Bản án về tranh chấp hợp đồng vận chuyển số 11/2018/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

BẢN ÁN 11/2018/KDTM-PT NGÀY 22/11/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN

Ngày 22 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 06/2018/TLPT- KDTM ngày 06/8/2018 về “Tranh chấp hợp đồng vận chuyển”.

Do bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số: 13/2016/KDTM-ST ngày 26/12/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh hủy theo Quyết định giám đốc thẩm số 54/2017/KDTM-GĐT ngày 26/12/2017.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 174/2018/QĐ-PT ngày 01/11/2018, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Bà Lê Thị P, sinh năm 1966

Địa chỉ: số 26/8, Lê Thị Hồng G, phường 6, thành phố T, tỉnh Tiền Giang.

- Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Nguyễn Trung T, sinh năm 1979. Địa chỉ: 246/24 Hòa H, Phường 13, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. (theo văn bản ủy quyền ngày 19/11/2018).

* Bị đơn: Ông Trần Văn B, sinh năm 1955

Địa chỉ: ấp 1, xã H, huyện T, tỉnh Bến Tre.

- Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Trần Văn N, sinh năm 1951. Địa chỉ: ấp 2, xã H, huyện T, tỉnh Bến Tre (theo văn bản ủy quyền ngày 19/11/2018)

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Nguyễn Hoàng V - Văn phòng Luật sư Nguyễn Hoàng V thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre.

 * Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông Phan Văn K, sinh năm 1966

Địa chỉ: ấp B, xã N, huyện G, tỉnh Tiền Giang.

 (Ông K đã được triệu tập hợp lệ để dự phiên tòa đến lần thứ hai nhưng vắng mặt).

- Bà Hà Thị S, sinh năm 1975

- Ông Mạc Vĩnh L, sinh năm 1966 (có đơn xin xét xử vắng mặt) Cùng địa chỉ: số 21, khu Q, thị trấn Đ, huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Bà S ủy quyền cho ông L tham gia tố tụng.

Người kháng cáo: bị đơn là ông Trần Văn B.

 (Ông T, ông N, Luật sư V có mặt tại phiên tòa).

NHẬN THẤY

Theo nội dung án sơ thẩm:

Theo đơn khởi kiện ngày 11/01/2013 và đơn khởi biện bổ sung ngày 07/7/2016; bản tự khai; biên bản hòa giải và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Lê Thị P là chị Thái Thị Thanh T trình bày:

Bà Lê Thị P là chủ phương tiện xe mang biển số 63K-2746. Vào ngày 21/9/2011, giữa bà P và ông Trần Văn B có ký hợp đồng vận chuyển nhãn đi từ cơ sở S (xã H) do ông B làm chủ đến Lạng Sơn vào Trung Quốc bỏ hàng. Anh C là người của ông B đã nhận hàng đủ và có ký nhận trong hợp đồng, cước phí vận chuyển là 87.000.000 đồng, ông B đã ứng trước 10.000.000 đồng, còn lại 77.000.000 đồng về Việt Nam thanh toán, ông B còn cho số điện thoại Bác P để nhận 77.000.000 đồng. Trong thời gian này xe quay về thì không có chuyện gì xảy ra, nhưng vì không có hàng nên xe phải ở lại 02 ngày (15/10/2012) xe mới về, khi xe chuẩn bị về thì bà Hà Thị S là vợ ông Mạc Vĩnh L (ông L là người bán hàng của ông B ở Lạng Sơn) mượn hợp đồng ghi vô “Xe chạy yếu lạnh không trả tiền cước”. Đến nay, ông B vẫn không thanh toán tiền cước phí còn lại nên bà P khởi kiện yêu cầu ông B phải thanh toán cước phí còn lại là 77.000.000 đồng và tính lãi đối với số tiền trên từ ngày 13/01/2013 đến ngày 13/6/2016 lãi suất 0,75%/tháng, tổng cộng thành tiền là 77.000.000 + (77.000.000 x 0.75%) x 41 tháng = 100.677.500 đồng.

Đối với yêu cầu phản tố của ông B, buộc bà P phải bồi thường cho ông B số tiền 443.928.000 đồng, bà P không đồng ý vì bà P đã vận chuyển theo đúng hợp đồng, không gây thiệt hại cho ông B.

Theo đơn phản tố ngày 29/3/2013, bản tự khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Trần Văn B là ông Trần Văn N trình bày:

Vào ngày 21/9/2011, ông Trần Văn B có ký hợp đồng vận chuyển nhãn với bà Lê Thị P, phương tiện vận chuyển là xe mang biển số 63K-2746, địa điểm từ cơ sở S thuộc ấp 3, xã H đến cửa khẩu T, tỉnh Lạng Sơn. Người nhận hàng là ông Mạc Vĩnh L.

Sau khi xe đã nhận hàng từ H, thì ông B có điện báo cho ông L đón nhận hàng ở Lạng Sơn trên chuyến xe của chị P. Về quy trình vận chuyển và thanh toán như sau: Hợp đồng lập thành 03 bản, ông B giữ 01 bản, chủ xe giữ 01 bản, tài xế giữ 01 bản. Hàng hóa chở ra Lạng Sơn, sau khi giao hàng, tài xế giao cho ông L 01 bản để quyết toán với ông B và ký xác nhận vào bản còn lại của chủ xe để về nhận tiền vận chuyển từ ông B. Theo các biên bản lấy lời khai của ông L, ông L xác nhận không có nhận hàng nên ông L cũng không trả tiền hàng cho ông B, gây tổn thất cho ông B toàn bộ 4.188 rổ nhãn nhà xe vận chuyển. Vì vậy, ông B không đồng ý thanh toán tiền cước phí vận chuyển cho bà P. Đồng thời ông B yêu cầu phản tố đối với bà P yêu cầu bồi thường lô hàng 4.188 rổ nhãn với giá trị 443.928.000 đồng.

Theo giấy xác nhận ngày 12/3/2103, biên bản lấy lời khai và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Mạc Vĩnh L trình bày:

Trước đây, ông có thường xuyên giao dịch mua bán nhãn tươi với ông Trần Văn B. Vào khoảng tháng 9/2012, ông B có điện thoại cho ông báo là đã xuất hàng ra trên chuyến xe mang biển kiểm soát 63K-2746, địa chỉ nhận hàng là tại cửa khẩu T, Lạng Sơn nhưng ông đợi mãi không thấy xe mang biển số trên đến giao hàng. Tại biên bản lấy lời khai ngày 20/02/2014, ông L khai nếu hàng vận chuyển đến thì ông sẽ trực tiếp nhận hàng với lái xe tại Pò Chài (Trung Quốc) sau đó kiểm tra hàng và thanh toán tiền hàng cho ông B qua hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trường hợp nếu hàng hư hỏng, hoặc quá thời gian vận chuyển ông điện vào cho ông B để không nhận hàng từ chủ xe và chủ vựa đóng hàng để họ tự thỏa thuận giải quyết với nhau. Còn nếu nhận hàng ông L sẽ giữ lại hợp đồng vận chuyễn của lái xe đối chiếu với số lượng để thanh toán với ông B. Tại biên bản lấy lời khai ngày 24/8/2015, ông L trình bày: Trong quá trình giao dịch buôn bán, ông L là người trực tiếp nhận hàng và trả tiền hàng với ông B khi hàng được vận chuyển đến địa điểm giao hàng. Trong những người làm công cho ông không có ai tên A K, L, B hay C. Quy trình nhận và chuyển hàng: khi có điện báo của các lái xe chở hàng của các chủ hàng, ông sẽ điện thoại cho các đội trên cửa khẩu để báo số xe để cho hàng qua Trung Quốc, nếu đồng ý họ tự gọi đội bốc vác xuống bốc hàng và cho đội bốc vác bên Trung Quốc ký xác nhận về số lượng vào phía sau bản hợp đồng. Sau khi đã giao dịch hàng bên Trung Quốc xong thì theo quy trình lái xe phải chuyển hợp đồng về cho ông, coi như đã nhận hàng. Theo hợp đồng vận chuyển bình thường là 60-65 tiếng, nhưng hợp đồng xe nhãn đó khoảng 15 ngày mới đến nơi nhận hàng nên chất lượng nhãn rổ không đạt yêu cầu nên ông có ý kiến: một là ông nhận và bán hàng, nhưng nhà xe phải bồi thường thiệt hại, hai là nếu không bồi thường thì nhà xe tự thỏa thuận với chủ hàng phía trong ông không liên quan. Sau đó nhà xe tự giao hàng và cầm hợp đồng về, ông không biết gì cả. Ông được ghi các nội dung “Ứng TT = 10.000.000 đồng, còn lại 77.000.000 đồng (“Ứng TT” là ứng Tân Thanh, hôm đó chưa giao hàng, xe bị hỏng nên lái xe đã gọi điện thoại bảo ông ứng tiến trước 10.000.000 đồng để sửa xe). Trong vụ án này ông không liên quan gì.

Theo biên bản lấy lời khai ngày 24/8/2015, và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Hà Thị S trình bày:

Chồng bà là ông Mạc Vĩnh L có quan hệ mua bán hoa quả với ông Trần Văn B từ những năm 1995,1996 đến nay. Trong quá trình giao dịch buôn bán chồng bà là người trực tiếp nhận hàng và trả tiền hàng cho ông B. Bà có biết “Tờ hợp đồng kinh tế v/v vận chuyển nhãn” ngày 30/9/2012 giữa ông Trần Văn B và bà Lê Thị P nhưng không rõ nội dung cụ thể là gì, hôm đó xe chuyển hàng đến quá thời gian quy định nên bà ghi sau bản hợp đồng là “Xe chạy yếu lạnh không trả tiền cước”, còn các nội dung Ứng TT = 10.000.000 đồng, còn lại 77.000.000 đồng do chồng bà viết.

Theo bản tự khai, biên bản hòa giải, các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông Phan Văn K trình bày:

Ông là tài xế làm công cho bà Lê Thị P theo từng chuyến hàng. Vào ngày 21/9/2012, ông có chở chuyến hàng vận chuyển nhãn rổ từ cơ sở Song L đến cửa khẩu T, Lạng Sơn. Trên đường vận chuyển, xe có dừng ở bãi xe hợp nhất của Lạng Sơn khoảng 03 ngày vì ông B có điện thoại cho ông bảo ông dừng để lưu hàng, do hàng chưa bán được. Hết thời gian này ông B điện thoại kêu chở hàng lên bãi T lưu hàng khoảng 9-10 ngày, hết thời gian 09 ngày, ông có điện thoại cho ông B hỏi bán hàng được chưa, ông B nói để báo với cơ sở Song L. Sau đó, xe tiếp tục đi đến Trung Quốc tới bãi giao hàng thì lính ông L tên C đến đó cho rằng hàng chưa có mối bán nên ông Công yêu cầu ông tiếp tục ở lại bãi giao hàng khoảng 9-10 ngày, lúc này tình trạng hàng như thế nào ông không biết rõ vì hàng còn đóng gói. Sau thời gian này, ông C ra nhận hàng thành nhiều đợt trong nhiều ngày và có nhiều người đại diện bên mua ở Trung Quốc nhận hàng xuống. Ông C chỉ giám sát việc nhận hàng. Sau khi hết hàng, ông Ccó ghi vào tờ hợp đồng số điện thoại “0915.225.986 của Bác P” để ông liên hệ với Bác P là người đại diện trả tiền thay cho cơ sở Song L. Trên hợp đồng có ghi chữ “Đủ hàng C đã khớp rổ TQ” là do ông C ghi và xác nhận vào tờ hợp đồng. Những chi tiết như “A K nhận”, “A L nhận” là những người phía mua hàng ghi vào. Hợp đồng sửa ngày 21/9/2012 thành 30/9/2012 là do ông B yêu cầu ông sửa lại để lùi ngày dễ bán hàng. Ứng TT = 10.000.000 đồng, còn lại 77.000.000 đồng, “Xe chạy yếu lạnh không trả tiền cước” tất cả do bà Song ghi vào hợp đồng. Số tiền 10.000.000 đồng ông có nhận của vợ ông L khi xe vừa đến bãi T để chờ sáng qua bãi giao hàng ở Trung Quốc, số tiền này bà Song đưa ông để lo chi phí bến bãi, ăn uống. Sau khi ông giao hàng xong ở Trung Quốc trên đường quay về ông có điện thoại cho bà P nói chưa lấy tiền cước được thì bà P nói sẽ liên hệ với ông B và ông đem tờ hợp đồng về đưa cho bà P. Việc bà P thuê ông chở hàng với số tiền 4.500.000 đồng, bà P chưa trả nhưng ông không yêu cầu trong vụ án này.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2016/KDTM-ST ngày 14/9/2016 của Tòa án nhân dân huyện T, quyết định:

Áp dụng Điều 306 Luật thương mại; Điều 535, Điều 538, Điều 541 Bộ luật Dân sự; Điều 147,Điều 226, Điều 273, Điều 278 Bộ luật Tố tụng dân sự; Pháp lệnh về án phí, lệ phí, tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị P đối với ông Trần Văn B về việc tranh chấp hợp đồng vận chuyển.

Không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Trần Văn B đối với bà Lê Thị P.

Buộc ông Trần Văn B phải có nghĩa vụ thanh toán cước phí vận chuyển và số tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ cho bà Lê Thị P tổng số tiền là 100.667.500 đồng, trong đó tiền gốc là 77.000.000 đồng, lãi là 23.677.500 đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên án phí và quyền kháng cáo của các bên.

Ngày 26/9/2016, bị đơn ông Trần Văn B kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét giải quyết lại vụ án.

Tại bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số: 13/2016/KDTM-ST ngày 26/12/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre, quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị P đối với ông Trần Văn B.

Chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Trần Văn B đối với bà Lê Thị P.

Cụ thể tuyên:

1. Buộc bà Lê Thị P phải có nghĩa vụ bồi thường cho ông Trần Văn B số tiền 443.928.000 đồng do vi phạm hợp đồng vận chuyển.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị P đối với ông Trần Văn B về việc yêu cầu thanh toán tiền cước phí vận chuyển số tiền 100.667.500 đồng, trong đó tiền gốc là 77.000.000 đồng, lãi là 23.667.500 đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên án phí, phần thi hành án của các đương sự.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 54/2017/KDTM-GĐT ngày 26/12/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, quyết định: Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hủy toàn bộ bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số: 13/2016/KDTM-ST ngày 26/12/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre; chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử lại phúc thẩm theo đúng quy định pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Trần Văn B là ông Trần Văn N trình bày:

Ông Trần Văn B vẫn giữ quan điểm kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết lại vụ án ông cho rằng nguyên đơn vi phạm hợp đồng, giao hàng không đúng người trong hợp đồng gây thiệt hại cho ông B.

 Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông B trình bày:

Phía nguyên đơn đã vi phạm nhiều nghĩa vụ theo hợp đồng vận chuyển ngày 21/9/2012, cụ thể vi phạm về thời gian vận chuyển, theo hợp đồng là 60 giờ nhưng thực tế là 15 ngày; không đúng địa điểm giao hàng và không đúng người nhận hàng. Ông Mạc Vĩnh L xác định không nhận được hàng nên không quyết toán cho ông B, làm thiệt hại cho ông B. Bên giao hàng đã tự sửa ngày ghi trong hợp đồng, ông B không biết. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, đồng thời đề nghị không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về đòi tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ, vì yêu cầu này là không phù hợp.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Lê Thị P là ông Nguyễn Trung Trực trình bày:

Bà P có yêu cầu bổ sung đơn khởi kiện về phần tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ, bà P yêu cầu ông Trần Văn B phải có nghĩa vụ thanh toán cho bà P số tiền cước phí vận chuyển là 77.000.000 đồng và số tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ 42.221.400 đồng. Tổng cộng là 119.221.400 đồng.

Kiểm sát viên phát biểu quan điểm:

Về tố tụng: Hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Căn cứ bút tích của ông Mạc Vĩnh L và bà Hà Thị Song(vợ ông L) trên bản hợp đồng vận chuyển nhản được ông bà thừa nhận tại biên bản làm việc ngày 24/8/2015, chứng tỏ ông L (người nhận hàng cho ông Trần văn B) đã nhận được hàng. Theo lời trình bày của bà Hà Thị P (chị ruột bà S) tại biên bản làm việc ngày 12/10/2018 thì bà chưa thanh toán tiền cước còn lại cho ông Phan Văn K (tài xế vận chuyển hàng theo hợp đồng). Như vậy, ông L đã nhận hàng nhưng hiện nay vẫn chưa thanh toán đủ tiền cước phí cho bà Lê Thị P. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà P, buộc bị đơn ông Trần văn B thanh toán đủ tiền cước cho bà P, đồng thời không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông B đối với bà P là phù hợp, kháng cáo của ông B là không có cơ sở, nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông B, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được kiểm tra xem xét tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Xét kháng cáo của bị đơn ông Trần Văn B và ý kiến của Kiểm sát viên đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Ngày 21/9/2011 bà Lê Thị P là chủ phương tiện xe mang biển số 63K-2746 và ông Trần Văn B có ký hợp đồng kinh tế về việc vận chuyển nhãn, đi từ cơ sở S (xã H) do ông B làm chủ đến cửa khẩu T, Lạng Sơn và Trung Quốc. Người nhận hàng là anh Mạc Vĩnh L. Thời gian giao hàng là 60 giờ. Cước phí vận chuyển là 87.000.000 đồng. Bà P cho rằng bà đã thực hiện đúng hợp đồng vận chuyển và đã giao hàng cho ông L như thỏa thuận, ông L đã tạm ứng số tiền 10.000.000 đồng, còn lại 77.000.000 đồng chưa thanh toán, nay bà yêu cầu ông B thanh toán số tiền cước phí vận chuyển và tiền lãi chậm trả là 100.667.500 đồng. Còn ông B cho rằng bà P vi phạm hợp đồng, không giao hàng đúng người trong hợp đồng gây thiệt hại cho ông với số tiền 443.928.000 đồng, ông yêu cầu bà P phải bồi thường số tiền trên.

[2] Theo hợp đồng ký kết giữa các bên thì người nhận hàng tại Lạng Sơn là ông Mạc Vĩnh L. Trong quá trình tham gia tố tụng, ông L trình bày không thống nhất, tại giấy xác nhận ngày 12/3/2013 ông cho rằng đã đến địa điểm giao hàng nhưng đợi không thấy xe đến giao hàng và ông cũng không có nhận số hàng trên. Tuy nhiên, tại biên bản lấy lời khai ngày 24/8/2015 ông L thừa nhận: thông thường thời gian chuyển hàng bình thường là 60-65 tiếng, nhưng xe nhãn rổ này phải mất 15 ngày mới tới nơi nhận hàng, nên chất lượng nhãn rổ không đạt yêu cầu, vì vậy ông mới đưa ra ý kiến: một là ông sẽ nhận hàng và bán nhưng nhà xe phải bồi thường, hai là nếu không bồi thường thì nhà xe và chủ hàng tự thương lượng ông không liên quan. Điều đó chứng minh ông L đã gặp tài xế, nhận lô hàng nên ông mới biết lô hàng không đạt yêu cầu. Mặt khác, theo trình bày của ông B thì hợp đồng được lập thành 03 bản, 01 bản do chủ xe giữ, 01 bản ông B giữ và 01 bản giao cho tài xế. Hàng hóa chở ra ngoài Lạng Sơn, sau khi giao hàng tài xế giao cho ông L một bản để quyết toán với ông B và ký xác nhận vào bản còn lại của chủ xe để về nhận tiền vận chuyển từ ông B. Ông L và bà S đều thừa nhận có ghi vào bản hợp đồng do tài xế đưa, dòng chữ “Ứng TT = 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) còn lại 77.000.000 đồng (bảy bảy triệu đồng) và có ký tên cùng dòng chữ “Xe chạy yếu lạnh không trả tiền cước” theo thỏa thuận của các bên thì khi đã giao hàng xong thì ông L mới xác nhận vô hợp đồng cho tài xế mang về, điều đó cho thấy ông L đã nhận hàng nên mới viết xác nhận vào hợp đồng của tài xế. Đồng thời ông L cũng đã cho tài xế là ông K tạm ứng số tiền 10.000.000 đồng, nếu không nhận được lô hàng thì ông L đã không ứng trước tiền cho ông Kính. Ông L cho rằng đợi không thấy xe chở hàng tới và không có nhận lô hàng trên là không hợp lý, vì nếu không gặp tài xế và không nhận hàng thì ông đã không biết hàng kém chất lượng cũng như ông đã không viết xác nhận vào hợp đồng cho tài xế. Từ những nhận định trên cho thấy thực tế người nhận hàng theo hợp đồng là ông L đã nhận lô hàng trên do xe bà P chở ra Lạng Sơn. Điều này phù hợp với lời trình bày của ông K cũng như các xác nhận đủ hàng trên hợp đồng kinh tế.

[3] Mặt khác, trong khoảng thời gian gần 06 tháng (từ ngày 21/9/2012 đến ngày 12/3/2013), ông B cũng không có khiếu nại gì về hàng hóa không nhận được. Tại biên bản xác minh ngày 05/10/2018 đối với ông Mạc Vĩnh L thì ông L khai rằng ông C là người làm thuê cho các chủ buôn bên Trung Quốc và hiện nay ông cũng không biết ông Công đang làm gì, ở đâu nên Tòa án không thể tiến hành lấy lời khai ông C được. Đối với người có tên “bác P” được ghi trên hợp đồng thì bà Hà Thị P khai rằng bà là chị ruột của bà S và là người đại diện cho ông L, bà S để thanh toán cước phí, đến nay bà chưa được ông K liên hệ với bà để thanh toán số tiền cước phí 77.000.000 đồng còn lại. Như vậy, số tiền vận  chuyển còn lại hiện nay phía nguyên đơn vẫn chưa nhận được. Do đó, bà P yêu cầu ông B thanh toán tiền cước phí vận chuyển còn thiếu và yêu cầu trả tiền lãi suất trong thời gian chậm trả tiền cước phí vận chuyển là có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà P là có cơ sở.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của phía nguyên đơn yêu cầu bổ sung phần tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ (tính từ ngày xét xử sơ thẩm đến nay). Xét thấy yêu cầu này là không phù hợp vì vượt quá nội dung khởi kiện của bà P, hơn nữa hậu quả phát sinh thêm không phải do phía bị đơn gây ra. Vì vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của người đại diện theo ủy quyền của bà P tại phiên tòa phúc thẩm về bổ sung phần tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ.

[4] Ông B yêu cầu phản tố buộc bà P phải có nghĩa vụ bồi thường cho ông số tiền 443.928.000 đồng do giao hàng không đúng người trong hợp đồng gây thiệt hại cho ông, nhưng ông B không chứng minh được nếu ông K không giao hàng cho ông L thì ông K giao hàng cho ai, đồng thời theo như nhận định nêu trên thì ông L là người đại diện nhận hàng cho ông B đã nhận được hàng hóa vận chuyển nên ông L mới viết xác nhận vào hợp đồng cho ông K đem về. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông B là có cơ sở.

[5] Quan điểm của Kiểm sát viên phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[6] Ông B kháng cáo nhưng không có chứng cứ mới chứng minh tại phiên tòa phúc thẩm nên không chấp nhận kháng cáo của ông B.

[7] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Do ông B thuộc diện người cao tuổi nên được miễn án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

[8] Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: do kháng cáo của ông Trần Văn B không được chấp nhận nên ông phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định. Tuy nhiên, ông B thuộc diện người cao tuổi theo điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên ông B được miễn án phí.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

- Không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Văn B.

- Giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 01/2016/KDTM- ST ngày 14/9/2016 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Bến Tre.

Tuyên xử:

Áp dụng Điều 306 Luật Thương mại; Điều 535, Điều 536, Điều 537, Điều 538, Điều 541 Bộ luật Dân sự; khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị P đối với ông Trần Văn B.

Buộc ông Trần Văn B phải có nghĩa vụ thanh toán cước phí vận chuyển và số tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ cho bà Lê Thị P tổng số tiền là 100.667.500 đồng (Một trăm triệu sáu trăm sáu mươi bảy nghìn năm trăm đồng), trong đó: tiền gốc là 77.000.000 đồng (Bảy mươi bảy triệu đồng), tiền lãi là 23.677.500 (Hai mươi ba triệu sáu trăm bảy mươi bảy nghìn năm trăm đồng).

Kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền chưa được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Trần Văn B yêu cầu bà Lê Thị P đòi bồi thường số tiền 443.928.000 đồng (Bốn trăm bốn mươi ba nghìn chín trăm hai mươi tám nghìn đồng).

3. Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm có giá ngạch:

3.1. Ông Trần Văn B được miễn. Hoàn lại cho ông Trần Văn B số tiền tạm ứng án phí phản tố đã nộp là 10.879.000đ (Mười triệu tám trăm bảy mươi chín nghìn đồng) theo biên lai thu số 0001538 ngày 01/4/2013 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T.

3.2. Hoàn lại bà Lê Thị P số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 2.575.000đ (Hai triệu năm trăm bảy mươi lăm nghìn đồng) theo các biên lai thu số 0001382 ngày 14/01/2013 và biên lai thu số 0000676 ngày 12/7/2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Bến Tre.

4. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Ông Trần Văn B được miễn. Hoàn lại cho ông Trần Văn B số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 200.000đ

(Hai trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số 0000841 ngày 26/9/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Bến Tre.

Trường hợp quyết định, được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án, hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6,7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2092
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng vận chuyển số 11/2018/KDTM-PT

Số hiệu:11/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bến Tre
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 22/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về