Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 179/2007/NĐ-CP Quy chế làm việc của Chính phủ

Số hiệu: 179/2007/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 03/12/2007 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 179/2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2007

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA CHÍNH PHỦ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế làm việc của Chính phủ.

Điều 2. Quy chế này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, thay thế Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 23/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2003.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Quy chế làm việc phù hợp với Quy chế này.

Điều 3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ.

Các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội; 
- Tòa án nhân dân tối cao; 
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước:
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, TH (5).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




 Nguyễn Tấn Dũng

 

QUY CHẾ

LÀM VIỆC CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 179/2007/NĐ-CP ngày 03  tháng 12 năm 2007 của Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1. Quy chế này quy định nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, quan hệ công tác và trình tự giải quyết công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Các thành viên Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều chịu sự điều chỉnh của Quy chế này.

3. Trường hợp văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trước Quy chế này quy định trình tự xử lý công việc khác với quy định trong Quy chế này thì áp dụng theo trình tự quy định tại Quy chế này.

Điều 2. Nguyên tắc làm việc của Chính phủ

1. Chính phủ làm việc theo chế độ kết hợp trách nhiệm của tập thể Chính phủ với việc đề cao quyền hạn và trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng và của mỗi thành viên Chính phủ. Mọi hoạt động của Chính phủ, thành viên Chính phủ phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ các quy định của pháp luật và bảo đảm quyền, lợi ích của nhân dân.

 2. Đề cao trách nhiệm cá nhân, mỗi việc chỉ một người phụ trách và chịu trách nhiệm. Thủ trưởng cơ quan được phân công công việc phải chịu trách nhiệm chính về công việc được phân công.

3. Giải quyết công việc đúng phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch công tác và Quy chế làm việc của Chính phủ; thường xuyên cải cách thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả.

4. Bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc và trong mọi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.

Chương 2:

TRÁCH NHIỆM, PHẠM VI VÀ CÁCH THỨC GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC

Điều 3. Phạm vi và cách thức giải quyết công việc của Chính phủ

1. Trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm được pháp luật quy định, Chính phủ thảo luận tập thể và biểu quyết theo đa số những vấn đề quan trọng quy định tại Điều 19 Luật Tổ chức Chính phủ, kiểm điểm sự chỉ đạo điều hành, thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ và những vấn đề khác mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

2. Cách thức giải quyết công việc của Chính phủ:

a) Thảo luận và quyết nghị từng vấn đề, đề án, dự án tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hoặc bất thường.

b) Đối với một số vấn đề không nhất thiết phải tổ chức thảo luận tại phiên họp Chính phủ hoặc vấn đề cần quyết định gấp nhưng không có điều kiện tổ chức họp Chính phủ thì theo chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ gửi toàn bộ hồ sơ đề án (theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Quy chế này) và Phiếu lấy ý kiến đến từng thành viên Chính phủ. Nếu đa số thành viên Chính phủ nhất trí, thì Bộ chủ trì hoàn chỉnh văn bản, Văn phòng Chính phủ thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và báo cáo kết quả với Chính phủ tại phiên họp gần nhất. Nếu đa số các thành viên Chính phủ không nhất trí thì Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa vấn đề ra phiên họp Chính phủ gần nhất để thảo luận.

3. Các quyết nghị tập thể của Chính phủ phải được quá nửa tổng số thành viên Chính phủ đồng ý thông qua. Khi biểu quyết tại phiên họp cũng như khi dùng Phiếu lấy ý kiến, nếu số phiếu đồng ý và không đồng ý bằng nhau thì quyết định theo ý kiến mà Thủ tướng đã biểu quyết.

Điều 4. Trách nhiệm của thành viên Chính phủ

1. Tham gia giải quyết các công việc chung của tập thể Chính phủ; cùng tập thể Chính phủ quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ; nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chủ trương, chính sách, cơ chế, văn bản pháp luật cần thiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong và ngoài lĩnh vực mình phụ trách; chủ động làm việc với Thủ tướng, Phó Thủ tướng về các công việc của Chính phủ và các công việc có liên quan.

Thành viên Chính phủ là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung đề án, dự án, văn bản pháp luật do cơ quan mình chủ trì chuẩn bị để trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

2. Tham dự đầy đủ các phiên họp Chính phủ và trả lời đầy đủ các Phiếu lấy   ý kiến Thành viên Chính phủ thay cho việc biểu quyết tại phiên họp Chính phủ.

3. Thực hiện các công việc cụ thể theo lĩnh vực phụ trách và theo sự phân công hoặc ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: theo dõi, chỉ đạo cơ quan thuộc Chính phủ; chuẩn bị và báo cáo các đề án trước các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Quốc hội; theo dõi, chỉ đạo địa phương và cơ sở; đứng đầu các đoàn công tác của Chính phủ; chủ trì họp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để báo cáo Thủ tướng quyết định xử lý công việc và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ; chủ trì họp báo, tiếp công dân và các công việc khác.

4. Thành viên Chính phủ phải thực hiện kế hoạch đi công tác địa phương và cơ sở, kế hoạch tiếp dân, đối thoại với nhân dân về các vấn đề thuộc phạm vi phụ trách của mình; thuộc phạm vi của Chính phủ nếu được phân công; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc thi hành chính sách, pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch và các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các ngành, lĩnh vực do mình phụ trách; nắm chắc tình hình thực tế để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.

5. Trong hoạt động của mình, Chính phủ và mỗi thành viên Chính phủ phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của các đoàn thể nhân dân; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ theo các Quy chế và quy định có liên quan; nghiên cứu, giải quyết và chủ động báo cáo, đối thoại, trả lời các kiến nghị của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân về những vấn đề thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

6. Mỗi thành viên Chính phủ có hộp thư điện tử riêng để nhận, gửi thông tin, tài liệu, đơn thư, giấy mời họp, trao đổi ý kiến về các công việc có liên quan; được trang bị các phương tiện để phục vụ việc xử lý công việc, trao đổi thông tin, họp qua mạng máy tính.

7. Thành viên Chính phủ không được nói và làm trái với các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp có ý kiến khác với các quyết định đó thì vẫn phải chấp hành nhưng được trình bày ý kiến với tập thể Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề đó. Mọi sự vi phạm phải được kiểm điểm trước tập thể Chính phủ để làm rõ trách nhiệm.

Điều 5. Phạm vi và cách thức giải quyết công việc của Thủ tướng  Chính phủ

1. Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và quyền hạn mà Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ đã quy định; lãnh đạo công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp. Trực tiếp chỉ đạo, điều hành các công việc lớn, quan trọng, các vấn đề có tính chiến lược trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ.

2. Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm, quyền hạn và giải quyết các công việc theo quy định tại Điều 20 Luật Tổ chức Chính phủ và các công việc mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ.

3. Trong trường hợp xét thấy cần thiết vì tính chất quan trọng, cấp bách của công việc, Thủ tướng Chính phủ có thể trực tiếp chỉ đạo xử lý công việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Cách thức giải quyết công việc của Thủ tướng Chính phủ:

a) Trực tiếp hoặc phân công Phó Thủ tướng thay mặt Thủ tướng xử lý công việc trên cơ sở hồ sơ, tài liệu trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và được tổng hợp trong Phiếu trình giải quyết công việc của Văn phòng Chính phủ theo quy định tại Điều 18 Quy chế này.

b) Trường hợp cần thiết, Thủ tướng, Phó Thủ tướng xử lý công việc trực tiếp trên cơ sở hồ sơ, tài liệu trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan mà không nhất thiết phải có Phiếu trình của Văn phòng Chính phủ.

c) Trực tiếp hoặc phân công Phó Thủ tướng thay mặt Thủ tướng họp, làm việc với lãnh đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tham khảo ý kiến trước khi quyết định.

d) Thành lập các tổ chức phối hợp liên ngành để chỉ đạo đối với một số vấn đề phức tạp, quan trọng liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương và phải xử lý trong thời gian dài.

đ) Ủy quyền cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hoặc một Bộ trưởng khác chủ trì họp làm việc với lãnh đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý tổng hợp các vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng mà các Bộ còn có ý kiến khác nhau, trình Thủ tướng quyết định.

e) Các cách thức khác theo quy định tại Quy chế này như: chỉ đạo trực tiếp đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền khi thấy cần thiết, đi công tác và xử lý công việc tại địa phương, cơ sở, tiếp công dân, tiếp khách.

Điều 6. Phạm vi giải quyết công việc của Phó Thủ tướng

1. Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng giải quyết công việc theo các nguyên tắc sau:

a) Mỗi Phó Thủ tướng được Thủ tướng phân công chỉ đạo, xử lý thường xuyên các công việc cụ thể thuộc thẩm quyền của Thủ tướng trong một số lĩnh vực công tác của Chính phủ; theo dõi, chỉ đạo một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

b) Trong phạm vi lĩnh vực công việc được giao, Phó Thủ tướng được sử dụng quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, nhân danh Thủ tướng Chính phủ khi giải quyết các công việc và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về những quyết định của mình.

c) Phó Thủ tướng chủ động giải quyết công việc được phân công; nếu có phát sinh những vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm phải kịp thời báo cáo Thủ tướng; trong thực thi nhiệm vụ, nếu có vấn đề liên quan đến lĩnh vực của Phó Thủ tướng khác thì trực tiếp phối hợp với Phó Thủ tướng đó để giải quyết. Trường hợp giữa các Phó Thủ tướng còn có ý kiến khác nhau thì Phó Thủ tướng đang phụ trách giải quyết công việc đó báo cáo Thủ tướng quyết định.

2. Trong phạm vi công việc được phân công, Phó Thủ tướng có trách nhiệm và quyền hạn:

a) Chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và ngân sách nhà nước; xây dựng cơ chế, chính sách và các dự án luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

b) Kiểm tra, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các nhiệm vụ kế hoạch và ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách; phát hiện, xử lý theo thẩm quyền và đề xuất những vấn đề cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Nếu phát hiện các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương ban hành văn bản hoặc làm những việc trái với pháp luật của Nhà nước, quy định của Chính phủ, của Thủ  tướng Chính phủ thì đình chỉ việc thi hành và chỉ đạo việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

c) Thường xuyên theo dõi và xử lý các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của Thủ tướng; ký thay Thủ tướng các văn bản thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi các lĩnh vực, công việc được Thủ tướng phân công.

d) Theo dõi công tác tổ chức và cán bộ, chỉ đạo việc xử lý những vấn đề nội bộ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong các cơ quan được Thủ tướng phân công.

3. Thủ tướng Chính phủ phân công một Phó Thủ tướng làm nhiệm vụ thường trực để giúp Thủ tướng điều phối các hoạt động chung của Chính phủ theo các chương trình công tác của Chính phủ và theo yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng, ký văn bản của Chính phủ và giải quyết các công việc do Thủ tướng trực tiếp phụ trách khi Thủ tướng vắng mặt.

Điều 7. Phạm vi giải quyết công việc của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ giải quyết các công việc sau:

a) Những công việc thuộc thẩm quyền được quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, các văn bản pháp luật khác và các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

b) Giải quyết theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình đối với những đề nghị của các Bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan về những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền quản lý nhà nước của mình, kể cả các vấn đề mà các Bộ liên quan còn có ý kiến khác nhau.

c) Xem xét để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

d) Tham gia ý kiến với Bộ, cơ quan khác, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền của cơ quan đó, nhưng có liên quan đến chức năng, ngành, lĩnh vực mình quản lý.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện đúng quyền hạn, nhiệm vụ được giao (kể cả các việc được uỷ quyền), không chuyển công việc thuộc nhiệm vụ, thẩm quyền của mình lên Thủ tướng Chính phủ hoặc chuyển cho các cơ quan khác; không giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan khác.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Quốc hội, trước Thủ tướng về toàn bộ công việc thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của mình, kể cả khi đã phân công hoặc ủy nhiệm cho cấp phó.

Điều 8. Quan hệ công tác giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khi giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của mình có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan khác, nhất thiết phải hỏi ý kiến của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan đó. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan được hỏi ý kiến, phải trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc và chịu trách nhiệm về nội dung trả lời; nếu được mời họp phải trực tiếp hoặc cử người có đủ thẩm quyền dự họp.

 Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan được phân công làm nhiệm vụ thẩm định, thẩm tra các đề án, dự án, văn bản phải chịu trách nhiệm thực hiện công việc được giao có chất lượng và đúng thời hạn quy định.

2. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền hoặc tuy đúng thẩm quyền nhưng không đủ khả năng và điều kiện để giải quyết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải chủ động làm việc với Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Điều 9. Quan hệ công tác giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm giải quyết các đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của mình và phải trả lời bằng văn bản trong thời gian kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị là không quá 10 ngày làm việc nếu không phải lấy ý kiến của các cơ quan khác, không quá 20 ngày làm việc nếu phải lấy ý kiến của các cơ quan khác về nội dung các công việc có liên quan. Hết thời hạn đó, nếu chưa nhận được văn bản trả lời thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ biết để chỉ đạo cơ quan có trách nhiệm giải quyết.

2. Khi Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có yêu cầu trực tiếp làm việc với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ về các công việc cần thiết liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành, cần chuẩn bị kỹ về nội dung và gửi tài liệu trước. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải trực tiếp (hoặc phân công cấp phó) làm việc với Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách; quản lý chặt chẽ các đơn vị trực thuộc đóng tại địa phương, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, xử lý các việc làm sai trái.

Chương 3:

CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC CỦA CHÍNH PHỦ,  THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Điều 10. Các loại chương trình công tác

1. Chương trình công tác bao gồm: chương trình công tác năm, quý và tháng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chương trình công tác tuần của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng.

a) Các đề án quy định trong Quy chế này và được đưa vào chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bao gồm:

- Các nội dung nêu tại khoản 1 Điều 3 Quy chế này;

- Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; các dự án, vấn đề liên quan đến chính sách, cơ chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và thuộc phạm vi thẩm quyền quyết định, phê duyệt và ban hành của Thủ tướng Chính phủ;

- Các đề án, vấn đề cần báo cáo xin ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

b) Danh mục các đề án đăng ký trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được xây dựng trên cơ sở:

- Sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ;

- Hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

- Đề xuất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức khác.

 2. Chương trình công tác năm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gồm hai phần: phần một nêu các định hướng, các nhiệm vụ và các giải pháp lớn của Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực công tác; phần hai là danh mục các đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

a) Các đề án ghi trong chương trình công tác năm phải xác định rõ do Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ quyết định, cơ quan chủ trì chuẩn bị và thời hạn trình từng đề án.

b) Thời hạn trình các đề án trong chương trình công tác năm được dự kiến đến từng quý, từng tháng.

3. Chương trình công tác quý bao gồm phần danh mục các đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nội dung các phiên họp Chính phủ trong quý.

a) Nội dung các phiên họp thường kỳ của Chính phủ gồm các đề án, báo cáo nêu tại khoản 1 Điều 3 và Điều 39 Quy chế này.

b) Các đề án trong chương trình công tác quý được phân chia trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng theo lĩnh vực được Thủ tướng phân công phụ trách. Thời hạn trình các đề án trong chương trình công tác quý được chi tiết theo từng tháng.

c) Chương trình công tác quý I được xác định trong chương trình năm.

4. Chương trình công tác tháng bao gồm danh mục các đề án trình Chính phủ, Thủ tướng, từng Phó Thủ tướng và nội dung phiên họp Chính phủ trong tháng. Chương trình công tác tháng đầu quý được xác định trong chương trình công tác quý.

5. Chương trình công tác tuần bao gồm các hoạt động của Thủ tướng, Phó Thủ tướng được xác định theo từng ngày trong tuần.

Điều 11. Trình tự xây dựng chương trình công tác

1. Chương trình công tác năm:

a) Trước ngày 15 tháng 10 hàng năm, Văn phòng Chính phủ gửi công văn đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Bộ, cơ quan) kiểm điểm việc chỉ đạo điều hành năm đó, kiến nghị các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp lớn của Chính phủ và đăng ký các đề án vào chương trình công tác năm sau.

Trước ngày 15 tháng 11, các Bộ, cơ quan gửi Văn phòng Chính phủ Báo cáo kiểm điểm chỉ đạo điều hành của Bộ, ngành mình và danh mục những đề án cần trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm sau.

Danh mục phải thể hiện rõ:

- Các đề án thuộc phạm vi, thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nêu tại điểm a khoản 1 Điều 10 Quy chế này.

- Tóm tắt kế hoạch chuẩn bị từng đề án: mỗi đề án đăng ký cần thể hiện rõ định hướng nội dung tư tưởng chuẩn bị, phạm vi điều chỉnh, cơ quan phối hợp, cơ quan thẩm định, cấp quyết định và dự kiến kế hoạch sơ bộ để thực hiện đề án.

b) Trên cơ sở những yêu cầu, nhiệm vụ của Chính phủ và danh mục đề án đăng ký của các Bộ, cơ quan, Văn phòng Chính phủ dự thảo chương trình công tác năm sau của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi trình Chính phủ thông qua tại phiên họp thường kỳ cuối năm.

c) Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày Chính phủ thông qua, Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh chương trình công tác năm, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành, gửi các thành viên Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan biết, thực hiện.

2. Chương trình công tác quý:

a) Trong tháng cuối của mỗi quý, các Bộ, cơ quan phải đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác quý đó, rà soát lại các đề án của quý tiếp theo đã ghi trong chương trình công tác năm và xem xét các vấn đề mới phát sinh để đề nghị điều chỉnh chương trình công tác quý sau.

Chậm nhất ngày 15 của tháng cuối quý, các cơ quan gửi đề nghị điều chỉnh chương trình công tác quý sau cho Văn phòng Chính phủ (kèm theo bản điều chỉnh kế hoạch thực hiện từng đề án).

b) Văn phòng Chính phủ dự thảo chương trình công tác quý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Chậm nhất là ngày 25 của tháng cuối quý trước, Văn phòng Chính phủ gửi chương trình công tác quý sau cho các thành viên Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan biết, thực hiện.

3. Chương trình công tác tháng:

a) Căn cứ vào tiến độ chuẩn bị các đề án đã ghi trong chương trình công tác quý, những vấn đề còn tồn đọng và phát sinh thêm, các Bộ, cơ quan gửi đề nghị điều chỉnh chương trình công tác tháng sau đến Văn phòng Chính phủ chậm nhất vào ngày 20 hàng tháng.

b) Căn cứ vào chương trình công tác quý, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề nghị điều chỉnh của các Bộ, cơ quan, Văn phòng Chính phủ dự thảo chương trình công tác tháng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành; chậm nhất là ngày 25 hàng tháng, Văn phòng Chính phủ gửi các thành viên Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan biết, thực hiện.

4. Chương trình công tác tuần: Văn phòng Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan, xây dựng chương trình công tác tuần của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng; gửi các thành viên Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan chậm nhất vào thứ sáu tuần trước.

5. Trình tự lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

6. Việc điều chỉnh chương trình công tác được thực hiện trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của các Bộ, cơ quan. Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh và thông báo kịp thời cho các thành viên Chính phủ và Thủ trưởng các cơ quan liên quan biết.

7. Văn phòng Chính phủ là cơ quan đầu mối quản lý chương trình công tác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng, điều chỉnh và tổ chức thực hiện chương trình công tác bảo đảm phù hợp với yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ thường xuyên phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước và các cơ quan liên quan để xây dựng  chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tính khả thi.

Điều 12. Kế hoạch chuẩn bị các đề án

1. Căn cứ chương trình công tác năm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan chủ trì đề án tổ chức lập kế hoạch chuẩn bị đối với từng đề án, trong đó xác định rõ phạm vi đề án; các công việc cần triển khai; cơ quan phối hợp; thời hạn trình đề án và gửi kế hoạch đó đến Văn phòng Chính phủ để theo dõi, đôn đốc thực hiện.

Thời hạn gửi kế hoạch không quá 10 ngày làm việc đối với các đề án trong chương trình quý I, không quá 30 ngày đối với các đề án còn lại tính từ khi chương trình năm được ban hành.

2. Đối với các dự thảo luật, pháp lệnh, việc lập kế hoạch thực hiện theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. Nếu chủ đề án muốn thay đổi yêu cầu, phạm vi giải quyết vấn đề của đề án hoặc thời hạn trình thì phải báo cáo và được sự đồng ý của Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực đó.

Điều 13. Theo dõi và đánh giá việc thực hiện chương trình công tác

1. Hàng tháng, hàng quý, sáu tháng và hàng năm, các Bộ, cơ quan rà soát, đánh giá việc thực hiện các đề án trong chương trình công tác, thông báo với Văn phòng Chính phủ tình hình thực hiện các đề án, các vướng mắc, phát sinh, hướng xử lý tiếp theo, đồng thời đề nghị điều chỉnh, bổ sung các đề án trong chương trình công tác thời gian tới.

2. Văn phòng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị các đề án của các Bộ, cơ quan; định kỳ báo cáo Chính phủ kết quả việc thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

3. Việc đánh giá kết quả thực hiện chương trình hàng quý, hàng năm được tổng hợp trên cơ sở kết quả thực hiện chương trình công tác hàng tháng.

Chương 4:

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TRÌNH GIẢI QUYẾT CÁC CÔNG VIỆC THƯỜNG XUYÊN

Điều 14. Các loại công việc thường xuyên và cách thức giải quyết của Thủ tướng, Phó Thủ tướng

1. Đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật và các đề án, dự án, báo cáo lớn thuộc chương trình công tác: Thủ tướng, Phó Thủ tướng xem xét giải quyết trên cơ sở toàn bộ hồ sơ, nội dung trình, dự thảo văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chủ trì, ý kiến của cơ quan thẩm định, cơ quan liên quan và ý kiến thẩm tra của Văn phòng Chính phủ.

2. Đối với các công việc thường xuyên khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng ngoài các việc nêu trên:

a) Thủ tướng, Phó Thủ tướng xem xét giải quyết trên cơ sở đề xuất của cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu nhưng toàn bộ hồ sơ, nội dung trình, kiến nghị và dự thảo văn bản do Văn phòng Chính phủ chủ trì chuẩn bị.

b) Trường hợp cần thiết, Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp hoặc xử lý công việc trên cơ sở hồ sơ, tài liệu trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan mà không nhất thiết phải có Phiếu trình của Văn phòng Chính phủ.

3. Thủ tướng, Phó Thủ tướng chủ trì họp (hoặc uỷ quyền một Bộ trưởng chủ trì họp và báo cáo lại) để giải quyết những công việc chưa xử lý ngay được trên cơ sở hồ sơ trình  nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

4. Các cách thức khác như: Thủ tướng, Phó Thủ tướng làm việc trực tiếp với Bộ, địa phương, tiếp khách, đi kiểm tra tình hình và chỉ đạo tại cơ sở. Văn phòng Chính phủ phải kịp thời chuẩn bị văn bản cần thiết để trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng ban hành trong các trường hợp này.

Điều 15. Phân công trách nhiệm trong việc chuẩn bị đề án, công việc

1. Đối với các đề án là văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, báo cáo lớn thuộc chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung và hồ sơ trình, chủ động tiến hành đầy đủ các thủ tục lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan, kể cả ý kiến của cơ quan được phân công thẩm định; chịu trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm định, ý kiến của thành viên Chính phủ để hoàn chỉnh dự thảo đề án, văn bản trước khi trình; hoàn chỉnh hồ sơ, trực tiếp ký tờ trình và ký tắt vào dự thảo văn bản để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

b) Văn phòng Chính phủ theo dõi trong suốt quá trình xây dựng đề án; thường xuyên phối hợp với cơ quan chủ trì, đôn đốc, kiểm tra quá trình chuẩn bị đề án, tham gia ý kiến để bảo đảm việc chuẩn bị đề án đúng tiến độ, đúng trình tự, thủ tục, khách quan, đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc cơ quan thẩm định thực hiện nhiệm vụ; trực tiếp thẩm tra về trình tự, thủ tục trình; gửi Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ về các đề án trình Chính phủ.

c) Cơ quan được phân công thẩm định cử người tham gia trong suốt quá trình xây dựng đề án; tổ chức việc thẩm định đề án, văn bản trước khi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chủ trì chính thức ký trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thời hạn thẩm định không được vượt quá giới hạn cho phép. 

d) Thủ trưởng các cơ quan phối hợp có trách nhiệm cử người tham gia theo đề nghị của chủ đề án. Người đại diện của cơ quan phối hợp phải đề cao trách nhiệm tham gia xây dựng đề án và thường xuyên báo cáo, xin ý kiến Thủ trưởng cơ quan trong quá trình tham gia xây dựng đề án. 

đ) Để hoàn chỉnh dự thảo đề án, cơ quan chủ trì đề án phải lấy ý kiến chính thức của các cơ quan liên quan bằng hình thức tổ chức họp hoặc gửi hồ sơ xin ý kiến. Việc gửi hồ sơ xin ý kiến có thể được thực hiện qua mạng máy tính hoặc qua hộp thư điện tử của thành viên Chính phủ. Văn bản tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các Bộ, cơ quan liên quan phải được đưa vào hồ sơ trình.

e) Đối với việc chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh, thủ tục chuẩn bị còn phải thực hiện theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2. Đối với các công việc thường xuyên khác (ngoài các đề án, công việc nêu tại khoản 1 Điều này):

- Các Bộ, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết các công việc đúng phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng. Văn bản, tờ trình phải rõ ràng, kèm theo hồ sơ tài liệu liên quan (nếu có). Việc gửi trình phải thực hiện đúng thủ tục pháp luật quy định;

- Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan  hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục và dự thảo văn bản cần ban hành để trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng quyết định các công việc nêu tại khoản 2 Điều này.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan, khi được Văn phòng Chính phủ hỏi ý kiến, phải trả lời bằng văn bản nêu rõ đồng ý, không đồng ý hay có ý kiến khác về các nội dung liên quan trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc; nếu được mời họp phải trực tiếp hoặc cử người có đủ thẩm quyền dự họp.

- Trường hợp cần thiết Thủ tướng, Phó Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo xử lý  trực tiếp (không phải chờ phiếu trình của Văn phòng Chính phủ) thì Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để thực hiện các công việc theo ý kiến chỉ đạo; nếu phát hiện có vấn đề chưa phù hợp, vướng mắc thì có trách nhiệm báo cáo lại Thủ tướng, Phó Thủ tướng để xin ý kiến.

Điều 16. Thủ tục gửi công văn, tờ trình giải quyết công việc

1. Các thủ tục cần thiết khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết công việc:

a) Công văn, tờ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đề nghị giải quyết công việc phải có nội dung rõ ràng và đúng thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nếu là văn bản của Bộ, cơ quan, tổ chức thì phải được ký và đóng dấu đúng thẩm quyền.

b) Đối với các đề án nêu tại điểm a khoản 1 Điều 10 Quy chế này, hồ sơ trình gồm :

- Tờ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó thuyết minh rõ nội dung chính của đề án, luận cứ của các kiến nghị, các ý kiến khác nhau;

- Văn bản của cơ quan thẩm định đề án theo quy định của pháp luật;

- Báo cáo giải trình việc tiếp thu ý kiến tham gia của các cơ quan có liên quan, kể cả ý kiến thẩm định;

- Dự thảo văn bản chính và dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành. Nội dung các dự thảo phải rõ ràng, cụ thể để khi văn bản chính được thông qua, có thể thực hiện được ngay;

- Kế hoạch tổ chức thực hiện khi đề án được thông qua, khi văn bản được ban hành;

- Các tài liệu cần thiết khác.

2. Đối với các cơ quan, tổ chức không thuộc hệ thống hành chính nhà nước thì thực hiện thủ tục gửi công văn theo quy định hiện hành của pháp luật về công tác văn thư. Cơ quan, tổ chức nước ngoài có thể thực hiện thủ tục gửi công văn theo thông lệ.

3. Hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được Văn phòng Chính phủ lập danh mục theo dõi quá trình xử lý và được lưu trữ có hệ thống.

Điều 17. Văn phòng Chính phủ tiếp nhận và hoàn chỉnh hồ sơ trình

1. Văn phòng Chính phủ chỉ tiếp nhận để trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng những đề án, công việc thuộc phạm vi, trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và những công việc nêu tại khoản 3 Điều 5 Quy chế này.

2. Đối với các dự án văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, báo cáo lớn thuộc chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:

a) Chậm nhất trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đúng thủ tục, Văn phòng Chính phủ phải hoàn chỉnh Phiếu trình, nêu rõ ý kiến thẩm tra, trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng kèm theo đầy đủ hồ sơ đề án, dự thảo văn bản. Ý kiến thẩm tra thể hiện trong phiếu trình hoặc làm thành văn bản riêng, nhận xét rõ về trình tự, thủ tục chuẩn bị đề án, văn bản kể cả việc giải trình tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm định và các cơ quan liên quan, kiến nghị cụ thể của Văn phòng Chính phủ, lý do và đề xuất cách giải quyết. Các kiến nghị có thể là:

- Đề nghị ký ban hành ngay hay không ký ban hành (nếu công việc thuộc thẩm quyền Thủ tướng);

- Xin phép gửi Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ đối với việc thuộc thẩm quyền Chính phủ khi mà dự thảo đã có sự thống nhất cơ bản giữa cơ quan chủ trì, cơ quan thẩm định và các cơ quan liên quan;

- Đề nghị đưa ra Chính phủ thảo luận tại phiên họp nếu dự thảo còn nhiều ý kiến khác nhau giữa cơ quan chủ trì, cơ quan thẩm định và các cơ quan liên quan;

- Đề nghị trả lại và giao cơ quan chủ trì chuẩn bị thêm khi dự thảo chuẩn bị chưa đạt yêu cầu, sai quy trình, không đúng phạm vi, không đúng tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 b) Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm về ý kiến thẩm tra của mình, không phải chịu trách nhiệm về nội dung văn bản do cơ quan chủ trì đã trình và không trực tiếp sửa chữa vào văn bản đó.

c) Khi Thủ tướng, Phó Thủ tướng có yêu cầu thay đổi nội dung dự thảo văn bản đã trình thì Văn phòng Chính phủ chuyển hồ sơ cho cơ quan chủ trì thực hiện và trình lại.

3. Đối với các công việc thường xuyên khác (ngoài các đề án, công việc nêu trên):

a) Nếu hồ sơ công việc trình không đúng thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ, không thuộc công việc nêu tại khoản 3 Điều 5 Quy chế này thì tùy từng trường hợp cụ thể trong thời gian không quá 2 ngày làm việc, Văn phòng Chính phủ trả lại nơi gửi và nêu rõ lý do; hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người gửi biết.

b) Nếu hồ sơ công việc trình là đúng thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ:

- Đối với các trường hợp đã được cung cấp đủ hồ sơ hoặc nội dung vấn đề trình đã rõ ràng, không cần lấy thêm ý kiến các cơ quan liên quan cũng có thể xử lý được thì trong thời gian không quá 5 ngày làm việc, Văn phòng Chính phủ xử lý, có ý kiến tham mưu (kiến nghị rõ đồng ý hoặc không đồng ý) để Thủ tướng, Phó Thủ tướng xem xét, quyết định;

- Đối với các trường hợp chưa đủ hồ sơ: Văn phòng Chính phủ chủ trì xử lý, lấy ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan để hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ và chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung tham mưu cho Thủ tướng, Phó Thủ tướng giải quyết công việc. Đối với đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước, sau khi tổng hợp ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, Văn phòng Chính phủ trao đổi lại với cơ quan trình về nội dung trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng. Chậm nhất trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ phải hoàn chỉnh hồ sơ và Phiếu trình, trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng quyết định. Phiếu trình giải quyết công việc phải thể hiện rõ, đầy đủ và trung thực ý kiến của các cơ quan, kể cả các ý kiến khác nhau và ý kiến của cơ quan đề nghị sau khi Văn phòng Chính phủ đã trao đổi lại; ý kiến đề xuất của chuyên viên trực tiếp theo dõi, lãnh đạo Vụ và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ. Phiếu trình giải quyết công việc phải kèm theo đầy đủ hồ sơ và dự thảo văn bản cần ban hành.

Nếu thấy có vấn đề lớn, phức tạp hoặc liên quan đến cơ chế, chính sách phải chuẩn bị thêm thì Văn phòng Chính phủ tham mưu để Thủ tướng, Phó Thủ tướng giao cho Bộ, cơ quan chuyên ngành chủ trì chuẩn bị để trình.

c) Đối với các công việc cấp bách, cần xử lý gấp hoặc những công việc Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp, Văn phòng Chính phủ chủ động báo cáo và thực hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng trong thời gian nhanh nhất; không nhất thiết phải tuân theo trình tự, thủ tục trên đây.

Điều 18. Xử lý hồ sơ trình và ra văn bản

1. Thủ tướng, Phó Thủ tướng xử lý hồ sơ trình và có ý kiến chính thức vào Phiếu trình giải quyết công việc của Văn phòng Chính phủ trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày Văn phòng Chính phủ trình.

2. Khi xử lý hồ sơ trình, đối với các đề án, công việc mà Thủ tướng, Phó Thủ tướng thấy cần phải họp bàn trước khi quyết định, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị đầy đủ nội dung và tổ chức để Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng họp.

Thủ tướng, Phó Thủ tướng có thể uỷ quyền cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hoặc một thành viên khác của Chính phủ chủ trì các cuộc họp này và báo cáo bằng văn bản về kết quả cuộc họp cho Thủ tướng, Phó Thủ tướng.

3. Đối với các đề án thuộc phạm vi quyết nghị của tập thể Chính phủ quy định tại Điều 19 Luật Tổ chức Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng xem xét nội dung và tính chất của từng đề án để quyết định:

a) Cho phép đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ.

b) Giao Văn phòng Chính phủ gửi Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Phiếu lấy ý kiến phải được gửi cùng toàn bộ hồ sơ đề án, văn bản kể cả văn bản của cơ quan thẩm định và ý kiến thẩm tra của Văn phòng Chính phủ với nội dung như quy định tại điểm a khoản 2 Điều 17 Quy chế này. Bộ chủ trì chịu trách nhiệm giải trình tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ. Nếu đa số thành viên Chính phủ tán thành thì Bộ chủ trì hoàn chỉnh văn bản để trình Thủ tướng quyết định; nếu chưa được đa số tán thành thì phối hợp với Văn phòng Chính phủ để trình Chính phủ thảo luận tại phiên họp gần nhất. Trường hợp đa số ý kiến của thành viên Chính phủ tán thành nhưng Bộ chủ trì đề án thấy có vấn đề chưa phù hợp thì kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ; việc đưa ra Chính phủ thảo luận lại sẽ do Thủ tướng xem xét, quyết định.

Thời hạn thành viên Chính phủ trả lời Phiếu lấy ý kiến không quá 07 ngày làm việc. Thời gian cơ quan chủ trì tiếp thu giải trình kết quả Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ đến khi trình lại Thủ tướng trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc.

c) Yêu cầu chủ đề án chuẩn bị thêm nếu xét thấy nội dung đề án chưa đạt yêu cầu.

4. Căn cứ ý kiến quyết định của Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng về nội dung đề án, công việc, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chủ trì hoàn chỉnh dự thảo văn bản để ký ban hành:

a) Các nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được thể hiện thành văn bản do Thủ tướng, Phó Thủ tướng ký.

b) Đối với các trường hợp không cần thiết phải ra văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì Văn phòng Chính phủ dự thảo công văn, thông báo, trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng duyệt trước khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký ban hành để các cơ quan liên quan biết, thực hiện.

5. Chậm nhất 30 ngày làm việc đối với các công việc nêu tại khoản 2 Điều 14; 10 ngày làm việc đối với các công việc nêu tại khoản 1 Điều 14 kể từ khi nhận được hồ sơ của cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ, nếu chưa có quyết định cuối cùng của Thủ tướng, Phó Thủ tướng thì Văn phòng Chính phủ  gửi công văn thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trình biết rõ lý do.

6. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi Thủ tướng, Phó Thủ tướng ký văn bản hoặc có ý kiến chỉ đạo xử lý công việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thực hiện việc ban hành và công bố văn bản theo quy định của pháp luật.

Chương 5:

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ VÀ CÁC CUỘC HỌP,  HỘI NGHỊ CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Điều 19. Các cuộc họp, hội nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ

1. Các cuộc họp, hội nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ bao gồm:

a) Phiên họp Chính phủ thường kỳ và phiên họp Chính phủ bất thường.

b) Các hội nghị (bao gồm hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước và các hội nghị chuyên đề).

c) Các cuộc họp định kỳ với các Bộ, cơ quan, địa phương.

d) Các cuộc họp để xử lý việc thường xuyên và họp giao ban Thủ tướng, các Phó Thủ tướng.

đ) Cuộc họp do thành viên Chính phủ chủ trì xử lý công việc của Chính phủ.

e) Các cuộc họp khác.

2. Ngoài hình thức họp trực tiếp, các cuộc họp, hội nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể tổ chức qua cầu truyền hình hoặc qua mạng máy tính.

Điều 20. Phiên họp Chính phủ thường kỳ và phiên họp Chính phủ bất thường

1. Chính phủ họp thường kỳ mỗi tháng một lần.

2. Chính phủ họp bất thường theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc theo yêu cầu của ít nhất 1/3 tổng số thành viên Chính phủ.

Việc chuẩn bị, triệu tập, tổ chức công việc liên quan đến phiên họp bất thường được thực hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

3. Thủ tướng Chính phủ chủ tọa phiên họp Chính phủ. Khi Thủ tướng vắng mặt, Phó Thủ tướng Thường trực hoặc Phó Thủ tướng được Thủ tướng phân công thay Thủ tướng chủ tọa phiên họp.

Điều 21. Chuẩn bị phiên họp Chính phủ

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định nội dung, thành phần khách mời, thời gian và chương trình phiên họp Chính phủ.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ bắt đầu vào ngày thứ tư, tuần cuối cùng trong tháng. Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định thay đổi ngày họp khi cần thiết. Văn phòng Chính phủ thông báo trước về sự thay đổi này cho các thành viên Chính phủ ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày phiên họp bắt đầu.

2. Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ:

a) Thẩm tra về trình tự, thủ tục hồ sơ đề án trình ra phiên họp.

b) Dự kiến nội dung, chương trình, thời gian, thành phần tham dự  họp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và thông báo cho các thành viên Chính phủ về các vấn đề trên chậm nhất 5 ngày làm việc trước ngày phiên họp bắt đầu.

c) Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký giấy mời họp Chính phủ.

d) Gửi giấy mời và tài liệu họp đến các thành viên Chính phủ và đại biểu trước khi họp ít nhất là 05 ngày làm việc, trừ trường hợp đặc biệt.

Điều 22. Thành phần dự phiên họp Chính phủ

1. Các Thành viên Chính phủ phải tham dự đầy đủ các phiên họp Chính phủ; trường hợp đặc biệt, nếu vắng mặt trong phiên họp hoặc vắng mặt một số thời gian của phiên họp thì phải báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Thành viên Chính phủ là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ vắng mặt được cử cấp phó dự thay. Người dự họp thay có trách nhiệm trình bày trước Chính phủ ý kiến của thành viên Chính phủ vắng mặt (nếu có).

Phiên họp được tiến hành khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Chính phủ tham dự.

2. Chính phủ mời các đại biểu sau đây tham dự phiên họp:

a) Mời Chủ tịch nước dự tất cả các phiên họp.

b) Mời Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người đứng đầu cơ quan Trung ương các đoàn thể nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân tối cáo, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao dự họp khi thảo luận những vấn đề có liên quan.

c) Mời Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các Ban của Đảng, các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu khác dự họp khi cần thiết.

Đại biểu không phải là thành viên Chính phủ được phát biểu ý kiến nhưng không có quyền biểu quyết.

Điều 23. Trình tự phiên họp Chính phủ

1. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo nội dung và dự kiến chương trình phiên họp; các thành viên Chính phủ có mặt, vắng mặt, người dự họp thay và các đại biểu được mời tham dự.

2. Chủ tọa điều khiển phiên họp.

3. Chính phủ thảo luận từng đề án theo trình tự:

a) Chủ đề án trình bày tóm tắt đề án và những vấn đề cần xin ý kiến Chính phủ, thời gian trình bày không quá 15 phút.

b) Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ và ý kiến thẩm tra về đề án, nêu rõ ý kiến thành viên Chính phủ, những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất và kiến nghị những vấn đề Chính phủ cần thảo luận và thông qua.

c) Các thành viên Chính phủ phát biểu ý kiến, nói rõ tán thành hay không tán thành từng điểm trong các vấn đề cụ thể nêu trên, không phát biểu về các vấn đề đã thống nhất trong phạm vi đề án. Thời gian một lần phát biểu không quá 10 phút.

d) Thủ tướng, Phó Thủ tướng chủ trì việc thảo luận từng đề án, Thủ tướng Chính phủ kết luận về đề án và Chính phủ biểu quyết; nếu thấy vấn đề thảo luận chưa đủ rõ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chính phủ chưa biểu quyết và yêu cầu chủ đề án chuẩn bị thêm.

4. Trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành viên Chính phủ hoặc Thủ trưởng các cơ quan khác trình Chính phủ báo cáo về một số vấn đề liên quan, ngoài các báo cáo định kỳ đã quy định.

5. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo các quyết nghị của Chính phủ giữa hai phiên họp.

6. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình Chính phủ thông qua Nghị quyết phiên  họp.

7. Chủ tọa phát biểu kết thúc phiên họp.

Điều 24. Biên bản phiên họp Chính phủ

1. Biên bản phiên họp phải thể hiện rõ thành phần, trình tự, diễn biến phiên họp, danh sách các thành viên Chính phủ và đại biểu phát biểu ý kiến (không cần ghi chi tiết ý kiến), ghi đầy đủ kết luận của Thủ tướng Chính phủ về từng đề án, các kết quả biểu quyết và kèm theo băng (đĩa) ghi âm phiên họp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tổ chức việc ghi biên bản, ghi âm và ký biên bản phiên họp.

2. Biên bản phiên họp và các tài liệu lưu hành trong phiên họp được lưu  hồ sơ nhà nước và được bảo quản và sử dụng theo chế độ mật. Việc sử dụng biên bản phiên họp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ quyết định.

Điều 25. Nghị quyết phiên họp Chính phủ

1. Nghị quyết phiên họp phải thể hiện đầy đủ, rõ ràng các quyết nghị của Chính phủ tại phiên họp; trách nhiệm của thành viên Chính phủ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện các quyết nghị của Chính phủ.

2. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tổ chức dự thảo nghị quyết phiên họp; ban hành công văn gửi các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các công việc Thủ tướng Chính phủ kết luận nhưng không được nêu trong nghị quyết; tổ chức theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện các công việc được giao cho các Bộ, cơ quan trong nghị quyết phiên họp và trong các công văn trên.

Điều 26. Các cuộc họp của Thủ tướng, Phó Thủ tướng để xử lý công việc thường xuyên

Các cuộc họp của Thủ tướng, Phó Thủ tướng để xử lý công việc thường xuyên bao gồm:

1. Trong lĩnh vực được phân công, Thủ tướng, Phó Thủ tướng họp với chủ đề án và đại diện các cơ quan liên quan để nghe ý kiến tư vấn, tham mưu trước khi quyết định giải quyết công việc;

a) Trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ:

- Đôn đốc cơ quan chủ đề án chuẩn bị đầy đủ tài liệu họp, gửi giấy mời cùng tài liệu họp đến các thành phần được mời trước ngày họp ít nhất 03 ngày làm việc (trừ trường hợp đặc biệt, có thể gửi tài liệu muộn hơn);

- Chuẩn bị địa điểm và các điều kiện phục vụ họp, bảo đảm an toàn cho cuộc họp (nếu cuộc họp được tổ chức tại trụ sở Văn phòng Chính phủ); phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện các nhiệm vụ này nếu cuộc họp không tổ chức tại trụ sở Văn phòng Chính phủ;

- Ghi biên bản cuộc họp như quy định tại khoản 1 Điều 24 Quy chế này;

- Căn cứ kết luận của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan ban hành thông báo kết luận cuộc họp. Dự thảo thông báo của Văn phòng Chính phủ phải được người chủ trì họp duyệt trước khi phát hành. Văn phòng Chính phủ chủ trì đôn đốc việc thực hiện các công việc đã được Thủ tướng, Phó Thủ tướng kết luận.

b) Trách nhiệm của chủ đề án:

- Chuẩn bị đầy đủ tài liệu họp theo thông báo của Văn phòng Chính phủ;

- Chuẩn bị ý kiến giải trình về các vấn đề cần thiết liên quan đến nội dung họp;

- Sau cuộc họp, hoàn chỉnh đề án hoặc văn bản trình theo kết luận của Thủ tướng, Phó Thủ tướng.

c) Dự họp đúng thành phần được mời và có trách nhiệm phát biểu ý kiến về những vấn đề liên quan. Trường hợp đặc biệt, khi lãnh đạo Bộ không thể dự họp thì phải báo cáo người chủ trì họp và cử Vụ trưởng dự họp thay nhưng người dự thay phải được giao đủ thẩm quyền về mặt chuyên môn để thay mặt lãnh đạo Bộ phát biểu ý kiến về những nội dung có liên quan.   

2. Cuộc họp giao ban của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng:

a) Nội dung cuộc họp giao ban gồm những vấn đề, công việc mà Thủ tướng, Phó Thủ tướng thấy cần trao đổi tập thể, những việc chưa xử lý được qua hình thức xem xét hồ sơ và phiếu trình hoặc qua cuộc họp của Thủ tướng, cuộc họp của Phó Thủ tướng;

b) Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dự các cuộc họp giao ban. Khi được yêu cầu, các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dự họp giao ban để trực tiếp báo cáo về phần công việc được phân công theo dõi. Trường hợp cần thiết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ mời thêm chủ đề án hoặc đại biểu khác dự họp;

c) Tại cuộc họp giao ban, Bộ trưởng, Chủ nhiệm hoặc Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp theo dõi công việc báo cáo các vấn đề cần xin ý kiến; trường hợp chủ đề án dự họp thì chủ đề án trực tiếp báo cáo. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng trao đổi ý kiến, Thủ tướng kết luận để xử lý dứt điểm từng vấn đề, công việc;

d) Cuộc họp giao ban được tiến hành vào ngày thứ hai hàng tuần, trừ khi có quyết định khác của Thủ tướng;

đ) Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm thực hiện các công việc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

e) Đại biểu tham dự họp đúng thành phần và có trách nhiệm phát biểu ý kiến về những vấn đề liên quan.

Điều 27. Chính phủ họp với Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Hàng năm, Chính phủ tổ chức hội nghị với các Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước để triển khai và bàn biện pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, những chủ trương, biện pháp về phối hợp quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương.

a) Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định nội dung, thành phần, thời gian và địa điểm tổ chức hội nghị;

b) Các Bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị các báo cáo tại hội nghị theo phân công của Thủ tướng như chuẩn bị các đề án trình Chính phủ;

c) Tại hội nghị, chủ đề án chỉ trình bày báo cáo tóm tắt đề án và những vấn đề cần thảo luận;

d) Đại biểu tham dự họp đúng thành phần và có trách nhiệm phát biểu ý kiến về những vấn đề liên quan;

đ) Sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành tổ chức triển khai thực hiện các công việc liên quan theo các văn bản được thông qua và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị.

2. Khi cần thiết, Thủ tướng Chính phủ triệu tập Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương họp, làm việc để bàn giải quyết các vấn đề liên quan đến các địa phương đó.

a) Theo phân công, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuẩn bị nội dung báo cáo thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý của mình trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng xem xét trước khi tổ chức họp;

b) Các báo cáo tại cuộc họp phải gửi cho các đại biểu ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày họp; tại cuộc họp chỉ trình bày tóm tắt, nêu rõ các vấn đề cần xin ý kiến, các đề xuất, kiến nghị;

c) Đại biểu tham dự họp đúng thành phần và có trách nhiệm phát biểu ý kiến về những vấn đề liên quan;

d) Sau cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các công việc liên quan tại địa phương.

Điều 28. Hội nghị chuyên đề

1. Hội nghị chuyên đề được tổ chức để triển khai hoặc sơ kết, tổng kết việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, các văn bản, cơ chế, chính sách lớn hoặc các công việc quan trọng trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thuộc phạm vi toàn quốc, một số địa phương hay một số ngành, lĩnh vực nhất định.

2. Trình tự tổ chức hội nghị:

a) Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng hoặc đề xuất của Bộ, cơ quan được giao chủ trì nội dung chính của Hội nghị, Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định nội dung, thành phần, thời gian và địa điểm tổ chức hội nghị;

b) Các Bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị các báo cáo tại hội nghị theo phân công của Thủ tướng như chuẩn bị các đề án trình Chính phủ;

c) Tại hội nghị, chủ đề án chỉ trình bày báo cáo tóm tắt đề án và những vấn đề cần thảo luận;

d) Đại biểu tham dự họp đúng thành phần và có trách nhiệm  phát biểu ý kiến về những vấn đề liên quan;

đ) Theo kết luận của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ hoặc Bộ chủ trì nội dung chính hoàn chỉnh dự thảo các văn bản liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng quyết định việc ban hành.

Điều 29. Cuộc họp của các thành viên Chính phủ xử lý công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

1. Khi cần thiết, Thủ tướng Chính phủ có thể uỷ quyền cho một thành viên Chính phủ  chủ trì cuộc họp bàn xử lý công việc, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các cuộc họp này có thể tổ chức tại trụ sở Chính phủ hoặc trụ sở các Bộ.

2. Trách nhiệm  tổ chức cuộc họp này thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Quy chế này.

Chương 6:

KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN VĂN BẢN VÀ CÔNG VIỆC ĐƯỢC GIAO

Điều 30. Mục đích kiểm tra

1. Đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng về các công việc được giao; kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn.

2. Bảo đảm cho hoạt động chỉ đạo điều hành được thông suốt; giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong hệ thống hành chính nhà nước, chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện tiêu cực trong quản lý nhà nước.

3. Đề cao ý thức kỷ luật và trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước.

4. Tăng cường sâu sát cơ sở, tổng kết rút kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành, bảo đảm cho các chủ trương chính sách đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tốt trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Điều 31. Nguyên tắc kiểm tra

1. Kiểm tra là công tác phải được tiến hành thường xuyên và có kế hoạch, đồng thời phải có sự phối hợp để tránh chồng chéo. Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền kiểm tra quyết định kế hoạch và hình thức kiểm tra.

2. Kiểm tra phải bảo đảm dân chủ, công khai, đúng pháp luật, không gây phiền hà và không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng kiểm tra.

3. Kết thúc kiểm tra phải có kết luận rõ ràng, nếu phát hiện có sai phạm phải xử lý thỏa đáng.

4. Qua kiểm tra phải tạo được những kết quả tích cực trong quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành, kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Điều 32. Phạm vi, đối tượng và phân công thẩm quyền kiểm tra

1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiểm tra toàn diện việc thi hành các văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và việc thực hiện các công việc được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành, địa phương.

2. Các Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng kiểm tra việc thi hành các văn bản và công việc nêu trên theo phạm vi, lĩnh vực công tác đã được Thủ tướng phân công; các thành viên Chính phủ khác kiểm tra việc thi hành các văn bản và công việc theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ.

3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giúp Thủ tướng, các Phó Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện các văn bản và công việc nêu trên ở các Bộ, ngành, địa phương khi được Thủ tướng, Phó Thủ tướng giao; đồng thời chịu trách nhiệm tham mưu cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng để thực hiện kế hoạch kiểm tra thường xuyên, đột xuất theo yêu cầu chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương kiểm tra việc thực hiện các văn bản và công việc được giao trong phạm vi quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của Bộ, cơ quan, địa phương mình.

Điều 33. Phương thức kiểm tra

1. Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện kế hoạch kiểm tra thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất việc thi hành các văn bản, công việc trong phạm vi và thẩm quyền đã phân công.

2. Thủ tướng Chính phủ phân công thành viên Chính phủ chủ trì việc kiểm tra hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc thi hành các văn bản đối với những lĩnh vực, chương trình, dự án cụ thể có nhiều bức xúc về trật tự kỷ cương nhằm tập trung chỉ đạo dứt điểm, tạo chuyển biến rõ nét, làm đà cho việc thiết lập trật tự, kỷ cương chung.

3. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng kiểm tra thông qua làm việc trực tiếp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc làm việc trực tiếp tại cơ sở khi cần thiết.

4. Chính phủ thành lập Đoàn kiểm tra khi cần thiết.

Điều 34. Báo cáo kết quả kiểm tra

1. Khi kết thúc kiểm tra, người chủ trì việc kiểm tra phải báo cáo kết quả, nếu phát hiện có sai phạm thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Định kỳ vào tháng cuối mỗi quý, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình kiểm tra việc thi hành các văn bản, công việc được giao thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý.

3. Văn phòng Chính phủ tổng hợp chung, báo cáo Chính phủ tình hình kiểm tra việc thi hành các văn bản tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và tháng 12.

Chương 7:

TIẾP KHÁCH, ĐI CÔNG TÁC

Điều 35. Quy định về tiếp khách

1. Ngoài việc đón tiếp các đoàn khách cấp cao nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2001, Thủ tướng, Phó Thủ tướng còn có các cuộc tiếp khách theo Quy chế này.

2. Thủ tướng Chính phủ trực tiếp hoặc phân công Phó Thủ tướng hay một thành viên Chính phủ thay mặt Thủ tướng tiếp khách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (cả khách trong nước và khách nước ngoài) tại trụ sở Chính phủ.

3. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan phục vụ Thủ tướng, Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ tiếp khách dựa trên các căn cứ sau:

a) Theo đề nghị của các Bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền hoặc đề nghị trực tiếp của khách được Thủ tướng, Phó Thủ tướng đồng ý.

b) Theo chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, Phó Thủ tướng.

4. Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ:

a) Trình Thủ tướng Chính phủ các đề nghị tiếp khách nêu tại điểm a khoản 3 Điều này; thông báo kịp thời ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho các cơ quan liên quan biết.

b) Phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung tiếp khách. Trường hợp xét thấy cần thiết, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ có công văn yêu cầu Bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị một số nội dung và tham gia phục vụ tiếp khách (về nghi lễ, phiên dịch...).

c) Mời các cơ quan thông tấn, báo chí cần thiết đến để đưa tin.

d) Tổ chức phục vụ và bảo đảm an ninh, an toàn cho cuộc tiếp.

đ) Ban hành văn bản thông báo kết quả tiếp khách và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện các công việc được giao. Dự thảo thông báo phải được Thủ tướng, Phó Thủ tướng duyệt trước khi phát hành.

Điều 36. Đi công tác địa phương, cơ sở

1. Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng Chính phủ lập chương trình của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng thăm và làm việc chính thức tại các địa phương.

a) Nếu địa phương có các vấn đề kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý thì phải chuẩn bị báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ ít nhất 15 ngày làm việc trước ngày Thủ tướng, Phó Thủ tướng đến làm việc;

b) Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan phải chuẩn bị xong nội dung và báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng trước chuyến đi ít nhất 03 ngày làm việc;

Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng quyết định chương trình làm việc, nội dung, thời gian, nghi thức và thành phần Đoàn công tác; thông báo trước kế hoạch cho địa phương và các cơ quan liên quan trước ít nhất 3 ngày làm việc;

Sau chuyến công tác, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng, Phó Thủ tướng. Dự thảo thông báo phải được người chủ trì chuyến công tác duyệt trước khi phát hành. Văn phòng Chính phủ chủ trì đôn đốc việc thực hiện các công việc nêu trong thông báo.

2. Trong trường hợp đột xuất, cấp bách, khi các địa phương gặp thiên tai, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ gây thiệt hại nặng về người và tài sản, Thủ tướng Chính phủ quyết định các hình thức sau:

a) Chỉ thị cho các ngành, các cấp tổ chức khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân;

b) Thành lập Đoàn công tác liên ngành của Chính phủ, chỉ định và giao quyền quyết định tại chỗ một số vấn đề cho Trưởng Đoàn công tác là thành viên Chính phủ;

c) Trực tiếp hoặc uỷ quyền Phó Thủ tướng tới hiện trường thăm và chỉ đạo công tác phòng, tránh và khắc phục thiệt hại.

3. Việc tổ chức các đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại địa phương phải tuân theo các quy định tại Chương I bản Quy định   số 60/QĐ-TW ngày 11 tháng 02 năm 2003 của Bộ Chính trị.

4. Thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ dành thời gian đi kiểm tra ở địa phương, cơ sở, khảo sát thực tế để tổng kết các mô hình, gặp gỡ tiếp xúc và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để phục vụ công tác. Tùy nội dung từng chuyến công tác để có hình thức tổ chức thích hợp, bảo đảm thiết thực và tiết kiệm, có thể báo trước hoặc không báo trước cho địa phương. 

Điều 37. Đi công tác nước ngoài

1. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đi công tác nước ngoài:

a) Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ lập chương trình, thành phần đoàn công tác và chuẩn bị nội dung làm việc, các vấn đề về lễ tân tại nước ngoài của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng quyết định.

Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện nội dung, chương trình làm việc và công tác lễ tân của chuyến công tác.

b) Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng kết quả chuyến đi và đề xuất các văn bản cần ban hành, các công việc cần triển khai.

c) Văn phòng Chính phủ thẩm tra, trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng để ban hành các văn bản cần thiết triển khai các công việc sau chuyến đi; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các văn bản, công việc đó.

d) Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng ban hành Quy chế cụ thể về tổ chức các chuyến đi công tác nước ngoài của Thủ tướng, Phó Thủ tướng.

2. Các thành viên khác của Chính phủ đi công tác nước ngoài (ngoài các chuyến công tác theo chương trình của Chính phủ đã được Thủ tướng phê duyệt) phải xin phép và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý; đồng thời phải cử cấp phó thay mặt mình giải quyết công việc trong thời gian đi công tác.

Chương 8:

CÔNG TÁC THÔNG TIN, BÁO CÁO

Điều 38. Thông tin báo cáo phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

1. Báo cáo của các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bao gồm:

- Báo cáo định kỳ (tháng, quý, 6 tháng, năm) tổng hợp về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quản lý nhà nước, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng và các nội dung cần thiết khác;

- Các báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ;

- Dự thảo các báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ.     

2. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm cung cấp thông tin đối ngoại và thực hiện việc điểm tin hàng ngày trên các đài, báo nước ngoài gửi Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo hàng ngày với  Thủ tướng Chính phủ về tình hình an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội.

3. Ngoài nhiệm vụ như các Bộ trưởng khác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ còn phải thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Tổ chức việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin tại Văn phòng Chính phủ để phục vụ có hiệu quả sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các phiên họp Chính phủ, các cuộc họp, làm việc và xử lý công việc thường xuyên của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng; gửi tài liệu, mời họp qua mạng máy tính.

b) Bảo đảm việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng bằng các báo cáo nhanh hàng ngày về các vấn đề nổi lên thuộc thẩm quyền mà Thủ tướng cần đặc biệt quan tâm để chỉ đạo xử lý; báo cáo điểm báo; báo cáo tổng hợp về sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ định kỳ tháng, 06 tháng, năm; các báo cáo khác theo yêu cầu của Thủ tướng.

c) Thực hiện nhiệm vụ phát ngôn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tổ chức họp báo để thông báo kết quả phiên họp Chính phủ và họp báo khi cần thiết để thông báo các vấn đề quan trọng trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

d) Phối hợp, trao đổi thông tin và tham gia phiên họp giao ban với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội và các Ban của Đảng; báo cáo tổng hợp tình hình theo yêu cầu giao ban với Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.

đ) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan trong hệ thống hành chính thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo.

4. Các Bộ, cơ quan đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thông tin báo cáo bảo đảm yêu cầu nhanh, chính xác, hiệu quả.  

Điều 39. Báo cáo tại phiên họp Chính phủ

1. Hàng tháng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và kiến nghị các giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ kế hoạch; Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Bộ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo về công tác cải cách hành chính; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện chương trình công tác, các quyết nghị của Chính phủ giữa hai kỳ họp.

2. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ (06 tháng, 01 năm).

3. Các báo cáo chuyên đề, đột xuất khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.    

Điều 40. Thông tin về hoạt động của Chính phủ cho nhân dân

1. Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thông qua các báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, trả lời của thành viên Chính phủ đối với chất vấn của đại biểu Quốc hội, họp báo và ý kiến phát biểu với cơ quan thông tin đại chúng theo quy định tại khoản 9 Điều 20 Luật Tổ chức Chính phủ.

2. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức họp báo định kỳ hoặc đột xuất để thông tin cho các cơ quan báo chí và nhân dân về các chính sách và quyết định quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Khi được yêu cầu, các Bộ, cơ quan liên quan tham dự họp báo, trực tiếp phát biểu và chịu trách nhiệm về các nội dung thuộc phạm vi chuyên ngành của mình.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ:

a) Thực hiện tốt quy định về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tiếp cận các thông tin chính xác, kịp thời về các sự kiện xảy ra trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình.

b) Tổ chức họp báo theo định kỳ, họp báo khi ban hành các văn bản quan trọng, khi triển khai các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, khi có các sự kiện đáng chú ý khác.

c) Thường xuyên điểm báo và thực hiện việc trả lời báo chí theo quy định của pháp luật.

Điều 41. Thông tin đối ngoại

1. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo, thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho các cơ quan báo chí nước ngoài tại Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

2. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, bằng các hình thức thích hợp mở rộng việc thông tin ra nước ngoài về tình hình mọi mặt của đất nước./. 

 

 

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

THE GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No. 179/2007/ND-CP

Hanoi, December 3, 2007

 

DECREE

PROMULGATING THE GOVERNMENTS WORKING REGULATION

THE GOVERNMENT

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government:
At the proposal of the Minister-Director of the Government Office,

DECREES:

Article 1. To promulgate together with this Decree the Governments Working Regulation.

Article 2. This Regulation takes effect 15 days after its publication in CONG BAO., replacing the Governments Working Regulation promulgated together with Decree No. 23/2003/ND-CP of March 12, 2003.

Ministries, ministerial-level agencies and provincial/municipal Peoples Committees shall promulgate their working regulations consistent with this one.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Cabinet members, heads of government-attached agencies, chairmen of Peoples Councils and presidents of Peoples Committees of provinces and centrally run cities, and heads of concerned agencies shall implement this Decree.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

THE GOVERNMENTS WORKING REGULATION
(Promulgated together with the Governments Decree No. 179/2007/ND-CP of December 3, 2007)

Chapter 1

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope and subjects of regulation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Cabinet members, ministries, ministerial-level agencies as well as agencies, organizations and individuals having working relations with the Government and the Prime Minister are governed by this Regulation.

3. When a document issued by the Government or the Prime Minister before this Regulation provides procedures for settlement of affairs different from those prescribed in this Regulation, the procedures prescribed in this Regulation shall be applied.

Article 2. Working principles of the Government

1. To adopt the mechanism of collective responsibility while heightening powers and responsibilities of the Prime Minister and each cabinet member. All activities of the Government and cabinet members are placed under the Party leadership, comply with law and ensure the peoples rights and interests.

2. To heighten individual responsibility so that each person will take charge of and assume responsibility for only one job. Heads of agencies shall take the prime responsibility for the jobs assigned to them.

3. To settle affairs within its prescribed competence and assigned responsibility, according to the order and procedures prescribed by law as well as the Governments work programs and plans and Working Regulation; to regularly reform administrative procedures, ensuring publicity, transparency and efficiency.

4. To ensure the requirements of work coordination and information exchange in the settlement of affairs and all activities according to its functions, tasks and powers prescribed by law.

Chapter 2

RESPONSIBILITIES, SCOPE AND MODES OF SETTLEMENT OF AFFAIRS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Within the scope of its powers and responsibilities prescribed by law, the Government shall discuss collectively and vote by majority on important issues specified in Article 19 of the Law on Organization of the Government, review its direction and administration work, the implementation of its Working Regulation, and other issues prescribed by law and falling within its competence.

2. Modes of settlement of affairs by the Government:

a/ Discussing and resolving each issue, scheme or project at regular or irregular meetings;

b/ With regard to issues which need not be discussed at the Governments meetings or should be urgently decided while conditions do not permit the organization of the Governments meetings, the Government Office shall, under the direction of the Prime Minister or deputy prime ministers, send all related dossiers (according to Point b. Clause 1. Article 16 of this Regulation) and consultation cards to every cabinet member. If most cabinet members agree, the drafting ministry shall finalize documents for the Government Office to examine and submit them to the Prime Minister for decision, and report the results to the Government at the nearest meeting. If most cabinet members disagree, the Government Office shall report such to the Prime Minister for decision on bringing those issues up for discussion at the Governments nearest meeting.

3. The Governments collective resolutions must be adopted by more than half of its members. When holding a vote at a meeting or using consultation cards, if the votes for and against are equal, the opinion voted for by the Prime Minister is the final decision.

Article 4. Responsibilities of cabinet members

1. To participate in settling general affairs of the Government collective; to join the Government collective in deciding on issues falling within the Governments competence and responsibilities; to study and propose to the Government and the Prime Minister necessary undertakings, policies, mechanisms and legal documents which fall within or beyond their domains and under the competence of the Government or the Prime Minister; to take the initiative in working with the Prime Minister and deputy prime ministers on the Governments affairs and related affairs.

Cabinet members being ministers or heads of ministerial-level agencies shall take responsibility for all contents of schemes, projects and legal documents they have prepared for submission to the Government and the Prime Minister.

2. To attend all the Governments meetings and fill in all consultation cards instead of voting at the Governments meetings.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. To implement plans on making work trips to localities and grassroots units, on receiving and talking with people about issues falling under their responsibilities or under the Governments responsibility but assigned to them; to regularly inspect and guide the implementation of policies and laws and the performance of the Governments and the Prime Ministers plans and decisions relating to the branches or domains under their charge: to thoroughly understand the practical situation in order to improve their work quality and efficiency.

5. In their activities, the Government and every cabinet member should take the initiative in closely coordinating with Party and National Assembly agencies, the Supreme Peoples Court, the Supreme Peoples Procuracy, the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front and central agencies of mass organizations; perform all their tasks under regulations and relevant provisions; examine, settle and take the initiative in reporting, dialoguing with, and responding to petitions of, the Nationality Council and Committees of the National Assembly, questions of National Assembly deputies, proposals of the Fatherland Front and mass organizations regarding issues in the domains under their charge.

6. To have their own electronic mailboxes to receive and send information, documents, petitions, mails or invitations, and exchange opinions on relevant issues; and be equipped with facilities to do their jobs, exchange information and attend teleconferences.

7. Not to speak or act in contravention of the Governments and the Prime Ministers decisions. If having different opinions, they must still abide by such decisions but may present their opinions to the Government collective and the Prime Minister. All violations must be criticized before the Government in order to identify liabilities.

Article 5. Scope and modes of settlement of affairs by the Prime Minister

1. The Prime Minister shall perform all tasks and exercise all powers provided for by the Constitution and the Law on Organization of the Government; lead the Government, cabinet members, heads of government-attached agencies and Peoples Committees at all levels. He/she shall personally direct and administer major, important and strategic issues in all domains falling within the functions and tasks of the Government.

2. The Prime Minister has responsibility and power to settle affairs prescribed in Article 20 of the Law on Organization, of the Government and other affairs prescribed by law. which fall within his/her competence.

3. When necessary, the Prime Minister may personalise direct the settlement of important and urgent affairs which fall within the competence of ministers or provincial-level Peoples Committee presidents.

4. Modes of settlement of affairs by the Prime Minister:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ When necessary, to settle affairs or assign a deputy prime minister to settle affairs, on the basis of dossiers and documents submitted by concerned agencies, organizations and individuals, without requiring the Govemment Offices submission notes.

c/ To directly or assign a deputy prime minister to meet and work with leaders of concerned agencies, organizations and individuals in order to consult the latter on decisions to be made.

d/ To set up inter-branch coordinating bodies to direct the handling of complicated and important issues which are related to many branches and localities and cannot be settled in a short time.

e/ To authorize the Minister-Director of the Government Office or another minister to preside over working sessions with leaders of concerned agencies, organizations or individuals so as to synthesize issues falling within the Prime Ministers competence on which the ministries opinions remain divergent, and submit them to the Prime Minister for decision.

f/ Other modes specified in this Regulation, such as personally directing issues falling within his/her competence when necessary, making work trips to settle affairs right in localities or units, receiving citizens and guests.

Article 6. Scope of settlement of affairs by deputy prime ministers

1. The Prime Minister shall assign deputy prime ministers to assist him/her in settling affairs on the following principles:

a/ Each deputy prime minister shall be assigned by the Prime Minister to direct and regularly settle specific affairs which fall within the Prime Ministers competence in some work domains of the Government; to supervise and direct some ministries, ministerial-level agencies and government-attached agencies:

b/ Within the ambit of their assigned tasks, deputy prime ministers may, according to their powers or in the name of the Prime Minister, settle affairs and be answerable to the Prime Minister for their decisions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Within the scope of his/her assigned tasks, a deputy prime minister has the following responsibilities and powers:

a/ To direct ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies, and provincial/ municipal Peoples Councils and Peoples Committees in formulating socio-economic strategies, planning and plans, ensuring defense, security and state budget; formulating mechanisms and policies, drafting laws, ordinances and legal documents for promulgation according to their competence and submission to the Government and the Prime Minister.

b/ To inspect and urge ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies, and provincial/municipal Peoples Councils and Peoples Committees in organizing the implementation of undertakings, policies, laws, planned tasks and state budget estimates in the domain under his/her charge; to detect and settle problems according to his/her competence, and propose necessary amendments or supplements. If detecting that ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies. Peoples Councils or Peoples Committees promulgate legal documents or act in contravention of law or regulations of the Government and the Prime Minister, to stop the implementation of those documents or acts, and direct the implementation in accordance with law.

c/ To regularly monitor and settle specific affairs falling within the Prime Ministers competence; to sign on behalf of the Prime Minister legal documents which fall within the latters competence in the domains or fields of work assigned by the Prime Minister;

d/ To monitor organization and personnel work, direct the settlement of internal affairs of agencies assigned by the Prime Minister, which fall within the latters competence.

3. The Prime Minister shall designate a deputy prime minister to be the permanent cabinet member to assist him/her in regulating general activities of the Government according to its work programs and at the request of the Prime Minister, sign the Governments legal documents and settle affairs under the charge of the Prime Minister in case of his/her absence.

Article 7. Scope of settlement of affairs by ministers and heads of ministerial-level agencies

1. Ministers and heads of ministerial-level agencies shall:

a/ Settle affairs within their competence prescribed in the Constitution, the Law on Organization of the Government and other legal documents, and perform tasks assigned by the Government or the Prime Minister;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Consider and submit to the Government and the Prime Minister for settlement affairs falling within the latters competence.

d/ Give opinions to other ministries, agencies and provincial/municipal Peoples Committees for handling issues falling within the latters competence but relating to their management functions, branches or domains.

2. Ministers and heads of ministerial-level agencies must heighten their individual responsibility, properly exercise their powers and assigned tasks (including authorized tasks), may neither transfer affairs under their tasks or within their competence to the Prime Minister or to other agencies nor settle affairs falling within the competence of other agencies.

3. Ministers and heads of ministerial-level agencies shall take individual responsibility before the National Assembly and the Prime Minister for all affairs under their responsibilities and competence, even when they have assigned or authorized those affairs to their deputies.

Article 8. Working relations between ministers and heads of ministerial-level agencies

1. When settling affairs falling within their competence but related to the functions and tasks of other agencies, ministers and heads of ministerial-level agencies must consult relevant ministers and heads of those agencies. When consulted, ministers and heads of agencies must give written replies within 5 working days, and take responsibility for their replies; if invited to attend meetings, they must attend or authorize competent persons to attend such meetings.

Ministers and heads of agencies assigned to evaluate or examine schemes, projects or documents shall perform the assigned tasks with quality and on schedule.

2. With regard to affairs that fall outside their competence or that fall within their competence but they are unable or have not enough conditions to settle, ministers and heads of ministerial-level agencies shall take the initiative in working with concerned ministers and heads of relevant agencies in completing dossiers to be submitted to the Government or the Prime Minister for decision.

Article 9. Working relations between ministers, heads of ministerial-level agencies and Peoples Council chairmen and Peoples Committee presidents of provinces or centrally run cities

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. If receiving requests of Peoples Council chairmen or Peoples Committee presidents of provinces or centrally run cities to work directly with them on affairs related to their specialized management domains, ministers or heads of ministerial-level agencies must prepare thoroughly for such working sessions and send relevant documents to the requesters in advance. They shall directly work or authorize their deputies to work with Peoples Council chairmen or Peoples Committee presidents of provinces or centrally run cities or the latters deputies.

3. Ministers and heads of ministerial-level agencies shall direct, guide and inspect Peoples Committees at all levels to perform tasks in the branches or domains under their charge; strictly manage their attached units based in localities and promptly rectify or handle any wrongdoings.

Chapter 3

WORK PROGRAMS OF THE GOVERNMENT AND THE PRIME MINISTER

Article 10. Work programs

1. Work programs include annual, quarterly and monthly programs of the Government and the Prime Minister; and weekly programs of the Prime Minister and deputy prime ministers.

a/ Schemes defined in this Regulation and included in work programs of the Government and the Prime Minister include:

- Contents specified in Clause 1, Article 3 of this Regulation;

- Drafts of legal documents; projects and issues related to policies, mechanisms, plannings or plans and falling within the deciding, approving and promulgating competence of the Prime Minister;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Lists of schemes registered for submission to the Government and the Prime Minister must be drawn up on the basis of:

- Directions of the Politburo, the Secretariat, the Government and the Prime Minister;

- Guidance on the implementation of laws and resolutions of the National Assembly, ordinances and resolutions of the National Assembly Standing Committee;

- Proposals of ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies, provincial/ municipal Peoples Committees and other agencies and organizations.

2. An annual work program of the Government and the Prime Minister consists of two parts: one on the Governments major orientations, tasks and solutions in all work domains, and the other on the list of schemes to be submitted to the Government and the Prime Minister.

a/ Each scheme stated in an annual work program must identify whether the Government or the Prime Minister will decide it, the drafting agency and the submission deadline;

b/ Deadlines for submission of schemes in an annual work program must be specified in quarter or month.

3. A quarterly work program consists of a list of schemes to be submitted to the Government and the Prime Minister and contents of the Governments meetings in the quarter.

a/ The Governments regular meetings discuss schemes and reports mentioned in Clause 1, Article 3 and Article 39 of this Regulation:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ The work program for the first quarter is specified in the annual work program.

4. A monthly work program is composed of a list of schemes to be submitted to the Government, the Prime Minister and each deputy prime minister, and the agendas for the Governments monthly meetings. The work program for the first month of a quarter must be specified in the quarterly work program.

5. A weekly work program covers activities of the Prime Minister and deputy prime ministers, specified on a daily basis.

Article 11. Order of elaborating work programs

1. Annual work programs:

a/ Before October 15 annual, the Government Office shall send official letters to ministries ministerial-level agencies, government-attached agencies and provincial/municipal Peoples Committees (below referred to as ministries and agencies), requesting the latter to review their direction and administration work in the year, make proposals on major orientations, tasks and solutions of the Government, and register schemes to be included in the work program of the subsequent year.

Before November 15, ministries and agencies shall send to the Government Office reports reviewing their direction and administration work and lists of schemes to be submitted to the Government and the Prime Minister in the subsequent year.

Such a list must identify:

- Schemes falling within the deciding competence of the Government and the Prime Minister as mentioned at Point a, Clause 1. Article 10 of this Regulation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Based on the Governments requirements and tasks and lists of registered schemes of ministries and agencies, the Government Office shall draft a work program of the Government and the Prime Minister for the subsequent year and submit it to the Prime Minister for consideration and comment before submitting to the Government for adoption at its regular year-end meeting.

c/ Within 10 working days after an annual work program is adopted by the Government, the Government Office shall finalize and submit it to the Prime Minister for promulgation and sending to cabinet members and concerned agencies and organizations for information and implementation.

2. Quarterly work programs:

a/ In the last month of every quarter, ministries and agencies shall assess the implementation of the work program of that quarter, review schemes for the next quarter as stated in the annual work program and consider newly arising issues so as to propose adjustments to the subsequent quarters work program.

By the 15th of the last month of a quarter, agencies shall send to the Government Office proposals on adjustments to the work program of the subsequent quarter (enclosed with adjustments to the plan for implementation of each scheme).

b/ The Government Office shall draft quarterly work programs of the Government and the Prime Minister and submit them to the Prime Minister for decision. By the 25th of the last month of a quarter, the Government Office shall send the work program of the subsequent quarter to cabinet members and concerned agencies and organizations for information and implementation.

3. Monthly work programs:

a/ Based on the schedules for preparation of schemes slated in a quarterly work program, outstanding and newly arising problems, ministries and agencies shall, by the 20th of the current month, send to the Government Office proposals on adjustments to the work program of the subsequent month.

b/ Based on the quarterly work program, the Governments and the Prime Ministers direction and administration as well as ministries and agencies proposed adjustments, the Government Office shall draft the Governments and the Prime Ministers monthly work programs and submit them to the Prime Minister for promulgation; by the 25th of every month, the Government Office shall send those programs to cabinet members and concerned agencies and organizations for information and implementation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. The order of drafting law- and ordinance-making programs complies with the law on promulgation of legal documents.

6. Work programs may be adjusted based on the Governments and the Prime Ministers direction and requests of ministries and agencies. The Government Office shall report any adjustments to the Prime Minister for decision and promptly notify them to cabinet members and heads of concerned agencies.

7. The Government Office is responsible for managing work programs of the Government and the Prime Minister, shall advise the Government and the Prime Minister on drafting, adjusting and organizing the implementation of work programs, ensuring their conformity with the latters direction and administration requirements.

The Government Office shall regularly coordinate with the Offices of the Party Central Committee, the National Assembly, the State President and concerned agencies in drafting the Governments and the Prime Ministers work programs, ensuring their feasibility.

Article 12. Scheme preparation plans

1. Based on annual work plans of the Government and the Prime Minister, heads of agencies in charge of schemes shall organize the drafting of a preparation plan for each scheme, which should identify the scope of the scheme, jobs to be done, coordinating agencies and deadline for the schemes submission, and send the plan to the Government Office for monitoring and urging its implementation.

Plans must be sent within 10 working days, for schemes in the first quarters work program, or within 30 working days after the annual program is promulgated, for other schemes.

2. With regard to draft laws and ordinances, preparation plans must be worked out in accordance with the Law on Promulgation of Legal Documents,

3. If the owner of a scheme wants to change the schemes requirements, scope of handling matters or submission deadline, he/she shall report such to and obtain approval from the Prime Minister or the deputy prime minister in charge of the relevant domain.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Monthly, quarterly, biannually and annually, ministries and agencies shall review and assess the implementation of schemes in work programs, notify the Government Office of the implementation results, problems and solutions, and, at the same time, propose adjustments or supplements to the schemes in the subsequent work program.

2. The Government Office shall assist the Prime Minister in regularly monitoring, inspecting and urging the preparation of schemes by ministries and agencies; periodically report to the Government on results of implementation of the Governments and the Prime Ministers work programs.

3. Assessment of results of implementation of quarterly and annual work programs shall be based on the synthesization of results of implementation of monthly work programs.

Chapter 4

ORDER AND PROCEDURES FOR SETTLEMENT OF REGULAR AFFAIRS

Article 14. Types of regular affairs of and modes of settlement by the Prime Minister and deputy prime ministers

With regard to drafts of legal documents and major schemes, projects and reports under work programs, the Prime Minister and deputy prime ministers shall consider and handle them on the basis of all dossiers, reports and drafts submitted by ministers and heads of drafting agencies, opinions of evaluating agencies and concerned agencies as well as examination opinions of the Government Office.

2. For other regular affairs falling within the competence of the Prime Minister:

a/ The Prime Minister or deputy prime ministers shall consider and settle them at the request of agencies, organizations or individuals on the basis of the dossiers, contents, proposals and draft documents which are all prepared and submitted by the Government Office.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The Prime Minister or a deputy prime minister shall chair meetings (or authorize a minister to chair meetings then report thereon) to settle affairs which cannot be settled immediately on the basis of submitted dossiers defined in Clauses 1 and 2 of this Article.

4. Other modes: The Prime Minister or deputy prime ministers may work directly with ministries or localities, receive guests, or pay field visits to inspect and direct affairs at the grassroots level. In these cases, the Government Office shall promptly prepare necessary documents to be submitted to the Prime Minister or deputy prime ministers for promulgation.

Article 15. Assignment of responsibilities for preparation of schemes and settlement of affairs

1. For schemes being legal documents, major schemes and reports under work programs of the Government and the Prime Minister:

a/ Ministers or heads of drafting agencies shall take overall responsibility for submitted contents and dossiers, take the initiative in filling in all procedures for collecting and assimilating opinions of concerned ministries and agencies, including opinions of evaluating agencies and cabinet members, so as to finalize draft schemes and legal documents before submission; finalize dossiers, directly sign submission reports and initial the drafts before submitting them to the Government and the Prime Minister.

b/ The Government Office shall supervise the whole process of formulating schemes; regularly coordinate with drafting agencies, urge and inspect the process of preparing schemes, and give comments to ensure that schemes are prepared on schedule, according to the set order and procedures, objectively and in compliance with the Governments and the Prime Ministers direction; urge evaluating agencies to perform their tasks; directly examine the submission order and procedures; and send consultation cards to cabinet members for comment on the opinions to be submitted to the Government.

c/ Evaluating agencies shall appoint persons to participate in the whole process of formulating schemes; organize the evaluation of schemes and documents before ministers or heads of drafting agencies sign them for official submission to the Government and the Prime Minister. The evaluation time limit must not exceed the permitted one.

d/ Heads of coordinating agencies shall appoint persons to participate in the formulation of schemes at the request of scheme owners. Representatives of coordinating agencies shall participate with a high sense of responsibility in the formulation of schemes and regularly report to and consult heads of their agencies throughout the course of their participation.

e/ In order to finalize draft schemes, drafting agencies shall collect official opinions of concerned agencies through meetings with or sending dossiers to these agencies. The sending of dossiers for comment may be conducted via computer network or e-mail to cabinet members. Reports on the receipt and explanation of comments of concerned ministries and agencies must be included in to-be-submitted dossiers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. For other regular affairs (beside schemes and affairs mentioned in Clause 1 of this Article):

- Ministries, localities, agencies, organizations and individuals shall submit to the Prime Minister for settlement only affairs under his/her powers and responsibilities. Documents and submission reports must be explicit, enclosed with related dossiers and documents (if any). The sending of documents for submission must comply with the provisions of law.

- With respect to affairs mentioned in Clause 2 of this Article, the Government Office shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries and agencies in, completing dossiers, procedures and drafts of documents to be promulgated for submission to the Prime Minister or deputy prime ministers for decision.

Concerned ministers and heads of agencies shall, when consulted by the Government Office, give written replies stating their agreement or disagreement or different opinions on related issues within 5 working days; if invited to attend meetings, they shall attend or appoint competent persons to attend such meetings.

- When necessary, if the Prime Minister or deputy prime ministers directly give their opinions directing the settlement of certain affairs (without requiring submission notes of the Government Office), the Government Office shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries and agencies in, settling those affairs according to the direction; if detecting inappropriate issues or problems, it shall report them to the Prime Minister or deputy prime ministers for guidance.

Article 16. Procedures for sending official letters and submission reports on the settlement of affairs

1. Necessary papers to be submitted to the Government or the Prime Minister for settlement of affairs:

a/ Official letters or submission reports to the Government or the Prime Minister proposing the settlement of affairs must contain explicit contents falling within the settling competence of the Government or the Prime Minister. Documents of ministries, agencies or organizations must be duly signed and stamped.

b/ With regard to schemes mentioned at Point a, Clause 1, Article 10 of this Regulation, a to-be-submitted dossier comprises:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The document of the scheme-evaluating agency, made according to law;

- A report on the assimilation of opinions of concerned agencies, including evaluation opinions;

- The drafts of the major legal document and the documents guiding its implementation. Contents of the drafts must be explicit and specific so that the documents may be implemented immediately as soon as the major document is approved;

- A plan on organization of implementation once the scheme is approved and the document is promulgated;

- Other necessary documents.

2. With regard to agencies and organizations outside the state administrative system, the procedures for sending official letters comply with current law on clerical work. Foreign agencies and organizations may follow common procedures for sending official letters.

3. The Government Office shall draw up a list of dossiers submitted to the Government and the Prime Minister for monitoring the process of their handling and systematical preservation.

Article 17. Receipt and finalization of submitted dossiers by the Government Office

1. The Government Office shall only receive for submission to the Prime Minister or deputy prime ministers schemes and affairs which fall under the latters responsibilities and competence, and affairs mentioned in Clause 3, Article 5 of this Regulation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Within 7 working days after receiving a complete dossier submitted according to procedures, the Government Office shall finalize a submission note stating its examination opinions to the Prime Minister or a deputy prime minister, enclosed with the complete dossier of the scheme or the draft document. Examination opinions may be stated in the submission note or a separate document, commenting on the order and procedures of preparing the scheme or document, including explanations on the assimilation of opinions of the evaluating agency and concerned agencies, specific proposal of the Government Office, reasons and solutions. A proposal may be:

- Immediate signing or non-signing of the document for promulgation (for affairs falling within the Prime Ministers competence);

- Sending of consultation cards to cabinet members, for draft documents on affairs falling within the competence of the Government which have been basically agreed by drafting agencies, evaluating agencies and concerned agencies:

- Discussion at the Governments meetings, for drafts on which opinions remain divergent between drafting agencies, evaluating agencies and concerned agencies.

- Return of the draft to the drafting agency for further preparation, for drafts which remain unsatisfactory and fail to comply with the set procedures and direction of the Government and the Prime Minister.

b/ The Government Office shall take responsibility for its examination opinions, but not for contents of documents submitted by drafting agencies and may not directly make corrections to those documents:

c/ Upon the Prime Ministers or a deputy prime ministers request for modification of contents of submitted documents, the Government Office shall transfer dossiers to drafting agencies for modification and re-submission.

3. With regard to other regular affairs (other than the above-mentioned ones):

a/ If the submitted dossier does not fall within the handling competence of the Prime Minister, or deals with affairs other than those mentioned in Clause 3, Article 5 of this Regulation, the Government Office shall, on a case-by-case basis and within 2 working days, return the dossier and state the reason; or transfer the dossier to a competent agency for handling and notify such lo the sender;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- For cases in which a complete dossier has been supplied or the submitted issues arc clear and need no opinions of concerned agencies for handling, within 5 working days the Government Office shall process the case or give its advisory opinion (agreement or disagreement) to the Prime Minister or deputy prime ministers for consideration and decision;

- For cases in which the dossier is incomplete: The Government Office shall assume the prime responsibility for processing, consult concerned ministries and agencies for completion of procedures and the dossier and take overall responsibility for giving advice to the Prime Minister or deputy prime ministers on the settlement of related affairs. With regard to requests of ministries, ministerial-level agencies, provincial-level Peoples Committees, economic groups or state corporations, after synthesizing opinions of concerned ministries and agencies, the Government Office shall discuss with the submitting agency on contents submitted to the Prime Minister or deputy prime ministers. Within 20 working days after receiving agencies, organizations or individuals requests to the Prime Minister, the Government Office shall finalize the dossier and submission note to the Prime Minister or deputy prime ministers for decision. A note of submission for settlement of affairs must reflect explicitly, fully and honestly opinions of agencies, including divergent opinions, and opinions of requesting agencies after discussion with the Government Office: suggestions of experts directly supervise the affairs, leaders of departments and the Government Office. A submission note for the settlement of affairs must be enclosed with a complete dossier and the draft document to be promulgated.

For major and complicated issues related to mechanisms and policies which need additional preparation, the Government Office shall advise the Prime Minister or deputy prime ministers to assign specialized ministries or agencies to make preparation for submission.

c/ For urgent affairs which need to be settled urgently or must be directed personally by the Prime Minister or deputy prime ministers, the Government Office shall take the initiative in reporting to and following the Prime Ministers or deputy prime ministers direction as soon as possible, and need not follow the above prescribed order and procedures.

Article 18. Processing of submitted dossiers and promulgation of legal documents

1. Within 3 working days after receiving a dossier submitted by the Government Office, the Prime Minister or a deputy prime minister shall process the dossier and give his/her official opinion on the submission note of the Government Office.

2. While dossiers arc being processed, if the Prime Minister or deputy prime ministers see that it is necessary to hold meetings and discussions about the schemes or affairs, the Government Office shall coordinate with concerned agencies in preparing all contents of and organizing those meetings.

The Prime Minister or deputy prime ministers may authorize the Minister-Director of the Government Office or another cabinet member to chair these meetings and send reports on the meetings results to the Prime Minister or deputy prime ministers.

3. With regard lo schemes which must be resolved collectively by the Government under Article 19 of the Law on Organization of the Government, the Prime Minister or deputy prime ministers may consider the contents and nature of each scheme before making decision to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Assign the Government Office to send consultation cards to cabinet members. Those cards must be sent together with a complete dossier of the scheme, including the document of the evaluating agency and examination opinions of the Government Office with the contents defined at Point a, Clause 2, Article 17 of this Regulation. The drafting ministry shall give explanations and receive opinions of cabinet members. If most cabinet members agree, the drafting ministry shall finalize the scheme to be submitted to the Prime Minister for decision; if most cabinet members disagree, it shall coordinate with the Government Office in submitting the scheme to the Government for discussion at the nearest meeting. If most cabinet members agree but the drafting ministry sees inappropriate issues, it shall report them to the Prime Minister. Re-discussion of the scheme at the Governments meetings shall be considered and decided by the Prime Minister.

Cabinet members shall fill in consultation cards within 7 working days after receiving them. The drafting agency shall receive opinions of cabinet members and give explanations within 10 working days before the scheme is re-submitted to the Prime Minister.

c/ Request the scheme owner to make additional preparation if seeing that the schemes contents remain unsatisfactory.

4. Based on opinions of the Prime Minister or deputy prime ministers on the contents of schemes or affairs, the Government Office shall coordinate with drafting agencies in finalizing draft documents to be signed for promulgation:

a/ Contents failing within the deciding competence of the Government or the Prime Minister must be reflected in documents signed by the Prime Minister or deputy prime ministers;

b/ When it is unnecessary to issue a document of the Government or the Prime Minister, the Government Office shall draft an official letter or notice and submit it to the Prime Minister or deputy prime ministers for approval before its Minister-Director signs and sends it to concerned agencies for information and compliance.

5. Within 30 working days for affairs mentioned in Clause 2, Article 14; or 10 working days for affairs mentioned in Clause I of Article 14, after receiving dossiers submitted by agencies to the Prime Minister and pending the final decision of the Prime Minister or deputy prime ministers, the Government Office shall send official letters stating the reasons to submitting agencies, organizations or individuals.

6. Within 3 working days after the Prime Minister or a deputy prime minister signs documents or give direction opinions for the settlement of affairs, the Minister-Director of the Government Office shall issue and announce the documents in accordance with law.

Chapter 5

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 19. Meetings and conferences of the Government, the Prime Minister and cabinet members

1. Meetings and conferences of the Government, the Prime Minister and cabinet members include:

a/ The Governments regular or irregular meetings;

b/ Conferences (including conferences on implementation of socio-economic development plans and state budget estimates and theme-based conferences);

c/ Regular meetings with ministries, agencies and localities;

d/ Meetings to settle regular affairs and briefing sessions between the Prime Minister and deputy prime ministers:

e/ Meetings chaired by cabinet members to settle the Governments affairs.

f/ Other meetings.

2. In addition to face-to-face meetings, the Government and the Prime Minister may also hold videoconferences or teleconferences.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The Government holds regular meetings once a month:

2. The Government holds irregular meetings under decisions of the Prime Minister or at the request of at least one-third of the total cabinet members.

The preparation for convening and organization of jobs related to irregular meetings shall be directed by the Prime Minister.

3. The Prime Minister shall chair the Governments meetings. In case of his absence, the permanent deputy prime minister or another deputy prime minister authorized by the Prime Minister shall chair the Governments meetings.

Article 21. Preparation for the Governments meetings

1. The Prime Minister shall decide on contents, participants, time and agendas of the Governments meetings.

A regular meeting of the Government begins on Wednesday of the last week of every month. The Prime Minister may decide to change the meeting date when necessary. The Government Office shall notify that change in advance to cabinet members at least 5 working days before the meeting starts.

2. The Government Office has the following tasks:

a/ To examine the order and procedures related to scheme dossiers submitted to a meeting.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ The Minister-Director of the Government Office shall sign invitations to the Governments meetings.

d/ Invitations and documents of a meeting must be sent to cabinet members and other participants at least 5 working days before the meeting, except for special cases.

Article 22. Participants in the Governments meetings

1. Cabinet members shall attend all the Governments meetings; in particular cases, if they cannot attend a meeting or want to be absent from a meeting for some time, they shall report to and obtain consent from the Prime Minister.

In case of their absence, cabinet members being ministers and heads of ministerial-level agencies may appoint their deputies to attend meetings. Their substitutes shall present to the Government their opinions (if any).

A meeting shall be conducted when it is attended by at least two-thirds of cabinet members.

2. The Government may invite the following persons to its meetings:

a/ The State President, to all of its meetings;

b/ The chairman of the National Assembly Nationality Council, the president of the Presidium of the Vietnam Fatherland Fronts Central Committee, heads of central agencies of mass organizations, the president of the Supreme Peoples Court and the chairman of the Supreme Peoples Procuracy, to meetings discussing relevant issues;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Non-cabinet member participants may raise their opinions but not vote.

Article 23. Process of a Government meeting

1. The Minister-Director of the Government Office shall report the contents and a tentative agenda of the meeting; present and absent cabinet members, substitutes of absent cabinet members and invited participants.

2. The chairperson shall control the meeting.

3. The Government shall discuss each scheme in the following order:

a/ The scheme owner briefly presents the scheme and issues which need the Governments comments for not more than 15 minutes;

b/ The Minister-Director of the Government Office presents the Government Offices synthesization report and examination opinions on the scheme, stating cabinet members opinions, issues which have or have not been agreed upon, and proposals on issues to be debated and approved by the Government;

c/ Cabinet members raise their opinions, stating their agreement or disagreement on each specific issue, but not on issues already agreed upon within the scope of the scheme. The time for each member to take the floor must not exceed 10 minutes;

d/ The Prime Minister or a deputy prime minister chairs the discussion on each scheme; the Prime Minister makes conclusion on the scheme and the Government votes; if finding that the issue under discussion is not clear enough, the Prime Minister may request the Government not to vote and the scheme owner to make additional preparation for the scheme.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. The Minister-Director if the Government Office reports or, resolutions of the Government between two sessions of the meeting.

6. The Minister-Director of the Government Office submits to the Government for approval resolutions of the meeting.

7. The chairperson addresses to wrap up the meeting.

Article 24. Minutes of the Governments meetings

1. Minutes of a meeting of the Government must stale clearly the participants and proceedings of the meeting, the list of cabinet members and other participants who have taken the floor (no details are required), the Prime Ministers conclusions on each scheme and results of vote, enclosed with tapes (disks) recording the meeting.

The Minister-Director of the Government Office shall organize the making of minutes and recording of the meeting, and sign the minutes.

2. Minutes of meetings and documents circulated in meetings shall be kept in the state archives and preserved and used under regulations on confidentiality. The use of minutes of meetings shall be decided by the Minister-Director of the Government Office.

Article 25. Resolutions of the Governments meetings

1. Resolutions of the Governments meetings must reflect fully and explicitly the Governments decisions at the meetings; and responsibilities of cabinet members and concerned agencies, organizations and individuals in their implementation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 26. Meetings of the Prime Minister and deputy prime ministers lo settle regular affairs

Meetings of the Prime Minister and deputy prime ministers to settle regular affairs include:

1. In their assigned domains, the Prime Minister and deputy prime ministers may meet with scheme owners and representatives of concerned agencies to listen to their opinions and advice before deciding on the settlement of affairs;

a/ Responsibility of the Government Office:

- To urge scheme owners to prepare sufficient documents for the meetings, send invitations and documents to participants at least 3 working days before a meeting (except for special cases in which the documents may be sent later);

- To prepare venues and conditions necessary for the meetings, ensuring safety of the meetings (if held at the headquarters of the Government Office); coordinate with concerned agencies in performing these tasks if the meetings are not held at the headquarters of the Government Office:

- To make minutes of the meetings according to Point 1, Article 24 of this Regulation;

- Based on conclusions of the Prime Minister or deputy prime ministers, to assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries and agencies in, issuing notices of conclusions of the meetings. Draft notices of the Government Office must be approved by chairpersons of the meetings before their issuance. The Government Office shall assume the prime responsibility for urging the performance of the tasks already concluded by the Prime Minister or deputy prime ministers.

b/ Responsibilities of scheme owners:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To prepare explanations about necessary issues related to contents of the meetings;

- To finalize the schemes or documents to be emitted according to conclusions of the Prime Minister or deputy prime ministers, after the meetings.

c/ Only invited persons may attend meetings and raise opinions about relevant issues. In special cases, when a ministry leader cannot attend a meeting, he/she must report such to the chairperson of the meeting and appoint a department director as his/her substitute, provided that the substitute must be vested with full powers for professional affairs so that he/she may, on behalf of the ministry leadership, express opinions about relevant issues.

2. Briefing sessions of the Prime Minister and deputy prime ministers:

a/ A briefing session covers issues and affairs on which the Prime Minister and deputy prime ministers think that collective exchange of opinions is necessary or affairs which cannot be settled through examination of dossiers and submission notes or through their meetings;

b/ The Minister-Director of the Government Office shall attend briefing sessions. When requested, deputy minister-directors of the Government Office may attend those sessions in order to directly report on the tasks assigned to them. When necessary, under the direction of the Prime Minister or deputy prime ministers, the Government Office may invite scheme owners or other persons to these meetings;

c/ At briefing sessions, the Minister-Director or deputy minister-directors of the Government Office directly monitoring affairs shall report on the affairs for comment; if scheme owners attend these sessions, they shall directly present a report. The Prime Minister and deputy prime ministers shall exchange opinions, then the Prime Minister shall make conclusions to definitely settle each affair;

d/ Briefing sessions shall be held every Monday, unless otherwise decided by the Prime Minister;

e/ The Government Office shall perform the tasks specified at Point a, Clause 1 of this Article;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Artile 27. Meetings between the Government and Peoples Council chairmen and Peoples Committee presidents of provinces and centrally run cities

1. Annually, the Government shall organize meetings with Peoples Council chairmen and Peoples Committee presidents of provinces and centrally run cities nationwide in order to organize and discuss measures for the implementation of socio-economic development plans and state budget estimates as well as undertakings and measures for coordination in state management between central and local agencies.

a/ The Government Office shall submit to the Prime Minister for decision contents, participants, time and venue of those meetings;

b/ Concerned ministries and agencies shall prepare reports to be presented at the meetings under the assignment by the Prime Minister as for schemes submitted to the Government;

c/ At those meetings, scheme owners shall only briefly present their schemes and to be-discussed issues;

d/ Only invited persons may attend the meetings and raise opinions about relevant issues;

e/ After the meetings, Peoples Council chairmen and Peoples Committee presidents of provinces and centrally run cities as well as ministries and branches shall organize the performance of relevant tasks according to the approved documents and the Prime Ministers conclusions at the meetings.

2. When necessary, the Prime Minister may convene meetings with Peoples Council chairmen and Peoples Committee presidents of some provinces and centrally run cities to discuss the settlement of issues related to their localities.

a/ As assigned, ministers, heads of ministerial-level agencies or heads of government-attached agencies shall assume the prime responsibility for, and coordinate with Peoples Council chairmen and Peoples Committee presidents of provinces and centrally run cities in, preparing reports falling within their functions and tasks or management domains, to be submitted to the Prime Minister or deputy prime ministers for consideration before the meetings;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Only invited persons may attend meetings and raise opinions on relevant issues;

d/ After meetings, Peoples Council chairmen and Peoples Committee presidents of provinces and centrally run cities shall organize the study and performance of relevant tasks in their localities.

Article 28. Theme-based conferences

1. Theme-based conferences are organized to implement or preliminarily review or finally review the implementation of the Party and the National Assembly resolutions, major legal documents, mechanisms and policies or important tasks under the direction and administration of the Government and the Prime Minister throughout the country, in some localities or certain branches and domains.

2. Process of organization of a conference

a/ Based on the direction of the Prime Minister or a deputy prime minister or at the proposal of the drafting ministry or agency, the Government Office shall submit to the Prime Minister for decision the contents, participants, time and venue of the conference;

b/ Concerned ministries and agencies shall prepare reports to the conference under the assignment by the Prime Minister as for schemes submitted to the Government:

c/ At the conference, the scheme owner shall briefly present the scheme and issues to be discussed;

d/ Only invited persons may attend the conference and raise opinions on relevant issues;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 29. Meetings of cabinet members to settle affairs of the Government and the Prime Minister

1. When necessary, the Prime Minister may authorize a cabinet member to chair meetings to discuss the settlement of affairs and schemes submitted to the Government or the Prime Minister. These meetings may be organized at the headquarters of the Government or a ministry.

2. The responsibility for organizing the meetings is provided for in Clause I, Article 26 of this Regulation.

Chapter 6

INSPECTION OF THE IMPLEMENTATION OF LEGAL DOCUMENTS AND ASSIGNED TASKS

Article 30. Inspection purposes

1. To urge and guide the implementation of legal documents and direction and administration documents of the Government and the Prime Minister, directing opinions of the Prime Minister and deputy prime ministers regarding the assigned tasks; and promptly detect and settle problems arising in practice.

2. To ensure smooth direction and administration activities; maintain strict order and discipline in the state administrative system, fight corruption and waste and all signs of negative practices in state management.

3. To raise the sense of discipline and individual responsibility of heads of state agencies, cadres and civil servants.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 31. Inspection principles

1. Inspection must be conducted regularly according to plan and through coordination, avoiding overlap. Heads of competent inspection agencies shall decide on plans and forms of inspection.

2. Inspection must be democratic, public and law-abiding without obstructing normal operation of inspected subjects.

3. Conclusions must be made at the end of an inspection and all violations, if detected, must be handled properly.

4. Inspection must help create positive results in state management, direction, administration, administrative order and discipline.

Article 32. Scope, subjects and assignment of inspection

1. The Government and the Prime Minister shall inspect comprehensively the implementation of legal documents of the National Assembly, the National Assembly Standing Committee, the State President, the Government and the Prime Minister, and the performance of assigned tasks by ministries, branches and localities.

2. Deputy prime ministers shall assist the Prime Minister in inspecting the implementation of the above-mentioned legal documents and tasks in the domains assigned by the Prime Minister; other cabinet members shall inspect the implementation of legal documents and tasks as assigned by the Prime Minister.

3. The Minister-Director of the Government Office shall assist the Prime Minister and deputy prime ministers in inspecting the implementation of the above-mentioned legal documents and tasks when assigned by the Prime Minister or deputy prime ministers; and at the same time, advise the Prime Minister and deputy prime ministers on implementing regular or irregular inspection plans under the direction of the Government and the Prime Minister.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 33. Modes of inspection

1. The Prime Minister, deputy prime ministers, ministers, heads of ministerial-level agencies and Peoples Committee presidents shall implement plans on regular, periodical or extraordinary inspection of the implementation of legal documents and tasks within the assigned scope and competence.

2. The Prime Minister shall assign cabinet members the prime responsibility for inspection, the setting up of teams for inspection of implementation of legal documents governing specific domains, programs or projects which see many problems related to order or discipline, and concentrate his/her efforts on resolute direction, creating marked changes and a momentum for the preservation of order and discipline.

3. The Prime Minister and deputy prime ministers shall conduct inspection through working directly with ministers, heads of ministerial-level agencies. Peoples Council chairmen and Peoples Committee presidents of provinces and centrally run cities when necessary.

4. The Government may set up inspection teams when necessary.

Article 34. Reporting on inspection results

1. Upon the end of an inspection, the person leading the inspection shall report on inspection results and. if detecting violations, handle them according to his/her competence or propose competent authorities to handle those violations in accordance with law.

2. By the last month of every quarter, ministries, ministerial-level agencies and provincial/municipal Peoples Committees shall report to the Prime Minister on their inspection of the implementation of legal documents and assigned tasks in their management domains and areas.

3. The Government Office shall make sum-up reports to the Government on the inspection of legal documents, which shall be presented at the Governments regular meetings in June and December.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



GUEST RECEPTION AND WORK TRIPS

Article 35. Provisions on guest reception

1. Besides receiving high-ranking foreign delegations under the provisions of Decree No. 82/2001/ND-CP of November 6, 2001, the Prime Minister and deputy prime ministers may also have other receptions under this Regulation.

2. The Prime Minister may directly or assign a deputy prime minister or another cabinet member, on his/her behalf, to receive (both domestic and foreign) guests of the Government or the Prime Minister at the Governments headquarters.

3. Under the direction of the Prime Minister or deputy prime ministers, the Government Office shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries and agencies in, serving the Prime Minister, deputy prime ministers and other cabinet members to receive guests, based on:

a/ Requests of competent ministries, agencies, organizations or individuals or the guests personal requests approved by the Prime Minister or deputv prime ministers.

b/ Personal direction of the Prime Minister or deputy prime ministers.

4. The Government Office is tasked to:

a/ Submit to me Prime Minister requests for guest reception as mentioned at Point a, Clause 3 of this Article; promptly notify concerned agencies of opinions of the Prime Minister;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Invite news agencies and press agencies to attend receptions and disseminate information thereon;

d/ Serve receptions and ensure their security and safety;

e/ Issue notices of reception results and coordinate with concerned agencies in organizing the performance of assigned tasks. Before their issue, draft notices must be approved by the Prime Minister or deputy prime ministers.

Article 36. Work trips to localities and grassroots units

1. Under the direction of the Prime Minister or deputy prime ministers and at the request of provincial/municipal Peoples Committee, the Government Office shall work out the Prime Ministers and deputy prime ministers programs on official visits to and working sessions in localities.

a/ If having proposals to the Government and the Prime Minister for handling, local administrations shall prepare reports to be submitted to the Prime Minister at least 15 days before working sessions with the Prime Minister or deputy prime ministers;

b/ At the notice of the Government Office, concerned agencies shall finalize contents and reports to the Prime Minister or deputy prime ministers at least 3 working days before their trips;

The Government Office shall submit to the Prime Minister or deputy prime ministers for decision agendas, contents, time, protocols and composition or working teams: notify concerned localities and agencies of working plans at least 3 working days in advance;

After work trips, the Government Office shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries and agencies in, issuing notices of conclusions of the Prime Minister or depury prime ministers. Drafts of such notices must be approved by heads of working teams before their issue. The Government Office shall urge performance of tasks mentioned in notices.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Direct branches and authorities to remedy consequences, restore production and stabilize the peoples life;

b/ Establish the Governments inter-branch working teams, designate and authorize heads of working teams being cabinet members to make on-spot decisions;

c/ Personally make or authorize deputy prime ministers to make field trips and direct the prevention, control and overcoming of losses.

3. The organization of the Prime Ministers working teams to visit localities must comply with the provisions of Chapter I of the Politburos Decision No. 60/QD-TW of February 11, 2003.

4. Cabinet members and heads of government-attached agencies shall spend time of inspection in localities and establishments and field trips to review models, meet with and listen lo the peoples opinions and aspirations in service of their work. Each work trip must be organized appropriately, ensuring practicality and thrift, and may be conducted with or without advance notice to localities.

Article 37. Overseas work trips

1. Overseas work trips of the Prime Minister and deputy prime ministers:

a/ The Ministry of Foreign Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Government Office in, working out programs and projecting the composition of working delegations and prepare work contents as well as foreign protocol-related issues for the Prime Minister and deputy prime ministers, and submit them to the latter for decision.

The Ministry of Foreign Affairs shall take overall responsibility for the implementation of work contents and programs as well as protocols of work trips.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ The Government Office shall examine and submit to the Prime Minister or deputy prime ministers for promulgation necessary documents for implementation following the trips; monitor and urge the implementation of those documents and tasks.

d/ The Ministry of Foreign Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Government Office and concerned agencies in, submitting to the Prime Minister for promulgation specific regulations on organization of overseas work trips of the Prime Minister and deputy prime ministers.

2. Other cabinet members making overseas work trips (other than those under the Governments programs approved by the Prime Minister) must ask for permission of the Prime Minister; and at the same time, designate their deputies to settle affairs on their behalf while they are away on trips.

Chapter 8

INFORMATION AND REPORTING

Article 38. Reports in service of direction and administration work of the Government and the Prime Minister

1. Reports of ministries, agencies and provincial level Peoples Committees to the Government and the Prime Minister, including:

- Periodical (monthly, quarterly, biannual and annual) reports on the economic, cultural, social, state management, security, defense, external relations, administrative reform and corruption fight efforts, and other necessary contents;

- Theme-based reports, extraordinary reports made at the Prime Ministers request;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The Ministry of Foreign Affairs shall supply information for foreign-relation purposes and summarize daily news on the foreign radio or newspapers, to be sent to the Prime Minister and other cabinet members. The Ministry of Foreign Affairs and the Ministry of Public Security shall send to the Prime Minister daily reports on security, defense and social order.

3. Besides having tasks like other ministers, the Minister-Director of the Government Office shall perform the following tasks:

a/ To organize the building of communication infrastructure at the Government Office for effective administration by the Government, the Prime Minister and other cabinet members; to accelerate the application of information technology to the Governments meetings as well as meetings, working sessions and settlement of regular affairs of the Prime Minister and deputy prime ministers; and send documents and invitations via computer network;

b/ To ensure the prompt supply of accurate information in service of direction and administration work of the Government, the Prime Minister and deputy Prime ministers through daily brief reports on issues arising and falling within the competence of the Prime Minister to which he should pay special attention for direction; news paper review reports; monthly, biannual and annual summary reports on the Governments direction and administration work; and other reports at the request of the Prime Minister;

c/ To perform the task of a spokesperson of the Government and the Prime Minister, organize press conferences to inform results of the Governments meetings and, when necessary, to inform important issues in direction and administration work of the Government and the Prime Minister;

d/ To coordinate, exchange information and join in briefing sessions with the Offices of the Party Central Committee, the State President and the National Assembly and the Party Commissions: and make wrap-up reports according to requirements on briefing sessions with permanent members of the Secretariat of the Party Central Committee;

e/ To guide, inspect and urge agencies within the administrative system to strictly observe the information and reporting regime.

4. Ministries and agencies shall step up the application of information technology to their information and reporting work ensuring quickness, accuracy and efficiency.

Article 39. Reporting at the Governments meetings

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The Minister-Director of the Government Office shall make (biannual and annual) reports reviewing the Governments and the Prime Ministers direction and administration work as well as the implementation of the Governments working Regulation.

3. Other theme-based and extraordinary reports at the direction of the Prime Minister.

Article 40. Providing information on the Governments operation to the public

1. The Prime Minister and other cabinet members shall abide by regulations on reporting to the public on important issues through the Governments reports before the National Assembly, cabinet members answers to questions of the National Assembly deputies, press conferences and addresses to mass media agencies according to Clause 9, Article 20 of the Law on Organization of the Government.

2. The Minister-Director of the Government Office shall organize periodical or extraordinary press conferences to inform press agencies and the people of important policies and decisions of the Government and the Prime Minister. When requested, concerned ministries and agencies shall attend and address press conferences, and take responsibility for affairs falling in their specialized domains.

3. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies and presidents of provincial/municipal Peoples Committees are tasked to:

a/ Well implement the regulations on addressing and supply views and responses to the press in accordance with the provisions of law.

Article 41. Information for foreign service

1. The Minister of Foreign Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Minister-Director of the Government Office and the Minister of Information and Communication in, organizing press conferences regularly supplying information on the socio-economic situation and activities of the Government and the Prime Minister to Vietnam-based foreign press agencies and communities of overseas Vietnamese.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 179/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


12.313

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.151.141
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!