Bản án 28/2020/HNGĐ-ST ngày 31/08/2020 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ SA ĐÉC, TỈNH ĐỒNG THÁP

BẢN ÁN 28/2020/HNGĐ-ST NGÀY 31/08/2020 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN

Ngày 31 tháng 8 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 180/2020/TLST- HNGĐ, ngày 23 tháng 6 năm 2020 về “Tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 31/2020/QĐXXST- HNGĐ, ngày 13 tháng 8 năm 2020 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Anh T - sinh năm: 1980.

Địa chỉ: Khóm K, Phường W, TP S, tỉnh Đồng Tháp.

- Bị đơn: Chị L - sinh năm: 1978.

Địa chỉ: Khóm W, Phường B, TP S, tỉnh Đồng Tháp.

Nguyên đơn, bị đơn có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Quá trình tham gia tố tụng tại tòa án, nguyên đơn là anh T trình bày:

Anh T và chị L là vợ chồng nhưng đã ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số: 152/2016/QĐST-HNGĐ, ngày 12/7/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự cụ thể như sau:

- Về hôn nhân: Anh T và chị L thuận tình ly hôn.

- Về nuôi con chung và nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung: Anh T và chị L thỏa thuận: Anh T được quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con chung tên P- sinh ngày: 04/01/2000, anh T không yêu cầu chị L cấp dưỡng nuôi con chung; chị L được quyền chăm sóc, nuôi dưỡng 02 con chung tên C - sinh ngày: 02/8/2007 và H - sinh ngày: 30/12/2013, anh T tự nguyện cấp dưỡng nuôi 02 con chung mỗi cháu mỗi tháng là 2.000.000 đồng cho đến khi 02 cháu C và H thành niên đủ 18 tuổi.

Tuy nhiên, từ sau khi ly hôn (tháng 7/2016) cháu C đã về sống với anh T và ba của anh T (ông V). Mọi chi phí học hành, ăn uống của cháu C đều do anh T và ông V lo. Hiện nay, anh T đang làm phụ tiếp cho ba của anh T (chở hàng điện máy, điện lạnh), thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 5.000.000 đồng/tháng, sau khi ba của anh T cấn trừ các khoản chi phí lo cho 02 con của anh T là cháu P và cháu C thì mỗi tháng thu nhập của anh T còn lại khoảng 2.000.000 đồng/tháng; đủ để lo cho 02 con. Bên cạnh đó, thì ba của anh T còn phụ tiếp anh T chăm lo cho 02 con về các khoản tiền học phí, ăn uống, quần áo của 02 cháu.

Ngoài ra, theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự thì anh T còn có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi 02 con chung tên C và H, mức cấp dưỡng nuôi con mỗi cháu mỗi tháng là 2.000.000 đồng. Thời gian cấp dưỡng được tính từ khi Quyết định có hiệu lực cho đến khi các con đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay anh T không có tài sản, không có khả năng để cấp dưỡng nuôi 02 con chung nên anh T có yêu cầu được quyền nuôi cháu C để không phải cấp dưỡng nuôi con (đối với C) theo như Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và trên thực tế thì cháu C cũng đã về sống với anh T từ năm 2016 đến nay.

Nay nhằm để cho cháu C có cuộc sống đầy đủ và toàn diện hơn nên anh T yêu cầu được quyền trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chung tên C. Anh T không yêu cầu chị L cấp dưỡng nuôi con chung; anh T sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chị L được quyền thăm nom con chung.

Quá trình tham gia tố tụng tại tòa án, bị đơn là chị L trình bày: Chị L thống nhất lời trình bày của anh T về quá trình giải quyết ly hôn tại Tòa án về hôn nhân, về thỏa thuận nuôi con chung và nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung sau khi ly hôn.

Sau khi ly hôn thì chị L được quyền chăm sóc, nuôi dưỡng 02 con chung tên C và H, anh T có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi 02 con chung mỗi cháu mỗi tháng là 2.000.000 đồng. Tuy nhiên, anh T không thực hiện đúng nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn. Chị L đã làm đơn yêu cầu thi hành án số tiền cấp dưỡng nuôi con tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Sa Đéc nhưng đến nay thì anh T cũng không thực hiện nghĩa vụ của mình. Từ sau khi ly hôn chị L nuôi 02 con chung, anh T không phụ tiếp bất cứ khoản tiền nào để lo cho 02 cháu. Việc anh T nói cháu C về sống với anh T từ sau khi vợ chồng ly hôn là không đúng sự thật.

Hiện nay, chị L đang mở tiệm uốn tóc tại nhà do chị L thuê, thu nhập bình quân khoảng 8.000.000 đồng/tháng đủ khả năng để lo cho 02 con chung nên chị L không đồng ý với yêu cầu thay đổi quyền nuôi con của anh T; chị L không đồng ý để anh T được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con chung tên Nguyễn Chí Cường. Trường hợp, nếu anh T muốn nuôi cháu C thì anh T phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi 02 con chung cho chị L, thời gian tính từ sau khi ly hôn (từ tháng 08/2016) cho đến nay đối với 02 con tên C và H với tổng số tiền khoảng 200.000.000 đồng; đồng thời, anh T phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cho đứa con còn lại là cháu H thì chị L sẽ đồng ý ký tên giao quyền nuôi con chung là cháu C cho anh T được quyền nuôi dưỡng.

Quá trình tham gia tố tụng tại tòa án, con của anh T và chị L là cháu C trình bày: Trường hợp được lựa chọn thì cháu có nguyện vọng được sống chung với mẹ là chị L; Trường hợp nếu Tòa án giải quyết cho cháu C được sống với ba là anh T thì cháu vẫn đồng ý nhưng với điều kiện là phải cho cháu tới lui bên mẹ.

Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa:

- Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Thống nhất về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; Việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý vụ án đến trước khi Hội đồng xét xử nghị án, đều đảm bảo đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về đường lối giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của anh T về việc yêu cầu thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn. Giao cho chị L được tiếp tục trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chung tên C - sinh ngày: 02/8/2007 (hiện đang sống với chị L). Anh T có quyền, nghĩa vụ đến thăm nom con chung, không ai được cản trở.

- Về án phí: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét theo quy định pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xem xét tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, thì đây là vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Sa Đéc theo quy định tại khoản 3 Điều 28 và điểm a khoản 1 Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Về nội dung, Hội đồng xét xử xét thấy:

- Theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số: 152/2016/QĐST-HNGĐ, ngày 12/7/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp: Công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự cụ thể như sau:

- Về hôn nhân: Anh T và chị L thuận tình ly hôn.

- Về nuôi con chung và nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung: Anh T và chị L thỏa thuận: Anh T được quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con chung tên P- sinh ngày: 04/01/2000, anh T không yêu cầu chị L cấp dưỡng nuôi con chung; chị L được quyền chăm sóc, nuôi dưỡng 02 con chung tên C - sinh ngày: 02/8/2007 và H - sinh ngày: 30/12/2013, anh T tự nguyện cấp dưỡng nuôi 02 con chung mỗi cháu mỗi tháng là 2.000.000 đồng cho đến khi 02 cháu C và H thành niên đủ 18 tuổi.

Xét lời trình bày của anh T: Sau khi ly hôn, thì cháu C về sống với anh T và ba của anh T là ông V tại khóm Hòa Khánh, Phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên theo lời trình bày của chị L và cháu C thì cháu Cvẫn tới lui sống với chị L, chứ không hoàn toàn sống với anh T như lời của anh T và ông V trình bày.

Tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 84 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên”.

Hội đồng xét xử xét thấy: Sau khi ly hôn thì chị L là người được quyền trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục cháu C. Bản thân chị L có công việc làm, thu nhập ổn định; hiện chị L đang mở tiệm kinh doanh nghề uốn tóc, gội đầu, làm móng, thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 8.000.000 đồng/tháng; chị L cũng không có hành vi đánh đập bạo hành đối với cháu C; đồng thời, chị L cũng không có hành vi ngăn cấm hoặc cản trở việc thăm nom con chung của anh T mà luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho anh T tới lui thăm nom con chung. Ngoài ra, cha và mẹ của chị L cũng phụ tiếp, giúp chị L trong việc chăm sóc nuôi dạy 02 cháu C và H.

Đối với việc cháu C thời gian gần đây về sống với anh T; Hội đồng xét xử xét thấy: Sau khi ly hôn anh T có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung là cháu C mỗi tháng 2.000.000 đồng. Tuy nhiên, do anh T không có điều kiện để cấp dưỡng nuôi con (2.000.000 đồng/tháng) nên anh T đã trực tiếp (thời gian gần đây cháu C thường xuyên tới lui, ở với anh T và ông V) lo cho cháu C cũng là điều phù hợp. Việc anh T cho rằng bản thân không có khả năng cấp dưỡng nuôi con chung nên có yêu cầu được thay đổi người trực tiếp nuôi con để không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung là không có cơ sở chấp nhận. Bởi lẽ, bản thân của anh T đã không có khả năng để cấp dưỡng nuôi con chung; trường hợp giao cháu C cho anh T trực tiếp nuôi dưỡng sẽ không đảm bảo về mặt kinh tế; vì trên thực tế cuộc sống của anh T là phụ thuộc hoàn toàn vào cha của anh T là ông V. Tài liệu chứng cứ trong hồ sơ thể hiện tiền học phí, ăn uống của cháu C đều do ông V lo, bản thân anh T cũng thừa nhận việc này.

Hơn nữa, cháu C cũng có nguyện vọng được sống với mẹ. Do đó, để đảm bảo cho cháu C có cuộc sống ổn định và phát triển tốt về tâm sinh lý; Hội đồng xét xử xét thấy cần tiếp tục giao cháu C cho chị L được quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chung sau khi ly hôn là phù hợp với quy định của pháp luật và bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của cháu trong sinh hoạt, học tập. Anh T được quyền tới lui thăm nom con chung, không ai được cản trở là phù hợp với quy định tại các Điều 81, Điều 82 và Điều 83 của Luật hôn nhân và gia đình.

Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử xét không chấp nhận yêu cầu của anh T về việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Chị L được tiếp tục trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chung tên C - sinh ngày: 02/8/2007. Anh T được quyền tới lui thăm nom con chung, không ai được cản trở.

[3] Về án phí dân sự sơ thẩm: Anh T phải chịu toàn bộ tiền án phí dân sự sơ thẩm (về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn) theo quy định của pháp luật.

[4] Đối với ý kiến đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa: Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ ý kiến đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào các Điều 28, Điều 35 và Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

- Căn cứ vào các Điều 81, Điều 82, Điều 83 và Điều 84 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

- Căn cứ vào Điều 27 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên Xử: - Không chấp nhận yêu cầu của anh T về việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

- Chị L được quyền tiếp tục trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chung tên C - sinh ngày: 02/8/2007.

- Anh T có quyền, nghĩa vụ đến thăm nom con chung, không ai được cản trở.

- Về án phí: Anh T nộp 300.000 (Ba trăm ngàn) đồng án phí dân sự sơ thẩm (về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn). Số tiền tạm ứng án phí 300.000 đồng, anh T đã nộp ngày 23/6/2020 theo biên lai thu số: 0001179 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sa Đéc được khấu trừ toàn bộ án phí phải nộp.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

226
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 28/2020/HNGĐ-ST ngày 31/08/2020 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Số hiệu:28/2020/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Sa Đéc - Đồng Tháp
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 31/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về