai nhận việc bán hóa đơn cho Giám đốc các công ty này là hóa đơn khống không có hàng hóa kèm theo, lý do khi các công ty này chuyển tiền trả cho công ty của H thì H cho nhân viên rút tiền giữ lại tiền bán hóa đơn và trả số tiền còn lại bằng tiền mặt. Cơ quan điều tra tiến hành đối chất giữa Giám đốc các công ty này với Phạm Thị H, kết quả các bên vẫn giữ nguyên lời khai. Hiện tại, chỉ có duy nhất lời khai của H nên chưa đủ cơ sở để xử lý hành vi mua, bán hóa đơn của giám đốc các công ty trên.

+ 65 công ty còn lại: Giám đốc hoặc đại diện các công ty này đều trình bày do có người giới thiệu là nhân viên các công ty của H đến chào hàng và bán hàng thì giao cho nhân viên công ty (hiện không còn làm ở công ty, không xác định được làm gì, ở đâu) thực hiện giao dịch mua hàng của các công ty của H, sau đó được trả hóa đơn. Sau khi mua hàng, các công ty này thực hiện chuyển tiền, thanh toán tiền hàng đầy đủ cho các công ty của H.

- Đối với 60 công ty sử dụng hóa đơn có số tiền thuế dưới 100 triệu đồng. Cơ quan điều tra đã gửi công văn yêu cầu giải trình về việc nhận hóa đơn.

Giám đốc hoặc đại diện của các công ty đều trình bày mua hàng qua trung gian, không trực tiếp giao dịch với giám đốc công ty.

Ngoài 149 công ty mà H khai bán hóa đơn, Cơ quan điều tra còn tiến hành điều tra, xác minh các công ty đầu ra khác do Phạm Thị H xuất hóa đơn, các công ty này đều trình bày có mua hàng thật của H và H cũng xác nhận có bán hàng hóa cho các công ty này.

* Về hành vi mua hóa đơn: Sau khi bán hóa đơn khống (đầu ra), Phạm Thị H đã mua hóa đơn khống (đầu vào) của nhiều công ty có trụ sở tại thành phố Hải Phòng, thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam, tỉnh Hòa Bình và thành phố Hồ Chí Minh để hợp thức hóa số hóa đơn bán khống. Các công ty này cử nhiều người đến giao dịch bán hóa đơn, H không xác định được nhân thân, lai lịch. Khi có nhu cầu, H gửi thông tin cần viết hóa đơn qua zalo cho người bán hóa đơn (đến nay, không còn thông tin giao dịch trong zalo) về mặt hàng, khối lượng, giá trị. Sau đó, bên bán hóa đơn viết hóa đơn hoặc xuất hóa đơn điện tử trả cho H kèm theo các tờ giấy A4 trắng, có ký, đóng dấu sẵn của Giám đốc các công ty này để H tự hoàn thiện các chứng từ như: Hợp đồng, Biên bản giao nhận hàng, Báo giá…Sau khi nhận hóa đơn và các chứng từ, H trực tiếp hoặc giao cho một trong các nhân viên (nêu trên) soạn thảo và hoàn thiện các thủ tục để H ký chuyển trả cho bên bán hóa đơn. Để hợp lý hóa thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho việc mua hóa đơn khống, H giao cho nhân viên Nguyễn Thị Thùy L1, Trần Thị H5, Trần Thị T, Phạm Thị L2, Trần Thị N, Phạm Thị Nhật T2, Phạm Thị T3…thực hiện chuyển, rút tiền. H đưa cho nhân viên mang tiền, ủy nhiệm chi của các công ty ra ngân hàng, nộp chuyển tiền vào tài khoản và dùng ủy nhiệm chi chuyển tiền cho các công ty bán hóa đơn, sau đó dùng giấy lĩnh tiền của các công ty này rút tiền ra mang tiền về đưa lại cho H hoặc trả vào tài khoản của H. Với cách thức như trên, trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2022, Phạm Thị H đã mua khống 3.255 số hóa đơn GTGT (không có hàng) của 50 công ty, trị giá tiền hàng ghi trên hóa đơn là 3.952.416.985.365 đồng, tiền thuế là 395.241.698.536 đồng, với giá 2% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn. Trong đó, H khai mua 2.175 số hóa đơn GTGT của 17 công ty do Trần Thị H4 xuất bán làm đầu vào cho 13 công ty của Phạm Thị H, trị giá tiền hàng ghi trên hóa đơn là 2.675.300.873.227 đồng, tiền thuế là 267.530.087.322 đồng, với giá 2% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn. Tuy nhiên, Trần Thị H4 khai bán hóa đơn khống cho H không lấy tiền mua hóa đơn, mà chỉ nhận khoảng 300.000.000 đồng. Việc H4 và H khai báo việc mua bán hóa đơn khống với giá trị tiền thanh toán với nhau như nêu trên không có giấy tờ biên nhận, sổ sách ghi chép lại và không có tài liệu khác chứng minh. Cơ quan điều tra tiến hành đối chất giữa Trần Thị H4 và Phạm Thị H, kết quả các bên vẫn giữ nguyên lời khai.

Ngoài việc mua, bán trái phép hóa đơn như nêu trên, Phạm Thị H còn có hành vi môi giới bán hóa đơn. Từ tháng 5/2023 đến tháng 8/2023, H đã mua 42 số hóa đơn của các Công ty T20, Công ty H17, Công ty H18 do Trần Thị H4 xuất bán trị giá 48.160.163.440 đồng tiền hàng, tiền thuế là 4.816.016.344 đồng, với giá 2% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn để xuất cho các Công ty H13, Công ty P4 của Đào Thị T8, sinh năm 1977, trú tại khu phố Đ, phường C, thành phố T, tỉnh Bắc Ninh với giá 2,05% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn. H được hưởng lợi 24.080.081 đồng. Các thủ tục thanh toán qua Ngân hàng, H thực hiện như việc bán hóa đơn nêu trên.

- Về tiền hưởng lợi: Tổng số tiền Phạm Thị H được hưởng lợi = Đầu ra (2,05% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn) - Đầu vào (2% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn) + tiền hưởng lợi từ việc môi giới bán hóa đơn = (3.955.363.579.343 đồng x 2,05% - 3.952.416.985.365 đồng x 2%) + 24.080.081 đồng (môi giới cho Đào Thị T8) = 2.060.693.750 đồng.

Theo Phạm Thị H khai nhận việc mua hóa đơn đã thanh toán hết cho người bán; việc bán hóa đơn, còn một số khách hàng chưa thanh toán tiền cho Phạm Thị H, gồm: Trần Thị H7 (Công ty G1) nợ 1.672.000.000đ; Đặng Phi L3 (Công ty Đ7) nợ 675.000.000đ; Đào Thị T8 (Công ty M1, Nguyệt Minh P1, Phú Hưng T10) nợ 500.000.000đ; Lưu Quang T4 (Công ty H14) nợ 400.000.000đ. Đến nay, Trần Thị H7 thừa nhận nợ H 300.000.000đ; Đặng Phi L3 thừa nhận nợ H 130.000.000đ; Đào Thị T8 thừa nhận nợ H 400.000.000đ; Lưu Quang T4 không thừa nhận nợ H và khai đã thanh toán hết tiền mua hóa đơn cho H. Việc nợ tiền mua bán hóa đơn khống giữa H và những người có tên trên không được ghi chép trong sổ sách, không giấy tờ biên nhận và các căn cứ khác chứng minh. Cơ quan điều tra đã tiến hành đối chất giữa Phạm Thị H với Đặng Phi L3, Trần Thị H7, Đào Thị T8 và Lưu Quang T4, kết quả các bên vẫn giữ nguyên lời khai. Đến nay, gia đình Phạm Thị H đã tự nguyện nộp số tiền 500.000.000 đồng.

Cơ quan điều tra tiến hành xác minh 50 công ty xuất khống hóa đơn cho Phạm Thị H, đã xác định như sau:

- Đối với 33 công ty đầu vào tại Hải Phòng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh (không do Trần Thị H4 xuất bán): Cơ quan điều tra tiến hành xác minh các công ty này đều không có trụ sở và hoạt động tại địa bàn; giám đốc các công ty này không có tại địa phương.

- Đối với 17 công ty đầu vào do Trần Thị H4 xuất bán: Cơ quan điều tra đã điều tra, làm rõ các công ty này là do Trần Thị H4 thành lập và điều hành, hiện đang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn nêu hành vi mua bán hóa đơn của các bị cáo Mai Văn T7, Phan Văn Quý H9, Tô Thị M, Nguyễn Thị Q1, Đặng Phi L3, Nguyễn Thị Thanh T6, Trần Thị L4, Lưu Quang T4, Khổng Thị X, Trần Thị T5, Phạm Thị H10, Tạ Thị D1, Nguyễn Thị H11, Phạm Thị H8; hành vi trốn thuế của các bị cáo Phạm Thành T11, Lê Thanh H12. Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm các bị cáo trên không kháng cáo, không bị kháng nghị nên Tòa án cấp phúc thẩm không đề cập xem xét.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 124/2023/HS-ST ngày 27/9/2023, Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Phạm Thị H phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn”; Áp dụng điểm d, đ khoản 2, khoản 3 Điều 203; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Thị H 24 (Hai mươi tư) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án nhưng được trừ đi thời hạn tạm giữ, tạm giam từ 21/9/2022 đến 18/11/2022. Phạt bổ sung bị cáo 40.000.000 đồng sung ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm quyết định về tội danh và hình phạt đối với 16 bị cáo khác, trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 29/9/2023, bị cáo Phạm Thị H kháng cáo xin giảm hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo Phạm Thị H cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ mới, trình bày hoàn cảnh khó khăn, nuôi 3 con nhỏ, cung cấp tài liệu chứng minh tài sản và đề nghị xử phạt hình phạt chính là phạt tiền.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội sau khi phân tích, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội, tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, nhân thân, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và căn cứ kháng cáo, kết luận: Bị cáo Phạm Thị H bị xử phạt về tội: “Mua bán trái phép hóa đơn” theo điểm d, đ khoản 2 Điều 203 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ mới, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 355, 357 Bộ luật Tố tụng hình sự: Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Thị H và sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Xử phạt bị cáo số tiền từ 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng: Cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đơn kháng cáo trong thời hạn luật định, được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2]. Về hành vi phạm tội của bị cáo: Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm quy kết, phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm; phù hợp với lời khai của các bị cáo khác trong cùng vụ án, kết luận của cơ quan thuế, lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các tài liệu chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án. Cấp phúc thẩm thống nhất kết luận về hành vi phạm tội của bị cáo như sau: Trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2023, với vai trò là người quản lý, điều hành mọi hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH S1, bị cáo Phạm Thị H mượn tên của nhiều người thân, người quen để thành lập 12 công ty gồm: Công ty K1, Công ty S1, Công ty H13, Công ty P2, Công ty S1, Công ty Đ5, Công ty Đ8, Công ty T12, Công ty S1, Công ty H13, Công ty H13 và Công ty K2 đều có trụ sở tại thành phố T, tỉnh Bắc Ninh để thực hiện việc mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) nhằm thu lợi bất chính. H đã bán khống 4.261 số hóa đơn GTGT đã ghi nội dung của Công ty S2 và 12 công ty trên cho 149 công ty ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn 3.955.363.579.343 đồng, tiền thuế là 395.536.357.934 đồng, với giá là 2,05% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn. Để hợp thức hóa số lượng hàng hóa trong các số hóa đơn đã bán khống, H mua 3.255 số hóa đơn GTGT khống của 50 công ty có trụ sở tại thành phố Hải Phòng, thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam, tỉnh Hòa Bình, tỉnh Bắc Ninh và thành phố Hồ Chí Minh, tổng trị giá tiền hàng ghi trên hóa đơn là 3.952.416.985.365 đồng, tiền thuế là 395.241.698.536 đồng với giá là 2% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn, trong đó H mua 2.175 số hóa đơn GTGT của 17 công ty do Trần Thị H4 quản lý, điều hành xuất bán. Ngoài ra, từ tháng 5/2023 đến tháng 8/2023, Phạm Thị H còn có hành vi môi giới giúp Trần Thị H4 bán khống 42 số hóa đơn GTGT, trị giá tiền hàng là 48.160.163.440 đồng, tiền thuế là 4.816.016.344 đồng của các Công ty T20, Công ty H17, Công ty H18 do Trần Thị H4 quản lý, điều hành xuất về Công ty H13, P của Đào Thị T8 với giá 2% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn. Đối với hành vi môi giới bán khống 142 số hóa đơn giúp H4, H được hưởng lợi 24.080.081 đồng. Phạm Thị H đã mua bán khống 7.558 số hóa đơn GTGT cho 12 người, thu lợi bất chính là 2.060.693.750 đồng. Với hành vi nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo Phạm Thị H về tội: “Mua bán trái phép hóa đơn” theo điểm d, đ khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

[3]. Xét kháng cáo của bị cáo: Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước về tài chính, kinh tế, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bị cáo mua bán số lượng lớn hóa đơn GTGT khống, thu lợi bất chính và trốn thuế với số tiền rất lớn, ngoài ra hành vi của bị cáo còn tiếp tay cho các công ty làm ăn phi pháp, trốn thuế gây thiệt hại cho ngân sách của Nhà nước. Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, hành vi phạm tội, phân hóa đúng vai trò phạm tội của bị cáo. Cụ thể, bị cáo H có vai trò chính về hành vi “Mua bán trái phép hóa đơn”; trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2022, bị cáo đã thành lập nhiều công ty để thực hiện mua bán khống hóa đơn GTGT với số lượng rất lớn (tổng cộng 7.558 hóa đơn GTGT), thu lợi bất chính hơn 02 tỷ đồng. Do vậy, cấp phúc thẩm đồng tình cần có mức hình phạt thỏa đáng, nhằm giáo dục riêng và phòng ngừa chung. Khi quyết định hình phạt, trên cơ sở đánh giá vai trò, hậu quả, nhân thân, tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, nộp một phần số tiền thu lợi bất chính...Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự để giảm nhẹ một phần hình phạt, xử phạt bị cáo Phạm Thị H 24 tháng tù là thoả đáng. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo xuất trình tình tiết giảm nhẹ mới, cụ thể: Ngày 10/9/2023, bị cáo H có công cứu giúp người đuối nước là cháu Phạm Thị Hà L6, sinh năm 2016 được gia đình cháu Hà L6 và chính quyền địa phương xác nhận sự việc; ngày 17/12/2023, bị cáo H đã cung cấp thông tin cho Công an phường T, thành phố B bắt giữ đối tượng Xên Thanh Đ3 có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, đã khởi tố bị can theo Quyết định khởi tố bị can số 410/QĐ-CQĐT ngày 21/12/2023 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh B, được C phường T xác nhận tại Công văn số 235/GXN-CAP ngày 29/12/2023; trước khi xét xử phúc thẩm, bị cáo H đã nộp đủ toàn bộ số tiền 1.160.693.750 đồng thu lợi bất chính, 40.000.000 đồng tiền phạt bổ sung, 200.000 đồng tiền án phí sơ thẩm; đơn trình bày hoàn cảnh hiện nuôi 3 con nhỏ, chồng thường xuyên bệnh tật ốm đau, lao động chính có xác nhận của Công an phường C… Đây là những tình tiết giảm nhẹ mới theo điểm u khoản 1, khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự, cấp phúc thẩm áp dụng cho bị cáo H được hưởng. Do được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt, hiện nuôi 3 con nhỏ, nộp lại toàn bộ số tiền thu lời bất chính, điều kiện hoàn cảnh gia đình hiện tại và sự ăn năn hối cải của bị cáo, tài liệu chứng minh có khả năng tài chính (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) để nộp tiền phạt. Vì vậy, có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của Phạm Thị H, sửa bản án sơ thẩm theo hướng chuyển hình phạt chính sang phạt tiền, nhưng cần phạt với mức cao nhất quy định tại khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự, đủ tác dụng cải tạo giáo dục bị cáo thành công dân tốt cho xã hội, đồng thời thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

[4]. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội: Xét thấy đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ, được chấp nhận.

[5]. Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận, nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án;

QUYẾT ĐỊNH

[1]. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Thị H.

[2]. Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 124/2023/HS-ST ngày 27/9/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, cụ thể như sau:.

Tuyên bố bị cáo Phạm Thị H phạm tội: “Mua bán trái phép hóa đơn”.

Áp dụng điểm d, đ khoản 2 Điều 203; điểm b, s, u khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 32; Điều 35; Điều 58 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Phạm Thị H số tiền: 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) sung ngân sách Nhà nước.

[3]. Về án phí: Bị cáo Phạm Thị H không phải nộp án phí phúc thẩm.

[4]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[5]. Ghi nhận bị cáo Phạm Thị H đã nộp số tiền 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng) tại Biên lai thu số 0000131 ngày 21/12/2023; nộp số tiền 40.000.000 đồng (bốn mươi triệu đồng), 160.693.750 đồng (một trăm sáu mươi triệu, sáu trăm chín mươi ba nghìn, bảy trăm năm mươi đồng) và 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) tại Biên lai thu số 0000134 ngày 22/12/2023 đều của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Ninh.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

43
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội mua bán trái phép hóa đơn số 200/2024/HS-PT

Số hiệu:200/2024/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:15/03/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về