Bản án 232/2018/HC-PT ngày 28/06/2018 về khiếu kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính gây ra

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 232/2018/HC-PT NGÀY 28/06/2018 VỀ KHIẾU KIỆN YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH GÂY RA

Ngày 28 tháng 6 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 584/2017/TLPT-HC ngày 28 tháng 12 năm 2017 về việc “Khiếu kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính gây ra”.

Do Bản án hành chính sơ thẩm số 30/2017/HC-ST ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 701/2018/QĐPT ngày 28 tháng 5 năm 2018, giữa các đương sự:

- Người khởi kiện: Bà Phạm Thị L

Địa chỉ: khu vực T, phường Tr, quận O, thành phố Cần Thơ.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Ngô Thanh H (có mặt)

Địa chỉ: khu vực Th A, phường Th1, quận O, thành phố Cần Thơ. (Văn bản ủy quyền ngày 04/7/2014)

- Người bị kiện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận O

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Văn T, chức vụ: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận O. (có văn bản xin xét xử vắng mặt)

- Người kháng cáo: Ông Ngô Thanh H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Đại diện của người khởi kiện ông Ngô Thanh H trình bày:

Bà Phạm Thị L được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất diện tích 23.800m2 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 000693 ngày 06/6/1995 và đã sử dụng ổn định. Đến ngày 21/8/2000, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện O ban hành Quyết định số 811/2000/QĐ.UB thu hồi thửa đất số 933 diện tích 5.310m2 và thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 000693 của bà L. Bà L không đồng ý quyết định này nên đến ngày 22/7/2005 Chủ tịch UBND quận O ban hành Quyết định 2491/QĐ-CTUB cưỡng chế hành chính đối với bà để thi hành Quyết định số 811/2000/QĐ-UB, buộc bà L phải di dời cây trồng trên đất. Bà L không đồng ý với hai quyết định trên nên ngày 03/11/2005 Đoàn cưỡng chế tiến hành cưỡng chế đối với bà tại thửa 933 và cưỡng chế qua một phần thửa 934 tọa lạc tại khu vực T, phường Tr, quận O, thành phố Cần Thơ. Bà L xác định khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 811/2000/QĐ.UB ngày 21/8/2000 của Ủy ban nhân dân quận O; Quyết định số 2491/QĐ-CT.UB ngày 22/7/2005 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận O và bồi thường thiệt hại về tài sản do cây trồng bị chặt đốn trên thửa 933, 934 với số tiền là 121.934.000 đồng. Tuy nhiên, tại Bản án phúc thẩm số 08/2016/HCPT ngày 20 và 21/12/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đã tuyên xử:

Bác yêu cầu hủy Quyết định số 811/2000/QĐ.UB ngày 21/8/2000 của Ủy ban nhân dân quận O về thu hồi đất và Giấy chứng nhận QSDĐ của hộ bà Phạm Thị L và Quyết định số 2491/QĐ-CT.UB ngày 22/7/2005 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận O về cưỡng chế hành chính đối với hộ bà Phạm Thị L.

Hủy phần quyết định của bản án sơ thẩm về phần thiệt hại cây trồng trên đất trong quá trình cưỡng chế. Do vậy, người khởi kiện tiếp tục yêu cầu UBND quận O bồi thường thiệt hại về tài sản do cây trồng bị chặt đốn khi cưỡng chế trên thửa đất 933 và 934 với số tiền 121.934.000 đồng.

Đại diện người bị kiện trình bày:

Ngày 21/10/2005, UBND quận O có Thông báo số 25/TB.UBND, về việc thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính đối với bà Phạm Thị L có nội dung hộ bà L phải tự di dời các cây trên đất. Bảng kê ngày 30/7/2005 của bà L không chính xác, không có cơ sở để xác định. Số lượng cây sau khi thực hiện cưỡng chế đã được bà L mang về sử dụng. Do đó, UBND quận O không đồng ý với yêu cầu của bà Phạm Thị L bồi thường thiệt hại cây trồng là 121.934.000 đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện theo ủy quyền của người bị kiện đồng ý hỗ trợ cho người khởi kiện số tiền là 20 triệu đồng.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 30/2017/HC-ST ngày 25/10/2017, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đã quyết định:

Căn cứ vào khoản 4 Điều 32, điểm a khoản 2 Điều 193, khoản 1 Điều 348 của Luật tố tụng hành chính năm 2015; khoản 3 Điều 30 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1/. Bác yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện về yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản do cây trồng bị chặt đốn khi cưỡng chế trên thửa đất 933 và 934 với số tiền 121.934.000 đồng.

2/. Ghi nhận sự tự nguyện của người bị kiện Ủy ban nhân dân quận O. Theo đó Ủy ban nhân dân quận O có trách nhiệm hỗ trợ cho người khởi kiện là bà Phạm Thị L số tiền 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng).

3/. Về chi phí đo đạc, thẩm định và định giá: Bà Phạm Thị L phải chịu là 4.000.000 đồng, (đã thực hiện xong).

Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo vụ án theo luật định.

Ngày 06/11/2017, đại diện người khởi kiện ông Ngô Thanh H có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm; yêu cầu hủy các Quyết định số 811 của UBND quận O và Quyết định số 2491 của Chủ tịch quận O. Buộc UBND quận O phải bồi thường thiệt hại về tài sản do cây trồng bị chặt đốn khi cưỡng chế với số tiền 121.934.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện người khởi kiện giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo. Người bị kiện có văn bản xin xét xử vắng mặt và trình bày ý kiến giữ nguyên yêu cầu như tại phiên tòa sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao phát biểu quan điểm cho rằng: Trong quá trình thực hiện cưỡng chế hành chính, đoàn cưỡng chế có thiếu sót là không ghi rõ số lượng, chủng loại cây bị đốn nên người khởi kiện bị thiệt hại. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà L.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của các bên đương sự và Viện kiểm sát.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Ông Ngô Thanh H đại diện cho bà Phạm Thị L kháng cáo trong thời hạn luật định nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Về nội dung:

Xét tính hợp pháp của các Quyết định số 811/2000/QĐ.UB của Ủy ban nhân dân quận O và Quyết định số 2491/QĐ-CT.UB của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận O:

Bà Phạm Thị L khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 811/2000/QĐ.UB ngày 21/8/2000 của Ủy ban nhân dân quận O về thu hồi đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hủy Quyết định số 2491/QĐ-CT.UB ngày 22/7/2005 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận O về cưỡng chế hành chính đối với hộ bà Phạm Thị L và yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản do cây trồng bị chặt đốn khi cưỡng chế với số tiền 121.934.000 đồng. Vụ kiện đã được Tòa án 2 cấp giải quyết, tại Bản án phúc thẩm số 08/2016/HCPT ngày 20 và 21/12/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đã tuyên xử: Bác yêu cầu hủy Quyết định số 811/2000/QĐ.UB ngày 21/8/2000 của Ủy ban nhân dân quận O và Quyết định số 2491/QĐ-CT.UB ngày 22/7/2005 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận O; Hủy phần quyết định của bản án sơ thẩm về yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản do cây trồng bị chặt đốn khi cưỡng chế với số tiền 121.934.000 đồng và chuyển hồ sơ về Tòa án sơ thẩm để giải quyết lại đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Sau khi xét xử phúc thẩm, người khởi kiện tiếp tục có đơn khởi kiện đối với phần bản án phúc thẩm hủy án sơ thẩm về yêu cầu bồi thường thiệt hại về cây trồng bị chặt đốn khi cưỡng chế trên thửa đất 933 và 934. Xét về thẩm quyền giải quyết, căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ.

Xét về nội dung khởi kiện: Ủy ban nhân dân quận O thực hiện cưỡng chế theo Quyết định 2491/QĐ-CT.UB ngày 22/7/2005 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận O bằng biện pháp cưa đốn cây trên phần đất diện tích 5.310m2  thuộc thửa 933 vào ngày 03/11/2005. Trước khi thực hiện cưỡng chế Ủy ban nhân dân phường Tr, quận O đã lập biên bản trao Quyết định 2491 vào ngày 28/7/2005 trong đó có nội dung: “Các loại cây trồng trên phần đất gia đình tự di dời đi nơi khác để giao lại mặt bằng”. Đoàn cưỡng chế lập biên bản thực hiện cưỡng chế ngày 03/11/2005 đã tiến hành kiểm kê chỉ xác định loại cây mà không kiểm đếm số lượng, kích thước cây cụ thể. Theo khoản 5 Điều 34 Nghị định số 37/2005/NĐ-CP của Chính phủ Quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc người phải thi hành quyết định cưỡng chế ra khỏi khu vực đất, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo. Nếu họ không tự nguyện thực hiện thì người tổ chức cưỡng chế yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi khu vực đất đó. Nếu họ từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Đối chiếu với quy định này thì Đoàn cưỡng chế có thiếu sót là không ghi rõ số lượng, chủng loại cũng như giao người trong coi quản lý tài sản.

Đối với phía bà Phạm Thị L mặc dù không đồng ý với Quyết định 2491 nhưng trong biên bản trao Quyết định 2491 vào ngày 28/7/2005 bà L đã ký tên thể hiện bà L đã biết nội dung về việc bà phải có nghĩa vụ tự di dời cây trồng trên phần đất để giao lại mặt bằng, nhưng phía bà L không thực hiện di dời mà tự lập biên bản kiểm kê để làm cơ sở yêu cầu được bồi thường. Xét biên bản kiểm kê ngày 30/7/2005 đã xác định các loại cây trồng trên thửa 933 diện tích 5.310m2, qua xác minh những người ký tên trong biên bản thì đều xác định biên bản do gia đình bà L lập sẵn đưa họ ký tên, họ không trực tiếp kiểm đếm (BL 223-224). Do đó, việc xác định loại cây, số lượng, kích thước được ghi nhận trong biên bản kiểm kê, đồng thời làm cơ sở định giá tài sản bị thiệt hại để yêu cầu bồi thường là không thể hiện sự khách quan và không có căn cứ. Mặt khác, tại Bản án phúc thẩm 08/2016/HC-PT ngày 20 và 21/12/2016 đã bác yêu cầu huỷ các Quyết định thu hồi đất 811 và Quyết định cưỡng chế 2491. Qua đó cho thấy các quyết định bị khiếu kiện ban hành là đúng quy định của pháp luật cho nên phía bà L phải thực hiện đúng theo nội dung của các quyết định. Việc phía bà L không chấp hành di dời cây trồng để giao trả mặt bằng là do lỗi bên phía bà L.

Đối với yêu cầu bồi thường cây trồng do Đoàn cưỡng chế đã cưỡng chế qua một phần thửa 934 thì bà L không đưa ra được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu này vì bản kiểm kê ngày 30/7/2005 là xác định thửa 933. Hơn nữa, trong Biên bản thực hiện cưỡng chế ngày 03/11/2005 cũng đã xác định vị trí, diện tích thửa 933 để thực hiện cưỡng chế và tại phiên tòa người bị kiện cũng khẳng định không có cưỡng chế qua phần thửa 934.

Từ những phân tích trên cho thấy yêu cầu bồi thường thiệt hại cây trồng trên thửa 933, 934 tổng số tiền 121.934.000 đồng là không có cơ sở để chấp nhận. Tuy nhiên, việc thực hiện cưỡng chế của Đoàn cưỡng chế đã không tuân thủ đúng quy định về việc kiểm đếm tài sản và xác định việc giao nhận tài sản cưỡng chế với người phải thi hành quyết định cưỡng chế. Qua động viên, phía người bị kiện Ủy ban nhân dân quận O đã tự nguyện hỗ trợ cho bà L số tiền là 20 triệu đồng, xét đây là sự tự nguyện của phía người bị kiện và không trái với quy định của pháp luật nên nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[3] Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận thấy án sơ thẩm nhận định và quyết định như nêu trên là có cơ sở pháp luật. Bà Phạm Thị L kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ gì chứng minh cho yêu cầu của mình nên không được chấp nhận. Do yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận nên bà phải chịu án phí hành chính phúc thẩm.

Bởi lẽ đó nên giữ nguyên bản án sơ thẩm như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát cấp cao.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính.

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Ngô Thanh H – người đại diện theo ủy quyền của bà Phạm Thị L, giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 30/2017/HC-ST ngày 25/10/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ.

Căn cứ vào khoản 4 Điều 32, điểm a khoản 2 Điều 193, khoản 1 Điều 348 của Luật tố tụng hành chính năm 2015; khoản 3 Điều 30 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14  của Ủy ban thường vụ Quốc hội Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1/. Bác yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện về yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản do cây trồng bị chặt đốn khi cưỡng chế trên thửa đất 933 và 934 với số tiền 121.934.000 đồng.

2/. Ghi nhận sự tự nguyện của người bị kiện Ủy ban nhân dân quận O. Theo đó Ủy ban nhân dân quận O có trách nhiệm hỗ trợ cho người khởi kiện là bà Phạm Thị L số tiền 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng).

3/. Án phí hành chính phúc thẩm: Bà Phạm Thị L phải chịu 300.000 đồng, được khấu trừ 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 000430 ngày 06/11/2017 tại Cục Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

845
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 232/2018/HC-PT ngày 28/06/2018 về khiếu kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính gây ra

Số hiệu:232/2018/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 28/06/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về