Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 2989/TM-QLCL Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Bộ Thương mại Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 01/08/2002 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2989/TM-QLCL

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2002

 

TỜ TRÌNH CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT THƯƠNG MẠI VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA LƯU THÔNG TRONG NƯỚC VÀ HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 2002 của Chính phủ, nhằm quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại và Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa năm 1999, Bộ Thương mại đã được giao chủ trì soạn thảo Nghị định về quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Bộ Thương mại xin kính trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định và xin giải trình như sau:

I- VỀ SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH

Luật Thương mại có hiệu lực từ ngày 01/01/1998 đã có quy định về nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Khoản 6 Điều 245 và Điều 246).

Năm 1999, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa nêu ra nhiều chế định cụ thể, song còn tồn tại một số vấn đề sau cần được sửa đổi, bổ sung:

1- Việc bắt buộc áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam và Tiêu chuẩn ngành chưa thật phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay, khi nước ta đã chuyển sang cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.

Hiện nay trên Thế giới đang diễn ra hai quá trình:

Một mặt chất lượng hàng hóa tuỳ thuộc vào nhu cầu của thị trường biến đổi không ngừng; dưới tác động của những tiến bộ khoa học công nghệ, chất lượng hàng hóa càng thay đổi nhanh chóng. Việc định ra và đòi hỏi áp dụng một cách cứng nhắc bộ Tiêu chuẩn Quốc gia và Tiêu chuẩn ngành không còn phù hợp.

Mặt khác, các nước lại có khuynh hướng đề ra nhiều Tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh môi trường, bản quyền, tài sản trí tuệ... cho phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống, đồng thời cũng nhằm tạo ra các rào cản trá hình nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.

Nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, do đó cũng cần làm theo hướng này.

2- Thiếu các quy định về chất lượng và loại hình hoạt động dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa.

Hoạt động dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa bao gồm việc chứng nhận chất lượng mẫu hàng; chứng nhận chất lượng, số lượng và các yếu tố liên quan đến chất lượng lô hàng; chứng nhận phương pháp quản lý bảo đảm chất lượng của hàng hóa như ISO 9000, TQM, HACCP, GMP,... (gọi chung là chứng nhận chất lượng).

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/NĐ-CP ngày 12/4/1999 về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hóa. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 20/1999/NĐ-CP chỉ bao gồm việc quản lý hành chính hoạt động kinh doanh giám định chứng nhận số lượng, chất lượng và các yếu tố khác có liên quan của lô hàng, song chưa nêu các quy định để quản lý năng lực và chất lượng hoạt động của dịch vụ giám định về số lượng và chất lượng hàng hóa; các quy định quản lý các hoạt động dịch vụ chứng nhận phương pháp quản lý chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, cần có pháp luật điều chỉnh việc công nhận các tổ chức chứng nhận nước ngoài và thừa nhận kết quả chứng nhận của nhau theo các Hiệp định về công nhân và thừa nhận lẫn nhau của WTO, APEC......

3- Chưa phân định rõ ràng chức năng quản lý Nhà nước đối với chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Điều 245 và 246 Luật Thương mại quy định Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc quản lý Nhà nước về thương mại, trong đó có nội dung quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa lại quy định Bộ Khoa học - Cộng nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa. Sự trùng chéo này gây ra không ít trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của thương nhân, làm cho hiệu quả quản lý nhà nước không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Hơn nữa, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước cũng chưa được phân định cụ thể, từ đó dẫn đến tình trạng một loại hàng hóa phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của nhiều lực lượng khác nhau, gây cản trở cho lưu thông hàng hóa và hoạt động của thương nhân. Do đó, Chính phủ cần có quy định cụ thể về chất lượng quản lý Nhà nước đối với hàng hóa lưu thông trong nước cũng như xuất khẩu, nhập khẩu.

4- Việt Nam đã gia nhập ASEAN, ký Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ và đang đàm phán gia nhập WTO. Pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu nói riêng cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các nguyên tắc và quy định của các cam kết song phương và đa phương.

Từ những lý do trên, để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa của nước ta cần có Nghị định quy định chi tiết về quản lý chất lượng hàng hóa theo Luật Thương mại và Pháp luật Chất lượng hàng hóa.

II- NGUYÊN TẮC SOẠN THẢO NGHỊ ĐỊNH

Việc soạn thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại tuân thủ theo các nguyên tắc cơ bản sau:

1- Tuân theo các quy định của Luật Thương mại phù hợp với việc làm rõ thêm các quy định của Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa năm 1999.

2- Điều chỉnh các quy định pháp luật hiện hành cho phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường cũng như thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế, phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

3- Làm rõ những nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

4- Phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước giữa các cơ quan có liên quan đối với chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

III- BỐ CỤC CỦA NGHỊ ĐỊNH

Nghị định bao gồm 5 Chương và 19 Điều, được trình bày cụ thể như sau:

- Chương I “Những quy định chung” (5 điều) bao gồm những nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

- Chương II “Những quy định cụ thể về quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” (8 điều) bao gồm các nội dung về quy định áp dụng “Tiêu chuẩn kỹ thuật”; “Các quy định kỹ thuật hoặc quy định có liên quan” đến chất lượng; công bố chất lượng hàng hóa; chứng nhận chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước; chất lượng hàng hóa nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam; chất lượng hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài; tổ chức thực hiện dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa; quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về chất lượng hàng hóa.

- Chương III “Quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” (2 điều), bao gồm nội dung Quản lý Nhà nước, cơ quan Quản lý Nhà nước.

- Chương IV “Khen thưởng và xử lý vi phạm” (2 điều)

- Chương V “Điều khoản thi hành” (2 điều).

IV- MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH CỦA NGHỊ ĐỊNH

1- Phạm vi điều chỉnh của Nghị định là quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Đối tượng áp dụng bao gồm hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa và tổ chức thực hiện dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa.

2- Nghị định quy định vấn đề áp dụng các Tiêu chuẩn kỹ thuật; các Quy định kỹ thuật hoặc quy định có liên quan đến chất lượng theo hướng: Các thương nhân có quyền tự lựa chọn Tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng cho hàng hóa của mình, trừ Quy định kỹ thuật và các quy định có liên quan đến chất lượng mà pháp luật bắt buộc áp dụng (gọi là Quy định kỹ thuật). Các Quy định kỹ thuật được giới hạn trong “hành lang an toàn”, tức là nhằm bảo đảm an toàn, sức khoẻ con người; an toàn cho vật nuôi, cây trồng và môi trường; chống gian lận thương mại; giữ gìn an ninh quốc gia và giá trị văn hoá truyền thống.

Quy định như trong dự thảo Nghị định vừa tạo điều kiện cho thương nhân phát huy tính năng động và tự chủ của mình, vừa bảo đảm sự quản lý của Nhà nước ở mức độ hợp lý.

3- Nghị định làm rõ hoạt động chứng nhận chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước bao gồm: chứng nhận chất lượng của mẫu hàng; chứng nhận chất lượng, số lượng và các  yếu tố liên quan đến chất lượng của lô hàng; chứng nhận phương pháp quản lý bảo đảm chất lượng của hàng hóa.

Nghị định đưa ra quy định: hàng hóa có liên quan đến “hành lang an toàn” phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng trước khi đưa ra lưu thông trong nước; nếu đã được chứng nhận phù hợp chất lượng và phù hợp với phương pháp quản lý chất lượng như ISO 9000, TQM, HACCP, GMP,... thì được miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng, trừ các trường hợp hàng hóa nghi vấn có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chất lượng. Quy định này là một bước cải cách trong lĩnh vực chất lượng, tạo điều kiện cho sự lưu thông hàng hóa, đồng thời chuyển từ phương thức quản lý thụ động, chỉ chú ý kiểm tra chất lượng hàng hóa tại đầu ra của sản xuất hoặc thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hóa tràn lan trên thị trường sang phương thức khuyến khích thương nhân áp dụng các phương pháp quản lý bảo đảm chất lượng hàng hóa như ISO 9000, TQM, HACCP, GMP,... và quản lý các tổ chức thực hiện dịch vụ kỹ thuật chứng nhận chất lượng.

Kiểm tra nhà nước về chất lượng chỉ thực hiện đối với các yếu tố gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khoẻ con người; gây mất an toàn vật nuôi, cây trồng và môi trường; gian lận thương mại; ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và giá trị văn hóa truyền thống. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng hiện nay, khi việc kiểm tra Nhà nước theo danh mục hàng hóa gây khó khăn và tạo ra chi phí quá lớn đối với cả thương nhân và cơ quan kiểm tra. Theo tinh thần đó, Nghị định quy định danh mục các chỉ tiêu chất lượng và yêu cầu kỹ thuật tương ứng với từng loại hàng hóa cần thiết phải kiểm tra Nhà nước và giao Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quy định cụ thể. Điều này có nghĩa là, việc kiểm tra nhà nước chỉ thực hiện đối với các yếu tố chất lượng thuộc “hành lang an toàn” mà thôi.

4- Về chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Nghị định quy định hàng hóa nhập khẩu nếu đã được tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài (đã được cơ quan Quản lý Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận) chứng nhận phù hợp chất lượng và phù hợp phương pháp quản lý bảo đảm chất lượng thì được miễn kiểm tra Nhà nước về chất lượng khi nhập khẩu. Quy định như vậy tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa quốc tế nhưng vẫn bảo đảm sự quản lý đối với chất lượng hàng hóa khi nhập khẩu. Theo Nghị định việc quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu chuyển từ trực tiếp đối với hàng hóa sang quản lý việc tổ chức thực hiện chứng nhận chất lượng nước ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp nghi vấn hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chất lượng thì cần kiểm tra trực tiếp.

Ngoài ra, dự thảo cũng giao Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với một số Bộ, ngành liên quan quy định trình tự, thủ tục đánh giá công nhận tổ chức chứng nhận chất lượng nước ngoài và sau đó Bộ Thương mại sẽ thực hiện việc công bố tổ chức này. Quy định như dự thảo là phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, cụ thể là các Hiệp định của WTO, APEC... về thừa nhận công nhận lẫn nhau (MRA).

Nhằm tạo điều kiện cho thương nhân xuất khẩu chủ động lựa chọn mức chất lượng đối với hàng hóa xuất khẩu của mình, Nghị định quy định chất lượng hàng hóa sẽ do các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa thoả thuận nhưng không trái với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.

5- Về tổ chức thực hiện dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa

Nước ta hiện nay có trình độ phát triển khoa học, công nghệ kém hơn so với mức trung bình của thế giới, đồng thời việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật cho hoạt động chứng nhận chất lượng còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, nhằm tận dụng tối đa các cơ sở vật chất, thiết bị và năng lực kỹ thuật chuyên môn hiện có, phát huy tiềm lực của mọi tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong hoạt động chứng nhận chất lượng, Nghị định quy định ngoài các thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định hàng hóa, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa, các tổ chức sự nghiệp kỹ thuật thuộc các cơ quan quản lý nhà nước thuộc các Bộ, Ngành cũng được thực hiện dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa.

Tuy nhiên, đối với các hoạt động chứng nhận chất lượng hàng hóa thuộc hành lang an toàn (an toàn sức khoẻ con người; an toàn vật nuôi, cây trồng và môi trường; chống lận thương mại; giữ gìn an ninh Quốc gia và giá trị văn hóa truyền thống), thì chỉ một số tổ chức đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn nhất định được cơ quan Quản lý Nhà nước có thẩm quyền công nhận và công bố mới được làm dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa.

6- Về hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về chất lượng hàng hóa.

Hiện nay có nhiều cơ quan được tham gia thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về chất lượng. Điều đó gây không ít khó khăn cho hoạt động của thương nhân đồng thời làm giảm hiệu quả quản lý Nhà nước. Nghị định quy định: Đối với hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Thương mại chủ trì thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra và các Bộ, Ngành khác phối hợp trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của mình. Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong địa bàn hoạt động của Hải quan thì do lực lượng Hải quan chủ trì, Bộ Thương mại và các Bộ, Ngành khác phối hợp thực hiện. Quy định như vậy phù hợp với Luật Thương mại, Luật Hải quan, đồng thời phù hợp với khả năng, chức năng và các cơ quan. Luật pháp và thông lệ quốc tế cũng tương tự như vậy.

V- VỀ CÁC Ý KIẾN THAM GIA GÓP Ý VÀO DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH VÀ TỜ TRÌNH CHÍNH PHỦ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH

Bộ Thương mại đã gửi công văn số 0966/TM-PC ngày 19/3/2002 xin ý kiến góp ý dự thảo tờ trình và Nghị định và đã nhận được ý kiến tham gia của hầu hết các Bộ, ngành: Thủy sản, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công nghiệp, Hải quan, Y tế, Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Tư pháp. Bộ Thương mại xin được báo cáo như sau:

1- Về các ý kiến chung:

- Hầu hết các Bộ ngành nhất trí với việc ban hành Nghị định này và nhất trí với hầu hết nội dung và bố cục của các chương trong dự thảo Nghị định và dự thảo tờ trình.

- Ý kiến vướng mắc lớn nhất là việc cùng một lúc hai Bộ được giao nhiệm vụ dự thảo hai Nghị định: Bộ Thương mại dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về quản lý chất lượng hàng hóa theo quy định của Điều 245, 246 Luật Thương mại; Bộ Khoa học - Cộng nghệ và Môi trường dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh chất lượng hàng hóa theo quy định Điều 24 Pháp lệnh chất lượng hàng hóa. (Luật Thương mại và Pháp lệnh chất lượng quy định hai Bộ đều có chức năng chủ trì giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa).

Về việc này, Bộ Thương mại xin có ý kiến như sau: Chất lượng hàng hóa hình thành trong suốt quá trình từ sản xuất tới lưu thông, song người quyết định là người mua do đó nên bảo đảm sự thống nhất về cơ chế chính sách quản lý chất lượng hàng hóa xuyên suốt từ sản xuất đến lưu thông và tiêu dùng, không nên cắt khúc. Trong hoàn cảnh hiện nay nếu lấy yếu tố thị trường làm cơ sở để xây dựng cơ chế chính sách và phương thức quản lý chất lượng nhằm bảo đảm sự lưu thông và tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu, bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng; lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong nước.

Vì vậy Bộ Thương mại đề nghị chỉ nên biên soạn một Nghị định vừa căn cứ Luật Thương mại vừa căn cứ Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa. Về mặt tổ chức cũng cần có sự sắp xếp lại cho phù hợp.

- Bộ Thương mại cần được giao nhiệm vụ chủ trì giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với sự tham gia phối hợp của các Bộ, ngành liên quan.

2- Về các ý kiến cụ thể, chi tiết của các Bộ, ngành đề nghị làm rõ và điều chỉnh sửa đổi hoặc bổ sung, Bộ Thương mại xin được báo cáo như sau:

- Điều 6: Làm rõ khái niệm “Tiêu chuẩn” và “Quy định kỹ thuật” để xác định đúng yêu cầu quản lý;

- Khoản 1 Điều 7: quy định “Mọi hàng hóa lưu thông trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam đều phải công bố chất lượng”;

- Khoản 3 Điều 7: bổ sung thêm nội dung “Thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước” sau khi công bố chất lượng trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa; các loại hàng hóa không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phải sử dụng phương thức công bố chất lượng bằng nhãn treo hoặc tờ rời tại nơi bán hàng;

- Khoản 3 Điều 8: bổ sung việc xây dựng thủ tục, Quy trình kỹ thuật, phương pháp kiểm tra và chứng nhận chất lượng đối với tổ chức hoạt động dịch vụ chứng nhận;

- Khoản 2 Điều 9: bổ sung thêm vấn đề “Kiểm tra Nhà nước đối với hàng vật tư nguyên liệu nhập khẩu để gia công hàng hóa cho nước ngoài tại Việt Nam, tạm nhập tái xuất hoặc quá cảnh nếu nghi vấn có chứa đựng các yếu tố không an toàn cho môi trường”;

- Điểm b Khoản 1 Điều 11: bổ sung quy định “Phòng thí nghiệm của các Viện nghiên cứu và các trường Đại học được tham gia làm tổ chức chứng nhận chất lượng nếu đủ điều kiện”;

- Khoản 3 Điều 11: bổ sung “Cơ sở để xem xét tổ chức đủ điều kiện thực hiện dịch vụ chứng nhận chất lượng là sự đề xuất của các Bộ, Ngành trực tiếp quản lý”;

- Khoản 4 Điều 12: điều chỉnh “Tổ chức thực hiện dịch vụ chứng nhận chất lượng chịu trách nhiệm trước khách hàng và cả trước pháp luật khi chứng nhận chất lượng hàng hóa không đúng”;

- Khoản 3 Điều 13: điều chỉnh loại bỏ nội dung “Không lấy không mẫu hàng hóa”;

- Khoản 1 Điều 18: bổ sung “Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ”;

Tuy nhiên có một số ý kiến chúng tôi thấy khó chấp thuận như:

- Ý kiến đề nghị bổ sung Khoản 1 và 3 Điều 7 “Các hàng hóa liên quan đến an toàn thì việc công bố chất lượng phải được cơ quan quản lý Nhà nước xác nhận”; “Các cơ sở kinh doanh phải công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa với cơ quan quản lý chất lượng hàng hóa”. Bộ Thương mại cho rằng, cách làm này sẽ tạo ra cơ chế hành chính nặng nề, hơn nữa việc chất lượng đã được nêu công khai trên nhãn hàng hóa, không cần thêm thủ tục khác.

- Ý kiến “Nhà nước nên quy định phí dịch vụ chứng nhận chất lượng”. Bộ Thương mại nhận thấy chưa có cơ sở thực tế để quy định phí dịch vụ chứng nhận chất lượng, vả lại vấn đề phí đã được Chính phủ có văn bản quy định chung.

- Ý kiến “Đối với hàng hóa lưu thông trong nước hoặc hàng hóa nhập khẩu đã có chứng nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền được Việt Nam công nhận vẫn phải được kiểm tra Nhà nước về chất lượng vì các nước trên thế giới vẫn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm mà không loại bỏ hoàn toàn”. Bộ Thương mại đã ghép yêu cầu này vào nội dung “Kiểm tra Nhà nước về chất lượng khi nghi vấn hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chất lượng” tại khoản 3 Điều 8 và khoản 3 Điều 9.

- Ý kiến không chấp nhận việc quy định tại Khoản 4 Điều 12 “Cơ quan dịch vụ kiểm tra chứng nhận chất lượng bị phạt hợp đồng khi chứng nhận chất lượng hàng hóa không đúng”. Theo Bộ Thương mại, các tổ chức dịch vụ chứng nhận chất lượng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước thương nhân theo cam kết trong hợp đồng dịch vụ chứng nhận hoặc chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi cố tình làm sai.

Trên đây là giải trình về việc ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Bộ Thương mại xin kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI




Vũ Khoan

 

 

CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:       /2002/NĐ-CP

Hà Nội, ngày     tháng                năm 2002

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT THƯƠNG MẠI VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA LƯU THÔNG TRONG NƯỚC VÀ HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 10 tháng 5 năm 1997;
Căn cứ Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa ngày 24 tháng 12 năm 1999;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại,

NGHỊ ĐỊNH

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với:

1- Hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, hàng hóa nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam.

2- Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa và tổ chức thực hiện dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Điều 3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa đối với chất lượng hàng hóa

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tại thị trường trong nước, xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu hàng hóa để tiêu thụ tại Việt Nam phải chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng hóa do mình kinh doanh theo quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa hoặc có liên quan đến chất lượng hàng hóa.

Điều 4. Trách nhiệm của tổ chức thực hiện dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa

Tổ chức thực hiện dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động chứng nhận chất lượng hàng hóa do mình thực hiện.

Điều 5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ quản lý chất lượng hàng hóa

Tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ quản lý chất lượng hàng hóa phải thực hiện đúng nhiệm vụ của mình và chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình theo quy định của pháp luật.

Chương 2:

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA LƯU THÔNG TRONG NƯỚC VÀ HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Điều 6. áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, Quy định kỹ thuật và các quy định khác có liên quan

1- Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có quyền tự lựa chọn “Tiêu chuẩn kỹ thuật” để áp dụng cho hàng hóa của mình, trừ các “Quy định kỹ thuật và các quy định khác có liên quan đến chất lượng” mà pháp luật quy định bắt buộc áp dụng.

2- Các Tiêu chuẩn kỹ thuật nêu tại Khoản 1 Điều này là các tài liệu kỹ thuật bao gồm:

- Các Tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật về chất lượng như: Các chỉ tiêu chất lượng; các yêu cầu kỹ thuật và mức chất lượng của hàng hóa.

- Các tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật liên quan đến chất lượng như: bao gói; ghi nhãn; vận chuyển; bảo quản; quy trình công nghệ; phương pháp quản lý đảm bảo chất lượng hàng hóa; phương pháp thử nghiệm; và các vấn đề khác liên quan đến chất lượng hàng hóa.

3- Các Quy định kỹ thuật và các Quy định khác liên quan đến chất lượng mà pháp luật quy định bắt buộc áp dụng nêu tại Khoản 1 Điều này là các văn bản “Quy định pháp luật” bắt buộc áp dụng đối với một số Tiêu chuẩn kỹ thuật, hoặc một số các yêu cầu kỹ thuật về chất lượng và liên quan đến chất lượng hoặc các quy chế, quy trình, quy phạm nhằm đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho con người; an toàn cho vật nuôi, cây trồng và môi trường; chống gian lận thương mại; giữ gìn an ninh Quốc gia và giá trị văn hóa truyền thống.

4- Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa và dịch vụ thực hiện hành vi vi phạm các Quy định kỹ thuật và các Quy định có liên quan đến chất lượng mà “Pháp luật Quy định” bắt buộc áp dụng nêu tại Khoản 3 Điều này.

Điều 7. Công bố chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

1- Mọi hàng hóa lưu thông trong nước, xuất khẩu và nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam đều phải được công bố chất lượng. Đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, việc công bố chất lượng hàng hóa tuỳ thuộc vào thoả thuận của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa và tuân thủ quy định của các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

2- Nội dung thông tin về chất lượng hàng hóa phải công bố bao gồm các chỉ tiêu chất lượng: các yêu cầu kỹ thuật về chất lượng và mức chất lượng; các quy định kỹ thuật khác và các quy định liên quan đến chất lượng.

3- Phương thức công bố các thông tin về chất lượng của hàng hóa được thực hiện ghi trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa và thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước. Trường hợp hàng hóa không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa, tổ chức và cá nhân kinh doanh phải sử dụng phương thức nhãn treo hoặc nhãn tờ rời tại nơi bán hàng để bảo đảm việc công bố chất lượng hàng hóa.

4- Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung thông tin về chất lượng hàng hóa mà mình công bố.

Điều 8. Chứng nhận chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước

1- Chứng nhận chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước bao gồm việc chứng nhận chất lượng của mẫu hàng; chứng nhận chất lượng, số lượng và các yếu tố liên quan đến chất lượng của lô hàng; chứng nhận phương pháp quản lý bảo đảm chất lượng của hàng hóa (gọi chung là chứng nhận chất lượng hàng hóa).

2- Việc đề nghị được cấp chứng nhận chất lượng hàng hóa do tổ chức, cá nhân kinh doanh tự quyết định, trừ trường hợp hàng hóa mà pháp luật bắt buộc phải chứng nhận chất lượng hàng hóa.

3- Đối với hàng hóa có chứa đựng các yếu tố phải kiểm tra nhà nước về chất lượng khi lưu thông trong nước, nếu đã được tổ chức thực hiện dịch vụ kỹ thuật đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền công nhận thực hiện chứng nhận phù hợp chất lượng và phù hợp phương pháp quản lý bảo đảm chất lượng thì hàng hóa đó được miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng, trừ trường hợp hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chất lượng.

Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học - Cộng nghệ và Môi trường, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Thủy sản, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan khác quy định thủ tục, quy trình kỹ thuật, phương pháp kiểm tra và chứng nhận chất lượng hàng hóa theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 14 Nghị định; quy định nội dung cụ thể về chất lượng của hàng hóa nêu tại Khoản 3 Điều 6 cần thiết phải kiểm tra Nhà nước như: Danh mục các chỉ tiêu chất lượng; các yêu cầu kỹ thuật về chất lượng và mức chất lượng; các yêu cầu kỹ thuật khác và các quy định có liên quan tương ứng với từng loại hàng hóa.

4- Phí chứng nhận chất lượng do tổ chức thực hiện dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa thoả thuận với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa.

Điều 9. chất lượng hàng hóa nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam

1- Hàng hóa nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước.

2- Đối với hàng hóa là vật tư nguyên liệu nhập khẩu để gia công hàng hóa tại Việt Nam cho nước ngoài, hàng hóa tạm nhập tái xuất và hàng hóa quá cảnh, việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng chỉ được áp dụng trong trường hợp bị nghi vấn hàng hóa này có chứa các yếu tố làm ảnh hưởng đến sự an toàn, sức khoẻ con người; vật nuôi, cây trồng và môi trường; an ninh Quốc gia trong quá trình nhập khẩu, tạm nhập tái xuất hoặc quá cảnh.

3- Hàng hóa nhập khẩu đã được tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài mà tổ chức đó đã được cơ quan Quản lý Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận thực hiện chứng nhận phù hợp chất lượng và phù hợp phương pháp quản lý đảm bảo chất lượng theo đúng luật pháp mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia thì được miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng khi nhập khẩu, trừ trường hợp hàng hóa có dấu hiệu vi phạm về chất lượng.

4- Bộ Thương mại chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học - Cộng nghệ và Môi trường, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Thủy sản, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan khác quy định điều kiện, thủ tục, quy trình đánh giá, công nhận tổ chức chứng nhận chất lượng của nước ngoài; đồng thời tổ chức thực hiện xét duyệt và công bố tổ chức chứng nhận của nước ngoài được Việt Nam công nhận trên cơ sở đề xuất của các Bộ chuyên ngành hoặc điều ước Quốc tế có liên quan.

5- Hàng hóa nhập khẩu để lưu thông trong nước vi phạm quy định pháp luật bị xử lý theo Pháp luật của Việt Nam và các điều ước Quốc tế, các thoả thuận song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Điều 10. Chất lượng hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài

1- Chất lượng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam ra nước ngoài do các bên thoả thuận nhưng không được trái với các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

2- Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài bị trả về phải tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước.

Điều 11. Tổ chức thực hiện dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa hoạt động tại Việt Nam

1- Tổ chức thực hiện dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa hoạt động tại Việt Nam bao gồm:

a/ Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định và các doanh nghiệp khác kinh doanh dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa;

b/ Các tổ chức sự nghiệp kỹ thuật gồm phòng thử nghiệm, phòng kỹ thuật; Trung tâm thử nghiệm, Trung tâm kỹ thuật thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước, các Viện nghiên cứu, các trường Đại học thuộc các Bộ, Ngành trực tiếp quản lý.

2- Đối với việc chứng nhận chất lượng hàng hóa mà pháp luật bắt buộc thực hiện nhằm bảo đảm an toàn, sức khoẻ con người; an toàn cho vật nuôi, cây trồng và môi trường; chống gian lận thương mại; giữ gìn an ninh quốc gia và giá trị văn hóa truyền thống, tổ chức thực hiện dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa nêu tại khoản 1 Điều này chỉ được thực hiện hoạt động chứng nhận khi có đủ các điều kiện sau:

a/ Có cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật và đội ngũ cán bộ đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chuyên ngành chứng nhận chất lượng hàng hóa;

b/ Được cơ quan có thẩm quyền công nhận, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thực hiện dịch vụ chứng nhận chất lượng những hàng hóa nói trên.

3- Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học - Cộng nghệ và Môi trường, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Thủy sản, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành có liên quan khác quy định cụ thể điều kiện, thủ tục, quy trình đánh giá; đồng thời tổ chức xem xét đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức đủ điều kiện thực hiện dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa nêu tại Khoản 2 Điều này trên cơ sở đề xuất của các Bộ, Ngành trực tiếp quản lý tổ chức đó.

Bộ Thương mại thực hiện việc công bố với quốc tế các tổ chức đủ điều kiện thực hiện dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa nêu tại Khoản 2 Điều này.

Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa

1- Tuân thủ các quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật và các quy định khác có liên quan.

2- Bảo đảm tính độc lập, khách quan, kịp thời, chính xác trong hoạt động chứng nhận chất lượng hàng hóa.

3- Nhận phí chứng nhận chất lượng theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Nghị định này.

4- Chịu trách nhiệm trước khách hàng, trước pháp luật về kết quả chứng nhận chất lượng hàng hóa do mình thực hiện, phải hoàn trả phí và bị phạt vi phạm hợp đồng khi chứng nhận chất lượng hàng hóa không đúng.

5- Chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp cố ý chứng nhận sai nhằm mục đích gian lận thương mại.

6- Thực hiện báo cáo định kỳ và đột xuất về Bộ Thương mại tình hình hoạt động chứng nhận chất lượng theo quy định.

7- Chấp hành nghiêm túc các quyết định thanh tra hoặc kiểm tra Nhà nước mà pháp luật quy định.

Điều 13. Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu

1- Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về chất lượng đối với hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2- Công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về chất lượng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong địa bàn hoạt động của Hải quan do Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại và các Bộ, ngành khác thực hiện.

3- Cơ quan thực hiện tác nghiệp kỹ thuật phục vụ công tác thanh tra hoặc kiểm tra Nhà nước việc chấp hành Quy định pháp luật về chất lượng hàng hóa là các cơ quan sự nghiệp kỹ thuật trực thuộc các Bộ, Ngành đã được công nhận đủ điều kiện thực hiện chứng nhận chất lượng hàng hóa quy định tại điểm b Khoản 1, Khoản 3 Điều 11 và được Bộ Thương mại thống nhất với các Bộ, Ngành quản lý chỉ định.

Các hoạt động tác nghiệp kỹ thuật của tổ chức được chỉ định phục vụ công tác thanh tra hoặc kiểm tra Nhà nước việc chấp hành Quy định pháp luật về chất lượng hàng hóa phải tuân thủ đúng quy định pháp luật về hoạt động chứng nhận chất lượng.

4- Cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm soát không được thu phí thử nghiệm, giám định, chứng nhận chất lượng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm soát. Chi phí hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về chất lượng hàng hóa do ngân sách Nhà nước cấp.

5- Trong trường hợp bị xử lý do vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hóa, tổ chức, cá nhân vi phạm phải hoàn trả vào ngân sách nhà nước chi phí mua mẫu hàng hóa, phí thử nghiệm, giám định, chứng nhận chất lượng hàng hóa.

Chương 3:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA LƯU THÔNG TRONG NƯỚC VÀ HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Điều 14. Nội dung quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

1- Xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất và lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu; bảo đảm và kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam.

2- Xây dựng, ban hành hoặc quyết định áp dụng các quy định pháp luật để phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cụ thể sau đây:

a/ Quy định áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật; các quy định kỹ thuật hoặc quy định liên quan đến chất lượng nhằm bảo đảm an toàn, sức khoẻ con người; an toàn cho vật nuôi, cây trồng và môi trường; chống gian lận thương mại; giữ gìn an ninh quốc gia và giá trị văn hóa truyền thống;

b/ Quy định thủ tục, Quy trình kỹ thuật, phương pháp và chứng nhận chất lượng hàng hóa;

c/ Quy định về bao gói, ghi nhãn, vận chuyển, bảo quản hàng hóa;

d/ Quy định về việc áp dụng các phương pháp quản lý bảo đảm chất lượng hàng hóa lưu thông;

đ/ Quy định áp dụng tiêu chuẩn chất lượng của nước ngoài và quốc tế đối với hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, n;

e/ Quy định việc công nhận thừa nhận lẫn nhau về v chất lượng;

g/ Quy định về hàng hóa chất lượng cao và hình thức khen thưởng.

h/ Quy định các yếu tố về hàng giả và phương pháp xác định hàng giả.

i/ Các quy định khác.

3- Phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

4- Quản lý nhà nước đối với hoạt động chứng nhận chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

5- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết các khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

6- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Điều 15. Cơ quan quản lý nhà nước đối với chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

1- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2- Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học - Cộng nghệ và Môi trường, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Thủy sản, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan thực hiện các nội dung quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Điều 14 Nghị định.

3- Uỷ ban nhân dân các Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong phạm vi địa bàn mình quản lý theo phân cấp của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Thương mại và các Bộ, Ngành liên quan.

Chương 4:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 16. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động về chất lượng hàng hóa được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Xử lý vi phạm

1- Hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:

a/ Không công bố chất lượng hàng hóa theo quy định của pháp luật.

b/ Kinh doanh hàng hóa có chất lượng thực tế thấp hơn so với chất lượng đã được công bố;

c/ Kinh doanh hàng hóa có chứa đựng các yếu tố về chất lượng vi phạm các quy định về an toàn, sức khoẻ con người; an toàn cho vật nuôi, cây trồng và môi trường: an ninh quốc gia và giá trị văn hóa truyền thống;

d/ Cố ý chứng nhận sai về chất lượng hàng hóa nhằm gian lận thương mại;

đ/ Các hành vi gian lận thương mại khác về chất lượng hàng hóa;

2- Hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1- Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 30 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

2- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 19. Hướng dẫn thi hành

Bộ Thương mại chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học - Cộng nghệ và Môi trường và các Bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện và hướng dẫn thi hành Nghị định này./.

 

T.M CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Phan Văn Khải

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Tờ trình số 2989/TM-QLCL ngày 01/08/2002 ngày 01/08/2002 của Bộ Thương mại về việc trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về quản lý chất lượng hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.489

DMCA.com Protection Status
IP: 18.216.94.152
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!