Bản án 114/2019/DS-ST ngày 18/09/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe và tài sản bị xâm phạm

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN GIỒNG TRÔM, TỈNH BẾN TRE

BẢN ÁN 114/2019/DS-ST NGÀY 18/09/2019 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHỎE VÀ TÀI SẢN BỊ XÂM PHẠM

Trong ngày 18 tháng 9 năm 2019, tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 121/2019/TLST-DS ngày 10 tháng 5 năm 2019 về việc: “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do sức khỏe và tài sản bị xâm phạm” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 268/2019/QĐXXST-DS ngày 19 tháng 8 năm 2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Trương Thị T, sinh năm 1986.

Địa chỉ : Ấp 4, xã L, huyện G, tỉnh Bến Tre.

- Bị đơn: Ông Trần Văn H, sinh năm 1971.

Địa chỉ: Ấp B, xã Th, huyện G, tỉnh Bến Tre .

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, bản khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa nguyên đơn là bà Trương Thị T trình bày:

Vào khoảng 16 giờ ngày 02/3/2017, ông H đi nhậu về ngang nhà bà thì mẹ bà nghe tiếng chó sủa, do sợ làm con của bà thức giấc nên mẹ của bà lớn tiếng la chó. Ông H nghe và cho rằng mẹ bà đang chưởi ông H nên hai người đã cãi nhau. Từ trong nhà nghe lớn tiếng bà bước ra khuyên ngăn thì bị ông H nắm tóc, kéo xuống mương nhận nước, đánh liên tục vào đầu, tát vào mặt của bà gây chấn thương. Lúc này có ông X và ông Nguyễn Văn C ở gần nhà chạy đến can ngăn. Trong lúc bị ông H nhận xuống nước bà đã bị mất 1,5 chiếc bông tai vàng 18K, trọng lượng 4,8 phân và 01 chiếc điện thoại di động hiệu Nokia. Do bị ông H đánh nên bà phải đi bệnh viện điều trị và phải nghỉ ngơi dưỡng sức nên bà yêu cầu ông H phải bồi thường cho bà các khoản gồm:

- Tiền chi phí điều trị do bị chấn thương là 1.179.500đ;

- Tiền xe đi lại khám chữa bệnh là 350.000đ;

- Tiền mất thu nhập do không lao động được là 14 ngày x 180.000đ/ngày = 2.520.000đ.

- 1,5 đôi bông tai bị mất trọng lượng 4,8 phân vàng 18K trị giá 1.400.000đ.

- 01 chiếc điện thoại di động hiệu Nokia trị giá 850.000đ. Tổng cộng là 6.299.500đ.

Tại bản khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa bị đơn là ông Trần Văn H trình bày:

Vào khoảng 16 giờ ngày 02/3/2017, trên đường đi về nhà, lúc đi ngang qua nhà của bà N (mẹ bà T), con chó của bà N sủa và nhảy vào vồ lấy ông, do sợ quá nên ông có lớn tiếng la chó. Lúc này bà N từ trong nhà đi ra chưởi ông, bà cho rằng tại ông dặm chân nên chó mới sủa làm cháu của bà thức giấc. Tiếp theo bà T từ trong nhà đi ra cùng với bà N chưởi mắn ông thậm tệ. Hai mẹ con bà T lôi kéo không cho ông đi, ông vun tay ra để đi về thì vô tình trúng bà T, làm bà T trượt ngã xuống mương và bà T cùng lôi ông ngã xuống mương. Bà T và bà N dùng tay, chân đánh và đạp vào người, bụng của ông nhưng không gây thương tích. Thực tế ông không có đánh bà T. Sau đó bà T, bà N leo lên bờ trước, ông lên sau. Nghe tiếng la ông Nguyễn Văn C nhà ở gần đó chạy đến, ông C không hỏi rõ sự việc thế nào mà đã chưởi, còn hăm dọa sẽ cho mời ông đến trụ sở ấp để làm việc. Do tức giận nên ông đã cự cãi với ông C rồi bỏ về. Trên đường về ngang nhà ông C thì ông Nguyễn Quốc T (con ông C) trên tay cầm ống típ sắt từ trong nhà chạy ra đánh vào đầu ông. Do bị đánh bất ngờ, không kịp tránh nên ông đã bị thương trúng vào đầu phải đi bệnh viện cấp cứu. Sau khi sự việc xảy ra, Công an xã L, huyện G đã nhiều lần mời ông đến làm việc. Sự việc đã xảy ra từ ngày 02/3/2017 nhưng đến nay bà T lại khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe và tài sản bị xâm phạm với tổng số tiền là 6.299.500đ thì ông không đồng ý vì ông không có gây thiệt hại gì cho bà T.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Giồng Trôm phát biểu:

- Về tố tụng: Việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng và việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa được thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về việc giải quyết vụ án: căn cứ vào Điều 584, 590 và Điều 596 của Bộ luật Dân sự năm 2015 đề nghị Hội đồng xét xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc bị đơn ông Trần Văn H phải bồi thường thiệt hại những khoản như sau:

+ Chi phí điều trị là 1.179.500đ;

+ Tiền xe đi lại là 350.000đ;

+ Tiền mất thu nhập trong 10 ngày x 170.000đ/ngày = 1.700.000đ;

Tổng cộng là 3.229.500đ.

Đối với yêu cầu bồi thường tiệt hại do tài sản bị xâm phạm là không có cơ sở nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Vào khoảng 16 giờ ngày 02/3/2017 tại ấp 4, xã L, huyện G, tỉnh Bến Tre, ông Trần Văn H đi nhậu về ngang qua nhà của bà Trương Thị T, do có mâu thuẫn với nhau nên giữa bà T và ông H đã xảy ra xô xát. Hậu quả bà T bị chấn thương đầu, cổ phải đến bệnh viện điều trị. Ông H thì cho rằng ông không hề gây thương tích cho bà T, trong lúc giằn co nên cả hai trượt chân ngã xuống mương. Tuy nhiên, từ những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ cũng như những lời khai của những người làm chứng đã thể hiện trong lúc xô xát ông H đã nhận đầu bà T xuống nước, dùng tay đánh vào đầu và tát vào mặt bà T gây thương tích phải đi bệnh viện điều trị. Theo giấy chứng nhận thương tích ngày 23/3/2017 của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu thì bà T được chuẩn đoán là chấn thương đầu, cổ. Tại Điều 584 của Bộ luật dân sự quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường...”. Xét thấy ông H đã có hành vi xâm phạm đến sức khỏe của bà T nên phải có trách nhiệm bồi thường. Do đó, ông H cho rằng vụ việc xảy ra ông không có lỗi và không gây thiệt hại cho bà T nên không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của bà T là không có cơ sở.

[2] Xét thấy, sau khi vụ việc xảy ra, bà T bị chấn thương phải đi bệnh viện điều trị và chi phí điều trị tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu là 1.179.500 đồng; tiền xe đi lại là 350.000 đồng. Đây là những khoản chi phí hợp lý, được pháp luật quy định nên cần được chấp nhận. Qua thu thập chứng cứ xác định hằng ngày bà T làm công thu lượm dừa được trả lương với số tiền là 170.000đ/ngày. Do bị chấn thương nên bà T không thể lao động, phải nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe trong một khoảng thời gian nhất định. Do đó, bà T yêu cầu ông H bồi thường thiệt hại do thu nhập bị mất là phù hợp. Tuy nhiên, xét thấy thương tích của bà T không đến mức nghiêm trọng, điều trị chủ yếu là giảm đau nên thời gian nghỉ ngơi cần thiết để phục hồi sức khỏe là 10 ngày. Do đó, yêu cầu về thời gian mất thu nhập của bà T là 14 ngày là không phù hợp. Theo kết quả xác minh thể hiện bà T đang làm công thu lượm dừa thu nhập mỗi ngày là 170.000đ và theo xác nhận của chính quyền địa phương thì mức lao động phổ thông đối với nữ từ 150.000đ/ngày – 170.000đ/ngày nên cần buộc ông H phải bồi thường cho bà T tiền mất thu nhập là: 10 ngày x 170.000đ/ngày = 1.700.000đ.

[3] Tại Điều 590 của Bộ luật dân sự quy định:

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất …”

Do đó, Hội đồng xét xử căn cứ vào Điều 590 Bộ luật Dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTT ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét tính mức bồi thường thiệt hại. Như vậy, tổng số tiền yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn được chấp nhận là 3.229.500 đồng gồm các khoản như sau:

- Chi phí cứu chữa: 1.179.500 đồng;

- Chi phí đi lại điều trị: 350.000 đồng;

- Thu nhập thực tế bị mất: 1.700.000 đồng.

[4] Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm thì Hội đồng xét xử xét thấy: Tuy bà T cho rằng do bị ông H nhận đầu xuống nước làm bà bị mất 1,5 chiếc bông tai vàng 18K, trọng lượng 4,8 phân và 01 chiếc điện thoại di động hiệu Nokia nhưng bà không có chứng cứ để chứng minh. Theo lời trình bày của những người làm chứng thì cũng chỉ nghe bà T nói lại là sau khi bị ông H nhận đầu xuống nước thì bà T bị mất 1,5 chiếc bông tai, 01 chiếc điện thoại di động hiệu Nokia và nhìn vào tai bà T thấy chỉ còn đeo 01 chiếc bông. Qua đó, thấy rằng chưa có cơ sở để xác định ông H gây thiệt hại cho bà T đối với các tài sản nêu trên. Do đó, yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm của bà T là không có cơ sở để được chấp nhận.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Giồng Trôm phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[5] Về án phí dân sự sơ thẩm:

Ông Trần Văn H phải chịu là 300.000 đồng.

Do yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm không được chấp nhận nên bà T phải chịu án phí là 300.000 đồng.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 584, 590, 596 của Bộ luật Dân sự; Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trương Thị T đối với bị đơn ông Trần Văn H. Buộc ông Trần Văn H phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho bà Trương Thị T số tiền là 3.229.500 (Ba triệu hai trăm hai mươi chín nghìn năm trăm) đồng.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trương Thị T về việc yêu cầu ông Trần Văn H bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm gồm 1,5 chiếc bông tai vàng 18K, trọng lượng 4,8 phân trị giá 1.400.000 đồng, 01 điện thoại di động hiệu Nokia trị giá 850.000 đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Về án phí dân sự sơ thẩm:

Ông Trần Văn H phải chịu là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng.

Bà Trương Thị T phải chịu là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng theo biên lai thu số 0002257 ngày 06/5/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Trôm. Bà T đã nộp đủ án phí.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, các đương sự có quyền kháng cáo bản án để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

458
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 114/2019/DS-ST ngày 18/09/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe và tài sản bị xâm phạm

Số hiệu:114/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Giồng Trôm - Bến Tre
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 18/09/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về