Bản án 134/2019/DS-PT ngày 13/05/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản và tổn thất tinh thần

A ÁN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

BẢN ÁN 134/2019/DS-PT NGÀY 13/05/2019 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN VÀ TỔN THẤT TINH THẦN

Ngày 13 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 88/2019/TLPT-DS ngày 19/3/2019 về việc tranh chấp “Bồi thường thiệt hại về tài sản và tổn thất về tinh thần”.

Do bản án sơ thẩm số 237/2018/DS-ST ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Tiền Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 123/2019/QĐ-PT ngày 25/3/2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Nguyễn Thị T, sinh năm 1964; (có mặt)

Địa chỉ: Ấp 1, xã A, huyện B, tỉnh Tiền Giang.

Người đại diện hợp pháp cho chị Nguyễn Thị T là ông Lê Văn Hữu H, sinh năm 1955; (Theo giấy ủy quyền được công chứng số 7035 ngày 23/4/2019) (có mặt)

Địa chỉ: Số 112/2, đường Đ, phường 2, thành phố M, tỉnh Tiền Giang.

2. Bị đơn: Bùi Thị Ch, sinh năm 1955; (có mặt)

Địa chỉ: Ấp 4, xã A, huyện B, tỉnh Tiền Giang.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ủy ban nhân dân huyện B, tỉnh Tiền Giang.

Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Quốc Th – Chức vụ: Chủ tịch UBND huyện B.

Đa chỉ: Khu 1B, thị trấn B, huyện B, tỉnh Tiền Giang.

Đi diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn C – Chức vụ: Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện B (xin vắng mặt) 3.2. Ban quản lý chợ huyện B, tỉnh Tiền Giang.

Đại diện theo pháp luật: Ông Võ Tiến L – Chức vụ: Trưởng ban (xin vắng mặt)

3.3. Ngô Thị H, sinh năm 1954; (xin vắng mặt)

Địa chỉ: Ấp 1, xã A, huyện B, tỉnh Tiền Giang.

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn Nguyễn Thị T.

Theo án sơ thẩm:

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Nguyên đơn Nguyễn Thị T trình bày:

Vào năm 2011, chị Bùi Thị Ch có mua phần đất do nhà nước quản lý. Do không có lối đi nên chị Ch yêu cầu cơ quan có thẩm quyền mở lối đi. Ngày 21/01/2011, Ban quản lý chợ xã A có thông báo thu hồi sạp của chị Ngô Thị H để mở lối đi cho chị Ch. Ngày 06/6/2011, Ban quản lý chợ xã A có thông báo thu hồi sạp của chị để lấy phần đất làm lối đi vào nhà chị Ch từ ngày 09/6/2011. Phần lô sạp của chị đã được Ban quản lý chợ bố trí cho chị sử dụng nên chị là người chiếm hữu, nhưng đã giao cho chị Ch sử dụng làm lối đi vào nhà nên chị đã thuê nhà để buôn bán và bị thiệt hại về tài sản và tổn thất tinh thần.

Căn cứ vào các Điều 260, 261, 604, 608, 616 Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11, điểm c khoản 2 Điều 35 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP yêu cầu chị Ch bồi thường các khoản gồm:

1. Tiền thuê nhà từ ngày 09/6/2011 đến nay là 90 tháng x 2.000.000 đồng/tháng = 180.000.000 đồng.

2. Tiền tổn thất tinh thần là 10 tháng lương tối thiểu x 2.150.000 đồng = 21.500.000 đồng. Căn cứ theo Nghị định 103 về mức lương vùng.

3. Yêu cầu Ban quản lý chợ huyện B bồi thường sạp gỗ là 4.000.000 đồng. Yêu cầu chị Ch và Ban quản lý chợ huyện B tính lãi từ ngày 09/6/2011 đến nay ở các khoản tiền bồi thường.

* Bị đơn Bùi Thị Ch trình bày:

Ban quản lý chợ có thu hồi sạp của chị H để tạo lối đi vào nhà chị, việc thu hồi do Ban quản lý chợ thực hiện. Việc thu hồi sạp không ảnh hưởng tới việc mua bán của chị T và không gây thiệt hại gì cho chị T nên chị không đồng ý bồi thường theo yêu cầu chị T.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ban quản lý chợ huyện B trình bày theo tờ trình số 55/TTr-BQLC ngày 26/4/2016 như sau:

Vào năm 2011, Ban quản lý chợ huyện có tiến hành thu hồi sạp mua bán của chị T. Chị Ch không liên quan gì đến việc thu hồi và giữ một sạp của chị T nên không đồng ý theo yêu cầu của chị T.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan UBND huyện B: Không có văn bản ý kiến đối với việc kiện của các bên.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Ngô Thị H trình bày:

Vào năm 1999, Ban quản lý chợ có cấp cho chị một vị trí để mua bán tại chợ xã A, ngang 1,2m, dài 1,2m, chị Ch có mua bán một thời gian, sau cho địa điểm sạp lại Nguyễn Thị C và chị C bán lại qua nhiều người đến chị T mua, chị không có trực tiếp bán cho chị T. Việc tranh chấp các bên chị không ý kiến, tranh chấp gì.

Bản án dân sự sơ thẩm số 237/2018/DS-ST ngày 30/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Tiền Giang đã quyết định:

Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị T 1.1. Buộc Ban quản lý chợ huyện B bồi thường cho chị Nguyễn Thị T số tiền là 1.400.000 đồng.

1.2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị T yêu cầu chị Bùi Thị Ch bồi thường.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chịu lãi suất do chậm thực hiện trả tiền, án phí, quyền kháng cáo và nghĩa vụ thi hành án của các đương sự theo quy định pháp luật.

* Ngày 04/12/2018, nguyên đơn chị Nguyễn Thị T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 237/2018/DS-ST ngày 30/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Tiền Giang, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa án theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chị.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của nguyên đơn Nguyễn Thị T là ông H vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, về yêu cầu kháng cáo ông H cho rằng Tòa sơ thẩm chưa xét đến phần yêu cầu bồi thường thu nhập bị mất số tiền 240.000.000 đồng là thiếu sót nên đề nghị hủy án sơ thẩm giao về Tòa án huyện xét xử lại. Bị đơn Bùi Thị Ch không chấp nhận yêu cầu của chị T. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau việc giải quyết vụ án.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, thư ký và Hội đồng xét xử ở giai đoạn phúc thẩm đều đúng với qui định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự thực hiện quyền nghĩa vụ tham gia tố tụng đúng luật định.

Về quan điểm giải quyết vụ án, Kiểm sát viên cho rằng yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của chị T không có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chị Nguyễn Thị T, giữ y bản án sơ thẩm số 237/2018/DS-ST ngày 30/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Tiền Giang.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra xem xét. Căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, nghe lời trình bày của các đương sự và ý kiến phát biểu của đại diện Viện Kiểm sát xét thấy:

[1] Về thủ tục tố tụng: Nguyên đơn Nguyễn Thị T thực hiện quyền kháng cáo bản án sơ thẩm và nộp tạm ứng án phí phúc thẩm theo đúng qui định tại Điều 271, 272, 273 và khoản 2 Điều 276 của Bộ luật tố tụng dân sự nên được xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Đối với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân huyện B người đại diện theo ủy quyền ông Nguyễn Văn C. Ban quản lý chợ huyện B, người đại diện Võ Tiến L và chị Ngô Thị H đều có đơn xin vắng mặt suốt quá trình giải quyết vụ án (BL 181; 182; 61). Xét việc vắng mặt những người kể trên không ảnh hưởng đến quá trình xét xử nên căn cứ vào khoản 1 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt những người liên quan.

[2] Về quan hệ tranh chấp: Tòa sơ thẩm xác định tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại về tài sản là đúng với tính chất vụ án nhưng chưa đầy đủ theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về tiền tổn thất tinh thần nên cần bổ sung đầy đủ để xem xét giải quyết theo qui định tại khoản 6 Điều 25 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011.

[3] Về nội dung tranh chấp: Nguyên đơn Nguyễn Thị T cho rằng năm 2011 chị Bùi Thị Ch mua phần đất ở chợ An Hữu do nhà nước quản lý. Vì không có lối đi vào đất nên chị Ch yêu cầu mở lối đi. Ngày 06/6/2011, ban quản lý chợ A thông báo thu hồi sạp của Ngô Thị H đã sang lại cho chị để mở lối đi cho chị Ch. Phần lô sạp của chị đã được Ban quản lý chợ bố trí sử dụng nên chị là người chiếm hữu, nhưng lại giao cho chị Ch làm lối đi vào nhà, làm cho chị phải thuê nhà để bán gây thiệt hại về tài sản và tổn thất tinh thần của chị nên chị T yêu cầu: chị Ch phải bồi thường cho chị 180.000.000 đồng tiền thuê nhà và 21.500.000 đồng tiền tổn thất tinh thần. Yêu cầu Ban quản lý chợ B bồi thường sạp gỗ cho chị 4.000.000 đồng. Chị Ch và Ban quản lý chợ B không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của Chị T.

[4] Án sơ thẩm xử chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị T, buộc Ban quản lý chợ B bồi thường giá trị cái sạp cho chị 1.400.000 đồng. Chị T kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chị. Xét yêu cầu kháng cáo của chị T nhận thấy: Chị T làm đơn khởi kiện vào ngày 09/12/2015 đến ngày 14/03/2016 Tòa sơ thẩm thụ lý giải quyết nên căn cứ vào Điều 517 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 689 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì việc giải quyết vụ án phải căn cứ vào Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011 và Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo Điều 607 của Bộ luật dân sự năm 2005 qui định: “thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm”. Chị T cho rằng năm 2011 quyền lợi của chị bị chị Ch và Ban quản lý chợ B xâm phạm nhưng đến ngày chị làm đơn khởi kiện vào ngày tòa sơ thẩm thụ lý giải quyết thì thời hiệu đã hết. Mặt khác, chị cho rằng chị Ch xin chính quyền địa phương mở đường vào phần đất chị Ch đã mua làm thiệt hại quyền lợi của chị là hoàn toàn không có căn cứ. Bởi sạp buôn bán của chị nằm trên đất công trước đó vào năm 1999 chính quyền địa phương bố trí cho chị Ngô Thị H buôn bán năm 2002 chị H sang lại cho Nguyễn Thị C, sau đó C sang lại cho Nguyễn Thị B. Năm 2003 B sang lại cho chị T. Theo nội qui của Ban quản lý chợ được Ủy ban nhân dân huyện B phê duyệt có qui định không được tự ý sang nhượng thay đổi kinh doanh khi chưa làm thủ tục theo qui định. Do chị Ch trúng đấu giá nền nhà ở chợ A, nên chính quyền địa phương tạo lối đi trên phần đất công cho chị Ch đúng với qui định của pháp luật. Chị Ch hoàn toàn không xâm phạm đến quyền lợi của chị T.

Về phần yêu cầu Ban quản lý chợ B bồi thường sạp gỗ bằng thao lao do Ban quản lý chợ B thu giữ. Do thời gian đã lâu sạp gỗ không còn nên căn cứ vào công văn số 584/PTC.KH.NS ngày 19/11/2018 của phòng tài chính kế hoạch huyện B xác định giá trị sạp gỗ thao lao kích thước 1,2m x 1,2m tỷ lệ 50% thành tiền 1.400.000 đồng nên tòa sơ thẩm buộc Ban quản lý chợ huyện B bồi thường chị T số tiền này là phù hợp. Đối với yêu cầu tính lãi của chị T không có cơ sở nên không được chấp nhận. Xét quá trình kháng cáo chị T không cung cấp bổ sung được chứng cứ mới có giá trị nên không được chấp nhận. Về án phí sơ thẩm, Tòa sơ thẩm vận dụng không đúng qui định của Điều 48 Nghị quyết 326 ngày 31/12/2016 nên định lại cho đúng, sửa 1 phần quyết định án sơ thẩm về án phí. Từ những phân tích trên xét thấy ý kiến phân tích và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát có phần phù hợp với những nhận định của Hội đồng xét xử được ghi nhận.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 270, 293, khoản 2 Điều 308, Điều 313 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chị Nguyễn Thị T, sửa một phần quyết định án sơ thẩm số 237/2018/DS-ST ngày 30/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Tiền Giang.

Áp dụng khoản 1 Điều 131 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, khoản 1 Điều 148, Điều 228, 357, Điều 517 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Áp dụng Điều 689 của Bộ luật dân sự năm 2015 vào Điều 604, 605, 607, 608 của Bộ luật dân sự năm 2005. Điều 26, khoản 1 Điều 29, khoản 1 Điều 48 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội khóa 14 qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án. Pháp lệnh án phí lệ phí Tòa án số 10 ngày 27/02/2009.

Xử:

1/ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị T. Buộc Ban quản lý chợ huyện B, tỉnh Tiền Giang bồi thường thiệt hại về tài sản cho chị T số tiền 1.400.000 đồng.

2/ Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị T đòi chị Bùi Thị Ch bồi thường tiền thuê nhà và tiền tổn thất tinh thần tổng cộng 201.500.000 đồng.

3/ Về án phí:

Ban quản lý chợ huyện B phải chịu 200.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Chị Nguyễn Thị T phải chịu 5.037.500 đồng án phí dân sự sơ thẩm và 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm.

Trả lại cho chị T 4.650.000 đồng tiền tạm ứng án phí theo các biên lai thu số 04895 ngày 14/02/2016 biên lai thu số 05644 ngày 06/9/2016 và biên lai thu số 09477 ngày 04/12/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Tiền Giang.

Kể từ ngày chị T có đơn yêu cầu thi hành án nếu Ban quản lý chợ huyện B chậm thi hành thì hàng tháng phải chịu thêm tiền lãi theo mức lãi suất được qui định tại Điều 357 và 468 của Bộ luật dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành.

4/ Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

555
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 134/2019/DS-PT ngày 13/05/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản và tổn thất tinh thần

Số hiệu:134/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tiền Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 13/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về