Bản án 03/2017/DS-ST ngày 24/08/2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất rừng, yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản và hủy giấy chứng nhận quyền bảo vệ rừng và sử dụng đất rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 03/2017/DS-PT NGÀY 24/08/2017 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT RỪNG, YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN VÀ HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT QUYỀN BẢO VỆ RỪNG VÀ SỬ DỤNG ĐẤT RỪNG

Trong ngày 23, 24 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 01/2017/TLST- DS ngày 11 tháng 01 năm 2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất rừng, yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền bảo vệ rừng và sử dụng đất rừng theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 03/2017/QĐXXST-DS ngày 11 tháng 7 năm 2017; Quyết định Hoãn phiên tòa số 02/2017/QĐST-DS ngày 08/8/2017, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Bà Vương Thị T; sinh năm 1944; cư trú tại: Số nhà 109, tổ dân phố 22, phường H, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên.

2. Ông Vũ Duy C (tên gọi khác Võ Duy C); sinh năm 1937; cư trú tại: Số nhà 109, tổ dân phố 22, phường H, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Vũ Duy C: Bà Vương Thị T; cư trú tại: Số nhà 109, tổ dân phố 22, phường H, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên (Văn bản ủy quyền ngày 28/3/2016 tại Văn phòng công chứng X).

- Bị đơn: Anh Phạm Văn C; sinh năm 1973; cư trú tại: Số nhà 107, tổ dân phố 22, phường H, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ủy ban nhân dân thành phố Đ, tỉnh Điện Biên

Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Đức Đ; chức vụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đ, tỉnh Điện Biên.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Đức Đ: ông Nguyễn Xuân Q; chức vụ: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đ, tỉnh Điện Biên (Văn bản ủy quyền số 492/UBND-VP ngày 19/5/2017).

2. Chị Phạm Thị L; sinh năm 1965; cư trú tại: số nhà 72, tổ dân phố 7, phường N, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên.

3. Anh Phạm Văn H; sinh năm 1967; cư trú tại: số nhà 107, tổ dân phố 5, phường M, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên.

4. Chị Phạm Thị P; sinh năm 1969; cư trú tại: số nhà 15, tổ dân phố 10, phường T, thành phố L, tỉnh Lai Châu.

5. Chị Phạm Thị H; sinh năm 1971; cư trú tại: làng M, huyện S, tỉnh Lai Châu. 

- Người làm chứng:

1. Ông Lê Đức K; sinh năm 1941; cư trú tại: Số nhà 103, tổ dân phố 22, phường H, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên.

2. Anh Trần Văn Đ; sinh năm 1965; cư trú tại: tổ dân phố 9, phường H,thành phố Đ, tỉnh  Điện Biên.

(Bà T, anh C, anh H, chị L có mặt tại phiên tòa; ông Q, chị P, chị H vắng mặt có lý do; ông K, anh Đ vắng mặt không có lý do).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện và và trong quá trình giải quyết vụ án, bà Vương Thị T trình bày: Đầu năm 1983, gia đình bà T nhận chuyển nhượng đất từ gia đình ông C1, bao gồm đất ở và một phần diện tích đất đồi ở phía sau, không có nhà trên đất, mốc giới được xác định từ chân đồi (giáp đường dân sinh) kéo đến giữa lưng đồi và có vị trí tứ cận như sau: Phía Đông giáp đường dân sinh; Phía Tây giáp đồi hoang; Phía Nam giáp đất ở và đất đồi của gia đình ông Noãn; Phía Bắc giáp đất gia đình ông C1 (sau này ông C1 đã chuyển nhượng cho gia đình ông C2);

Khi nhà bà T nhận chuyển nhượng đất từ gia đình ông C1 thì trên phần đất đồi chỉ trồng sắn (lúc đó chưa có giao thông hào của bộ đội), toàn bộ khu đất phía sau phần đất đồi nhà ông N, ông C1 (tính từ lưng đồi lên đỉnh đồi) vẫn là đồi hoang. Từ năm 1983-1996, gia đình bà T đã san ủi đất để làm nhà, làm vườn, làm ao và khai phá đồi hoang phía sau nhà với diện tích khoảng 2000m2, phần đất đồi do gia đình bà T khai phá thêm tiếp giáp liền kề với diện tích đất đã nhận chuyển nhượng từ gia đình ông C1 kéo thẳng lên trên gần đỉnh đồi (sau này giáp giao thông hào của bộ đội đào năm 1996), có vị trí tiếp giáp như sau:

Phía Đông giáp với phần đất đã nhận chuyển nhượng của ông C1; Phía Tây giáp với giao thông hào của bộ đội; Phía Nam giáp với đất gia đình ông N, gia đình ông T, gia đình bà S; Phía Bắc giáp với đất đồi gia đình ông L - N, gia đình ông C1 (sau này chuyển cho ông C2).

Việc gia đình bà T khai hoang, ông N, bà T1 ông L tổ trưởng tổ dân phố đều biết (hiện ông N, bà T1, ông L đều đã chết). Trên phần đất đồi khai hoang, gia đình bà T trồng sắn, khoai, dứa để cung cấp lương thực cho gia đình.

Đầu năm 1984 thì bà T1 (vợ ông N) chết, gia đình ông N đã chôn cất bà T1 tại nghĩa trang Bản K. Đến khoảng năm 1990 -1991 thì gia đình ông N bốc mộ cho bà T1. Trước khi bốc mộ thì ông N và ông L có sang hỏi gia đình bà T được đặt nhờ phần mộ của bà T1 trên đất đồi của gia đình bà T để tiện cho việc hương khói (nhưng không có giấy tờ mà chỉ thỏa thuận miệng với nhau); Được sự đồng ý của gia đình bà T, mộ bà T1 đã được đưa về chôn tại phần đất đồi phía sau nhà ông N, đặt ngang hàng với phần mộ của bố mẹ bà T và thuộc phần đất do gia đình bà T khai hoang.

Đến tháng 7/1996, tổ công tác gồm đại diện phường H, tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ địa chính và cán bộ kiểm lâm đến kiểm tra thực địa đất đồi rừng tại khu phố, trong đó có gia đình ông bà C-T. Đến ngày 30/9/1996, UBND thị xã Đ (nay là thành phố Đ) ban hành Quyết định số 232-QĐ và Giấy chứng nhận quyền bảo vệ rừng và sử dụng đất rừng số 78 ngày 30/9/1996 giao cho gia đình ông bà C-T diện tích vườn rừng là 0,2 ha. Sau khi nhận quyết định giao vườn rừng và giấy chứng nhận, gia đình ông bà C-T không có khiếu nại, thắc mắc gì. Khi nhà nước xóa bỏ bao cấp, gia đình bà T đã chuyển sang trồng các cây lâu năm như: keo lá tràm, keo tai tượng, cây bạch đàn, cây trẩu và tre...đến nay vẫn còn 02 cây keo và 01 cây bạch đàn. Từ năm 2000 đến năm 2005, gia đình bà T trồng thêm khoảng 120 cây keo tai tượng. Từ năm 1983- 2010 giữa gia đình bà T và gia đình ông N sử dụng đất không xảy ra tranh chấp gì.

Đầu năm 2010, bà T thấy anh Phạm Văn C (con trai của ông bà N – T1) chặt cây keo tai tượng của gia đình bà T nên bà T đã bảo anh C không được chặt phá cây của gia đình bà, vì anh C không nghe nên bà T đã báo cho ông K là Bí thư chi bộ và là người chuyển nhượng đất cho gia đình ông N, nhưng không có ai lên kiểm tra và cũng không lập biên bản kiểm đếm số cây bị chặt phá. Từ năm 2010 đến đầu năm 2012, tổng số cây bị anh C chặt phá ước chừng khoảng 70 -80 cây.

Đến đầu năm 2012, bà T đã làm đơn đề nghị phố, phường giải quyết. Đại diện tổ hòa giải tổ dân phố và phường H đã tiến hành hòa giải và công bố tài liệu của hai gia đình, khi đó bà T mới biết gia đình ông Phạm Văn N cũng được cấp Giấy chứng nhận quyền bảo vệ rừng và sử dụng đất rừng với diện tích là 0,29ha; Kết quả hòa giải đã được thể hiện tại biên bản hòa giải ngày 25/02/2012.

Sau khi hòa giải, anh Phạm Văn C lại tiếp tục chặt khoảng 40-50 cây keo tai tượng do gia đình bà T trồng, hiện bây giờ chỉ còn khoảng 4-5 cây giáp với giao thông hào.

Không đồng ý với kết quả hòa giải, năm 2015 bà Thoa đã viết đơn lên UBND thành phố đề nghị giải quyết tranh chấp giữa gia đình bà và gia đình anh Phạm Văn C; bà T đã được hướng dẫn làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Đ để giải quyết theo thẩm quyền.

Đến cuối năm 2015, đầu năm 2016, bà T khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Đ yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai giữa hai gia đình. Đến tháng 8/2016, vì lý do sức khỏe nên bà T đã rút đơn khởi kiện; Tòa án nhân dân thành phố đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Sau khi ổn định sức khỏe, đến tháng 12/2016, bà T tiếp tục làm đơn khởi kiện đề nghị Tòa án tiếp tục giải quyết; bà T và ông đề nghị TAND thành phố Đ giải quyết:

1. Yêu cầu anh Phạm Văn C trả lại diện tích khoảng 1300m2 đất đồi rừng.

2. Buộc anh Phạm Văn C phải bồi thường giá trị của 120 cây keo tai tượng với giá trị khoảng 25.000.000 đồng.

3. Yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền bảo vệ rừng và sử dụng đất rừng ngày 30/9/1996 và Quyết định số 232-QĐ ngày 30/9/1996 do UBND thị xã Đ cấp cho gia đình ông Phạm Văn N vì sai diện tích đất.

Tại văn bản trả lời Thông báo thụ lý, Bản tự khai và trong quá trình giải quyết vụ án, anh Phạm Văn C trình bày: Năm 1981, gia đình ông N (bố của anh C) nhận chuyển nhượng nhà, đất ở và đất đồi của ông Lê Đức K; vị trí thửa đất: phía Đông giáp đường dân sinh; phía Tây giáp đất của bộ đội; phía Nam giáp đất nhà ông K cũ (nay là đất nhà ông bà T - L); phía Bắc giáp đất nhà ông C1 (nay là nhà bà T). Mốc giới của đất do các gia đình tự xác định, ông N đã trồng một hàng cây xoan và cây nong não từ khu đất phía chân đồi thẳng lên gần đỉnh đồi để xác định mốc giới với gia đình ông C1. Sau khi nhận chuyển nhượng đất từ gia đình ông K, gia đình ông N sử dụng đất ở và đất đồi ổn định, không tranh chấp với ai.

Đến năm 1983, ông C1 chuyển nhượng một phần diện tích đất (tiếp giáp với đất nhà ông N) cho gia đình ông bà C- T, khi gia đình bà T đến làm nhà thì gia đình ông N vẫn tiếp tục sử dụng diện tích đất đồi phía sau nhà ông N theo ranh giới cũ. Trên phần đất đồi (kéo lên đến giáp giao thông hào của bộ đội), gia đình ông N vẫn trồng sắn, dứa và các loại cây xoan, keo, bạch đàn, nong não, tre và không xảy ra tranh chấp gì. Năm 1984, bà T1 (mẹ của anh Phạm Văn C) mất và được gia đình mai táng ở Bản K; đến năm 1989, bố con anh C bốc mộ bà T1 và đưa về chôn cất tại phần đất đồi phía sau nhà (là phần đất gia đình ông N vẫn sử dụng ổn định từ năm 1981 đến năm 1989); giữa hai gia đình cũng không xảy ra tranh chấp gì.

Năm 1996, UBND thị xã Đ và Hạt Kiểm lâm phối hợp thực hiện việc giao rừng cho các hộ dân, phần đất đồi phía sau nhà ông N được quy hoạch là đất rừng. Gia đình ông N đã được cấp Giấy chứng nhận quyền bảo vệ rừng và sử dụng đất rừng, vào thời điểm đó, các hộ gia đình trong xóm cũng được cấp Giấy chứng nhận giống gia đình ông N. Trong Giấy chứng nhận đều ghi diện tích và vẽ sơ đồ vườn rừng các hộ được quản lý và sử dụng. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận, gia đình ông N và gia đình bà T vẫn tiếp tục sử dụng diện tích đất đồi phía sau nhà như khi chưa được cấp Giấy chứng nhận, không xảy ra tranh chấp gì.

Sau khi ông N và ông C1 qua đời, đến năm 2012, bà T và ông C khởi kiện yêu cầu anh Phạm Văn C phải trả phần diện tích đất phía sau nhà ông N tính từ lưng đồi lên đến giáp giao thông hào của bộ đội (là phần đất đặt mộ của bà T1). Ngày 25/02/2012, UBND phường H đã tiến hành hòa giải tranh chấp giữa hai gia đình. Tại buổi hòa giải, bà T và đại diện gia đình anh Phạm Văn C đã thống nhất: Biên giới của gia đình bà T và anh C được xác định: phía dưới tiếp giáp từ cây xoan nhà anh C kéo thẳng lên giáp giao thông hào của E82 và được đóng bằng cọc sắt phi 22 làm tim biên giới đất giữa hai gia đình; phía trên đường biên giới còn được vạch định cách đế phần mộ của bà T1 là 1,3m; kết quả hòa giải thành công, các gia đình tiếp tục sử dụng đất theo mốc giới đã được xác định trong Biên bản hòa giải của phường.

Năm 2016, ông bà C, T khởi kiện đòi 1.300m2 đất đồi rừng, anh Phạm Văn C không nhất trí vì diện tích đất ông bà C, T tranh chấp thuộc quyền quản lý, sử dụng của gia đình ông N từ năm 1981 cho đến nay.

Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại chặt phá cây với số tiền là 25 triệu đồng, anh Phạm Văn C không nhất trí vì anh C không chặt phá cây của gia đình ông bà C- T;

Đối với yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền bảo vệ rừng và sử dụng đất rừng và Quyết định số 232-QĐ của UBND thị xã Điện Biên Phủ cấp đất cho ông N; anh Phạm Văn C cũng không đồng ý vì Giấy tờ cấp đất thực hiện đúng trình tự đúng quy định, không phải Giấy tờ giả.

Do ông N đã chết, di sản thừa kế là quyền sử dụng đất chưa được phân chia, nên anh Phạm Văn C đề nghị đưa anh Phạm Mạnh H (anh trai của anh C) vào tham gia tố tụng, anh H đề nghị đưa chị Phạm Thị L, chị Phạm Thị P, chị Phạm Thị H (đều là con của ông N, bà T1) vào tham gia tố tụng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, anh Phạm Văn H, chị Phạm Thị L, Phạm Thị P, Phạm Thị H không đồng ý với yêu cầu đòi khoảng 1300m2 đất rừng của bà T vì gia đình ông N bà T1 đã sử dụng diện tích đất đang tranh chấp từ năm 1981 (trước khi gia đình bà T chuyển đến), từ năm 1981 đến năm 2012 gia đình ông N và anh C sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp với ai, năm 1996 đã được UBND thị xã Đ cấp Giấy chứng nhận quyền bảo về rừng và sử dụng đất rừng nên yêu cầu của bà T là không có căn cứ để chấp nhận; Đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là UBND thành phố Điện Biên Phủ có ý kiến tại văn bản số 621/UBND ngày 19/6/2017: Đối với yêu cầu của bà T và ông C về việc hủy giấy chứng nhận quyền bảo vệ rừng và sử dụng đất rừng số 77 ngày 30/9/1996 của UBND thị xã Đ, tỉnh Lai Châu (nay là thành phố Đ, tỉnh Điện Biên) đối với hộ ông Phạm Văn N và Quyết định số 232 ngày 30/9/1996 của UBND thị xã Đ, tỉnh Lai Châu đối với ông Phạm Văn N. Căn cứ Điều 5 Nghị định số 02-CP ngày 15/01/1994 thì gia đình ông N thuộc đối tượng được giao đất rừng. Xét về quá trình sử dụng đất, thì gia đình ông N đã tuân thủ đầy đủ các quy định tại Điều 40, 41 của Luật bảo vệ và phát triển rừng và cũng không thuộc đối đượng bị thu hồi đất theo quy định tại Điều 26 Luật đất đai năm 1993.

Việc cấp Giấy chứng nhận mang tên ông Phạm Văn N đã tuân thủ đúng quy định tại Nghị định số 02-CP, ngày 15/01/1994 của Chính phủ; thời hạn giao đất theo Nghị định là 50 năm nên yêu cầu của bà Vương Thị T về việc yêu cầu UBND thành phố hủy Giấy chứng nhận quyền bảo vệ rừng và sử dụng đất rừng số 77, quyết định số 232-QĐ ngày 30/9/1996 cấp cho ông Phạm Văn N là không có cơ sở.

Đối với ý kiến của bà T về sơ đồ thửa đất và diện tích đất rừng trong giấy chứng nhận quyền bảo vệ rừng cấp cho gia đình ông Phạm Văn N và ông Võ Duy C không đúng với thực tế sử dụng (sai diện tích). UBND thành phố có ý kiến như sau: Vào thời điểm năm 1996, khi triển khai việc cấp giấy chứng nhận, UBND thành phố đã thành lập tổ công tác đi kiểm tra hiện trạng sử dụng rừng và xác định mốc giới trên thực địa để làm căn cứ cấp giấy chứng nhận. Việc xác định mốc giới là do các hộ gia đình thực hiện, căn cứ vào mốc giới do ông C và ông N xác định, tổ công tác đã vẽ sơ đồ giải thửa trên giấy chứng nhận quyền bảo vệ rừng cấp cho các gia đình. Sau khi nhận giấy chứng nhận, gia đình ông C và ông N không có khiếu nại, kiến nghị gì.

Căn cứ vào Bản đồ giao rừng và đất lâm nghiệp lập năm 1996 và giấy chứng nhận quyền bảo vệ rừng của ông Vũ Duy C thì hình dạng thửa đất được thể hiện trên giấy chứng nhận của ông Vũ Duy C và thực tế hiện trạng sử dụng đất là giống nhau vì tại thời điểm giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình thuộc phố N2 đều được tính mốc từ phía sau nhà hất lên đỉnh đồi (đất đồi của nhà nào nhà đấy quản lý và giao nguyên hiện trạng).

Quy trình cấp đất lâm nghiệp tại thời điểm năm 1996, căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất rừng của các gia đình, căn cứ vào bản đồ giao đất rừng, chỉ tính diện tích bằng phương pháp thủ công như đo bằng thước dây và đếm ô ly trên giấy bóng mờ nên độ chính xác về diện tích là không cao.

Đối với sự biến động về diện tích thực tế so với diện tích trong Giấy chứng nhận, các hộ gia đình có quyền làm thủ tục đề nghị sửa đổi thông tin hoặc cấp đổi giấy chứng nhận mới cho phù hợp với diện tích sử dụng.

Ý kiến của ông Lê Đức K (là người chuyển nhượng đất cho gia đình ông N): Năm 1981, ông K chuyển nhượng đất cho gia đình ông N, mốc giới của diện tích đất chuyển nhượng được tính từ phần đất giáp đường kéo thẳng lên gần đỉnh đồi, giáp với giao thông hào của bộ đội (BL 65,66). Tại phiên xem xét thẩm định ngày 02/6/2017 (BL161-163) ông K đã xác định mốc giới diện tích đất chuyển nhượng năm 1981 và bảo lưu ý kiến đã trình bày.

Ý kiến của anh Trần Văn Đ (là con trai của ông Trần Văn C1 - người chuyển nhượng đất cho gia đình bà T): Gia đình ông C1 sinh sống tại tổ 22, H từ năm 1978, vào thời điểm đó các hộ gia đình tự phân chia đất để canh tác theo thỏa thuận, khuôn viên đất của các gia đình được xác định mốc từ chân đồi kéo thẳng lên giáp giao thông hào của bộ đội. Năm 1983, ông C1 đã chuyển nhượng một phần diện tích đất (giáp với nhà ông N) cho gia đình ông bà C- T bao gồm đất phần chân đồi kéo thẳng lên đỉnh đồi...gia đình ông N là người sử dụng đất ổn định, bao gồm phần đất phía chân đồi kéo thẳng lên giáp giao thông hào của bộ đội.

Anh Đ khẳng định: “Sơ đồ trong giấy chứng nhận quyền bảo vệ rừng và sử dụng đất rừng của gia đình ông Võ Duy C là phản ánh đúng hiện trạng phần đất của bố mẹ tôi chuyển nhượng cho ông bà C - T; khi chuyển nhượng đất, hai bên có vẽ sơ đồ diện tích đất chuyển nhượng có xác định mốc giới, ký giáp ranh giữa các nhà liền kề, sơ đồ do ông bà C - T giữ. Phần đất đồi phía sau nhà ông N kéo thẳng lên giao thông hào của bộ đội là đất của gia đình ông N” (BL78,79).

Quá trình giải quyết vụ án, bà T đã đề nghị thực hiện việc xem xét thẩm định tại chỗ để xác định diện tích đất đang tranh chấp. Tại phiên xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 02/6/2017 đã xác định: diện tích đất rừng do gia đình bà T đang quản lý theo Bản đồ giao đất rừng lập năm 1996 là 749,5m2, diện tích đất rừng của gia đình ông N là 1.509m2, diện tích đất rừng đang tranh chấp là 749,3m2 (nằm trong diện tích đất rừng của gia đình ông N).

Tại phiên tòa hôm nay, bà T rút yêu cầu khởi kiện đòi 1300m2 đất rừng và rút yêu cầu Hủy giấy chứng nhận số 77 cấp ngày 30/9/1996 và Quyết định số 232-QĐ ngày 30/9/1996 do UBND thị xã Đ cấp cho gia đình ông N. Bà T giữ nguyên yêu cầu khởi kiện buộc anh C phải bồi thường giá trị của 120 cây keo với số tiền là 25.000.000đ; đồng thời bà T bổ sung yêu cầu buộc anh C phải thanh toán tiền san lấp hố bom, công đánh đá và cải tạo đất rừng với số tiền là 5.000.000đ. Phía anh C; anh H và chị L không nhất trí bồi thường và trả tiền san lấp, cải tạo đất của bà T.

Đại diện VKSND tỉnh Điện Biên nhận xét quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán chủ tọa và những người tiến hành tố tụng đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và ý kiến của các đương sự tại phiên tòa, Kiểm sát viên đánh giá: bà T rút một phần yêu cầu khởi kiện khởi kiện tại phiên tòa nên đề nghị Đình chỉ việc xét xử đối với yêu cầu khởi kiện đã rút. Xét việc bà T yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng không chứng minh được việc bà trồng 120 cây keo trên diện tích đất có tranh chấp, không chứng minh được việc anh C chặt cây, gây thiệt hại cho gia đình bà nên yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền 25.000.000đ của bà T không có căn cứ để chấp nhận; đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu khởi kiện của bà T.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, căn cứ vào diễn biến của phiên tòa và quá trình xét hỏi công khai tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thấy rằng:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Bà Vương Thị T và ông Vũ Duy C có đơn khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Đ, giải quyết việc tranh chấp quyền sử dụng đất rừng; yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản; yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền bảo vệ rừng và sử dụng đất rừng và Quyết định số 232-QĐ ngày 30/9/1996 do UBND thị xã Đ cấp cho gia đình ông Phạm Văn N, theo quy định tại khoản 9, khoản 6 Điều 28, Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 30, khoản 4 Điều 32 của Luật tố tụng hành chính thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên. Vì vậy ngày 10/01/2017, Tòa án nhân dân thành phố Đ đã ban hành Quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên để giải quyết theo thẩm quyền.

[1.2] Trong quá trình giải quyết vụ án, anh Phạm Văn C đề nghị đưa anh Phạm Văn H (anh trai của anh C) vào tham gia tố tụng, anh H đề nghị đưa chị Phạm Thị L, chị Phạm Thị P, chị Phạm Thị H (đều là con của ông N, bà T1) vào tham gia tố tụng. Xét thấy ông N chết năm 2005, di sản thừa kế là quyền sử dụng đất chưa được phân chia, việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của các anh, chị, em của anh C nên Tòa án chấp nhận yêu cầu, đưa anh H, chị L, chị P, chị H vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

[1.3] Tại phiên tòa, bà T rút yêu cầu khởi kiện đòi 1300m2 đất rừng và rút yêu cầu Hủy giấy chứng nhận số 77 cấp ngày 30/9/1996 và Quyết định số 232- QĐ ngày 30/9/1996 do UBND thị xã Đ cấp cho gia đình ông Phạm Văn N. Xét thấy việc rút yêu cầu khởi kiện của bà T là tự nguyện, được bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chấp nhận. Hội đồng xét xử căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự; điểm b khoản 1 Điều 143 Luật tố tụng hành chính, chấp nhận cho bà T rút một phần yêu cầu khởi kiện và đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện buộc anh C trả lại 1300m2 đất rừng và yêu cầu Hủy giấy chứng nhận số 77 cấp ngày 30/9/1996 và Quyết định số 232-QĐ ngày 30/9/1996 do UBND thị xã Đ cấp cho gia đình ông Phạm Văn N; Nếu sau này ông C, bà T khởi kiện lại và thời hiệu khởi kiện vẫn còn thì sẽ giải quyết bằng vụ án khác.

[1.4] Việc bà T bổ sung yêu cầu khởi kiện buộc anh C phải thanh toán tiền san lấp hố bom, công đánh đá và cải tạo đất rừng với số tiền là 5.000.000đ là vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, theo quy định tại khoản 1 Điều 244/BLTTDS, Hội đồng xét xử không chấp nhận việc bổ sung yêu cầu khởi kiện của bà T tại phiên tòa; Bà T có quyền khởi kiện anh C đối với yêu cầu này trong vụ án độc lập khác.

[2] Xét nội dung khởi kiện: ông C, bà T yêu cầu anh Phạm Văn C phải bồi thường thiệt hại là 25 triệu đồng tương ứng với số lượng 120 cây keo anh C đã chặt của gia đình bà T, Hội đồng xét xử thấy rằng:

[2.1] Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bà T khai từ năm 1993-2005, bà T đã trồng khoảng 120 cây keo tai tượng trên diện tích đất đồi phía sau nhà ông Phạm Văn N (là phần đất đồi do gia đình bà T khai hoang). Số cây này đang sinh trưởng thì bị anh C chặt từ năm 2010-2012 gây thiệt hại về tài sản cho gia đình bà T

Căn cứ vào lời khai của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và hàng xóm của gia đình ông N, bà T, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ thu thập được (tại các BL 63, 64, 65, 66, 78, 79, 82, 83, 88) và giấy chứng nhận quyền bảo vệ rừng và sử dụng đất rừng số 77, 78 (BL 05, 37), Hội đồng xét xử thấy có đủ căn cứ kết luận: diện tích đất đồi phía sau nhà ông N nằm trong diện tích đất do gia đình ông N nhận chuyển nhượng từ gia đình ông K và sử dụng ổn định từ năm 1981 từ trước khi gia đình bà T chuyển đến. Từ năm 1983-2005, gia đình ông N và gia đình bà T sử dụng đất ổn định không có tranh chấp gì. Năm 1996, diện tích đất rừng của hai gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận, trong đó có vẽ sơ đồ thửa đất, sau khi nhận giấy ông C bà T không có ý kiến khiếu nại, thắc mắc gì, điều đó cho thấy sơ đồ vẽ hình thù thửa đất trong Giấy chứng nhận quyền bảo vệ rừng và sử dụng đất rừng là đúng với hiện trạng sử dụng đất rừng của các gia đình tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền bảo vệ rừng và sử dụng đất rừng; gia đình ông N sử dụng đất ổn định, công khai, liên tục trong thời gian dài và được cấp Giấy CNQSD đất nên theo quy định tại khoản 1 Điều 2, Điều 3, Điều 52, Điều 54, Điều 73 Luật đất đai năm 1993 và Điều 690 Bộ luật Dân sự năm 1995 có đủ cơ sở khẳng định diện tích đất đồi phía sau nhà ông N thuộc quyền quản lý và sử dụng của gia đình ông N, không phải là đất do gia đình bà T khai hoang .

Bà T khai đã thực hiện việc trồng cây trên phần đất đồi ở phía sau nhà ông N nhưng không đưa ra được chứng cứ về việc trồng cây, không đưa ra được tài liệu gì chứng minh việc anh Phạm Văn C chặt cây, gây thiệt hại cho nhà bà. Phía anh C khẳng định bà T không thực hiện việc trồng cây trên diện tích đất rừng của gia đình anh, anh C không được chặt cây do bà T trồng. Theo quy định tại Điều 604, 608 Bộ luật dân sự 2005 và khoản 1, khoản 4 Điều 91, 93 Bộ luật tố tụng dân sự thì yêu cầu khởi kiện của ông C bà T không được Tòa án chấp nhận.

{3} Xét thấy ý kiến của anh Phạm Văn C và Kiểm sát viên về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại của ông C, bà T là có căn cứ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

{4}Về chi phí tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án, bà T đề nghị Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với diện tích đất đang tranh chấp; Tòa án đã ra Quyết định xem xét thẩm định tại chỗ và mời các cơ quan chức năng tham gia thẩm định; bà T tạm ứng số tiền là 2.500.000đ. Căn cứ vào kết quả xem xét thẩm định và bảng kê thanh toán cho thấy tổng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ là 2.000.000đ (BL163B). Do yêu cầu khởi kiện của ông C, bà T không được Tòa án chấp nhận nên ông C, bà T phải chịu số tiền chi phí tố tụng là 2.000.000đ, mỗi người phải chịu 1.000.000đ; ông C, bà T được trả lại số tiền 500.000đ theo quy định tại khoản 1 Điều 157; khoản 2 Điều 158 /BLTTDS (bà T đã nhận đủ số tiền 500.000đ - BL163C).

{5} Về án phí:

Tại phiên tòa, Bà T rút yêu cầu khởi kiện buộc anh C trả lại 1300m2 đất rừng và yêu cầu Hủy giấy chứng nhận số 77 cấp ngày 30/9/1996 và Quyết định số 232-QĐ ngày 30/9/1996 do UBND thị xã Đ cấp cho gia đình ông Phạm Văn N và được Tòa án chấp nhận, theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 144 Luật tố tụng hành chính; khoản 1 Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016; khoản 1, khoản 3 Điều 17, Điều 34Pháp lệnh số 10 về án phí, lệ phí Tòa án ngày 27/2/2009 thì ông C, bà T  không phải chịu 200.000đ án phí dân sự sơ thẩm và 200.000đ án phí hành chính sơ thẩm.

Đối với yêu cầu khởi kiện của ông Vũ Duy C và bà Vương Thị Thoa buộc anh Cường phải bồi thường thiệt hại số tiền 25 triệu đồng do chặt phá cây không được chấp nhận nên theo quy định tại khoản 3 Điều 24, khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh số 10 về án phí, lệ phí Tòa án ngày 27/2/2009 thì ông C, bà T phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là: 25.000.000đ x 5%= 1.250.000đ.

Tuy nhiên, ông C, bà T là người có công với cách mạng được nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương, bà T đã có đơn xin miễn án phí nên theo quy định tại khoản 1 Điều 11, khoản 5 Điều 16 Pháp lệnh số 10/0009/UBTVQH12 về án phí, lệ phí Tòa án ngày 27/2/2009, Hội đồng xét xử chấp nhận miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch cho ông C và bà T;

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 217, khoản 1 Điều 147; khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự; điểm b khoản 1 Điều 143 Luật tố tụng hành chính; Điều 604, 608 Bộ luật dân sự 2005 và khoản 1, khoản 4 Điều 91, 93, khoản 1 Điều 157 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; khoản 1, khoản 3 Điều 17, Điều 34, khoản 3 Điều 24, khoản 1 Điều 27, khoản 1 Điều 11, khoản 5 Điều 16 Pháp lệnh số 10 về án phí, lệ phí Tòa án ngày 27/2/2009:

Tuyên xử:

1. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của ông Vũ Duy C và bà Vương Thị T buộc anh Phạm Văn C trả lại diện tích khoảng 1300m2  đất đồi rừng và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền bảo vệ rừng và sử dụng đất rừng  ngày 30/9/1996 và Quyết định số 232-QĐ ngày 30/9/1996 do UBND thị xã Đ cấp cho gia đình ông Phạm Văn N; nếu có tranh chấp thì có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Vương Thị T và ông Võ Duy C (tên gọi khác là Vũ Duy C) đối với anh Phạm Văn C về việc buộc anh Phạm Văn C bồi thường số tiền 25.000.000đ.

3. Chi phí tố tụng:

Buộc ông C, bà T phải chịu 2.000.000đ tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ theo kỷ phần 1.000.000đ/ người (ông C, bà T đã nộp đủ tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ).

4. Về án phí:

- Miễn toàn bộ án phí DSST có giá ngạch cho ông C và bà T.

- Bà T và ông C không phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm và tiền án phí hành chính sơ thẩm.

- Trả lại cho bà T số tiền tạm ứng án phí đã nộp là: 1.252.000đ (một triệu hai trăm năm hai nghìn đồng) tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Đ theo Biên lai số AA/2016/0001243 ngày 23/12/2016.

Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 24/8/2017); đương sự vắng mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

460
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 03/2017/DS-ST ngày 24/08/2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất rừng, yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản và hủy giấy chứng nhận quyền bảo vệ rừng và sử dụng đất rừng

Số hiệu:03/2017/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Điện Biên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 24/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về