Bản án 15/2020/DSST ngày 28/08/2020 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản và yêu cầu thanh toán tiền tham gia phường hụi

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN YÊN THÀNH, TỈNH NGHỆ AN

BẢN ÁN 15/2020/DSST NGÀY 28/08/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN VÀ YÊU CẦU THANH TOÁN TIỀN THAM GIA PHƯỜNG HỤI

Trong ngày 28/8/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm vụ án dân sự sơ thẩm, thụ lý số: 35/2020/TLST-DS ngày 22/5/2020 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản và phường hụi” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số: 112/2020/QĐXX - ST ngày 07/8/2020 và Quyết định hõan phiên tòa số: 09/2020/QĐ-HPT ngày 21/8/2020.

Giữa:

* Nguyên đơn: Bà Trần Thị T, sinh năm 1975.

Trú tại: xóm 16, xã S, huyện Y, tỉnh Nghệ An(Có mặt).

* Bị đơn: -Bà Nguyễn Thị Q, sinh năm 1976 (Vợ).

- Ông Phạm Công S, sinh năm 1973 (Chồng).

Đều trú tại: xóm V(xóm P cũ), xã K, huyện Y, tỉnh Nghệ An (Có mặt tại phiên tòa).

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đồng bị đơn: Ông Phạm Thế H - Luật sư - Nơi công tác:Văn phòng luật sư HP và Cộng sự tại thành phố V, tỉnh Nghệ An. ( Có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong quá trình viết bản tự khai, quá trình hòa giải và tại phiên tòa nguyên đơn bà Trần Thị T trình bày: Bà Trần Thị T và bà Nguyễn Thị Q, ông Phạm Công S là người quen biết, thường tham gia phường hụi và vay tiền của nhau. Do có mối quan hệ nêu trên nên ngày 03/7/2015 bà T đã cho vợ chồng bà Q, ông S vay số tiền 1.050.000.000 đồng. Vợ chồng bà Q, ông S đã viết giấy vay nợ, ký tên xác nhận việc vay nợ tại trang giấy của cuốn sổ ghi chép cá nhân của bà Trần Thị T. Quá trình vay mượn số tiền trên bước đầu hai bên thống nhất bà T cho vợ chồng bà Q, ông S vay với thời hạn 01 tháng, lãi suất 1,5% tháng, nhưng không ghi trong giấy vay nợ mà thỏa thuận bằng miệng. Khi vay tiền, bà Q, ông S đã giao 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà T để làm tin cho khoản vay (01 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bố mẹ của bà Q là ông Nguyễn Xuân V, bà Phạm Thị H và 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ chồng bà Nguyễn Thị Q và ông Phạm Công S). Hết thời gian vay một tháng do không có tiền thanh toán cho bà T, hai bên thống nhất tính lãi suất của khoản vay là 1,5 % tháng để vợ chồng bà Q, ông S thanh toán lãi suất hàng tháng. Quá trình vay bà Q, ông S đã tự nguyện thanh toán được 15 tháng tiền lãi cho bà T tính từ ngày vay (từ ngày 03/7/2015 đến ngày 03/10/2016) với số tiền lãi là 236.250.000 đồng. Tháng tiếp theo bà T không thấy vợ chồng bà Q, ông S đến thanh toán lãi, bà T đã đến nhà bà Q, ông S thông báo về việc trả nợ gốc, trả lãi. Do vợ chồng bà Q, ông S không chịu trả, bà T đã nhiều lần đến nhà bà Q yêu cầu thanh toán nhưng vợ chồng bà Q, ông S không có ý thức thanh toán, cố ý trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Trong thời gian chờ đợi vợ chồng bà Q ông S trả nợ, khoảng 13 giờ ngày 29/7/2018 thì bà T nghe bà Q điện thoại nói với nội dung đưa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Nguyễn Thị Q và Phạm Công S đến nhà bà Q để vợ chồng bà Q bán đất cho người khác lấy tiền trả cho bà T. Nghe nói vậy bà T đã đưa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Nguyễn Thị Q và Phạm Công S đến cho vợ chồng bà Q, còn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Nguyễn Xuân V, bà Phạm Thị H bà T để ở nhà không mang theo. Sau khi bán đất cho người khác bà Q, ông S đã trả cho bà T 440.000.000 đồng trừ vào khoản nợ bà Q vay bà T vào ngày 01/10/2016 với số tiền vay là 630.000.000 đồng, không phải thanh toán khoản vay ngày 03/7/2015 mà bà đang khởi kiện. Sau đó bà Q tiếp tục năn nỉ xin lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bố mẹ mình tại bà T để giao lại cho ông V bố đẻ của bà Q vì lúc này ông V ốm nặng có nguyện vọng muốn đưa về không liên quan đến việc cầm cố làm tin cho việc vay mượn tiền của bà Q, ông S. Phần do nể nang, phần thương người, nên bà T đồng ý trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Nguyễn Xuân V, bà Phạm Thị H cho bà Q. Được sự đồng ý của bà T, anh Tr em ruột bà Q đến trực tiếp nhà bà T nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Nguyễn Xuân V, bà Phạm Thị H đưa về cho bà Q, anh Tr đã ký nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được bà T ghi trong sổ cá nhân. Nay bà Trần Thị T yêu cầu Tòa án buộc vợ chồng bà Q, ông S phải trả số tiền gốc ngày 03/7/2015 là 1.050.000.000 đồng, lãi suất 1,5%/ tháng của khoản vay trên cho đến nay.

Ngoài khoản vay trên thì vào ngày 25/10/2015 bà Q, ông S nhóm phường hụi do vợ chồng bà Q, ông S làm chủ phường. Phường qui định mỗi suất phải đóng vào là 8.000.000 đồng, đến lượt bốc phường thì được nhận 10.000.000 đồng (8 ăn 10). Bà T vào 2 suất phường, mỗi tháng phải nộp cho bà Q, ông S số tiền 16.000.000 đ, bà T đã nộp phường tại vợ chồng bà Q, ông S 11 tháng phường với số tiền 180.000.000đ tính từ ngày 25/10/2015 đến ngày 25/8/2016. Cụ thể ngày 25/10/2015 nộp 16.000.000đ; Ngày 25/11/2015 nộp 16.000.000đ; Ngày 25/12/2015 nộp 20.000.000đ (Lượt đóng phường lần thứ 3 qui định người tham gia phường đóng đầy đủ cho chủ phường); Ngày 25/01/2016 nộp 16.000.000đ; Ngày 25/2/2016 nộp16.000.000đ; Ngày 26/3/2016 nộp 16.000.000đ; Ngày25/4/2016 nộp 16.000.000đ; Ngày 25/5/2016 nộp 16.000.000đ; Ngày 25/5/2016 nộp 16.000.000đ; Ngày 25/7/2016 nộp 16.000.000đ và ngày 25/8/2016 nộp suất 16.000.000đ. Mỗi lần nhận phường thì vợ chồng bà Q, ông S thay nhau nhận phường và ký nhận tiền phường vào sổ ghi cá nhân của bà Trần Thị T.

Ngày 10/2/2016 bà Q, ông S tiếp tục nhóm phương và đứng làm chủ phường, phường này qui định mỗi suất phải nộp vào cho bà Q, ông S 50.000.000đ, lúc bốc phường được nhận là 60.000.000đ(50 ăn 60). Bà T tham gia mỗi tháng đóng 01 suất phường với số tiền là 50.000.000đ. Bà T đã nộp được 8 suất phường với số tiền 400.000.000đ, cụ thể; Ngày 10/2/2016 nộp 50.000.000đ; Ngày 10/3/2016 nộp 50.000.000đ; Ngày 10/4/2016 nộp 50.000.000đ; Ngày 10/5/2016 nộp 50.000.000đ; Ngày 10/6/2016 nộp 50.000.000đ; Ngày 10/7/2016 nộp 50.000.000đ; Ngày 10/8/2016 nộp 50.000.000đ và ngày 10/9/2016 nộp 50.000.000đ. Mỗi lần nhận phường thì vợ chồng bà Q, ông S thay nhau nhận phường và ký nhận tiền phường vào sổ ghi cá nhân của bà Trần Thị T.

Đến thời gian bốc nhận hai phường bà T đã yêu cầu vợ chồng bà Q ông S cho bà T được bốc phường nhiều lần nhưng ông S bà Q không chịu thanh toán. Bà T yêu cầu Tòa án buộc vợ chồng bà Q, ông S thanh toán tiền gốc của hai phường là 580.000.000 đ, không yêu cầu tính lãi suất.

Quá trình hòa giải, tại phiên tòa bị đơn bà Nguyễn Thị Q trình bày: Ngày 03/7/2015 cá nhân bà có vay của bà T số tiền 1.050.000.000 đồng với lãi suất 1.500đ ngày/1.000.000đ, không phải lãi suất 1,5 % tháng như bà T trình bày. Ngoài ra bà nhóm hai phường, phường ngày 25/10/2015 và ngày 10/2/2016 đúng như bà T trình bày. Bà đã nhận tiền phường của hai phường do bà T đã nộp là 580.000.0000 đồng. Đến lượt bà T được bốc nhận hai phường thì bà Q chưa có trả cho bà T vì làm ăn thua lỗ. Sau nhiều lần bà T đến hỏi nợ, yêu cầu được nhận phường thì bà đã thanh toán cho bà T đầy đủ khoản tiền vay ngày 03/7/2015, tiền phường hai phường vào tháng 12/2018, hiện nay không nợ số tiền nào nữa. Toàn bộ giấy vay nợ, giấy ký nhận tiền phường mà bà T cung cấp cho Tòa án đều là giả mạo, chữ viết “ Quyên” “Quyên nhận”, “Sỹ” “Nguyễn Thị Q” “Phạm Công S” trong giấy vay tiền, ký nhận tiền phường không phải chữ viết, chữ ký của vợ chồng bà. Bà Q đề nghị Tòa án làm sáng tỏ việc giả mạo, nhưng không yêu cầu, trưng cầu giám định chữ viết, chữ ký trong giấy vay nợ và chữ viết, chữ ký trong những lần nhận phường. Theo bà Q, bà T khởi kiện yêu cầu vợ chồng bà thanh toán tiền vay ngày 03/7/2015, tiền tham gia phường ngày 25/10/2015 và phường ngày 10/2/2016 là không có cơ sở. Bởi lẽ sau khi thanh toán xong số tiền vay, số tiền phường, bà Q đã gạch sổ về khoản vay, gạch ký nhận tiền phường được bà T ghi trong sổ cá nhân và sau đó được bà T trả lại 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (01 giấy mang tên ông Nguyễn Xuân V, bà Phạm Thị H và 01 giấy tên bà Nguyễn Thị Q và ông Phạm Công S) do bà Q giao cho bà T để làm tin cho việc vay số tiền 1.050.000.000 đồng.

Quá trình hòa giải, tại phiên tòa bị đơn ông Phạm Công S trình bày: Khoản nợ ngày 03/7/2015 và khoản tiền bà T nộp tham gia phường hụi tại bà Q không liên quan đến ông, ông không biết gì về việc vay tiền và tham gia phường hụi. Chữ viết “Phạm Công S”, chữ ký “Sỹ” trong giấy vay nợ, ký nhận tiền phường không phải là chữ ký, chữ viết của ông. Ông S thừa nhận ngày 03/7/2015 bà Q có vay bà T số tiền 1.050.000.000 đồng và đứng làm chủ hai phường đúng như bà T trình bày. Số tiền bà T nộp hai phường tại bà Q là 580.000.000 đồng. Nhưng toàn bộ số tiền vay và tiền phường vợ chồng ông đã thanh toán cho bà T đầy đủ vào tháng 12/2018, hiện nay không nợ số tiền nào nữa. Chữ viết, chữ ký trong giấy vay tiền, ký nhận tiền phường mà bà T cung cấp cho tòa án để khởi kiện là giả mạo. Chữ viết “Sỹ”, “Nguyễn Công S” “Quyên nhận” “Ng Thị Quyên” trong giấy vay nợ, ký nhận tiền phường không phải chữ viết, chữ ký của vợ chồng ông. Ông S yêu cầu làm sáng tỏ vụ việc theo quy định, nhưng không yêu cầu giám định chữ viết, chữ ký tại giấy vay nợ và ký nhận tiền phường do bà T cung cấp. Ông S khẳng định toàn bộ số tiền vay, tiền phường vợ chồng ông đã thanh toán cho bà T vào tháng 12/2018, hiện nay không nợ bà T số tiền nào nữa. Đề nghị Tòa án xem xét, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị T.

Tại phiên tòa, Đại diện viện kiểm sát phát biểu việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự của thẩm phán, hội đồng xét xử, thư ký, các đương sự và đề nghị giải quyết vụ án như sau:

Thẩm phán tiến hành thụ lý vụ án đúng qui định tại khoản 3 điều 26; điểm a khoản 1 điều 35, khoản 1 điều 39 của BLTTDS. Thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của thẩm phán qui định tại 48, điều 203 của BLTTDS, xác định tư cách tham gia tố tụng theo qui định tại điều 68 của BLTTDS. Tiến hành thu thập xác minh chứng cứ theo qui định tại chương VII của BLTTDS, làm rõ tình tiết khách quan của vụ án, yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ theo qui định điều 95; điều 98 của BLTTDS.

Hòa giải theo qui định tại điều 205 của BLTTDS. Đã chuyển hồ sơ cho viện kiểm sát nghiên cứu theo qui định tại điều 196 và điều 220 của BLTTDS. Thư ký đã thực hiện đúng qui định tại điều 51 của BLTTDS. Hội đồng xét xử thực hiện đúng qui định tại điều 243; 250; 251; 258; 260 và 262 của BLTTDS .

Việc chấp hành pháp luật của các đương sự: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và người bảo vệ quyền và lợi ích pháp cho nguyên đơn chấp hành theo đúng qui định tại điều 70;71;72;73; 75; 76; 85; 86 và điều 234 của BLTTDS.

* Về nội dung:

- Căn cứ Điều 471, Điều 473, Điều 474; Điều 476, Điều 477 và Điều 479 Bộ luật Dân sự 2005.

- Căn cứ Điều 463, Điều 464, Điều 465; Điều 466, Điều 468, Điều 469 và Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015.

- Cứ cứ khoản 1 Điều 27 của Nghị định số: 19/2019/NĐ- CP ngày 19/2/2019 của chính Phủ; Điều 9, Điều 29, Điều 31, khoản 3, khoản 4 Điều 15 của Nghị định số: 144/2006/NĐ- CP ngày 27/11/2006 của chính Phủ.

Buộc: Vợ chồng bà Nguyễn Thị Q, ông Phạm Công S phải có nghĩa vụ liên đới thanh toán cho bà Trần Thị T số tiền vay ngày 03/7/2015, với lãi suất qui định trong BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015.

Buộc: Vợ chồng bà Nguyễn Thị Q, ông Phạm Công S phải có nghĩa vụ liên đới thanh toán cho bà Trần Thị T tiền tham gia phường hụi vào ngày 25/10/2015 âm lịch và ngày 10/2/2016 với số tiền gốc của hai phường là 580.000.000đ (Năm trăm tám mươi triệu đồng) trong đó 180.000.000đ(Một trăm tám mươi triệu đồng) tiền phường ngày 25/10/2015 âm lịch và 400.000.000đ(Bốn trăm triệu đồng) tiền phường ngày 02/10/2016.

- Về án phí: Căn cứ Điều 147 của BLTTDS; Điều 26 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội qui định về mức thu, miễn giảm, thu nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Buộc bà Nguyễn Thị Q, ông Phạm Công S phải chịu án phí theo qui định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Đây là tranh chấp hợp đồng vay tài sản, yêu cầu thanh toán tiền tham gia phương hụi thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, được qui định tại khoản 3 Điều 26 và khoản 1 Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về nội dung: Quá trình nghiên cứu các tài liệu chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa thấy rằng bà Trần Thị T khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết hai yêu cầu đối với bà Nguyễn Thị Q và ông Phạm Công S gồm:

-Yêu cầu thứ nhất: Buộc vợ chồng bà Nguyễn Thị Q, ông Phạm Công S thanh toán khoản nợ vay ngày 03/7/2015 với số tiền gốc 1.050.000.000 đồng và tiền lãi suất 1,5% tháng kể từ ngày ngày 04/10/2016 cho đến nay.

-Yêu cầu thứ hai: Buộc vợ chồng bà Nguyễn Thị Q, ông Phạm Công S phải có nghĩa vụ thanh toán tiền tham gia phường hụi do vợ chồng bà Nguyễn Thị Q, ông Phạm Công S đứng làm chủ phường ngày 15/10/2015 (âm lịch) với số tiền gốc đó nộp là 180.000.000đ(Một trăm tám mươi triệu đồng) và phường ngày 10/02/2016 với số tiền gốc đó nộp 400.000.000đ(Bốn trăm triệu đồng).

[3] Quá trình hòa giải, tại phiên tòa vợ chồng bà Q, ông S và người bảo vệ quyền và lợi tích hợp pháp của bị đơn chứng minh khoản vay ngày 03/7/2015 và số tiền bà T đóng hai phường (Phường ngày 25/10/2015 và phường ngày 10/2/2016) đã được vợ chồng bà Q, ông S thanh toán đầy đủ cho bà Trần Thị T vào tháng 12/2018 là không có cơ sở. Bà Q, ông S, người bảo vệ quyền và lợi tích hợp pháp của bị đơn chứng minh sau khi thanh toán đầy đủ các khoản tiền cho bà T, thì bà Q đã gạch sổ xóa nợ, xóa ký nhận tiền phường tại sổ ghi chép cá nhân của bà T là không đúng. Giấy vay tiền ngày 03/7/2015 có chữ ký Nguyễn Thị Q, Phạm Công S và ký nhận tiền hai phường mà bà T giao nộp dùng làm tài liệu, căn cứ để khởi kiện đối với bà Q, ông S đều là bản gốc, không có sự gạch xóa, tẩy sửa, cũng không có sự giả mạo. Việc này đã được trưng cầu đã được kết luận tại Kết luận giám định số:184/C09-P5 ngày 15/7/2020 của Viện khoa học hình sự Bộ công an. Kết luận giám định đã khẳng định chữ viết, chữ ký trong Bản tự khai, Biên bản phiên họp, Biên bản hòa giải do bà Q, ông S ký trong các biên bản nêu trên do TAND huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An lập ngày 09/6/2020 và chữ viết, chữ ký trong giấy vay nợ, ký nhận tiền phường là do bà Q, ông S viết ra. Bà T giao nộp Giấy vay tiền ngày 03/7/2015 thể hiện tại (Bút lục số 07), Giấy nhận tiền phường ngày 25/10/2015 thể hiện tại (Bút lục số 08) và Giấy nhận tiền phường ngày 10/2/2016 thể hiện tại ( Bút lục số 09) để khởi kiện đối với bà Q, ông S là có cơ sở.

[4] Căn cứ vào nội dung của giấy vay tiền ngày 03/7/2015, ghi chép theo dõi về việc trả lãi của khoản nợ ngày 03/7/2015, có chữ ký của người trả lãi là bà Q thấy rằng: Đây là hợp đồng vay tài sản không thời hạn, lãi suất các bên thỏa thuận là 1,5% tháng. Bà Q, ông S khai nại lãi suất trả cho bà T là cứ vay 1.000.000đ trả lãi 1 ngày là 1.500đ là không có căn cứ, không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh. Theo ghi chép của bà T và ký nhận trả lãi hàng tháng thì vợ chồng bà Q, ông S đã thanh toán lãi suất 1,5%/ tháng của số tiền 1.050.000.000 đồng đến ngày 03/10/2016 với thời hạn 15 tháng.Từ ngày 04/10/2016 đến nay thì vợ chồng bà Q, ông S chưa thanh toán tiền gốc, tiền lãi theo thỏa thuận cho bà T mặc dù đã được bà T đến tận gia đình thông báo và yêu cầu bà Q, ông S thanh toán nợ nhiều lần. Việc thông báo đòi nợ, yêu cầu thanh toán nợ được bà Q, ông S thừa nhận. Nay bà Trần Thị T khởi kiện yêu cầu vợ chồng bà Q, ông S phải có nghĩa vụ thanh toán khoản tiền vay ngày 03/7/2015 và lãi suất là có căn cứ để chấp nhận.

Giao dịch vay 1.050.000.000 đồng vào ngày 03/7/2015 với lãi suất 1,5% tháng mà bà T cho vợ chồng bà Q, ông S vay được xác lập khi BLDS năm 2005 đang có hiệu lực và kéo dài đến khi BLDS 2015 có hiệu lực pháp luật, nên cần áp dụng BLDS năm 2005 và BLDS 2015 để giải quyết tranh chấp. Theo qui định tại khoản 1 Điều 476 của BLDS năm 2005 thì lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước qui định. Như vậy bà T cho vợ chồng bà Q, ông S vay số tiền 1.050.000.000 đồng với lãi suất 1,5% tháng đó vượt quá so với pháp luật qui định. Thời điểm này lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước Việt Nam được áp dụng là 9%/năm tại Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11- 2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tức là 0,75% /tháng, nên cần tính toán để buộc bị đơn phải có nghĩa vụ thanh toán lãi suất cho bên cho vay là 1,125 %tháng (Bằng 150% lãi suất của ngân hàng/tháng) theo qui định tại khoản 1 Điều 476 của BLDS năm 2005.

Vợ chồng ông S, bà Q đã thực hiện việc trả lãi cho bà T 15 tháng với lãi suất 1,5% tháng tính từ ngày 03/7/2015 đến ngày 03/10/2016 tương ứng với số tiền 1.050.000.000 đ x 1,5%/ tháng x 15 tháng =236.250.000 đ. Tuy nhiên, căn cứ vào khoản 1 Điều 476 BLDS 2005, lãi suất mà ông S, bà T phải trả trong khoảng thời gian này không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước là 1,125%/tháng (tương ứng với số tiền 1.050.000.000 đ x 1,125% / tháng x 15 tháng = 177.187.500 đồng). Như vậy, bà Q, ông S đó thanh toán tiền lãi suất thừa (236.250.000 đ- 177.187.500 đ = 59.062.500 đ) số tiền lãi thừa cần trừ vào số tiền gốc đã vay, còn lại bao nhiêu buộc vợ chồng bà Q, ông S phải thanh toán tiền lãi suất theo thỏa thuận hoặc quy định của pháp luật đối với số tiền gốc còn lại (1.050.000.000 đ - 59.062.500 đồng = 990.937.500 đồng).

Vợ chồng ông S bà Q đã thực hiện việc trả lãi đến ngày 03/10/2016, sau đó 01 tháng tức ngày 03/11/2016, do không thấy vợ chồng ông S, bà Q tiếp tục thực hiện việc trả lãi theo đúng thỏa thuận nên bà T đã thông báo đòi ông S, bà Q trả nợ gốc và lãi cho bà T và ông S, bà Q cũng thừa nhận việc này. Đây là hợp đồng vay không kỳ hạn, có lãi nên căn cứ khoản 2 Điều 477 BLDS 2005 thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho bên vay một thời gian hợp lý. Vào ngày 03/11/2016, bà T đã thông báo yêu cầu ông S, bà Q trả nợ gốc và lãi nhưng không thỏa thuận về thời gian trả nợ. Xét thấy, số tiền nợ không nhỏ nên cần có thời gian để bên vay chuẩn bị, vì vậy Tòa án nhận thấy khoảng thời gian để bên vay chuẩn bị đến ngày 31/12/2016 tương ứng 1 tháng 28 ngày kể từ ngày thông báo đòi nợ là phù hợp. Vì vậy từ ngày 04/10/2016 đến 31/12/2016, ông S, bà Q phải chịu lãi suất trên nợ gốc trong hạn chưa trả đối với khoản nợ gốc 990.937.500 đồng. Căn cứ Điều 476 BLDS 2005 và điểm a, khoản 2 Nghị Quyết số: 01/2019 thì số tiền lãi mà ông S và bà Q phải trả cho bà T từ ngày 04/10/2016 đến ngày 31/12/2016 tương ứng với 89 ngày với lãi suất 1,125% (bằng 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước) là: 990.937.500 (đồng) x 1,125% (/tháng) :

30 (ngày/1 tháng) x 89 (ngày) = 33.072.539 đồng. Từ ngày 01/01/2017 đến thời điểm xét xử sơ thẩm (ngày 28/8/2020), số nợ gốc trên do ông S, bà Q chưa thanh toán nên chuyển thành nợ gốc quá hạn, vì vậy, ông S, bà Q phải chịu lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả đối với số nợ gốc trên. Từ ngày 01/01/2017, Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực pháp luật nên căn cứ Điều 468 BLDS 2015 và điểm c, khoản 2 Điều 5 Nghị Quyết 01/2019, thì lãi trên nợ gốc quá hạn = 150% lãi suất do các bên thỏa thuận. Căn cứ vào nội dung đơn khởi kiện, ý kiến trong quá trình hòa giải và tại phiên tòa nguyên đơn chỉ yêu cầu trả lãi với mức lãi suất là 1,5%/tháng, nên chấp nhận mức lãi suất này để tính toán buộc bị đơn phải có nghĩa vụ thanh toán. Vậy nên từ ngày 01/01/2017 đến ngày 28/8/2020 ( ngày xét xử sơ thẩm) tương ứng với 1336 ngày, ông S, bà Q phải chịu lãi trên nợ gốc quá hạn với mức lãi suất 1,5% tương ứng với số tiền là: 990.937.500 (đồng) x 1,5% (/tháng) : 30 (ngày/1 tháng) x 1336 (ngày) = 661.946.250 đồng.

Như vậy, tạm tính đến ngày 28/8/2020, ông S, bà Q còn phải trả cho bà T 1.685.956.289 đồng (Trong đó 990.937.500 đồng tiền gốc và 695.018.789 đồng tiền lãi) [5] Đối với yêu cầu thanh toán phường hụi thấy rằng: Căn cứ vào tài liệu về việc ghi chép tham gia phường, ký nhận nộp tiền phường do nguyên đơn bà Trần Thị T cung cấp giao nộp thể hiện tại bút lục số 08, số 09, cũng như sự thừa nhận của bị đơn trong quá trình hòa giải và tại phiên tòa. Có cơ sở khẳng định ngày 15/10/2015 (âm lịch) và ngày 10/02/2016 vợ chồng bà Q, ông S nhóm phường và đứng làm chủ của hai phường. Bà Trần Thị T là người đã tham gia vào hai phường này, bàThương nộp tiền đóng phường đầy đủ, đến lượt được bốc phường chưa được bà Q, ông S giao nhận tiền phường. Quá trình hoà giải bà tại phiên tòa bà Q, ông S khẳng định đã thanh toán tiền hai phường nêu trên cho bà T vào tháng 12/2018 cùng với khoản vay 1.050.000.000 đồng vào ngày 03/7/2015, nhưng không được bà T thừa nhận, không có tài liệu nào để chứng minh. Ông S, bà Q, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn còn biện minh là sau khi thanh toán đầy đủ tiền phường bà Q đã gạch sổ khoản vay, tiền phường, bà T đã trả lại hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Q. Xét thấy việc biện minh của vợ chồng bà Q, ông S, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn chỉ là lời nói, không có cơ sở, không được bà T chấp nhận.

Bà Q, ông S cho rằng Giấy vay tiền ngày 03/7/2015 và ghi chép ký nhận tiền của hai phường đã được bà Q gạch xóa sau khi đó thanh toán. Tuy nhiên những tài liệu bà T giao nộp vẫn nguyên vẹn, không có sự gạch xóa, tẩy sửa. Chữ viết, chữ ký trong giấy vay tiền, ký nhận tiền phường được kết luận tại kết luận giám định số: 184/C09-P5 ngày 15/7/2020 của Viện khoa học hình sự Bộ công an là chữ viết, chữ ký của bà Q ông S.

Bà Q, ông S, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Q, ông S còn biện minh thêm: Sau khi thanh toán các khoản tiền cho bà T, thì bà T mới trả lại hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà bà Q, ông S giao cho bà T trong quá trình vay số tiền 1.050.000.000đ vào ngày 03/7/2015. Việc biện minh này của bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn không được bà T chấp nhận. Đúng là có sự bà T trả lại hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Q, nhưng không thể lấy việc trả lại hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nói rằng vợ chồng bà Q, ông S đó thanh toán đầy đủ các khoản tiền cho bà T.

Từ sự phân tích, đánh giá nêu trên khẳng định bà Q, ông S chưa thanh toán tiền tham gia phường ngày 25/10/2015 âm lịch và ngày 10/02/2016 cho bà T, nay cần buộc vợ chồng bà Q phải có nghĩa vụ thanh toán cho bà T. Nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn thanh toán tiền gốc, không yêu cầu thanh toán tiền lãi suất là tự nguyện, nên cần buộc vợ chồng bà Q, ông S chỉ có nghĩa vụ thanh toán cho nguyên đơn tiền gốc tham gia phường hụi đã nộp.

[6] Về án phí: Do yêu cầu của nguyên đơn được tòa án chấp nhận, nên không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Trả lại tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm cho nguyên đơn.

Buộc vợ chồng bà Nguyễn Thị Q, ông Phạm Công S phải nộp án phí dân sự theo quy định của pháp luật.

Bởi các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ Điều 471, Điều 473, Điều 474; Điều 476, Điều 477 và Điều 479 Bộ luật dân sự 2005.

- Căn cứ Điều 463, Điều 464, Điều 465; Điều 466, Điều 468, Điều 469 và Điều 471 Bộ luật dân sự 2015.

- Căn cứ khoản 1 Điều 27 của nghị định số: 19/2019/NĐ- CP ngày 19/2/2019 của chính Phủ; Điều 9, Điều 29, Điều 31, khoản 3, khoản 4 Điều 15 của Nghị định số: 144/2006/NĐ- CP ngày 27/11/2006 của chính Phủ.

Xử:

1.Buộc vợ chồng bà Nguyễn Thị Q, ông Phạm Công S phải có nghĩa vụ liên đới thanh toán khoản tiền vay ngày 03/7/2015 cho bà Trần Thị T tạm tính đến ngày 28/8/2020 với tổng số tiền 1.685.956.289đ(Bằng chữ: Một tỷ sáu trăm tám mươi lăm triệu, chín trăm năm mươi sáu nghìn,hai trăm tám mươi chín đồng). Trong đó số tiền gốc là 990.937.500đ(Bằng chữ: Chín trăm chín mươi triệu chín trăm ba mươi bày nghìn năm trăm đồng) và 695.018.789đ(Bằng chữ: Sáu trăm chín mươi lăm triệu không trăm mười tám nghìn bảy trăm tám mươi chín đồng) tiền lãi.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (Ngày 29/8/2020) cho đến khi thi hành xong khoản tiền trên, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án, theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.

2. Buộc: Vợ chồng bà Nguyễn Thị Q, ông Phạm Công S phải có nghĩa vụ thanh toán cho bà Trần Thị T tiền tham gia phường hụi vào ngày 25/10/2015 âm lịch và ngày 10/2/2016 với số tiền của hai phường là 580.000.0000đ (Bằng chữ: Năm trăm tám mươi triệu đồng) trong đó 180.000.000đ (Bằng chữ: Một trăm tám mươi triệu đồng) tiền phường ngày 25/10/2015 âm lịch và 400.000.000đ(Bằng chữ: Bốn trăm triệu đồng) tiền phường ngày 02/10/2016.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án ( đối với khoản tiền người thi hành án phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án, thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi suất của số tiền phải thi hành án, theo mức lãi suất qui định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

- Về án phí: Căn cứ Điều 147 của BLTTDS; Điều 26 của nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội qui định về mức thu, miễn giảm, thu nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Buộc vợ chồng bà Nguyễn Thị Q, ông Phạm Công S phải nộp 77.319.125đ(Bằng chữ: Bảy mươi bảy triệu, ba trăm mười chín nghìn, một trăm hai mươi lăm đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí số tiền 40.150.000đ(Bốn mươi triệu, một trăm năm mươi nghìn đồng) cho bà Trần Thị T, theo biên lai nộp tiền số: 0000422 ngày 20/5/2020 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Nguyên đơn, bị đơn có mặt được quyền kháng cáo bản án lên tòa án cấp phúc thẩm trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

547
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 15/2020/DSST ngày 28/08/2020 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản và yêu cầu thanh toán tiền tham gia phường hụi

Số hiệu:15/2020/DSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Yên Thành - Nghệ An
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 28/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về