Bản án 548/2020/HS-PT ngày 18/11/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 548/2020/HS-PT NGÀY 18/11/2020 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN VÀ TỘI SỬ DỤNG TÀI LIỆU GIẢ CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Ngày 18 tháng 11 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang, Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 318/2020/TLPT-HS ngày 22 tháng 4 năm 2020 do có kháng cáo của bị cáo Lê Xuân H và Đào Văn Đ đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 08/2020/HS-ST ngày 12/3/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang.

Bị cáo có kháng cáo:

Lê Xuân H, sinh ngày 01/02/1988, tại thành phố H, tỉnh Hải Dương; Nơi cư trú: Số 35H đường Q, phường Q, thành phố H, tỉnh Hải Dương; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 12/12 dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt nam; con ông Lê Xuân T, sinh năm: 1946 và con bà Nguyễn Thị L sinh năm 1960; có vợ là Trần Thị H1, sinh năm 1992 và 02 con, con lớn sinh năm 2011, con nhỏ sinh năm 2017; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 357/2019/HS-PT ngày 19/6/2019, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xử phạt bị cáo Lê Xuân H 12 năm tù về tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội: "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức", thời hạn tù tính từ ngày 09/8/2018; hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Giang; bị cáo đang chấp hành án phạt tù, (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo Lê Xuân H: Ông Vương K - Luật sư Văn phòng luật sư M, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Hà Giang. Có mặt.

Người bị kết án có kháng cáo:

Đào Văn Đ, sinh ngày 15/4/1962 tại xã V, huyện K, tỉnh Hưng Yên; Nơi cư trú: Số 7D, đường N, khu 6, phường Q, thành phố H, tỉnh Hải Dương; nghề nghiệp: Lái xe; trình độ văn hóa: 07/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt nam; con ông Đào Quang N, sinh năm 1925 (đã chết) và con bà Vũ Thị N1, sinh năm 1925; có vợ là Nguyễn Thị P, sinh năm 1974 và 02 con, con lớn sinh năm 1998, con nhỏ sinh năm 2003; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 57/2018/HS-ST ngày 19/11/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng xử phạt bị cáo Đào Văn Đ 21 năm tù về tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội: "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức", thời hạn tù tính từ ngày 16/5/2018; bị cáo đang chấp hành án phạt tù, (có mặt).

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Đào Văn Đ: Bà Phạm Thị L1 - Luật sư, Văn phòng luật sư Phạm Thị L1 và các cộng sự thuộc Đoàn luật sư tỉnh Hà Giang, (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2009, Đào Văn Đ có quen biết anh Nguyễn Văn T1, sinh năm 1976; trú tại: Phường D, thành phố B, tỉnh Bắc Giang là chủ cửa hiệu sửa chữa xe ô tô, trong quá trình quen biết T1 đã nhiều lần giới thiệu cho Đ mua xe ô tô cũ, cuối năm 2015 T1 có giao cho Đ một chiếc xe ô tô nhãn hiệu Toyota Camry 2.5 LE, màu sơn đen. Sau khi đi xe về nhà, Đ rửa xe phát hiện dưới gầm ghế trước bên phụ có một giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô, mang tên Đặng Thanh B. Đ đối chiếu thông tin ghi trong chứng nhận đăng ký xe ô tô trùng với biển số xe đang sử dụng là 29A-104.07 và số khung, số máy của xe, Đ kiểm tra thì nhận ra đó là giấy đăng ký giả vì đăng ký thật có các đường vân và sắc nét còn đăng ký giả thì không có. Sau đó Đ đến chân cầu T, Hà Nội gặp người phụ nữ tên L2 (không rõ họ và địa chỉ, là người mà trước đó Đ đã nhiều lần thuê làm giấy tờ xe ô tô giả) và thuê L2 làm giả tem đăng kiểm; Tem nộp phí bảo trì đường bộ (đem về dán lên kính chắn gió phía trước của xe); Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và một chứng minh nhân dân mang tên Đặng Thanh B (nhưng chưa dán ảnh) với giá 15.000.000 đồng và mục đích làm giả để sử dụng đi cầm cố xe ô tô này để lấy tiền chi tiêu cá nhân. Sau khi làm đủ các giấy tờ xe giả, ngày 08/12/2015 Đ điện thoại cho Lưu Thị Thu T2 (là người nhiều lần cùng Đ mang xe ô tô có giấy tờ giả đi cầm cố ở tỉnh Cao Bằng) thông báo cho T2 biết đã mua được xe ô tô và cùng thống nhất tiếp tục đem đi cầm cố. Lúc đó T2 đang ở thành phố T và nói:

“đã cầm cố nhiều xe ở Cao Bằng rồi nên khó tiếp tục cầm cố được nữa”, Đ bảo: “xem đem cầm cố ở nơi khác được không”. T2 đồng ý và nhờ anh Bùi Gia L3, sinh năm 1972; trú tại: Xóm 5, xã H, huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên, xem có quen biết ai ở tỉnh Hà Giang nhờ hỏi hộ có ai nhận cầm cố xe ô tô Camry 2.5 LE, T2 nói xe có đầy đủ giấy tờ. Anh L3 nói có quen một người tên là Đào Thế Q, sinh năm 1986; trú tại: Tổ 3, phường Q, thành phố H, tỉnh Hà Giang; anh L3 điện thoại cho anh Q, sau đó cho T2 số điện thoại của anh Q để T2 trực tiếp liện hệ. T2 điện thoại cho anh Q nhờ tìm nơi cầm cố xe, anh Q đồng ý và điện thoại hỏi anh Thái Hữu C:“có nhận cầm cố xe ô tô Camry 2.5 LE không”, vì anh C cũng đang tìm mua xe ô tô nên bảo Q đưa xe đến xem, anh Q thông báo lại cho T2 biết. T2 điện thoại cho Đ thông báo đã tìm được người ở tỉnh Hà Giang nhận cầm cố xe và bảo đem xe đến thành phố Hà Giang. Đ một mình lái xe ô tô từ thành phố H đến thành phố Hà G. Sau đó Đ điện thoại cho Lê Xuân H (là cháu của Đ), bảo H đi xe ô tô khách đến thành phố Hà G để tiếp tục đóng giả là chủ xe đang cần tiền nên phải đem xe đi cầm cố (H đã 3 lần cùng Đ, T2 mang xe ô tô giấy tờ giả đi cầm cố tại tỉnh Cao Bằng với nhiệm vụ đóng giả là chủ xe ô tô nên H hiểu và đồng ý). Ngày 08/12/2015, H đi xe ô tô khách lên thành phố Hà Giang. Buổi sáng ngày 09/12/2015, T2 đi xe ô tô khách từ thành phố T đến thành phố Hà G. Khoảng 09 giờ cùng ngày Đ, T2, H gặp nhau tại một nhà nghỉ ở thành phố Hà G (do thời gian đã lâu và không thông thuộc địa bàn nên các bị cáo không nhớ nhà nghỉ nào), tại đây Đ đưa cho H một phong bì trong đó có chứng minh nhân dân giả mang tên Đặng Thanh B và ảnh chân dung của H, Đ bảo H:“đem đi dán ảnh của H và ép plastic chứng minh thư, đồng thời H sẽ đóng giả là chủ xe”, H dán ảnh chân dung của mình vào rồi mang ra quán ép plastic (H không xác định được địa điểm và tên chủ quán). Sau khi ép xong Đ đưa toàn bộ giấy tờ xe giả cho H và T2 giữ, T2 điện thoại cho anh Q rồi Đ lái xe đưa T2 và H đến nhà anh Q. Khi đến nơi, T2 và H vào nhà còn Đ ở ngoài sân chờ, T2 giới thiệu cho anh Q biết H là chủ xe, tên là Đặng Thanh B nhà ở thành phố Hà Nội đi buôn hàng đông lạnh ở cửa khẩu T, Hà Giang do ăn chơi hết tiền lấy hàng và đang nợ tiền của T2 nên muốn cầm cố xe ô tô để có tiền lấy hàng và trả cho T2, đồng thời đưa toàn bộ giấy tờ xe giả và chứng minh nhân dân mang tên Đặng Thanh B cho anh Q xem. Sau khi xem và đối chiếu các loại giấy tờ xe thấy đều mang tên Đặng Thanh B, chứng minh nhân dân cũng mang tên Đặng Thanh B, ảnh trên chứng minh đúng là H, người mà T2 giới thiệu là chủ xe nên anh Q tin và đưa cả ba người đến gặp anh C. Khi đến nhà anh C, Q giới thiệu T2, H với anh C và cũng nói lý do cầm cố xe như T2 nói với Q, anh C nói: “bán thì mua không muốn cho cầm cố xe”, sau đó anh C điện thoại nhờ anh Nguyễn Văn D, sinh năm 1973; trú tại: Tổ 2, phường N, thành phố H, tỉnh Hà Giang (là bạn làm nghề kinh doanh mua bán xe cũ) đến kiểm tra xe hộ. Anh D đến xem xe và giấy tờ xe xong rồi bảo anh C:“xe còn mới nếu bán dưới 900.000.000 đồng thì mua được”. Do chưa có đủ tiền mặt nên anh C hẹn chiều quay lại. Khoảng 17 giờ cùng ngày anh D điện thoại cho anh Q nói đã có tiền, anh Q đưa T2 và H đến, anh C tiếp tục đề nghị bán nhưng H giả vờ không đồng ý bán và chỉ cầm cố với số tiền là 700.000.000 đồng, anh C lấy 750.000.000 đồng đặt trên bàn nhờ anh D tiếp tục trao đổi nhưng H vẫn không bán, anh C đồng ý cho cầm cố với số tiền 700.000.000 đồng sau đó yêu cầu H viết giấy cầm cố xe và vay số tiền 700.000.000 đồng và anh D có nói là nếu bán xe thì sau 10 ngày mang theo sổ hộ khẩu gia đình đến sẽ trả đủ 850.000.000 đồng. Khi đưa tiền anh C giữ lại 20.000.000 đồng tiền lãi của 1 tháng nên chỉ đưa cho H 680.000.000 đồng, H và T2 đếm và nhận tiền, trước khi nhận tiền anh D yêu cầu H ký khống vào khoảng 3 đến 4 tờ giấy trắng khổ A4 với lý do hết thời gian cầm cố H không đến trả tiền lấy lại xe thì sẽ dùng giấy H ký khống viết thành giấy mua bán xe. Sau khi nhận tiền, H cầm túi tiền đi ra đến cổng thì đưa lại túi tiền cho T2 giữ, T2 có lấy 50.000.000 đồng đưa cho Q, nhưng Q không lấy, T2 cất số tiền này vào túi sách riêng của T2, sau đó T2, H và Đ đi xe taxi về nhà nghỉ. Tại nhà nghỉ T2 đưa lại túi tiền trong đó có 630.000.000 đồng cho Đ và nói dối là đã cho Q vay 50.000.000 đồng, sau đó Đ chia cho T2 số tiền 5.000.000 đồng. Sau khi chia tiền xong Đ và H ra bến xe đi xe ô tô khách về Hải Dương, còn T2 đi về Cao Bằng. Về đến nhà, Đ chia cho H số tiền 6.000.000 đồng. Số tiền trên các bị cáo Đ, T2 và H đã chi tiêu vào mục đích cá nhân.

Sau khi nhận cầm cố xe và đã quá thời gian theo thỏa thuận vẫn không thấy Đ, T2 và H quay lại trả tiền lấy lại xe, anh C tìm lại giấy cầm đồ nhưng không thấy chỉ còn giấy H ký khống nên anh C đã nhờ Nguyễn Thị N2, sinh năm 1980; trú tại: Tổ 2, phường N, thành phố H, tỉnh Hà Giang là kế toán của Công ty N (do anh C làm giám đốc) tìm mẫu giấy mua bán xe trên mạng internet và dùng giấy trắng mà H đã ký sẵn viết thành giấy mua bán xe với giá 850.000.000 đồng số tiền đã trả 750.000.000 đồng, số tiền còn lại sẽ đưa sau. Tờ giấy mua bán trên C đã giao nộp cho cơ quan điều tra.

Ngày 09/6/2016, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Hà Giang ra quyết định trưng cầu giám định số 72, trưng cầu phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Hà Giang, giám định đăng ký xe ô tô nhãn hiệu TOYOTA Cam ry 2.5 LE, màu sơn đen, biển kiểm soát 29A-104.07. Tại bản kết luận giám định số 98/GĐ-PC54, ngày 20/6/2016 của phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Hà Giang, kết luận mặt trước giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô là thật, mặt sau là giả, được in bằng phương pháp in phun màu.

Ngày 05/08/2016, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Hà Giang ra quyết định trưng cầu giám định số 104, trưng cầu Viện khoa học hình sự (C54) Bộ Công an, giám định số khung, số máy của xe ô tô nhãn hiệu TOYOTA Cam ry LE, màu sơn đen, biển kiểm soát 29A-104.07. Tại Bản kết luận giám định số 3777/C54-P2 ngày 08/9/2016 của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an, kết luận hàng số hiện tại 4T1BF3EK5BU674669 đóng trên miếng kim loại hàn vào khung xe không phải là số khung nguyên thủy của xe ô tô. Mã nhận dạng phương tiện (có nội dung trùng với số khung) nguyên thủy của xe ô tô là 4T1BF3EK3AU044504; Hàng số máy hiện tại là 2ARD376224 là hàng số đóng lại sau khi tẩy xóa hàng số máy nguyên thủy. Số máy nguyên thủy của xe ô tô là: "2AR …". Tại vị trí dấu ba chấm (…) còn một số ký tự nữa nhưng không xác định được.

Ngày 05/8/2016, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Hà Giang ra quyết định trưng cầu giám định số 105, trưng cầu Viện khoa học hình sự (C54) Bộ Công an, giám định biển kiểm soát xe ô tô 29A-104.07. Tại Bản kết luận giám định số 3477/C54(P3), ngày 18/8/2016 của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an đã kết luận 02 biển số xe ô tô 29A-104.07 có đặc điểm dấu vết hằn dập Cảnh sát hiệu, chữ và các số khác với đặc điểm dấu vết hằn dập Cảnh sát hiệu, chữ và các số ở biển số xe ô tô (thật) do Công ty Nam T - Tổng cục Hậu cần kỹ thuật, Bộ Công an cấp; không phát hiện thấy dấu vết tẩy xóa, thay đổi nội dung ở các số và chữ in dập trên hai biển số gửi giám định.

Ngày 27/11/2018, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Hà Giang ra quyết định trưng cầu giám định số 05, trưng cầu phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Hà Giang, giám định tài liệu (01 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ số KA 3610648). Tại Bản kết luận giám định số 21/KL-PC09 ngày 05/12/2018 của phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Hà Giang đã kết luận giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ số KA 3610648 là giả.

Ngày 15/10/2018, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Hà Giang yêu cầu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Hà Giang, định giá tài sản 01 chiếc xe ô tô nhãn hiệu TOYOTA Cam ry LE, màu sơn đen, biển kiểm soát 29A – 10407, sản xuất năm 2009, nước sản xuất Mỹ. Tại bản Kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Hà Giang, kết luận giá trị của chiếc xe ô tô Toyota Camry 2.5 LE là 650.000.000 đồng.

Cơ quan điều tra đã xác định nguồn gốc chiếc xe TOYOTA Camry 2.5 LE như sau: Năm 2010, anh Nguyễn Văn D, sinh năm 1977; trú tại: Thôn C, xã Y, huyện G, thành phố Hà Nội cùng vợ là chị Nguyễn Thị Hương G, sinh năm 1977 thành lập Công ty mua bán thiết bị năng lượng mặt trời tại Khu công nghiệp Q, huyện M, thành phố Hà Nội. Để phục vụ nhu cầu đi lại và kinh doanh, D và G có mua chiếc xe ô tô nhãn hiệu Toyota Camry LE, 2.5 với giá 1,1 tỷ đồng, do mới về nước chưa có hộ khẩu nên D đã nhờ bà Nguyễn Thị H2, sinh năm 1957; trú tại tổ 3, phường G, quận Long B, thành phố Hà Nội (mẹ vợ của D) đứng ra ký hợp đồng tín dụng số 31762/HĐTD/TH-TN/TCB-DCG với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank thành phố Hà Nội) để vay số tiền 735.000.000 đồng, tài sản đảm bảo là xe ô tô nhãn hiệu Toyota Camry LE 2.5, màu sơn đen, BKS 30Y-8271, số khung 4T1BF3EK3AU044504, số máy 2ARD085301. Thời điểm vay là 07/6/2010, thời hạn vay là 48 tháng, hạn trả cuối cùng là 08/6/2014. Sau khi đăng ký chủ sở hữu thì giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô (bản gốc) do Ngân hàng giữ và Ngân hàng cấp cho một bản sao chứng nhận đăng ký xe ô tô, trong đó ghi cụ thể thời hạn lưu hành xe. Đến năm 2012, công việc kinh doanh của công ty gặp khó khăn nên hai vợ chồng anh D, chị G đã vay của Ngô Gia C1, sinh năm 1976; trú tại thôn Y, xã Y, huyện G, thành phố Hà Nội số tiền 400.000.000 đồng và giao chiếc xe ô tô biển kiểm soát 30Y-8271 cho anh C1 giữ làm tin. Một thời gian lâu không thấy anh D đến trả tiền để lấy xe, anh C1 có tìm hiểu thì được biết vợ chồng D, G đã bỏ đi khỏi địa phương và không liên lạc được. Do thời hạn lưu hành chiếc xe mà ngân hàng cho phép cũng đã hết, anh C1 không sử dụng đi lại nữa mà cất xe trong kho. Đến năm 2014, C1 cho Nguyễn Văn T1, sinh năm 1975; trú tại phường D, thành phố B – Bắc Giang (là bạn cùng làm ăn với C1) mượn chiếc xe ô tô trên, Khi C1 cho T1 mượn xe C1 nói cho T1 biết là chiếc xe ô tô đó là của D (bạn của C1) đặt làm tin, nhưng giấy tờ xe đang thế chấp ở ngân hàng và hiện D đi đâu không rõ, khi nào D1 về thì T1 trả xe cho C1 để C1 trả xe cho D (quá trình mượn xe không làm giấy tờ gì mà chỉ trao đổi bằng miệng). Khi T1 lấy xe ô tô về sử dụng đi lại thì chiếc xe ô tô chưa bị đục lại số khung số máy, được một thời gian thì T1 có giới thiệu cho C1 mua một chiếc xe ô tô cũ, do thiếu tiền nên C1 đã vay của T1 số tiền 300.000.000 đồng và hứa khi nào D đòi xe thì C1 trả tiền cho T1 đồng thời lấy xe về trả cho D. Đến cuối năm 2015 T1 giao xe cho Đ sau đó Đ1 thuê người làm giả thêm một số giấy tờ đem lên Hà Giang để lừa đảo.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 08/2020/HS-ST ngày 12/3/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang, QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Bị cáo Đào Văn Đ phạm tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội: "Làm giả tài liệu; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức"; các bị cáo Lưu Thị Thu T2 và Lê Xuân H phạm tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội: "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

2. Về hình phạt:

- Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139, khoản 3 Điều 267, các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 53 của BLHS năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7, điểm b khoản 3 Điều 341 của BLHS năm 2015; điểm a khoản 1 Điều 50 và khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 1999. Xử phạt bị cáo Đào Văn Đ 14 năm tù về tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 04 năm tù về tội: "Làm giả tài liệu; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", tổng hợp buộc bị cáo phải chịu hình phạt chung của hai tội là 18 năm tù. Tổng hợp với hình phạt 21 năm tù tại bản án số 57/2018/HSST ngày 19/11/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng, buộc bị cáo Đào Văn Đ phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 30 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 16/5/2018.

- Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139, khoản 3 Điều 267, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 53 của BLHS năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; khoản 3 Điều 7, điểm b khoản 3 Điều 341 của BLHS năm 2015; điểm a khoản 1 Điều 50 và khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 1999. Xử phạt bị cáo Lưu Thị Thu T2 13 năm tù về tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 03 năm tù về tội: "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", tổng hợp buộc bị cáo phải chịu hình phạt chung của hai tội là 16 năm tù. Tổng hợp với hình phạt 21 năm tù tại bản án số 357/2019/HS-PT ngày 19/6/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, buộc bị cáo Lưu Thị Thu T2 phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 30 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 04/10/2017.

- Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139, khoản 3 Điều 267, các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 53 của BLHS năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; khoản 3 Điều 7, điểm b khoản 3 Điều 341 của BLHS năm 2015; điểm a khoản 1 Điều 50 và khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 1999. Xử phạt bị cáo Lê Xuân H 07 năm tù về tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 02 năm tù về tội: "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", tổng hợp buộc bị cáo phải chịu hình phạt chung của hai tội là 09 năm tù. Tổng hợp với hình phạt 12 năm tù tại bản án số 357/2019/HS-PT ngày 19/6/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, buộc bị cáo Lê Xuân H phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 21 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 09/8/2018.

Ngoài ra, Bản án còn tuyên phần xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo của đương sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Ngày 24/3/2020, Đào Văn Đ có đơn kháng cáo đề nghị xem xét phần trách nhiệm dân sự.

Ngày 26/3/2020, bị cáo Lê Xuân H kháng cáo đề nghị được giảm nhẹ hình phạt.

 Tại phiên phúc thẩm:

- Bị cáo Lê Xuân H giữ nguyên kháng cáo và trình bày thống nhất với trình bày như nội dung của bản án sơ thẩm và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

- Đào Văn Đ giữ nguyên kháng cáo và trình bày thống nhất với nội dung của bản án sơ thẩm và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về trách nhiệm dân sự đối với Lê Thị Thu T2 và buộc T2 phải bồi thường cho bị hại là anh C với số tiền bằng bị cáo là 550.000.000 đồng + 100.000.000 đồng = 650.000.000 đồng/2 = 325.000.000 đồng. Vì bị cáo cho rằng số tiền 430.000.000 đồng là tiền của bị cáo tự bỏ ra.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

Về tố tụng: Kháng cáo của bị cáo Lê Xuân H và Đào Văn Đ trong thời hạn luật định nên được xem xét giải quyết.

Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét hành vi của Đ, T2, H và đã xác định về tội danh và quyết định về hình phạt đối với Đ, T2, H2. Tuy nhiên, chỉ có bị cáo H kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Xét kháng cáo của bị cáo H xin giảm nhẹ hình phạt: Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo về hai tội và mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề là có lợi cho bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo H không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ nào khác so với phiên tòa sơ thẩm. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo H.

Đối với kháng cáo về trách nhiệm dân sự của Đào Văn Đ: Đ cho rằng đã đưa cho T2 87.000.000 đồng và 50.000.000 đồng T2 cầm để đưa cho Q và Đ. Đào Văn Đ cho rằng số tiền Đ được hưởng phải trừ tiền gốc Đ bỏ ra là 430.000.000 đồng và buộc T2 chịu tiền lãi của tiền gốc này. Đề nghị này của Đ là không có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm buộc T2 phải bồi thường cho bị hại số tiền 100.000.000 đồng là phù hợp. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Đào Văn Đ.

Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 355 và Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của H và Đ; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Luật sư bào chữa cho bị cáo H trình bày: Về nội dung vụ án bị cáo hưởng đã thừa nhận, nên không xem xét. Tuy nhiên, bị cáo H kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, do đó đề nghị Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh gia đình, vai trò, số tiền được hưởng và việc thực hiện hành vi phạm tội là do sự chỉ đạo của Đ và T2 để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo H.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Đào Văn Đ trình bày: Tòa án cấp sơ thẩm buộc Đ phải bồi thường cho bị hại 550.000.000 đồng là không công bằng. Vì, Đ đã đưa cho T2 một lần 87.000.000 đồng và một lần 50.000.000 đồng và cũng như việc T2 có vai trò tích cực trong vụ án. Do đó, buộc T2 bà Đ bồi thường cho bị hại với số tiền là bằng nhau.

Bị cáo H nhất trí với trình bày của Người bào chữa cho bị cáo.

Đào Văn Đ nhất trí với trình bày của Người bảo vệ quyền và lợi ích cho Đ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Kháng cáo của Đào Văn Đ, bị cáo Lê Xuân H trong thời hạn luật định nên được xem xét giải quyết.

[2] Về nội dung: Tại phiên tòa phúc thẩm Lê Xuân H và Đào Văn Đ đều khai nhận hành vi của mình như nội dung của bản án sơ thẩm. Lời nhận tội của bị cáo Lê Xuân H tại phiên tòa phù hợp với lời khai của Đào Văn Đ, Lưu Thị Thu T2 (T) trong giai đoạn điều tra, truy tố, phù hợp với lời khai của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, các vật chứng liên quan đến vụ án, phù hợp với các kết luận giám định. Do đó, có đủ căn cứ để kết luận: Khoảng 17 giờ ngày 09/12/2015, tại nhà kho của Thái Hữu C tại tổ 5, phường N, thành phố H, tỉnh Hà Giang; Đào Văn Đ2, Lưu Thị Thu T2 và Lê Xuân H đã sử dụng xe ô tô nhãn hiệu Toyota Camry 2.5 LE và giấy tờ giả kèm theo xe (gồm: Tem đăng kiểm, Tem nộp phí bảo trì đường bộ, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Chứng minh nhân dân mang tên Đặng Thanh B và Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô mang tên Đặng Thanh B) để lừa đảo chiếm đoạt của bị hại Thái Hữu C số tiền 680.000.000 đồng; giấy tờ giả kèm theo xe ô tô nhãn hiệu Toyota Camry 2.5 LE là do Đào Văn Đ thuê người phụ nữ tên L2 (không rõ họ và địa chỉ) làm giả gồm: Tem đăng kiểm; Tem nộp phí bảo trì đường bộ; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và một chứng minh nhân dân mang tên Đặng Thanh B. Với mục đích vụ lợi nên Đ, T2 (T) và H đã sử dụng những giấy tờ giả kèm theo xe ô tô nhãn hiệu Toyota Camry 2.5 LE với thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt 680.000.000 đồng của người bị hại.

Với hành vi nêu trên Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét tội danh và hình phạt đối với Đào Văn Đ, Lưu Thị Thu T2 và Lê Xuân H.

[3] Xét kháng cáo về phần hình phạt của bị cáo Lê Xuân H: Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng, với hành vi nêu trên thì bị cáo Lê Xuân H đã phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 nay là điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 và tội: “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo khoản 3 Điều 267 của BLHS năm 1999 nay là khoản 3 Điều 341 của BLHS năm 2015.

Theo khoản 3 Điều 267 của BLHS năm 1999 quy định hình phạt tù từ 04 năm đến 07 năm. Còn theo khoản 3 Điều 341 của BLHS năm 2015 quy định hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. So với quy định tại khoản 3 Điều 267 của BLHS năm 1999 thì quy định tại khoản 3 Điều 341 của BLHS năm 2015 là quy định có lợi cho người phạm tội. Do đó, căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội thì theo khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự thì áp dụng điểm b khoản 3 Điều 341 của BLHS năm 2015 để xét xử các bị cáo H.

Trong vụ án này Đào Văn Đ là người chủ mưu, Lưu Thị Thu T2 là người thực hành tích cực, bị cáo Lê Xuân H là người giúp sức cùng thực hiện tội phạm. Căn cứ vai trò, tính chất mức độ hành vi phạm tội và hậu quả thì Đào Văn Đ có vai trò cao hơn Lưu Thị Thu T2, bị cáo Lê Xuân H là người giúp sức nên chịu mức hình phạt thấp hơn các Đào Văn Đ và Lưu Thị Thu T2.

Về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì bị cáo H không phải chịu tình tiết tăng nặng nào.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo Lê Xuân H thành khẩn khai báo và đã khắc phục được 6.000.000 đồng cho bị hại; có bố đẻ được tặng Huy chương vì sự nghiệp giao thông vận tải và Huy chương kháng chiến hạng nhất. Do đó, cần áp dụng các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 nay là điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.

Đối với bị cáo Lê Xuân H là người giúp sức trong vụ án và có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999. Do đó, áp dụng cho bị cáo H Điều 47 của BLHS năm 1999 nay là khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015 để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Bị cáo Lê Xuân H bị xét xử về 02 tội và đang phải chấp hành án phạt tù theo bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật khác. Vì vậy, áp dụng điểm a khoản 1 Điều 50 và khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 1999 nay là điểm a khoản 1 Điều 55 và khoản 1 Điều 56 Bộ luật hình sự năm 2015 để tổng hợp hình phạt đối với bị cáo.

Từ căn cứ trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo Lê Xuân H như quyết định của bản án sơ thẩm là có lợi cho bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Lê Xuân H không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào khác so với phiên tòa sơ thẩm. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo H; cần thiết phải giữ nguyên bản án sơ thẩm và phù hợp với quan điểm giải quyết vụ án của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

[4] Xét kháng cáo của Đào Văn Đ về trách nhiệm dân sự: Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Số tiền của bị hại Thái Hữu C bị chiếm đoạt là 680.000.000 đồng, quá trình điều tra vụ án Đào Văn Đ đã trả 50.000.000 đồng, bị cáo Lê Xuân H đã trả 6.000.000 đồng cho bị hại. Bị hại Thái Hữu C yêu cầu các bị cáo phải trả số tiền còn lại là 624.000.000 đồng. Yêu cầu của bị hại là hợp pháp và có căn cứ, vì vậy cần chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bị hại. Do các bị cáo cùng gây thiệt hại cho bị hại, nên các bị cáo phải liên đới bồi thường cho bị hại theo điều 587 và 589 của Bộ luật dân sự (BLDS), căn cứ vào mức độ lỗi.

Tòa án cấp sơ thẩm buộc Đào Văn Đ phải bồi thường phần lớn thiệt hại, tiếp đến là Lưu Thị Thu T2, bị cáo Lê Xuân H. Cụ thể Đào Văn Đ phải bồi thường 550.000.000 đồng, Đ đã bồi thường 50.000.000 đồng, còn phải bồi thường 500.000.000 đồng; Lưu Thị Thu T2 phải bồi thường 100.000.000 đồng; bị cáo Lê Xuân H phải bồi thường 30.000.000 đồng, bị cáo đã bồi thường 6.000.000 đồng, còn phải bồi thường 24.000.000 đồng là phù hợp và có căn cứ.

Tại phiên tòa phúc thẩm Đào Văn Đ cho rằng cần phải buộc Lưu Thị Thu T2 phải bồi thường cho bị hại số tiền bằng với Đ là T2 phải bồi thường cho bị hại ½ của số tiền 650.000.000 đồng (550.000.000 đồng Đ phải bồi thường và 100.000.000 đồng T2 phải bồi thường)=325.000.000 đồng. Tuy nhiên, Đ không đưa được căn cứ nào khác với phiên tòa sơ thẩm và căn cứ số tiền Đ chiếm giữ thì Hội đồng xét xử không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo về phần dân sự của Đào Văn Đ và phù hợp với quan điểm giải quyết vụ án của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Ngoài ra, Đào Văn Đ cho rằng số tiền bị cáo chiếm đoạt của anh C là 680.000.000 đồng thì bị cáo tự bỏ tiền ra 430.000.000 đồng. Hội đồng xét xử thấy nếu quyền và lợi ích của Đào Văn Đ bị xâm phạm thì có thể khởi kiện vụ án khác theo quy định của pháp luật.

[5] Về án phí phúc thẩm: Do không chấp nhận kháng cáo nên bị cáo H phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Đào Văn Đ phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không xét.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Xuân H:

Không chấp nhận kháng cáo của Đào Văn Đ.

Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 08/2020/HS-ST ngày 12/3/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang.

1. Về tội danh: Tuyên bố Lê Xuân H phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

2. Về hình phạt:

- Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139, khoản 3 Điều 267, các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 53 của BLHS năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; khoản 3 Điều 7, điểm b khoản 3 Điều 341 của BLHS năm 2015; điểm a khoản 1 Điều 50 và khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 1999.

Xử phạt bị cáo Lê Xuân H 07 năm tù về tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 02 năm tù về tội: "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", tổng hợp buộc bị cáo phải chịu hình phạt chung của hai tội là 09 năm tù. Tổng hợp với hình phạt 12 năm tù tại bản án số 357/2019/HS-PT ngày 19/6/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, buộc bị cáo Lê Xuân H phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 21 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 09/8/2018.

3. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 của BLHS năm 1999; Điều 585, Điều 587 và Điều 589 của BLDS, buộc Đào Văn Đ, Lưu Thị Thu T2 và Lê Xuân H phải liên đới bồi thường cho bị hại Thái Hữu C số tiền 624.000.000 đồng, trong đó: Đào Văn Đ phải bồi thường 500.000.000 đồng; Lưu Thị Thu T2 phải bồi thường 100.000.000 đồng; Lê Xuân H phải bồi thường 24.000.000 đồng.

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH13 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 4. Án phí phúc thẩm:

Bị cáo Lê Xuân H phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

Đào Văn Đ phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người phải thi hành án dân sự có quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

362
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 548/2020/HS-PT ngày 18/11/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

Số hiệu:548/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 18/11/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về