Bản án 82/2018/DS-PT ngày 31/05/2018 về tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản, nghĩa vụ trả tiền thuê khoán

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 82/2018/DS-PT NGÀY 31/05/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THUÊ KHOÁN TÀI SẢN, NGHĨA VỤ TRẢ TIỀN THUÊ KHOÁN TÀI SẢN

Ngày 31 tháng 5 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 20/2018/TLPT-DS ngày 27 tháng 02 năm 2018, về việc “Tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản về nghĩa vụ trả tiền thuê khoán”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 44/2017/DS-ST ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 73/2018/QĐ-PT ngày 26/4/2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 74/2018/QĐ-PT ngày 09/5/2018, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp B; địa chỉ trụ sở: Đường M, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

- Người đại diện theo pháp luật: Ông Dương Văn S - Chức vụ: Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc.

- Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phan Quốc T - Chức vụ: Trưởng ban quản lý bảo vệ tài sản Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp B (Văn bản ủy quyền số 08/GUQ-CT ngày 20/11/2016); địa chỉ: Đường M, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

2. Bị đơn: Ông Phạm Văn D và bà Hoàng Thị H (ông D có mặt, bà H vắng mặt).

Cùng trú tại: Thôn N, xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk.

- Những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bị đơn:

+ Ông Lê Xuân Anh P - Luật sư thuộc Chi nhánh công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên TK, Đoàn Luật sư thành phố H; địa chỉ: Đường L, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

+ Bà Chu Thị V - Luật sư thuộc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn C, Đoàn Luật sư thành phố H1; địa chỉ: Tổ dân phố H, phường T, quận B, thành phố Hà Nội, vắng mặt.

+ Ông Nguyễn Đình T - Luật sư thuộc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn A, Đoàn Luật sư thành phố H; địa chỉ: Đường H, phường M, Quận S, thành phố Hồ Chí Minh, vắng mặt.

+ Ông Nguyễn Đình Thái H - Luật sư thuộc Văn phòng luật sư TH, Đoàn Luật sư thành phố Đ; địa chỉ: Đường số C, khu phố B, phường H, quận T, thành phố Hồ Chí Minh, vắng mặt.

+ Ông Đồng Hữu P - Luật sư thuộc Văn phòng luật sư Đồng Hữu P, Đoàn Luật sư tỉnh T; địa chỉ: Đường B, phường Đ, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế, vắng mặt.

+ Bà Thái Thị Diễm T - Luật sư thuộc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên TN, Đoàn Luật sư tỉnh A; địa chỉ: Đường L, phường M, thành phố L, tỉnh An Giang, vắng mặt.

3. Người kháng cáo: Ông Phạm Văn D và bà Hoàng Thị H, là bị đơn

NỘI DUNG VỤ ÁN

Về yêu cầu khởi kiện theo đơn khởi kiện và theo trình bày của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Phan Quốc T có nội dung như sau:

Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp B (sau đây gọi tắt Công ty B) đã thỏa thuận và đầu tư 100% vốn cho các hộ gia đình nhận thuê khoán vườn cây cà phê trong 4 năm đầu (01 năm trồng mới và 03 năm chăm sóc). Từ năm thứ 5 trở đi, hộ gia đình tự đầu tư và có nghĩa vụ giao nộp sản lượng hàng năm cho Công ty B theo nội dung hợp đồng giao khoán sản xuất kinh doanh vườn cây cà phê mà hai bên đã ký kết. Năm 2008, xét các điều kiện của các hộ dân chăm sóc vườn cây cà phê nhận thuê khoán, căn cứ vào năng suất, sản lượng cà phê thực tế của các hộ dân thì giữa Công ty B với các hộ dân đã có văn bản thỏa thuận sản lượng cà phê nộp giao khoán hàng năm cho công ty là 2.832 kg cà phê quả tươi/01ha.

Ngày 08/10/1999, Công ty B với ông Nguyễn Hữu L ký kết hợp đồng thuê khoán vườn cây cà phê (Sổ giao khoán vườn cây cà phê) với diện tích 1,39ha cà phê trồng năm 1996. Tại thời điểm ký kết, diện tích vườn cây thuộc tiểu khu 343 nay là tiểu khu 552, thuộc xã E, huyện C, Công ty B đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tiểu khu 552. Đến năm 2010 vợ chồng ông Phạm Văn D, bà Hoàng Thị H nhận chuyển nhượng lại của ông Nguyễn Hữu L 0,83 ha cà phê trồng năm 1996 trong tổng diện tích 1,39ha mà gia đình ông L đã nhận khoán với Công ty B. Với diện tích nhận chuyển nhượng0,83 ha thì hằng năm vợ chồng ông D, bà H phải nộp sản lượng cho công ty là 2.350,6kg cà phê quả tươi. Tại thời điểm vợ chồng ông D, bà H nhận chuyển nhượng lại vườn cây, thì ông L còn có nghĩa vụ trả nợ cho Công ty là 4.593,6 kg cà phê quả tươi, nhưng các bên đã thỏa thuận là hộ ông D nhận trả phần công nợ này, được thể hiện qua bảng chi tiết nợ sản lượng cà phê quả tươi hộ ông Phạm Văn D và biên bản đối chiếu công nợ.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, vợ chồng ông D và bà H đã thực hiện nghĩa vụ nộp sản lượng hàng năm, cụ thể như sau:

- Năm 2011, đã nộp sản lượng của năm 2011 là 2.350,6kg và đã trả đượ 893,6kg của số nợ cũ năm 2010 về trước (4.593,6 kg), nên còn nợ lại 3.700kg (theo Biên bản đối chiếu công nợ ngày 19/5/2012);

- Năm 2012, đã nộp đủ sản lượng năm 2012 là 2.350,6kg và trả được 22,1kg của nợ cũ, nên còn nợ lại là 3677,9kg (theo Biên bản đối chiếu công nợ ngày 20/2/2013);

- Năm 2013, đã nộp đủ sản lượng năm 2013 là 2.350,6kg và trả được 340,7kg của nợ cũ, nên còn nợ lại là 3337,8kg (theo Bảng chi tiết sản lượng cà phê quả tươi hộ ông D);

- Năm 2014, đã nộp đủ sản lượng năm 2014 là 2.350,6kg và trả được 724,5kg của nợ cũ, nên còn nợ lại là 2613,2kg (theo Biên bản đối chiếu công nợ ngày 19/12/2014);

- Năm 2015, sản lượng phải nộp là là 2.350,6kg, nhưng do được giảm 10% hỗ trợ hạn hán là 235,1kg và trừ 15kg diện tích giếng nước, nên phải nộp sản lượng của năm 2015 là 2100,5kg. Hộ ông D đã trả được 1.832,4kg, còn nợ 268,1kg, nên cộng với số nợ cũ 2613,2kg, thì còn nợ tổng cộng là 2881,3kg (theo Biên bản đối chiếu công nợ ngày 20/3/2016);

- Năm 2016, sản lượng phải nộp là là 2.350,6kg, nhưng được giảm 15% hỗ trợ hạn hán là 252,6kg và trừ 15kg diện tích giếng nước, nên sản lượng của năm 2015 phải nộp là 1983kg và hộ ông D chưa nộp.

Như vậy, cộng với nợ cũ còn lại là 2881,3kg, thì tính đến năm 2016 hộ ông D, bà H còn nợ sản lượng là 4.864,3kg cà phê quả tươi.

Từ năm 2013 đến năm 2014, Công ty B có thuê cơ quan chuyên môn đo đạc lại diện tích cà phê của các hộ dân đã nhận thuê khoán nên biết được diện tích vườn cây của ông D, bà H nhận giao khoán trên thực tế là 8.159,8m2  và thiếu 140,2m2 so với diện tích của hợp đồng giao khoán, nên Công ty B đã khấu trừ sản lượng phải nộp của ông D là 198,5kg và sản lượng mà ông D nộp cho ông L là 62,5kg, tổng sản lượng phải nộp được khấu trừ là 261kg. Như vậy ông D, bà H còn nợ Công ty B sản lượng là 4.603,3kg cà phê quả tươi.

Mặc dù Công ty B đã nhiều lần yêu cầu và đã cử cán bộ đến tận gia đình ông D, bà H để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ nộp sản lượng hàng năm, nhưng hộ ông D vẫn không chịu trả nợ. Do đó, Công ty B khởi kiện yêu cầu ông D, bà H phải trả 4.603,3kg cà phê quả tươi để thu hồi vốn Nhà nước.

Ý kiến trình bày của bị đơn ông Phạm Văn D, bà Hoàng Thị H và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp có nội dung như sau:

Năm 2002, ông Phạm Văn D có thỏa thuận nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Hữu L diện tích 0,6ha đất mà ông L nhận khoán với Công ty B, việc chuyển nhượng chỉ thỏa thuận miệng, không có lập giấy tờ gì và khi đó ông D chưa lấy vợ. Từ khi nhận chuyển nhượng vườn cây của ông L, hàng năm ông D vẫn thực hiện nghĩa vụ nộp sản lượng cho Công ty B nhưng đứng tên ông L để giao nộp. Đến tháng 4/2006, thì ông D lấy vợ là bà Hoàng Thị H, sau khi lấy vợ thì hai vợ chồng cùng canh tác và nộp sản lượng hàng năm. Đến năm 2010 thì vợ chồng ông D tiếp tục thỏa thuận miệng nhận chuyển nhượng thêm 0,23ha đất của ông L nhận giao khoán của Công ty B, nên tổng diện tích đất là 0.83ha. Sau khi nhận chuyển nhượng thì từ năm 2010 đến năm 2015 hàng năm vợ chồng ông D đều đã nộp sản lượng là cà phê quả tươi cho Công ty B và số lượng cà phê quả tươi nộp hàng năm đúng như nội dung mà đại diện Công ty B đã trình bày trên.

Việc Công ty B khởi kiện yêu cầu phải trả 4.603,3kg cà phê quả tươi, thì vợ chồng ông D và bà H không đồng ý trả sản lượng còn nợ, vì qua tìm hiểu thì ông D biết được nguồn gốc diện tích 0,83ha đất mà hộ ông D đang quản lý sử dụng là do ông Trần Thanh B tự khai hoang sau đó ông B chuyển nhượng lại cho ông L và ông L chuyển nhượng cho ông D, nhưng không có chứng cứ gì để cung cấp cho Tòa án.

Ông D và bà H cho rằng diện tích đất mà ông bà đang canh tác không phải là của Công ty B. Còn việc ông D và bà H ký vào các biên bản đối chiếu công nợ mà Công ty B đã cung cấp cho Tòa án là do bị nhầm lẫn và bị đe dọa, ép buộc, vì nếu không ký thì công ty sẽ thu hồi lại vườn cây.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 44/2017/DS-ST ngày 22/12/2017 của Toà án nhân dân huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Căn cứ: Khoản 1 Điều 5, khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; các Điều 501, Điều502, Điều 503, Điều 504, Điều 505, Điều 506, Điều 507, Điều 508 Bộ luật Dân sự 2005; Điều 24 và Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện và khởi kiện bổ sung của nguyênđơn Công ty trách  nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp B.

Buộc ông Phạm Văn D và bà Hoàng Thị H phải có nghĩa vụ liên đới trả 4.603,3kg cà phê quả tươi cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp B.

Về án phí: Ông Phạm Văn D và bà Hoàng Thị H phải liên đới chịu 1.841.320 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Công ty B được nhận lại số tiền 576.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số AA/2014/0042381 ngày 28 tháng 11 năm 2016 và 399.600 đồng theo biên lai số AA/2014/0040051 ngày 03 tháng3 năm 2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện C.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 29/12/2017, bị đơn ông Phạm Văn D và bà Hoàng Thị H có đơn kháng cáo Bản án dân sự sơ thẩm, với nội dung: Kháng cáo toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 44/2017/DS-ST ngày 22/12/2017 của Toà án nhân dân huyện CưM’gar, tỉnh Đắk Lắk.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Bị đơn ông Phạm Văn D và bà Hoàng Thị H vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.

Qua tranh luận, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn là Luật sư Lê Xuân Anh P trình bày ý kiến cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, cụ thể: Trong biên bản tiếp cận, công khai chứng cứ, thì chứng cứ công khai là các biên bản đối chiếu công nợ chỉ là các bản sao do Công ty tự sao y là không đúng, đây chỉ có thể coi là bản phô tô; trong phần sản lượng Công ty khởi kiện có một phần sản lượng nợ cũ từ ông L chuyển sang và ông D kế thừa nghĩa vụ của ông L, nhưng không triệu tập ông L tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là không đúng, đồng thời trách nhiệm cung cấp địa chỉ của ông L là của Công ty chứ không phải của ông D; ông Trần Thanh B là người khai hoang đất và bán cho ông L, tại phiên tòa sơ thẩm có hỏi ông B, nhưng không xác định tư cách tham gia và đưa tên của ông B vào Bản án là không đúng. Về nội dung: Quan hệ hợp đồng giao khoán này là nhầm lẫn, vì nguồn gốc đất là do các hộ khai hoang mà có nên sẽ được Nhà nước xem xét, công nhận quyền sử dụng đất và do là đất khai hoang nên Công ty B không có quyền sử dụng đất đối với thửa đất ông D, bà H đang quản lý. Công ty cho rằng bỏ ra đầu tư 04 năm đầu, sau đó mới thu sản lượng, nhưng trong hợp đồng giao khoán thì lại xác định thu sản lượng từ năm 1999, là không hợp lý và không đúng, như vậy không thể có việc cà phê trồng năm 1996 như công ty xác định được, điều này chứng minh việc bị nhầm lẫn khi ký kết hợp đồng. Việc bị đơn ký vào các biên bản đối chiếu công nợ hàng năm là do bị đe dọa, ép buộc vì nếu không ký thì công ty sẽ thu lại vườn cây và thời điểm đó có việc người dân nhận khoán bị nhân viên công ty hành hung. Như vậy, Hợp đồng giao khoán giữa các bên ký kết là vô hiệu do giả tạo, nhầm lẫn, đe dọa và ép buộc, nên việc Công ty khởi kiện là không có căn cứ. Hiện nay ông D đã có đơn khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W669xx ngày 31/12/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đ đã cấp cho Công ty B, đối với phần đất ông D đang quản lý. Ông D đã có đơn yêu cầu tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án để chờ kết quả giải quyết vụ án hành chính, Tòa án đã có văn bản trả lời với nội dung không chấp nhận đơn của ông D, do đó đề nghị tạm ngừng phiên tòa, để xem xét việc tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án. 

Bị đơn ông Phạm Văn D đồng ý với ý kiến của Luật sư đã trình bày và không bổ sung gì thêm.

Đại diện nguyên đơn cho rằng: Về nguồn gốc đất mà phía bị đơn đưa ra chỉ là sự trình bày từ một phía nhưng không có chứng cứ gì; về sản lượng phải nộp hàng năm của hộ nhận khoán thì đã có thông báo trước thời gian thu hoạch, sản lượng do hộ nhận khoán nộp tại kho của công ty và hàng năm giữa công ty và hộ nhận khoán đều có các biên bản đối chiếu công nợ, nên việc bị đơn cho rằng bị đe dọa, ép buộc, là hoàn toàn không có căn cứ.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên tòa trình bày ý kiến xác định: Trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán cũng như tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và các đương sự đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Về nội dung vụ án: Qua các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của các bên đương sự, có đủ căn cứ xác định: Ông Nguyễn Hữu L đã ký kết hợp đồng giao khoán vườn cây cà phê với diện tích 1,39ha của Công ty B. Đến năm 2002 và 2010 ông L đã chuyển nhượng lại cho vợ chồng ông D, bà H 0,83ha. Quá trình làm việc tại Tòa án và tại phiên tòa, vợ chồng ông D, bà H thừa nhận từ năm 2010 đến năm 2015, vợ chồng ông, bà có nộp sản lượng cho Công ty trong đó có phần nghĩa vụ của vợ chồng ông và phần nghĩa vụ còn lại của ông L. Qua các bản đối chiếu công nợ hàng năm xác định vợ chồng ông D, bà H còn nợ Công ty B tổng sản lượng phải nôp tính tới năm 2016 là 4603,3kg cà phê quả tươi. Như vậy, Công ty B khởi kiện buộc ông D, bà H phải trả cho công ty 4603,3kg cà phê quả tươi là có căn cứ và Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là đúng theo quy định của pháp luật. Do vậy, kháng cáo của bị đơn Phạm Văn D và bà Hoàng Thị H là không có căn cứ để chấp nhận. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Phạm Văn D và bà Hoàng Thị H, giữ nguyên Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, lời trình bày của các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Người kháng cáo là bà Hoàng Thị H vắng mặt tại phiên tòa lần thứ hai, tuy nhiên bà H và ông Phạm Văn D là vợ chồng và có cùng nội dung kháng cáo, ông D có mặt tại phiên tòa. Do đó, việc bà H vắng mặt không ảnh hưởng đến việc xét xử, nên Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án vắng mặt bà H. Tại phiên tòa phúc thẩm, những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn là các Luật sư: Chu Thị V, Nguyễn Đình T, Nguyễn Đình Thái H, Đồng Hữu P và Thái Thị Diễm T, đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai, nhưng vắng mặt không có lý do. Căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vắng mặt các Luật sư này, là phù hợp với quy định của pháp luật.

[2] Về nội dung: Đối với yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Phạm Văn D và bà Hoàng Thị H, Hội đồng xét xử xét thấy:

2.1. Ngày 08/10/1999, Công ty B với ông Nguyễn Hữu L có ký kết hợp đồng thuê khoán vườn cây cà phê (Sổ giao khoán vườn cây cà phê) với diện tích 1,39ha. Sau đó ông L đã chuyển nhượng lại cho vợ chồng ông Phạm Văn D và bà Hoàng Thị H diện tích 0,83ha, mặc dù việc chuyển nhượng không được lập thành văn bản, nhưng quá trình canh tác diện tích vườn cây cà phê, gia đình ông D, bà H vẫn nộp đủ sản lượng cho Công ty B và đứng tên ông L là người nộp. Từ sau năm 2010 đến năm 2015, vợ chồng ông D, bà H đều nộp sản lượng cho công ty và hàng năm đều ký vào các bản đối chiếu công nợ của Công ty B. Như vậy, việc chuyển nhượng vườn cây giữa ông Nguyễn Hữu L với vợ chồng ông D, bà H mặc dù không lập văn bản, nhưng đã được Công ty B chấp nhận, nên việc thực hiện hợp đồng giao khoán giữa vợ chồng ông D, bà H với Công ty B là tự nguyện, đã được sự đồng ý của Công ty B, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 4 của hợp đồng giao khoán và khoản 3 Điều 508 Bộ luật dân sự năm 2005, nên hợp đồng thuê khoán có hiệu lực. Căn cứ vào các biên bản đối chiếu công nợ từ năm 2012 tới năm 2016 (các bút lục 154, 155, 156, 157) giữa Công ty B với vợ chồng ông D, bà H và Bảng chi tiết nợ sản lượng hộ ông Phạm Văn D (bút lục 158), thì tính đến thời điểm hết năm 2016, vợ chồng ông D, bà H còn nợ Công ty B sản lượng theo hợp đồng thuê khoán là 4603,3kg cà phê quả tươi. Đồng thời, ông Phạm Văn D và bà Hoàng Thị H đã thừa nhận có ký các biên bản đối chiếu công nợ hàng năm về xác định sản lượng cà phê quả tươi còn nợ Công ty B.

2.2. Đối với ý kiến của ông D và ý kiến của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn cho rằng nguồn gốc đất là do ông B khai hoang sau đó chuyển nhượng lại cho ông L, nên Công ty B không có quyền sử dụng đất đối với phần đất mà vợ chồng ông D đang quản lý và việc bị đơn ký vào các Biên bản đối chiếu công nợ là do bị nhầm lẫn, đe dọa và bị ép buộc, là không có căn cứ chấp nhận. Bởi lẽ: Tại thời điểm ông L ký kết hợp đồng thuê khoán, diện tích này thuộc tiểu khu 343 nay là tiểu khu 552, thuộc xã E, huyện C và Công ty B đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tiểu khu 552; ông L đã ký kết hợp đồng, tức là đã thừa nhận vườn cây cà phê là của Công ty B; vợ chồng ông D, bà H nhận chuyển nhượng từ ông L vườn cây mà ông L đã nhận khoán của công ty và đã canh tác, sản xuất từ thời điểm nhận chuyển nhượng (năm 2002 và năm 2010) cho đến nay và đã nộp sản lượng từ khi thuê khoán cho đến năm 2015; việc ông D, bà H cho rằng các biên bản đối chiếu công nợ với công ty là do bị công ty đe dọa, ép buộc và nhầm lẫn, vì nếu không ký sẽ bị thu lại vườn cây, nhưng bị đơn không cung cấp được chứng cứ để chứng minh cho lời trình bày của mình, đồng thời phía Công ty B xác định việc đối chiếu và ký biên bản là hoàn toàn tự nguyện, trên cơ sở đối chiếu công nợ hàng năm.

2.3. Như vậy, có đủ cơ sở khẳng định: Tính đến thời điểm hết năm 2016, thì vợ chồng ông Phạm Văn D, bà Hoàng Thị H còn nợ Công ty B sản lượng theo hợp đồng thuê khoán là 4603,3kg cà phê quả tươi. Ông Phạm Văn D và bà Hoàng Thị H không nộp đủ sản lượng cà phê hàng năm là vi phạm khoản 4 Điều 3 Hợp đồng thuê khoán và Điều 506 Bộ luật dân sự năm 2005. Do đó việc Công ty B khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông D và bà H phải trả sản lượng cà phê thuê khoán còn nợ là có cơ sở. Bản án sơ thẩm đã tuyên buộc vợ chồng ông Phạm Văn D và bà Hoàng Thị H phải có nghĩa vụ trả cho Công ty B 4603,3kg cà phê quả tươi còn nợ là có căn cứ và đúng pháp luật. Do đó kháng cáo của bị đơn là không có cơ sở, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận mà cần giữ nguyên Bản án sơ thẩm là đúng đắn.

2.4. Đối với ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, Hội đồng xét xử xét thấy: Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành thủ tục tiếp cận, công khai chứng cứ đúng quy định theo Điều 208 và Điều 209 của Bộ luật tố tụng dân sự; các biên bản đối chiếu công nợ mặc dù là do Công ty B sao y, nhưng ông D đã thừa nhận đó chữ ký của mình và sau đó Tòa án đã yêu cầu nguyên đơn giao nộp các bản chính lưu hồ sơ vụ án; đối với ông Nguyễn Hữu L, Tòa án cấp sơ thẩm đã nhiều lần yêu cầu các đương sự cung cấp địa chỉ của ông L, nhưng đương sự không cung cấp được, nên không thể đưa ông L vào tham gia tố tụng. Do đó ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, là không có căn cứ chấp nhận.

2.5. Về ý kiến của của Luật sư đề nghị tạm ngừng phiên tòa, để xem xét việc tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án, xét thấy: Ngày 28/5/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhận được “Đơn đề nghị” của ông Phạm Văn D và bà Hoàng Thị H, với nội dung đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk ra quyết định tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả vụ án hành chính. Tuy nhiên, trong vụ án này nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả sản lượng cà phê quả tươi còn nợ hàng năm của hợp đồng thuê khoán vườn cây và hợp đồng thuê khoán được ký kết giữa Công ty B với ông Nguyễn Hữu L vào ngày 08/10/1999, sau đó ông L chuyển nhượng vườn cây nhận khoán cho ông Phạm Văn D và bà Hoàng Thị H. Như vậy, nguyên đơn chỉ khởi kiện tranh chấp về sản lượng cà phê, mà không tranh chấp về diện tích đất nhận khoán và hợp đồng thuê khoán được ký kết trên cơ sở tự nguyện, thời điểm ký kết hợp đồng là năm 1999 và vườn cây được trồng từ năm 1996, diện tích đất giao khoán thuộc quyền quản lý của Công ty B. Do đó, việc ông D và bà H có đơn khởi kiện vụ án hành chính với nội dung: Yêu cầu hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W669xx ngày 31/12/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đ, về việc chứng nhận cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp B được quyền sử 1.500.000.000m2 tọa lạc lại Tiểu khu 558, xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk, thì không có liên quan đến vụ này; đồng thời, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có Công văn số 456/2018/TA, ngày 29/5/2018, trả lời đơn cho ông D và bà H, với nội dung không chấp nhận đơn đề định tạm đình chỉ vụ án dân sự. Do đó, ý kiến của của Luật sư đề nghị tạm ngừng phiên tòa, để xem xét việc tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án, là không có cơ sở chấp nhận.

[3] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên ông Phạm Văn D và bà Hoàng Thị H phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Áp dụng: Điều 501 và Điều 506 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 24, Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Nghị quyết 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn ông Phạm Văn D và bàHoàng Thị H, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 44/2017/DS-ST ngày 22/12/2017 của Toà án nhân dân huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

Tuyên xử:

[1] Chấp nhận yêu cầu khởi kiện và yêu cầu khởi kiện bổ sung của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp B.

Buộc ông Phạm Văn D và bà Hoàng Thị H phải có nghĩa vụ trả cho Côngty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp B sản lượng còn nợ là 4.603,3kg cà phê quả tươi.

[2] Về án phí: Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Phạm Văn D và bà Hoàng Thị H phải chịu 1.841.320 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp B được nhận lại số tiền 576.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số AA/2014/0042381 ngày 28 tháng 11 năm 2016 và 399.600 đồng theo biên lai số AA/2014/0040051 ngày 03 tháng 3 năm 2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Đắk Lắk. 

Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Phạm Văn D và bà Hoàng Thị H, mỗi  người phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm là 600.000 đồng đã nộp theo biên lai thu số AA/2017/0001927 ngày 29/12/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Đắk Lắk.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

655
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 82/2018/DS-PT ngày 31/05/2018 về tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản, nghĩa vụ trả tiền thuê khoán

Số hiệu:82/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 31/05/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về