Bản án 37/2019/HNGĐ-ST ngày 04/06/2019 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ LX, TỈNH AN GIANG

BẢN ÁN 37/2019/HNGĐ-ST NGÀY 04/06/2019 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN

Ngày 04 tháng 6 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố LX, tỉnh An Giang tiến hành xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 775/2018/TLST-HNGĐ ngày 08 tháng 11 năm 2018 về việc “Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 67/2019/QĐXXST-HNGĐ ngày 23 tháng 4 năm 2019 và thông báo số 01/2019/TB-TA ngày 20/5/2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Lâm Quốc T, sinh năm 1977.

Hộ khẩu thường trú: Số A, đường P, khóm Đ 8, phường M, thành phố LX, tỉnh An Giang.

Đa chỉ hiện nay: Số B, khóm Đ 6, phường M, thành phố LX, tỉnh An Giang.

y quyền tham gia tố tụng cho bà Huỳnh Thị Kim C, sinh năm 1955.

Địa chỉ cư trú tại số B, khóm Đ 6, phường M, thành phố LX, tỉnh tỉnh An Giang (Theo văn bản ủy quyền được chứng nhận tại Văn phòng Công chứng Nhựt Quang ngày 22/02/2019, số công chứng 115, quyển số 01TP/CC-SCC/HĐGD) – Có mặt.

2. Bị đơn: Bà Đào Thị L, sinh năm 1980.

Đa chỉ: Số C, khóm B 7, phường B, thành phố LX, tỉnh An Giang – Có mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Lê Lâm T – Thuộc Đoàn Luật sư tỉnh An Giang.

Đa chỉ: Số D, đường L, phường M, thành phố LX, tỉnh An Giang – Có mặt.

3. Người làm chứng:

3.1. Bà Phạm Thị Ngọc H1, sinh năm 1985.

Đa chỉ nơi cư trú: Số X, đường Hà Hoàng Hổ, phường Đông Xuyên, thành phố LX, tỉnh An Giang – Có mặt.

3.2. Bà Phạm Thị H2, sinh năm 1968.

Đa chỉ nơi cư trú: Tổ X, khóm B 5, phường B, thành phố LX, tỉnh An Giang – Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện ngày 03/11/2018 của nguyên đơn là ông Lâm Quốc T, tại biên bản hòa giải không thành và tại phiên tòa, phía nguyên đơn trình bày:

Gia ông T và bà L có hai con chung là cháu Lâm Hồng M1 sinh ngày 08/7/2006 cháu Lâm Thiên M2 sinh ngày 26/6/2013. Theo quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn số 310/2016/QĐST-HNGĐ ngày 22/8/2016 thì bà L được quyền trực tiếp nuôi dưỡng các con chung và phải tạo điều kiện cho ông T thăm nom, chăm sóc, giáo dục các cháu. Quá trình trực tiếp nuôi con, bà L đã ngăn cản ông T thực hiện quyền của người không trực tiếp nuôi con. Việc bà L cản trở ông T thăm con thể hiện tại Tờ tường trình ngày 01/8/2018, lời khai của người làm chứng là bà Phạm Thị H2 và bà Phạm Thị Ngọc H1, đơn yêu cầu về việc rước bé ngày 18/01/2019 của bà Đào Thị L. Ngoài ra, các con không được bà L chăm sóc, dẫn đến sức khỏe của cháu Thiên M2 không tốt, thường xuyên bị bệnh, bé Thiên M2 có cân nặng ở mức trung bình. Bà L dạy các con những điều không tốt gia đình bên nội. Bà L không đủ tư cách, đạo đức để dạy con, cụ thể là khi vợ chồng còn chung sống với nhau thì có sự việc đánh ghen giữa bà và phụ huynh học sinh theo bản tường trình nội dung diễn biến sự việc đề ngày 30/3/2019. Ông T xác định, hiện nay là công an đang công tác tại Công an phường M với mức lương là 12.095.000 đ/tháng nên có đủ điều kiện và thời gian để nuôi con.

Thời gian qua, bà L nhiều lần nhờ người giúp việc để rước các con, gia đình ông T thường xuyên rước cháu Thiên M2 về nhà chăm sóc như cho ăn, tắm rửa, thay quần áo. Hiện nay, phía gia đình bên nội chỉ có Hồng M1 và Thiên M2 là cháu nên rất yêu thương và mong muốn được chăm sóc. Ông T hiện nay sống với mẹ ruột và em trai của mình. Em trai của T cũng chưa lập gia đình nên cũng rất yêu thương cháu. Sau khi bà L gửi thời khóa biểu của các con thì do mâu thuẫn xung đột của hai bên nên ông T không thăm con được. Việc bà L cản trở quyền thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung, phía ông T chưa yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành theo quyết định của Tòa án, lý do là phải chờ đợi cơ quan thi hành án, hơn nữa ông T cũng tới thăm con sau giờ học, vào những buổi tối thì cơ quan thi hành án không làm việc. Hiện nay, bà L đã chuyển cháu Thiên M2 đến trường khác học nên gia đình bên nội và ông T không thăm nom được. Đối với cháu Hồng M1, do Hồng M1 có nguyện vọng sống với mẹ nên ông T rút một phần yêu cầu khởi kiện là không yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng cháu Lâm Hồng M1.

* Theo văn bản ghi ý kiến ngày 12/11/2018, tại biên bản hòa giải không thành và tại phiên tòa, bị đơn là bà Đào Thị L đơn trình bày:

Trước đây bà là giáo viên trường M. Do lương giáo viên không đủ nuôi sống bà và các con nên sau khi ly hôn, bà nghỉ dạy và thuê 01 căn nhà để mẹ con bà ở, đồng thời mở trung tâm dạy kèm S tại đây. Việc thành lập trung tâm là hợp pháp thể hiện tại Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 02/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc cho phép thành lập trung tâm Ngoại ngữ S, Quyết định số 1348/QĐ-SGDĐT ngày 06/9/2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc công nhận cán bộ quản lý trung tâm và bảng khai tài chính của trung tâm Ngoại Ngữ S. Thời gian qua, bà đã cố gắng nuôi con một cách tốt nhất, tìm kiếm tài chính và tìm hiểu nhiều phương pháp nuôi dạy trẻ có nhiều ưu điểm để áp dụng, luôn mong muốn con trở thành người có ích cho xã hội. Kết quả thể hiện là giấy khen của cháu Hồng M1, cháu Thiên M2 năm học 2018 - 2019 và các sổ liên lạc của cháu Thiên M2. Từ khi bà trực tiếp nuôi con đến nay, bà đã tạo điều kiện hết sức để ông T thăm nom con chung như mỗi tuần ông T có thể đến thăm con 03 – 04 lần. Tuy nhiên, ông T không tôn trọng giờ giấc học tập của con. Bà chỉ không đồng ý việc ông T rước con trong giờ học thể hiện tại Tờ tường trình ngày 25/02/2019 của ông T và đơn xin xác nhận ngày 10/4/2019 của bà. Ngoài ra, không có sự cản trở nào khác. Đối với cháu Thiên M1, bà chuyển trường là do bà có dự định cho cháu học tiểu học tại trường Quốc Tế G nên có cho cháu vào đó để làm quen vào ngày 12/02/2019. Từ khi có quyết định ly hôn đến nay, bà và ông T không có sự thỏa thuận về giờ giấc thăm con mà ông T có thể đến rước con đi bất cứ lúc nào. Ông T thường xuyên rước con tại trường, không thông báo cho bà, đến khi bà đến thì cô giáo cho biết ông T đã rước con. Từ qua Tết đến nay, ông T không ghé thăm con nên bà không thông báo được cho ông T về việc chuyển trường cho bé Thiên M1. Việc cho người khác rước con là do con gái của em gái ruột của bà cũng học lớp kế bên nên có nhờ em gái rước thay. Trước đây, khi bà đi công tác xa thì bà có gửi con cho ông T chăm sóc. Việc ông T và bà nội rước các cháu về nhà chăm sóc vào buổi chiều thì bà cũng thống nhất và ủng hộ nhưng phải đưa cháu lại đúng giờ để học buổi tối. Do thời gian qua, bản thân bà đã tạo điều kiện để ông T thực hiện quyền thăm con của mình nhưng ông T lại lạm dụng quyền đó, thăm nom không giờ giấc và tự ý bước vào nhà bà khi rước con nên bà có nhắc nhở và xảy ra tranh cãi. Bà L xác định bà đủ điều kiện để tiếp tục nuôi dưỡng con chung nên không đồng ý yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn, Luật sư Lê Lâm T trình bày:

Nguyên đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con với lý do bị đơn không tạo điều kiện tự do, thoải mái cho ông đến thăm con, bà L không chăm sóc con tốt dẫn đến sức khỏe của cháu Thiên M1 yếu hơn các bạn đồng trang lứa, bà L nhiều lần nhờ người giúp việc rước con, bỏ đi thành phố Hồ Chí Minh nhiều ngày. Bà L còn đánh và xua đuổi khi ông T đến thăm con. Ngoài ra, ông T còn cho rằng bà L không có đạo đức để nuôi dạy con vì khi vợ chồng ông còn chung sống, bà đã ngoại tình với người khác. Các lý do của ông T đưa ra có người làm chứng biết gồm bà H1, bà H2. Tuy nhiên, tại phiên tòa, bà H1 xác định ông T và bà C thường xuyên đến rước con cháu từ sáng đến chiều thì đưa về, việc bà L cầm thước xua đuổi ông T, bà Hân có thấy nhưng không biết nguyên nhân xảy ra xô xát. Đối với lời khai bà H2, thì bà H2 xác định chỉ nghe ông T nói lại và thời gian bà H2 giúp việc cho bà L chỉ từ tháng 6 năm 2017 đến tháng 9 năm 2017 nhưng lại ký tên chứng kiến sự kiện xảy ra vào tháng 8/2018. Do đó, lời khai của bà H2 là không khách quan. Căn cứ vào lời khai của cháu Hồng M1 thể hiện, bà L có tạo điều kiện để ông T thăm nom con chung. Qua các giấy khen của cháu Hồng M1, cháu Thiên M2 cuối năm học 2018 – 2019, sổ liên lạc của cháu Thiên M2 và lời thừa nhận của ông T, bà C tại phiên tòa thì không đủ căn cứ cho rằng bà L nuôi con không tốt cũng như có cản trở ông T thăm con. Tại phiên tòa, ông T nêu lý do bà L vi phạm đạo đức là khi còn chung sống với ông đã ngoại tình nên không đủ tư cách để nuôi dạy con là không có cơ sở. Từ những nhận định trên, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 84 của Luật Hôn nhân và gia đình, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, không chấp nhận yêu cầu nuôi con của nguyên đơn.

* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố LX phát biểu ý kiến:

Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, thành phần Hội đồng xét xử cũng như xác định quan hệ tranh chấp, việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng trong vụ án đúng theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Về nội dung: Tại đơn khởi kiện ngày 03/11/2019, Lâm Quốc T yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con chung là cháu Lâm Hồng M1 sinh ngày 08/7/2006 và Lâm Thiên M2 sinh ngày 19/6/2013. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án có tiến hành ghi nhận nguyện vọng của cháu Hồng M1 và cháu mong muốn được tiếp tục sống với mẹ. Do đó, ông T xác định không yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con đối với cháu Hồng M1. Đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông T. Đối với cháu Lâm Thiên M2, ông T yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi cháu Thiên M2 do bà L cản trở ông thực hiện quyền thăm nom cháu Thiên M2, không đủ điều kiện để nuôi dạy con, thường xuyên bỏ đi xa vì việc riêng. Bà L cho rằng bà không cản trở ông T thực hiện quyền thăm nom con chung nhưng bà có hạn chế và đề nghị ông T tôn trọng giờ giấc học tập của con. Căn cứ vào lời khai của cháu Hồng M1 tại Tòa án ngày 09/11/2018, căn cứ vào giấy khen, sổ liên lạc của cháu Thiên M2 thì không đủ cơ sở để thay đổi người nuôi con. Do đó, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 84 của Luật Hôn nhân và gia đình, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của ông T về việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại Phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận, Hội đồng xét xử nhận định:

Về tố tụng:

[1] Tranh chấp giữa ông Lâm Quốc T và bà Đào Thị L là tranh chấp về Hôn nhân và gia đình theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân thành phố LX thụ lý giải quyết.

[2] Nguyên đơn là ông Lâm Quốc T ủy quyền tham gia tố tụng cho bà Huỳnh Thị Kim C. Việc ủy quyền được lập thành văn bản, được chứng nhận tại Phòng Công chứng, về hình thức và nội dung ủy quyền không trái với quy định của luật nên được Hội đồng xét xử chấp nhận. Tại phiên tòa, ông T xác định ông và bà C cùng trình bày những vấn đề liên quan đến yêu cầu khởi kiện.

[3] Tại phiên tòa, người làm chứng là các bà Phạm Thị H2 vắng mặt, bà Phạm Thị Ngọc H1 có đơn xin vắng mặt trong giai đoạn tranh luận. Xét thấy việc vắng mặt của người làm chứng không gây khó khăn, không ảnh hưởng đến việc giải quyết toàn diện, khách quan vụ án nên Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 229, Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử.

Về nội dung:

[4] Ông T cho rằng, quá trình trực tiếp nuôi con, bà L đã ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc các con chung của ông, cụ thể như xua đuổi, không cho các con gặp ông. Ngoài ra, bà L không có đạo đức, điều kiện để chăm sóc con tốt dẫn đến cháu Thiên M2 thường xuyên bị bệnh và không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe. Do cháu Lâm Hồng M1 sinh ngày 08/7/2006 không đồng ý sống với ông nên ông xác định không yêu cầu nuôi dưỡng cháu Hồng M1 mà chỉ yêu cầu được nuôi dưỡng cháu Lâm Thiên M2 sinh ngày 19/6/2013.

[5] Bà L không đồng ý với yêu cầu của ông T. Bà nhận thấy bà đủ điều kiện để nuôi con như bà là giáo viên, giám đốc trung tâm Ngoại ngữ S, có thu nhập tài chính ổn định. Căn nhà bà thuê để mở trung tâm Ngoại ngữ S cũng là nơi bà và hai con sinh sống. Do đó, ngoài giờ học ở trường thì các con còn có môi trường sinh hoạt lành mạnh, có thể học tập thêm nhiều kỹ năng sống khác.

[6] Qua lời khai và tài liệu, chứng cứ các bên cung cấp cho thấy, thời gian qua ông T có thực hiện quyền thăm nom, chăm sóc con chung. Cụ thể ông T đã đến thăm con mỗi ngày từ ba đến bốn lần như lời khai của bà H1 là người làm chứng cho ông T tại bút lục số 07 và 06; mỗi buổi chiều ông T đến rước các con từ 5 giờ 30 phút đến 8 giờ tối đưa về như bà H1 khai tại phiên tòa; một tuần ông T đến chở các con đi chơi hai đến ba lần, các con được về Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp thăm ông nội mỗi dịp hè là 02 – 03 lần, mỗi lần dài 01 tuần và khi bà L đi học ở Thành phố Hồ Chí Minh thì ông T chăm sóc các con, thời gian bà L học là 02 đến 03 ngày, có 01 lần là 02 tuần như lời khai của con chung là cháu Lâm Hồng M1 có sự chứng kiến của ông T tại bút lục số 71, 72; ông T và bà nội là bà Huỳnh Thị Kim C có chăm sóc cháu Thiên M2 như đón cháu mỗi chiều, cho cháu ăn, tắm rửa như bà C đã khai. Bà L thừa nhận có sự hạn chế việc thường xuyên thăm con của ông T vì ông T không tôn trọng giờ giấc học tập của các con, có lần xảy ra xô xát do ông T tự ý bước vào nhà bà. Xét thấy, hành vi của ông T, bà L cũng xuất phát từ tình yêu thương của cha mẹ dành cho các con nhưng các bên lại không thỏa thuận để thống nhất về thời gian cố định thực hiện quyền nghĩa vụ của mình.

Do đó, xảy ra tranh chấp là không thể tránh khỏi .

[7] Thấu hiểu được những thiệt thòi của các trẻ phải gánh chịu khi cha mẹ ly hôn. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhiều lần tạo điều kiện cho các bên đương sự gặp gỡ, trao đổi, thỏa thuận với nhau về phương thức thăm nom, nuôi dưỡng, chăm sóc con chung. Đồng thời, Tòa án cũng giải thích về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con chung khi ly hôn, quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con và quyền, nghĩa vụ, của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo quy định tại các Điều 81, Điều 82 và Điều 83 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Tại phiên tòa hôm nay, Hội đồng xét xử và vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tiếp tục phân tích, động viên để các bên có sự thống nhất về khung giờ cũng như là tần suất thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con chung của người không trực tiếp nuôi con. Bà L cũng đưa ra được thời gian để ông thực hiện quyền thăm nom, chăm sóc con chung của mình. Cụ thể, mỗi ngày ông T có thể đến thăm vào lúc 05 giờ chiều đến 06 giờ chiều, thứ 7 và chủ nhật thì có thể rước con đi chơi cả ngày. Tuy nhiên, phía ông T cho rằng quyền thăm nom con chung của ông phải được thực hiện tự do, thoải mái không bị hạn chế nên vẫn cương quyết yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con đối với cháu Lâm Thiên M2.

[8] Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 84 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ:

“....a) Cha, mẹ có sự thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con...” Đối chiếu với các quy định Luật, cũng như qua chứng cứ thể hiện là Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 02/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc cho phép thành lập trung tâm Ngoại ngữ S, Quyết định số 1348/QĐ-SGDĐT ngày 06/9/2018 về việc công nhận cán bộ quản lý trung tâm và tại các bảng khai tài chính của trung tâm Ngoại Ngữ S thì không đủ cơ sở để xác định bà L không có đạo đức, không đủ tài chính để đảm bảo việc nuôi dạy con. Việc ông T khai khi còn là vợ chồng, bà L có quan hệ với người đàn ông khác là phụ huynh học sinh dẫn đến xảy ra việc đánh ghen theo chứng cứ ông nộp tại phiên tòa là Bản tường trình nội dung diễn biến sự việc đề ngày 30/3/2019 có xác nhận của người chứng kiến là Đinh Văn S và Nguyễn Chí L1. Xét thấy, nếu việc này có xảy ra thì là trước thời điểm ông T và bà L thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con khi ly hôn và được pháp luật công nhận sự thỏa thuận nên Hội đồng xét xử không xem xét đến chứng cứ này. Đồng thời, Hội đồng xét xử cũng không xem xét đến lời khai của người làm chứng Phạm Thị H2 do không khách quan như phát biểu của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn.

[9] Căn cứ sổ liên lạc ở các bút lục từ 29 đến 37, tại mục theo dõi thể lực và đánh giá tiêu chuẩn ghi nhận cháu Lâm Thiên M2 phát triển bình thường, không có biểu hiện của sự kém phát triển. Nội dung đánh giá này được ông Lâm Quốc T ký tên xác nhận tại mục ý kiến của phụ huynh và tại phiên tòa phía nguyên đơn thừa nhận cháu Thiên M2 học giỏi, thành thật, ngoan ngoãn và năng động. Do đó, không có căn cứ để cho rằng bà L không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chung làm ảnh hưởng đến quyền lợi về mọi mặt của cháu dẫn đến việc thay đổi người nuôi con là cần thiết. Hội đồng xét xử cũng căn cứ vào tình hình thực tế, hơn hết là căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của trẻ như cháu Lâm Thiên M2 là bé gái, độ tuổi còn nhỏ, rất cần sự yêu thương ân cần, chăm sóc chu đáo của người mẹ. Để ổn định tâm sinh lý cho cháu trước khi bước vào lớp một và tránh được sự phát triển lệch lạc của trẻ, Hội đồng xét xử quyết định không chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của ông T đối với cháu Lâm Thiên M2.

[10] Về án phí: Nguyên đơn phải chịu 300.000 đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hôn nhân và gia đình do yêu cầu khởi kiện không được Tòa án chấp nhận. Số tiền này được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đ (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số 0010626 ngày 07/11/2018 của C cục Thi hành án dân sự thành phố LX, ông T đã nộp đủ án phí dân sự sơ thẩm.

Bà L không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào:

- Khoản 3 Điều 28; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 4 Điều 147, khoản 2 Điều 229, Điều 273 và khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

- Điều 83 và Điều 84 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

- Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

Đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn đối với bé Lâm Hồng M1 sinh ngày 08/7/2006.

Không chấp nhận phần yêu cầu khởi kiện còn lại của nguyên đơn về việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn đối với cháu Lâm Thiên M2 sinh ngày 19/6/2013.

Về án phí: Nguyên đơn phải chịu 300.000 đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hôn nhân và gia đình do yêu cầu khởi kiện không được Tòa án chấp nhận. Số tiền này được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đ (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số 0010626 ngày 07/11/2018 của C cục Thi hành án dân sự thành phố LX, ông T đã nộp đủ án phí dân sự sơ thẩm.

Bà L không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

Các đương sự được quyền kháng cáo trong hạn 15 (Mười lăm) ngày, kể từ ngày tuyên án.

Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

246
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 37/2019/HNGĐ-ST ngày 04/06/2019 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Số hiệu:37/2019/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Long Xuyên - An Giang
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 04/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về