Bản án về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải số 02/2017/LĐ-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 02/2017/LĐ-PT  NGÀY 26/07/2017 VỀ TRANH CHẤP XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG THEO HÌNH THỨC SA THẢI 

Ngày 26 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 03/2017/TLPT- LĐ ngày 05/6/2017 về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải.

Do bản án lao động sơ thẩm số 01/2017/LĐ-ST ngày 13/3/2017 của Toà án nhân dân huyện An Dương, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 487/2017/QĐPT-LĐ ngày 05/7/2017 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Anh Đặng Anh T cư trú tại đường L, phường L, quận N, thành phố Hải Phòng; có mặt.

2. Bị đơn: Công ty Cổ phần TS có trụ sở tại đại lộ T, xã A, huyện A, thành phố Hải Phòng.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Đoàn Văn Q trú tại thôn Vân Tra, xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn (văn bản uỷ quyền ngày 05/8/2016 của Giám đốc Công ty Cổ phần TS); có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Bà Nguyễn Thị N, luật sư của Công ty Luật TNHH MTV Nguyễn Thị N; có mặt.

3. Người kháng cáo: Công ty Cổ phần TS là bị đơn.

4. Viện kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 23/3/2015 và các lời khai của nguyên đơn anh Đặng Anh T trình bày:

Ngày 15/3/2010, anh T được Công ty Cổ phần TS ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với công việc nhân viên quản trị mạng.

Ngày 19/12/2013, Công ty ban hành Quyết định 351/QĐ-TGĐ điều chuyển anh đến làm việc tại Tổ Thí nghiệm thuộc phòng Kỹ thuật kể từ ngày 23/12/2013 với công việc kiểm nghiệm hóa chất. Công việc này trái với chuyên môn nhưng anh vẫn chấp hành quyết định điều chuyển. Sau hơn hai tháng làm việc tại Tổ Thí nghiệm không đáp ứng được chuyên môn, Tổ Thí nghiệm trả anh về Phòng Tổ chức.

Ngày 03/3/2014 Công ty ra Quyết định số 38/QĐ-TGĐ ngày điều động anh đến làm việc tại phân xưởng lắp ắc quy. Anh T cũng chấp hành Quyết định điều động làm công việc mới từ ngày 05/3/2014 đến hết ngày 28/3/2014.

Cùng ngày 28/3/2014, anh T viết đơn đề nghị Công ty ra Quyết định cho anh làm đúng với công việc và địa điểm theo Hợp đồng lao động nhưng Công ty yêu cầu anh phải thực hiện đúng khoản 2 Điều 3 và khoản 2 Điều 4 của Hợp đồng, tuân thủ sự điều chuyển của Công ty. Vì vậy, anh T đã nghỉ việc từ ngày 29/3/2014.

Ngày 14/4/2014, Công ty ra Quyết định sa thải số 83/QĐ-ST anh với lý do vi phạm nội quy lao động, vi phạm hợp đồng lao động (nghỉ không lý do quá số ngày quy định) và thu phí đào tạo của anh.

Không đồng ý với Quyết định sa thải nên ngày 25/3/2015 anh T đã có đơn khởi kiện Công ty.

Quá trình Tòa án giải quyết, ngày 13/01/2017 và tại phiên tòa sơ thẩm, anh T yêu cầu:

- Hủy Quyết định sa thải số 83/QĐ-ST ngày 14/4/2014;

- Hoàn trả tiền phí đào tạo 3.000.000đ cùng lãi suất không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định;

- Trả tiền lương trong những ngày không được làm việc từ ngày 14/4/2014 đến ngày Tòa án xét xử với mức lương chính là 3.047.500đ/tháng (1.150.000đ x2,65);

- Thanh toán tiền bảo hiểm xã hội từ tháng 4/2014 đến hết tháng 10/2014.

Bị đơn Công ty Cổ phần TS trình bày:

Công ty TS và anh Đặng Anh T có ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn số 72/HĐLĐ với công việc là nhân viên quản trị mạng. Do Phòng kế hoạch Vật tư không còn nhu cầu sử dụng công viêc của anh T nên anh T chấp nhận để Công ty bố trí công việc khác ở Phòng Kỹ thuật từ ngày 23/12/2013.

Đến ngày 24/02/2014, Phòng Kỹ thuật có văn bản đề nghị trả anh T về Phòng Tổ chức do không đáp ứng được công việc.

Ngày 04/3/2014, Công ty điều động anh T đến làm việc tại tổ nạp điện ắc quy kín khí, anh T vẫn chấp hành.

Ngày 28/3/2014 anh T có đơn đề nghị Công ty bố trí trở về công việc theo hợp đồng. Do công việc của anh T theo hợp đồng không còn trong danh mục bố trí lao động nên Công ty đã có văn bản trả lời và yêu cầu anh T tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được phân công. Từ ngày 02/4/2014, anh T nghỉ việc không có lý do chính đáng, không báo cáo Công ty.

Ngày 14/4/2014, Công ty đã họp xử lý vi phạm kỷ luật lao động và cùng ngày ra Quyết định sa thải đối với anh T do vi phạm nội quy lao động và vi phạm hợp đồng lao động, nghỉ không lý do quá số ngày quy định.

Với những yêu cầu khởi kiện của anh T, Công ty không đồng ý mà chỉ chấp nhận trả lại cho anh T 3.000.000 đồng chi phí đào tạo.

Tại bản án sơ thẩm số 01/2017/LĐ-ST ngày 13 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện An Dương, thành phố Hải Phòng đã quyết định:

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 32, các Điều 147, 205, 209 và 227 của Bộ luật Tố tụng Dân sự; Điều 305 của Bộ luật Dân sự; Điều 6, 42, 123, 126 của Bộ luật Lao động; Điều 5, 11 và 27 của Pháp lệnh lệ phí, án phí Tòa án; Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu , miễn, giảm, thu , nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án;

1.Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Tuyên bố việc kỷ luật lao động với hình thức sa thải của Công ty Cổ phần TS đối với anh Đặng Anh T là trái pháp luật. Buộc Công ty Công ty Cổ phần TS phải trả cho anh T tiền lương những ngày không được làm việc là 19.808.750 đồng và 3.000.000 đồng tiền phí đào tạo. Tổng cộng là 22.808.750 đồng.

2. Bác yêu cầu của anh Đặng Anh T về việc buộc Công ty Cổ phần TS phải trả tiền lương những ngày không được làm việc từ ngày 01/11/2014 đến ngày Tòa án xét xử sơ thẩm.

3. Buộc Công ty Cổ phần TS có trách nhiệm trích nộp tiền Bảo hiểm và người lao động là anh T có nghĩa vụ trích nộp tiền Bảo hiểm từ tháng 4/2014 đến tháng10/2014 theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 27 tháng 3 năm 2017, Công ty Cổ phần TS kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc thẩm:

1. Công nhận Quyết định số 83/QĐ-TGĐ này 14/4/2014 của Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TS về việc sa thải anh Đặng Anh T là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật.

2. Yêu cầu anh Đặng Anh T phải thực hiện bồi thường thiệt hại cho Công ty Cổ phần TS theo Quyết định số 102/QĐ-TGĐ ngày 29/4/2014 của Công ty và một số chi phí khác do sai phạm gây ra.

Ngày 03/4/2017, anh T kháng cáo một phần bản án sơ thẩm do án sơ thẩm bác yêu cầu thanh toán tiền lương từ ngày 01/11/2014 đến ngày Tòa án cấp sơ thẩm xét xử 13/3/2017.

Ngày 27 tháng 3 năm 2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện An Dương, thành phố Hải Phòng có Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/KNPT-LĐ kháng nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Buộc Công ty Cổ phần TS thanh toán tiền lương cho anh Đặng Anh T từ ngày 15/4/2014 đến ngày xét xử là ngày 13/3/2014.

Đối với kháng cáo của anh T: Ngày 22/5/2017, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng có Quyết định không chấp nhận do kháng cáo của anh Đặng Anh T là quá hạn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tại phiên toà phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; bị đơn giữ nguyên kháng cáo; các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.Viện kiểm sát giữ nguyên kháng nghị.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày quan điểm:

Quyết định sa thải số 83/QĐ-TGĐ được Công ty Cổ phần TS bà hành ngày14/4/2014. Anh T khai tại phiên tòa phúc thẩm, anh nhận được Quyết định này do quản đốc phân xưởng Ắc quy gửi cho anh vào ngày 16/4/2014. Nhưng đến ngày 28/5/2015, anh T mới gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện An Dương, có đóng dấu đơn đến số 01 ngày 28/5/2015. Tuy nhiên, trong sổ đơn đến của Tòa án nhân dân huyện An Dương lại ghi đơn của anh T đến số 38 ngày 25/3/2015 là ghi không đúng ngày nộp đơn khởi kiện của anh T, thực hiện không đúng quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 07/2012/TT-BNV ngày 22/11/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn quản lý văn bản, lập hồ sơ, tài liệu và lưu trữ cơ quan. Mặt khác, Giấy báo nhận đơn khởi kiện của Tòa án nhân dân huyện An Dương đã xác nhận ngày nhận đơn khởi kiện của anh T là ngày 28/5/2015. Biên bản giao nhận Giấy báo nhận đơn khởi kiện của anh T cũng được lập vào ngày 28/5/2015.

Như vậy, Đơn khởi kiện của anh T đối với Công ty Cổ phần TS được nộp tại Tòa án nhân dân huyện An Dương vào ngày 28/5/2015 đã hết thời hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 202 của Bộ luật Lao động. Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ giải quyết vụ án vì thời hiệu khởi kiện vụ án đã hết.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày bổ sung:

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên Quyết định số 83/QĐ-TGĐ này 14/4/2014 của Công ty Cổ phần TS sa thải anh Đặng Anh T là trái pháp luật là không đúng, vì: Anh T đã vi phạm khoản 2 Điều 4 của Hợp đồng lao động, không tuân thủ sự bố trí, sắp xếp, điều chuyển công việc khác với hợp đồng của Công ty.

Việc anh T yêu cầu được bố trí làm công việc theo hợp đồng là không thể thực hiện được vì công việc đó ở Công ty không còn. Công ty đã bố trí công việc khác phù hợp với năng lực, anh T đã chấp thuận nên việc điều chuyển đó không còn là công việc tạm thời. Do đó từ ngày 02/4/2014 đến ngày 14/4/2014 anh T nghỉ việc là đã tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng. Căn cứ khoản 2 Điều 3 của Nội quy Lao động và khoản 3 Điều 126 của Bộ luật Lao động, việc nghỉ việc của anh T bị xử lý kỷ luật sa thải.

Về trình tự xử lý kỷ luật, Công ty 03 lần ra thông báo mời anh T đến họp xử lý kỷ luật lao động nhưng Công ty không gửi được thông báo mời họp cho anh T. Do không thể tìm được anh T và thời hiệu xử lý kỷ luật có thời hạn, do vậy Công ty vẫn tiến hành họp xét kỷ luật vắng mặt anh T.

Việc anh T tự ý bỏ việc không có lý do đã gây thiệt hại lớn kinh tế cho Công ty khi khách hàng phạt vì chậm giao hàng, hủy các đơn hàng đã ký, mất cơ hội bán hàng. Công ty xác định thiệt hại và yêu cầu anh T phải bồi thường là 329.135.000 đồng. Yêu cầu của Công ty đối với anh T bồi thường thiệt hại chưa được Tòa án nhân dân huyện An Dương xem xét, giải quyết.

Anh T trình bày quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình:

Ngày 23/3/2015, anh làm đơn khởi kiện và đã nộp đơn tại Tòa án nhân dân huyện An Dương vào ngày 25/3/2015, và đã được Tòa án nhân dân huyện An Dương xác nhận lại cho anh ngày anh nộp đơn khởi kiện là ngày 25/3/2015.

Bản án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của anh khởi kiện của anh nhưng chỉ buộc Công ty Cổ phần TS thanh toán tiền lương cho anh từ ngày 01/11/2014 đến ngày 31/10/2014 là còn thiếu. Vì khi Tòa án xét xử sơ thẩm ngày 13/3/2017 thì hợp đồng lao động của anh với Công ty chưa chấm dứt nên thời gian anh không được làm việc phải được trả lương đến ngày Tòa án xét xử. Do đơn kháng cáo của anh quá hạn nên không được cấp phúc thẩm chấp chấp nhận là đúng. Anh vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện Công ty sa thải anh trái pháp luật.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

Thẩm phán, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đa chấp hành đúng cac quy đinh của Bộ luật Tố tụng dân sự, các đương sự đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ, tham gia phiên tòa theo đúng các quy dịnh của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về kháng cáo của bị đơn:

Công ty Cổ phần TS tổ chức họp quyết định sa thải anh T mà không có mặt anh T là vi phạm nguyên tắc trình tự xử lý kỷ luật lao động được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Lao động. Công ty đưa lý do thời hiệu xử lý kỷ luật lao động sắp hết nhưng anh T nghỉ việc từ ngày 02/4/2014 đến ngày14/4/2014, Công ty đã ra Quyết định sa thải khi thời hiệu xử lý kỷ luật theo Điều 124 của Bộ luật Lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm kỷ luật.

Đối với yêu cầu buộc anh T phải bồi thường thiệt hại cho Công ty nhưng khi xét xử sơ thẩm, bị đơn không có yêu cầu phản tố. Đến khi kháng cáo bị đơn mới yêu cầu nên không xem xét.

Về thời hiệu: Công ty xác nhận đã gửi Quyết định sa thải cho anh T vào ngày22/4/2014. Theo tài liệu mà tòa án cấp phúc thẩm thu thập được thì sổ nhận đơn của Tòa án nhân dân huyện An Dương đã ghi ngày nhận đơn 25/3/2015 và bản tường trình của Thẩm phán Tòa án huyện An Dương cũng thể hiện nội dung tương tự như vậy nên có căn cứ xác định kể từ ngày anh T nhận Quyết định sa thải 22/4/2014 đến ngày anh T nộp đơn khởi kiện 25/3/2015 là còn thời hiệu theo quy định của Bộ luật Lao động.

Về kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện An Dương:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 của Bộ luật Lao dộng quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động thì những ngày người lao động không được làm việc là không được làm việc theo hợp đồng lao động. Do Quyết định sa thải của Công ty Cổ phần TS trái pháp luật nên trong thời gian đó anh T vẫn được coi là người lao động của Công ty và Công ty phải có trách nhiệm trả lương và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn; chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện An Dương, sửa một phần bản án sơ thẩm số 01/2017/LĐ-ST ngày 13/3/2017 của Tòa án nhân dân huyện An Dương theo hướng phân tích trên.

Căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ vụ án và sau khi tranh tụng công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy:

[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp:

Ngày 14 tháng 4 năm 2014, Công ty Cổ phần TS có Quyết định sa thải số 83/QĐ-TGĐ đối với anh Đặng Anh T với lý do “vi phạm Nội quy lao động của Công ty, vi phạm Hợp đồng đào tạo đã ký kết (nghỉ không có lý do quá số ngày quy định)”. Vì vậy, bản án sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật có tranh chấp về xửlý kỷ luật theo hình thức sa thải là đúng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

[2] Về thời hiệu:

Ngày 21/6/2017 và tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn có đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về thời hiệu khởi kiện vụ án, thấy rằng: 

Công ty Cổ phần TS xác nhận vào ngày 22/4/2014 anh T nhận được Quyết định sa thải số 83/QĐ-TGĐ ngày 14/4/2014 của Công ty.

Tại đơn khởi kiện đề ngày 23/3/2015 của anh T viết và anh T nộp đơn khởi kiện đếnTòa án nhân dân huyện An Dương vào ngày 25 tháng 3 năm 2015.

Đơn khởi kiện của anh T và Giấy báo nhận đơn khởi kiện của Tòa án nhân dân huyện An Dương ghi nhận đơn ngày 28/5/2015. Nhưng đã được Tòa án nhân dân huyện An Dương xác nhận trong Sổ thụ lý đơn của Tòa án nhân dân huyện An Dương, ghi nhận đơn khởi kiện của anh T được nhận ngày 25/3/2015, số thứ tụ 38. Việc ghi ngày nhận đơn và Giấy báo nhận đơn ngày 28/5/2015 là do nhầm lẫn của Thẩm phán được giao giải quyết vụ án. Vì vậy xác định ngày anh T nộp đơn khởi kiện tại Tòa án là ngày 25/3/2015, nên thời hiệu khởi kiện vụ án là đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 202 của Bộ luật Lao động.

[3] Xét các yêu cầu kháng cáo của Công ty Cổ phần TS:

3.1.Yêu cầu công nhận Quyết định sa thải của Công ty đối với anh Đặng AnhT là đúng, thấy rằng:

Về căn cứ sa thải: Quá trình làm việc, do nhu cầu sản xuất kinh doanh Công ty đã ra các Quyết định số 351/QĐ-TGĐ ngày 19/12/2013, Quyết định số 38/QĐ- TGĐ ngày 03/3/2014 điều động anh T làm công việc khác so với công việc trong hợp đồng lao động đã ký kết. Các Quyết định điều động này Công ty đều không nêu rõ thời hạn điều chuyển cụ thể là không đúng với khoản 2 Điều 31 của Bộ luật Lao động. Anh T thực hiện hai quyết định trên là chấp hành sự điều động của Công ty nhưng đồng thời có đơn đề nghị Công ty cho anh trở về công việc và địa điểm làm việc theo hợp đồng đã ký. Công ty cho rằng anh T thực hiện các quyết định điều chuyển của Công ty là chấp nhận thay đổi công việc theo hợp đồng là không đúng. Vì vậy khi anh T có đơn yêu cầu và xin nghỉ theo khoản 1 Điều 98 của Bộ luật Lao động, Công ty yêu cầu anh T chấp hành các thỏa thuận trong Hợp đồng đã ký, làm công việc theo sự điều chuyển từ ngày 02/4/2014 là không đúng với công việc theo hợp đồng đã ký. Anh T không thực hiện quyết định số 38/QĐ-TGĐ và nghỉ làm là có lý do chính đáng, không vi phạm Khoản 3 Điều 126 của Bộ luật Lao động.

Về trình tự thủ tục xử lý kỷ luật sa thải của Công ty: Công ty nêu có 03 thông báo mời họp xử lý kỷ luật anh T nhưng không có căn cứ chứng minh. Do đó việc xử lý kỷ luật anh T, Công ty không gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho anh T nên anh T không được tham dự cuộc họp là Công ty vi phạm điểm c khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Lao động.

Như vậy việc Công ty tiến hành xử lý kỷ luật vi phạm lao động, lập biên bản xử lý vi phạm bằng hình thức sa thải ngày 14 /4/2014 đối với anh T là không có căn cứ và vi phạm các quy định tại Điều 123 của Bộ luật Lao động.

Bản án sơ thẩm xác định Quyết định sa thải số 83/QĐ-TGĐ ngày 14 tháng 4 năm 2014 của Công ty Cổ phần TS đối với anh T trái pháp luật và tuyên hủy quyết định sa thải này là có căn cứ. Công ty kháng cáo đề nghị công nhận quyết định sa thải anh T đúng pháp luật là không có căn cứ chấp nhận.

3.2. Kháng cáo về yêu cầu anh Đặng Anh T phải thực hiện bồi thường thiệt hại và một số chi phí khác cho Công ty Cổ phần TS do tự ý nghỉ việc gây nên, thấy rằng: Tại Tòa án cấp sơ thẩm, Công ty Cổ phần TS không có yêu cầu phản tố, không có căn cứ xác định anh T gây thiệt hại do nghỉ việc gây nên. Vì vậy cấp phúc thẩm không xem xét nội dung kháng cáo này của Công ty.

[4] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện An Dương, thành phố Hải Phòng về buộc Công ty Cổ phần TS thanh toán tiền lương cho anh T từ ngày 15/4/2014 đến ngày xét xử sơ thẩm 13/3/2017, thấy rằng:

Anh T làm việc tại Công ty Cổ phần TS theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 của Bộ luật Lao động, khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã ký kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc.

Đến thời điểm Tòa án sơ thẩm xét xử, hợp đồng lao động ký giữa hai bên vẫn còn hiệu lực, thời gian anh T không được làm việc phải được xác định từ ngày Công ty ra quyết định sa thải. Do vậy, anh T yêu cầu Tòa án buộc Công ty phải thanh toán tiền lương trong những ngày anh không được làm việc từ ngày 15/4/2014 đến ngày xét xử 13/3/2017 là đúng. Bản án sơ thẩm chỉ chấp nhận yêu cầu anh T đòi tiền lương từ ngày 15/4/2014 đến ngày 30/10/2014 với số tiền19.808.750 đồng là còn thiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 42 của Bộ luật Lao động.

Vì vậy kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện An Dương là có căn cứ chấp nhận, sửa một phần bản án sơ thẩm, buộc Công ty phải trả tiền lương cho anh T trong thời gian không được làm việc do quyết định sa thải trái pháp luật của Công ty (từ ngày 15/4/2014 đến ngày xét xử sơ thẩm 13/3/2017) là:35 tháng x 3.0475.500đồng = 106.459.333đồng.

Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị được giữ nguyên.

[5] Án phí sơ thẩm: Do sửa một phần bản án sơ thẩm về nghĩa vụ thanh toán tiền lương của Công ty nên Hội đồng xét xử phúc thẩm tính lại án phí sơ thẩm Công ty phải chịu theo quy định.

[6] Án phí phúc thẩm: Do sửa một phần bản án sơ thẩm nên Công ty Cổ phần TS không phải chịu án phí lao động phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 32, khoản 1 Điều 147, khoản 1, 2 Điều 148, khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ vào Điều 42, Điều 123, Điều 125, Điều 126 của Bộ luật Lao động;

Căn cứ Điều 48 của Nghị định số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu , miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án;

Căn cứ vào khoản 1, 2 Điều 27, khoản 1, 2 Điều 30 của Pháp lệnh lệ phí, án phí Tòa án.

[1] Không chấp nhận kháng cáo của Công ty Cổ phần TS.

[2] Chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, sửa một phần bản án sơ thẩm:

Buộc Công ty Cổ phần TS phải trả cho anh Đặng Anh T tiền lương trong những ngày không được làm việc từ ngày 15/4/2014 đến ngày xét xử sơ thẩm13/3/2017 là: 106.459.333đồng và tiền phí đào tạo 3.000.000 đồng, cộng chung là 109.459.333 đồng (một trăm linh chín triệu bốn tră lăm mươi chín nghìn ba trăm ba mươi ba đồng).

Buộc Công ty Cổ phần TS phải có trách nhiệm cùng anh Đặng Anh T nộp tiền bảo hiểm xã hội từ tháng 4/2014 đến tháng 10/2014 theo quy định.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi thành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

[3] Án phí sơ thẩm:

Công ty Cổ phần TS phải chịu 3.193.779 (ba triệu một trăm chín mươi ba nghìn bảy trăm bảy mươi chín) đồng án phí lao động sơ thẩm.

[4] Án phí phúc thẩm:

Công ty Cổ phần TS không phải chịu 300.000 (ba trăm nghìn) đồng án phí laođộng phúc thẩm.

Số tiền tạm ứng án phí 300.000 (ba trăm nghìn) đồng mà Công ty Cổ phần TS đã nộp theo biên lai thu tiền số 0004076 ngày 21 tháng 4 năm 2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện An Dương, thành phố Hải Phòng được trừ vào tiền án phí lao động sơ thẩm Công ty phải chịu, Công ty còn phải nộp tiếp 2.893.779 đồng.

Trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự, người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.

[5] Bản án lao động phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1949
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải số 02/2017/LĐ-PT

Số hiệu:02/2017/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 26/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về