Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 109/BC-UBDT Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Uỷ ban Dân tộc Người ký: Sơn Phước Hoan
Ngày ban hành: 23/10/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 109/BC-UBDT

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2014

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CÁC HÀNH ĐỘNG CHÍNH SÁCH VDPF 2013, CHỦ ĐỀ: “GIẢM NGHÈO VÀ GIẢM NGHÈO Ở NHÓM DÂN TỘC ÍT NGƯỜI”

Phúc đáp Công văn số 6192/BKHĐT-KTĐN ngày 15 tháng 9 năm 2014 về chuẩn bị cuộc họp đánh giá thực hiện hành động chính sách VDPF 2013, Ủy ban Dân tộc báo cáo tình hình triển khai các hành động chính sách VDPF 2013 với chủ đề “Giảm nghèo và giảm nghèo ở nhóm dân tộc ít người” như sau:

I. TỔNG QUAN

1. Thực trạng

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2014 tiếp tục được hỗ trợ, đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội. Một số vùng đã có bước phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi giảm nhanh 3-4%/năm, cao hơn tỷ lệ giảm nghèo chung của cả nước. Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội có bước phát triển tích cực: dân trí được nâng lên, văn hóa được bảo tồn, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được như trên, vùng dân tộc và miền núi còn nhiều khó khăn, bức xúc. Tỷ lệ hộ nghèo cao, giảm nghèo chưa bền vững; cơ sở hạ tầng thấp kém. Hiện còn 2.068 xã ĐBKK và hơn 18.000 thôn ĐBKK có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 45%. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi Tây Bắc năm 2013 là: 25,86%, miền núi Đông Bắc 14,81%; Tây Nguyên 12,56%; các tỉnh Bắc Trung bộ 12,22%. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại các xã, thôn ĐBKK còn nhiều bất cập. Kết quả giảm nghèo thiếu tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao. Một bộ phận đồng bào dân tộc vẫn còn thiếu đói, nhất là vào những tháng giáp hạt hoặc sau những đợt thiên tai.

Chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi thấp: Còn tới 17,2% người dân tộc thiểu số từ 10 tuổi trở lên không biết chữ. Số người trong độ tuổi lao động của vùng chưa qua đào tạo chiếm tới 89,5%; riêng dân tộc thiểu số chưa qua đào tạo chiếm 94,2% (cao nhất là dân tộc Mông 98,7%, Khmer 97,7%, Thái 94,6%, Mường 93,3%); chất lượng đào tạo nghề thấp. Một số chính sách ưu đãi về giáo dục cho vùng dân tộc và miền núi (chế độ cử tuyển, dự bị đại học, trường dân tộc nội trú, chế độ ưu đãi giáo viên, cán bộ các trường chuyên biệt...) đã thu được những kết quả nhất định, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, nguồn cán bộ cho sự phát triển bền vững của vùng dân tộc và miền núi.

Chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số thấp, tuổi thọ bình quân của 16 dân tộc thiểu số rất ít người từ 50-55 tuổi trong khi tuổi thọ bình quân cả nước là 72,8 tuổi. Đội ngũ cán bộ y tế vùng dân tộc và miền núi vừa thiếu vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ, nhất là cán bộ người DTTS. Trang thiết bị y tế thiếu và lạc hậu, phần lớn người nghèo vùng dân tộc và miền núi không tiếp cận được dịch vụ y tế có chất lượng tốt.

Tình trạng du canh du cư, di cư tự do, chặt phá rừng, khiếu kiện tranh chấp đất đai, hoạt động tôn giáo trái pháp luật có nơi diễn biến phức tạp, tạo ra một số vụ việc nổi cộm ở vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ... tiềm ẩn những yếu tố bất ổn.

Văn hóa truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc đang bị mai một, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục.

Hệ thống chính trị cơ sở một số nơi còn yếu kém, đội ngũ cán bộ đạt chuẩn còn rất thấp, nhất là thiếu đội ngũ cán bộ người DTTS hoặc có cán bộ dân tộc nhưng chưa được đào tạo. Tỷ lệ cán bộ là người DTTS trong chính quyền các cấp còn thấp, trong đó: công chức người dân tộc thiểu số ở Trung ương chiếm 5,02%, viên chức chiếm 1,81%; công chức cấp tỉnh chiếm 14,83%, viên chức chiếm 11,54%.

2. Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế:

- Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở địa bàn vùng núi cao, độ dốc lớn, thường xuyên xảy ra thiên tai; cơ sở hạ tầng yếu kém, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới.

- Xuất phát điểm về kinh tế-xã hội của vùng dân tộc và miền núi thấp so với mặt bằng chung.

- Công tác dân tộc là công tác đa ngành đa lĩnh vực, mô hình tổ chức quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ khi thành lập đến nay (1946) đã trải qua rất nhiều mô hình tổ chức với chức năng nhiệm vụ khác nhau, thiếu sự ổn định. Mặt khác công tác dân tộc và tổ chức làm công tác dân tộc của các nước trên thế giới cũng khác nhau tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi nước, vì vậy việc học tập kinh nghiệm công tác dân tộc ở nước khác và vận dụng vào Việt Nam rất hạn chế.

- Nước ta mặc dù đã có gần 30 năm đổi mới, nhưng thể chế quản lý nhà nước nói chung và hệ thống chính sách dân tộc nói riêng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và tiếp tục đổi mới.

- Nhận thức về công tác dân tộc, vị trí, vai trò của vùng dân tộc và miền núi trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước ở một số Bộ, ngành Trung ương, địa phương chưa sâu sắc, chưa thực sự coi công tác dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

- Về nội dung chính sách: Có chính sách còn trùng lắp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng như: Chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm hiện nay có nhiều chính sách với các mức vay và lãi suất cho vay khác nhau; Nội dung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất có nhiều chương trình, chính sách khác nhau cùng thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi như: Chương trình 135 và Chương trình 30a. Nội dung chính sách chưa đồng bộ, chưa được kết nối thống nhất để đảm bảo đạt mục tiêu đề ra, như: Người dân được hỗ trợ sản xuất, làm ra sản phẩm nhưng khó khăn về thị trường tiêu thụ. Nhiều chính sách đào tạo nghề do các Bộ, ngành quản lý nhưng lao động dân tộc thiểu số được đào tạo nghề còn rất ít; việc bố trí việc làm và xuất khẩu lao động còn hạn chế. Học sinh được cử tuyển nhưng khó tìm việc làm sau khi ra trường. Cùng địa bàn và đối tượng thụ hưởng nhưng định mức thực hiện một số chính sách còn khác nhau cụ thể như: chính sách hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, xuất khẩu lao động... Chưa có chính sách khuyến khích đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững, còn một số chính sách nặng về cho không.

- Về cơ chế thực hiện chính sách: Việc xây dựng các chính sách còn mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn, chính sách thường có mục tiêu lớn nhưng thời gian và nguồn lực thực hiện không tương xứng. Việc phân công quản lý, chỉ đạo một số chính sách còn chồng chéo. Chương trình 135 với đối tượng là cấp xã, thôn được giao cho Ủy ban Dân tộc chỉ đạo thực hiện, Chương trình 30a đối tượng là cấp huyện trên cùng một địa bàn nhưng phân công Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo, tạo sự chồng chéo trong quản lý, khó thực hiện. Cơ chế quản lý, thực hiện, thanh quyết toán của từng chương trình, chính sách đều riêng biệt nên khó khăn trong quá trình tổ chức lồng ghép thực hiện. Văn bản quản lý, hướng dẫn thực hiện một số chính sách chưa kịp thời hoặc chậm được sửa đổi, bổ sung. Thiếu cơ chế khuyến khích các Bộ ngành, địa phương thực hiện tốt, chưa có chế tài xử lý đối với các trường hợp triển khai chậm, kém hiệu quả.

- Về nguồn lực: Việc cân đối, bố trí vốn cho các chính sách chưa được chủ động, chưa đảm bảo cho các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt. Tính riêng kinh phí được cấp để thực hiện các chương trình chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý giai đoạn 2006 - 2010 chỉ đạt 67,45%; Giai đoạn 2011 - 2014 mới đạt 40,7% kế hoạch vốn được phê duyệt, cụ thể như: năm 2014, vốn thực hiện chính sách đất ở, đất sản xuất theo Quyết định 755 được cấp 201 tỷ đồng đạt 5,7%; chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư theo Quyết định 33 được cấp 325 tỷ đồng, đạt 48,12%, chính sách cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn theo Quyết định 54 chưa được cấp vốn. Phần lớn các chính sách đều mang tính hỗ trợ, định mức, suất đầu tư thấp, vốn cấp không đủ, không kịp thời, thiếu đồng bộ giữa vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp và vốn vay gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện (như Quyết định 33, 755). Vốn đối ứng của địa phương thực hiện các chính sách chưa được đảm bảo theo quy định.

- Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong xây dựng chính sách và phân bổ nguồn lực của một số chính sách chưa chặt chẽ: thủ tục còn rườm rà, thời gian xây dựng chính sách kéo dài, mất nhiều thời gian, có chính sách thiếu sự đồng thuận của một số Bộ, ngành nên chậm hoặc không được ban hành. Việc lồng ghép nguồn lực đối với một số chính sách không khả thi như Quyết định 755.

II. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CÁC HÀNH ĐỘNG CHÍNH SÁCH

1. Tổng quan kết quả triển khai hành động chính sách

Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Công văn số 3561/VPCP-QHQT ngày 19/5/2014 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Ủy ban Dân tộc chủ trì thực hiện 17 hành động chính sách trong 4 khuyến nghị thuộc 2 lĩnh vực của chủ đề “Giảm nghèo và giảm nghèo ở nhóm dân tộc ít người” tại Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển 2013. Sau gần một năm triển khai thực hiện, với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, đến nay có 10 hành động chính sách đã có kết quả cụ thể, 07 chính sách đã triển khai thực hiện nhưng chưa có kết quả cụ thể. Trong các khuyến nghị, khuyến nghị thứ nhất “Giải quyết tình trạng chính sách phân tán, thiếu điều phối, thiếu khuôn khổ chính sách bao trùm và lồng ghép mục tiêu phát triển dân tộc thiểu số” được triển khai tích cực nhất và có kết quả tốt nhất, 6/6 hành động chính sách đều được triển khai và đều có kết quả cụ thể. Kết quả thực hiện Khuyến nghị thứ hai “Tăng cường sự tham gia của dân tộc thiểu số trong hoạch định và thực hiện chính sách” thấp nhất, có 4 hành động chính sách thì có tới 3 hành động chính sách chưa có kết quả cụ thể.

2. Kết quả triển khai đối với từng hành động chính sách cụ thể

(Chi tiết có biểu kèm theo)

3. Thuận lợi, khó khăn vướng mắc

3.1. Thuận lợi

- Các khuyến nghị và hành động chính sách Diễn đàn VDPF 2013 phù hợp với chủ trương đổi mới cơ chế chính sách dân tộc của Chính phủ Việt Nam và Chiến lược công tác dân tộc, chương trình, kế hoạch công tác của Ủy ban Dân tộc.

- Các hoạt động triển khai Khung hành động chính sách VDPF 2013 được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc.

- Các Tổ chức quốc tế, NGOs và các đối tác phát triển đều rất quan tâm đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chính sách dân tộc tại vùng dân tộc và miền núi.

- Có sự đồng thuận cao trong các chủ đề được lựa chọn tại Khung hành động chính sách VDPF 2013.

3.2. Khó khăn vướng mắc

- Diễn đàn VDPF 2013 là diễn đàn đầu tiên có sự đối thoại giữa các cơ quan Chính phủ và các Tổ chức quốc tế nên việc lựa chọn chủ đề và các hoạt động có nhiều lúng túng và mất nhiều thời gian.

- Hoạt động này đòi hỏi đầu mối các Bộ ngành cũng như các Tổ chức quốc tế phải năng động và am hiểu chuyên môn để triển khai công việc. Nếu không sẽ hạn chế đến kết quả triển khai.

- Thiếu kinh nghiệm trong việc đưa ra các hoạt động để triển khai trong Diễn đàn 2013 dẫn đến các hoạt động dàn trải, khó có thể hoàn thành và khó khăn trong việc sắp xếp thứ tự ưu tiên cũng như nguồn lực thực hiện.

- Mặc dù các tổ chức quốc tế rất quan tâm đến các vấn đề dân tộc thiểu số nhưng Khung hành động chính sách được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn vào giữa năm (19/5/2014) nên các tổ chức quốc tế cũng gặp khó khăn trong việc đưa các hoạt động vào kế hoạch hỗ trợ các hoạt động chính sách VDPF 2013. Ngoài ra một số Tổ chức Quốc tế cũng như các Tổ chức NGOs mới tìm hiểu các hoạt động trong diễn đàn, chưa thực sự vào cuộc để cùng triển khai.

- Sự phối hợp triển khai giữa các bộ ngành còn hạn chế, chưa thực sự tích cực thúc đẩy quá trình phối hợp.

4. Các tác động của việc thực hiện các hành động chính sách mang lại

- Thúc đẩy Chính phủ và các Bộ, ngành cũng như các địa phương vùng dân tộc thiểu số quan tâm hơn đến việc rà soát đánh giá chính sách, tích hợp chính sách theo hướng một văn bản chính sách điều chỉnh nhiều lĩnh vực, hướng đến nhiều mục tiêu.

- Nâng cao nhận thức và hành động của các cơ quan hoạch định và xây dựng chính sách dân tộc trong việc tiếp cận yếu tố văn hóa, nhân học, đặc thù vùng miền, sự tham gia của người dân trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.

- Việc đưa ra được khung hành động chính sách giúp cho các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức quốc tế am hiểu hơn nhu cầu của các bên và có sự tương tác và am hiểu lẫn nhau, tạo đà thuận tiện trong việc cộng tác trong tương lai.

5. Kế hoạch trong thời gian tới

- Tiếp tục triển khai các hành động chính sách đã được phê chuẩn theo Công văn số 3561/VPCP-QHQT ngày 19/5/2014 của Văn phòng Chính phủ trong năm 2015. Tập trung chỉ đạo thực hiện những hành động chính sách nâng cao năng lực, sự tham gia của người dân trong xây dựng và thực hiện chính sách; đổi mới và nâng cao sinh kế cho người nghèo.

- Nghiên cứu bổ sung các hành động chính sách mới cho giai đoạn 2016-2020.

- Phối hợp với các Bộ ngành cũng như các nhà tài trợ để triển khai các hoạt động chưa hoàn thành.

II. KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP

- Tiếp tục trao đổi và nâng cao hiệu quả Diễn đàn VDPF để hỗ trợ và thúc đẩy thực hiện chính sách giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số;

- Rà soát lại Khung hành động chính sách để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể;

- Nâng cao vai trò của Bộ KH&ĐT trong việc thúc đẩy và kết nối các đối tác phát triển với các bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện các hành động chính sách tại diễn đàn VDPF;

- Khuyến khích hơn nữa sự hỗ trợ của các đối tác phát triển trong việc thực hiện các khuyến nghị, hành động chính sách tại diễn đàn VDPF.

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ KH&ĐT;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm (để b/c);
- Website UBDT;
- Lưu VT, CSDT.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
THỨ TRƯỞNG, PHÓ CHỦ NHIỆM




Sơn Phước Hoan

 

KẾT QUẢ TRIỂN KHAI KHUNG HÀNH ĐỘNG

(Kèm theo Báo cáo số 109/BC-UBDT ngày 23/10/2014 của Ủy ban Dân tộc)

Lĩnh vực 1: Chính sách thúc đẩy giảm nghèo bền vững, phát triển cộng đồng dân tộc thiểu số

TT

Các khuyến nghị

Các hoạt động

Kết quả thực hiện

1

Giải quyết tình trạng chính sách phân tán, thiếu điều phối, thiếu khuôn khổ chính sách bao trùm và lồng ghép mục tiêu phát triển dân tộc thiểu số

Rà soát các chương trình, chính sách để thiết kế lại các chính sách giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, đảm bảo hài hòa, thống nhất, hạn chế sự phân tán, tăng cường tính gắn kết và hòa nhập cộng đồng dân tộc thiểu số.

Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Tờ trình số 04/TTr-UBDT và báo cáo số 35/BC-UBDT về kết quả rà soát chính sách dân tộc hiện hành, đề xuất chính sách giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030 trình Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban dân tộc Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về công tác dân tộc tại văn bản số 286/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ và Chỉ thị số 28/CT-TTg về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

Xây dựng và thực hiện kế hoạch thúc đẩy việc thực hiện nhanh các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ cho các nhóm dân tộc và cộng đồng có tính đến các khoảng cách về giới và các biện pháp đặc biệt để hướng đến các nhóm nhạy cảm nhất bị tụt hậu so với thành quả phát triển.

- Thành lập Ban soạn thảo xây dựng Khung kế hoạch hành động thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi do một Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Trưởng Ban với sự tham của đại diện một số Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động, Nông nghiệp...;

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tuyển nhóm tư vấn hỗ trợ Ban soạn thảo xây dựng Khung kế hoạch hành động thúc đẩy;

- Tổ chức hội thảo khởi động, lấy ý kiến, thống nhất một số nội dung chính và hình thức cũng như các bước xây dựng Khung kế hoạch thúc đẩy với sự tham gia của Ban soạn thảo và một số chuyên gia;

Hiện nay nhóm tư vấn cùng với thành viên Ban soạn thảo đã dự thảo Đề cương chi tiết Khung kế hoạch thúc đẩy các Mục tiêu Thiên niên kỷ ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Xây dựng và áp dụng cách tiếp cận có tính đến yếu tố văn hóa, nhân học trong quá trình xây dựng và đánh giá các chính sách phát triển kinh tế-xã hội liên quan đến nhóm dân tộc thiểu số, để đảm bảo các chính sách dựa vào quyền và nhạy cảm hơn với kiến thức, tập quán và văn hóa của người dân tộc thiểu số.

- Tuyển chuyên gia quốc tế cung cấp tư vấn và thực hiện hoạt động đào tạo về tiếp cận nhân học trong nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc.

- Tổ chức 02 khóa đào tạo nhân học cho các học viên là cán bộ hoạch định chính sách của Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc Quốc hội, một số địa phương và đối tác phát triển quan tâm.

Tăng cường năng lực tổ chức và phân bổ nguồn lực cho việc giám sát dựa vào kết quả, tính nhạy cảm về giới và hòa nhập và đảm bảo tính giải trình (vd sử dụng thẻ công dân) trong các chính sách dân tộc thiểu số.

Hoàn thành Bộ công cụ/phiếu khảo sát sự hài lòng của người dân (CRC) để đánh giá mức độ hài lòng của họ đối với chương trình 135, giai đoạn 2012-2016 nói riêng và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thuộc Nghị quyết 80/NQ-CP về giảm nghèo bền vững nói chung.

Xây dựng “chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020”.

- Thành lập Ban Soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Đề án một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016 - 2020.

- Đã tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết và tiến độ xây dựng chính sách, đề cương đề án chính sách đặc thù.

- Tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Ban Soạn thảo, Tổ biên tập tham gia xây dựng đề cương chính sách đặc thù.

- Tổng hợp báo cáo đề xuất nhu cầu của các địa phương vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020.

- Tổ chức khảo sát một số địa phương thuộc các vùng miền núi khác nhau, cụ thể: Hà Giang, Thanh Hóa, Bình Phước, Đắk Nông, Bạc Liêu, Trà Vinh.

Xây dựng “Đề án tiền khả thi xây dựng lại Luật dân tộc”

ủy ban Dân tộc đã viết đề xuất các nội dung xây dựng “Đề án tiền khả thi xây dựng Luật Dân tộc” và đã đưa ra tổ chức họp với các nhà tài trợ. Hiện đang tìm nhà tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu tiền khả thi xây dựng Luật dân tộc.

2

Tăng cường sự tham gia của người dân tộc thiểu số trong hoạch định và thực hiện chính sách

Tổ chức đối thoại chính sách ở các cấp độ và các đối tác khác nhau, với các nhóm dễ bị tổn thương nhất bao gồm phụ nữ trong cộng đồng dân tộc thiểu số để thảo luận và tìm ra các biện pháp cụ thể khuyến khích sự tham gia và tiếng nói của người dân tộc thiểu số trong việc xây dựng, thực thi và giám sát chính sách.

Tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin về kết quả nghiên cứu định lượng của Nghiên cứu nghèo DTTS tới các Đại biểu quốc hội Khóa XIII và các bên liên quan.

Tổ chức Diễn đàn thường niên về Phát triển Dân tộc thiểu số năm 2014 với sự tham gia của các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, địa phương, đại diện cộng đồng người dân tộc thiểu số, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, cơ quan thông tấn truyền thông...

Tăng cường khả năng tham gia của phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số ở cộng đồng để họ tham gia và chủ trì tiến trình ra quyết định.

chưa có kết quả cụ thể

Áp dụng rộng rãi cách tiếp cận “phát triển cộng đồng dựa trên nội lực (tiềm năng, thế mạnh) của cộng đồng” trong các chương trình phát triển và giảm nghèo hướng đến các thôn bản dân tộc thiểu số, nhằm thúc đẩy người dân cùng nhau làm việc và hỗ trợ lẫn nhau, kết nối các hoạt động địa phương với các hỗ trợ từ bên ngoài.

chưa có kết quả cụ thể

Thiết kế một chương trình đồng bộ về cải thiện quản trị địa phương tại các cộng đồng dân tộc thiểu số dựa trên tăng quyền năng và tiếng nói của người dân và các thiết chế thôn bản, từ đó tăng cường trách nhiệm giải trình với người dân của các cấp chính quyền và các cơ quan dịch vụ công.

chưa có kết quả cụ thể

3

Nâng cao năng lực và nhận thức

Tăng cường vai trò và năng lực tham mưu của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong quá trình xây dựng các chiến lược và chính sách quốc gia về các vấn đề phát triển dân tộc thiểu số để có thể sửa đổi kịp thời các cách tiếp cận cũng như hỗ trợ chính sách.

- Hoàn thành tài liệu quy trình xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc. Đã tập huấn quy trình cho các cán bộ Ủy ban Dân tộc và Ban Dân tộc các tỉnh 3 vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong cả nước

- Hoàn thành rà soát, tổng hợp các chế độ chính sách dành cho các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số đang có hiệu lực và thiết kế, biên soạn sổ tay/trích yếu/cẩm nang về chế độ, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Đã hoàn thành, in ấn và phát cho các đại biểu Bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển.

Đề án “Phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

- Hoàn thành điều tra khảo sát, dự thảo Đề án phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số đến năm 2020, định hướng 2030. Tổ chức tham vấn dự thảo Đề án với đại diện Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia (tháng 6/2014) và các địa phương (2 hội thảo vùng, tổ chức vào cuối tháng 9/2014 tại TP Hồ Chí Minh và Đồ Sơn, Hải Phòng).

- Đang lấy ý kiến các Bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện đề án và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 11/2014.

Tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức cho vùng dân tộc thiểu số

Ủy ban Dân tộc đang xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho vùng dân tộc thiểu số. Hiện đang cần tài trợ cho hoạt động này.

Tìm kiếm các nhân tố tiên phong trong giảm nghèo, xác định kênh lan tỏa để từ đó có những giải pháp chính sách cụ thể nhằm nhân rộng các “điểm sáng” giảm nghèo trong cộng đồng dân tộc thiểu số theo cách tiếp cận “phát triển cộng đồng dựa trên nội lực” (tiềm năng, thế mạnh) của cộng đồng”.

chưa có kết quả cụ thể

Tăng cường năng lực cho đối tượng yếu thế người dân tộc thiểu số nhằm thúc đẩy sự tham gia của người dân tộc thiểu số trong các dự án dựa vào cộng đồng.

chưa có kết quả cụ thể

Lĩnh vực 2. Đa dạng sinh kế cho người nghèo

TT

Các khuyến nghị

Các hoạt động

Kết quả thực hiện

1

Khuyến nghị đổi mới cách tiếp cận hỗ trợ cải thiện sinh kế

Xây dựng và áp dụng thí điểm Sổ tay thực hiện chương trình Quốc gia về giảm nghèo, Chương trình 135 và Chương trình Nông thôn mới

- Hoàn thành: Xây dựng Hệ thống theo dõi, quản lý thông tin thực hiện chương trình 135; Xây dựng môđun/phần mềm và nhập số liệu kinh tế - xã hội cơ bản năm 2011 vùng dân tộc và miền núi thuộc Chương trình 135; Tích hợp Môđun số liệu kinh tế - xã hội 3 khu vực vùng dân tộc và miền núi với Hệ thống theo dõi quản lý Chương trình 135 thành một hệ thống hỗ trợ quản lý, báo cáo Chương trình 135 một cách tổng thể, thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

- Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo tham vấn đề xuất các vấn đề để gắn kết thực hiện Chương trình 135 và Chương trình Nông thôn mới.

Hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số đi lao động ngoài tỉnh

Ủy ban Dân tộc đã xây dựng kế hoạch hành động. Hiện cần tài trợ từ các đối tác phát triển.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Báo cáo 109/BC-UBD ngày 23/10/2014 tình hình triển khai các hành động chính sách VDPF 2013, chủ đề “Giảm nghèo và giảm nghèo ở nhóm dân tộc ít người” do Ủy ban Dân tộc ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


7.170

DMCA.com Protection Status
IP: 3.149.255.162
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!