Bản án 05/2020/KDTM-PT ngày 09/07/2020 về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản và tranh chấp hợp đồng thuê tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 05/2020/KDTM-PT NGÀY 09/07/2020 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN VÀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THUÊ TÀI SẢN

Ngày 09 tháng 7 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số 11/2019/KDTM-PT ngày 26/12/2019 về việc: “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và tranh chấp hợp đồng thuê tài sản”. Do Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2019/KDTM-ST của Tòa án nhân dân huyện L bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 03/2020/QĐ-PT ngày 10 tháng 3 năm 2020, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty A (Trước khi sáp nhập tên nguyên đơn là Công ty M có địa chỉ trụ sở: xã N, huyện B, tỉnh Long An và người đại diện theo pháp luật là ông Hoàng Phan T – chức vụ: Chủ tịch Hội đồng thành viên).

Địa chỉ: Thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn:

1. Bà Trịnh Hồng H (có mặt)

2. Ông Phạm Ngọc T, sinh năm 1970 (có đơn xin vắng mặt)

3. Bà Lê Nguyễn Phương H, sinh năm 1979 (có đơn xin vắng mặt)

Cùng địa chỉ nơi làm việc: Thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc.

Bị đơn: Chủ doanh nghiệp tư nhân B – ông Nguyễn Viết L. (vắng mặt)

Địa chỉ: Ấp C, xã L, huyện L, tỉnh Bình Phước.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Hoàng Minh Q, sinh năm: 1975. (có mặt)

Địa chỉ: Số nhà B, QL M, Phường T, TX Đ, tỉnh Bình Phước.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ngân hàng C Địa chỉ: Số nhà M, đường T, quận H, TP Hà Nội.

Người đại diện hợp theo ủy quyền: Ông Lê Xuân H, sinh năm: 1980 (có đơn xin vắng mặt).

Địa chỉ: Số H, Đường B, KCN B, TP B, tỉnh Đồng Nai.

2. Công ty TNHH H.

Địa chỉ trụ sở: Số nhà S. Đường B, ấp Đ, xã H, TP B, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Lý Thị Ngọc H, sinh năm: 1979 (có đơn xin vắng mặt).

Địa chỉ: Số nhà S, ấp Đ, xã H, TP B, tỉnh Đồng Nai.

Người kháng cáo: Bị đơn ông Nguyễn Viết L.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 28 tháng 10 năm 2015, các đơn khởi kiện bổ sung yêu cầu khởi kiện, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, Công ty A, là bà Trịnh Hồng H, ông Phạm Ngọc T, bà Lê Nguyễn Phương H thống nhất trình bày:

Ngày 23/3/2011, Công ty M (Nay là Công ty A) (Công ty A) và Chủ doanh nghiệp tư nhân B – ông Nguyễn Viết L ký hợp đồng thuê trại chăn nuôi số 02/11/Sow JCL với nội dung Doanh nghiệp tư nhân B xây trại heo theo đúng thiết kế cho sẽ thuê trại đó trong vòng 10 năm để nuôi heo nái sinh sản. Tiền thuê trại là 640.000.000đ/ tháng (trại công suất 2.400 heo nái). Công ty A phải đặt cọc 1.800.000.000đ. Chủ doanh nghiệp tư nhân B có trách nhiệm đảm bảo lượng nước của trại phải đạt mức 400m3/ 1 ngày đêm (Điều 3.1.4 của Hợp đồng). Việc vận hành trại heo đều do nhân sự của Công ty A thực hiện. Chủ doanh nghiệp tư nhân B chỉ được vào khu vực thuê khi có sự đồng ý của Công ty A và phải tuân thủ đúng nội quy khi vào trại (Điều 3.1.6 của hợp đồng). Trại thuê tọa lạc tại Ấp C, xã L, huyện L, tỉnh Bình Phước. Theo Điều 7.1 của hợp đồng thuê, nếu Công ty A đơn phương chấm dứt hợp đồng trong vòng 03 năm đầu thì Công ty A phải bồi thường cho Chủ doanh nghiệp tư nhân B số tiền tương đương 32 tháng tiền thuê. Nếu Chủ doanh nghiệp tư nhân B đơn phương chấm dứt hợp đồng trong vòng 03 năm đầu thì Chủ doanh nghiệp tư nhân B phải hoàn trả số tiền cọc là 1.800.000.000đ cho Công ty A và phải bồi thường thêm cho Công ty A một khoản tiền tương đương 36 tháng tiền thuê. Theo Điều 7.2 của hợp đồng thuê thì sau 03 năm kể từ ngày thời hạn thuê, nếu Công ty A đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì Công ty A sẽ mất khoản tiền cọc là 1.800.000.000đ. Nếu Chủ doanh nghiệp tư nhân B đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì Chủ doanh nghiệp tư nhân B phải hoàn trả số tiền cọc là 1.800.000.000đ cho Công ty A và phải bồi thường thêm cho Công ty A một khoản tiền tương đương khoản tiền cọc. Ngày 06/7/2013, Công ty A và Chủ doanh nghiệp tư nhân B có cuộc họp và thống nhất từ ngày 01/10/2013 đến ngày 31/10/2013 thì tiền thuê trại là 320.000.000đ. Vào mùa khô, trại heo thường xuyên bị thiếu nước, nên heo dễ mắc bệnh và chết hàng loạt, Công ty A phải mua nước nước từ nơi khác chuyển đến, Công ty A yêu cầu Chủ doanh nghiệp tư nhân B khắc phục tình trạng thiếu nước nhưng việc thiếu nước vẫn tiếp diễn. Do việc thiếu nước nên hiệu quả sản xuất không đạt yêu cầu nên Công ty A quyết định chấm dứt hợp đồng thuê, và ngày 18/7/2015, Công ty A đã thông báo cho thì Chủ doanh nghiệp tư nhân B về việc hợp đồng thuê sẽ chấm dứt vào ngày 31/10/2015, đề nghị Chủ doanh nghiệp tư nhân B thống nhất bàn giao trại và đề nghị Chủ doanh nghiệp tư nhân B phản hồi trong vòng 7 ngày làm việc từ ngày 18/7/2015, nhưng quá thời hạn trên Chủ doanh nghiệp tư nhân B vẫn chưa phản hồi về phương án bàn giao. Mặc dù Công ty A và Chủ doanh nghiệp tư nhân B chưa hề đi kiểm kê tài sản để bàn giao nhưng ngày 27/7/2015, Chủ doanh nghiệp tư nhân B có công văn số 07/CV-DNTN gửi Công ty A thông báo mức độ hư hỏng các trang thiết bị, tài sản, máy móc, hạng mục của trại trên 50% và yêu cầu bồi thường 20.000.000.000đ, ngày 16/10/2015, Chủ doanh nghiệp tư nhân B có công văn số 13/CV-DNTN gửi Công ty A thông báo mức độ hư hỏng các trang thiết bị, tài sản, máy móc, hạng mục của trại trên 40% và yêu cầu bồi thường 22.000.000.000đ. Ngoài ra Chủ doanh nghiệp tư nhân B còn buộc Công ty A phải thanh toán số tiền 320.000.000đ là tiền thuê tháng 10/2013. Công ty A không có cơ sở đồng ý bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của thì Chủ doanh nghiệp tư nhân B. Từ ngày 19/9/2015 đến ngày 28/10/2015, Chủ doanh nghiệp tư nhân B liên tục gây cản trở không cho Công ty A xuất heo ra khỏi trại khiến cho Công ty A bị thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cụ thể tổng thiệt hại là 4.325.500.000đ. Theo đơn khởi kiện, Công ty A yêu cầu Chủ doanh nghiệp tư nhân B – ông Nguyễn Viết L phải bồi thường cho Công ty A số tiền là 4.325.500.000đ. Trong quá trình Tòa án giải quyết, ngày 22/9/2017, Công ty A có đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện yêu cầu buộc Chủ doanh nghiệp tư nhân B bồi thường bổ sung thêm cho Công ty A và tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 9.624.251.007đ. Đến ngày 08/11/2018, Công ty A tiếp tục có đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện yêu cầu buộc Chủ doanh nghiệp tư nhân B bồi thường bổ sung thêm cho công ty số tiền là 8.490.753.800đ, yêu cầu Chủ doanh nghiệp tư nhân B hoàn trả số tiền đặt cọc cho Công ty A số tiền cọc 1.800.000.000đ. Ngày 30/5/2019, Công ty A có đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện, rút phần yêu cầu buộc Chủ doanh nghiệp tư nhân B – ông Nguyễn Viết L bồi thường số tiền 2.297.691.167đ bao gồm số tiền 31.981.000đ thiệt hại do sửa chữa chuồng trại và số tiền 2.265.710.167đ thiệt hại phải bỏ ra để bảo quản trại heo trong thời gian chờ bàn giao trại. Tại phiên tòa, bà Trịnh Hồng H, ông Phạm Ngọc T, bà Lê Nguyễn Phương H thống nhất rút một phần yêu cầu khởi kiện, cụ thể: rút yêu cầu Chủ doanh nghiệp tư nhân B trả cho Công ty A tiền đặt cọc 1.800.000.000đ, rút yêu cầu bồi thường hiệt hại về tài sản là yêu cầu bồi thường thiệt hại về 426 heo con bị chết với số tiền là 264.910.800đ, chỉ yêu cầu Chủ doanh nghiệp tư nhân B bồi thường cho Công ty A số tiền là 13.752.402.840đ gồm tiền bồi thường thiệt hại đối với 6246 heo con bị giảm sút chất lượng và giá thành là 1.708.530.840đ và bồi thường về thiệt hại 684 con heo nái bị thải loại sớm với số tiền 12.043.872.000đ, và yêu cầu Chủ doanh nghiệp tư nhân B trả cho Công ty A số tiền thuê xe vận chuyển heo là 19.500.000đ.

Căn cứ vào đơn yêu cầu phản tố ngày 09/11/2015, đơn bổ sung thay đổi nội dung ngày 20/12/2016, đơn bổ sung yêu cầu phản tố ngày 24/10/2017, bản tự khai, biên bản lấy lời khai, tại phiên tòa ngày 22/8/2019, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn, Chủ doanh nghiệp tư nhân B, là ông Hoàng Minh Q trình bày:

Ông Nguyễn Viết L – Chủ doanh nghiệp tư nhân B thống nhất về việc Doanh nghiệp tư nhân B và công ty Công ty M (Nay là Công ty A) có ký kết hợp đồng thuê trại số 02/11/Sow JCL ngày 23/3/2011 theo nội dung Chủ doanh nghiệp tư nhân B cho Công ty A thuê toàn bộ khu đất và trại heo nái tọa lạc tại Ấp C, xã L, huyện L, tỉnh Bình Phước do ông Nguyễn Viết L đầu tư xây dựng. Tổng diện tích cho thuê trại là 80.000m2 (quy mô 2.400 con), trai heo được xây dựng theo thiết kế quy chuẩn và chi tiết kỹ thuật mà Công ty A thiết kế. Thời hạn hợp đồng là 10 năm kể từ ngày ký kết. Tuy nhiên đến tháng 7/2015 Công ty A thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng với Chủ doanh nghiệp tư nhân B vì không có nhu cầu tiếp tục sử dụng trại và đưa ra đề nghị ngày 31/10/2015 sẽ bàn giao trại cho Chủ doanh nghiệp tư nhân B. Theo hợp đồng nếu Công ty A chấm dứt hợp đồng thì phải bàn giao trả lại cho Chủ doanh nghiệp tư nhân B toàn bộ trại và đầy đủ cơ sở, vật chất, trang thiết bị mà doanh nghiệp đã bàn giao trước đây, nếu Công ty A gây ra mất mát hoặc hư hỏng bất kỳ hạng mục, tài sản hoặc thiết bị nào, bên Công ty A phải sửa chữa hoặc bồi thường các thiệt hại đó. Sau khi ông Nguyễn Viết L đến để kiểm tra của trang trại thì các trang thiết bị, tài sản, máy móc, hạng mục của trang trại đã bị mất mát, hư hỏng trên 40% so với thời điểm bàn giao. Ước tính để khắc phục các mất mát, thiệt hại hư hỏng là 18.000.000.000đ. Ngoài ra Công ty A vẫn chưa thanh toán số tiền thuê trại heo là 391.000.000đ. Việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng vì lỗi của chủ doanh nghiệp là không đúng. Công ty A tự đơn phương chấm dứt hợp đồng là lỗi của phía công ty. Đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty A, ông L không đồng ý. Trong quá trình giải quyết vụ án, Chủ doanh nghiệp tư nhân B – ông Nguyễn Viết L có yêu cầu phản tố yêu cầu Công ty A trả cho ông L số tiền thuê trại còn thiếu từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2017 = 640 triệu x 24 tháng = 15.360.000.000đ và số tiền bồi thường thiệt hại tài sản là 18.000.000.000đ, tiền thuê 02 công nhân quản lý, bảo vệ trại từ ngày 21/10/2016 với số tiền 120.000.000đ, tiền điện phát sinh 02 tháng là 60.000.000đ. Ngày 20/12/2016 chủ doanh nghiệp B có đơn thay đổi nội dung phản tố yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị hư hỏng từ 18.000.000.000đ xuống còn 12.998.606.000đ. Tại phiên tòa, ông Hoàng Minh Q rút một phần yêu cầu phản tố, cụ thể rút yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản là 12.998.606.000đ, tiền thuê 02 công nhân quản lý, bảo vệ trại từ ngày 21/10/2016 với số tiền 120.000.000đ, tiền điện phát sinh 02 tháng là 60.000.000đ, rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền thuê trại mà Công ty A còn thiếu, yêu cầu Công ty A trả cho Chủ doanh nghiệp tư nhân B – ông Nguyễn Viết L số tiền thuê trại còn thiếu từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2016 là 7.680.000.000đ.

Người đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng C là ông Lê Xuân H trình bày:

Từ thời gian năm 2012 đến năm 2015, Ngân hàng C - chi nhánh Biên Hòa thỏa thuận và ký kết với ông Nguyễn Viết L – Chủ doanh nghiệp tư nhân B các hợp đồng tín dụng gồm hợp đồng tín dụng số 20/12/VCB.BH ngày 27/02/2012, hợp đồng tín dụng số 0454.14/48.05 – HM ngày 09/10/2014 ngày 09/10/2014, hợp đồng số 0125.15/48.05.ĐTDA ngày 27/4/2015, hợp đồng số 0113.15/48.05-TL ngày 08/4/2015, hợp đồng số 0251.15/48.05-TL ngày 04/11/2015, Ngân hàng C chi nhánh Biên Hòa cho ông L vay vốn để đầu tư xây dựng trạo chăn nuôi heo sinh sản quy mô công nghiệp 2.400 con tại xã L, huyện L, tỉnh Bình Phước. Tài sản bảo đảm cho các khoản vay tiền trên là trại chăn nuôi heo và các quyền phát sinh gồm: Thửa đất số 460 (diện tích 125.962m2), thửa đất số 236, 459 (diện tích 43.580m2), cùng tọa lại tại xã L, huyện L, tỉnh Bình Phước. Công trình trại chăn nuôi heo gắn liền với các thửa đất trên, quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng thuê trại chăn nuôi số 02/11/Sow JCL ngày 23/3/2011 ký kết giữa Ngân hàng C chi nhánh Biên Hòa và Doanh nghiệp tư nhân B. Hiện nay khoản vay của Doanh nghiệp tư nhân B đã quá hạn trả nợ từ ngày 08/4/2016. Ngân hàng C đã làm đơn khới kiện tại Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Đồng Nai khởi kiện ông Nguyễn Viết L – Chủ doanh nghiệp tư nhân B về tranh chấp hợp đồng tín dụng và Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Đồng Nai đã thụ lý vụ án số 59/TB-TLVN ngày 21/4/2017. Theo thông báo số 153/2015/TB-TA ngày 23/11/2015 của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Bình Phước thì Ngân hàng được biết Tòa án nhân dân huyện L đã thụ lý yêu cầu phản tố của ông Nguyễn Viết L yêu cầu buộc Công ty M tiến hành sửa chữa, khắc phục những hư hỏng mất mát với trang trại và trả tiền thuê trại còn thiếu là có liên quan đến tài sản mà Doanh nghiệp tư nhân B. Đối với việc tranh chấp về hợp đồng thuê trại giữa ông L và Công ty A thì Ngân hàng không có ý kiến gì, Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH H là bà Lý Thị Ngọc H trình bày:

Ngày 10/5/2019, Công ty TNHH H đã ký kết với ông Nguyễn Viết L – Chủ doanh nghiệp tư nhân B hợp đồng mua bán trại heo và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại xã L, huyện L tỉnh Bình Phước hiện đang tranh chấp hợp đồng thuê tài sản với Công ty A với số tiền là 25.000.000.000đ. Sau khi ký kết hợp đồng, Công ty TNHH H đã quản lý, sử dụng tài sản trên và đang nộp hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Trung tâm quản lý Hành chính công tỉnh Bình Phước. Khi ký kết hợp đồng mua bán trại heo và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì ông L không có báo cho công ty được biết việc tranh chấp giữa ông L và Công ty A liên quan đến tài sản trên. Đối với việc tranh chấp về hợp đồng thuê trại và bồi thường thiệt hại về tài sản giữa ông L và Công ty A thì công ty không có ý kiến hay yêu cầu gì, nếu ông L được chấp nhận yêu cầu bồi thường từ Công ty A thì ông L được hưởng số tiền bồi thường không liên quan đến công ty.

Tại Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2019/KDTM – ST của Tòa án nhân dân huyện L đã quyết định:

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147; điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 1, khoản 3 Điều 228; Điều 244, Điều 264, Điều 271 và khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 308, 388, 424, 426, 480, 491 của Bộ luật dân sự năm 2005, Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí; điểm đ khoản 1 Điều 12, Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty A.

Buộc ông Nguyễn Viết L – Chủ doanh nghiệp tư nhân B trả cho Công ty A số tiền 17.000.000đ là tiền thuê phương tiện vận chuyển và số tiền 12.043.872.000đ là tiền thiệt hại đối với giá trị 684 heo nái bị giảm, số tiền 1.708.503.840đ là tiền thiệt hại đối với giá trị 6246 heo con quá lứa tuổi. Tổng cộng số tiền là 13.769.402.840đ (Mười ba tỷ bảy trăm sáu mươi chín triệu bốn trăm lẻ hai ngàn tám trăm bốn mươi đồng).

Đình chỉ đối với các yêu cầu: Yêu cầu ông Nguyễn Viết L – Chủ doanh nghiệp tư nhân B phải bồi thường thiệt hại đối với chi phí Công ty A bỏ ra để khắc phục, sửa chửa thiệt hại chuồng trại là 31.981.000đ; tiền chi phí Công ty A bỏ ra để bảo quản chuồng trại chờ ngày bàn giao cho Doanh nghiệp tư nhân B: 2.265.710.167đ gồm tiền thuê bảo vệ trông coi trại heo khi trại phải bỏ trống tính ngày 31/10/2015 đến ngày 21/10/2016 là 1.992.137.500đ, tiền lương trả cho nhân viên làm việc từ ngày 01/11/2015 đến ngày 21/10/2016 là 61.591.506đ, tiền điện phát sinh từ ngày 01/11/2015 cho đến thời điểm bàn giao trại là 211.981.161đ; yêu cầu Chủ doanh nghiệp tư nhân B hoàn trả số tiền đặt cọc là 1.800.000.000đ; yêu cầu bồi thường thiệt hại do 426 heo con bị chết là 264.910.800đ.

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Nguyễn Viết L – Chủ doanh nghiệp tư nhân B.

Không chấp nhận yêu cầu buộc Công ty A trả tiền thuê trại từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2016 với số tiền 7.680.000.000đ (Bảy tỷ sáu trăm tám mươi triệu đồng).

Đình chỉ đối với các yêu cầu: Yêu cầu Công ty A phải trả số tiền 320.000.000đ thuê trại còn thiếu của tháng 10/2013, tiền thuê 02 công nhân quản lý, bảo vệ trại từ ngày 21/10/2016 với số tiền 120.000.000đ, tiền điện phát sinh 02 tháng là 60.000.000đ và yêu cầu bồi thường thiệt hại về trang tiết bị hư hỏng, mất mát là 18.000.000.000đ.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, nghĩa vụ thi hành án, quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 03/10/2019 , bị đơn ông Nguyễn Viết L kháng cáo đối với Bản án sơ thẩm. Đề nghị cấp phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn ông L.

Ngày 04/10/2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lộc N có Quyết định số 04/QĐKNPT-VKS-KDTM kháng nghị đối với Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2019/KDTM-ST ngày 25/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Bình Phước. Đề nghị Hội đồng xét xử hủy một phần bản án sơ thẩm đối với phần chấp nhận bồi thường thiệt hại về số heo con giảm giá trị, cân nặng và thiệt hại về heo nái thải loại sớm để xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Bị đơn ông Nguyễn Viết L vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng nghị.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước phát biểu:

Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử: Kể từ ngày thụ lý vụ án và tại phiên tòa Thẩm phán và Hội đồng xét xử tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 3 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Viết L, chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân nhân huyện Lộc N. Hủy một phần Bản án Kinh doanh thương mai sơ thẩm số 01/2019/KDTM – ST của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Bình Phước, chuyển hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà, kết quả tranh tụng tại phiên toà Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước nhận định như sau:

[1] Về thủ tục tố tung:

Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp là Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và tranh chấp hợp đồng thuê tài sản” là có căn cứ. Bị đơn ông Nguyễn Viết L là đại diện của Chủ doanh nghiệp tư nhân B vắng mặt nhưng người đại diện theo ủy quyền của ông L là ông Hoàng Minh Q có mặt nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn ông L.

[2] Về nội dung vụ án:

Trong quá trình giải quyết vụ án, hai bên thống nhất vào ngày 23/3/2011, Công ty M (Nay là Công ty A) và Chủ doanh nghiệp tư nhân B ký hợp đồng thuê trại chăn nuôi số 02/11/Sow JCL với nội dung Doanh nghiệp tư nhân B xây trại heo theo đúng thiết kế, Công ty A sẽ thuê trại đó trong vòng 10 năm để nuôi heo nái sinh sản. Tiền thuê trại là 640.000.000đ/tháng (trại công suất 2.400 heo nái). Công ty A phải đặt cọc 1.800.000.000đ. Trại thuê tọa lạc tại Ấp C, xã L, huyện L, tỉnh Bình Phước. Sau khi ký hợp đồng thì Công ty A đã tiếp quản, sử dụng trại heo tại xã L, huyện L, tỉnh Bình Phước.

Ngày 06/7/2013, Công ty A và Doanh nghiệp B có cuộc họp và thống nhất từ ngày 01/10/2013 đến ngày 31/10/2013 thì tiền thuê trại là 320.000.000đ. Ngày 18/7/2015, Công ty A đã thông báo cho chủ doanh nghiệp B về việc hợp đồng thuê sẽ chấm dứt vào ngày 31/10/2015. Lý do Công ty A đưa ra là vào mùa khô, trại heo thường xuyên bị thiếu nước, nên heo dễ mắc bệnh và chết hàng loạt, Công ty A phải mua nước từ nơi khác chuyển đến. Công ty A yêu cầu chủ doanh nghiệp B khắc phục tình trạng thiếu nước nhưng việc thiếu nước vẫn tiếp diễn. Trong khi đó, Chủ doanh nghiệp tư nhân B có trách nhiệm đảm bảo lượng nước của trại phải đạt mức 400m3/ 1 ngày đêm (theo Điều 3.1.4 của Hợp đồng). Do việc thiếu nước nên hiệu quả sản xuất không đạt yêu cầu nên Công ty A quyết định chấm dứt hợp đồng thuê. Sau khi có thông báo về việc hợp đồng thuê sẽ chấm dứt hợp đồng từ ngày 19/9/2015 đến ngày 28/10/2015, chủ doanh nghiệp B liên tục gây cản trở không cho Công ty A xuất heo ra khỏi trại khiến cho Công ty A bị thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Theo ông Nguyễn Viết L – Chủ doanh nghiệp tư nhân B cho rằng việc Công ty A đơn phương chấm dứt hợp đồng vì lỗi của Chủ doanh nghiệp tư nhân B là không đúng, không hề có việc thiếu nước sử dụng. Công ty A đơn phương chấm dứt hợp đồng là lỗi của phía Công ty A. Ông L thừa nhận có việc ngăn cản Công ty xuất heo ra ngoài với lý do công ty không thanh toán đủ tiền thuê. Việc ông L không cho xuất heo ra ngoài nhằm giữ lại tài sản để đảm bảo Công ty A có nghĩa vụ thanh toán tiền thuê và các chi phí sửa chữa khác. Theo ông L thì hành vi ngăn chặn không cho Công ty A chuyển heo ra khỏi trại là hành vi chỉ diễn ra ở ngoài phạm vi cổng vào trại.

Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Viết L và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lộc N thấy rằng:

[3] Xét yêu cầu Công ty A trả 12 tháng tiền thuê trại heo từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2016 với số tiền 7.680.000.000đ của ông Nguyễn Viết L thấy rằng:

Căn cứ vào điều 7.2 của hợp đồng thuê trại chăn nuôi số 02/11/Sow JCL về thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đã ghi: 7.2. Sau 03 (ba) năm kể từ ngày bắt đầu thời hạn thuê, nếu Bên A chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì Bên A sẽ mất khoản tiền đã đặc cọc, ngược lại nến Bên B chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì Bên B sẽ phải hoàn trả toàn bộ số tiền cọc cho Bên A đồng thời bồi thường cho Bên A một khoản bằng với khoản tiền Bên A đã đặt cọc. Như vậy, khi ký hợp đồng hai bên đã có sự thỏa thuận về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn phù hợp với Điều 426 Bộ luật Dân sự năm 2005. Công ty A đã thông báo cho Chủ doanh nghiệp tư nhân B theo đúng theo giao kết trong hợp đồng.

Căn cứ khoản 3 Điều 426 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán.” Căn cứ vào quy định tại khoản 7.2 Điều 7 của hợp đồng thuê trại heo số 02/2011 và việc Công ty A đã thông báo chấm dứt hợp đồng vào 31/10/2015 là phù hợp với quy định của pháp luật. Do vậy hợp đồng chấm dứt vào ngày 31/10/2015 nên không phát sinh quyền nghĩa vụ giữa các bên theo hợp đồng và theo Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000025 ngày 24/7/2015 (BL 116 - 117) thì Công ty A đã thanh toán tiền thuê trại đến ngày 31/10/2015. Do đó, Chủ doanh nghiệp tư nhân B yêu cầu Công ty A trả tiền thuê trại từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2016 là không có căn cứ chấp nhận. Do đó, kháng cáo của ông L về phần này là không có căn cứ chấp nhận.

[4] Xét hành vi cản trở việc xuất heo của ông Nguyễn Viết L: Ông L thừa nhận sự việc có cho xe ô tô, máy cày, máy múc của Doanh nghiệp B nằm trước cổng vào trại heo, cho dựng 02 cây sắt ở 02 bên ngõ ra vào cổng trại heo, ở trên hai trụ sắt có thanh sắt chắn ngang chiều cao khoảng 2,5m làm cho xe tải không ra vào trại heo được. Tuy nhiên, ông L cho rằng sự ngăn cản này chỉ có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động bên trong của Công ty A như số lượng heo của trại tăng lên do không xuất được heo, số heo cai sữa đủ 24 ngày tuổi không được chuyển đến trại nuôi đủ tiêu chuẩn sẽ làm giảm giá trị và cân nặng của heo và theo thiết kế thì trang trại thiết kế để nuôi 2.400 con heo nái, việc trang trại mới hoạt động được hơn 3 năm nên vẫn có thể đáp ứng được 684 con heo nái. Xét thấy lời trình bày của ông L là không có căn cứ bởi lẽ: Theo biên bản xác minh ngày 28/8/2019 thể hiện: Ngõ vào (con đường) là ngõ vào duy nhất mà Công ty A sử dụng. Con đường vào trại heo là thuộc đất do ông Nguyễn Viết L sử dụng, ông L cho Công ty A trước đây thuê, cho đi nhờ ra vào trại. Do vậy, chứng tỏ rằng với lối đi duy nhất vào trại heo đã tồn tại từ lúc Công ty A thuê trại của Doanh nghiệp tư nhân B. Hơn nữa, vào thời gian này thì việc cung cấp nước không đủ nên không đảm bảo cho việc chăn nuôi heo nái. Mặt khác, căn cứ vào hợp đồng thuê trại thì hai bên không có sự thỏa thuận nào về việc đàn heo của Công ty A là tài sản bảo đảm cho việc chấm dứt hợp đồng. Do đó, hành vi cản trở của ông Nguyễn Viết L là trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho phía Công ty A. Theo quy định tại Điều 604 Bộ luật dân sự năm 2005 thì: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông L phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Công ty A là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

[5] Xét về các yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn:

[5.1] Đối với heo con bị quá lương không thể xuất được: Theo đơn khởi kiện Công ty A xác định tổng số heo con tại thời điểm khởi kiện ngày 28/10/2015 là 6.400 heo sữa (giá trị tương đương 11.904.000.000đ), quá trình giải quyết Công ty A xác định lại số heo con sống quá tuổi (theo tiêu chuẩn) phải xuất mới đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng căn cứ vào phiếu cân từ ngày 04/11/2015 đến ngày 06/11/2015 là 6246 con (yêu cầu bồi thường 1.708.530.000đ). Căn cứ vào tiêu chuẩn cơ sở của Công ty A và thực tế bảng kê cân nặng từ trại heo của Công ty A tại Lộc Thịnh xác định được thiệt hại là 6246 con x 2,91kg x 94.000đ/ 1kg = 1.708.530.840đ.

[5.2] Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại 684 con heo nái với số tiền 12.043.872.000đ: Tiền thiệt hại do phải thải loại heo nái sớm thể hiện số lứa khai thác trung bình thực tế theo bảng thống kê của 5 trại heo của Công ty A từ năm 2009 đến năm 2015 là 5,62 lứa trong vòng đời của 01 con heo nái, trung bình mỗi lứa đẻ 10 con, do phải thải loại sớm nên trung bình số heo nái bị ông L ngăn cản theo thống kê mới khai thác được 2,07 lứa thì phải thải loại nên Công ty A đã mất số lứa heo do phải thải loại sớm là 5,62 lứa – 2,07 lứa = 3,55 lứa. Vậy số heo con bị mất đi do phải thải loại heo nái sớm là 3,55 lứa x 10 con heo con x 684 heo nái = 24.282 con heo con. Giá thành chi phí để có được một con heo con là 939.000đ trong khi giá thành tại thời điểm năm 2015 là 1.435.000đ/ 1 con. Vậy lợi nhuận của một con heo con mà Công ty A thu được là 1.435.000đ – 939.000đ = 496.000đ. Do đó tổng mức thiệt hại là 496.000đ x 24.282 con = 12.043.872.000đ.

[5.3] Đối với yêu cầu bồi thường tiền thuê phương tiện đến vận chuyển heo: Căn cứ vào biên bản giải trình, biên bản xác minh ngày 03/11/2015 và các biên lai chỉ xác định được có 08 chuyến từ ngày 07/10/2015 đến ngày 27/10/2015 là 17.000.000đ nên việc phía Công ty A yêu cầu bồi thường phương tiện đến vận chuyển heo 09 chuyến với số tiền 19.500.000đ là không có cơ sở chấp nhận. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông Nguyễn Viết L phải bồi thường cho Công ty A số tiền 17.000.000đ là tiền thuê phương tiện vận chuyển là có căn cứ.

[6] Từ những phân tích nên trên thấy rằng: Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc ông Nguyễn Viết L phải có trách nhiệm bồi thường cho Công ty A đối với các khoản: Số tiền 17.000.000đ là tiền thuê phương tiện vận chuyển, số tiền 12.043.872.000đ là tiền thiệt hại đối với giá trị 684 heo nái bị giảm, số tiền 1.708.503.840đ là tiền thiệt hại đối với giá trị 6246 heo con quá lứa tuổi và số tiền 1.708.503.840đ là tiền thiệt hại đối với giá trị 6246 heo con quá lứa tuổi. Tổng cộng số tiền là 13.769.402.840đ là có cơ sở. Do đó, cần giữ nguyên Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2019/KDTM – ST của Tòa án nhân dân huyện L. Nên kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Viết L và kháng nghi của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lộc Linh không được chấp nhận.

[7] Án phí phúc thẩm: Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12, Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Ông Nguyễn Viết L là người cao tuổi nên không phải chịu.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 1 Điều 308, Điều 313 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Viết L; - Không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lộc N;

- Giữ nguyên Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2019/KDTM – ST ngày 25/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Bình Phước.

2. Căn cứ vào Khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147; điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 1, khoản 3 Điều 228; Điều 244, Điều 264, Điều 271 và khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 308, 388, 424, 426, 480, 491 của Bộ luật dân sự năm 2005, Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí; điểm đ khoản 1 Điều 12, Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty A.

Buộc ông Nguyễn Viết L – Chủ doanh nghiệp tư nhân B trả cho Công ty A số tiền 17.000.000đ là tiền thuê phương tiện vận chuyển, số tiền 12.043.872.000đ là tiền thiệt hại đối với giá trị 684 heo nái bị thải loại sớm và số tiền 1.708.503.840đ là tiền thiệt hại đối với giá trị 6246 heo con quá lứa tuổi. Tổng cộng số tiền là 13.769.402.840đ (Mười ba tỷ bảy trăm sáu mươi chín triệu bốn trăm lẻ hai ngàn tám trăm bốn mươi đồng).

- Đình chỉ đối với các yêu cầu: Yêu cầu ông Nguyễn Viết L – Chủ doanh nghiệp tư nhân B phải bồi thường thiệt hại đối với chi phí Công ty A bỏ ra để khắc phục, sửa chửa thiệt hại chuồng trại là 31.981.000đ; tiền chi phí Công ty A bỏ ra để bảo quản chuồng trại chờ ngày bàn giao cho Doanh nghiệp tư nhân B:

2.265.710.167đ gồm tiền thuê bảo vệ trông coi trại heo khi trại phải bỏ trống tính ngày 31/10/2015 đến ngày 21/10/2016 là 1.992.137.500đ, tiền lương trả cho nhân viên làm việc từ ngày 01/11/2015 đến ngày 21/10/2016 là 61.591.506đ, tiền điện phát sinh từ ngày 01/11/2015 cho đến thời điểm bàn giao trại là 211.981.161đ; yêu cầu Chủ doanh nghiệp tư nhân B hoàn trả số tiền đặt cọc là 1.800.000.000đ; yêu cầu bồi thường thiệt hại do 426 heo con bị chết là 264.910.800đ.

- Không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Nguyễn Viết L – Chủ doanh nghiệp tư nhân B về việc yêu cầu buộc Công ty A trả tiền thuê trại từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2016 với số tiền 7.680.000.000đ (Bảy tỷ sáu trăm tám mươi triệu đồng).

- Đình chỉ đối với các yêu cầu: Yêu cầu Công ty A phải trả số tiền 320.000.000đ thuê trại còn thiếu của tháng 10/2013, tiền thuê 02 công nhân quản lý, bảo vệ trại từ ngày 21/10/2016 với số tiền 120.000.000đ, tiền điện phát sinh 02 tháng là 60.000.000đ và yêu cầu bồi thường thiệt hại về trang thiết bị hư hỏng, mất mát là 18.000.000.000đ.

3. Về chi phi phí tố tụng: Ông Nguyễn Viết L – Chủ doanh nghiệp tư nhân B phải chịu chi phí tố tụng 5.000.000đ (Năm triệu đồng) là tiền xem xét, thẩm định tại chỗ trong các ngày 23/8/2016 – ngày 24/8/2016, ngày 29/01/2019 được khấu trừ vào số tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ đã nộp.

4. Về án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm: - Ông Nguyễn Viết L – Chủ doanh nghiệp tư nhân B được miễn tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Ông L được nhận lại số tiền 72.964.485đ tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Lộc N theo biên lai thu số 0013873 ngày 04/3/2016.

- Công ty A phải chịu 200.000đ tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp. Sau khi khấu trừ Công ty A nhận lại số tiền 150.120.701đ tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Lộc N theo các biên lai thu số 0013359 ngày 02/11/2015, biên lai thu số 0014891 ngày 10/10/2017 và biên lai thu số 006245 ngày 08/11/2018.

5. Về án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm: Bị đơn Ông Nguyễn Viết L là người cao tuổi nên không phải chịu.

6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

996
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 05/2020/KDTM-PT ngày 09/07/2020 về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản và tranh chấp hợp đồng thuê tài sản

Số hiệu:05/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Phước
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 09/07/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về