Bản án 569/2019/HS-PT ngày 25/11/2019 về tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 569/2019/HS-PT NGÀY 25/11/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Ngày 25 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 488/2019/HSPT ngày 30/10/2019 đối với các bị cáo E và bị cáo H do có kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận Thủ Đức đối với bản án hình sự sơ thẩm số 268/2019/HSST ngày 18/09/2019 của Tòa án nhân dân quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bị cáo có kháng cáo và bị kháng nghị:

1. H; sinh năm: 1980; tại: Q; nơi đăng ký thường trú: Thôn AHN, xã NK, huyện TK, tỉnh Q; chỗ ở: 371 Quốc lộ 13, khu phố 5, phường HBP, quận T, Thành phố M; nghề nghiệp: Thợ cửa nhôm; trình độ học vấn: 8/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông A và bà M; vợ: N; có 03 con (lớn nhất sinh năm 2008, nhỏ nhất sinh năm 2017); tiền án: không; tiền sự: không; bị tạm giam từ ngày 13/9/2017 đến ngày 14/5/2018, thay đổi bằng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”; bị cáo tại ngoại – Có mặt tại phiên tòa.

2. E; sinh năm: 1991; tại: tỉnh G; hộ khẩu thường trú: ấp AK, xã ATT, huyện M, tỉnh G; nghề nghiệp: công nhân; trình độ học vấn: 4/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con S và bà O; vợ, con: chưa có; tiền án, tiền sự: không; bị cáo tại ngoại - Có mặt tại phiên tòa.

Những người tham gia tố tụng khác:

- Người bào chữa: Ông B là Luật sư Văn phòng Luật sư QA thuộc Đoàn Luật sư Thành phố M bào chữa cho bị cáo H (có mặt).

- Bị hại: Anh C, sinh năm 1983 (chết); người đại diện hợp pháp của bị hại: Bà N sinh năm 1964 là mẹ của anh C; địa chỉ: Ấp DG, xã LT, huyện D, tỉnh P (vắng mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Anh K, sinh năm 1995 địa chỉ: 497/2 Quốc lộ 13, khu phố 5, phường HBP, quận X, Thành phố M (vắng mặt).

- Người làm chứng:

1. Chị J, sinh năm 1985; địa chỉ: 15/19 đường 6, khu phố 6, phường HBP, quận T, Thành phố M (vắng mặt).

2. Anh L, sinh năm 1980; địa chỉ: ấp TN, xã Vĩnh Hưng, huyện VL, tỉnh Z (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Lúc 20 giờ 45 phút ngày 25/9/2016, H điều khiển xe mô tô biển số 54S1- 9080 lưu thông trên Quốc lộ 13 hướng từ ngã tư Bình Triệu về hướng vòng xoay cầu vượt Bình Phước. Khi đến trước số 609 Quốc lộ 13, khu phố 3, phường HBP, quận T, H điều khiển xe mô tô chuyển hướng rẽ trái để quay đầu xe về hướng ngã tư Bình Triệu, do thiếu chú ý quan sát, không đảm bảo an toàn, lúc này E điều khiển xe mô tô biển số 51X3-3272 phía sau chở anh U đang lưu thông trên Quốc lộ 13 theo hướng vòng xoay cầu vượt Bình Phước do thiếu chú ý quan sát, không làm chủ được tốc độ đã để bánh trước xe mô tô biển số 51X3-3272 do anh E điều khiển va chạm với ốp pô xe mô tô biển số 54S1-9080 do H điều khiển. Hậu quả sau tai nạn H và E bị xây sát nhẹ, anh U bị thương nặng được đưa đi Bệnh viện nhân dân Gia Định cấp cứu. Đến 10 giờ 05 phút ngày 26/9/2016, anh U chết.

Bản kết luận giám định pháp y số 1406/TT.16 ngày 18/10/2016 của Trung tâm pháp y Thành phố M kết luận nguyên nhân chết của C do chấn thương sọ não.

- E có nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định 0,52 miligam/1 lít khí thở (>0,25 miligam/1 lít khí thở) - H có nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định 0,58 miligam/1 lít khí thở (>0,25 miligam/1 lít khí thở).

Giấy y chứng số 24/BV-YC của Bệnh viện quận T xác nhận C có alcohlol máu: 7,6 mg/dl.

Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định: Sau tai nạn xe mô tô 54S1- 9080 và xe mô tô 51X3- 3272 được đưa vào lề đường sau đó những người liên quan trong vụ tai nạn đã đưa ra hiện trường. Người bị thương được đưa đi cấp cứu. Nơi xảy ra tai nạn giao thông đường bộ tại trước số nhà 609 Quốc lộ 13 khu phố 3, phường HBP, quận T. Quốc lộ 13 được trãi nhựa, giữa đường đặt dãy phân cách bê tông cố định phân chia thành 02 chiều lưu thông. Chiều lưu thông hướng từ vòng xoay cầu vượt Bình Phước về hướng ngã tư Bình Triệu được chia thành 03 làn xe, có kẻ vạch sơn phân chia không liên tục. Làn xe thứ 01 (sát lề chuẩn) dành cho xe 2, 3 bánh rộng 2m40; làn xe thứ 02 (làn giữa) dành cho xe gắn máy, xe ô tô con, xe ô tô khách dưới 30 chỗ rộng 3m00; làn xe thứ 3 (sát dãy phân cách bê tông) dành cho xe ô tô con, ô tô tải, ô tô khách rộng 3m20. Chọn mép đường nhựa bên phải Quốc lộ 13 hướng từ vòng xoay cầu vượt Bình Phước về hướng ngã tư Bình Triệu làm lề chuẩn để đo, vẽ và khám nghiệm hiện trường. Chọn trụ điện 175 trên lề chuẩn làm điểm cố định.

Kết luận giám định dấu vết va chạm số 3488/C54B ngày 9/11/2016 của Phân viện Khoa học hình sự (C54B) Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ công an tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: Dấu vết trượt, rách cao su mặt lăn lốp bánh trước xe mô tô biển số 51X3-3272 có chiều từ mặt lăn vào tâm bánh, ngược chiều quay tiến của bánh xe phù hợp với dấu vết trượt, cong biến dạng bám chất màu đen mặt ngoài phía sau ốp pô xe mô tô biển số 54S1- 9080, có chiều từ sau về trước, từ phải sang trái. Đây là vị trí va chạm đầu tiên giữa hai phương tiện khi tham gia tai nạn giao thông. Trên cơ sở cơ chế hình thành dấu vết và hồ sơ vụ tai nạn giao thông nêu trên, xác định: Khi tham gia tai nạn giao thông, xe mô tô biển số 54S1-9080 chuyển động trên Quốc lộ 13 hướng từ vòng xoay cầu vượt Bình Phước đi ngã tư Bình Triệu và xe mô tô biển số 51X3-3272 chuyển động phía sau bên phải cùng chiều với xe mô tô biển số 54S1-9080.

Kết quả giám định trạng thái 02 xe mô tô tại thời điểm tai nạn giao thông, Phân viện kỹ thuật hình sự Bộ Công an kết luận: Khi tham gia giao thông, xe mô tô biển số 54S1 - 9080 chuyển động bình thường trên Quốc lộ 13 và đang có trạng thái chuyển hướng rẽ trái (lúc này xe đang nghiêng sang trái, không xác định được xe đang nghiêng bao độ so với mặt đường) để quay đầu xe lưu thông về hướng ngã tư Bình Triệu (xe đang trong giai đoạn hoàn thành quay đầu xe, hướng chuyển động của xe tạo với hướng từ cầu vượt Bình Phước đi ngã tư Bình Triệu một góc khoảng 30°). Xe mô tô biển số 51X3-3272 đang chuyển động bình thường trên Quốc lộ 13 hướng từ vòng xoay cầu vượt Bình Phước đi ngã tư Bình Triệu.

Kết quả khám nghiệm phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông:

- Khám nghiệm xe mô tô biển số 51X3-3272 ghi nhận: Hông mặt ngoài bên trái vỏ bánh trước trầy xước tróc cao su màu đen, kích thước lcm x 10cm điểm gần nhất đo cách van 5cm; Chụp cao su đầu tay lái bên trái trầy xướt cao su, kích thước lcm x 5cm, điểm thấp nhất đo cách mặt đất 97cm; Chụp cao su gác chân trước bên trái trầy xướt cao su, kích thước 2cm x 4cm, điểm thấp nhất đo cách mặt đất là 25 cm; Chụp cao su gác chân sau bên trái trầy xướt cao su kích thước 2cm x 5cm, điểm thấp nhất đo cách mặt đất 30cm. Vành trước cong.

- Khám nghiệm xe mô tô biển số 54S1-9080 ghi nhận: Mặt ngoài ốp kim loại bộ phận giảm thanh còn dính chất liệu màu đen, kích thước 3cm x 5cm, điểm thấp nhất đo cách mặt đất 32cm, cách bộ phận giảm thanh 7cm. Kính chiếu hậu bên trái bể, điểm thấp nhất đo cách mặt đất 110cm. Chụp cao su gác chân trước bên trái trầy xướt tróc cao su, kích thước 3cm x 5cm, điểm thấp nhất đo cách mặt đất 27cm, cong có chiều hướng từ sau về trước. Mặt ngoài bên trái baga sau trầy xướt tróc cao su kích thước 3cm x 10cm, điểm thấp nhất đo cách mặt đất 76cm.

- Không phát hiện thấy dấu vết va chạm giữa xe mô tô biển số 51X3- 3272 và xe mô tô biển số 54S1-9080 với phương tiện khác khi tham gia tai nạn giao thông.

Hiện trường vụ án không để lại dấu vết phanh nên không có cơ sở giám định tốc độ hai xe mô tô do H và E điều khiển.

Vật chứng của vụ án: Xe mô tô biển số 54S1-9080 và xe mô tô biển số 51X3-3272 liên quan đến vụ tai nạn này. Cơ quan điều tra Công an quận Thủ Đức đã trả lại xe cho chủ sở hữu.

Về trách nhiệm dân sự: Sau tai nạn, H đã hỗ trợ tiền viện phí, mai táng cho gia đình nạn nhân C số tiền 50.000.000 đồng. Bà N là mẹ ruột của C đã làm đơn bãi nại cho H, cam kết không có thắc mắc khiếu nại gì về vụ tai nạn giao thông đường bộ trên. Bà N không yêu cầu anh E hỗ trợ gì, làm đơn bãi nại cho anh E, cam kết không có thắc mắc khiếu nại gì về vụ tai nạn giao thông đường bộ trên.

E và H bị xây sát nhẹ, từ chối giám định thương tích và cùng làm đơn bãi nại cho nhau, cam kết không có thắc mắc khiếu nại gì về vụ tai nạn giao thông đường bộ nêu trên.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 268/2019/HSST ngày 18/9/2019 của Tòa án nhân dân quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, đã quyết định:

Tuyên bố các bị cáo H và E phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

- Áp dụng điểm a, b khoản 2 Điều 202; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999; xử phạt: Bị cáo E 03 (ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

- Áp dụng điểm a, b khoản 2 Điều 202; điểm b, p khoản 1 Điều 46, Điều 47 của Bộ luật Hình sự năm 1999; xử phạt: Bị cáo H 01 (một) năm 08 (tám) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo thi hành án, được trừ thời gian tạm giam từ ngày 13/9/2017 đến ngày 14/5/2018.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 24/9/2019, bị cáo H có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo. Ngày 01/10/2019, bị cáo E có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 30/9/2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận Thủ Đức có quyết định kháng nghị số 03/QĐ-VKSTĐ với nội dung tăng hình phạt đối với bị cáo H.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên Quyết định kháng nghị số 03/QĐ-VKSTĐ ngày 30/9/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận Thủ Đức. Các bị cáo H và E giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Trong phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát sau khi tóm tắt nội dung vụ án, phân tích về tính chất, mức độ phạm tội và hậu quả nguy hiểm cho xã hội; cũng như các tình tiết định khung và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đã kết luận đủ căn cứ xác định bản án hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo H và bị cáo E về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điểm a, b khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là có cơ sở pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận Thủ Đức có quyết định kháng nghị số 03/QĐ-VKSTĐ ngày 30/9/2019 và kháng cáo của các bị cáo H và E là làm trong thời gian luật định và hợp lệ nên được chấp nhận.

Về nội dung kháng nghị: Xét khi quyết định hình phạt, cấp sơ thẩm có nhận định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xử phạt bị cáo H mức án 01 (một) năm 08 (tám) tù và bị cáo E mức hình phạt 03 (ba) năm tù; trong khi các bị cáo đều phạm tội thuộc trường hợp có hai tình tiết định khung theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), và phạm tội có tính chất, mức độ phạm tội là như nhau nhưng hình phạt án sơ phạt tuyên phạt khác nhau là chưa tương xứng.

Về nội dung kháng nghị đề nghị cho bị cáo E hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), là chưa phù hợp với quy định của pháp luật bởi lẽ: Sau khi phạm tội đến nay, bị cáo E và gia đình không bồi thường thiệt hại về tính mạng cho gia đình bị hại.

Đối với kháng cáo của các bị cáo H và bị cáo E kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, không có thêm tình tiết giảm nhẹ gì mới và trường hợp phạm tội của bị cáo H không đủ điều kiện để được xem xét cho hưởng án treo theo quy định của pháp luật.

Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355 và a khoản 2 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, chấp nhận một phần kháng nghị số 03/QĐ-VKSTĐ ngày 30/9/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận Thủ Đức, sửa bản án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt, xử phạt bị cáo H mức án từ 02 – 03 năm tù; và không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo H và bị cáo E.

Luật sư Bình bào chữa cho bị cáo H tranh luận: Bị cáo H nhận tội và chỉ yêu cầu xem xét giảm nhẹ hình phạt nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét: Vụ án xảy ra đã lâu, bị cáo H đã bị tạm giam một thời gian và bị xét xử nhưng sau đó vụ án bị hủy để điều tra xét xử lại vì lọt người. Trong đó, xem xét yếu tố lỗi thì bị cáo H điều khiển xe quay đầu đã gần hoàn thành. Mặc dù lỗi hỗn hợp nhưng bị cáo E có lỗi chính, án sơ thẩm đã xem xét tính chất, mức độ phạm tội để xử phạt bị cáo H mức án 18 tháng tù là có phần nghiêm khắc. Nhưng kháng nghị số 03/QĐ-VKSTĐ ngày 30/9/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận Thủ Đức và tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lại đề nghị tăng án đối với bị cáo H là không phù hợp, trong khi lẽ ra phải đề nghị xem xét giảm nhẹ cho bị cáo E. Do đó, không cần thiết tiếp tục cách ly xã hội đối với bị cáo H, xử phạt bị cáo mức án bằng thời gian đã bị tạm giam đã có tác dụng của hình phạt để răn đe giáo dục bị cáo H và thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Các bị cáo H và E không tranh luận bổ sung, chỉ nói lời sau cùng xin giảm nhẹ hình phạt vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn, là lao động chính, mong muốn được khoan hồng và cho các bị cáo một cơ hội sửa chữa làm lại cuộc đời.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên và bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

Tại phiên tòa, các bị cáo H và bị cáo E đã khai nhận toàn bộ hành vi khách quan của mình như nội dung bản án sơ thẩm; phù hợp với nội dung bản cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố và các tài liệu, chứng cứ như: biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông, sơ đồ vụ tai nạn giao thông, biên bản khám nghiệm xe liên quan đến tai nạn giao thông, bản kết luận giám định dấu vết va chạm, kết quả giám định trạng thái hai xe mô tô tại thời điểm tai nạn giao thông, lời khai của (người làm chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan); cùng các tài liệu, biên bản về hoạt động tố tụng khác của Cơ quan điều tra đã thu thập có trong hồ sơ vụ án.

Đã có đủ cơ sở để kết luận: Khoảng 20h45’ ngày 25/9/2016, bị cáo H đã có hành vi điều khiển xe mô tô biển số 54S1-9080 lưu thông trên Quốc lộ 13 (theo hướng từ ngã tư Bình Triệu về hướng vòng xoay cầu vượt Bình Phước). Khi đến trước số nhà 609 Quốc lộ 13, khu phố 3, phường HBP, quận T, bị cáo H đã điều khiển xe mô tô chuyển hướng rẽ trái để quay đầu xe về hướng ngã tư Bình Triệu thiếu chú ý quan sát, không đảm bảo an toàn; lúc này, bị cáo E điều khiển xe mô tô biển số 51X3-3272 phía sau chở anh U đang lưu thông trên Quốc lộ 13 (theo hướng vòng xoay cầu vượt Bình Phước) do thiếu chú ý quan sát, không làm chủ được tốc độ đã để bánh trước xe mô tô biển số 51X3-3272 do mình điều khiển va chạm với ốp pô xe mô tô biển số 54S1-9080 do Nguyễn Hòa điều khiển; gây ra vụ tai nạn giao thông mà hậu quả sau tai nạn H, E bị xây sát nhẹ, U bị thương nặng được đưa đi Bệnh viện nhân dân Gia Định cấp cứu. Đến 10 giờ 05 phút ngày 26/9/2016, anh U chết.

Theo bản kết luận giám định pháp y số 1406/TT.16 ngày 18/10/2016 của Trung tâm pháp y Sơ Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, kết luận nguyên nhân chết của C do chấn thương sọ não.

Kết quả đo nồng độ cồn: E có nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định 0,52 miligam/1 lít khí thở và H có nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định 0,58 miligam/1 lít khí thở (>0,25 miligam/1 lít khí thở).

Xét, bị cáo H đã điều khiển xe do thiếu chú ý quan sát khi chuyển hướng, quay đầu xe không đảm bảo an toàn, không nhường đường cho xe đi ngược chiều, không có giấy phép lái xe mô tô theo quy định và điều khiển xe trong tình trạng nồng độ cồn vượt quá mức quy định; vi phạm khoản 8, khoản 9 Điều 8 và khoản 2 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ đã để xe mô tô biển số 54S1- 9080 do mình điều khiển va chạm với xe mô tô biển số 51X3-3272 do bị cáo Trần Văn E đang điều khiển chở anh U.

Đối với bị cáo Trần Văn E không có giấy phép lái xe mô tô theo quy định, điều khiển xe mô tô biển số 51X3-3272 thiếu chú ý quan sát, không làm chủ được tốc độ, điều khiển xe trong tình trạng nồng độ cồn vượt quá mức quy định, không xử lý kịp thời để bánh trước xe mô tô biển số 51X3-3272 đâm vào ốp pô xe mô tô biển số 54S1-9080 do bị cáo H điều khiển; vi phạm khoản 8, khoản 9 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ.

Trong vụ án, các bị cáo H và E có lỗi hỗn hợp gây ra vụ tai nạn giao thông mà hậu quả là nghiêm trọng là chết một người.

Đối với bị hại là anh C ngồi sau xe mô tô biển số 51X3-3272 có lỗi giao xe cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ, vi phạm vi phạm Điều 8 Luật Giao thông đường bộ; nhưng sau tai nạn anh U đã tử vong nên Cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự.

Như vậy, với hậu quả gây ra trong vụ án cùng yếu tố lỗi và hành vi nêu trên của bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo H và E phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là có cơ sở pháp luật, đúng người, đúng tội, không oan sai.

Hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, chỉ vì thiếu ý thức chấp hành các quy tắc giao thông đường bộ khi điều khiển xe mô tô có phân khối lớn tham gia giao thông; đã gây ra vụ tai nạn giao thông mà hậu quả là nghiêm trọng, làm chết một người; gây ra những mất mát, thương đau không gì bù đắp được cho thân nhân của bị hại và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.

Sau khi xét xử sơ thẩm: Ngày 24/9/2019, bị cáo H có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo; ngày 01/10/2019, bị cáo E có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; và ngày 30/9/2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận Thủ Đức có Quyết định kháng nghị số 03/QĐ-VKSTĐ đề nghị cấp phúc thẩm xét xử theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo H; là làm trong thời hạn luật định và hợp lệ nên được chấp nhận xem xét để xét xử phúc thẩm.

Xét khi quyết định hình phạt, cấp sơ thẩm đã nhận định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo: các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo H đã tự nguyện bồi thường, khắc phục phần nào hậu quả, được đại diện bị hại bãi nại; bị cáo E được gia đình bị hại bãi nại; để xem xét giảm nhẹ cho từng bị cáo một phần hình phạt đáng ra phải chịu.

Về nội dung kháng nghị: Đối với đề nghị cho bị cáo E hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), là chưa phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, với quy định của pháp luật; bởi lẽ: Sau khi phạm tội đến nay, bị cáo E và gia đình không bồi thường, khắc phục thiệt hại về tính mạng cho đại diện hợp pháp của bị hại; nên không có cơ sở để chấp nhận như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm.

Trong vụ án, các bị cáo E và H phạm tội thuộc trường hợp có hai tình tiết định khung theo quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có khung hình phạt “phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”.

Xét tính chất, mức độ phạm tội và nhân thân các bị cáo đều phạm tội lần đầu và chưa có tiền án, tiền sự; thuộc thành phần lao động và gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Trong đó: bị cáo H phạm tội thuộc trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ và không có tính tiết nặng nên khi quyết định hình phạt cấp sơ thẩm áp dụng các điểm b, p khoản 1 Điều 46 và Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để xử phạt bị cáo H mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt bị áp dụng tại khung hình phạt liền kề; và bị cáo E áp dụng theo quy định tại điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) mức án đầu khung hình phạt bị áp dụng. Để xử phạt bị cáo H mức án 01 (một) năm 08 (tám) tháng tù và bị cáo E mức hình phạt 03 (ba) năm tù; là thỏa đáng, đã xem xét toàn diện, khách quan và phù hợp với quy định của pháp luật, mới đủ tác dụng để răn đe giáo dục từng bị cáo nói riêng và có công tác đấu tranh, phòng ngừa chung.

Lập luận trên đây là căn cứ để Hội đồng xét xử không chấp nhận Quyết định kháng nghị số 03/QĐ-VKSTĐ ngày 30/9/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận Thủ Đức cũng như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên tòa về việc tăng mức hình phạt tù đối với bị cáo H.

Đối với kháng cáo của bị cáo H cũng như ý kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo H và bị cáo E xin giảm nhẹ hình phạt (riêng bị cáo H còn xin hưởng án treo) nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, không có thêm tình tiết giảm nhẹ gì mới, không phù hợp với quy định của pháp luật như nhận định nêu trên của Hội đồng xét xử và trường hợp phạm tội của bị cáo H không đủ điều kiện để được xem xét cho hưởng án treo theo quy định tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); nên không có cơ sở để được chấp nhận.

Do đó, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo E và H; không chấp nhận Quyết định kháng nghị số 03/QĐ-VKSTĐ ngày 30/9/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh; và giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.

Ngoài ra, khi quyết định hình phạt đối với bị cáo H, án sơ thẩm có nhận định về tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2009); nhưng phần căn cứ để quyết định hình phạt chưa áp dụng nên cần bổ sung cho chính xác.

+Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên căn cứ vào Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, buộc H và E, mỗi bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

+Các vấn đề khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo H và E; không chấp nhận Quyết định kháng nghị số 03/QĐ-VKSTĐ ngày 30/9/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh; và giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 268/2019/HS-ST ngày 18/9/2019 của Tòa án nhân dân quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Căn cứ vào các điểm a, b khoản 2 Điều 202; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Xử phạt: Bị cáo E 03 (ba) năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo thi hành án.

- Căn cứ vào các điểm a, b khoản 2 Điều 202; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 của Bộ luật hình sự năm 1999 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Xử phạt: Bị cáo H 01 (một) năm 08 (tám) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo thi hành án, được trừ thời gian tạm giam từ ngày 13/9/2017 đến ngày 14/5/2018.

- Về án phí: Căn cứ vào Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Buộc E và H, mỗi bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm là 200.000 (hai trăm nghìn đồng).

Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

293
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 569/2019/HS-PT ngày 25/11/2019 về tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

Số hiệu:569/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về