Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt

Số hiệu: 52/2024/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Lê Minh Khái
Ngày ban hành: 15/05/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Quy định về ví điện tử, thẻ trả trước theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP

Ngày 15/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có quy định về ví điện tử, thẻ trả trước.

Quy định về ví điện tử, thẻ trả trước

Theo đó, quy định về ví điện tử, thẻ trả trước như sau:

- Ví điện tử, thẻ trả trước là phương tiện lưu trữ tiền điện tử.

- Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phát hành, cung cấp ví điện tử, thẻ trả trước. Việc cung ứng, phát hành và sử dụng ví điện tử, thẻ trả trước thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

- Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử phải đảm bảo duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thấp hơn tổng số dư tất cả các ví điện tử đã phát hành cho khách hàng; chỉ cho phép sử dụng dịch vụ đối với các ví điện tử có liên kết với tài khoản thành toán, thẻ ghi nợ của chính khách hàng.

Bên cạnh đó, Nghị định 52/2024/NĐ-CP còn định nghĩa: Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng cho khách hàng để nạp tiền vào ví điện tử, rút tiền ra khỏi ví điện tử và thực hiện giao dịch thanh toán.

(Hiện hành, theo Nghị định 101/2012/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 80/2016/NĐ-CP ) thì dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1).

Nghị định 52/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 và thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP , Nghị định 80/2016/NĐ-CP .

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2024/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2024

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 18 tháng 01 năm 2024;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật An ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật Phòng, chống rửa tiền ngày 15 tháng 11 năm 2022;

Căn cứ Luật Phòng, chống khủng bố ngày 12 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Bưu chính ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm: mở và sử dụng tài khoản thanh toán; dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

2. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

3. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ trung gian thanh toán.

4. Tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ trung gian thanh toán (sau đây gọi là khách hàng).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (sau đây gọi là dịch vụ thanh toán) bao gồm: dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán của khách hàng và dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.

2. Dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán của khách hàng là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng.

3. Dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng là việc cung ứng dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thanh toán không thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng.

4. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (sau đây gọi là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán) là tổ chức được cung ứng một hoặc một số dịch vụ thanh toán theo quy định tại Nghị định này, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước), ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.

5. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là tổ chức không phải là ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

6. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích là doanh nghiệp được chỉ định theo quy định của Luật Bưu chính.

7. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (sau đây gọi là giao dịch thanh toán) là việc sử dụng dịch vụ thanh toán để thực hiện trả tiền hoặc chuyển tiền của tổ chức, cá nhân.

8. Thanh toán quốc tế là giao dịch thanh toán được thực hiện cho một bên liên quan là tổ chức hoặc cá nhân có tài khoản thanh toán hoặc phương tiện thanh toán phát hành ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.

9. Chủ tài khoản thanh toán là cá nhân đứng tên mở tài khoản đối với tài khoản của cá nhân hoặc là tổ chức mở tài khoản đối với tài khoản của tổ chức.

10. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (sau đây gọi là phương tiện thanh toán) là phương tiện do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, công ty tài chính được phép phát hành thẻ tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử phát hành và được khách hàng sử dụng nhằm thực hiện giao dịch thanh toán, bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng (bao gồm: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước), ví điện tử và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

11. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 10 Điều này.

12. Tiền điện tử là giá trị tiền Việt Nam đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử.

13. Dịch vụ chuyển mạch tài chính là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử các giao dịch thanh toán trong nước giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, công ty tài chính được phép phát hành thẻ tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

14. Dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế là việc kết nối với hệ thống thanh toán quốc tế để truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử các giao dịch thanh toán quốc tế.

15. Dịch vụ bù trừ điện tử là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật, nghiệp vụ để thực hiện việc tiếp nhận, đối chiếu dữ liệu thanh toán và tính toán kết quả số tiền phải thu, phải trả sau khi bù trừ giữa các bên thành viên tham gia để thực hiện việc quyết toán cho các bên có liên quan.

16. Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng cho khách hàng để nạp tiền vào ví điện tử, rút tiền ra khỏi ví điện tử và thực hiện giao dịch thanh toán.

17. Dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ là việc tiếp nhận, xử lý dữ liệu điện tử, tính toán kết quả thu hộ, chi hộ, hủy việc thu hộ, chi hộ cho khách hàng có tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng và thực hiện thanh toán cho các bên có liên quan.

18. Dịch vụ cổng thanh toán điện tử là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật để kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử các giao dịch thanh toán được thực hiện bằng phương tiện thanh toán giữa khách hàng, đơn vị chấp nhận thanh toán với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính được phép phát hành thẻ tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

19. Hệ thống thanh toán là hệ thống bao gồm các quy định, phương tiện, quy trình, thủ tục, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để xử lý, chuyển mạch, bù trừ, quyết toán các giao dịch thanh toán.

20. Hệ thống thanh toán quốc tế là hệ thống thanh toán được thành lập ở nước ngoài và cho phép thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế.

21. Hệ thống thanh toán quan trọng là hệ thống thanh toán có vai trò chủ đạo trong việc phục vụ nhu cầu thanh toán của các chủ thể trong nền kinh tế, có khả năng phát sinh rủi ro hệ thống, đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí sau:

a) Là hệ thống thanh toán duy nhất hoặc chiếm tỷ trọng lớn so với tổng giá trị thanh toán của các hệ thống thanh toán cùng loại; hoặc

b) Là hệ thống xử lý các giao dịch thanh toán giá trị cao; hoặc

c) Là hệ thống được sử dụng để quyết toán cho các hệ thống thanh toán khác hoặc cho các giao dịch trên thị trường tài chính.

22. Rủi ro hệ thống là rủi ro mà một thành viên tham gia hệ thống thanh toán không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong hệ thống thanh toán khi đến hạn dẫn đến việc các thành viên tham gia khác cũng không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính khi đến hạn, có lan truyền rủi ro đến các hệ thống thanh toán khác.

23. Tài khoản thanh toán chung là tài khoản thanh toán có ít nhất hai chủ thể trở lên cùng đứng tên mở tài khoản.

Điều 4. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt

1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; quy định việc quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

2. Tổ chức, quản lý, vận hành, giám sát hệ thống thanh toán quốc gia; tham gia tổ chức, giám sát sự vận hành của các hệ thống thanh toán quan trọng khác trong nền kinh tế; giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán.

3. Chấp thuận bằng văn bản việc tham gia hệ thống thanh toán quốc tế của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

4. Cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

5. Chấp thuận và thu hồi văn bản hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.

6. Kiểm tra, thanh tra và xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm pháp luật hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của các tổ chức, cá nhân.

7. Quản lý hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thanh toán; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động thanh toán quốc tế.

Điều 5. Thanh toán bằng ngoại tệ và thanh toán quốc tế

1. Thanh toán bằng ngoại tệ và thanh toán quốc tế phải tuân theo các quy định của Nghị định này, pháp luật về quản lý ngoại hối, bảo vệ dữ liệu người dùng, an ninh mạng, quản lý thuế, pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về thanh toán mà Việt Nam tham gia. Việc áp dụng tập quán thương mại thực hiện theo Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tham gia hệ thống thanh toán quốc tế sau khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 21 Nghị định này.

3. Tổ chức nước ngoài cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán cho khách hàng là người không cư trú và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam để thực hiện giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam phải thực hiện thông qua ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tham gia hệ thống thanh toán quốc tế của tổ chức nước ngoài đó.

4. Tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính được kết nối với hệ thống thanh toán quốc tế để thực hiện dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế sau khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 22 Nghị định này.

5. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (trừ tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính) được cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ nước ngoài; việc thực hiện thanh toán, quyết toán cho các giao dịch thanh toán quốc tế đó phải được thực hiện thông qua ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hoạt động ngoại hối trên thị trường quốc tế.

6. Các bên liên quan đến hoạt động thanh toán quốc tế có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời và đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 6. Ví điện tử, thẻ trả trước

1. Ví điện tử, thẻ trả trước là phương tiện lưu trữ tiền điện tử.

2. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phát hành, cung ứng ví điện tử, thẻ trả trước. Việc cung ứng, phát hành và sử dụng ví điện tử, thẻ trả trước thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

3. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử phải đảm bảo duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thấp hơn tổng số dư tất cả các ví điện tử đã phát hành cho khách hàng; chỉ cho phép sử dụng dịch vụ đối với các ví điện tử có liên kết với tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của chính khách hàng.

Điều 7. Tổ chức, quản lý và vận hành hệ thống thanh toán quốc gia

1. Ngân hàng Nhà nước tổ chức, quản lý và vận hành hệ thống thanh toán quốc gia để cung ứng dịch vụ thanh toán cho các thành viên tham gia hệ thống là Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước; thực hiện quyết toán kết quả bù trừ cho các hệ thống thanh toán khác.

2. Ngân hàng Nhà nước quy định việc quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống thanh toán quốc gia.

Điều 8. Các hành vi bị cấm

1. Sửa chữa, tẩy xóa phương tiện thanh toán, chứng từ thanh toán không đúng quy định pháp luật; làm giả phương tiện thanh toán, chứng từ thanh toán; lưu giữ, lưu hành, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả.

2. Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi.

3. Cung cấp không trung thực thông tin có liên quan đến việc cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán.

4. Tiết lộ, cung cấp thông tin về số dư trên tài khoản thanh toán, số dư thẻ ngân hàng, số dư ví điện tử và các giao dịch thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không đúng theo quy định của pháp luật có liên quan.

5. Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán, ví điện tử nặc danh, mạo danh; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, ví điện tử; thuê, cho thuê, mua, bán, mở hộ thẻ ngân hàng (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh); lấy cắp, thông đồng để lấy cắp, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán, thông tin thẻ ngân hàng, thông tin ví điện tử.

6. Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.

7. Thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khi chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Thực hiện cung ứng dịch vụ thanh toán mà không phải là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

8. Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi: sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

9. Tẩy xóa, thay đổi nội dung, mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn, làm giả Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

10. Ủy thác, giao đại lý cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động được phép theo Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

11. Gian lận, giả mạo các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

12. Hoạt động không đúng nội dung quy định trong Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

13. Chủ tài khoản thanh toán có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nhưng cung cấp thông tin hoặc cam kết không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cho các bên có quyền, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật về giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Chương II

MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN THANH TOÁN

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 9. Mở và sử dụng tài khoản thanh toán

Việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và quy định của pháp luật liên quan.

Điều 10. Sử dụng và ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán

1. Chủ tài khoản thanh toán được sử dụng tài khoản thanh toán của mình để nộp, rút tiền mặt và yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện các giao dịch thanh toán hợp lệ. Chủ tài khoản thanh toán có quyền yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp thông tin về giao dịch và số dư trên tài khoản thanh toán của mình theo thỏa thuận với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản thanh toán.

2. Chủ tài khoản thanh toán được ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán. Việc ủy quyền phải thực hiện bằng văn bản, phù hợp với quy định pháp luật về ủy quyền.

3. Chủ tài khoản thanh toán có nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực và tuân thủ các quy định về mở, sử dụng, ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và phải đảm bảo có đủ tiền (số dư Có) trên tài khoản thanh toán để thực hiện lệnh thanh toán đã lập trừ trường hợp có thỏa thuận cho vay thấu chi với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

4. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, kịp thời lệnh thanh toán hợp lệ của chủ tài khoản thanh toán.

5. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có quyền từ chối thực hiện lệnh thanh toán của chủ tài khoản thanh toán khi lệnh thanh toán không hợp lệ hoặc có cơ sở pháp lý để xác định chủ tài khoản vi phạm các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 Nghị định này hoặc khi tài khoản thanh toán không đủ tiền trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp từ chối thực hiện lệnh thanh toán của chủ tài khoản thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thông báo lý do từ chối cho chủ tài khoản thanh toán.

Điều 11. Phong tỏa tài khoản thanh toán

1. Tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau:

a) Theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản;

b) Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

c) Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót;

d) Khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.

2. Việc chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán được thực hiện:

a) Theo thỏa thuận bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;

b) Khi có quyết định chấm dứt phong tỏa của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

c) Đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn trong thanh toán chuyển tiền quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

d) Khi có yêu cầu chấm dứt phong tỏa của tất cả các chủ tài khoản thanh toán chung hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.

3. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, chủ tài khoản thanh toán và cơ quan có thẩm quyền nếu thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện phong tỏa tài khoản thanh toán trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản thanh toán thì chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Đóng tài khoản thanh toán

1. Việc đóng tài khoản thanh toán được thực hiện khi:

a) Chủ tài khoản thanh toán có yêu cầu và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán;

b) Chủ tài khoản thanh toán là cá nhân bị chết, bị tuyên bố đã chết;

c) Tổ chức có tài khoản thanh toán chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;

d) Chủ tài khoản thanh toán vi phạm hành vi bị cấm về tài khoản thanh toán quy định tại khoản 5, khoản 8 Điều 8 Nghị định này.

đ) Các trường hợp theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;

e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Xử lý số dư khi đóng tài khoản thanh toán:

a) Chi trả theo yêu cầu của chủ tài khoản thanh toán hoặc được thực hiện theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; trường hợp chủ tài khoản là người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, việc chi trả thực hiện theo yêu cầu người đại diện theo pháp luật, người giám hộ phù hợp với quy định pháp luật dân sự; hoặc chi trả cho người thừa kế, đại diện thừa kế hợp pháp trong trường hợp chủ tài khoản thanh toán là cá nhân bị chết, bị tuyên bố đã chết;

b) Chi trả theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

c) Xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp người thụ hưởng hợp pháp số dư trên tài khoản thanh toán đã được thông báo mà không đến nhận.

Mục 2. MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN THANH TOÁN CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Điều 13. Mở và sử dụng tài khoản thanh toán của Ngân hàng Nhà nước

1. Ngân hàng Nhà nước mở tài khoản thanh toán cho Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nướcLuật Các tổ chức tín dụng.

2. Ngân hàng Nhà nước mở tài khoản cho ngân hàng trung ương các nước, ngân hàng nước ngoài, tổ chức tiền tệ quốc tế, ngân hàng quốc tế theo các điều ước và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia. Trong trường hợp Việt Nam chưa phải là thành viên tham gia, việc mở tài khoản thanh toán thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

3. Ngân hàng Nhà nước mở tài khoản thanh toán và thực hiện giao dịch trên tài khoản thanh toán ở ngân hàng nước ngoài, tổ chức tiền tệ quốc tế, ngân hàng quốc tế. Ngân hàng Nhà nước mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng trung ương các nước, mở tài khoản thanh toán và thực hiện giao dịch thanh toán ở nước ngoài theo các điều ước và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.

Điều 14. Hồ sơ và trình tự thủ tục mở, đóng tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước

1. Nguyên tắc lập và gửi hồ sơ:

a) Hồ sơ phải được lập bằng tiếng Việt. Nếu giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt và được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;

b) Các bản sao giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ mở, đóng tài khoản thanh toán phải là bản sao có chứng thực hoặc bản sao cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu theo quy định của pháp luật, trường hợp hồ sơ gửi trực tuyến thì thực hiện theo quy định về thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;

c) Hồ sơ được gửi qua đường bưu điện (dịch vụ bưu chính) hoặc nộp trực tiếp tới Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước nơi tổ chức đề nghị mở tài khoản thanh toán hoặc trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia;

d) Tổ chức đề nghị mở, đóng tài khoản thanh toán hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin cung cấp.

2. Hồ sơ mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước, bao gồm:

a) Đơn đề nghị mở tài khoản thanh toán kèm bản đăng ký mẫu dấu, mẫu chữ ký theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này do người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức mở tài khoản thanh toán ký tên, đóng dấu;

b) Các tài liệu chứng minh tổ chức mở tài khoản thanh toán được thành lập và hoạt động hợp pháp, gồm: quyết định thành lập, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy tờ có giá trị tương đương;

c) Các tài liệu chứng minh tư cách đại diện của người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức mở tài khoản thanh toán và thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, căn cước điện tử hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người đó;

d) Văn bản hoặc quyết định bổ nhiệm và thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, căn cước điện tử hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán, người kiểm soát chứng từ giao dịch với Ngân hàng Nhà nước của tổ chức mở tài khoản thanh toán.

3. Trình tự, thủ tục mở tài khoản thanh toán:

a) Khi có nhu cầu mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước, tổ chức đề nghị mở tài khoản thanh toán gửi 01 bộ hồ sơ mở tài khoản thanh toán theo quy định tại khoản 2 Điều này đến Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố) nơi đề nghị mở tài khoản thanh toán;

b) Khi nhận được hồ sơ mở tài khoản thanh toán, Ngân hàng Nhà nước tiến hành kiểm tra các thành phần hồ sơ và đối chiếu với các yếu tố đã kê khai tại đơn đề nghị mở tài khoản thanh toán, đảm bảo sự khớp đúng, chính xác.

Trường hợp hồ sơ mở tài khoản thanh toán chưa đầy đủ, chưa hợp lệ hoặc còn có sự sai lệch giữa các yếu tố kê khai tại đơn đề nghị mở tài khoản thanh toán với các tài liệu liên quan trong hồ sơ, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ mở tài khoản thanh toán, Ngân hàng Nhà nước thông báo cho tổ chức đề nghị mở tài khoản biết để hoàn thiện hồ sơ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ của Ngân hàng Nhà nước mà tổ chức đề nghị mở tài khoản không gửi bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản từ chối mở tài khoản thanh toán và trả lại hồ sơ cho tổ chức đề nghị mở tài khoản;

c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ mở tài khoản thanh toán hợp lệ của tổ chức đề nghị mở tài khoản thanh toán, Ngân hàng Nhà nước phải xử lý việc mở tài khoản thanh toán cho tổ chức. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước từ chối mở tài khoản thanh toán thì phải thông báo lý do cho tổ chức biết bằng văn bản.

4. Trình tự, thủ tục đóng tài khoản thanh toán:

a) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước có nhu cầu đóng tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước phải lập đơn đề nghị đóng tài khoản thanh toán và yêu cầu xử lý số dư tài khoản thanh toán (nếu có) theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định này do người đại diện hợp pháp của tổ chức ký tên, đóng dấu và gửi Ngân hàng Nhà nước (nơi mở tài khoản thanh toán);

b) Khi nhận được đơn đề nghị đóng tài khoản thanh toán, Ngân hàng Nhà nước tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin trên đơn đề nghị với thông tin tài khoản và xử lý số dư trên tài khoản thanh toán theo yêu cầu của chủ tài khoản (nếu có). Sau khi hoàn thành việc xử lý số dư còn lại trên tài khoản thanh toán, Ngân hàng Nhà nước thực hiện đóng tài khoản thanh toán;

c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị đóng tài khoản thanh toán của tổ chức mở tài khoản thanh toán, Ngân hàng Nhà nước phải xử lý việc đóng tài khoản thanh toán;

d) Trường hợp đóng tài khoản thanh toán theo quy định tại điểm c, d, đ khoản 1 Điều 12 Nghị định này, việc xử lý số dư còn lại trên tài khoản thanh toán (nếu có) sau khi đã hoàn tất các nghĩa vụ với các bên liên quan thì được thực hiện theo yêu cầu bằng văn bản của chủ tài khoản trước khi có quyết định thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động, theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định pháp luật có liên quan. Sau khi đóng tài khoản thanh toán, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Ngân hàng Nhà nước thông báo cho tổ chức mở tài khoản biết bằng văn bản.

Mục 3. MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN THANH TOÁN TẠI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

Điều 15. Mở và sử dụng tài khoản thanh toán giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Việc mở tài khoản thanh toán giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện theo đúng quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng. Tài khoản thanh toán mở giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ phục vụ cho mục đích thanh toán, không được cho vay, thấu chi hoặc sử dụng cho các mục đích khác.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối được mở tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép khác. Việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

Điều 16. Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng không phải là tổ chức tín dụng

1. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán cho khách hàng phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Chủ tài khoản thanh toán chung là tổ chức, cá nhân. Mục đích sử dụng tài khoản thanh toán chung, quyền và nghĩa vụ của các chủ tài khoản thanh toán chung và các quy định liên quan đến việc sử dụng tài khoản thanh toán chung phải được xác định rõ bằng văn bản và phù hợp với quy định pháp luật về mở, sử dụng tài khoản thanh toán.

Chương III

DỊCH VỤ THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT

Mục 1. DỊCH VỤ THANH TOÁN QUA TÀI KHOẢN THANH TOÁN CỦA KHÁCH HÀNG

Điều 17. Dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán của khách hàng

1. Dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán của khách hàng, bao gồm:

a) Cung ứng phương tiện thanh toán;

b) Thực hiện dịch vụ thanh toán: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ;

c) Các dịch vụ thanh toán khác thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2. Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán của khách hàng:

a) Ngân hàng Nhà nước cung ứng các dịch vụ thanh toán cho các khách hàng mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước;

b) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng chính sách cung ứng tất cả các dịch vụ thanh toán quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Ngân hàng hợp tác xã được cung ứng một số dịch vụ thanh toán quy định tại khoản 1 Điều này sau khi được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp.

3. Việc cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán của khách hàng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Mục 2. DỊCH VỤ THANH TOÁN KHÔNG QUA TÀI KHOẢN THANH TOÁN CỦA KHÁCH HÀNG

Điều 18. Dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng

1. Dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng, bao gồm:

a) Thực hiện dịch vụ thanh toán: chuyển tiền, thu hộ, chi hộ;

b) Các dịch vụ thanh toán khác không qua tài khoản thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2. Các tổ chức được cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng:

a) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng chính sách;

b) Ngân hàng hợp tác xã được cung ứng một số dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng sau khi được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp;

c) Quỹ tín dụng nhân dân được cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thực hiện nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho thành viên, khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân đó sau khi được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp;

d) Tổ chức tài chính vi mô được cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thu hộ, chi hộ cho khách hàng của tổ chức tài chính vi mô sau khi được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp;

đ) Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích được cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thu hộ, chi hộ sau khi đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 19 Nghị định này và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

3. Việc cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 19. Điều kiện cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích

Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích được cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng khi đáp ứng đầy đủ và phải đảm bảo duy trì đủ các điều kiện sau đây trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng:

1. Có hệ thống thông tin phục vụ cho hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 theo quy định của pháp luật.

2. Điều kiện về nhân sự: Người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Người phụ trách cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phải có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thông tin.

Các cán bộ chủ chốt thực hiện cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng (gồm Trưởng phòng (ban) hoặc tương đương và các cán bộ kỹ thuật) có bằng cao đẳng trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thông tin hoặc lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm.

3. Có quy trình nghiệp vụ kỹ thuật đối với từng loại dịch vụ; có biện pháp đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì số dư tài khoản thanh toán của đơn vị mình tại ngân hàng và tiền mặt lớn hơn số tiền phải trả cho khách hàng tại thời điểm chi trả; quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ; cơ chế quản lý rủi ro; các nguyên tắc chung và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; quy trình và thủ tục giải quyết yêu cầu tra soát, khiếu nại, tranh chấp; quy định quyền và trách nhiệm của các bên có liên quan.

4. Có phương án thu gom, vận chuyển tiền mặt đảm bảo cuối ngày nộp vào tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn đối với việc luân chuyển tiền mặt; trang bị các thiết bị đảm bảo việc giao nhận, bảo quản tiền mặt, quy định hạn mức chuyển tiền, nhận tiền, mức tồn quỹ tại các điểm cung cấp dịch vụ; đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Hồ sơ, quy trình, thủ tục chấp thuận bằng văn bản, thu hồi văn bản hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích

1. Hồ sơ đề nghị chấp thuận cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng gồm:

a) Đơn đề nghị cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Nghị quyết của Hội đồng thành viên, văn bản của người đại diện có thẩm quyền của chủ sở hữu phù hợp với thẩm quyền quy định tại Điều lệ công ty về việc thông qua Bản thuyết minh điều kiện cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng;

c) Bản thuyết minh các điều kiện cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng theo quy định tại Điều 19 Nghị định này;

d) Hồ sơ về nhân sự: Sơ yếu lý lịch, bản sao có chứng thực hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu các văn bằng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của những người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Người phụ trách và các cán bộ chủ chốt thực hiện cung ứng dịch vụ này;

đ) Giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị tương đương do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, Điều lệ công ty (bản sao có chứng thực hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu).

2. Quy trình, thủ tục chấp thuận:

a) Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích gửi 03 bộ hồ sơ đề nghị cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng theo quy định tại khoản 1 Điều này qua đường bưu điện (dịch vụ bưu chính) hoặc nộp trực tiếp tới Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước hoặc trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia (hồ sơ gửi trực tuyến thì thực hiện theo quy định về thủ tục hành chính trên môi trường điện tử). Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đề nghị phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin cung cấp.

Căn cứ vào hồ sơ đề nghị, Ngân hàng Nhà nước tiến hành thẩm định hồ sơ trên cơ sở các điều kiện quy định tại Điều 19 Nghị định này;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đề nghị xác nhận đã nhận đầy đủ thành phần hồ sơ hợp lệ hoặc không đầy đủ, hợp lệ theo quy định.

Trường hợp hồ sơ đề nghị không đầy đủ, hợp lệ theo quy định, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi doanh nghiệp này yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Thời gian doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định.

c) Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ thành phần hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước tiến hành thẩm định hồ sơ. Nếu quá 60 ngày kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ nhưng doanh nghiệp đề nghị không gửi bổ sung hồ sơ hoặc sau 02 lần gửi mà hồ sơ vẫn không đáp ứng điều kiện thì Ngân hàng Nhà nước có văn bản từ chối chấp thuận và trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.

Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, hoàn thiện của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, Ngân hàng Nhà nước tiến hành thẩm định, chấp thuận bằng văn bản theo quy định. Trường hợp không chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lời doanh nghiệp, trong đó nêu rõ lý do.

3. Thời hạn hiệu lực của văn bản chấp thuận là 10 năm tính từ ngày ký văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp gia hạn hiệu lực của văn bản chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng, trong thời hạn tối thiểu 60 ngày trước khi văn bản chấp thuận hết thời hạn, doanh nghiệp đề nghị gửi 03 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận gia hạn văn bản gồm: đơn đề nghị cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định này; báo cáo tình hình thực hiện hoạt động theo văn bản chấp thuận kể từ ngày được chấp thuận đến ngày nộp đơn đề nghị và bản sao văn bản chấp thuận đang có hiệu lực tới Ngân hàng Nhà nước.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị gia hạn văn bản chấp thuận của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét và gia hạn văn bản hoặc có văn bản thông báo từ chối trong đó nêu rõ lý do.

Thời hạn gia hạn văn bản chấp thuận là 10 năm tính từ ngày doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước gia hạn văn bản.

4. Thu hồi văn bản chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng trong các trường hợp sau:

a) Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật;

b) Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng có đơn đề nghị thu hồi văn bản chấp thuận do chấm dứt hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Khi có bản án, quyết định thi hành án, quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan thi hành án hình sự có nội dung yêu cầu thu hồi văn bản chấp thuận của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hoặc có văn bản yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan thi hành án hình sự đề nghị thu hồi văn bản chấp thuận của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích;

d) Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng vi phạm hành vi bị cấm tại khoản 8 Điều 8 Nghị định này;

đ) Sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản thông báo cho tổ chức vi phạm một trong các điều kiện trong quá trình cung ứng dịch vụ quy định tại Điều 19 và phải thực hiện các biện pháp khắc phục nhưng doanh nghiệp không khắc phục được;

e) Hoạt động không đúng nội dung chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng;

g) Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng phát hiện trong thời hạn 06 tháng liên tục, doanh nghiệp không thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.

5. Quy trình, thủ tục xem xét thu hồi hoặc thu hồi văn bản chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích:

a) Trường hợp doanh nghiệp bị giải thể hoặc phá sản theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này, doanh nghiệp có văn bản thông báo với Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua Quyết định giải thể doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp hoặc ngày nhận được Quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về phá sản. Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định thu hồi văn bản chấp thuận.

Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước nhận được đơn đề nghị thu hồi văn bản chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng quy định tại điểm b khoản 4 Điều này, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định thu hồi văn bản chấp thuận.

Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh một trong các trường hợp quy định tại điểm c, điểm d, điểm đ khoản 4 Điều này, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định thu hồi văn bản chấp thuận;

b) Khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm một trong các trường hợp nêu tại điểm e, điểm g khoản 4 Điều này, Ngân hàng Nhà nước ra thông báo và đề nghị doanh nghiệp giải trình.

Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước ra thông báo nhưng doanh nghiệp được chấp thuận không có văn bản giải trình hoặc nội dung giải trình không xác đáng, Ngân hàng Nhà nước xem xét ra quyết định thu hồi văn bản chấp thuận.

6. Ngay khi nhận được Quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc thu hồi văn bản chấp thuận, doanh nghiệp bị thu hồi văn bản chấp thuận phải lập tức ngừng cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc thu hồi văn bản chấp thuận, doanh nghiệp phải gửi thông báo bằng văn bản tới các tổ chức và cá nhân liên quan để thanh lý hợp đồng và hoàn tất các nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các bên theo quy định pháp luật.

Khi doanh nghiệp đã hoàn tất các nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các bên theo quy định của pháp luật, sau thời hạn 03 năm kể từ ngày doanh nghiệp bị thu hồi văn bản chấp thuận trong trường hợp quy định tại khoản 4 (trừ điểm a khoản 4) Điều này, doanh nghiệp được đề nghị cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng theo quy định tại Điều 19 Nghị định này. Quy trình, thủ tục, hồ sơ thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Mục 3. THAM GIA HỆ THỐNG THANH TOÁN QUỐC TẾ

Điều 21. Điều kiện tham gia hệ thống thanh toán quốc tế của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Đã được phép thực hiện hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước và quốc tế.

2. Có chính sách và quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đáp ứng yêu cầu của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt khi tham gia hệ thống thanh toán quốc tế.

3. Có hệ thống thông tin đáp ứng yêu cầu về quản trị điều hành, an toàn, bảo mật theo quy định pháp luật của Việt Nam; có quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn kết nối các hệ thống thanh toán quốc tế.

4. Tổ chức vận hành hệ thống thanh toán quốc tế được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài.

Chương IV

DỊCH VỤ TRUNG GIAN THANH TOÁN

Điều 22. Các dịch vụ trung gian thanh toán và điều kiện cung ứng dịch vụ

1. Dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm: dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế, dịch vụ bù trừ điện tử, dịch vụ ví điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và dịch vụ cổng thanh toán điện tử. Hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2. Điều kiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán:

Tổ chức không phải là ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khi đáp ứng đầy đủ và phải đảm bảo duy trì đủ các điều kiện sau đây trong quá trình cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cụ thể như sau:

a) Có giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành trong quá trình đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; trường hợp cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, tổ chức phải đảm bảo không kinh doanh ngành nghề khác ngoài hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

b) Có vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu: 50 tỷ đồng đối với dịch vụ ví điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và dịch vụ cổng thanh toán điện tử; 300 tỷ đồng đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế, dịch vụ bù trừ điện tử; chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn đã góp hoặc vốn được cấp;

c) Có Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ của tổ chức phê duyệt theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Nghị định này;

d) Điều kiện về nhân sự: Người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức phải có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thông tin và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm là người quản lý, người điều hành của tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định của pháp luật; phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam (Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền).

Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) và các cán bộ chủ chốt thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (gồm Trưởng phòng (ban) hoặc tương đương và các cán bộ kỹ thuật) có bằng cao đẳng trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thông tin hoặc lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm;

đ) Có Bản thuyết minh giải pháp kỹ thuật phục vụ cho hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đề nghị cấp Giấy phép được cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ của tổ chức phê duyệt đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 theo quy định của pháp luật;

e) Đối với dịch vụ ví điện tử và dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ cho các khách hàng có tài khoản tại nhiều ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ phải được một tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử được Ngân hàng Nhà nước cấp phép để thực hiện chuyển mạch giao dịch tài chính và xử lý bù trừ các nghĩa vụ phát sinh trong quá trình cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của tổ chức;

g) Đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, ngoài các điều kiện quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản 2 Điều này, tổ chức cung ứng dịch vụ phải: được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan; có thỏa thuận kết nối với ít nhất 50 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tổng vốn điều lệ trong năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chiếm trên 65% tổng vốn điều lệ của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong hệ thống các tổ chức tín dụng và ít nhất 20 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; có cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng tối thiểu theo yêu cầu về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 4 theo quy định của pháp luật, đảm bảo khả năng tích hợp, kết nối được với hệ thống kỹ thuật của tổ chức tham gia có thỏa thuận kết nối; có hệ thống máy chủ thực hiện theo quy định pháp luật và đáp ứng năng lực xử lý tối thiểu 10 triệu giao dịch thanh toán/ngày;

Tổ chức tham gia không được kết nối quá 02 tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử;

h) Đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế, tổ chức cung ứng dịch vụ phải có Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chuyển mạch tài chính còn hiệu lực; được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan; có quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn kết nối các hệ thống thanh toán quốc tế để thực hiện chuyển mạch tài chính các giao dịch thanh toán quốc tế; có quy định nội bộ về quy trình nghiệp vụ kỹ thuật đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế đề nghị cấp phép và tổ chức vận hành hệ thống thanh toán quốc tế kết nối với tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế phải được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài.

3. Trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức được cấp phép phải cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ra thị trường và chỉ được phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ra thị trường sau khi triển khai hệ thống kỹ thuật đáp ứng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này, đáp ứng quy định tại điểm g, điểm h khoản 2 Điều này đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế.

Điều 23. Nguyên tắc lập và gửi hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

1. Hồ sơ phải được lập bằng tiếng Việt. Trường hợp văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật về hợp pháp hóa lãnh sự) và dịch ra tiếng Việt.

2. Các bản sao hồ sơ, tài liệu phải là bản sao có chứng thực hoặc bản sao cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu theo quy định của pháp luật, trường hợp hồ sơ gửi trực tuyến thì thực hiện theo quy định về thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

3. Sơ yếu lý lịch cá nhân tự lập được chứng thực chữ ký theo quy định của pháp luật.

4. Hồ sơ được gửi qua đường bưu điện (dịch vụ bưu chính) hoặc nộp trực tiếp tới Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước hoặc trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

5. Tổ chức đề nghị cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi Giấy phép phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin cung cấp.

Điều 24. Cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

1. Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định này cho tổ chức đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Nghị quyết của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông, văn bản của người đại diện có thẩm quyền của chủ sở hữu phù hợp với thẩm quyền quy định tại Điều lệ công ty về việc thông qua Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và Bản thuyết minh giải pháp kỹ thuật;

c) Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Nghị định này;

d) Bản thuyết minh giải pháp kỹ thuật;

đ) Hồ sơ về nhân sự: sơ yếu lý lịch theo Mẫu số 09 ban hành kèm theo Nghị định này, bản sao các văn bằng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) và các cán bộ chủ chốt thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương của người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc) theo quy định của pháp luật (trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép không quá 06 tháng); văn bản của người đại diện có thẩm quyền của đơn vị nơi người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc) đã hoặc đang làm việc xác nhận chức vụ và thời gian đảm nhận chức vụ hoặc bản sao văn bản chứng minh chức vụ và thời gian đảm nhiệm chức vụ tại đơn vị của người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc);

e) Bản sao các tài liệu chứng minh tổ chức đề nghị cấp Giấy phép được thành lập và hoạt động hợp pháp, gồm: giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị tương đương; Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức; giấy chứng nhận đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài (nếu có);

g) Văn bản cam kết và tài liệu chứng minh của chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông sáng lập của tổ chức về việc đảm bảo duy trì giá trị thực có của vốn điều lệ;

h) Đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử: phương án được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan quy định tại Mẫu số 08 ban hành kèm theo Nghị định này; văn bản thỏa thuận kết nối với các tổ chức tham gia, có nội dung cam kết không được kết nối quá 02 tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử; tài liệu chứng minh cơ sở hạ tầng thông tin, hệ thống máy chủ đáp ứng quy định tại điểm g khoản 2 Điều 22 Nghị định này;

i) Đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế: Quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn hệ thống thanh toán quốc tế để kết nối thực hiện chuyển mạch tài chính các giao dịch thanh toán quốc tế; quy định nội bộ về quy trình nghiệp vụ với các biện pháp quản lý rủi ro đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế đề nghị cấp phép; bản sao tài liệu chứng minh tổ chức vận hành hệ thống thanh toán quốc tế được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi tổ chức thành lập hoặc đặt trụ sở chính cấp; phương án được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan quy định tại Mẫu số 08 ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Quy trình, thủ tục cấp Giấy phép

Trường hợp nộp hồ sơ được gửi qua đường bưu điện (dịch vụ bưu chính) hoặc nộp trực tiếp tới Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước, tổ chức đề nghị cấp Giấy phép gửi 02 bộ hồ sơ và 06 đĩa CD (hoặc 06 USB) lưu trữ bản quét Bộ hồ sơ đầy đủ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại khoản 2 Điều này. Căn cứ vào hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiến hành thẩm định hồ sơ trên cơ sở các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định này.

a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức xác nhận đã nhận đầy đủ thành phần hồ sơ hợp lệ. Trường hợp thành phần hồ sơ không đầy đủ và hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức yêu cầu bổ sung, hoàn thiện thành phần hồ sơ. Thời gian bổ sung, hoàn thiện thành phần hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định hồ sơ.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu bổ sung thành phần hồ sơ nhưng tổ chức đề nghị cấp Giấy phép không gửi lại hồ sơ hoặc hồ sơ bổ sung của tổ chức không đáp ứng thành phần thì Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lại hồ sơ cho tổ chức;

b) Trong thời hạn 90 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ thành phần hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước tiến hành thẩm định hồ sơ. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu giải trình, hoàn thiện hồ sơ mà tổ chức không gửi lại hồ sơ thì Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lại hồ sơ cho tổ chức.

Trong thời hạn 90 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, hoàn thiện của tổ chức, Ngân hàng Nhà nước tiến hành thẩm định, cấp Giấy phép theo quy định. Trường hợp không cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lời tổ chức, trong đó nêu rõ lý do;

c) Kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước nhận đầy đủ thành phần hồ sơ hợp lệ, tổ chức đề nghị cấp Giấy phép được tự gửi bổ sung, hoàn thiện hồ sơ tối đa 02 lần; thời gian nộp hồ sơ tự bổ sung, hoàn thiện của tổ chức tối đa không vượt quá 60 ngày kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức xác nhận đã nhận đầy đủ thành phần hồ sơ hợp lệ.

4. Quy trình, thủ tục triển khai hoạt động sau khi được cấp Giấy phép

Tối thiểu 30 ngày làm việc trước ngày dự kiến cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ra thị trường và không quá 06 tháng kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép, tổ chức đã được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải thông báo và cung cấp tài liệu chứng minh cho Ngân hàng Nhà nước về việc: Hệ thống kỹ thuật đáp ứng điều kiện quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 22 Nghị định này; bản sao Biên bản nghiệm thu kỹ thuật các dịch vụ trung gian thanh toán đã được cấp phép với một ngân hàng hợp tác đối với dịch vụ ví điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và dịch vụ cổng thanh toán điện tử theo Mẫu số 10 ban hành kèm theo Nghị định này; tài liệu chứng minh được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế đáp ứng điều kiện quy định tại điểm g, điểm h khoản 2 Điều 22 Nghị định này.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, tài liệu, Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm tra thực tế tại tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và có văn bản thông báo về việc đáp ứng hoặc không đáp ứng quy định tại điểm đ, điểm g, điểm h khoản 2 Điều 22 Nghị định này. Trường hợp không đáp ứng, Ngân hàng Nhà nước xem xét thực hiện thu hồi Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 27 Nghị định này.

5. Thời hạn Giấy phép

Thời hạn hoạt động ghi trên Giấy phép là 10 năm tính từ ngày tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép. Đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế, thời hạn hoạt động không được vượt quá thời hạn hoạt động ghi trên Giấy phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính.

Điều 25. Cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Ngân hàng Nhà nước cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong các trường hợp sau:

1. Hết thời hạn Giấy phép

Tối thiểu 60 ngày trước ngày hết thời hạn hoạt động ghi trên Giấy phép, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải gửi Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép cho Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp hồ sơ được gửi qua đường bưu điện (dịch vụ bưu chính) hoặc nộp trực tiếp tới Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán gửi 03 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép gồm: đơn đề nghị cấp lại Giấy phép theo Mẫu số 11 ban hành kèm theo Nghị định này, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động theo Giấy phép kể từ ngày được cấp Giấy phép đến ngày nộp đơn đề nghị cấp lại Giấy phép và bản sao Giấy phép đang có hiệu lực tới Ngân hàng Nhà nước.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép của tổ chức, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cấp lại Giấy phép hoặc có văn bản thông báo từ chối trong đó nêu rõ lý do;

Thời hạn hoạt động ghi trên Giấy phép là 10 năm tính từ ngày tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp lại Giấy phép.

2. Giấy phép bị mất, bị rách, bị cháy hoặc bị hủy dưới hình thức khác

Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán gửi đơn đề nghị cấp lại Giấy phép theo Mẫu số 11 ban hành kèm theo Nghị định này trong đó nêu rõ lý do. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại Giấy phép của tổ chức, Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp lại Giấy phép hoặc có văn bản thông báo từ chối trong đó nêu rõ lý do;

Thời hạn hoạt động ghi trên Giấy phép được giữ nguyên như thời hạn hoạt động trên Giấy phép đã bị mất, bị rách, bị cháy hoặc bị hủy dưới hình thức khác.

Điều 26. Sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

1. Trường hợp thay đổi một trong các nội dung quy định trong Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán sau: tên tổ chức, địa điểm đặt trụ sở chính, ngừng cung cấp một hoặc một số dịch vụ trung gian thanh toán đã được cấp phép, kết nối thêm hệ thống thanh toán quốc tế của tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế:

a) Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép gồm: đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo Mẫu số 12 ban hành kèm theo Nghị định này; bản sao Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán còn hiệu lực; bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã thay đổi tên doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (nếu có); báo cáo tình hình thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kể từ ngày được cấp Giấy phép đến ngày nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép.

Trường hợp đề nghị kết nối thêm hệ thống thanh toán quốc tế, tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế bổ sung thêm các tài liệu quy định tại điểm i khoản 2 Điều 24 Nghị định này;

b) Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận và xét tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối sửa đổi, bổ sung Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lời tổ chức trong đó nêu rõ lý do;

c) Thời hạn hoạt động ghi trên Giấy phép sửa đổi, bổ sung không vượt quá thời hạn hoạt động ghi trên Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

d) Đối với dịch vụ trung gian thanh toán đề nghị ngừng cung cấp, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải ngừng cung cấp dịch vụ sau khi Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Giấy phép và trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Giấy phép, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải gửi thông báo bằng văn bản tới các tổ chức và cá nhân liên quan để thanh lý hợp đồng và hoàn tất các nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các bên liên quan theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp thay đổi một trong các nội dung sau: người đại diện theo pháp luật, thay đổi vốn điều lệ, thay đổi tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của chủ sở hữu; thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp, trong thời hạn hiệu lực của Giấy phép, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải làm thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép nhưng phải gửi thông báo cho Ngân hàng Nhà nước bằng văn bản và tài liệu chứng minh các thông tin liên quan (nếu có) trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có các thay đổi nêu trên.

Điều 27. Thu hồi Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

1. Ngân hàng Nhà nước xem xét thực hiện thu hồi Giấy phép một trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có đơn đề nghị thu hồi Giấy phép do chấm dứt hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép theo Mẫu số 15 ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Khi có hiệu lực bản án, quyết định thi hành án, quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan thi hành án hình sự có nội dung yêu cầu thu hồi Giấy phép của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoặc có văn bản yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan thi hành án hình sự đề nghị thu hồi Giấy phép của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

d) Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật, rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;

đ) Sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản thông báo cho tổ chức vi phạm một trong các điều kiện trong quá trình cung ứng dịch vụ quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e, điểm g, khoản 2 Điều 22, hệ thống kỹ thuật không đáp ứng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 22 Nghị định này và phải thực hiện các biện pháp khắc phục nhưng tổ chức không khắc phục được;

e) Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không đáp ứng quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định này, không cung cấp được tài liệu chứng minh hoặc tài liệu chứng minh không đáp ứng quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định này và sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản thông báo yêu cầu tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục nhưng tổ chức không khắc phục được;

g) Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phát hiện trong thời hạn 06 tháng liên tục, tổ chức không thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép cho khách hàng;

h) Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tái phạm việc báo cáo không trung thực số dư, số lượng ví điện tử theo quy định.

2. Quy trình, thủ tục thu hồi Giấy phép

a) Trường hợp tổ chức bị giải thể hoặc phá sản theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, tổ chức có đơn đề nghị thu hồi Giấy phép theo Mẫu số 15 ban hành kèm theo Nghị định này gửi Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua Quyết định giải thể doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp hoặc ngày nhận được Quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về phá sản. Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của tổ chức, Ngân hàng Nhà nước ra Quyết định thu hồi Giấy phép.

Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước nhận được đơn đề nghị thu hồi Giấy phép do chấm dứt hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định thu hồi Giấy phép.

Sau 20 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh một trong các trường hợp quy định tại điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e khoản 1 Điều này, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định thu hồi Giấy phép.

b) Khi tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có dấu hiệu vi phạm trường hợp nêu tại điểm g, điểm h khoản 1 Điều này, Ngân hàng Nhà nước xem xét thu hồi Giấy phép và ra thông báo đề nghị tổ chức giải trình.

Sau 20 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước ra thông báo nhưng tổ chức được cấp Giấy phép không có văn bản giải trình hoặc nội dung giải trình không xác đáng, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định thu hồi Giấy phép.

3. Ngay khi nhận được Quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc thu hồi Giấy phép, tổ chức bị thu hồi Giấy phép phải lập tức ngừng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có Quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc thu hồi Giấy phép, tổ chức bị thu hồi Giấy phép phải gửi thông báo bằng văn bản tới các tổ chức và cá nhân liên quan để thanh lý hợp đồng và hoàn tất các nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các bên theo quy định pháp luật.

Khi tổ chức bị thu hồi Giấy phép đã hoàn tất các nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các bên theo quy định của pháp luật, sau thời hạn 03 năm kể từ ngày tổ chức bị thu hồi Giấy phép trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức được đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo quy định tại Điều 22 Nghị định này. Quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thực hiện theo quy định tại Điều 23 và Điều 24 Nghị định này.

Điều 28. Trách nhiệm phối hợp cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

1. Trách nhiệm phối hợp trong quá trình thẩm định

a) Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi lấy ý kiến của Bộ Công an và các cơ quan liên quan về việc tuân thủ quy định pháp luật liên quan của tổ chức và người đại diện theo pháp luật của tổ chức trong thời gian hoạt động trước khi được xem xét cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép theo quy định tại Điều 24, khoản 1 Điều 25, khoản 1 Điều 26, điểm d, điểm g khoản 1 Điều 27 Nghị định này;

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước, các bộ, cơ quan liên quan tại điểm a khoản này có ý kiến bằng văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước;

c) Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép trên cơ sở hồ sơ và ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan.

2. Ngân hàng Nhà nước công bố công khai về việc cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải công bố công khai Giấy phép, Quyết định sửa đổi, bổ sung, Quyết định thu hồi Giấy phép hoạt động trên trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức đó để khách hàng biết.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN

Điều 29. Đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán

1. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán theo quy định của pháp luật và được quy định các biện pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán phù hợp với các quy định pháp luật liên quan. Khách hàng sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán theo quy định và hướng dẫn của các tổ chức cung ứng dịch vụ.

2. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có biện pháp kiểm tra, giám sát các đơn vị chấp nhận thanh toán nhằm phát hiện và giải quyết hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về hoạt động thanh toán theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có biện pháp quản trị rủi ro, phòng, chống việc sử dụng, lợi dụng việc cung ứng phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, thực hiện giao dịch thanh toán khống (giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ mà không phát sinh việc mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ) hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

4. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các tổ chức, cá nhân liên quan có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin, giấy tờ và chứng từ theo quy định của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khi thực hiện thanh toán ngoại tệ và thanh toán quốc tế quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 5 Nghị định này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải áp dụng các biện pháp xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và chứng từ liên quan đến các giao dịch thực tế để đảm bảo việc thanh toán bằng ngoại tệ và thanh toán quốc tế thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 30. Quyền về thông tin, báo cáo

1. Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung cấp thông tin có liên quan tới việc cung ứng dịch vụ theo định kỳ và đột xuất; việc cung cấp thông tin này thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có quyền yêu cầu khách hàng sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin có liên quan khi sử dụng dịch vụ của mình.

Điều 31. Nghĩa vụ về thông tin, báo cáo

1. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có nghĩa vụ báo cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có nghĩa vụ cung cấp thông tin về giao dịch và số dư trên tài khoản của chủ tài khoản thanh toán, giao dịch và số dư trên ví điện tử của chủ ví điện tử theo thỏa thuận với chủ tài khoản thanh toán, chủ ví điện tử.

Điều 32. Bảo mật thông tin

1. Quyền từ chối cung cấp thông tin

Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có quyền từ chối yêu cầu của tổ chức, cá nhân khác về việc cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, giao dịch và số dư trên tài khoản, ví điện tử, giao dịch và số dư trên ví điện tử trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

2. Nghĩa vụ bảo mật thông tin

Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin liên quan đến tài khoản, giao dịch và số dư trên tài khoản, ví điện tử, giao dịch và số dư trên ví điện tử, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng hoặc pháp luật có quy định khác.

Chương VI

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

Điều 33. Giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế

1. Ngân hàng Nhà nước ban hành các quy định về giám sát và thực hiện giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế để góp phần tăng cường đảm bảo sự hoạt động ổn định, an toàn của các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế.

2. Ngân hàng Nhà nước xác định các hệ thống thanh toán quan trọng chịu sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng bằng các biện pháp giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và các biện pháp khác khi cần thiết theo nguyên tắc không làm cản trở hoạt động bình thường của hệ thống và tổ chức vận hành hệ thống thanh toán quan trọng.

3. Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức vận hành, ngân hàng quyết toán, các thành viên tham gia hệ thống thanh toán quan trọng cung cấp thông tin liên quan đến hệ thống.

4. Tổ chức vận hành, ngân hàng quyết toán, thành viên tham gia hệ thống thanh toán quan trọng có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến hệ thống theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

5. Các tổ chức vận hành, ngân hàng quyết toán hệ thống thanh toán quan trọng có trách nhiệm chấp hành các quy định và thực hiện các yêu cầu giám sát của Ngân hàng Nhà nước; ban hành các quy định nội bộ về kiểm soát rủi ro và đảm bảo sự hoạt động liên tục của hệ thống.

Điều 34. Giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán

1. Ngân hàng Nhà nước xác định phạm vi, ban hành quy định về giám sát và thực hiện giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán.

2. Ngân hàng Nhà nước giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán bằng các biện pháp giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và các biện pháp khác khi cần thiết theo nguyên tắc không làm cản trở hoạt động bình thường của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

3. Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán.

4. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và có trách nhiệm chấp hành các quy định, thực hiện các yêu cầu giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 35. Giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

1. Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về giám sát và thực hiện giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép.

2. Ngân hàng Nhà nước giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bằng các biện pháp giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và các biện pháp khác khi cần thiết theo nguyên tắc không làm cản trở hoạt động bình thường của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

3. Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

4. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và có trách nhiệm chấp hành các quy định, thực hiện các yêu cầu giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

5. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải xây dựng và cung cấp công cụ giám sát trực tuyến để Ngân hàng Nhà nước giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trước khi chính thức cung ứng dịch vụ ra thị trường cho khách hàng.

6. Ngân hàng hợp tác với tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động hợp tác cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; thông tin dữ liệu liên quan đến việc mở và quản lý tài khoản đảm bảo thanh toán cho tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đối với dịch vụ ví điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 36. Quy định chuyển tiếp

1. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế đó. Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm đáp ứng điều kiện kinh doanh quy định tại Điều 21 Nghị định này và hoàn thành thủ tục đề nghị chấp thuận tham gia hệ thống thanh toán quốc tế theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; quá thời hạn nêu trên, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải chấm dứt tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế không ghi trong Giấy phép.

2. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử (theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán) ghi trong Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì dịch vụ này được tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên.

3. Tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính được cấp phép trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đã kết nối với các hệ thống thanh toán quốc tế thì được tiếp tục kết nối với các hệ thống thanh toán quốc tế đó. Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính được cấp phép có trách nhiệm đáp ứng điều kiện kinh doanh và hoàn thành thủ tục đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế theo quy định tại Nghị định này; quá thời hạn nêu trên, tổ chức phải chấm dứt kết nối với các hệ thống thanh toán quốc tế không ghi trong Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế.

4. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích được tiếp tục thực hiện cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích có trách nhiệm đáp ứng điều kiện kinh doanh và hoàn thành thủ tục đề nghị chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng theo quy định tại Nghị định này; quá thời hạn nêu trên, doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán.

5. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo Giấy phép đã được Ngân hàng Nhà nước cấp cho đến khi Giấy phép hết thời hạn, trừ trường hợp tổ chức đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại Nghị định này.

Điều 37. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Nghị định này thay thế cho Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và bãi bỏ Điều 3 của Nghị định số 16/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 38. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và Tổng Giám đốc (Giám đốc) Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Minh Khái

PHỤ LỤC

DANH MỤC MẪU VĂN BẢN HỒ SƠ, THỦ TỤC
(Kèm theo Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ)

Mẫu số 01

Mẫu đơn đề nghị mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước

Mẫu số 02

Mẫu đơn đề nghị đóng tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước

Mẫu số 03

Mẫu đơn đề nghị cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng

Mẫu số 04

Mẫu Quyết định về việc chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng

Mẫu số 05

Mẫu đơn đề nghị thu hồi văn bản chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng

Mẫu số 06

Mẫu Quyết định về việc thu hồi văn bản chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng

Mẫu số 07

Mẫu đơn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Mẫu số 08

Nội dung đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Mẫu số 09

Mẫu sơ yếu lý lịch

Mẫu số 10

Mẫu biên bản nghiệm thu kỹ thuật

Mẫu số 11

Mẫu đơn đề nghị cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Mẫu số 12

Mẫu đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Mẫu số 13

Mẫu Giấy phép cấp/cấp lại hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Mẫu số 14

Mẫu Quyết định về việc chấp thuận sửa đổi, bổ sung nội dung Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Mẫu số 15

Mẫu đơn đề nghị thu hồi Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Mẫu số 16

Mẫu Quyết định về việc thu hồi Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Mẫu số 01

TÊN TỔ CHỨC MỞ TÀI KHOẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……….

………, ngày ….. tháng …… năm …….

ĐƠN ĐỀ NGHỊ MỞ TÀI KHOẢN THANH TOÁN TẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Kính gửi: …………………

Tên tổ chức mở tài khoản thanh toán (Chủ tài khoản): ……………………………

…………………………………………………………………………………………………

- Tên đầy đủ bằng tiếng Việt:………………………………………………………………

- Tên đầy đủ bằng tiếng Anh (nếu có): ……………………………………………………

- Tên dùng để giao dịch: ……………………………………………………………………

Quyết định thành lập số: ……………………………….Ngày cấp…………………….

Nơi cấp: ………………………………………………………………………………………

Giấy phép hoạt động/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: ……………….

Ngày cấp: ……………………………….Nơi cấp: …………………………………….

Mã số thuế: ………………………………………………………………………….

Địa chỉ: …………………………………………….Điện thoại: ……………………..

Website: ……………………………………………Email: ……………………………

Họ và tên người đại diện hợp pháp: ……………………………………………….

Phạm vi đại diện: ………………………………………………………………………….

Ngày, tháng, năm sinh*: …………………………Giới tính (Nam/Nữ)*: ……………..

Quốc tịch*: ……………………là người cư trú/không cư trú: ………………………….

Nơi thường trú*: ………………………………………………………………………………

Nơi ở hiện tại (trường hợp khác với nơi thường trú): ……….Điện thoại:……………….

Quyết định bổ nhiệm số: ………………….….ngày ……tháng …..năm…..

Số định danh cá nhân (đối với thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân) hoặc số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu: …………….; Ngày cấp:……….; Có giá trị đến:.......; Nơi cấp: …............

Họ và tên Kế toán trưởng (hoặc người phụ trách kế toán hoặc người kiểm soát chứng từ giao dịch với Ngân hàng Nhà nước): …………………………………………………

Ngày, tháng, năm sinh*:………………….Giới tính (Nam/Nữ)*:……………………..

Số định danh cá nhân (đối với thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân) hoặc số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu:……………; Ngày cấp:…….; Có giá trị đến:....; Nơi cấp:…………

Quyết định bổ nhiệm số: ………………ngày……tháng…..năm……

Đề nghị mở tài khoản thanh toán tại: …………………………………………………

Loại tiền tệ: □ VND □ USD □ Loại khác……………

Chúng tôi cam kết:

- Những thông tin trên đây là đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác, đúng sự thật của các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán đính kèm.

- Chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành về mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước và xin chịu trách nhiệm đối với mọi vấn đề phát sinh trong trường hợp chúng tôi không thực hiện đúng, đầy đủ quy định về mở và sử dụng tài khoản do Ngân hàng Nhà nước quy định.

- Có văn bản (kèm các giấy tờ liên quan) gửi Ngân hàng Nhà nước khi có bất kỳ sự thay đổi nào về thông tin mở tài khoản thanh toán hoặc mẫu dấu, mẫu chữ ký đã đăng ký sử dụng với Ngân hàng Nhà nước.

Hồ sơ đính kèm:

1) Bản đăng ký mẫu dấu và chữ ký kèm văn bản ủy quyền (nếu có);

2) Quyết định số………………..

3) …………………………………

NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

PHẦN DÀNH CHO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Sau khi kiểm soát và xác định hồ sơ mở tài khoản thanh toán của……………… là đầy đủ và hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước …………………… đồng ý mở tài khoản thanh toán số: ………………… cho ……………………………………………..

Ngày bắt đầu hoạt động: ………………………………………………………………

TRƯỞNG PHÒNG KẾ TOÁN
(Ký, ghi rõ họ tên)

GIÁM ĐỐC SỞ GIAO DỊCH
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC/
GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
CHI NHÁNH…………….

(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Ghi chú: Trường hợp Ngân hàng Nhà nước nơi tiếp nhận Đơn đề nghị mở tài khoản thanh toán đủ điều kiện truy cập, khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì không bắt buộc tổ chức mở tài khoản thanh toán phải kê khai các thông tin đánh dấu (*).

BẢN ĐĂNG KÝ MẪU DẤU, CHỮ KÝ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN THANH TOÁN TẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

(Đính kèm Đơn đề nghị mở tài khoản số ......ngày... của......)

Tên tổ chức: ……………………………………………………………………………

Địa chỉ giao dịch: ………………………….Điện thoại giao dịch: …………………..

Tên tài khoản thanh toán: ………………………………………………………….

Số tài khoản thanh toán: …………………………………………………………

Nơi mở tài khoản thanh toán: …………………………………………………….

Đăng ký mẫu chữ ký và mẫu dấu sẽ sử dụng trên các chứng từ giao dịch với Ngân hàng Nhà nước …………………………………………………………………………. như sau:

1. Mẫu chữ ký

Người đăng ký mẫu chữ ký

Mẫu chữ ký thứ nhất

Mẫu chữ ký thứ hai

1. Người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản:

1.1. Người đại diện hợp pháp thứ nhất:

Họ và tên:…………………………

Số định danh cá nhân (đối với thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân)/số chứng minh nhân dân/số hộ chiếu:………………………….

Ngày cấp:…………………………

Có giá trị đến:………………………….

Nơi cấp:……………………………………

Phạm vi đại diện:…………………………..

1.2. Người đại diện hợp pháp thứ hai:

Họ và tên:……………………………………….

Số định danh cá nhân (đối với thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân)/số chứng minh nhân dân/số hộ chiếu:……………………………….

Ngày cấp:…………………………..

Có giá trị đến:……………………….

Nơi cấp:……………………………….

Phạm vi đại diện:…………………………

1.3. Người đại diện hợp pháp thứ ba:

Họ và tên:..........................................................

Số định danh cá nhân (đối với thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân)/số chứng minh nhân dân/số hộ chiếu:…………………………………………….

Ngày cấp: …………………………………………

Có giá trị đến:…………………………………….

Nơi cấp: ……………………………………………

Phạm vi đại diện:…………………………

2. Kế toán trưởng (hoặc người phụ trách kế toán, người kiểm soát chứng từ giao dịch với Ngân hàng Nhà nước) và người được ủy quyền

2.1. Kế toán trưởng (hoặc người phụ trách kế toán, người kiểm soát chứng từ giao dịch với Ngân hàng Nhà nước):

Họ và tên:………………………….

Số định danh cá nhân (đối với thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân)/số chứng minh nhân dân/số hộ chiếu: ………………………………………….

Ngày cấp:…………………………..

Có giá trị đến: ………………………………..

Nơi cấp:……………………………………….

2.2. Người được ủy quyền thứ nhất:

Họ và tên:………………………………………..

Số định danh cá nhân (đối với thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân)/số chứng minh nhân dân/số hộ chiếu:…………………

Ngày cấp:...........................................................

Có giá trị đến:....................................................

Nơi cấp:.............................................................

Văn bản ủy quyền số...................... ngày............

Thời hạn ủy quyền:............................................

Phạm vi ủy quyền:.............................................

2.3 Người được ủy quyền thứ hai:

Họ và tên:……………………………………

Số định danh cá nhân (đối với thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân)/số chứng minh nhân dân/số hộ chiếu: ……………………..

Ngày cấp:……………………………………….

Có giá trị đến:………………………………………

Nơi cấp:.............................................................

Văn bản ủy quyền số....................... ngày..........

Thời hạn ủy quyền:............................................

Phạm vi ủy quyền:.............................................

2. Mẫu dấu

Mẫu dấu thứ nhất

Mẫu dấu thứ hai

……… ngày…tháng….năm….
NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

PHẦN DÀNH CHO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Sau khi xác định mẫu chữ ký và mẫu dấu của……………………………... là hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước……………………………… chấp thuận với Bản đăng ký mẫu dấu, chữ ký sử dụng tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước ……………………… kèm theo tài khoản thanh toán số: …………… của ………………….

Thời điểm bắt đầu có hiệu lực: ………………………………………………………

TRƯỞNG PHÒNG KẾ TOÁN
(Ký, ghi rõ họ tên)

GIÁM ĐỐC SỞ GIAO DỊCH
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC/
GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
CHI NHÁNH…….
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Mẫu số 02

TÊN TỔ CHỨC ĐÓNG TÀI KHOẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……….

……., ngày ….. tháng ….. năm …….

ĐƠN ĐỀ NGHỊ ĐÓNG TÀI KHOẢN THANH TOÁN TẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Kính gửi: ……………………..

Tên tổ chức đề nghị đóng tài khoản thanh toán (chủ tài khoản): ………………….

……………………………………………………………………………………………………..

- Tên đầy đủ bằng tiếng Việt: ………………………………………………………………….

- Tên đầy đủ bằng tiếng Anh (nếu có): ………………………………………………………..

- Tên dùng để giao dịch: ……………………………………………………………………

Địa chỉ: ………………………………………. Điện thoại:………………………………..

Website: ………………………………….. Email: ………………………………………

Đề nghị đóng tài khoản thanh toán số hiệu: ………………………………………..

mở tại ……………………………………………………………………………………….

Số dư trên tài khoản thanh toán đề nghị xử lý như sau:

……………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………..

Chúng tôi cam kết:

- Chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành về đóng tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước;

- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán với Ngân hàng Nhà nước.


NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

PHẦN DÀNH CHO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Sau khi kiểm tra, xử lý Đơn đề nghị đóng tài khoản thanh toán của …………………….

………………………….…….. và đảm bảo……………………………………đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước ……………………….. đồng ý đóng tài khoản thanh toán số hiệu……………..…………………………. cho……………………………………. từ ngày………………………………………………..

TRƯỞNG PHÒNG KẾ TOÁN
(Ký, ghi rõ họ tên)

GIÁM ĐỐC SỞ GIAO DỊCH
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC/
GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
CHI NHÁNH……..
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Mẫu số 03

DOANH NGHIỆP CUNG ỨNG DỊCH VỤ BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

….., ngày ….. tháng ….. năm ……

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CUNG ỨNG DỊCH VỤ THANH TOÁN KHÔNG QUA TÀI KHOẢN THANH TOÁN CỦA KHÁCH HÀNG

Kính gửi: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Căn cứ Nghị định số .../.../NĐ-CP ngày ... tháng ... năm ... của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

Căn cứ Nghị quyết cuộc họp Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị/Đại hội đồng cổ đông của Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích ngày... tháng... năm... thống nhất về việc đề nghị được cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng;

(Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích) đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận về việc cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng với nội dung cụ thể như sau:

1. Tên Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích:

- Tên đầy đủ bằng tiếng Việt:

- Tên viết tắt bằng tiếng Việt (nếu có):

- Tên đầy đủ bằng tiếng Anh (nếu có):

- Tên viết tắt bằng tiếng Anh (nếu có):

- Tên dùng để giao dịch (nếu có):

2. Giấy phép thành lập/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số…… được cấp bởi... ngày... tháng... năm...

3. Mã số doanh nghiệp/Mã số thuế:

4. Địa điểm đặt trụ sở chính, số điện thoại, số Fax, Email.

5. Tên, nội dung (các) dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng đề nghị cung ứng:

- …

- …

- …

Chúng tôi cam kết đáp ứng và chấp hành nghiêm chỉnh các điều kiện quy định tại Nghị định số …./NĐ-CP ngày... tháng ... năm ... của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản có liên quan. Nếu vi phạm chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hồ sơ đính kèm:

1.

2.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Mẫu số 04

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .../QĐ-NHNN

Hà Nội, ngày … tháng … năm ……

QUYẾT ĐỊNH

Về việc chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số .../.../NĐ-CP ngày... tháng... năm... của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

Xét Đơn đề nghị chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng và Hồ sơ đính kèm của Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh toán.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Chấp thuận cho phép hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng:

1. Tên tổ chức:

- Tên đầy đủ bằng tiếng Việt/tiếng Anh (nếu có):

- Tên viết tắt bằng tiếng Việt và tiếng Anh, tên giao dịch (nếu có):

2. Mã số doanh nghiệp:

3. Địa điểm đặt trụ sở chính:

Điều 2. (Các) dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng được chấp thuận:

Điều 3. (Các) điều khoản khác:

Điều 4. Trong quá trình cung ứng các dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng, Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phải tuân thủ quy định tại Nghị định số ... ngày... tháng... năm... của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có); Thông tư số... ngày... tháng... năm... của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có); các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có thời hạn hoạt động 10 năm kể từ ngày ký.

Nơi nhận:
- Như Điều 1;
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Cục CNTT, Vụ PC (để phối hợp);
- CQTTGSNH (để phối hợp);
- NHNN chi nhánh .... (để phối hợp);
- Lưu: ….

THỐNG ĐỐC

Mẫu số 05

DOANH NGHIỆP CUNG ỨNG DỊCH VỤ BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

……., ngày … tháng … năm ……

ĐƠN ĐỀ NGHỊ THU HỒI VĂN BẢN CHẤP THUẬN HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ THANH TOÁN KHÔNG QUA TÀI KHOẢN THANH TOÁN CỦA KHÁCH HÀNG

Kính gửi: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Căn cứ Nghị định số .../.../NĐ-CP ngày... tháng... năm... của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

Căn cứ Nghị quyết cuộc họp Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị/Đại hội đồng cổ đông của Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích ngày... tháng... năm... thống nhất về việc đề nghị thu hồi văn bản chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại Quyết định số... ngày... tháng... năm... do Ngân hàng Nhà nước cấp;

(Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích) đề nghị thu hồi văn bản chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng kể từ ngày... tháng... năm..., do đó chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét thu hồi Quyết định số... ngày... tháng... năm... về việc chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng với nội dung cụ thể như sau:

1. Tên Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích:

- Tên đầy đủ bằng tiếng Việt:

- Tên viết tắt bằng tiếng Việt (nếu có):

- Tên đầy đủ bằng tiếng Anh (nếu có):

- Tên viết tắt bằng tiếng Anh (nếu có):

- Tên dùng để giao dịch (nếu có):

2. Giấy phép thành lập/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số... được cấp bởi ... ngày... tháng... năm...

3. Mã số doanh nghiệp/Mã số thuế:

4. Địa điểm đặt trụ sở chính, số điện thoại, số Fax, Email:

5. Văn bản chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng Quyết định số... do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp ngày ... tháng... năm...

6. Lý do đề nghị thu hồi: (ghi cụ thể theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định số .../.../NĐ-CP ngày ... tháng ... năm .... của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt).

7. Thời gian chấm dứt cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng:

Chúng tôi cam kết đã hoàn thành việc xử lý nghĩa vụ thuế, các khoản nợ, tài sản, quyền lợi khách hàng và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung Đơn này. Nếu vi phạm, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Hồ sơ đính kèm:

1.

2.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Mẫu số 06

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .../QĐ-NHNN

……., ngày … tháng … năm ……

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thu hồi Văn bản chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số .../.../NĐ-CP ngày... tháng... năm... của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

Căn cứ Thông tư số …./…/TT-NHNN ngày ... tháng... năm... của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

Căn cứ ....................................................................

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh toán.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thu hồi Văn bản chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng số .../QĐ-NHNN ngày... tháng ... năm ... của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp cho Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.

Điều 2. (Các) điều khoản khác

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Nơi nhận:
- Như Điều 1;
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Cục CNTT, Vụ PC (để phối hợp);
- CQTTGSNH (để phối hợp);
- NHNN chi nhánh .... (để phối hợp);
- Lưu: ….

THỐNG ĐỐC

Mẫu số 07

TÊN TỔ CHỨC
ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

……., ngày … tháng … năm ……

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ TRUNG GIAN THANH TOÁN

Kính gửi: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Căn cứ Nghị định số .../.../NĐ-CP ngày... tháng... năm... của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

Căn cứ Thông tư số .../.../TT-NHNN ngày ... tháng... năm... của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

Căn cứ Nghị quyết cuộc họp Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng quản trị/Văn bản của người đại diện có thẩm quyền của chủ sở hữu của ……(1)…… số ..... ngày... tháng... năm... thống nhất về việc đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

……(1)…… đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với nội dung cụ thể như sau:

1. Tên Tổ chức đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán:

- Tên đầy đủ bằng tiếng Việt:

- Tên viết tắt bằng tiếng Việt (nếu có):

- Tên đầy đủ bằng tiếng Anh (nếu có):

- Tên viết tắt bằng tiếng Anh (nếu có):

- Tên dùng để giao dịch (nếu có):

2. Giấy phép thành lập/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số …….. được cấp bởi .............. ngày... tháng... năm...

3. Mã số doanh nghiệp/Mã số thuế:........................................

4. Địa điểm đặt trụ sở chính, số điện thoại, số Fax, Email.

5. Tên (các) dịch vụ trung gian thanh toán đề nghị cấp Giấy phép:

………………

Chúng tôi cam kết đáp ứng và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước; chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép; không sao chép, giả mạo các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép. Nếu vi phạm, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Hồ sơ đính kèm:

1.

2.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Ghi chú: ...(1)... Tên tổ chức đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Mẫu số 08

NỘI DUNG ĐỀ ÁN CUNG ỨNG DỊCH VỤ TRUNG GIAN THANH TOÁN

Trong Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tối thiểu phải có các nội dung sau:

STT

Nội dung

Tiêu chí cụ thể

1

Giới thiệu chung về tổ chức đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

- Tên tổ chức.

- Quá trình hình thành và phát triển.

- Các ngành, nghề kinh doanh.

- Định hướng cung ứng và triển khai cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán sau khi được cấp Giấy phép.

- Các nội dung liên quan khác (nếu có).

2

Quy trình nghiệp vụ kỹ thuật của dịch vụ đề nghị cấp phép

- Tên dịch vụ.

- Phạm vi cung ứng.

- Đối tượng khách hàng.

- Điều kiện sử dụng.

- Sơ đồ và diễn giải các bước thực hiện nghiệp vụ.

- Quy trình dòng tiền từ lúc khởi tạo giao dịch đến lúc quyết toán nghĩa vụ giữa các bên liên quan đối với dịch vụ ví điện tử và dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ.

3

Cơ chế mở, duy trì số dư tài khoản đảm bảo thanh toán, mục đích sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán đối với dịch vụ ví điện tử

- Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán cho việc cung ứng dịch vụ ví điện tử.

- Việc duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử.

- Mục đích sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử theo quy định của pháp luật.

4

Cơ chế đảm bảo khả năng thanh toán đối với dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ

- Xây dựng cơ chế đảm bảo khả năng thanh toán đối với dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ tuân thủ quy định pháp luật.

5

Quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ

- Xây dựng quy định nội bộ về kiểm tra, kiểm soát nội bộ, trong đó có các nội dung bao gồm: Mục đích, yêu cầu; trình tự thực hiện; trách nhiệm của bộ phận liên quan.

6

Quy trình quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn, bảo mật

- Quy định quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn, bảo mật đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN trong hoạt động ngân hàng điện tử.

- Quy định về việc lập, sử dụng, bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng.

- Đánh giá các rủi ro có thể xảy ra và các biện pháp quản lý rủi ro tương ứng trong quá trình cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

- Xây dựng quy trình nội bộ về chính sách, biện pháp xử lý rủi ro cụ thể.

7

Các nguyên tắc chung và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt

- Các nguyên tắc chung về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

- Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt phù hợp với quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

8

Quy trình và thủ tục giải quyết yêu cầu tra soát, khiếu nại, tranh chấp

- Quy định về việc giải quyết hoặc trả lời các khiếu nại, tra soát của khách hàng, trong đó thể hiện rõ: Các kênh tiếp nhận, bộ phận tiếp nhận, các bước hướng dẫn khách hàng khiếu nại, khâu xử lý khiếu nại trong nội bộ tổ chức trung gian thanh toán và khi phải phối hợp với các đơn vị liên quan.

- Quy trình, thủ tục, trách nhiệm cụ thể của từng bên liên quan, thời gian thực hiện từng bước và kết quả trả lại cho khách hàng khiếu nại.

9

Phương án được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, chuyển mạch tài chính quốc tế

- Tổ chức thực hiện quyết toán.

- Phạm vi quyết toán.

- Điều kiện thực hiện quyết toán.

- Đồng tiền quyết toán; tỷ giá áp dụng (nếu có).

- Tài khoản quyết toán.

- Quy trình quyết toán: Thời gian quyết toán, sơ đồ và diễn giải các bước thực hiện quyết toán, giải quyết tranh chấp, phí, các biện pháp nhận diện, phòng ngừa, xử lý rủi ro trong quá trình quyết toán (bao gồm rủi ro quyết toán các nghĩa vụ tài chính khi các bên tham gia mất khả năng thanh toán).

- Quyền và trách nhiệm các thành viên và các bên liên quan.

- Mối liên hệ với các hệ thống thanh toán khác (nếu có).

Mẫu số 09

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

SƠ YẾU LÝ LỊCH (1)

1. Về bản thân

- Họ và tên đầy đủ:

- Ngày, tháng, năm sinh*:

- Quốc tịch/các quốc tịch (nếu có) *:

- Nơi thường trú*:

Ảnh hộ chiếu
(4 x 6cm)

- Nơi ở hiện tại (trường hợp khác với nơi đăng ký thường trú):

- Số định danh cá nhân (đối với thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân) hoặc số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu hoặc số giấy tờ chứng minh cá nhân hợp pháp khác: ………..; Ngày cấp: ..........; Có giá trị đến: ………….; Nơi cấp: ………….

2. Trình độ học vấn

- Giáo dục phổ thông:

- Học hàm, học vị (nêu rõ tên, địa chỉ trường; chuyên ngành học; thời gian học; bằng cấp (liệt kê đầy đủ các bằng cấp):

3. Quá trình công tác:

- Nghề nghiệp, đơn vị, chức vụ công tác từ năm 18 tuổi đến nay (2):

STT

Thời gian (từ tháng/năm đến tháng/năm) (3)

Đơn vị công tác

Chức vụ(4)

Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao

Ghi chú

- Khen thưởng, kỷ luật:

4. Năng lực hành vi dân sự (5)

5. Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã (đối với trường hợp phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp không có thông tin này)

6. Quan hệ nhân thân (cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột)

7. Tôi (họ và tên của người kê khai sơ yếu lý lịch) xin cam kết:

- Đáp ứng điều kiện để giữ chức danh... tại... (tên Tổ chức đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán).

- Không vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

- Các thông tin cá nhân Tôi cung cấp trên đây là đúng sự thật. Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với bất kỳ thông tin nào không đúng với sự thật tại bản khai này.

XÁC NHẬN CỦA CẤP CÓ THẨM QUYỀN
CỦA ĐƠN VỊ CÔNG TÁC

........, ngày........tháng........năm......
NGƯỜI KHAI
(Ký và ghi rõ họ và tên)

Ghi chú:

1. Người khai phải kê khai đầy đủ thông tin theo yêu cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, chính xác, trung thực của hồ sơ, trường hợp không phát sinh thì ghi rõ không có.

2. Người khai phải kê khai đầy đủ công việc, đơn vị công tác, các chức vụ đã và đang nắm giữ.

3. Phải đảm bảo tính liên tục về mặt thời gian.

4. Nêu rõ nếu nhân sự là người quản lý, người điều hành theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

5. Ghi cụ thể: đầy đủ/hạn chế/mất năng lực hành vi dân sự.

Trường hợp NHNN có thể truy cập, khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người khai là công dân Việt Nam thì không bắt buộc phải kê khai các thông tin đánh dấu (*).

(Ngoài những nội dung cơ bản trên, người khai có thể bổ sung các nội dung khác nếu thấy cần thiết)

Mẫu số 10

BIÊN BẢN NGHIỆM THU KỸ THUẬT

(Biên bản nghiệm thu kỹ thuật các dịch vụ trung gian thanh toán đã được cấp Giấy phép với một ngân hàng hợp tác đối với dịch vụ ví điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và dịch vụ cổng thanh toán điện tử tối thiểu phải có các nội dung sau:)

1. Thông tin Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán:

- Tên tổ chức.

- Người đại diện hợp pháp của tổ chức; chức vụ.

- Địa chỉ trụ sở chính.

- Điện thoại liên lạc.

- Các thông tin liên quan khác (nếu có).

2. Thông tin ngân hàng hợp tác:

- Tên ngân hàng.

- Người đại diện hợp pháp của ngân hàng; chức vụ.

- Địa chỉ trụ sở chính.

- Điện thoại liên lạc.

- Các thông tin liên quan khác (nếu có).

3. Các nội dung chính của Biên bản nghiệm thu kỹ thuật

Căn cứ kết quả triển khai nghiệm thu kỹ thuật dịch vụ trung gian thanh toán đã được cấp Giấy phép, hai bên cùng ký kết Biên bản nghiệm thu kỹ thuật (các) dịch vụ trung gian thanh toán với các nội dung sau:

- Tên (các) dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện nghiệm thu kỹ thuật.

- Thời gian thực hiện (sau thời điểm cấp Giấy phép cung ứng (các) dịch vụ trung gian thanh toán).

- Môi trường thực hiện:

- Các nghiệp vụ/chức năng thực hiện nghiệm thu kỹ thuật (nếu có).

- Nội dung thử nghiệm

- Kết quả nghiệm thu kỹ thuật (đối với từng dịch vụ trung gian thanh toán).

- Đánh giá kết quả nghiệm thu kỹ thuật.

- Kịch bản nghiệm thu kỹ thuật (nếu có).

- Các nội dung liên quan khác (nếu có).

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
CỦA NGÂN HÀNG HỢP TÁC
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
CỦA TỔ CHỨC CUNG ỨNG DỊCH VỤ
TRUNG GIAN THANH TOÁN
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Mẫu số 11

TÊN TỔ CHỨC CUNG ỨNG DỊCH VỤ TRUNG GIAN THANH TOÁN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

……., ngày … tháng … năm ……

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP LẠI GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ TRUNG GIAN THANH TOÁN

Kính gửi: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Căn cứ Nghị định số .../.../NĐ-CP ngày... tháng... năm... của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

Căn cứ Thông tư số .../.../TT-NHNN ngày... tháng... năm... của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

...(1)... đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với nội dung cụ thể như sau:

1. Tên Tổ chức đề nghị cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán:

- Tên đầy đủ bằng tiếng Việt:

- Tên viết tắt bằng tiếng Việt (nếu có):

- Tên đầy đủ bằng tiếng Anh (nếu có):

- Tên viết tắt bằng tiếng Anh (nếu có):

- Tên dùng để giao dịch (nếu có):

2. Giấy phép thành lập/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số... được cấp bởi... ngày... tháng... năm...

3. Mã số doanh nghiệp/Mã số thuế:

4. Địa điểm đặt trụ sở chính, số điện thoại, số Fax, Email:

5. Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được cấp số... ngày... tháng... năm...

6. Lý do đề nghị cấp lại Giấy phép (chọn ô tương ứng):

□ Hết thời hạn Giấy phép.

□ Giấy phép bị mất, bị rách, bị cháy hoặc bị hủy dưới hình thức khác.

Trường hợp tổ chức đề nghị cấp lại Giấy phép vì hết thời hạn Giấy phép, Tổ chức cung cấp tài liệu chứng minh việc duy trì các điều kiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được cấp Giấy phép tại thời điểm gửi đơn đề nghị cấp lại Giấy phép đến Ngân hàng Nhà nước.

(Ngoài những nội dung cơ bản trên, Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có thể bổ sung các nội dung khác nếu thấy cần thiết)

Chúng tôi cam kết đáp ứng và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung trong Đơn và Hồ sơ đính kèm (nếu có). Nếu vi phạm, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Hồ sơ đính kèm:

1.

2.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Ghi chú: ...(1)... Tên tổ chức đề nghị cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Mẫu số 12

TÊN TỔ CHỨC CUNG ỨNG DỊCH VỤ TRUNG GIAN THANH TOÁN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

……., ngày … tháng … năm ……

ĐƠN ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ TRUNG GIAN THANH TOÁN

Kính gửi: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Căn cứ Nghị định số .../.../NĐ-CP ngày... tháng... năm... của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

Căn cứ Thông tư số .../.../TT-NHNN ngày... tháng... năm... của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

Căn cứ Nghị quyết cuộc họp Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị/Đại hội đồng cổ đông, văn bản của người đại diện có thẩm quyền của chủ sở hữu của ...(1)... thống nhất về việc thay đổi tên tổ chức/địa điểm đặt trụ sở chính/ngừng cung cấp một hoặc một số dịch vụ trung gian thanh toán đã được cấp phép/kết nối thêm hệ thống thanh toán quốc tế của tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế tại Giấy phép số... ngày... tháng... năm...;

Căn cứ Giấy phép thành lập/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số... ngày... tháng... năm... được cấp lần thứ... bởi...;

Căn cứ lý do khác (nếu có)

...(1)... đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với nội dung cụ thể như sau:

1. Tên Tổ chức đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán:

- Tên đầy đủ bằng tiếng Việt:

- Tên viết tắt bằng tiếng Việt (nếu có):

- Tên đầy đủ bằng tiếng Anh (nếu có):

- Tên viết tắt bằng tiếng Anh (nếu có):

- Tên dùng để giao dịch (nếu có):

2. Mã số doanh nghiệp/Mã số thuế:

3. Địa điểm đặt trụ sở chính, số điện thoại, số Fax, Email:

4. Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán số... ngày... tháng... năm... của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

5. Lý do đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép (chọn ô tương ứng):

□ Thay đổi tên tổ chức

Tên Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán sau khi thay đổi:

- Tên đầy đủ bằng tiếng Việt:

- Tên viết tắt bằng tiếng Việt (nếu có):

- Tên đầy đủ bằng tiếng Anh (nếu có):

- Tên viết tắt bằng tiếng Anh (nếu có):

- Tên dùng để giao dịch (nếu có):

□ Thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính

Địa điểm đặt trụ sở chính thay đổi:

□ Ngừng cung cấp một hoặc một số dịch vụ trung gian thanh toán đã được cấp phép

- Tên (các) dịch vụ trung gian thanh toán ngừng cung ứng:

- Thời gian dự kiến ngừng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán:

□ Kết nối thêm hệ thống thanh toán quốc tế của tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế.

Chúng tôi cam kết chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung Đơn này. Đối với trường hợp ngừng cung cấp một hoặc một số dịch vụ trung gian thanh toán đã được cấp phép, chúng tôi cam kết đã hoàn thành việc xử lý nghĩa vụ thuế, các khoản nợ, tài sản, quyền lợi khách hàng. Nếu vi phạm, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Hồ sơ đính kèm:

1.

2.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Ghi chú: ….(1)…. Tên tổ chức đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Mẫu số 13

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .../GP-NHNN

……., ngày … tháng … năm ……

GIẤY PHÉP

Hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số .../.../NĐ-CP ngày... tháng... năm... của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

Căn cứ Thông tư số …/…/TT-NHNN ngày... tháng... năm... của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

Xét Đơn đề nghị cấp/cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán số... ngày... tháng... năm... và Hồ sơ đính kèm của ...(1)...;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh toán.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho:

1. Tên tổ chức: ...(1)...

- Tên đầy đủ bằng tiếng Việt/tiếng Anh (nếu có):

- Tên viết tắt bằng tiếng Việt và tiếng Anh, tên giao dịch (nếu có):

2. Mã số doanh nghiệp:

3. Địa điểm đặt trụ sở chính:

Điều 2. (Các) dịch vụ trung gian thanh toán được cấp/cấp lại Giấy phép:

Điều 3. (Các) điều khoản khác:

Điều 4. Trong quá trình cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán, ...(1)... phải tuân thủ quy định tại Nghị định số .../.../NĐ-CP ngày ... tháng ... năm ... của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có); Thông tư số .../.../TT-NHNN ngày ... tháng ... năm ... của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có); các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Giấy phép này có thời hạn hoạt động 10 năm kể từ ngày ký (đối với trường hợp cấp Giấy phép quy định tại Điều 24 Nghị định này).

Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Giấy phép số... ngày... tháng... năm... của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho...(1)... (đối với trường hợp cấp lại Giấy phép quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định này).

Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày ký, có thời hạn đến ngày... tháng... năm... và thay thế Giấy phép số... ngày... tháng... năm... của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho...(1)... (đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định này).

Nơi nhận:
- Như Điều 1;
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Cục CNTT, Vụ PC (để phối hợp);
- CQTTGSNH (để phối hợp);
- Sở Giao dịch (để phối hợp);
- NHNN chi nhánh .... (để phối hợp);
- Lưu: ….

THỐNG ĐỐC

Ghi chú: (1) Tên tổ chức đề nghị cấp hoặc cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Mẫu số 14

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .../QĐ-NHNN

……., ngày … tháng … năm ……

QUYẾT ĐỊNH

Về việc chấp thuận sửa đổi, bổ sung nội dung Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của...(1)...

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số .../.../NĐ-CP ngày... tháng... năm... của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

Căn cứ Thông tư số …/…/TT-NHNN ngày ... tháng... năm... của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

Xét Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán số... ngày... tháng... năm... và Hồ sơ đính kèm (nếu có) của...(1)...;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh toán.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 và/hoặc Điều 2 Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho...(1)..., như sau:

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và là một bộ phận không thể tách rời của Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán số... ngày... tháng... năm... của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp cho...(1)...

Điều 3. ...(1)... phải:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ phù hợp với nội dung thay đổi tại Điều 1 Quyết định này.

2. Gửi thông báo bằng văn bản tới các tổ chức và cá nhân liên quan để thanh lý hợp đồng và hoàn tất các nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các bên liên quan theo quy định của pháp luật trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực (trường hợp tổ chức đề nghị ngừng cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán).

Điều 4. (Nội dung...nêu tại) Quyết định số... ngày... tháng... năm... của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung nội dung Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của.. .(1)... hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực (nếu có).

Điều 5. ...

Điều 6. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Người đại diện theo pháp luật của...(1)... chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Cục CNTT, Vụ PC (để phối hợp);
- CQTTGSNH (để phối hợp);
- Sở Giao dịch (để phối hợp);
- NHNN chi nhánh .... (để phối hợp);
- Vụ Truyền thông (để công bố);
- Lưu: ….

THỐNG ĐỐC

Ghi chú: ...(1)... Tên tổ chức đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Mẫu số 15

TÊN TỔ CHỨC CUNG ỨNG DỊCH VỤ TRUNG GIAN THANH TOÁN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

……., ngày … tháng … năm ……

ĐƠN ĐỀ NGHỊ THU HỒI GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ TRUNG GIAN THANH TOÁN

Kính gửi: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Căn cứ Nghị định số .../.../NĐ-CP ngày... tháng... năm... của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

Căn cứ Thông tư số .../.../TT-NHNN ngày... tháng... năm... của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

Căn cứ Nghị quyết cuộc họp Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị/Đại hội đồng cổ đông, văn bản của người đại diện có thẩm quyền của chủ sở hữu của ...(1)... thống nhất về việc ngừng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tại Giấy phép số... ngày... tháng... năm...;

...(1)... đề nghị Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán số .... ngày.... tháng... năm ... với nội dung cụ thể như sau:

1. Tên Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán:

- Tên đầy đủ bằng tiếng Việt:

- Tên viết tắt bằng tiếng Việt (nếu có):

- Tên đầy đủ bằng tiếng Anh (nếu có):

- Tên viết tắt bằng tiếng Anh (nếu có):

- Tên dùng để giao dịch (nếu có):

2. Giấy phép thành lập/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số... được cấp bởi... ngày... tháng... năm...

3. Mã số doanh nghiệp/Mã số thuế:

4. Địa điểm đặt trụ sở chính, số điện thoại, số Fax, Email:

5. Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán số... ngày... tháng... năm... do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp.

6. Lý do đề nghị thu hồi (chọn ô tương ứng):

□ Tổ chức bị giải thể hoặc phá sản.

- Tài liệu đính kèm:

□ Chấm dứt hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

- Tài liệu đính kèm:

- Thời gian dự kiến chấm dứt cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán:

Chúng tôi cam kết đã hoàn thành việc xử lý nghĩa vụ thuế, các khoản nợ, tài sản, quyền lợi khách hàng và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung Đơn này. Nếu vi phạm, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Hồ sơ đính kèm:

1.

2.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Ghi chú: ...(1)... Tên tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Mẫu số 16

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .../QĐ-NHNN

……., ngày … tháng … năm ……

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thu hồi Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của...(1)...

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số .../.../NĐ-CP ngày... tháng... năm... của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

Căn cứ Thông tư số .../.../TT-NHNN ngày... tháng... năm... của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

Xét đề nghị của ...(1)... (trường hợp tổ chức có Đơn đề nghị thu hồi Giấy phép do bị giải thể hoặc phá sản hoặc ngừng cung ứng hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán)/đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trường hợp có bản án, quyết định thi hành án, quyết định xử phạt vi phạm hành chính có nội dung yêu cầu thu hồi Giấy phép);

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh toán.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thu hồi Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán số... ngày... tháng... năm... của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp cho:

1. Tên tổ chức:

- Tên đầy đủ bằng tiếng Việt:

- Tên đầy đủ bằng tiếng Anh:

- Tên viết tắt:

- Tên giao dịch:

2. Mã số doanh nghiệp:

3. Địa điểm đặt trụ sở chính:

4. Lý do thu hồi:

Điều 2. Ngay khi nhận được Quyết định này, ...(1)... phải lập tức ngừng cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, …(1)… phải gửi thông báo bằng văn bản tới các tổ chức và cá nhân liên quan để thanh lý hợp đồng và hoàn tất các nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các bên.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Người đại diện theo pháp luật của...(1)... chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Cục CNTT, Vụ PC (để phối hợp);
- CQTTGSNH (để phối hợp);
- Sở Giao dịch (để phối hợp);
- NHNN chi nhánh .... (để phối hợp);
- Vụ Truyền thông (để công bố);
- Lưu: ….

THỐNG ĐỐC

Ghi chú: (1) Tên Tổ chức bị thu hồi Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

GOVERNMENT OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

No. 52/2024/ND-CP

Hanoi, May 15, 2024

 

DECREE

CASHLESS PAYMENTS

Pursuant to the Law on Organization of the Government of Vietnam dated June 19, 2015; the Law on Amendments to the Law on Organization of the Government of Vietnam and the Law on Organization of the Local Government dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on the State Bank of Vietnam dated June 16, 2010;

Pursuant to the Law on Credit Institutions dated January 18, 2024;

Pursuant to the Law on Investment dated June 17, 2020;

Pursuant to the Law on State Budget dated June 25, 2015;

Pursuant to the Law on Cybersecurity dated June 12, 2018;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Pursuant to the Law on Anti-Terrorism dated June 12, 2013;

Pursuant to the Law on Post dated June 17, 2010;

At the request of the Governor of the State Bank of Vietnam;

The Government of Vietnam hereby promulgates a Decree on Cashless Payments.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Decree provides for cashless payments, including the opening and use of payment accounts; cashless payment services; payment intermediary services; organization, management, and supervision of payment systems.

Article 2. Regulated entities

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Payment intermediary service providers.

3. Organizations and individuals relevant to the provision of cashless payment services and payment intermediary services.

4. Organizations and individuals using cashless payment services and payment intermediary services (hereinafter referred to as “clients”).

Article 3. Interpretation of terms

For the purpose of this Decree, the following terms shall be construed as follows:

1. “Cashless payment services” (hereinafter referred to as “payment services”) include payment services through clients’ payment accounts and payment services not through clients’ payment accounts. 

2. Payment services through clients’ payment accounts refer to the provision of payment instruments; implementation of payment services concerning cheques, payment orders, payment authorizations, collection orders, collection authorizations, bank cards, money transfers, collection and payment services, and other payment services for clients through their payment accounts.

3. Payment services not through clients’ payment accounts refer to the provision of payment services and implementation of transactions that are not through clients’ payment accounts. 

4. Cashless payment service providers (hereinafter referred to as “payment service providers”) refer to organizations providing one or several payment services according to this Decree, including the State Bank of Vietnam (hereinafter referred to as “SBV”), banks, foreign bank branches, people’s credit funds, microfinance organizations, and public postal service providers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Public postal service providers refer to enterprises designated under the Law on Post.

7. Cashless payment transactions (hereinafter referred to as “payment transactions”) refer to the use of payment services for payment or transfer of money of organizations and individuals.

8. International payment refers to payment transactions implemented for an organization or individual with a payment account or payment instrument issued outside of Vietnam’s territory. 

9. Payment account owners refer to individuals and organizations opening their payment accounts.

10. Cashless payment instruments (hereinafter referred to as “payment instruments”) refer to instruments issued by payment service providers, financial companies licensed to issue credit cards, and e-wallet payment intermediary service providers and used by clients to implement transactions concerning cheques, payment orders, payment authorizations, collection orders, collection authorizations, bank cards (including debit cards, credit cards, and prepaid cards), e-wallets, and other payment instruments according to the regulations of SBV.

11. Illegal payment instruments refer to payment instruments not prescribed in Clause 10 of this Article.

12. Electronic money refers to the value of Vietnam Dong stored in electronic means provided based on the amount prepaid by clients to banks, foreign bank branches, and e-wallet payment intermediary service providers.

13. Financial switch services refer to services providing technical infrastructures for the connection, transmission, and handling of electronic data of domestic transactions among payment service providers, financial companies licensed to issue credit cards, and payment intermediary service providers.

14. International financial switch services refer to the connection with international payment systems to transmit and handle e-data of international payment transactions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



16. E-wallet services refer to services provided by banks, foreign bank branches, and payment intermediary service providers for clients to deposit in or withdraw money from e-wallets and implement payment transactions.

17. Collection and payment services refer to the receipt and handling of e-data, calculation and cancelation of collection and payment services for clients with payment accounts or bank cards, and implementation of payments to concerned parties. 

18. E-payment portal services refer to services providing technical infrastructures for connection, transmission, and handling of e-data of payment transactions implemented by payment instruments between clients, payment acceptance units and banks, foreign bank branches, financial companies licensed to issue credit cards, and payment intermediary service providers.

19. Payment systems refer to systems that include regulations, means, procedures, and technical infrastructures for handling, switching, clearing, and settling payment transactions. 

20. International payment systems refer to payment systems established abroad that permit the implementation of international payment transactions.

21. Important payment systems refer to payment systems that have a leading role in serving the payment demands of entities in the economy with systematic risks and meet at least one of the following criteria:

a) Being an only payment system or accounting for a large portion compared to the total payment value of other payment systems of the same type; or 

b) Being a system that handles high-value payment transactions; or 

c) Being a system used to carry out the settlement for other payment systems or transactions on the financial market.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



23. General payment account refers to a payment account opened by two or more entities.

Article 4. State management responsibilities of SBV regarding cashless payment

1. Promulgate or request competent authorities to promulgate legislative documents on cashless payment; stipulate the management, connection, and sharing of data for cashless payment.

2. Organize, manage, operate, and supervise the national payment system; participate in organizing and supervising the operations of other important payment systems in the economy; supervise the provision of payment services and payment intermediary services.

3. Approve the participation in international payment systems of commercial banks and foreign bank branches in writing.

4. Issue, revise, and revoke licenses to provide payment intermediary services.

5. Approve and revoke documents on the provision of payment service not through clients’ payment accounts of public postal service providers.

6. Inspect and handle violations of the law on cashless payment of organizations and individuals within its jurisdiction.

7. Manage international cooperation in payment; take charge and cooperate with competent authorities in managing international payment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Foreign currency payment and international payment shall comply with this Decree, foreign exchange management, users' data protection, cybersecurity, and tax administration laws, anti-money laundering, terrorism financing, and financing of proliferation of weapons of mass destruction laws, and international treaties and agreements that Vietnam is a signatory. The application of commercial practices shall comply with Article 3 of the Law on Credit Institutions.

2. Commercial banks and foreign bank branches may participate in international payment systems when they meet the requirements prescribed in Article 21 of this Decree.

3. The provision of payment services and payment intermediary services for clients not residing in Vietnam and foreigners residing in Vietnam to implement payment transactions of goods and services in Vietnam of foreign service providers shall be carried out through commercial banks or foreign bank branches approved by SBV to participate in international payment systems of such foreign service providers.

4. Financial switch service providers may connect to international payment systems to carry out international financial switch services when they meet the requirements prescribed in Article 22 of this Decree.

5. Payment intermediary service providers (excluding financial switch service providers) may provide their services for clients for the implementation of payment transactions of foreign goods and services; the payment and settlement of such international transactions shall be carried out through commercial banks or foreign bank branches approved by SBV to engage in foreign exchange on international markets. 

6. Parties involved in international payment shall adequately, accurately, and promptly provide information and meet the requirements of state management authorities according to Vietnamese law.

Article 6. E-wallets and prepaid cards

1. E-wallets and prepaid cards are means of e-money storage.

2. Banks and foreign bank branches may issue and provide e-wallets and prepaid cards. The provision, issuance, and use of e-wallets and prepaid cards shall comply with the regulations of SBV.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 7. Organization, management, and operation of the national payment system

1. SBV shall organize, manage, and operate the national payment system to provide payment services for members of the system, which are SBV, credit institutions, foreign bank branches, and State Treasury Authorities; carry out the settlement of clearing results for other payment systems.

2. SBV shall stipulate the management, operation, and assurance of operational safety of the national payment system.

Article 8. Prohibited acts

1. Altering and erasing payment instruments and payment documents contrary to the law; forging payment instruments and payment documents; storing, selling, transferring, and using counterfeit payment instruments.

2. Infiltrating or attempting to infiltrate, steal data, sabotage, or make illegal changes to software programs or databases used in payment; taking advantage of computer network errors for profiteering purposes.

3. Providing untruthful information related to the provision or use of payment services and payment intermediary services.

4. Disclosing or providing information on the balances of payment accounts, bank cards, or e-wallets and payment transactions of clients at payment service providers or payment intermediary service providers contrary to relevant laws.

5. Opening or maintaining anonymous or impersonating payment accounts or e-wallets; purchasing, selling, hiring, leasing, borrowing, and lending payment accounts or e-wallets; hiring, leasing, purchasing, and selling bank cards or opening bank cards on behalf of others (excluding cases of anonymous prepaid cards); stealing or colluding with others to steal, purchase, or sell information on payment accounts, bank cards, or e-wallets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. Providing payment intermediary services without licenses to provide payment intermediary services issued by SBV. Providing payment services without being payment service providers.

8. Performing, organizing, or enabling the following acts: using or taking advantage of payment accounts, payment instruments, payment services, or payment intermediary services to commit gambling, organize gambling, rig, deceive, and commit illegal trading and other illegal acts.

9. Erasing and altering contents of licenses to provide payment intermediary services and purchasing, selling, transferring, leasing, lending, and forging such licenses.

10. Authorizing or assigning other organizations or individuals to carry out licensed operations of agents according to licenses to provide payment intermediary services.

11. Falsifying or forging documents proving eligibility for the issuance of licenses to provide payment intermediary services in applications for licenses.

12. Operating contrary to contents prescribed in licenses to provide payment intermediary services.

13. An owner of a payment account at a specific payment service provider that provides information for or commits to not having a payment account at another provider of payment services for parties with relevant rights and obligations according to the law on the disbursement of loans of credit institutions and foreign bank branches.

Chapter II

OPENING AND USE OF PAYMENT ACCOUNTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 9. Opening and use of payment accounts

The opening and use of payment accounts of clients at payment service providers shall comply with the regulations of SBV and relevant laws.

Article 10. Use and authorized use of payment accounts

1. Owners of payment accounts may use their payment accounts to deposit or withdraw cash and request payment service providers to implement valid payment transactions. Owners of payment accounts may request payment service providers to provide information on transactions and the balances of their accounts under agreements with payment service providers where they open such accounts.

2. Owners of payment accounts may authorize the use of their accounts. The authorization shall be made in writing and conformable with the law on authorization.

3. Owners of payment accounts shall adequately and truthfully provide information and comply with regulations on the opening, use, and authorization in the use of payment accounts of payment service providers and ensure the sufficient amount (available balance) on their payment accounts for the implementation of payment orders, excluding cases where there are agreements on overdraft loans with payment service providers.

4. Payment service providers shall adequately and promptly carry out valid payment orders of owners of payment accounts.

5. Payment service providers may refuse to carry out the payment orders of owners of payment accounts in cases where such orders are invalid, or there are legal grounds to determine that the owners have committed prohibited acts prescribed in Article 8 of this Decree or the payment accounts do not have the sufficient amount, excluding cases where there are other agreements. In case of refusing to carry out payment orders of owners of payment accounts, payment service providers shall notify the owners of the reasons.

Article 11. Payment account freeze

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) When there are prior agreements between owners of payment accounts and payment service providers or requests from owners of payment accounts;

b) When there are decisions or written requests from competent authorities as prescribed by the law;

c) When payment service providers detect mistakes or errors when writing “Yes” into payment accounts of clients or carry out refund orders of money transfer service providers due to mistakes and errors compared to payment orders of transferring parties after writing “Yes” into payment accounts of clients. The frozen amount on a payment account shall not exceed the mistaken or erroneous amount;

d) When there are requests for the freeze from one of the owners of a general payment account, excluding cases where there are prior written agreements between the payment service provider and the owners of such a general payment account.

2. The termination of payment account freeze shall be carried out when:

a) There are written agreements between owners of payment accounts and payment service providers or requests from owners of payment accounts;

b) There are decisions to terminate the freeze of competent authorities as prescribed by the law;

c) The mistakes and errors in money transfer payment are processed according to Point c Clause 1 of this Article;

d) There are requests for the termination of the freeze from all of the owners of a general payment account or prior written agreements between the payment service provider and owners of such a general payment account.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 12. Payment account closing

1. Payment account closing shall be carried out when:

a) Owners of payment accounts submit requests and have adequately fulfilled obligations concerning payment accounts;

b) Owners of payments accounts have died or are announced to be dead;

c) Organizations with payment accounts terminate their operations as prescribed by the law;

d) Owners of payment accounts commit prohibited acts concerning payment accounts prescribed in Clause 5 and Clause 8 Article 8 of this Decree.

dd) There are prior written agreements between owners of payment accounts and payment service providers;

e) Other cases as prescribed by the law.

2. Handling of balances when closing payment accounts:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Provide expenditures according to decisions of competent authorities as prescribed by the law;

c) Carry out the handling according to the law for cases where the legal heirs of the balances of payment accounts do not come to receive them after being notified.

Section 2. OPENING AND USE OF PAYMENT ACCOUNTS OF SBV

Article 13. Opening and use of payment accounts of SBV

1. SBV shall open payment accounts for State Treasury Authorities, credit institutions, and foreign bank branches according to the Law on State Bank of Vietnam and the Law on Credit Institutions.

2. SBV shall open payment accounts for central banks of other countries, foreign banks, international monetary organizations, and international banks according to international treaties and agreements that Vietnam is a signatory. Regarding cases where Vietnam is not a signatory, the opening of payment accounts shall be carried out under the decisions of the Prime Minister of Vietnam.

3. SBV shall open payment accounts and implement transactions on payment accounts at foreign banks, international monetary organizations, and international banks. SBV shall open payment accounts at central banks of other countries and open payment accounts and implement payment transactions abroad according to international treaties and agreements that Vietnam is a signatory. 

Article 14. Applications and procedures for opening and closing payment accounts at SBV of credit institutions, foreign bank branches, and State Treasury Authorities

1. Principles of formulating and submitting applications:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Copies of documents in applications for opening or closing payment accounts shall be authenticated or issued based on the original copies or enclosed with the original copies for comparison according to the law; in cases where applications are submitted online, comply with regulations on electronic administrative procedures;

c) Applications shall be submitted by post (postal services) or submitted in person to the Single-Window Department of SBV where the applicants are applying for the opening of payment accounts or online on the Public Service Portal of SBV or the National Public Service Portal;

d) Applicants for the opening or closing of payment accounts shall take legal liability for the accuracy and truthfulness of provided information.

2. An application for opening a payment account at SBV includes:

a) Written request for the opening of a payment account enclosed with the registration of forms of seals and signatures following Form No. 01 enclosed herewith signed and stamped by the legal representative or authorized representative of the organization opening the payment account;

b) Documents proving that the organization opening the payment account is established and operated legally, including the establishment decision, operational license, certificate of enterprise registration, and certificate of cooperative registration or equivalents;

c) Documents proving the representation status of the legal representative or authorized representative of the organization opening the payment account and the valid identity card, citizen card, e-identity card, or passport of such a representative;

d) Appointment documents or decisions and valid identity cards, citizen cards, e-identity cards, or passports of the head accountant or the person in charge of accounting and the person controlling transaction documents with SBV of the organization opening the payment account. 

3. Procedure for opening payment accounts:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) When receiving the application, SBV shall inspect the components of the application and compare them with the elements declared in the written request to ensure identicalness and accuracy.

In case the application is inadequate or invalid or has differences between elements declared in the written request and relevant documents in the application, SBV shall provide a notification for the applicant for it to complete the application within 1 working day after receiving the application.

Within 5 working days after receiving the written request for revision and completion of the application from SBV, if the applicant fails to revise or complete the application, SBV shall refuse to open the payment account in writing and return the application to the applicant;

c) Within 2 working days after receiving the adequate and valid application from the applicant, SBV shall open the payment account for the applicant. If SBV refuses to open the payment account, it shall notify the applicant of the reason in writing.

4. Procedure for closing payment accounts:

a) Credit institutions, foreign bank branches, and State Treasury Authorities wishing to close their payment accounts at SBV shall submit applications for closing payment accounts and request the handling of their balances (if any) following Form No. 02 enclosed herewith signed and stamped by their legal representatives to SBV where the accounts are opened;

b) When receiving applications for closing payment accounts, SBV shall inspect and compare the information provided by the application with the information of the payment accounts and handle the balances according to requests of account owners (if any). After handling the remaining balances on payment accounts, SBV shall close such payment accounts;

c) Within 2 working days after receiving the applications, SBV shall close the payment accounts.

d) In case of closing payment accounts under Points c, d, and dd Clause 1 Article 12 of this Decree, the handling of the remaining balances on payment accounts (if any) after fulfilling obligations with concerned parties shall be carried out under written requests of account owners before there are decisions to revoke establishment and operation licenses according to decisions of competent authorities or relevant laws. After closing payment accounts, SBV shall provide written notifications for the applicants within 5 working days.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 15. Opening and use of payment accounts between credit institutions and foreign bank branches

1. The opening of payment accounts between credit institutions and foreign bank branches shall comply with the Law on Credit Institutions. Payment accounts opened between credit institutions and foreign bank branches shall only be used for payment purposes and shall not be used for the provision of loans, overdraft loans, or other purposes. 

2. Credit institutions and foreign bank branches licensed to engage in foreign exchange may open foreign currency payment accounts at other licensed credit institutions. The opening and use of foreign currency payment accounts shall comply with the law on foreign exchange.

Article 16. Opening of payment accounts for clients that are not credit institutions

1. Banks and foreign bank branches shall provide guidelines on the opening of payment accounts for clients in conformity with the regulations of SBV and relevant laws.

2. Owners of general payment accounts shall be organizations and/or individuals. Purposes of general payment accounts, rights and obligations of owners of general payment accounts, and regulations concerning the use of general payment accounts shall be specified in writing and conformable with the law on the opening and use of payment accounts.

Chapter III

CASHLESS PAYMENT SERVICES

Section 1. PAYMENT SERVICES THROUGH PAYMENT ACCOUNTS OF CLIENTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Payment services through payment accounts of clients include:

a) Provision of payment instruments;

b) Implementation of payment services concerning cheques, payment orders, payment authorizations, collection orders, collection authorizations, bank cards, money transfers, and collection and payment services;

c) Other payment services implemented under the regulations of SBV.

2. Providers of payment services through payment accounts of clients:

a) SBV provides payment services for clients opening payment accounts at SBV;

b) Commercial banks, foreign bank branches, and policy banks provide all payment services prescribed in Clause 1 of this Article;

c) Cooperative banks may provide specific payment services prescribed in Clause 1 of this Article as specified in their establishment and operation licenses issued by SBV.

3. The provision of payment services through payment accounts of clients shall comply with the regulations of SBV.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 18. Payment services not through payment accounts of clients

1. Payment services not through payment accounts of clients include:

a) Implementation of money transfer, collection, and payment services;

b) Other payment services not through payment accounts implemented under the regulations of SBV.

2. Providers of payment services not through payment accounts of clients:

a) Commercial banks, foreign bank branches, and policy banks;

b) Cooperative banks may provide specific payment services not through payment accounts of clients as specified in their establishment and operation licenses issued by SBV.

c) People’s credit funds may provide specific money transfer, collection, and payment services for their members and clients as specified in their establishment and operation licenses issued by SBV;

c) Microfinance organizations may provide specific money transfer, collection, and payment services for their members and clients as specified in their establishment and operation licenses issued by SBV;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The provision of payment services not through payment accounts of clients shall comply with the regulations of SBV.

Article 19. Requirements for the provision of payment services not through payment accounts of clients of public postal service providers

Public postal service providers may provide payment services not through payment accounts of clients when they adequately meet and ensure the maintenance of the following requirements during the provision of payment services not through payment accounts of clients:

1. Having information systems serving the provision of payment services not through payment accounts of clients that meet the requirements for safety assurance of information systems grade 3 as prescribed by the law.

2. Personnel requirements: legal representatives, Directors-General (Director), and persons in charge of the provision of payment services not through payment accounts of public postal service providers shall have at least a bachelor’s degree concerning one of the following majors: economy, business administration, law, and information technology.

Core officials carrying out the provision of payment services not through payment accounts of clients (including Heads of divisions (departments) or equivalents and technical officials) shall have at least a college diploma concerning one of the following majors: economy, business administration, law, information technology, or specific professional fields.

3. Having technical and professional procedures for each type of service; having measures to ensure solvency and maintain the balances of their payment accounts at banks and an amount of cash larger than the amount paid to clients at the time of payment; procedures for intramural inspection and control; risk management regulations; general principles and intramural regulations on anti-money laundering, terrorism financing, and financing of proliferation of weapons of mass destruction; procedures for handling review requests, complaints, and disputes; regulations on rights and responsibilities of concerned parties. 

4. Having schemes to collect and transfer cash to ensure its transfer to payment accounts at the end of the day and ensure the safety and security of the cash transfer; equipment ensuring the delivery and management of cash, regulations on limits for money transfer, money receipt, and fund balances at service provision locations; assurance of fire safety as prescribed by the law.

Article 20. Applications and procedures for written approval and revocation of documents on the provision of payment services not through payment accounts of clients of public postal service providers

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Written request for the provision of payment services not through payment accounts of clients following Form No. 03 enclosed herewith;

b) Resolution of the Board of Members and/or documents of competent representatives of owners in conformity with the Company Charter regarding the approval of the presentation of requirements for the provision of payment services not through payment accounts of clients;

c) Presentation of requirements for the provision of payment services not through payment accounts of clients according to Article 19 of this Decree;

d) Personnel documents: certified copies, copies from the original copies, or copies enclosed with the original copies of personal profiles for comparison with documents proving the professional qualifications and capacities of legal representatives, Director-General (Director), and persons in charge and core officials providing the mentioned services; 

dd) Establishment license, enterprise registration certificate, or equivalents issued by a competent authority and Company Charter (certified copies, copies from the original copies, or copies enclosed with the original copies for comparison).

2. Approval procedure:

a) The public postal service provider shall submit 3 applications for the provision of payment services not through payment accounts of clients according to Clause 1 of this Article by post (postal services) or in-person to the Single-Window Department of SBV or online on the Public Service Portal of SBV or the National Public Service Portal (the online submission of applications shall comply with regulations on electronic administrative procedures). The public postal service provider shall assume legal liability for the accuracy and truthfulness of provided information.

SBV shall appraise the application according to the requirements prescribed in Article 19 of this Decree;

b) Within 5 working days after receiving the application, SBV shall confirm the adequate and valid or vice versa with the applicant in writing as per regulation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Within 60 working days after receiving the adequate and valid components of the application, SBV shall appraise the application. After 60 days from the date of the written request for revision or completion of the application of SBV, if the applicant fails to revise the application or the application is still ineligible after 2 revision attempts, SBV shall issue a written refusal of the approval and return the application to the applicant.

Within 60 working days after receiving the revised and completed application from the applicant, SBV shall appraise the application and issue a written approval as per regulation. In case of refusal, SBV shall answer and explain in writing.

3. The effective period of a written approval is 10 years from the date SBV signs it. In case of extending the effective period of a written approval for the provision of payment services not through payment accounts of clients, within 60 days before the written approval expires, the requesting provider shall submit 3 applications for approval extension, including a written request following Form No. 03 enclosed herewith; reports on the implementation of operations according to the written approval from the date of approval to the date of submission of applications and copies of the effective written approval to SBV.

Within 30 working days after receiving applications for the extension, SBV shall assess and extend the effective period of the written approval or refuse to extend it and provide explanations in writing.

The extended period shall be 10 years from the date SBV extends the effective period of the written approval.

4. Written approval for the provision of payment services not through payment accounts of clients shall be revoked in the following cases:

a) The provider with the written approval for the provision of payment services not through payment accounts of clients issued by SBV is dissolved or bankrupt according to the law;

b) The provider with the written approval for the provision of payment services not through payment accounts of clients issued by SBV applies for the revocation of the written approval due to the termination of the provision of payment services not through payment accounts of clients following Form No. 05 enclosed herewith;

c) There is a judgment, judgment enforcement decision, or administrative sanction decision of a competent state authority or a criminal judgment execution management authority, which contains a request for the revocation of the written approval of the public postal service provider or a written request of a competent state authority or a criminal judgment execution management authority for the revocation of the written approval of the public postal service provider;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) The provider fails to remedy its violations after 3 months from the date SBV sends it a written notification of violations of one of the requirements prescribed in Article 19 requiring remedial measures.

e) The provider operates contrary to the written approval of SBV for the provision of payment services not through payment accounts of clients;

g) The provider is detected to have failed to provide payment services not through payment accounts of clients for 6 consecutive months during an inspection or supervision of the provision of such services.

5. The procedure for considering the revocation or revoking written approval for the provision of payment services not through payment accounts of clients of public postal service providers: 

a) If the provider is dissolved or bankrupt according to Point a Clause 14 of this Article, it shall notify SBV of such an event within 7 working days after the date of approval for the enterprise dissolution decision according to the Law on Enterprises or the date of receipt of the bankruptcy declaration decision from a People's Court according to the law on bankruptcy. 10 working days after receiving the written notification from the provider, SBV shall issue a decision to revoke the written approval.

10 working days after receiving the application prescribed in Point b Clause 4 of this Article, SBV shall issue a decision to revoke the written approval.

10 working days after the occurrence of one of the cases prescribed in Points c, d, and dd Clause 4 of this Article, SBV shall issue a decision to revoke the written approval;

b) When the provider has signs of being subject to one of the cases prescribed in Points e and g Clause 4 of this Article, SBV shall notify the provider and request it to provide explanations.

15 working days after receiving the written notification from SBV, if the provider does not have any explanation document or the explanations are unreasonable, SBV shall consider issuing a decision to revoke the written approval.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Within 30 days after the issuance of the decision on the revocation of the written approval of SBV, the provider shall notify relevant organizations and individuals of such an event in writing to liquidate contracts and fulfill all obligations and responsibilities between parties as prescribed by the law.

When the provider has fulfilled every obligation and responsibility between parties according to the law, it may request for the provision of payment services not through payment accounts of clients according to Article 19 of this Decree after 3 years from the date its written approval is revoked as prescribed in Clause 4 of this Article (excluding Point a Clause 4). Applications and procedures shall comply with Clauses 1 and 2 of this Article.

Section 3. PARTICIPATION IN INTERNATIONAL PAYMENT SYSTEMS

Article 21. Requirements for participation in international payment systems of commercial banks and foreign bank branches

1. Being licensed to engage in basic foreign exchange operations in domestic and international markets.

2. Having policies on and procedures for risk management concerning money laundering, terrorism financing, and financing of proliferation of weapons of mass destruction laws that meet the requirements prescribed in anti-money laundering, terrorism financing, and financing of proliferation of weapons of mass destruction laws when participating in international payment systems.

3. Having information systems that meet the requirements for management, administration, safety, and confidentiality according to Vietnamese law; intramural regulations on standards of the selection of connections to international payment systems.

4. Organizations operating international payment systems are legally established and operated abroad.

Chapter IV

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 22. Payment intermediary services and service provision requirements

1. Payment intermediary services include financial switch services, international financial switch services, electronic clearing services, e-wallet services, collection and payment services, and electronic payment portal services. The provision of payment intermediary services shall comply with the regulations of SBV.

2. Payment intermediary service provision requirements:

A non-bank organization or foreign bank branch shall be licensed to provide payment intermediary services by SBV when it meets and maintains the following requirements during the provision of payment intermediary services:

a) Having an establishment license or certificate of enterprise registration issued by a competent state authority; not being subject to any full division, partial division, consolidation, merger, conversion, dissolution, or bankruptcy according to the issued decision while applying for the license to provide payment intermediary services; in case of providing financial switch services and/or electronic clearing services, the organization shall ensure that it only engages in the provision of payment intermediary services; 

b) Having an actual or allocated capital charter of at least 50 billion VND for e-wallet services, collection and payment services, and electronic payment portal services; 300 billion VND for financial switch services, international financial switch services, and electronic clearing services; assuming responsibility for the legality of contributed or allocated capital sources;

c) Having schemes to provide payment intermediary services approved by competent authorities according to the Charter of the approving organization following Form No. 08 enclosed herewith;

d) Personnel requirements: legal representatives and the Director-General (Director) of the organization shall have at least a bachelor’s degree concerning economy, business administration, law, or information technology and at least 5 years of experience as managers and operators of the organization in fields of finance and banking and shall not be the banned entities as prescribed by the law; there must always be at least one legal representative residing in Vietnam (if there is only one legal representative residing in Vietnam, this person shall authorize another individual residing in Vietnam to carry out the rights and obligations of a legal representative when exiting Vietnam. In this case, the legal representative shall still take responsibility for the authorized implementation of rights and obligations).

Deputy Directors-General (Deputy Directors) and core officials carrying out the schemes for the provision of payment intermediary services (including Heads of divisions (departments) or equivalents and technical officials) shall have at least a college diploma concerning economy, business administration, law, information technology, or specific professional fields.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Regarding e-wallet services and collection and payment services for clients with payment accounts at many banks and/or foreign bank branches, the service provider shall have a provider of financial switch services and electronic clearing services licensed by SBV carry out the financial transaction switch and handle the clearing of arising obligations during its provision of payment intermediary services;

g) Regarding financial switch services and electronic clearing services, aside from the requirements prescribed in Points a, b, c, d, and dd Clause 2 of this Article, the service provider shall have another organization carry out the settlement of clearing result between concerned parties; have connection agreements with at least 50 banks and foreign bank branches with a total charter capital in the year before the year of applying for licenses account for at least 65% of the total charter capital of banks and foreign bank branches in the system of credit institutions and connection agreements with at least 20 providers of payment intermediary services; have information infrastructures meeting at least the requirement for safety assurance of information systems grade 4 according to the law, ensuring the capacity for integrating and connecting with technical systems of participating organizations with connection agreements; have a server system the complies with the law and has the capacity for processing at least 10 million payment transactions per day; 

Participating organizations shall connect to no more than 2 providers of financial switch services and electronic clearing services; 

h) Regarding international financial switch services, the service provider shall have an effective license to provide payment intermediary services of the financial switch; have another organization carry out the settlement of clearing results between concerned parties; have intramural regulations on standards of the selection of connections to international payment systems to carry out the financial switch of international payment transactions; have intramural regulations on professional and technical procedures for international financial switch services requested for licenses. Organizations operating international payment systems connected to providers of international financial switch services shall be legally established and operated abroad. 

3. Within 6 months from the date SBV issues the license to provide payment intermediary services, the licensed organization shall provide payment intermediary services for the market and may only do so after implementing technical systems meeting Point dd Clause 2 of this Article or Points g and h Clause 2 of this Article regarding financial switch services, electronic clearing services, and international financial switch services.

Article 23. Principles of formulating and submitting applications for issuance, re-issuance, supplement, and revocation of licenses to provide payment intermediary services 

1. Applications shall be made in Vietnamese. Regarding documents issued by foreign competent authorities or organizations, they shall be authenticated or certified for consular legalization according to Vietnamese law (excluding cases eligible for exemption from consular legalization according to the law on consular legalization) and translated into Vietnamese.

2. Copies of applications and documents shall be certified copies or copies from the original copies or copies enclosed with the original copies for comparison according to the law. In case of online submission, comply with regulations on electronic administrative procedures.

3. Personal profiles shall have the signatures they bear authenticated as prescribed by the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Applicants for the issuance, re-issuance, revision, supplement, and revocation of licenses shall assume legal liability for the accuracy and truthfulness of provided information.

Article 24. Issuance of licenses to provide payment intermediary services

1. SBV shall issue licenses to provide payment intermediary services according to Clause 1 Article 22 of this Decree to applicants for such licenses. 

2. An application for a license to provide payment intermediary services includes:

a) Written request for issuance of the license following Form No. 07 enclosed herewith;

b) Resolutions of the Board of Members, Board of Directors, and General Meeting of Shareholders, documents of the competent representative of the owner conforming with the competence prescribed in the Company Charter regarding the approval for the provision of payment intermediary services, and the presentation of technical measures; 

c) Schemes to provide payment intermediary services following Form No. 08 enclosed herewith;

d) Presentation of technical measures;

dd) Personnel documents: personal profiles following Form No. 09 enclosed herewith, copies of documents proving the professional qualifications and capacities of legal representatives, the Director-General (Director), Deputy Directors-General (Deputy Directors), and core officials implementing schemes to provide payment intermediary services; judicial records or equivalents of legal representatives and the Director-General (Director) according to the law (within 6 months before the submission of the application for the license); documents of competent representatives of the unit where the legal representatives and the Director-General (Director) have worked or are currently working confirming the positions and period of holding positions or copies of documents proving the positions and the period of holding positions at the unit of the legal representatives and the Director-General (Director);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Commitment documents and proof documents of the owner, founding members, and founding shareholders of the organization regarding the assurance of the maintenance of the actual value of the charter capital;

h) Regarding financial switch services and electronic clearing services: schemes for an organization to carry out the settlement of clearing results between concerned parties according to Form No. 08 enclosed herewith; written agreements on the connections with participating organizations, which contain commitments to connect to no more than 2 providers of financial switch services and electronic clearing services; documents proving that the information infrastructures and the server system comply with Point g Clause 2 Article 22 of this Decree;

i) Regarding international financial switch services: intramural regulations on standards of the selection of international payment systems to be connected to for the implementation of financial switch of international payment transactions; intramural regulations on professional procedures for risk management measures regarding international financial switch services requested for licenses; copies of documents proving that organizations operating international payment systems are legally established and operated abroad issued by competent authorities of countries and territories where such organizations are established or headquartered; schemes for an organization to carry out the settlement of clearing results between concerned parties according to Form No. 08 enclosed herewith.

3. Licensing procedure

Where the application is submitted by post (postal services) or in-person to the Single-Window Department of SBV, the applicant shall submit 2 applications and 6 CDs (or 6 USBs) storing the scanned application for the license according to Clause 2 of this Article. SBV shall, based on the application, cooperate with relevant ministries and agencies in appraising the application under Clause 2 Article 22 of this Decree.

a) Within 5 working days from the date of receipt of the application, SBV shall issue a written document confirming the adequate and valid application components to the applicant. If the application components are inadequate and invalid, SBV shall request the applicant to supplement and complete the application components in writing. The time for the supplement and completion of application components shall not be included in the appraisal time.

Where the applicant fails to re-submit the application or the supplemented application fails to meet the component requirements within 60 days from the date SBV issues the written request for supplement to application components, SBV shall issue a written document on the return of the application to the applicant;

b) Within 90 working days after receiving the adequate and valid components of the application, SBV shall appraise the application. Where the applicant fails to re-submit the application within 60 days from the date SBV issues a written request for explanation and completion of the application, SBV shall issue a written document on the return of the application to the applicant.

Within 90 working days after receiving the supplemented and completed application from the applicant, SBV shall appraise the application and issue the license as per regulation. In case of refusal, SBV shall answer and explain in writing.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Procedure for implementing operations after being licensed

Within 30 working days before the expected date of the provision of payment intermediary services for the market and 6 months after being licensed by SBV, the provider licensed to provide payment intermediary services by SBV shall provide the following notifications and proof documents for SBV: technical system meeting the requirements prescribed in Point dd Clause 2 Article 22 of this Decree; copies of the technical testing records of licensed payment intermediary services with a partner bank regarding e-wallet services, collection and payment services, and electronic payment portal services following Form No. 10 enclosed herewith; documents proving that it has another organization carry out the settlement of clearing results between concerned parties regarding financial switch services, electronic clearing services, and international financial switch services meeting the requirements prescribed in Points g and n Clause 2 Article 22 of this Decree.

Within 15 working days after receiving the adequate documents, SBV shall carry out a practical inspection at the location of the provider of payment intermediary services and issue a notification of compliance or incompliance with Points dd, g, and h Clause 2 Article 22 of this Decree. In case of incompliance, SBV shall consider revoking the license to provide payment intermediary services according to Point e Clause 1 Article 27 of this Decree.

5. Validity period of a license

The time limit for operations indicated on the license is 10 years from the date the provider is licensed by SBV. Regarding international financial switch services, the time limit shall not exceed the time limit indicated on the license to provide financial switch services.

Article 25. Re-issuance of licenses to provide payment intermediary services

SBV shall re-issue a license to provide payment intermediary services in the following cases:

1. The license expires

Within 60 days before the license expires, the payment intermediary service provider shall submit an application for the license re-issuance to SBV. Where the application is submitted by post (postal services) or in-person to the Single-Window Department of SBV, the applicant shall submit 3 applications for the license re-issuance that include: a written request for the license re-issuance following Form No. 11 enclosed herewith, reports on the implementation of operations according to the license from the license issuance date to the submission date of the application for license re-issuance and copies of the effective license to SBV.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The time limit for operations indicated on the license is 10 years from the date SBV re-issues the license.

2. The license is lost, torn, burned, or destroyed in other forms

The payment intermediary service provider shall submit an application for the license re-issuance that specifies the reason for the re-issuance following Form No. 11 enclosed herewith. Within 10 working days after receiving the application for license re-issuance, SBV shall consider re-issuing the license or issue a written refusal specifying the reason;

The time limit for operations indicated on the license shall be the same as the time limit indicated on the lost, torn, burned, or destroyed license.

Article 26. Revision of licenses to provide payment intermediary services

1. In case of changing one of the following contents in a license to provide payment intermediary services: name of the provider, headquarters, suspension of the provision of one or several licensed payment intermediary services, or connection to additional international payment services of providers of international financial switch services:

a) The payment intermediary service provider shall submit an application for revision of the license, including: a written request for revision of the license to provide payment intermediary services following Form No. 12 enclosed herewith; copies of the effective license to provide payment intermediary services; copies of the enterprise registration certificate with a changed name of the enterprise and certificates of investment registration regarding foreign investors (if any); reports on the provision of payment intermediary services from the issuance date of the license until the submission date of the application for revision of the license.

In case of requesting connection to additional international payment systems, providers of international financial switch services shall provide additional documents prescribed in Point i Clause 2 Article 24 of this Decree;

b) SBV shall receive and assess the validity of the application for revision of the license within 5 working days from the date of receipt of the application and decide to revise the license within 30 working days from the date of receipt of the valid application. In case of refusing to revise the license, SBV shall answer and explain in writing;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Regarding payment intermediary services requested for the suspension of provision, the payment intermediary service provider shall suspend the provision of the services after the revision of the license by SBV and send written notifications to relevant organizations and individuals to liquidate contracts and fulfill all obligations and responsibilities between concerned parties within 30 days from the date SBV revises the license as prescribed by the law.

2. In case of changing one of the following contents: the legal representative, capital sources, or owner's charter capital ownership ratio or implementing a full division, partial division, consolidation, merger, or conversion of the enterprise, the payment intermediary service provider shall be exempted from carrying out the procedure for requesting revision of the license during the effective period of the license, but it shall send written notifications and documents relevant information (if any) for SBV within 30 days from any of the mentioned change.

Article 27. Revocation of licenses to provide payment intermediary services

1. SBV shall consider revoking a license in one of the following cases:

a) The payment intermediary service provider is subject to dissolution or bankruptcy according to the law;

b) The payment intermediary service provider applies for the revocation of the license due to the termination of the provision of licensed payment intermediary services following Form No. 15 enclosed herewith;

c) When there is an effective judgment, judgment enforcement decision, or administrative sanction decision of a competent authority or criminal judgment enforcement authority requests the revocation of the license of the payment intermediary service provider or a written request from a competent authority or criminal judgment enforcement authority for the revocation of the license of the payment intermediary service provider;

d) The payment intermediary service provider uses or takes advantage of its payment account, payment instruments, payment services, or payment intermediary services to commit gambling, gambling organization, fraud, illegal trading, money laundering, terrorism financing, or financing of proliferation of weapons of mass destruction;

dd) After 3 months from the date SBV issues a written notification to the provider of the violation of one of the requirements prescribed in Points a, b, c, d, e, and g Clause 2 Article 22 or the technical system fails to meet Point dd Clause 2 Article 22 of this Decree and the provider fails to carry out requested remedial measures;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) During an inspection or supervision of the provision of payment intermediary services, the provider is detected to fail to provide licensed payment intermediary services for clients for 6 consecutive months;

h) The payment intermediary service provider repeats the violation of dishonestly reporting on the balance and number of e-wallets as per regulation.

2. License revocation procedure

a) If the provider is subject to dissolution or bankruptcy according to Point a Clause 1 of this Article, the provider shall submit an application for the license revocation following Form No. 15 enclosed herewith to SBV within 7 working days from the date of approval for the enterprise dissolution decision according to the Law on Enterprises or the date of receipt of the bankruptcy declaration decision of a People’s Court according to the law on bankruptcy. 10 working days after receiving the application, SBV shall issue a decision to revoke the license.

10 working days after receiving the application for license revocation due to the termination of the provision of payment intermediary services from the provider as prescribed in Point b Clause 1 of this Article, SBV shall issue a decision to revoke the license.

20 working days after the occurrence of one of the cases prescribed in Points c, d, dd, and e Clause 1 of this Article, SBV shall issue a decision to revoke the license.

b) When the payment intermediary service provider has signs of violations as prescribed in Points g and h Clause 1 of this Article, SBV shall consider revoking the license and issue a written notification requesting explanations to the provider.

20 working days after receiving the written notification from SBV, if the licensed provider does not have any explanation document or the explanations are unreasonable, SBV shall consider issuing a decision to revoke the license.

3. After receiving the decision of SBV on the license revocation, the provider subject to the license revocation shall immediately suspend the provision of payment intermediary services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



After the provider subject to the license revocation has fulfilled all obligations and responsibilities between concerned parties as prescribed by the law, it may apply for a license to provide payment intermediary services according to Article 22 of this Decree after 3 years from the date its license is revoked in the case prescribed in Clause 1 of this Article. Applications and procedures for license issuance shall comply with Article 23 and Article 24 of this Decree.

Article 28. Responsibility for cooperation in issuing, re-issuing, revising, and revoking licenses to provide payment intermediary services

1. Responsibility for cooperation during appraisal

a) SBV shall collect feedback from the Ministry of Public Security of Vietnam and relevant authorities on compliance with relevant laws of the provider and its legal representative during their operations before considering issuing, re-issuing, revising, and revoking the license according to Article 24, Clause 2 Article 25, Clause 1 Article 26, and Points d and g Clause 1 Article 27 of this Decree;

b) Within 15 days after receiving the document from SBV, relevant ministries and authorities prescribed in Point a of this Clause shall send written feedback to SBV;

c) SBV shall consider issuing, re-issuing, revising, and revoking the license based on the relevant documents and feedback from relevant ministries and authorities.

2. SBV shall disclose the issuance, re-issuance, revision, and revocation of the license to provide payment intermediary services of the payment intermediary service provider on its web portal. The payment intermediary service provider shall disclose the license, revision decision, and license revocation decision on its official website for clients’ acknowledgment.

Chapter V

RESPONSIBILITIES OF CONCERNED PARTIES

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Payment service providers and payment intermediary service providers shall apply measures to ensure payment safety and confidentiality according to the law and may stipulate such measures in conformity with relevant laws. Clients using services shall comply with measures to ensure payment safety and confidentiality according to the regulations and guidelines of service providers.

2. Payment service providers and payment intermediary service providers shall adopt measures to inspect and supervise payment acceptance units to detect and settle payment violations or request competent authorities to handle such violations as prescribed by the law.

3. Payment service providers and payment intermediary service providers shall adopt measures to manage risks and prevent the use and abuse of the provision of payment instruments, payment services, and payment intermediary services to commit gambling, organize gambling, make false payment transactions (payment transactions of goods and/or services without any purchase or service provision) or other law violations.

4. Payment intermediary service providers and relevant organizations and individuals shall adequately provide information and documents according to the regulations of payment service providers when implementing foreign currency payment and international payment according to Clauses 3 and 5 Article 5 of this Decree and assume legal liability for the authenticity of the provided documents. Payment service providers shall apply measures to assess, inspect, and archive documents relevant to actual transactions to ensure that foreign currency payment and international payment are for proper purposes and comply with the law.

Article 30. Rights to information and reports

1. SBV may request payment service providers and payment intermediary service providers to provide information relevant to the provision of services periodically and irregularly; the provision of such information shall comply with the regulations of SBV.

2. Payment service providers and payment intermediary service providers may request their clients to provide relevant information while using their services.

Article 31. Information and report obligations

1. Payment service providers and payment intermediary service provider shall provide reports and information for competent state authorities according to the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 32. Information confidentiality

1. Rights to refuse to provide information

Payment service providers and payment intermediary service providers may refuse requests from other organizations and individuals for the provision of information relevant to accounts, transactions, and account balances or e-wallets, transactions, and e-wallet balances, excluding cases where requests are from competent state authorities according to the law or requests are approved by clients.

2. Information confidentiality

Payment service providers and payment intermediary service providers shall maintain the confidentiality of information relevant to accounts, transactions, and account balances and e-wallet, transactions, and e-wallet balances unless otherwise approved by clients or prescribed by the law.

Chapter VI

SUPERVISION

Article 33. Supervision of economically important payment systems

1. SBV shall promulgate regulations on the supervision and implementation of supervision of economically important payment systems to enhance and ensure the stable operation and safety of such systems.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. SBV may request operational organizations, settlement banks, and members of important payment systems to provide information on the systems.

4. Operational organizations, settlement banks, and members of important payment systems shall provide information relevant to the systems at the request of SBV.

5. Operational organizations and settlement banks of important payment systems shall comply with regulations and supervision requests of SBV and issue intramural regulations on risk control and assurance of continuous operation of the systems.

Article 34. Supervision of payment service provision

1. SBV shall determine the scope and issue regulations on the supervision and implementation of supervision of payment service provision.

2. SBV shall supervise the provision of payment services using remote and on-site supervision measures and other necessary measures based on the principle of not obstructing the normal operations of payment service providers.

3. SBV may request payment service providers to provide information relevant to the provision of payment services.

4. Payment service providers shall provide information relevant to the provision of payment services at the request of SBV and comply with the regulations and supervision requests of SBV.

Article 35. Supervision of payment intermediary service provision

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. SBV shall supervise the provision of payment intermediary services using remote and on-site supervision measures and other necessary measures based on the principle of not obstructing the normal operations of payment intermediary service providers.

3. SBV may request payment intermediary service providers to provide information relevant to the provision of payment intermediary services.

4. Payment intermediary service providers shall provide information relevant to the provision of payment intermediary services at the request of SBV and comply with the regulations and supervision requests of SBV.

5. Payment intermediary service providers shall develop and provide online supervision instruments for SBV to supervise the official provision of payment intermediary services for clients.

6. Banks cooperating with payment intermediary service providers shall provide reports and information relevant to the cooperation in providing payment intermediary services; information and data relevant to the opening and management of payment assurance accounts for payment intermediary service providers regarding e-wallet services and collection and payment services at the request of SBV.

Chapter VII

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 36. Transitional provisions

1. Commercial banks and foreign bank branches that have participated in international payment systems before the effective date of this Decree may continue to participate in such systems. Within 24 months from the effective date of this Decree, commercial banks and foreign bank branches shall meet the business requirements prescribed in Article 21 of this Decree and carry out the procedure for requesting approval for participation in international payment systems according to the regulations of the Governor of SBV. After the mentioned time limit, commercial banks and foreign bank branches shall terminate their participation in international payment systems not indicated on their licenses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Licensed financial switch service providers that have connected to international payment systems before the effective date of this Decree may continue to connect to such systems. Within 24 months from the effective date of this Decree, licensed financial switch service providers shall meet the business requirements and carry out the procedure for licenses to provide international financial switch services according to this Decree. After the mentioned time limit, such providers shall terminate their connections with international payment systems not indicated on their licenses to provide international financial switch service providers.

4. Public postal service providers may continue to provide payment services not through payment accounts as prescribed by the law. Within 24 months from the effective date of this Decree, public postal service providers shall meet the business requirements and carry out the procedure for requesting approval for the provision of payment services not through payment accounts of clients according to this Decree. After the mentioned time limit, such providers shall terminate their provision of payment services.

5. Payment intermediary service providers licensed to provide payment intermediary services before the effective date of this Decree may continue to comply with the licenses issued by SBV until they expire, excluding cases where providers apply for licenses under this Decree.

Article 37. Entry into force

1. This Decree comes into force as of July 1, 2024.

2. This Decree replaces Decree No. 101/2012/ND-CP dated November 22, 2012 of the Government of Vietnam and Decree No. 80/2016/ND-CP dated July 1, 2016 of the Government of Vietnam and annuls Article 3 of Decree No. 16/2019/ND-CP dated February 1, 2019 of the Government of Vietnam.

Article 38. Implementation responsibilities

Ministers, Directors of ministerial agencies, Directors of governmental agencies; Presidents of People’s Committees of provinces and centrally affiliated cities; Presidents of Boards of Directors, Presidents of Boards of Members, and Directors-General (Directors) of credit institutions and foreign bank branches; Presidents of Boards of Directors, Presidents of Boards of Members, Presidents of companies, and Directors-General (Directors) of public postal service providers and relevant organizations and individuals shall implement this Decree.

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PP. PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Le Minh Khai

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 52/2024/NĐ-CP ngày 15/05/2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


117.025

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.31.86
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!