Bản án 03/2019/DS-ST ngày 21/03/2019 về tranh chấp đòi lại tài sản và tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN M,  TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 03/2019/DS-ST NGÀY 21/03/2019 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI LẠI TÀI SẢN VÀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Trong ngày 21 tháng 3 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 29/2018/TLST-DS ngày 12 tháng 3 năm 2018, về tranh chấp hợp đồng đặt cọc, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 02/2019/QĐXXST-DS, ngày 01 tháng 02 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 03/2019/QĐST-DS ngày 28 tháng 02 năm 2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Mai Hữu H1; cư trú tại thị trấn T, huyện T, tỉnh L.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Trần Việt H2; cư trú tại khóm M, phường B, thành phố S, tỉnh Sóc Trăng, văn bản ủy quyền ngày 03/02/2018 (có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án).

- Bị đơn: Ông Nguyễn Văn T; cư trú tại ấp M, xã M, huyện M, tỉnh Sóc Trăng (vắng mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Châu Đức H3 (tên thường gọi là L1); cư trú tại ấp T, xã T, huyện M, tỉnh Sóc Trăng (vắng mặt);

2. Ông Nguyễn Nhựt L2; cư trú tại ấp M, xã T, huyện C, tỉnh Sóc Trăng (vắng mặt).

- Người làm chứng: Ông Huỳnh Văn L3, cư trú tại ấp S, xã T, huyện C, tỉnh Sóc Trăng (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện lập ngày 02 tháng 02 năm 2018 của nguyên đơn ông Mai Hữu H1 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Trần Việt H2 trình bày:

Qua giới thiệu của bạn bè dẫn đến quen biết nhau, nên vào ngày 04/10/2016 ông Mai Hữu H1 và ông Nguyễn Văn T có thỏa thuận và ký hợp đồng mua bán lúa N604; theo đó ông H1 đồng ý mua lúa N604 của ông T với giá 5.100 đồng/kg và ông H1 có đặt cọc cho ông T số tiền là 435.000.000 đồng để ông T có điều kiện thực hiện hợp đồng.

Sau khi ký hợp đồng xong cho đến khi thu hoạch lúa thì ông T không thực hiện hợp đồng, không giao lúa cho ông H1, nên nhiều lần ông H1 có đến yêu cầu ông T trả lại tiền đã nhận, thì ông T mới chịu giao lúa cho ông H1 với tổng trị giá bằng 200.000.000 đồng để khấu trừ vào số tiền đã nhận của ông H1, số tiền còn lại 235.000.000 đồng thì ông T vẫn chưa chịu trả cho ông H1. Ông H1 có làm đơn yêu cầu Công an xã M, huyện M can thiệp, giải quyết, tại buổi hòa giải (biên bản trao đổi) ngày 24/02/2017 ông T thừa nhận còn nợ ông H1 số tiền 235.000.000 đồng và hứa sẽ trả cho ông H1 trong thời gian 30 ngày.

Ngoài ra, trong lúc cân lúa của người dân, do ông T giao tiền cho người dân không đủ, nên để được người dân cân lúa giao cho ông H1, buộc ông H1 phải bỏ ra thêm 30.000.000 đồng trả tiền lúa cho người dân (do ông Châu Đức H3 đại diện người dân đứng ra nhận). Đến ngày 15/11/2016, ông T có hỏi mượn thêm của ông H1 20.000.000 đồng (như vậy số tiền ông T còn nợ ông H1 tổng cộng là: ((435.000.000 đồng – 200.000.000 đồng) + 30.000.000 đồng + 20.000.000 đồng = 285.000.000 đồng).

Từ ngày được Công an xã M hòa giải (ngày 24/02/2017) đến nay, ông T có trả cho ông H1 được 02 lần (lần 1: 50.000.000 đồng, lần 2: 54.000.000 đồng), số tiền 181.000.000 đồng còn lại thì ông T không trả, mặc dù ông H1 đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng đến nay ông T vẫn không có thiện chí trả số tiền còn nợ cho ông H1.

Ông H1 yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết buộc ông Nguyễn Văn T trả khoản tiền 181.000.000 đồng cho ông H1, cộng với lãi suất chậm trả tiền với mức lãi suất chậm trả được tính bằng 10%/năm, thời gian tính lãi suất được tính kể từ ngày vi phạm cam kết trả nợ (ngày 24/3/2017) cho đến ngày ông Nguyễn Văn T trả đủ số tiền còn nợ; tiền lãi chậm trả tạm tính từ ngày 24/3/2017 đến ngày 02/02/2018 (tức 10 tháng 9 ngày = 309 ngày) với số tiền lãi là 15.323.000 đồng. Tổng cộng tiền vốn và tiền lãi chậm trả tính đến ngày 02/02/2018 là: 196.323.000 đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Trần Việt H2 thay đổi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn như sau:

Yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền nợ đặt cọc theo hợp đồng ngày 04/10/2016 còn lại 131.000.000 đồng, cùng với lãi suất chậm trả 10%/năm tính từ ngày 24/3/2017 (ngày bị đơn hứa thanh toán số tiền nợ còn lại tại Công an xã M, huyện M) đến ngày xét xử sơ thẩm và yêu cầu bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền 20.000.000 đồng là số tiền mượn vào ngày 15/11/2016, cùng với lãi suất chậm trả theo quy định của pháp luật theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là 9%/năm kể từ ngày 24/3/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm. Đối với số tiền 30.000.000 đồng, nguyên đơn đưa cho ông Châu Đức H3, thì ông T không thừa nhận nên nguyên đơn không yêu cầu ông T phải trả số tiền này.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 05 tháng 6 năm 2018 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm bị đơn ông Nguyễn Văn T trình bày:

Ông T có ký kết hợp đồng mua bán lúa N604 ngày 04/10/2016 với ông Mai Hữu H1. Theo nội dung hợp đồng thì ông Mai Hữu H1 đồng ý mua giống lúa N604 của ông T với giá 5.100 đồng là giá cố định với diện tích 87 ha (hécta). Ông H1 đưa tiền cọc cho ông T với số tiền 435.000.000 đồng (5.000.000 đồng/01ha). Khi ký hợp đồng thì ông H1 đưa tiền cho ông Nguyễn Nhựt L2 rồi ông L2 mới đưa tiền lại cho ông T. Nhưng khi ông L2 đưa lại tiền cho ông T tổng cộng tính ra là 360.000.000 đồng (trong đó bao gồm cả lúa giống do ông H1 giao trực tiếp cho ông T với số lượng là 8.300kg x 10.000 đồng/01kg = 83.000.000 đồng). Như vậy, tính ra ông T nhận tiền từ ông Nguyễn Nhựt L2 là 277.000.000 đồng (tiền đầu tư sản xuất lúa). Thời gian áp dụng của hợp đồng là cho sản xuất 01 vụ lúa Thu – Đông năm 2016. Mục đích chính là ông H1 đầu tư lúa giống và một phần chi phí đầu tư (lúa giống và chi phí đầu tư là 5.000.000 đồng/01ha) cho ông T và ông T đầu tư lại cho nông dân trong địa bàn 03 xã gồm: T, M1, M2 thuộc huyện M, tỉnh Sóc Trăng. Khi lúa chín thì ông H1 là người trực tiếp cân lúa và trực tiếp trả tiền cho nông dân và ông H1 trừ nợ trực tiếp với nông dân chi phí đã đầu tư (lúa giống và một phần chi phí đầu tư) do ông T lập danh sách chi phí đầu tư cho nông dân giao danh sách cho ông H1 để ông H1 trừ trực tiếp với nông dân khi ông H1 cân lúa và thanh toán tiền với nông dân.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, đến ngày 24/02/2017, ông H1 thưa ra Công an xã M, huyện M thì có mời ông T lên làm việc và tại “Biên bản trao đổi” có nội dung là tính đến ngày 24/02/2017 ông T còn nợ ông H1 số tiền là 235.000.000 đồng. Ông T hẹn 30 ngày sau khi trao đổi sẽ thanh toán đủ số tiền 235.000.000 đồng cho ông H1. Sau khi thỏa thuận tại Công an xã M, thì ông T có trả cho ông H1 02 lần, lần 1 số tiền 50.000.000 đồng, lần 2 số tiền 54.000.000 đồng, tổng cộng là 104.000.000 đồng.

Ngoài ra, ngày 15/11/2016, ông T có nhận từ ông H1 số tiền 20.000.000 đồng. Về số tiền 30.000.000 đồng do ông Châu Đức H3 (tên gọi khác là L1) đại diện người dân nhận từ ông H1 thì ông T không biết.

Nay ông T không đồng ý trả số tiền 131.000.000 đồng còn lại theo hợp đồng ngày 04/10/2016, vì ông Mai Hữu H1 chưa thanh lý hợp đồng với ông T. Số tiền 20.000.000 đồng là số tiền ông Mai Hữu H1 tạm ứng cho ông T về chi phí giao lúa giống cho nông dân nên ông T không đồng ý trả số tiền này cho ông Mai Hữu H1.

Đối với số tiền 30.000.000 đồng do ông Mai Hữu H1 giao cho ông Châu Đức H3 nhận thì ông T không có nhận số tiền này và cũng không biết về số tiền này nên không đồng ý trả cho ông Mai Hữu H1.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 04 tháng 6 năm 2018 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Châu Đức H3 trình bày:

Vào vụ lúa Xuân – Hè năm 2016, khoảng đầu tháng 9 năm 2016 âm lịch, ông Nguyễn Văn T, cư trú tại ấp M, xã M, huyện M, tỉnh Sóc Trăng tìm đến ông H3 để nhờ ông H3 làm “cò” liên hệ với nông dân thuộc địa bàn ấp T và ấp B, xã T, huyện M, tỉnh Sóc Trăng để thỏa thuận việc mua lúa của nông dân khi chín. Ông H3 liên hệ với người dân được 300 công ruộng (công tầm 03m), ấp T được 150 công, ấp B được 150 công. Đến khoảng cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 năm 2016 âm lịch thì lúa chín, ông H3 có liên hệ với ông Nguyễn Văn T để lấy tiền đặt cọc cho người dân thì ông T đưa cho ông H1 số tiền 30.000.000 đồng để đặt cọc cho 150 công (mỗi công đặt cọc 200.000 đồng) của nông dân thuộc ấp T. Sau đó, ông Mai Hữu H1 là người đến cân lúa, trả tiền cho người dân thì ông H1 trừ luôn số tiền do ông T đã đặt cọc cho người dân 30.000.000 đồng (150 công mỗi công đặt cọc 200.000 đồng). Đối với 150 công thuộc ấp Bố Liên 2, lúa gần chín, ông H3 liên hệ với ông T để lấy tiền đặt cọc cho nông dân thì ông T không đưa tiền cho ông H3 để đặt cọc cho nông dân, ông H3 hối thúc ông T nhưng ông T không đưa tiền đặt cọc cho nông dân, ông Mai Hữu H1 thấy vậy nên đưa cho ông H3 30.000.000 đồng tại nhà ông H3 để ông H3 đi đặt cọc cho người dân thuộc ấp B.

Sau đó, ông Mai Hữu H1 là người trực tiếp đến cân lúa, trả tiền cho người dân thì ông H1 trừ luôn số tiền 30.000.000 đồng do ông H1 đã đưa cho ông H3 để đặt cọc cho người dân thuộc ấp B. Sau khi ông H1 cân xong lúa 300 công của người dân thì ông T trả tiền “cò” cho ông H3 với số tiền 20.000 đồng/01 tấn lúa. Hiện nay ông H3 không nhớ rõ ông T đã trả tiền “cò” cho ông H3 cụ thể số tiền bao nhiêu. Như vậy, việc ông H3 làm “cò” tìm mua lúa cho ông T và ông H1 cân lúa đã xong, ông H3 không còn trách nhiệm với ông T, ông H1.

Biên nhận 30.000.000 đồng là do ông Mai Hữu H1 là người ghi, ông H1 nhờ ông H3 ký là ông H1 có đưa cho ông H3 30.000.000 đồng để đi đặt cọc cho nông dân thuộc ấp B. Ông H3 không đồng ý ký tên nhưng ông H1 nói nhiều lần nên ông H3 ký cho ông H1. Nhưng khi ký tên thì không có mặt ông T. Ông H3 không biết việc thỏa thuận hợp đồng giữa ông H1 với ông T như thế nào.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 14 tháng 6 năm 2018 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Nhựt L2 trình bày:

Vào ngày 04/10/2016, ông Mai Hữu H1 và ông Nguyễn Văn T có ký hợp đồng mua bán lúa N604, ông L2 là người ký đại diện hộ dân. Hợp đồng do ông T soạn sẵn phần chữ đánh máy còn phần chữ viết tay là do ông L2 viết. Nội dung hợp đồng thì ông Mai Hữu H1 đồng ý mua giống lúa N604 của ông T với giá 5.100 đồng là giá cố định với diện tích 87 ha (hécta). Ông H1 đưa tiền cọc cho ông T với số tiền 435.000.000 đồng (5.000.000 đồng/01ha). Khi ký hợp đồng thì ghi ông H1ưng đưa trước 383.000.000 đồng, còn lại 52.000.000 đồng. Nhưng thực tế theo hợp đồng thì ông T nhận tổng cộng là 360.000.000 đồng (trong đó bao gồm cả lúa giống do ông H1 giao trực tiếp cho ông T), còn ông L2 nhận 75.000.000 đồng. Như vậy, ông H1 đã giao đủ tiền theo hợp đồng ngày 04/10/2016. Quá trình thực hiện hợp đồng giữa ông H1 với ông T như thế nào thì ông L2 không biết rõ lắm. Sau khi thu hoạch lúa thì ông T giao lúa không đủ diện tích 87ha như ông T ký hợp đồng nên ông H1 có thưa ông T ra Công an xã M, huyện M, tỉnh Sóc Trăng để lấy lại tiền. Ông L2 không rõ ông T còn nợ ông H1 bao nhiêu tiền nhưng sau đó ông T có kêu ông L2 chuyển trả ông H1 50.000.000 đồng từ số tiền ông L2 nhận 75.000.000 đồng, còn lại 25.000.000 đồng là tiền ông T trả chi phí vận chuyển, bốc vác cho ông L2 vì ông L2 phải chở lúa từ ruộng của nông dân ra đến xe của ông H1 trong vụ lúa theo hợp đồng ngày 04/10/2016. Như vậy, giữa ông L2 với ông H1, ông T không còn nợ gì nhau nữa. Còn việc ông T nợ ông H1 như thế nào thì ông L2 không biết rõ.

* Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến:

- Về việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và việc chấp hành pháp luật của nguyên đơn, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Riêng bị đơn, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng chưa thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về nội dung giải quyết vụ án: Tại phiên tòa sơ thẩm người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả số tiền đặt cọc còn nợ 131.000.000 đồng và số tiền mượn 20.000.000 đồng. Xét thấy, trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn thừa nhận số tiền trên nên yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận, buộc bị đơn phải có nghĩa vụ trả cho nguyên đơn số tiền đặt cọc còn nợ 131.000.000 đồng và lãi suất chậm thanh toán 10%/năm kể từ ngày 24/3/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm và số tiền mượn 20.000.000 đồng và lãi suất chậm thanh toán cho nguyên đơn kể từ ngày 24/3/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Bị đơn phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

Từ những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử nghị án và tuyên án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng:

[1.1] Về thủ tục thụ lý việc khởi kiện của nguyên đơn và thẩm quyền giải quyết: Khi ông Mai Hữu H1 nộp đơn khởi kiện, thì người bị kiện là ông Nguyễn Văn T cư trú tại ấp M, xã M, huyện M, tỉnh Sóc Trăng. Ông H1 có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông Nguyễn Văn T phải trả cho ông H1 số tiền nợ 181.000.000 đồng và lãi suất chậm thanh toán 10%/năm, lãi tạm tính từ ngày 24/3/2017 đến ngày 02/02/2018 là 15.323.000 đồng. Tổng cộng tiền vốn và lãi là 196.323.000 đồng. Ông H1 đã nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Sóc Trăng và các tài liệu, chứng cứ kèm theo. Tòa án nhân dân huyện M đã thụ lý đơn và thông báo cho ông H1 nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật và ông H1 đã thực hiện việc nộp tiền tạm ứng án phí đúng quy định. Như vậy, việc Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Sóc Trăng thụ lý việc khởi kiện của ông Mai Hữu H1 là đúng thẩm quyền và đúng theo trình tự thủ tục tố tụng theo quy định tại khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 191 và Điều 195 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[1.2] Đối với bị đơn ông Nguyễn Văn T, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Châu Đức H3, ông Nguyễn Nhựt L2 và người làm chứng ông Huỳnh Văn L3 đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt tại phiên tòa không có lý do. Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 227 và khoản 2 Điều 229 của Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử quyết định tiến hành xét xử vắng mặt họ.

[1.3] Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện như sau: Theo đơn khởi kiện, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền 181.000.000 đồng, cộng với lãi suất chậm trả tiền với mức lãi suất chậm trả được tính bằng 10%/năm, thời gian tính lãi suất được tính kể từ ngày vi phạm cam kết trả nợ (ngày 24/3/2017) cho đến ngày bị đơn ông Nguyễn Văn T trả đủ số tiền còn nợ; tiền lãi chậm trả tạm tính từ ngày 24/3/2017 đến ngày 02/02/2018 (tức 10 tháng 9 ngày = 309 ngày) với số tiền lãi là 15.323.000 đồng. Tổng cộng tiền vốn và tiền lãi chậm trả tính đến ngày 02/02/2018 là: 196.323.000 đồng. Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện là: Yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền nợ đặt cọc theo hợp đồng ngày 04/10/2016 còn lại 131.000.000 đồng, cùng với lãi suất chậm trả 10%/năm tính từ ngày 24/3/2017 (ngày bị đơn hứa thanh toán số tiền nợ còn lại tại Công an xã M, huyện M) đến ngày xét xử sơ thẩm và yêu cầu bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền mượn 20.000.000 đồng vào ngày 15/11/2016, cùng với lãi suất chậm trả theo quy định của pháp luật theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là 9%/năm kể từ ngày 24/3/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm. Đối với số tiền 30.000.000 đồng, nguyên đơn đưa cho ông Châu Đức H3, thì ông T không thừa nhận nên nguyên đơn không yêu cầu ông T phải trả số tiền này. Xét thấy, việc thay đổi về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu, căn cứ vào khoản 1 Điều 244 của Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử chấp nhận.

[1.4] Về xác định quan hệ tranh chấp: Theo nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, khi thụ lý vụ án, Tòa án xác định là quan hệ “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc”. Trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày là sau khi thực hiện hợp đồng đặt cọc ngày 04/10/2016, bị đơn còn nợ nguyên đơn số tiền 235.000.000 đồng, bị đơn không chịu trả nên nguyên đơn làm đơn yêu cầu Công an xã M can thiệp, thì đến ngày 24/02/2017, tại Công an xã M bị đơn thừa nhận còn nợ nguyên đơn số tiền 235.000.000 đồng, bị đơn hứa 30 ngày sau trả đủ số tiền trên cho nguyên đơn nhưng sau đó bị đơn chỉ trả cho nguyên đơn được số tiền 104.000.000 đồng, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền còn nợ 131.000.000 đồng nên Hội đồng xét xử xác định đây là quan hệ “Tranh chấp đòi lại tài sản (tiền đặt cọc còn nợ)” và nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả số tiền 20.000.000 đồng đã mượn vào ngày 15/11/2016, Hội đồng xét xử xác định đây là hợp đồng vay tài sản không có lãi nên Hội đồng xét xử xác định lại quan hệ pháp luật là “Tranh chấp đòi lại tài sản (tiền đặt cọc còn nợ) và tranh chấp hợp đồng vay tài sản” cho đúng quy định pháp luật.

[2] Về nội dung:

[3] Trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đều trình bày: Đối với hợp đồng mua bán lúa N604 ngày 04/10/2016 giữa ông Mai Hữu H1 với ông Nguyễn Văn T. Theo nội dung hợp đồng thì ông Mai Hữu H1 đồng ý mua giống lúa N604 của ông T với giá 5.100 đồng là giá cố định với diện tích 87 ha (hécta). Ông H1 đưa tiền cọc cho ông T với số tiền 435.000.000 đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông T đã giao lúa cho ông H1 với tổng giá trị bằng số tiền 200.000.000 đồng. Do ông T không chịu trả số tiền còn lại cho ông H1 nên ông H1 làm đơn yêu cầu Công an xã M, huyện M can thiệp. Tại “Biên bản trao đổi” do Công an xã M lập ngày 24/02/2017, thì ông T thừa nhận còn nợ ông H1 235.000.000 đồng và hẹn thời hạn 30 ngày sau sẽ thanh toán đủ số tiền trên cho ông H1. Nhưng đến hạn thanh toán thì ông T không thanh toán đầy đủ tiền cho ông H1. Sau đó, ông T có trả cho ông H1 02 lần với số tiền tổng cộng là 104.000.000 đồng (một lần 50.000.000 đồng và một lần 54.000.000 đồng). Như vậy, đến ngày xét xử (ngày 21/3/2019), ông T còn nợ ông H1 số tiền 131.000.000 đồng. Đối với số tiền mượn 20.000.000 đồng thì ông T mượn của ông H1 vào ngày 15/11/2016, có làm biên nhận, trong nội dung biên nhận không có quy định thời hạn trả nợ nhưng chỉ thỏa thuận bằng lời nói là mượn đến cuối vụ lúa (khoảng 04 tháng) trả nhưng sau đó ông T không trả.

[4] Tại biên bản lấy lời khai ngày 09/01/2019, ông Nguyễn Văn T trình bày: Ông T có nhận tiền cọc từ ông Mai Hữu H1 đưa là 360.000.000 đồng, Nguyễn Nhựt L2 nhận 75.000.000 đồng nhưng trách nhiệm thì ông T phải chịu hết số tiền đặt cọc theo hợp đồng là 435.000.000 đồng với ông H1. Ông T đã thanh toán cho ông H1 được 200.000.000 đồng, còn nợ lại 235.000.000 đồng, ông T hứa 30 ngày sau trả đủ số tiền còn lại 235.000.000 đồng nhưng ông H1 yêu cầu trả trong 07 ngày. Sau khi thỏa thuận ngày 24/02/2017, ông T có trả cho ông H1 02 lần với số tiền 104.000.000 đồng (một lần 50.000.000 đồng và một lần 54.000.000 đồng). Như vậy, thực hiện theo hợp đồng ngày 04/10/2016, ông T đã trả cho ông H1 số tiền tổng cộng là 304.000.000 đồng, ông T còn nợ lại ông Mai Hữu H1 số tiền 131.000.000 đồng. Tại biên bản lấy lời khai ngày 02/8/2018, ông T thừa nhận có nhận số tiền 20.000.000 đồng và 15.300kg lúa giống để đầu tư cho vụ lúa Đông xuân năm 2016 - 2017 từ ông Mai Hữu H1 vào ngày 15/11/2016 nhưng cho rằng đây là tiền ông H1 tạm ứng cho ông T về chi phí giao lúa giống cho nông dân và ông T cũng đã trả số tiền 20.000.000 đồng này cho ông H1 thông qua việc ông H1 thu trực tiếp từ người nông dân bán lúa tươi cho ông H1 tại ấp S, xã T, huyện C, tỉnh Sóc Trăng nên ông T không đồng ý trả số tiền này cho ông Mai Hữu H1.

[5] Ông Nguyễn Văn T đã thừa nhận còn nợ ông Mai Hữu H1 số tiền 131.000.000 đồng theo hợp đồng ngày 04/10/2016 và có nhận từ ông H1 số tiền 20.000.0000 đồng vào ngày 15/11/2016. Như vậy, đây là tình tiết không cần phải chứng minh trong vụ án. Căn cứ vào khoản 2 Điều 92 của Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử khẳng định đây là sự thật.

[6] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Hội đồng xét xử xét thấy trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn Nguyễn Văn T cho rằng đối với số tiền còn nợ 131.000.000 đồng thì nguyên đơn chưa thanh lý hợp đồng với bị đơn nên bị đơn không đồng ý trả tiền cho nguyên đơn. Ngoài ra, tại tờ tường trình ngày 05/6/2018 và tại biên bản lấy lời khai ngày 02/8/2018, bị đơn T trình bày do bị đơn thỏa thuận mua lúa của nông dân có chênh lệch giá thấp hơn giá ký hợp đồng với ông H1 nên khi thực hiện hợp đồng thì ông T đã giao đủ lúa và trả đủ tiền cho ông H1, ông H1 còn nợ lại ông T số tiền 89.000.000 đồng, xét thấy đây là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn theo quy định tại Điều 200 của Bộ luật tố tụng dân sự. Ngày 02/8/2018, Tòa án ban hành Thông báo số 192/TB-TA thông báo về việc thực hiện thủ tục phản tố trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo và đã tống đạt hợp lệ cho bị đơn vào ngày 02/8/2018. Tuy nhiên đến ngày 14/9/2018, Tòa án tiến hành mở phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ lần thứ hai thì bị đơn không có mặt, không có nộp đơn yêu cầu phản tố và cũng không cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để chứng minh cho lời trình bày của bị đơn là có căn cứ và hợp pháp.

[7] Đối với số tiền 20.000.000 đồng tại biên nhận vào ngày 15/11/2016, bị đơn cho rằng đây là số tiền nguyên đơn tạm ứng cho bị đơn về chi phí giao lúa giống cho nông dân và bị đơn cũng đã trả số tiền 20.000.000 đồng này cho nguyên đơn thông qua việc nguyên đơn thu trực tiếp từ người nông dân bán lúa tươi cho nguyên đơn tại ấp S, xã T, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm người đại theo ủy quyền của nguyên đơn không thừa nhận đây là số tiền nguyên đơn tạm ứng cho bị đơn về chi phí giao lúa giống cho nông dân và đến nay bị đơn chưa trả số tiền 20.000.000 đồng đã mượn cho nguyên đơn. Ngoài lời trình bày trên thì bị đơn cũng không cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để chứng minh cho lời trình bày của bị đơn là có căn cứ và hợp pháp.

[8] Như vậy, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn về số tiền nợ đặt cọc theo hợp đồng ngày 04/10/2016 còn lại 131.000.000 đồng và yêu cầu bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền 20.000.000 đồng đã mượn vào ngày 15/11/2016 là có căn cứ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[9] Xét yêu cầu của nguyên đơn về lãi suất chậm thanh toán:

[9.1] Đối với số tiền đặt cọc còn nợ 131.000.000 đồng, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải chịu lãi suất chậm thanh toán tính từ ngày 24/3/2017 là ngày bị đơn hứa thanh toán toàn bộ số nợ cho nguyên đơn theo biên bản trao đổi tại Công an xã M lập ngày 24/02/2017. Đến ngày 24/3/2017, bị đơn không thanh toán đầy đủ số tiền còn nợ cho nguyên đơn nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả lãi suất chậm thanh toán 10%/năm. Hội đồng xét xử xét thấy, căn cứ theo Điều 357 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì tại khoản 1 quy định “Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả” và tại khoản 2 quy định “Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này”. Nguyên đơn và bị đơn không có thỏa thuận về lãi suất phát sinh do chậm trả tiền nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả lãi suất phát sinh do chậm trả tiền là 10%/năm kể từ ngày chậm thanh toán (24/3/2017) đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 21/3/2019) là có căn cứ, đúng theo quy định tại Điều 357 và khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015 nên được Hội đồng xét xử chấp nhận. Như vậy, số tiền lãi được xác định như sau: 131.000.000 đồng x lãi suất 10%/năm x 01 năm 11 tháng 28 ngày = 26.127.224 đồng.

[9.2] Đối với số tiền vay 20.000.000 đồng theo biên nhận ngày 15/11/2016, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải chịu lãi suất chậm thanh toán theo quy định của pháp luật là 9%/năm tính từ ngày 24/3/2017. Hội đồng xét xử xét thấy, khi làm biên nhận nguyên đơn và bị đơn không có thỏa thuận thời gian trả nợ và lãi suất. Tuy nhiên, tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày là khi cho bị đơn mượn tiền có thỏa thuận bằng lời nói là cho bị đơn mượn tiền trong thời hạn 01 vụ lúa, khoảng 04 tháng. Theo Điều 471 của Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Tại khoản 1 Điều 474 của Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay thì “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” và tại khoản 4 của Điều 474 của Bộ luật này quy định “Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thỏa thuận”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 290 của Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì “Nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận” và tại khoản 2 Điều 290 của Bộ luật này quy định “Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Như vậy, theo các quy định nêu trên thì ngoài số tiền nợ gốc bị đơn phải trả cho nguyên đơn thì bị đơn còn phải trả lãi suất cho nguyên đơn theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định là 9%/năm tính từ ngày chậm trả là ngày 24/3/2017 cho đến ngày xét xử sơ thẩm là đúng quy định của pháp luật. Như vậy, số tiền lãi được xác định như sau: 20.000.000 đồng x lãi suất 9%/năm x 01 năm 11 tháng 28 ngày = 3.590.000 đồng.

[10] Tổng cộng số tiền nợ và lãi bị đơn phải trả cho nguyên đơn là: 180.717.224 đồng (một trăm tám mươi triệu bảy trăm mười bảy nghìn hai trăm hai mươi bốn đồng).

[11] Xét đề nghị của Kiểm sát viên về nội dung giải quyết vụ án là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[12] Về án phí dân sự sơ thẩm: Do chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, căn cứ vào khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án nên bị đơn ông Nguyễn Văn T phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 5% x 180.717.224 đồng = 9.035.861 đồng.

[13] Nguyên đơn ông Mai Hữu H1 không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, nguyên đơn được hoàn lại số tiền tạm ứng án phí, lệ phí đã nộp theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào:

- Khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 2 Điều 92; điểm b khoản 2 Điều 227; khoản 2 Điều 229 và khoản 1 Điều 244 của Bộ luật tố tụng dân sự;

- Điều 471; khoản 1, khoản 4 Điều 474 của Bộ luật dân sự năm 2005 và khoản 1 Điều 160; Điều 357; khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015;

- Khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Mai Hữu H1.

2. Xử buộc bị đơn ông Nguyễn Văn T phải trả cho nguyên đơn ông Mai Hữu H1 số tiền đặt cọc còn nợ theo hợp đồng ngày 04/10/2016 là 131.000.000 đồng và số tiền lãi do chậm thanh toán 26.127.224 đồng; số tiền vay vốn gốc 20.000.000 đồng và số tiền lãi do chậm thanh toán 3.590.000 đồng. Tổng cộng số tiền ông Nguyễn Văn T phải trả cho nguyên đơn ông Mai Hữu H1 là 180.717.224 đồng (một trăm tám mươi triệu bảy trăm mười bảy nghìn hai trăm hai mươi bốn đồng).

Khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày ông Mai Hữu H1 có đơn yêu cầu thi hành án thì hàng tháng ông Nguyễn Văn T còn phải trả lãi cho ông Mai Hữu H1 theo mức lãi suất 10%/năm đối với số tiền chậm thi hành án.

3. Về án phí:

3.1. Bị đơn ông Nguyễn Văn T phải chịu 9.035.861 đồng (chín triệu không trăm ba mươi lăm nghìn tám trăm sáu mươi mốt đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

3.2. Nguyên đơn không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm; hoàn trả cho nguyên đơn ông Mai Hữu H1 số tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án đã nộp 4.908.000 đồng (bốn triệu chín trăm lẻ tám nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2015/ Nọ 0007416 ngày 02 tháng 3 năm 2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện M, tỉnh Sóc Trăng.

4. Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử theo trình tự phúc thẩm.

5. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

306
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 03/2019/DS-ST ngày 21/03/2019 về tranh chấp đòi lại tài sản và tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:03/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Mỹ Tú - Sóc Trăng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 21/03/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về