Bản án 03/2018/HSPT ngày 04/01/2018 về tội lưu hành tiền giả

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 03/2018/HSPT NGÀY 04/01/2018 VỀ TỘI LƯU HÀNH TIỀN GIẢ

Ngày 04/01/2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 403/2017/HSPT đối với bị cáo Vũ Thị H. Do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 218/2017/HSST của Tòa án nhân dân Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Bị cáo có kháng cáo:

Vũ Thị H (tên gọi khác: PT) - sinh năm 1965, tại tỉnh Hải Dương; Nơi cư trú: số 32 Ngô Thì S, phường TH, Tp LS, tỉnh Lạng Sơn; tạm trú tại: khu phố PN, phường HL, thị xã BC, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: buôn bán; trình độ văn hóa: 10/10; con ông Vũ Thế H (đã chết) và con bà Đinh Thị Kim C, sinh năm 1941; bị cáo có chồng là Vũ Hoàng X (đã ly hôn) và có 04 con, lớn nhất sinh năm 1984, nhỏ nhất sinh năm 1996; Tiền sự: không; tiền án: Ngày 04/5/1998, bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xử phạt 06 năm tù về tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả”. Đến ngày 02/9/2000 được đặc xá; Nhân thân: Ngày 24/3/1994, bị Tòa án nhân dân Tp. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn xử phạt 09 tháng tù về tội “Tổ chức dùng chất ma túy”. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 03/01/2017 (có mặt).

* Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Mai Quốc A – Văn phòng luật sư A, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk (có mặt).

*Người làm chứng:

- Ông Phạm Đức T, sinh năm 1964 Nơi cư trú: 9/20 Nguyễn Lương B, phường Th, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (vắng mặt).

- Bà Lê Thị L, sinh năm 1971 Nơi cư trú: thôn HA, xã CP, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (vắng mặt).

- Bà Phạm Thị N, sinh năm 1952 Nơi cư trú: thôn Q, xã CP, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (vắng mặt).

- Bà Trần Thị L1, sinh năm 1965 Nơi cư trú: thôn HL, xã CP, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo quyết định trong bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân Tp. Buôn Ma Thuột; nội dung kháng cáo thì vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 1998, Vũ Thị H bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xử phạt 06 năm tù giam, về tội Lưu hành tiền giả, trong thời gian chấp hành án tại trại giam Gia Trung- Bộ Công an, đóng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, H và Phạm Đức T đã có tình cảm với nhau. Đến tháng 9/2000, H được Đặc xá và về cư trú tại địa chỉ: 32 Ngô Thì S, phường TH, thành phố LS, tỉnh Lạng Sơn. Cuối năm 2001, sau khi biết T đã chấp hành xong hình phạt tù, thì H từ tỉnh Lạng Sơn đi xe khách vào thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, thăm và cùng T bàn bạc về việc lưu hành tiền giả trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, T đồng ý rồi đến gặp bà Phạm Thị N (là con nuôi của ông nội T) nói chuyện và rủ bà N cùng tiêu thụ tiền giả, thì bà N đồng ý, sau đó rủ Lê Thị L cùng tham gia. Tháng 12/2001, H mang theo tiền Việt Nam đồng giả đi xe khách từ tỉnh Lạng Sơn vào thành phố B, gặp T để cùng nhau tiêu thụ. Sau đó, T sử dụng xe mô tô (hiệu Dream Trung Quốc), chở H đi đến nhà bà N. Khi vào nhà bà N thì H ngồi trên giường, còn T nói bà N gọi L đến để mua bán tiền giả. Do có sự thống nhất từ trước nên khi bà L đến, T đã lấy từ H 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) tiền giả, loại 50.000 đồng/ 1 tờ, bán cho L với giá 5.500.000 đồng (năm triệu năm trăm ngàn đồng) tiền Việt Nam đồng thật. T đưa số tiền này cho H và được H cho lại 500.000 đồng (năm trăm ngàn đồng) tiền Việt Nam đồng thật, thấy T có tiền nên bà N đòi số tiền T vay trước đó là 1.000.000 đồng (một triệu đồng, thấy vậy, T sử dụng số tiền H cho 500.000 đồng (năm trăm ngàn đồng) để mua lại tiền giả được 1.300.000 đồng (một triệu ba trăm ngàn đồng) T trả cho bà N 1.000.000 đồng (một triệu đồng) tiền giả, còn lại 300.000 (ba trăm ngàn đồng) tiền giả, T giữ lại để tiêu thụ. Quá trình mua bán, trao đổi tiền giả giữa T với bà L và bà N, thì có sự chứng kiến của H. Ngày 15/3/2002, H đến dự khai trương quán ăn do T và vợ chồng L góp vốn mở chung tại địa chỉ: 06 Mai Hắc Đ, phường TT, thành phố B. Tại đây, H và L trao đổi số điện thoại với nhau. Ngày 18/3/2002, T đem 300.000 (ba trăm ngàn đồng), tiền giả đến địa bàn xã CE, thành phố B, tiêu thụ thì bị phát hiện bắt quả tang. Sau khi biết T bị bắt, L gọi điện cho H biết và đồng thời nói H đổi số tiền giả đã bán cho L sang loại tiền giả có mệnh giá nhỏ hơn để dễ tiêu thụ. Khoảng tháng 5/2002, H gọi điện thoại cho L nói ''sắp có hàng rồi, chuẩn bị tiền đi chị đưa vào''. Đến ngày 28/5/2002, H và L gặp nhau tại một căn nhà gỗ (không rõ đĩa chỉ) tại đường NQ, thành phố B. Tại đây, H đổi cho L 8.000.000 đồng (tám triệu đồng), tiền giả loại 50.000 đồng/ 1 tờ, thành loại 20.000 đồng/ 1 tờ và bán thêm cho L: 26.000.000 đồng (hai mươi sáu triệu đồng), tiền giả loại 20.000 đồng/ 1 tờ, lấy số tiền 16.500.000 đồng (mười sáu triệu năm trăm ngàn đồng), tiền Việt Nam đồng thật. Tổng số tiền giả L mua của H, là: 36.000.000 đồng (ba mươi sáu triệu đồng), gồm: 34.000.000 đồng (ba mươi tư triệu đồng), loại 20.000 đồng/ 1 tờ và 2.000.000 đồng (hai triệu đồng), loại 50.000 đồng/ 1 tờ. Số tiền giả này, L đem về nhà cất giấu tìm cách tiêu thụ. Đến ngày 06/7/2002, L đưa: 36.000.000 đồng (ba mươi sáu triệu đồng) tiền giả, cho bà Trần Thị L1, là kế toán của Nông trường Cao su CP, để L1 tiêu thụ. L1 sử dụng số tiền giả này trộn lẫn với tiền Việt Nam đồng thật để phát lương cho cán bộ công nhân của Nông trường Cao su CP, thì bị phát hiện. Sau khi biết L, N và L1 bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ, nên Vũ Thị H đã bỏ trốn khỏi địa phương và đến sinh sống tại phường HL, thị xã BC, tỉnh Bình Dương và tự đổi tên là PT. Đến ngày 03/01/2017, Vũ Thị H bị Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ của Phạm Đức T: 300.000 đồng (ba trăm ngàn đồng), tiền giả; thu giữ tại phòng làm việc của Trần Thị L1 và của cán bộ công nhân Nông trường Cao su CP, giao nộp là: 32.020.000 đồng (ba mươi hai triệu không trăm hai mươi ngàn đồng), tiền giả. Đối với số tiền giả T trả cho Phạm Thị N, do N đã tiêu thụ hết nên Cơ quan điều tra không thu giữ được.

Tại bản kết luận giám định, số: 99/GĐ- NHĐL, ngày 20/3/2002, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đắk Lắk và bản kết luận giám định, số: 802/PC, ngày 22/8/2002, của Tổ chức giám định hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk, kết luận. Tổng số tiền: 32.320.000 đồng (ba mươi hai triệu ba trăm hai mươi ngàn đồng), do Cơ quan điều tra thu giữ đều là tiền giả, không phải do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 218/2017/HSST ngày 28/9/2017 của Tòa án nhân dân Tp. Buôn Ma Thuột đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Vũ Thị H phạm tội “Lưu hành tiền giả”. Áp dụng khoản 2 Điều 180, điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Vũ Thị H 09 năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam ngày 03/01/2017.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về các biện pháp tư pháp, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 04/10/2017, bị cáo Vũ Thị H có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay bị cáo Vũ Thị H khai: Do có quen biết với T từ khi đi chấp hành án, sau khi chấp hành án xong bị cáo có vào thành phố B gặp lại T để bàn về việc buôn bán dưa hấu. Ngoài ra, bị cáo còn quen biết L khi L và T mở chung quán ăn tại đường Mai Hắc Đ, thành phố B. Bị cáo không bán tiền giả cho T và L.

Đại diện Viện Kiểm sát đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả do các bị cáo gây ra và cho rằng tại phiên tòa bị cáo không thành khẩn khai báo, không cung cấp thêm tình tiết mới nào nên không chấp nhận kháng cáo của bị cáo H. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Vũ Thị H, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng bản án sơ thẩm xét xử bị cáo Vũ Thị H về tội “Lưu hành tiền giả” là không có căn cứ, bởi lẽ: Hành vi lưu hành tiền giả phải bị bắt tận tay khi đang lưu hành, trong khi đó hồ sơ vụ án không thể hiện việc bị cáo H đang cầm trên tay tiền giả để lưu hành. Bà L khai có gặp H nhưng không biết H và không trao đổi, mua bán gì với H. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà L xác định chưa bao giờ gặp H. Bà N khai có biết T và L trao đổi tiền giả nhưng bà N không liên quan, bà N không biết H là ai, sau này mới biết đó là bạn của T. T khai H có vào Đắk Lắk gặp T 2 lần để bàn về chuyện mua bán dưa hấu. Như vậy, giữa H và T không có việc lưu hành tiền giả. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ hành vi của bị cáo H.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

[1] Trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu có tại hồ sơ vụ án, lời khai của bị cáo tại phiên tòa và lời khai của người liên quan, người làm chứng đã khẳng định: Do mối quan hệ tình cảm giữa Vũ Thị H và Phạm Đức T quen nhau trong quá trình chấp hành án ở trại cải tạo (H chấp hành án về tội Lưu hành tiền giả) nên tháng 11 năm 2001 sau khi chấp hành án xong, H đã tìm lại T để bàn bạc việc tiêu thụ tiền giả. Tháng 12 năm 2001, H đến gặp T và cùng rủ nhau đến nhà bà Phạm Thị N, tại đây, N đã gọi thêm Lê Thị L đến và L đồng ý mua 10.000.000 đồng tiền giả do H đưa cho T và T đã mua của H số tiền 1.300.000 đồng tiền giả. Số tiền này T trả nợ cho bà N 1.000.000 đồng nợ trước đó, còn lại 300.000 đồng T mang đi tiêu thụ thì bị bắt quả tang. Ngoài ra H còn bán thêm cho L 36.000.000 đồng tiền giả.

[2] Xét thấy, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo Vũ Thị H đều thừa nhận về mối quan hệ giữa bị cáo với Phạm Đức T, còn Phạm Thị N, Lê Thị L và Trần Thị L1, chỉ là chỗ quen biết thông qua T. Bị cáo chỉ cùng với T bàn bạc về việc buôn bán dưa hấu chứ không liên quan đến việc tiêu thụ tiền giả. Nhưng qua các giai đoạn điều tra, truy tố và bản án số 175/HSST ngày 23 tháng 5 năm 2003 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk thì Trần Thị L1, Lê Thị L, Phạm Đức T và Phạm Thị N đều khai nhận số tiền giả trên là do Vũ Thị H chuyển từ Lạng Sơn vào Đắk Lắk bán cho T, N, L và L1.

[3] Xét hành vi phạm tội của bị cáo đã lưu hành tiền giả là nghiêm trọng, đã xâm phạm đến quyền quản lý tài chính của Nhà nước ta, do đó việc xử lý về trách nhiệm hình sự đối với bị cáo là cần thiết và áp dụng hình phạt nghiêm minh, tương xứng với vai trò mà bị cáo đã thực hiện.

[4] Xét mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo Vũ Thị H là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện. Sau khi xét xử sơ thẩm đến nay, bị cáo không cung cấp thêm được tình tiết giảm nhẹ nào mới nên Hội đồng xét xử không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo mà cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

[6] Do kháng cáo của bị cáo Vũ Thị H không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

QUYẾT ĐỊNH

[1] Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Vũ Thị H, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 218/2017/HSST ngày 28/9/2017 của Tòa án nhân dân Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

[2] Áp dụng khoản 2 Điều 180, điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.

- Xử phạt: bị cáo Vũ Thị H 09 (chín) năm tù về tội “Lưu hành tiền giả”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt tạm giam là ngày 03/01/2017.

[3] Về án phí: Bị cáo Vũ Thị H phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[5] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

810
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 03/2018/HSPT ngày 04/01/2018 về tội lưu hành tiền giả

Số hiệu:03/2018/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 04/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về