Bản án về tranh chấp tài sản sau ly hôn số 127/2019/HNGĐ-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN GIỒNG TRÔM, TỈNH BẾN TRE

BẢN ÁN 127/2019/HNGĐ-ST NGÀY 01/10/2019 VỀ TRANH CHẤP TÀI SẢN SAU LY HÔN

Vào ngày 30 tháng 9 và ngày 01 tháng 10 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre xét xử sơ thẩm công khai vụ án hôn nhân gia đình thụ lý số: 179/2019/TLST-HNGĐ ngày 23 tháng 5 năm 2019 về việc “Tranh chấp tài sản sau khi ly hôn” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 298/2019/QĐST- HNGĐ ngày 12 tháng 9 năm 2019 giữa các đương sự:

Nguyên đơn : Anh Trần Văn R, sinh năm 1985.

Đa chỉ: Ấp B, xã C, huyện G, tỉnh Bến Tre.

Bị đơn : Chị Trần Thị Kim Q, sinh năm 1986.

Đa chỉ: số A, ấp 1, xã T, huyện G, tỉnh Bến Tre.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Bà Trần Thị Kim P, sinh năm 1971. Địa chỉ: ấp 1, xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

(Văn bản ủy quyền ngày 26/9/2019).

Người làm chứng (do nguyên đơn yêu cầu triệu tập): Ông Trần Văn K, sinh năm 1961.

Đa chỉ: Ấp B, xã C, huyện G, tỉnh Bến Tre. (Các đương sự có mặt tại tòa)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện cùng các văn bản, tài liệu chứng cứ cung cấp cho Tòa án cũng như tại phiên tòa hôm nay, nguyên đơn anh Trần Văn R trình bày:

Anh và chị Q tự quen biết, tìm hiểu nhau và có tình cảm nên hai bên quyết định tiến tới hôn nhân. Vào ngày 23/10/2017, gia đình hai bên có tổ chức đám ba lễ (đám hỏi). Trong ngày lễ hỏi gia đình anh có cho chị Q một số nữ trang gồm: 01 đôi bông tai 01 chỉ vàng 24k; 01 lắc tay 04 chỉ vàng 24k; 01 dây chuyền 05 chỉ vàng 24k và số tiền 10.000.000 đồng. Số vàng đó do anh R trực tiếp đeo cho chị Q.

Mục đích của việc cho số nữ trang với điều kiện là chị Q phải làm vợ anh R. Đến ngày 04/4/2018, anh chị tổ chức đám cưới. Đến đầu năm 2019 thì chị Q xin ly hôn với anh R, hai anh chị đã thuận tình ly hôn theo quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 42/2019/QĐST-HNGĐ ngày 14/3/2019 của Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm. Khi ly hôn anh chị không tranh chấp, không yêu cầu tòa án giải quyết về tài sản chung. Vàng và tiền đều do chị Q giữ, vì vậy anh R khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung với chị Q, cụ thể yêu cầu chị Q giao cho anh R 05 chỉ vàng, với giá là 3.600.000 đồng/chỉ, tổng trị giá 18.000.000 đồng và 5.000.000 đồng, tổng cộng là 23.000.000 đồng. Số tiền và vàng này là của gia đình anh cho hai anh chị để làm vốn làm ăn.

Theo bản tự khai, biên bản hòa giải, biên bản làm việc và tại phiên tòa bị đơn chị Trần Thị Kim Q trình bày:

Chị và anh R quen biết và có tình cảm với nhau. Đến năm 2017, hai người quyết định tiến đến hôn nhân. Vào ngày 23/10/2017, gia đình hai bên có tổ chức đám hỏi cho anh chị, trong ngày này gia đình nhà trai cho cô dâu sính lễ là 01 lượng vàng 24k gồm:

01 đôi bông tai 01 chỉ vàng 24k; 01 lắc tay 04 chỉ vàng 24k; 01 dây chuyền 05 chỉ vàng 24k và 02 chiếc nhẫn vàng 18k mỗi chiếc 05 phân. Đây là nữ trang nhà trai cho riêng cô dâu. Còn số tiền 10.000.000 đồng thì trong đó có 5.000.000 đồng nhà trai cho cô dâu để sắm quần áo, trang điểm; 5.000.000 đồng là để phụ tiền trà nước cho nhà gái. Khi cưới nhau chị Q mong muốn được theo chồng về nhà chồng ở, tuy nhiên cha mẹ và anh R yêu cầu chị sống ở nhà chị để tiếp tục chăn nuôi heo dành dụm một số vốn cho hai vợ chồng nên chị cũng đồng ý. Sau khi bàn bạc với anh R chị đã bán 01 lượng vàng với giá 35.000.000 đồng để có tiền mua heo con và mua thức ăn cho heo để chăn nuôi. Số vàng là trang sức nhà trai cho riêng chị Q vì vậy đây là tài sản riêng của chị Q, bên cạnh đó tiền vàng đã sử dụng hết trong thời kỳ hôn nhân nên chị Q không đồng ý với yêu cầu của anh R. Còn số tiền 10.000.000 đồng cũng cho chị Q mua sắm quần áo, trang điểm và trà nước trong ngày đám hỏi, đã sử dụng hết nên chị cũng không đồng ý trả lại theo yêu cầu của anh R.

Người làm chứng ông Trần Văn K trình bày: Ông là cha ruột của anh Trần Văn R. Vào ngày 23/10/2017, gia đình ông có tổ chức đám hỏi để hỏi cưới chị Q cho con trai của ông là anh R. Trong ngày đám hỏi gia đình ông có cho chị Q một số nữ trang bao gồm: 01 đôi bông tai 01 chỉ vàng 24k; 01 lắc tay 04 chỉ vàng 24k; 01 dây chuyền 05 chỉ vàng 24k tổng cộng là một lượng vàng 24k. Còn số tiền 10.000.000 đồng cũng của gia đình nhà trai cho, trong đó 5.000.000 đồng là cho cô dâu để mua quần áo và trang điểm, còn 5.000.000 đồng là cho phụ với nhà gái tiền trà nước. Vào ngày đám hỏi thì hai bên xui gia bàn bạc và thống nhất sau khi cưới nhau chị Q vẫn tiếp tục sống bên chị Q để chăn nuôi heo cho khá có số vốn rồi vài năm sẽ về sống chung nhà với anh R vì nhà chị Q có sẵn chuồng trại. Ông K cũng khẳng định số vàng gồm 01 đôi bông tai 01 chỉ vàng 24k; 01 lắc tay 04 chỉ vàng 24k; 01 dây chuyền 05 chỉ vàng 24k là cho riêng chị Q trong ngày đám hỏi. Mục đích cho với điều kiện là chị Q phải làm vợ anh R. Hiện nay chị Q đã xin ly hôn với anh R và còn thách thức anh R khởi kiện nên anh R mới khởi kiện.

Những nội dung các đương sự thống nhất:

Vào ngày 23/10/2017, anh R và chị Q đám hỏi. Gia đình nhà trai có cho riêng chị Q sính lễ là 01 cây vàng 24k, gồm có: 01 đôi bông tai 01 chỉ vàng 24k; 01 lắc tay 04 chỉ vàng 24k; 01 dây chuyền 05 chỉ vàng 24k; 02 nhẫn mỗi nhẫn 0,5 chỉ vàng 18k và số tiền 10.000.000 đồng. Anh chị thống nhất giá vàng để giải quyết tranh chấp là 3.600.000 đồng/01 chỉ vàng 24k. Khi cho vàng nhà trai nói cho riêng cô dâu. Riêng hai chiếc nhẫn anh chị mỗi người giữ một chiếc nên không tranh chấp. Gia đình hai bên thống nhất để chị tiếp tục sống tại nhà chị để nuôi heo tích lũy vốn sau này cho anh chị nhưng gia đình anh R không có đưa tiền vốn cho chị Q nuôi heo và sinh hoạt hằng ngày của chị Q đều do chị tự lo. Trước khi ly hôn chị Q có đưa cho anh R 32.000.000 đồng để anh R trả nợ.

Những nội dung các đương sự không thống nhất:

Anh R cho rằng: Số vàng và tiền tuy lúc đám hỏi nói cho riêng chị Q nhưng với điều kiện là chị Q phải về làm vợ anh R. Tuy nói là cho riêng chị Q nhưng mục đích của gia đình anh là dùng số tiền 10.000.000 đồng và vàng này để cho anh chị làm vốn làm ăn sau này. Hiện nay chị Q đã ly hôn với anh R và thách thức anh R khởi kiện nên anh R mới khởi kiện. Khi chưa ly hôn anh R đi làm bảo vệ thu nhập hàng tháng là 5.200.000 đồng, đôi khi được khách cho thêm tiền. Quá trình chung sống anh R có đưa tiền lương cho chị Q giữ, cụ thể hàng tháng anh đưa khoảng 5.000.000 đồng và có cho riêng chị Q khoảng 7.000.000 đồng để chị Q xài nhưng chị Q không xài mà đã đưa lại toàn bộ 32.000.000 đồng cho anh R để anh R trả tiền mua đất trước đây còn nợ.

Chị Q cho rằng: Số tiền 10.000.000 đồng của nhà trai cho chị trong đó 5.000.000 đồng là để cho chị mua quần áo và trang điểm, còn 5.000.000 đồng là phụ tiền trà nước trong ngày đám hỏi. Số tiền này đã sử dụng hết. Riêng số vàng cho trong ngày đám hỏi là của nhà trai cho riêng chị vì khi trình lễ nói là cho cô dâu. Mặc khác, sau khi đám cưới thì chị Q tự lo cho sinh hoạt của chị và để có vốn chăn nuôi heo chị đã bàn bạc anh R để bán 01 lượng vàng để có vốn nuôi heo. Anh R cũng đồng ý. Quá trình nuôi heo lứa heo đầu cũng có lời nhưng sau đó heo bị bệnh nên thu lỗ. Hiện tại chị còn nợ tiền thức ăn là 50.000.000 đồng nhưng số nợ này trước giờ vẫn do một mình chị trả, chị cũng không tranh chấp số nợ này với anh R. Đồng thời anh R có đưa cho chị giữ 22.000.000 đồng tiền lương của anh R có được trong thời kỳ hôn nhân, anh R cho chị 7.000.000 đồng và tiền dành dụm của chị là 3.000.000 đồng, tổng cộng là 32.000.000 đồng. Số tiền này là tài sản chung của anh chị trong thời kỳ hôn nhân nhưng chị cũng không sử dụng và đã đưa lại hết cho anh R để anh R trả nợ.

Đi diện viện kiểm sát nhân dân huyện Giồng Trôm phát biểu:

Về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, thư ký, Hội đồng xét xử là đúng quy định; việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng: đúng quy định.

Ý kiến về việc giải quyết vụ án: Đối với số tiền 10.000.000 đồng, ông K cha của anh R thừa nhận đây là số tiền cho riêng cô dâu, 5.000.000 đồng để trang điểm, mua quần áo còn 5.000.000 đồng phụ trà nước với nhà gái nên đây không phải là số tiền cho chung anh chị để làm vốn làm ăn, đề nghị không chấp nhận yêu cầu đòi lại số tiền 5.000.000 đồng của anh R. Đối với 05 chỉ vàng chị Q không chứng minh được là tài sản riêng của chị, đồng thời cũng không chứng minh được đã bán sử dụng hết trong thời kỳ hôn nhân nên xác định đây là tài sản chung của anh chị. Đôi bông 01 chỉ vàng 24k là trang sức riêng của nữ nên ưu tiên để cho chị Q sử dụng. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh R, cụ thể buộc chị Q chia cho anh R 4,5 chỉ vàng 24k cho anh R trị giá 14.400.000 đồng.

Tại phiên tòa:

Anh R tranh luận: Số vàng cho trong ngày đám hỏi tuy là nữ trang nói cho riêng chị Q nhưng phải với điều kiện là chị Q phải làm vợ của anh R thì mới cho. Còn hiện nay anh và chị Q đã ly hôn nên anh yêu cầu trả lại phân nữa vàng và tiền cho anh. Do chị Q thách thức nên anh mới khởi kiện chứ thật sự anh cũng không muốn đòi lại số vàng đã cho chị Q.

Chị P tranh luận: Số vàng 01 lượng vàng 24k nhà trai cho riêng chị Q nên đây là tài sản riêng của chị Q. Sau khi cưới nhau hai gia đình thống nhất để Q ở bên gia đình Q tiếp tục nuôi heo để phát triển kinh tế dành dụm một số vốn kha khá rồi vài năm mới về sống bên nhà R. Đồng thời để tiếp tục nuôi heo thì Q đã bán số vàng đó rồi, khi bán vàng anh R cũng biết và đồng ý. Trong quá trình sống chung R có đưa cho Q 22.000.000 đồng và 10.000.000 đồng của Q, Q cũng đã đưa lại cho R để trả nợ tiền mua đất trước đây của R. Còn số tiền 10.000.000 đồng là tiền cho cô dâu mua đồ, trang điểm và phụ tiền trà nước với nhà gái trong ngày đám hỏi là theo đúng phong tục của người Việt Nam mà anh R cũng đòi lại là vô lý. Vì vậy chị Q không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của anh R.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào lời trình bày của nguyên đơn, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Anh R khởi kiện yêu cầu chia tài sản sau khi ly hôn với chị Q, đây là vụ án hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Bị đơn chị Q đang sinh sống tại xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre nên Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm thụ lý giải quyết vụ án là đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 28, khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về nội dung: Tại phiên tòa anh R và cha của anh R là ông K đều thống nhất: Vào ngày 23/10/2017, gia đình có tổ chức đám ba lễ (đám hỏi) cho anh chị. Sính lễ nhà trai cho riêng cô dâu (chị Q) gồm 01 đôi bông tai 01 chỉ vàng 24k; 01 lắc tay 04 chỉ vàng 24k; 01 dây chuyền 05 chỉ vàng 24k tổng cộng là 01 lượng vàng 24k và số tiền 10.000.000 đồng. Lời thừa nhận của ông K và anh R đây là tình tiết, sự kiện mà chị Q không phải chứng minh theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Như vậy có đủ cơ sở xác định 01 lượng vàng 24k và 10.000.000 đồng chị Q được tặng cho riêng, là tài sản riêng của chị Q theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân gia đình.

[3] Theo quy định tại Điều 458 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về tặng cho bất động sản thì “ Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Như vậy, khi nhà trai trao nữ trang và tiền cho chị Q đã chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản đó và đã có hiệu lực pháp luật ngay tại thời điểm chuyển giao.

[4] Anh R cho rằng số vàng và tiền này gia đình anh cho chị Q với điều kiện chị Q phải làm vợ anh R. Nay chị Q đã ly hôn với anh R nên anh đòi lại là không có cơ sở, vì:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về tặng cho tài sản có điều kiện thì “Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.” Theo quy định tại Điều 2 luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì hôn nhân phải tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng,vợ chồng bình đẳng,… kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam…”. Theo phong tục tập quán tại địa phương thì khi cưới hỏi gia đình nhà trai thường chuẩn bị sính lễ để cho cô dâu xuất phát từ sự tự nguyện, tự do ý chí của bên tặng cho vì nhà gái và cô dâu cũng không đòi hỏi và không yêu cầu nhà trai phải đáp ứng những sính lễ gì. Như vậy, việc anh R cho rằng số sính lễ cho chị Q trong ngày đám hỏi với điều kiện chị Q phải làm vợ không được ly hôn với anh là trái với yếu tố tự nguyện trong hôn nhân. Bên cạnh đó, việc ly hôn là do anh chị tự nguyện, anh chị thống nhất nguyên nhân ly hôn là do bất đồng quan điểm trong cuộc sống nên đồng ý thuận tình ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 42/2019/QĐST- HNGĐ ngày 14/3/2019 của Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm. Việc anh chị sống chung bất đồng quan điểm và ly hôn là hoàn toàn tự nguyện của cả hai anh chị, do đó không thể cho rằng chị Q chưa đáp ứng yêu cầu là làm vợ của anh R để anh R đòi lại số sính lễ đã cho.

[5] Theo ông K là cha của anh R trình bày vào ngày đám hỏi, xui gia hai bên gia đình đã bàn bạc và thống nhất sau khi cưới nhau chị Q tiếp tục sống bên nhà chị để chăn nuôi heo dành dụm vốn vài năm mới về gia đình anh R ở. Anh R cũng thừa nhận có việc này. Bên cạnh đó anh R cũng thừa nhận gia đình anh và anh không có đưa tiền cho chị Q để nuôi heo mà chị Q sử dụng tiền riêng của chị Q để chăn nuôi, và sinh hoạt hằng ngày chị cũng tự lo. Anh R cũng trình bày gia đình anh cho chị Q số tiền và vàng là để hai anh chị có vốn làm ăn. Vì vậy, việc chị Q trình bày để có vốn chăn nuôi heo, chị Q đã bán 01 lượng vàng với giá 35.000.000 đồng để mua thức ăn và mua thêm heo con là có cơ sở.

[6] Bên cạnh đó anh chị đều thừa nhận, trong thời kỳ hôn nhân chị Q có giữ 32.000.000 đồng là tài sản chung của anh chị. Số tiền này gồm 22.000.000 đồng anh R trích từ tiền lương của anh R đưa cho chị giữ, 7.000.000 đồng anh R cho chị Q xài, 3.000.000 đồng tiền dành dụm của chị Q, chị Q đều đã đưa lại cho anh R nên anh chị không còn tài sản chung.

Từ những phân tích trên có cơ sở xác định số vàng gồm 01 đôi bông tai 01 chỉ vàng 24k; 01 lắc tay 04 chỉ vàng 24k; 01 dây chuyền 05 chỉ vàng 24k tổng cộng là 01 lượng vàng 24k và số tiền 10.000.000 đồng là tài sản riêng của chị Q. Anh chị cũng không có thỏa thuận nhập tài sản riêng này vào tài sản chung của vợ chồng.

[7] Theo quy định tại khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “ Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó…”. Vì vậy việc anh R khởi kiện yêu cầu chị Q chia cho anh 05 chỉ vàng 24k trị giá 18.000.000 đồng và 5.000.000 đồng tiền mặt, tổng cộng là 23.000.000 đồng là không có cơ sở để chấp nhận.

[8] Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Giồng Trôm không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.

[9] Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện của anh R không được chấp nhận nên anh R phải chịu án phí sơ thẩm có giá ngạch là 23.000.000 đồng x 5% = 1.150.000đ (một triệu một trăm năm mươi nghìn) đồng.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ các Điều 26, 28, 35, 39, 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 33, 43, 59 Luật Hôn nhân gia đình; Điều 458, 462 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

[1] Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Trần Văn R về việc yêu cầu chị Trần Thị Kim Q chia tài sản chung gồm 05 chỉ vàng 24k và 5.000.000đ (năm triệu) đồng, tổng trị giá là 23.000.000đ (hai mươi ba triệu) đồng.

[2] Về án phí: Anh Trần Văn R phải nộp án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 1.150.000đ (một triệu một trăm năm mươi nghìn) đồng nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000đ (ba trăm nghìn) đồng theo biên lai tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0004059 ngày 23/5/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Trôm. Anh Trần Văn R có nghĩa vụ tiếp tục nộp số tiền án phí còn lại là 850.000đ (tám trăm năm mươi nghìn) đồng.

“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, có quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”.

[3] Nguyên đơn, bị đơn có quyền kháng cáo Bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (là ngày 01/10/2019) để yêu cầu Tòa án cấp trên xét xử phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

676
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp tài sản sau ly hôn số 127/2019/HNGĐ-ST

Số hiệu:127/2019/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Giồng Trôm - Bến Tre
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: đang cập nhật
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về
Anh và chị Q tự quen biết, tìm hiểu nhau và có tình cảm nên hai bên quyết định tiến tới hôn nhân. Vào ngày 23/10/2017, gia đình có tổ chức đám ba lễ (đám hỏi) cho anh chị. Sính lễ nhà trai cho riêng cô dâu (chị Q) gồm 01 đôi bông tai 01 chỉ vàng 24k; 01 lắc tay 04 chỉ vàng 24k; 01 dây chuyền 05 chỉ vàng 24k tổng cộng là 01 lượng vàng 24k và số tiền 10.000.000 đồng.

Ngày 14/3/2019, hai anh chị đã thuận tình ly hôn theo quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 42/2019/QĐST-HNGĐ của Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm. Khi ly hôn anh chị không tranh chấp, không yêu cầu tòa án giải quyết về tài sản chung.

Anh R khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung với chị Q, cụ thể yêu cầu chị Q giao cho anh R 05 chỉ vàng, với giá là 3.600.000 đồng/chỉ, tổng trị giá 18.000.000 đồng và 5.000.000 đồng, tổng cộng là 23.000.000 đồng.

Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Trần Văn R về việc yêu cầu chị Trần Thị Kim Q chia tài sản chung gồm 05 chỉ vàng 24k và 5.000.000đ (năm triệu) đồng, tổng trị giá là 23.000.000đ (hai mươi ba triệu) đồng.