Bản án 77/2020/DS-PT ngày 29/05/2020 về tranh chấp chia di sản thừa kế và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 77/2020/DS-PT NGÀY 29/05/2020 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ VÀ YÊU CẦU HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 29 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 287/2019/TLPT-DS ngày 09 tháng 12 năm 2019 về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” do có kháng cáo của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 26/2019/DS-ST ngày 10 tháng 9 năm 2019 của Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 3694/2020/QĐ-PT ngày 13 tháng 5 năm 2020 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Vũ Thị T, sinh năm 1951; trú tại: Đội 13, thôn H, xã H, huyện T, tỉnh Hải Dương; có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông Nguyễn Kiều Đ - Văn phòng luật sư A, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương; có mặt.

- Bị đơn: Ông Vũ Văn T1, sinh 1958; Nơi ĐKHKTT: Phường A, thành phố H, tỉnh Hải Dương; trú tại: Thôn H, xã H, huyện T, tỉnh Hải Dương; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. UBND huyện T, tỉnh Hải Dương Người đại diện theo pháp luật: Ông Trịnh Văn T2 - Chủ tịch UBND huyện T, tỉnh Hải Dương.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Đức B - Trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện T, tỉnh Hải Dương; vắng mặt và có văn bản xin vắng mặt tại Tòa án các cấp-BL226).

2. Bà Vũ Thị C, sinh năm 1955; trú tại: Đội 13, thôn H, xã H, huyện T, tỉnh Hải Dương; có mặt.

3. Bà Vũ Thị K, sinh năm 1958; trú tại: Thôn T, phường A, thành phố H, tỉnh Hải Dương; có mặt.

4. Ông Vũ Văn T3, sinh năm 1963; trú tại: Thôn H, xã H, huyện T, tỉnh Hải Dương; có mặt.

5. Bà Nguyễn Thị M (tên gọi khác Vũ Thị M), sinh năm 1960; trú tại:

Thôn C, xã T, huyện T, tỉnh Hải Dương; có mặt.

6. Bà Vũ Thị T4, sinh năm 1962 và ông Nguyễn Xuân D, sinh năm 1956; Địa chỉ hiện nay: GontermannstraBe75, 12101 Berlin, Cộng hòa liên bang Đức; vắng mặt. Người đại diện theo ủy quyền của bà T4, ông D: Bà Vũ Thị T, sinh năm 1951; trú tại: Đội 13, thôn H, xã H, huyện T, tỉnh Hải Dương; có mặt (Văn bản ủy quyền ngày 10/10/2017 và 24/6/2019)

7. Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1971; trú tại: Thôn H, xã H, huyện T, tỉnh Hải Dương; có mặt.

8. Bà Trịnh Thị T5, sinh năm 1968; trú tại: Thôn H, xã H, huyện T, tỉnh Hải Dương; vắng mặt Người đại diện theo ủy quyền của bà T5: Ông Vũ Văn T3, sinh năm 1963;

trú tại: Thôn H, xã H, huyện T, tỉnh Hải Dương; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện ngày 16/11/2017 và quá trình tố tụng, nguyên đơn là bà Vũ Thị T trình bày: Bố, mẹ bà là cụ Nguyễn Thị L (chết ngày 01/01/1997) và cụ Vũ Văn T6 (chết ngày 25/8/2014) sinh được chín người con gồm: Bà Vũ Thị T, bà Vũ Thị C, ông Vũ Văn V (chết năm 1979 không có vợ con), bà Vũ Thị K, ông Vũ Văn T7 (chết khi còn nhỏ), ông Vũ Văn T1, bà Nguyễn Thị M (tên gọi khác Vũ Thị M), bà Vũ Thị T4 và ông Vũ Văn T3. Hai cụ không có con nuôi và con riêng.

Khi còn sống, cụ T6 và cụ L tạo lập được khối tài sản gồm: - Các thửa đất thổ cư: số 23a diện tích 383,0 m2; số 24 diện tích 473,0 m2; số 23b diện tích 358,0 m2; Tổng diện tích 03 thửa = 1.214,0 m2.

- Các thửa đất ao: số 52 diện tích 276,0 m2; số 38 diện tích 74,0 m2. Tổng diện tích 02 thửa = 350,0 m2.

Địa chỉ tại thôn H, xã H, huyện T, tỉnh Hải Dương. Thuộc tờ bản đồ số 21.Trên đất có nhà cấp 4 cũ mái lợp ngói. Nguồn gốc diện tích đất trên do ông cha để lại cho cụ T6 và cụ L.

Cụ L chết không để lại di chúc, di sản của cụ L vẫn do cụ T6 và ông T3 quản lý sử dụng. Năm 2009, cụ T6 phá nhà cấp 4 cũ lợp ngói xây thay bằng nhà cấp 4 một tầng khác mái đổ bê tông cốt thép, diện tích xây dựng khoảng 60 m2, nguồn tiền xây dựng một phần của cụ T6, phần lớn còn lại do bà T4 gửi về từ Đức cho cụ T6.

Sau khi cụ T6 chết được hơn 49 ngày, vợ chồng ông T1, bà N tự ý chiếm nhà đất của cụ T6 sử dụng và không cho bà cùng nhiều người con khác vào thắp hương, cúng giỗ tổ tiên làm phát sinh mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp. Quá trình giải quyết tranh chấp, bà biết được năm 2001 toàn bộ thửa đất của cụ L và cụ T6 đã bị phân thành 3 phần cho ba chủ hộ:

- Cụ T6 sử dụng thửa đất thổ cư số 23a diện tích 383,0 m2 + thửa ao số 52 diện tích 276,0 m2 .

- Ông T1 đứng tên sử dụng thửa đất thổ cư số 24 diện tích 473 m2 + thửa ao số 38 diện tích 74,0 m2 .

- Ông T3 đứng tên sử dụng thửa đất thổ cư số 23b diện tích 358,0 m2.

Năm 2001 cụ T6, ông T1 và ông T3 đều được UBND huyện T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Năm 2005 cụ T6 tách tặng cho bà T4 được quyền sử dụng thửa ao số 52 diện tích 276,0 m2, bà T4 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2005.

Sau khi phát hiện UBND huyện T cấp giấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng pháp luật, bà đã làm đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND huyện T. UBND huyện T đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho cụ T6, ông T1 và ông T3.

Nay bà khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại theo quy định của pháp luật, gồm: - Quyền sử dụng 1.214,0 m2 đất thổ cư thuộc các thửa đất: số 23a diện tích 383,0 m2; số 24 diện tích 473,0 m2; số 23b diện tích 358,0 m2;

- Quyền sử dụng 74,0m2 đất ao thuộc thửa số 38.

- Ngôi nhà cấp 4 một tầng xây dụng khoảng 60 m2.

Đối với yêu cầu phản tố của ông T1: Bà nhất trí một phần với yêu cầu phản tố của ông T1 là đưa diện tích đất ao tại thửa 52 tờ bản đồ số 21 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà T4 và ông D là di sản thừa kế. Tuy nhiên, không nhất trí với yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà T4 và ông D vì bà đề nghị chia di sản thừa kế diện tích đất ao cho bà T4 và ông D được hưởng. Đồng thời, đề nghị chia cho bà, bà M, bà K được hưởng thừa kế bằng hiện vật là diện tích đất và ngôi nhà nằm trên diện tích đất đó. Chia cho bà T4 và ông D được hưởng thừa kế bằng hiện vật đối với diện tích đất ao là thửa 52 Tờ bản đồ 21 tại Thôn H, xã H, huyện T, tỉnh Hải Dương. Các bà sẽ có trách nhiệm thanh toán giá trị chênh lệch phần thừa kế được chia cho các đồng thừa kế khác nếu kỷ phần của các bà được hưởng nhiều hơn nếu họ có yêu cầu. Còn nếu được hưởng ít hơn thì các bà không yêu cầu ông Vũ Văn T3 phải thanh toán giá trị chênh lệch cho bà, bà M, bà K, bà T4 còn các đồng thừa kế còn lại phải trả chênh lệch giá trị cho các bà theo quy định.

Bà đề nghị xem xét tính hợp pháp của di chúc đã được chứng thực tại UBND xã H với lý do di chúc của cụ T6 không hợp pháp vì di sản của cụ L chưa được chia và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản để thừa kế trong di chúc đã bị thu hồi, hủy bỏ nên thửa đất trong di chúc không còn là tài sản riêng của cụ T6. Hiện tại về mặt pháp lý quyền sử dụng đất này có một phần tài sản của cụ T6, một phần là tài sản của cụ L. Do thửa đất số 23 cụ T6 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị thu hồi nên thửa đất này không phải là tài sản của cụ T6. Do đó, cụ T6 không có quyền để thừa kế cho bất cứ ai, tính hợp pháp của di chúc không còn thì cũng không thể trừ đi 383m2 hoặc một nửa số diện tích này cho vợ chồng ông T1; nếu trong di chúc chỉ nêu để lại phần tài sản trong tài sản chung với bà L thì mới hợp pháp còn nên rõ số thửa, diện tích theo giấy chứng nhận trong di chúc là không hợp pháp vì trong thửa đất để thừa kế có cả di sản của cụ L.

Tại đơn phản tố ngày 09/3/2018 và quá trình tố tụng, bị đơn là ông Vũ Văn T1 trình bày: Thống nhất với trình bày của nguyên đơn về quan hệ huyết thống, hàng thừa kế và di sản thừa kế của bố mẹ là cụ T6 và cụ L để lại. Ông T1 cho rằng trên đất có 01 nhà cấp 4 đã được xây dựng và sử dụng trên 40 năm, đã bị mối mọt nên năm 2009 cụ T6 quyết định tháo dỡ để làm nhà mới và chỉ định vợ chồng ông là người đứng ra làm nhà cho cụ. Vợ chồng ông phải bán chiếc xe ô tô là phương tiện làm ăn duy nhất để làm nhà cho cụ ở những năm tháng còn lại. Tháng 6/2009, nhà xây xong vợ chồng ông T3 bà T5, bà T, bà K cùng có yêu sách đòi cụ T6 phải đánh 7 bộ chìa khóa để mọi người có quyền tự do ra vào như nhà tập thể. Cụ T6 không đồng ý và không cho những người này về giỗ tết. Vì bị cấm không được về giỗ tết và biết được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông đã được chỉnh sửa lại đúng nguyện vọng của cụ T6 và đứng tên vợ chồng ông. Ông T3 đã làm đơn lên xã kiện cụ T6 đòi phần đất của cụ L.

Tháng 8/2014 cụ T6 chết, những người này vẫn tiếp tục đòi 7 bộ chìa khóa và đòi ra vào như tập thể, ông không đồng ý. Năm 2015 bà T có đơn kiện nhưng đơn khởi kiện của bà T còn thiếu thửa 52 diện tích 267 m2 đất ao mà cụ T6 chuyển nhượng cho bà T4. Ông đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho vợ chồng bà Vũ Thị T4, ông Nguyễn Văn D và đề nghị chia di sản theo di chúc, phần tài sản còn lại ngoài di chúc đề nghị chia đều cho các đồng thừa kế và đề nghị được nhận bằng hiện vật. Nếu Tòa án chia tài sản cho các thừa kế có phần cây cối, hoa màu, vật kiến trúc trên đất do ông và bà N trồng và được hưởng, ông và bà N sẽ tự tháo dỡ.

Về công sức duy trì, tôn tạo di sản thừa kế: Vợ chồng ông không yêu cầu tòa án giải quyết.

Bà Nguyễn Thị N thống nhất với ý kiến trình bày của ông T1.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Vũ Văn T3 trình bày:

Thống nhất với trình bày của nguyên đơn, bị đơn về quan hệ huyết thống, hàng thừa kế và tài sản của hai cụ T6 và cụ L để lại.

Trên đất có 01 nhà cấp 4 nhưng năm 2009 bố ông đã đập đi và xây lại 01 nhà mái bằng 01 tầng diện tích 60 m2. Bố ông là người xây dựng nhà nên căn nhà trên đất cũng là di sản thừa kế của bố ông để lại. Ông đề nghị chia di sản thừa kế nhà, đất nêu trên.

Đối với thửa đất ao số 52 do cụ T6 bán cho bà T4, nhưng không có căn cứ về việc bán. Bà T4 không yêu cầu về khoản tiền bỏ ra mua đất và đề nghị chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật trong đó bao gồm cả thửa ao của bà T4.

Hiện nay ông đang sử dụng diện tích đất tại thửa 23b diện tích 358 m2 trên đất có 01 nhà mái bằng và công trình phụ lối liền diện tích khoảng 90 m2; khu vực chăn nuôi khoảng 50 m2; lán bán mái khoảng 30 m2; bể nước khoảng 12 m3; sân và lối đi trạt xi măng khoảng 60 m2; tường bao xây gạch ba banh và gạch chỉ; Về công sức duy trì, tôn tạo di sản thừa kế: Vợ chồng ông không yêu cầu tòa án giải quyết.

Ông nhất trí với yêu cầu khởi kiện, yêu cầu bổ sung của bà T và yêu cầu phản tố của ông T1. Ông đề nghị được hưởng bằng hiện vật là phần diện tích đất có nhà trên đất do vợ chồng ông xây tại thửa số 23b Tờ bản đồ số 21 diện tích 358m2. Nếu kỷ phần thừa kế của ông được hưởng nhiều hơn thì ông sẽ có trách nhiệm trả giá trị chênh lệch cho các đồng thừa kế khác nếu có yêu cầu. Ông T3 có quan điểm phần đất ông được chia đề nghị Tòa án giao cho ông và bà T5 quản lý, sử dụng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị M trình bày:

Thống nhất với trình bày của nguyên đơn, bị đơn về quan hệ huyết thống, hàng thừa kế và tài sản của hai cụ T6 và cụ L để lại.

Trên đất có 01 nhà cấp 4 nhưng do cũ nên năm 2009 đã đập đi và xây lại nhà mái bằng 01 tầng diện tích 60 m2. Vợ chồng bà có công sức tháo dỡ nhà cũ và lấy gạch ngói cũ để xây móng nhà. Khi bố bà công tác trong Đà Nẵng được cấp nhà trong đó nên khi về Bắc, bố bà đã bán nhà trong đó cùng với lương hưu nên tiền xây dựng nhà là của bố bà (cụ T6) và bà T4 ở nước ngoài có gửi tiền về. Bà xác định bố bà là người xây dựng nhà nên căn nhà đó là di sản của bố bà để lại và đề nghị chia di sản thừa kế là nhà và đất nêu trên.

Đối với thửa đất ao số 52 do cụ T6 bán cho bà T4, nhưng không có căn cứ về việc bán. Bà T4 không yêu cầu về khoản tiền bỏ ra mua đất và đề nghị chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật trong đó bao gồm cả thửa ao của bà T4.

Bà nhất trí với yêu cầu khởi kiện, yêu cầu bổ sung của bà T và yêu cầu phản tố của ông T1. Bà không yêu cầu về công sức tháo dỡ công trình nhà cũ của bố bà để xây nhà mới.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Vũ Thị C trình bày:

Thống nhất với trình bày của nguyên đơn, bị đơn về quan hệ huyết thống, hàng thừa kế và tài sản của hai cụ T6 và cụ L để lại.

Năm 2014, cụ T6 chết có để lại di chúc cho vợ chồng ông T1 và bà N. Bà nhất trí với nội dung di chúc.

Đối với toàn bộ công trình hiện ông T3 đang quản lý sử dụng là do cụ T6 và anh em trong gia đình cùng xây dựng. Tuy nhiên, nếu chia thừa kế bà đề nghị để lại nguyên công trình đó cho ông T3 được tiếp tục quản lý, sử dụng. Bà xác định căn nhà mái bằng trên đất hiện nay do vợ chồng ông T1 xây dựng và cụ T6 đã có di chúc để lại nhà cho vợ chồng ông T1, bà N nên bà không đồng ý việc bà T yêu cầu được hưởng thừa kế là nhà một tầng hiện do ông T1, bà N đang quản lý sử dụng.

Bà nhất trí yêu cầu phản tố của ông T1, đề nghị chia di sản thừa kế cho ông T1 theo di chúc do cụ T6 để lại; phần tài sản còn lại ngoài di chúc thì đề nghị chia đều cho các đồng thừa kế. Bà đề nghị được hưởng thừa kế bằng hiện vật và tự nguyện cho ông T1 và bà N kỷ phần thừa kế của bà được hưởng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Vũ Thị K trình bày:

Bà được nghe cụ 6 và bà T4 kể lại việc cụ T6 chuyển nhượng thửa ao số 52 cho bà T4 với giá 15.000.000 đồng và làm giấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà T4, bà không được chứng kiến. Bà có ký vào hợp đồng chuyển nhượng giữa cụ T6 và bà T4, đồng thời cũng đồng ý với việc chuyển nhượng trên. Bà xác định thửa ao số 52 đã chuyển nhượng hợp pháp cho bà T4 nên không phải di sản thừa kế của bố mẹ bà. Bà đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà T và không đồng ý với yêu cầu phản tố của ông T1.

Đối với căn nhà là do cụ T6 xây dựng, tiền xây nhà là của cụ T6 và các con cho cụ để xây nhà nên căn nhà cũng là di sản thừa kế của bố bà để lại.

Bà Vũ Thị T4, ông Nguyễn Văn D đã ủy quyền cho bà Vũ Thị T và thống nhất với ý kiến của và T.

Bà Nguyễn Thị T5 (là vợ của ông T3) đã ủy quyền cho ông Vũ Văn T3 và thống nhất với ý kiến của ông T3.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là UBND huyện T do người đại diện theo ủy quyền là ông Phạm Đức B- Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện T, tỉnh Hải Dương trình bày: Căn cứ vào Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 22/7/2005 đã được UBND xã H chứng thực giữa bà Vũ Thị T4, ông Nguyễn Văn D và cụ Vũ Văn T6, UBND huyện T đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Vũ Thị T4 và ông Nguyễn Xuân D. Bà T4, ông D đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính nên UBND huyện khẳng định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà T4 và ông D đúng theo quy định của pháp luật, đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

* Kết quả xem xét thẩm định của Tòa án thể hiện diện tích đất của cụ L và cụ T6 để lại là 1.305 m2 đất ở và 291 m2 đất ao, diện tích tăng so với nguồn gốc đất của hai cụ. Theo UBND xã H diện tích đất tăng là do đo đạc. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 26/2019/DSST ngày 10/9/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương quyết định:

1/ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Vũ Thị T về chia di sản thừa kế theo pháp luật của cụ Vũ Văn T6 và cụ Nguyễn Thị L. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Vũ Văn T1 về yêu cầu chia thừa kế đối với diện tích ao số 52 do cụ Vũ Văn T6 chuyển nhượng cho bà Vũ Thị T4 và ông Nguyễn Văn D.

2/ Không chấp nhận yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 343540 của UBND huyện T đã cấp ngày 15/8/2005 cho bà Vũ Thị T4 và ông Nguyễn Văn D diện tích ao 276 m2 tại thửa 52 tờ bản đồ số 21 tại thôn H, xã H, huyện T, tỉnh Hải Dương của ông Vũ Văn T1.

3/ Xác định di chúc ngày 06/7/2009 đã được chứng thực tại UBND xã H của cụ Vũ Văn T6 là hợp pháp. Cụ T6 đã di chúc cho ông Vũ Văn T1 và bà Nguyễn Thị N diện tích đất 383 m3 trên đất có nhà và các công trình trên đất.

4/ Chấp nhận sự tự nguyện của bà Vũ Thị T4 và ông Nguyễn Văn D về việc đưa diện tích 276 m2 đất ao thuộc thửa 52 tờ bản đồ số 21 để chia thừa kế theo pháp luật.

5/ Xác nhận diện tích đất ở 1.305 m2 đất ở và 291 m2 đất ao là tài sản của cụ Nguyễn Thị L và cụ Vũ Văn T6.

B/ Về chia thừa kế:

- Xác nhận phần giá trị di sản của cụ L để lại = 1.315.185.000 đồng chia cho 8 xuất thừa kế = 164.398.125 đồng/ xuất.(làm tròn 164.398.100 đồng) - Xác định phần giá trị di sản của cụ T6 để lại = 1.315.185.000đ + xuất thừa kế của cụ L 164.398.125 đồng = 1.479.583.125 đồng. Trừ đi phần di chúc cụ T6 để lại cho ông T1 bà N 383m2 x 2.000.000đ/m2 = 766.000.000 đồng. Phần giá trị di sản còn lại của cụ T6 là: 1.479.583.125 đồng – 766.000.000 đồng = 713.583.125 đồng chia cho 7 xuất thừa kế = 101.940.446 đồng/ xuất.(làm tròn 101.940.400 đồng) - Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của cụ L gồm 8 người: Cụ Vũ Văn T6, bà Vũ Thị T, bà Vũ Thị C, bà Vũ Thị K, ông Vũ Văn T1, bà Nguyễn Thị M ( Vũ Thị M), bà Vũ Thị T4, ông Vũ Văn T3.

- Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của cụ T6 gồm 7 người: Bà Vũ Thị T, bà Vũ Thị C, bà Vũ Thị K, ông Vũ Văn T1, bà Nguyễn Thị M (Vũ Thị M), bà Vũ Thị T4, ông Vũ Văn T3. * Xác nhận một xuất thừa kế theo pháp luật được hưởng 164.398.125 đồng + 101.940.446 đồng = 266.338.571 đồng. (làm tròn 266.338.500 đồng).

* Chấp nhận sự tự nguyện của bà Vũ Thị C cho ông T1 hưởng xuất thừa kế của mình.

* Chấp nhận sự tự nguyện của các bà T, bà M, bà K, bà T4 không yêu cầu ông T3 phải trả giá trị tài sản còn thiếu cho các bà.

* Ông T1 bà N được hưởng theo di chúc là 383 m2 đất ở trị giá 766.000.000 đồng và hai xuất thừa kế = 266.338.500 đồng x 2 người (ông T1 và bà C) = 532.677.000 đồng. Tổng giá trị tài sản ông T1 bà N được hưởng là 766.000.000 đồng + 532.677.000 đồng= 1.298.677.000 đồng.

* Các bà T, bà M, bà K, bà T4, ông T3 mỗi người được hưởng tài sản trị giá 266.338.500 đồng.

C/ Về chia hiện vật:

1. Giao cho ông Vũ Văn T1 và bà Nguyễn Thị N quản lý, sử dụng diện tích đất có vị trí, kích thước cụ thể như sau:

- Phía Bắc giáp phần đất đường đi chung dài 15,2m.

- Phía Nam giáp hộ ông G dài 6,6m + 6,9m + 7,9 m = 21,4 m.

- Phía Đông giáp phần đất giao cho bà T, bà M, bà K dài 32,4 m.

- Phía Tây giáp phần đất giao cho ông T3 dài 4,7 m + 12,4 m = 17,1 m.

Diện tích = 568m2, trị giá 1.136.000.000 đồng + 18 m2 đường đi chung, trị giá 36.000.000 đồng. Tổng trị giá = 1.172.000.000 đồng. (Kích thước theo sơ đồ hình OPHIKM) Giao cho ông Vũ Văn T1 và bà Nguyễn Thị N được sở hữu các tài sản trên đất gồm: Tường bao xây gạch ba banh 4,7m + 12,4m; Sân bê tông 77 m2; Bể nước 6 m2; Nhà cấp 4 81 m2; sân gạch 82 m2; mái tôn; 05 cây cau; 04 cây mít;

05 cây bưởi; 02 cây nhãn; 01 cây chay; 01 cây na; 02 cây hồng xiêm; 01 cây vải;

01 cây chanh, 01 cây sung. Trị giá công trình xây dựng là 267.708.000 đồng.

2. Giao cho ông Vũ Văn T3 bà Nguyễn Thị T5 quản lý, sử dụng diện tích đất có vị trí, kích thước cụ thể như sau:

- Phía Bắc giáp đường đi của xóm dài 8,6m.

- Phía Nam giáp hộ ông T8 dài 0,4m + 4,6 m+ 4,9 m = 9,9 m. và giáp hộ ông T1 dài 6,8 m - Phía Đông giáp phần đất đường đi chung dài 12,8m và giáp phần đất giao cho ông T1 dài 4,7m + 12,4m = 17,1 m.

- Phía Tây giáp hộ ông T8 và ông T9 dài 3,9m + 2,3 m+ 7,3 m + 1,8 m + 1 m + 15,7 m = 32 m.

Diện tích = 377 m2, trị giá 754.000.000 đồng (Kích thước theo sơ đồ hình ABMKN) Giao cho ông Vũ Văn T3 bà Nguyễn Thị T5 được sở hữu các tài sản trên đất gồm: Sân 134 m2; nhà 73 m2; bể 8 m2; công trình 60 m2; pro 24 m2; tôn 5 m2; tôn 12 m2; 04 cay na; 03 cây hồng xiêm; 01 cây sấu.

3. Giao cho bà Vũ Thị T; bà Nguyễn Thị M (Vũ Thị M) và bà Vũ Thị K sử dụng diện tích đất có kích thước theo sơ đồ hình EFGH diện tích 288 m2 + 54 m2 đường đi chung = 342 m2, trị giá 684.000.000 đồng; Giao cho bà T, bà M, bà K được quản lý sử dụng 01 cây vải.

4. Giao cho bà Vũ Thị T4 và ông Nguyễn Văn D diện tích đất ao 291 m2 trị giá 20.370.000đ theo sơ đồ có kích thước theo hình ABCD.

5. Ông T1 bà N có trách nhiệm tháo dỡ công trình 29 m2; bể 3m2 và phần mái tôn; tường be sân gạch từ điểm D-P; 05 cây cau; 01 cây xoài; 15 cây bưởi;

03 cây hông xiêm; 01 cây chuối; 01 cây khế; 01 cây ổi; 01 cây quất; 01 cây mít;

01 cây nhãn;); 01 cây xanh trên phần đất giao cho bà T, bà M, bà K;

6. Xác định lối đi chung của gia đình ông T1 và bà T6, bà K, bà M có diện tích 72 m2 theo sơ đồ có kích thước theo hình BCDEPO. Trên có công trình gồm: Sân bê tông 72 m2, tường xây gạch ba banh 12,8m; Trụ cổng, cổng INOC.

7. Ông T3 có trách nhiệm trả giá trị xuất thừa kế còn thiếu cho ông T1 là 126.677.000 đồng.

8. Bà T, bà K, bà M mỗi bà có trách nhiệm trả cho ông T1 bà N trị giá ¼ giá trị công trình trên đường đi chung 72 m2 gồm: Sân bê tông trị giá 1.618.000 đồng; Tường xây gạch ba banh 12,8 m trị giá 3.308.000 đồng; Trụ cổng ốp gạch trị giá 564.000 đồng; ốp trụ cổng trị giá 1.000.000 đồng; Cổng INOX trị giá 4.200.000 đồng; Tổng = 10.690.000 đồng/4 = 2.672.500 đồng.

Các đương sự có trách nhiệm làm thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền để cấp, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

(Diện tích phần đất ở các đương sự được giao có sơ đồ kèm theo, chi tiết vị trí kích thước ở phần quyết định của bản án). Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, về chi phí tố tụng, về trách nhiệm do chậm thi hành án và thông báo kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 20/9/2019, bà Vũ Thị T và ông Vũ Văn T3 có đơn kháng cáo đề nghị hủy hoặc sửa bản án sơ thẩm theo hướng không công nhận tính hợp pháp của di chúc; không cho vợ chồng ông T1, bà N được thừa kế theo di chúc; xác định căn nhà cấp 4 là di sản thừa kế của cụ T6 để lại để chia thừa kế theo pháp luật đối với căn nhà cấp bốn và 383m2 đất; không cho vợ chồng ông T1 được hưởng thừa kế bằng hiện vật; cho bà, bà K và bà M được hưởng thừa kế bằng hiện vật toàn bộ phần đất và căn nhà trên đất đối với diện tích đất vợ chồng ông T1, bà N và các bà được chia theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chia. Ngoài ra, đơn kháng cáo của ông T3 còn đề nghị tính lại án phí khi Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại đối với việc phân chia thừa kế như nội dung kháng cáo nêu trên.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà T, ông T3 và Luật sư bảo vệ quyền lợi của bà T, ông T3 cho rằng cụ T6 lập di chúc định đoạt thửa đất số 23a là không hợp pháp vì năm 2009 cụ T6 lập di chúc khi thửa đất trên là tài sản chung của vợ chồng cụ T6, cụ L chưa được phân chia và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ T6 đối với thửa đất này đã bị thu hồi nên thửa đất số 23a không phải là tài sản hợp pháp của cụ T6. Ông T1 và bà N không có yêu cầu phản tố, không có yêu cầu độc lập về việc hưởng thừa kế theo di chúc, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại xác định di chúc ngày 06/7/2009 của cụ T6 là hợp pháp để công nhận cho vợ chồng ông T1, bà N được quyền sử dụng diện tích 383m2 đất trên đó có căn nhà và các công trình trên đất là không đúng. Đồng thời, Tòa án cấp sơ thẩm bỏ sót không phân chia di sản thừa kế của cụ T6 là căn nhà trên đất, nhưng lại giao cho vợ chồng ông T1 được hưởng căn nhà này là ảnh hưởng đến quyền lợi của các đồng thừa kế khác. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bà T và ông T3 sửa hoặc hủy bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận nội dung kháng cáo của bà T và ông T3 như đã nêu trên.

Ông T1 cho rằng bố ông lập di chúc cho vợ chồng ông nhà, đất là nằm trong phần quyền tài sản của bố ông, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bà T và ông T3; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội sau khi phân tích nội dung vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa đã kết luận: Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bà Vũ Thị T và ông Vũ Văn T3; giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh luận của các bên đương sự và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của nguyên đơn là bà Vũ Thị T và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Vũ Văn T3 đảm bảo thời hạn. Bà T là người cao tuổi thuộc trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, ông T3 nộp tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật nên được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo là UBND huyện T, tỉnh Hải Dương vắng mặt, nhưng đã có ý kiến bằng văn bản đề nghị xét xử vắng mặt tại Tòa án các cấp; Bà Vũ Thị T4 và ông Nguyễn Xuân D (là chồng bà T4); bà Trịnh Thị T5 vắng mặt, nhưng đều có văn bản ủy quyền cho bà T và ông T4 tham gia phiên tòa.

Các đương sự có mặt tham gia phiên tòa; Luật sư bảo vệ quyền lợi của bà Vũ Thị T và ông Vũ Văn T3; Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đều đề nghị Hội đồng xét xử tiến hành xét xử. Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định tiến hành xét xử vụ án.

[2] Về nội dung:

Theo hồ sơ và Bản đồ 299 thì thửa số 21, Tờ bản đồ số 15 diện tích 1.272m2 đất thổ cư và thửa số 17 diện tích 353m2 đất ao tại thôn H, xã H, huyện T, tỉnh Hải Dương có nguồn gốc là của vợ chồng cụ Vũ Văn T6 và cụ Nguyễn Thị L được thừa hưởng từ ông cha để lại. Trên đất có nhà cấp bốn và 02 cây vải do 02 cụ trồng. Vợ chồng cụ T6 và cụ L có 09 người con, trong đó có 02 người con chết từ khi còn trẻ (không có vợ con), còn 07 con là các ông, bà Vũ Thị T, Vũ Thị C, Vũ Thị K, Vũ Văn T1, Nguyễn Thị M (tức Vũ Thị M), Vũ Thị T4 và Vũ Văn T3.

Do căn nhà cấp 4 của hai cụ được xây dựng hơn 40 năm, đã hư hỏng nên năm 2009 cụ T6 đã phá nhà cấp 4 cũ để xây dựng nhà mái bằng 01 tầng mới diện tích 81m2. Căn cứ hồ sơ quản lý đất đai tại địa phương qua các thời kỳ (Bản đồ hiện trạng và sổ mục kê năm 1993, 1998) thể hiện: Thửa số 21 (đất thổ cư) được tách thành 03 thửa đất thổ cư gồm: Thửa số 22 (ghi là 23b) diện tích 358m2 do cụ T6 đứng tên chủ sử dụng , thửa số 23 (ghi là 23a) diện tích 383m2 do cụ T6 đứng tên chủ sử dụng; thửa số 24 diện tích 473m2 do ông T3 đứng tên chủ sử dụng . Thửa đất ao số 17 được tách thành thửa số 52 diện tích 294m2 do cụ T6 đứng tên chủ sử dụng và thửa số 38 diện tích 74m2 do ông T3 đứng tên chủ sử dụng.

Căn cứ Biên bản thẩm định tại chỗ ngày 19/4/2019 (BL164) và sơ đồ hiện trạng sử dụng thể hiện: Ông Vũ Văn T3 và ông Vũ Văn T1 quản lý, sử dụng 1.305m2, cụ thể ông T3 đang quản lý, sử dụng thửa đất số 23b diện tích thực tế là 377m2 đất và ông Vũ Văn T1 đang quản lý, sử dụng các thửa đất số 23a, 24 và thửa ao số 38 có tổng diện tích là 928m2 đất (BL161). Đối với thửa đất ao số 52 diện tích thực tế là 291m2 hiện vẫn là ao chưa san lấp và không có ai sử dụng (BL160), do bà Vũ Thị T4 đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Như vậy, di sản của cụ Vũ Văn T6 và cụ Nguyễn Thị L để lại là 02 thửa đất gồm: 01 thửa đất thổ cư có diện tích 1.305m2 đất (trong thửa đất này có cả thửa đất ao số 38 nằm liền thửa chung với thửa đất thổ) và thửa đất ao có diện tích 291m2. Theo kết quả xác minh tại Ủy ban nhân dân xã H, huyện T, tỉnh Hải Dương thì hiện trạng thực tế diện tích đất ở tăng (143m2) và đất ao giảm (62m2) so với Bản đồ 299 và diện tích trước đây cụ T6, ông T1 và ông T3 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do sai số khi đo đạc, không có sự lấn chiếm đất của các hộ liền kề.

Năm 1997, cụ L chết không để lại di chúc. Năm 2014, cụ T6 chết có để lại di chúc ngày 06/7/2019 có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã H với nội dung cho vợ chồng ông T1 sử dụng 383m2 và căn nhà cấp bốn 01 tầng trên đất (BL42, 239).

Tòa án cấp sơ thẩm xác định thời hiệu thừa kế, di sản thừa kế của cụ T6 và cụ L, phần tài sản của mỗi cụ trong khối tài sản chung của vợ chồng; thời điểm mở thừa kế và hàng thừa kế thứ nhất của mỗi cụ để làm giải quyết chia thừa kế theo yêu cầu của các đương sự là có căn cứ.

Xét kháng cáo của bà Vũ Thị T và ông Vũ Văn T3, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

- Đối với kháng cáo yêu cầu xác định di chúc của cụ Vũ Văn T6 là không hợp pháp với lý do thời điểm cụ T6 lập di chúc thì thửa đất số 23a là tài sản chung của vợ chồng cụ T6, cụ L chưa được phân chia và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ T6 đối với thửa đất này đã bị thu hồi nên thửa đất số 23a không phải là tài sản hợp pháp của cụ T6, cụ T6 không có quyền định đoạt đối với thửa đất này thấy: Khi còn sống cụ Vũ Văn T6 đã viết 02 bản di chúc gồm: 01 bản “Di chúc thừa kế tài sản” viết tay ngày 01/7/2009 có 03 người làm chứng, không có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã H (BL46) và 01 “Bản di chúc cho đất ở” đánh máy ngày 06/7/2009 có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã H (BL239) đều có nội dung: Cụ T6 để lại diện tích 383m2 đất thuộc thửa đất số 23a, Tờ bản đồ số 21 và tài sản trên đất cho vợ chồng ông Vũ Văn T1 và bà Nguyễn Thị N. Theo quy định tại khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự thì bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

Về hình thức của di chúc: Di chúc của cụ T6 được lập thành văn bản, được Ủy ban nhân dân xã H chứng thực ngày 06/7/2009 theo quy định tại Điều 627, khoản 4 Điều 628 và Điều 635 Bộ luật Dân sự. Tại Biên bản xác minh ngày 09/7/2019 đối với bà Nguyễn Thị L1- Cán bộ địa chính UBND xã H, huyện T, tỉnh Hải Dương về tính hợp pháp của di chúc đã xác nhận: Tại sổ chứng thực chữ ký lưu tại Ủy ban nhân dân xã H thể hiện số chứng thực 03 ngày 06/7/2009 Ủy ban nhân dân xã H đã chứng thực cho cụ T6 di chúc để lại tài sản cho con là vợ chồng ông T1, bà N.

Về nội dung di chúc: Thời điểm cụ T6 lập di chúc, cụ T6 vẫn còn minh mẫn và sáng suốt, không bị đe dọa, cưỡng ép. Nội dung di chúc đảm bảo đúng quy định tại Điều 630, Điều 631 Bộ luật dân sự.

Như vậy, di sản của vợ chồng cụ T6 và cụ L để lại là diện tích 1305m2 đất ở (bao gồm cả thửa đất ao số 38 diện tích thực tế là 56m2 đất, hiện đã san lấp và nằm liền thửa với các thửa đất thổ cư số 23a, 23b và 24) trị giá 2.610.000.000đ (1.305m2 x 2.000.000đ/m2) và 291m2 đất ao thuộc thửa số 52 trị giá 20.370.000đ (291m2x70.000đ/m2). Tổng giá trị diện tích của 02 thửa đất là 2.630.370.000đ.

Phần tài sản của mỗi cụ là ½ tài sản là 652,5m2 đất ở và 145,5m2 đất ao tương đương ½ giá trị tài sản là 2.610.000.000đ/2 = 1.315.185.000đ.

Năm 1997, cụ L chết không để lại di chúc. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ L gồm 08 người là cụ T6 và 07 người con là các ông, bà Vũ Thị T, Vũ Thị C, Vũ Thị K, Vũ Văn T1, Nguyễn Thị M (tức Vũ Thị M), Vũ Thị T4 và Vũ Văn T3.

Do đó, khi còn sống phần tài sản của cụ T6 được hưởng là ½ tài sản là 652,5m2 đất ở và 145,5m2 đất ao tương đương ½ giá trị tài sản là 1.315.185.000đ và 1/8 kỷ phần thừa kế cụ T6 được hưởng từ di sản của cụ L để lại. Tổng giá trị tài sản của cụ T6 là 1.315.185.000đ + 164.398.125 (1/8 di sản thừa kế của cụ L tương đương 81,5m2 đất ở và 18m2 đất ao) = 1.479.583.125 đ tương đương 734m2 đất ở và 163,5m2 đất ao. Về căn nhà cấp bốn mái bằng diện tích 81m2 xây dựng trên đất: Các đương sự đều thừa nhận vợ chồng cụ T6, cụ L có 01 căn nhà cấp bốn trên đất, nhưng do căn nhà này xây dựng đã hơn 40 năm, bị xuống cấp mối mọt và dột nát nên năm 2009 cụ T6 đã phá bỏ nhà cũ để xây dựng căn nhà mái bằng như hiện nay, trị giá 219.716.000đ theo giá do Hội đồng định giá xác định. Tuy nhiên, các đương sự không thống nhất được nguồn tiền xây dựng nhà. Vợ chồng ông T1, bà N và bà Vũ Thị C cho rằng vợ chồng ông T1 là người bỏ tiền xây dựng nhà cho cụ T6 ở (BL56, 80, 166, PTST); còn bà Vũ Thị T, ông Vũ Văn T3 và những người con khác lại cho rằng tiền xây dựng nhà là tiền lương hưu của cụ T6, tiền bán nhà cụ T6 được cấp tại Đà Nẵng và do bà Vũ Thị T4 ở nước ngoài gửi về. Quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm, Tòa án sơ thẩm cũng yêu cầu các đương sự cung cấp các tài liệu chứng minh nguồn tiền xây dựng nhà là của cụ T6 và bà T4 gửi về, nhưng bà T, ông T3 và những người con khác đều không xuất trình được căn cứ chứng minh. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông T3 và bà T cũng xác nhận không có căn cứ chứng minh nguồn tiền xây dựng nhà là của cụ T6 và bà T4 như ông, bà trình bày. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Đ1 (là người nhận thầu xây dựng) có đơn xác nhận năm 2009 bà nhận thầu xây dựng nhà cho vợ chồng ông T1, bà N (BL170); nội dung tại 02 bản di chúc của cụ T6 đều thể hiện cụ T6 không đủ điều kiện để làm nhà mới, giao cho vợ chồng ông T1 làm nhà cho cụ phù hợp với lời khai của ông T1 về việc vợ chồng ông là người đứng ra xây dựng nhà cho cụ T6. Do đó, có cơ sở xác định căn nhà cấp bốn được xây dựng năm 2009 trên đất là tài sản riêng của cụ T6.

Từ những phân tích, đánh giá nêu trên cho thấy mặc dù cụ Nguyễn Thị L chết năm 1997 và chưa chia di sản thừa kế của cụ L trong khối tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, cụ T6 lập di chúc định đoạt cho vợ chồng ông T1, bà N diện tích 383m2 đất ở là vẫn nằm trong phạm vi phần quyền tài sản của cụ T6 được hưởng và căn nhà mái bằng 01 tầng diện tích 81m2 trên đất là tài sản riêng của cụ T6, không phải là tài sản của cụ L nên cụ T6 lập di chúc cho vợ chồng ông T1 nhà và diện tích đất nêu trên là sự thể hiện ý chí, tâm nguyện của cụ T6 và không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của các đồng thừa kế khác. Việc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ T6 bị Ủy ban nhân dân huyện T thu hồi không ảnh hưởng đến quyền định đoạt diện tích đất nằm trong giới hạn phần quyền tài sản của cụ T6 được hưởng. Tòa án cấp sơ thẩm xác định di chúc của cụ T6 là hợp pháp, để giao cho vợ chồng ông T1, bà N sử dụng căn nhà và diện tích đất theo nội dung di chúc của cụ T6; phần diện tích đất còn lại của cụ T6 được chia thừa kế theo pháp luật là có căn cứ. Đối với kháng cáo cho rằng ông T1 không có yêu cầu phản tố và bà N không có yêu cầu độc lập về việc hưởng thừa kế theo di chúc, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại xác định di chúc ngày 06/7/2009 của cụ T6 là hợp pháp để công nhận cho vợ chồng ông T1, bà N được quyền quản lý, sử dụng diện tích 383m2 đất trên đó có căn nhà và các công trình trên đất là không đúng, thấy:

Tại đơn phản tố (do Tòa án tỉnh Hải Dương nhận ngày 09/3/2018) và đơn sửa đổi, bổ sung yêu cầu phản tố ngày 21/3/2018, ông Vũ Văn T1 yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Vũ Thị T4 đối với thửa đất ao số 52, Tờ bản đồ số 21 diện tích 276m2 đất và cung cấp 02 bản di chúc của cụ T6 cùng một số giấy tờ khác liên quan đến quyền sử dụng đất để yêu cầu giải quyết vấn đề có liên quan đến quyền lợi của ông, bảo vệ quyền lợi của người đã khuất theo đúng quy định của pháp luật (BL78). Quá trình giải quyết vụ án, tại các Biên bản lấy lời khai ngày 09/4/2019 và Biên bản kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và biên bản hòa giải ngày 27/6/2019, ông T1 yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Vũ Thị T4 thửa đất số 52, Tờ bản đồ số 21 diện tích 276m2 đất ao và chia thừa kế đối với thửa đất này;

yêu cầu được hưởng thừa kế theo di chúc của cụ T6, phần tài sản còn lại ngoài di chúc thì chia thừa kế theo pháp luật (BL76,154, 205, 206). Căn cứ nội dung các tài liệu nêu trên đã thể hiện rõ yêu cầu phản tố của ông T1 và ý kiến của ông T1 đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà T. Việc ông T1 yêu cầu được hưởng thừa kế theo di chúc là ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn. Mặt khác, trong vụ án này bà T khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tài sản của bố mẹ để lại theo quy định của pháp luật, nhưng thực tế cụ Vũ Văn T6 (là bố của các đương sự) chết có để lại di chúc nên để giải quyết vụ án chia thừa kế theo yêu cầu khởi kiện của bà T thì Tòa án cấp sơ thẩm phải xem xét tính hợp pháp đối với di chúc của cụ T6 để lại, trên cơ sở đó mới có căn cứ giải quyết chính xác vụ án.

Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy Tòa án cấp sơ thẩm xác định di chúc của cụ T6 hợp pháp và cho vợ chồng ông T1, bà N được hưởng thừa kế đối với diện tích đất và nhà trên đất theo nội dung di chúc, phần diện tích đất còn lại chia thừa kế theo pháp luật là có căn cứ. Việc Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết đồng thời yêu cầu hưởng thừa kế theo di chúc của ông T1 và yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật của bà T đối với di sản của cụ T6 và cụ L để lại là đúng quy định của pháp luật và mới giải quyết được triệt để vụ án. Do đó, kháng cáo của bà T và ông T3 về vấn đề này là không có cơ sở chấp nhận. Đối với kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm chia thiếu di sản thừa kế là căn nhà mái bằng 01 tầng diện tích 81m2 là di sản của cụ T6; không cho vợ chồng ông T1 được hưởng thừa kế bằng hiện vật; cho bà T, bà K và bà M được hưởng thừa kế bằng hiện vật toàn bộ phần đất và căn nhà trên đất đối với diện tích đất vợ chồng ông T1, bà N đang quản lý, sử dụng và phần diện tích các bà được chia theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm thấy: Như đã phân tích ở phần trên, Tòa án cấp sơ thẩm xác định căn nhà và công trình trên diện tích 383m2 đất là tài sản riêng của cụ T6 và đã được cụ T6 định đoạt bằng di chúc cho vợ chồng ông T1, bà N. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xác định diện tích đất còn lại sau khi đã trừ đi phần tài sản cụ T6 tặng cho theo di chúc là di sản để chia thừa kế theo pháp luật là đầy đủ và chính xác.

Khi tiến hành chia thừa kế, Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào hiện trạng sử dụng thực tế và xem xét nhu cầu, nguyện vọng của các bên đương sự để chia thừa kế là hợp tình, hợp lý; đảm bảo các bên đương sự đều được nhận thừa kế bằng hiện vật. Việc bà T và ông T3 kháng cáo đề nghị không cho ông T1 hưởng thừa kế bằng hiện vật và chia cho bà, bà K và bà M được hưởng toàn bộ nhà, đất hiện vợ chồng ông T1 đang quản lý, sử dụng trong khi ông T1 cũng là con trai trưởng của hai cụ và là một trong các đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ T6 và cụ L là không có cơ sở chấp nhận.

Do đó, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bà Vũ Thị T và ông Vũ Văn T3.

Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bà T và ông T3 phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

 Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

Căn cứ khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận kháng cáo của bà Vũ Thị T và ông Vũ Văn T3, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 26/2019/DSST ngày 10/9/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương.

- Áp dụng các điều 357, 468, 609, 624, 627, 628, 630, 631, 635, 643, 651,660, điểm b Điều 688 Bộ luật Dân sự 2015; các điều 100, 131, 179 Luật Đất đai; Tuyên xử:

A. Về yêu cầu khởi kiện và yêu cầu phản tố:

1/ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Vũ Thị T về chia di sản thừa kế theo pháp luật của cụ Vũ Văn T6 và cụ Nguyễn Thị L. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Vũ Văn T1 về yêu cầu chia thừa kế đối với diện tích ao số 52 do cụ Vũ Văn T6 chuyển nhượng cho bà Vũ Thị T4 và ông Nguyễn Văn D.

2/ Không chấp nhận yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 343540 của UBND huyện T đã cấp ngày 15/8/2005 cho bà Vũ Thị T4 và ông Nguyễn Văn D diện tích ao 276 m2 tại thửa 52 Tờ bản đồ số 21 tại thôn H, xã H, huyện T, tỉnh Hải Dương của ông Vũ Văn T1.

3/ Xác định di chúc ngày 06/7/2009 đã được chứng thực tại UBND xã H của cụ Vũ Văn T6 là hợp pháp. Cụ T6 đã di chúc cho ông Vũ Văn T1 và bà Nguyễn Thị N diện tích đất 383 m3 trên đất có nhà và các công trình trên đất.

4/ Chấp nhận sự tự nguyện của bà Vũ Thị T4 và ông Nguyễn Văn D về việc đưa diện tích 276 m2 đất ao thuộc thửa 52 Tờ bản đồ số 21 để chia thừa kế theo pháp luật.

5/ Xác nhận diện tích đất ở 1.305 m2 đất ở và 291 m2 đất ao là tài sản của cụ Nguyễn Thị L và cụ Vũ Văn T6.

B/ Về chia thừa kế:

- Xác nhận phần giá trị di sản của cụ L để lại = 1.315.185.000 đồng chia cho 8 xuất thừa kế = 164.398.125 đồng/ xuất.(làm tròn 164.398.100 đồng) - Xác định phần giá trị di sản của cụ T6 để lại = 1.315.185.000đ + xuất thừa kế của cụ L 164.398.125 đồng = 1.479.583.125 đồng. Trừ đi phần di chúc cụ T6 để lại cho ông T1, bà N 383m2 x 2.000.000đ/m2 = 766.000.000 đồng. Phần giá trị di sản còn lại của cụ T6 là : 1.479.583.125 đồng – 766.000.000 đồng = 713.583.125 đồng chia cho 7 xuất thừa kế = 101.940.446 đồng/ xuất.(làm tròn 101.940.400 đồng) - Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của cụ L gồm 8 người: Cụ Vũ Văn T6, bà Vũ Thị T, bà Vũ Thị C, bà Vũ Thị K, ông Vũ Văn T1, bà Nguyễn Thị M ( Vũ Thị M), bà Vũ Thị T4, ông Vũ Văn T3.

- Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của cụ T6 gồm 7 người: Bà Vũ Thị T, bà Vũ Thị C, bà Vũ Thị K, ông Vũ Văn T1, bà Nguyễn Thị M (Vũ Thị M), bà Vũ Thị T4, ông Vũ Văn T3. * Xác nhận một xuất thừa kế theo pháp luật được hưởng 164.398.125 đồng + 101.940.446 đồng = 266.338.571 đồng. (làm tròn 266.338.500 đồng).

* Chấp nhận sự tự nguyện của bà Vũ Thị C cho ông T1 hưởng xuất thừa kế của mình.

* Chấp nhận sự tự nguyện của các bà T, bà M, bà K, bà T4 không yêu cầu ông T3 phải trả giá trị tài sản còn thiếu cho các bà.

* Ông T1, bà N được hưởng theo di chúc là 383 m2 đất ở trị giá 766.000.000 đồng và hai xuất thừa kế = 266.338.500 đồng x 2 người (ông T1 và bà C) = 532.677.000 đồng. Tổng giá trị tài sản ông T1, bà N được hưởng là 766.000.000 đồng + 532.677.000 đồng= 1.298.677.000 đồng.

* Các bà T, bà M, bà K, bà T4, ông T3 mỗi người được hưởng tài sản trị giá 266.338.500 đồng.

C/ Về chia hiện vật:

1. Giao cho ông Vũ Văn T1 và bà Nguyễn Thị N quản lý, sử dụng diện tích đất có vị trí, kích thước cụ thể như sau:

- Phía Bắc giáp phần đất đường đi chung dài 15,2m.

- Phía Nam giáp hộ ông G dài 6,6m + 6,9m + 7,9 m = 21,4 m.

- Phía Đông giáp phần đất giao cho bà T, bà M, bà K dài 32,4 m.

- Phía Tây giáp phần đất giao cho ông T3 dài 4,7 m + 12,4 m = 17,1 m.

Diện tích = 568m2, trị giá 1.136.000.000 đồng + 18 m2 đường đi chung, trị giá 36.000.000 đồng. Tổng trị giá = 1.172.000.000 đồng. (Kích thước theo sơ đồ hình OPHIKMO kèm theo bản án sơ thẩm) Giao cho ông Vũ Văn T1 và bà Nguyễn Thị N được sở hữu các tài sản trên đất gồm: Tường bao xây gạch ba banh 4,7m + 12,4m; Sân bê tông 77 m2; Bể nước 6 m2; Nhà cấp 4 81 m2; sân gạch 82 m2; mái tôn; 05 cây cau; 04 cây mít;

05 cây bưởi; 02 cây nhãn; 01 cây chay; 01 cây na; 02 cây hồng xiêm; 01 cây vải;

01 cây chanh, 01 cây sung. Trị giá công trình xây dựng là 267.708.000 đồng.

2. Giao cho ông Vũ Văn T3 bà Nguyễn Thị T5 quản lý, sử dụng diện tích đất có vị trí, kích thước cụ thể như sau:

- Phía Bắc giáp đường đi của xóm dài 8,6m.

- Phía Nam giáp hộ ông T8 dài 0,4m + 4,6 m+ 4,9 m = 9,9 m. và giáp hộ ông T1 dài 6,8 m - Phía Đông giáp phần đất đường đi chung dài 12,8m và giáp phần đất giao cho ông T1 dài 4,7m + 12,4m = 17,1 m.

- Phía Tây giáp hộ ông T8 và ông T9 dài 3,9m + 2,3 m+ 7,3 m + 1,8 m + 1m + 15,7 m = 32 m.

Diện tích = 377 m2, trị giá 754.000.000 đồng (Kích thước theo sơ đồ hình ABMKNA) Giao cho ông Vũ Văn T3, bà Nguyễn Thị T5 được sở hữu các tài sản trên đất gồm: Sân 134 m2; nhà 73 m2; bể 8 m2; công trình 60 m2; pro 24 m2; tôn 5 m2; tôn 12 m2; 04 cây na; 03 cây hồng xiêm; 01 cây sấu.

3. Giao cho bà Vũ Thị T; bà Nguyễn Thị M (Vũ Thị M) và bà Vũ Thị K sử dụng diện tích đất có kích thước theo sơ đồ hình EFGHE diện tích 288 m2 + 54 m2 đường đi chung = 342 m2, trị giá 684.000.000 đồng; Giao cho bà T, bà M, bà K được quản lý sử dụng 01 cây vải.

4. Giao cho bà Vũ Thị T4 và ông Nguyễn Văn D diện tích đất ao 291 m2 trị giá 20.370.000đ theo sơ đồ có kích thước theo hình ABCD.

5. Ông T1, bà N có trách nhiệm tháo dỡ công trình 29 m2; bể 3m2 và phần mái tôn; tường be sân gạch từ điểm D-P; 05 cây cau; 01 cây xoài; 15 cây bưởi;

03 cây hồng xiêm; 01 cây chuối; 01 cây khế; 01 cây ổi; 01 cây quất; 01 cây mít;

01 cây nhãn; 01 cây xanh trên phần đất giao cho bà T, bà M, bà K;

6. Xác định lối đi chung của gia đình ông T1 và bà T, bà K, bà M có diện tích 72 m2 theo sơ đồ có kích thước theo hình BCDEPOB. Trên có công trình gồm: Sân bê tông 72 m2, tường xây gạch ba banh 12,8m; Trụ cổng, cổng INOC.

7. Ông T3 có trách nhiệm trả giá trị xuất thừa kế còn thiếu cho ông T1 là 126.677.000 đồng.

8. Bà T, bà K, bà M mỗi bà có trách nhiệm trả cho ông T1, bà N trị giá ¼ giá trị công trình trên đường đi chung 72 m2 gồm: Sân bê tông trị giá 1.618.000 đồng; Tường xây gạch ba banh 12,8 m trị giá 3.308.000 đồng; Trụ cổng ốp gạch trị giá 564.000 đồng; ốp trụ cổng trị giá 1.000.000 đồng; Cổng INOX trị giá 4.200.000 đồng; : Tổng = 10.690.000 đồng/4 = 2.672.500 đồng.

Các đương sự có trách nhiệm làm thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền để cấp, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

(Diện tích phần đất ở các đương sự được giao có sơ đồ kèm theo bản án sơ thẩm, chi tiết vị trí kích thước ở phần quyết định của bản án sơ thẩm).

D/ Về án phí: Miễn án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm cho bà Vũ Thị T; hoàn trả cho bà T 6.200.000đ tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Biên lai thu tiền số AA/2016/0002937 ngày 19/12/2017 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương. Ông Vũ Văn T3 phải chịu 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm, được đối trừ 300.000đ tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Biên lai thu tiền số AA/2017/0009595 ngày 25/9/2019 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương và 13.295.250đ án phí dân sự sơ thẩm. Bà Vũ Thị C, bà Vũ Thị K, ông Vũ Văn T1 không phải nộp án phí dân sự sơ thẩm. Bà Nguyễn Thị M (Vũ Thị M),Vũ Thị T4 phải nộp án phí dân sự sơ thẩm mỗi người phải nộp 13.295.250 đồng.

Trả lại cho ông Vũ Văn T1 1.250.000đ số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo biên lai số AA/2016/0003207 ngày 23/3/2018 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương.

Về chi phí thẩm định: Bà Vũ Thị T, Vũ Thị M, Vũ Thị C, Vũ Văn T1, Vũ Thị T4, Vũ Thị K mỗi người phải trả cho ông Vũ Văn T3 929.000.000đ chi phí thẩm định và định giá tài sản.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu mà người thi hành án không thi hành khoản tiền trên sẽ phải trả lãi với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người bị thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

395
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 77/2020/DS-PT ngày 29/05/2020 về tranh chấp chia di sản thừa kế và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Số hiệu:77/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về