Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 1226/QĐ-TTg 2015 Quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái

Số hiệu: 1226/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 31/07/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1226/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 07 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI KHU KINH TẾ CỬA KHẨU MÓNG CÁI, TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

I. PHẠM VI LÃNH THỔ

Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái bao gồm toàn bộ thành phố Móng Cái với 17 xã, phường và 9 xã, thị trấn của huyện Hải Hà (gồm các xã: Quảng Điền, Quảng Phong, Phú Hải, Quảng Thắng, Quảng Thành, Quảng Minh, Quảng Trung, Cái Chiên và thị trấn Quảng Hà), tỉnh Quảng Ninh.

II. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển kinh tế - xã hội, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn 2011 - 2020, chiến lược biển Việt Nam đến, năm 2020 quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, phát triển hai hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và thống nhất với các quy hoạch ngành trên địa bàn.

2. Phát huy các lợi thế về vị trí địa kinh tế và địa chính trị, phát triển khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng dụng chuyển giao có hiệu quả tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

3. Phát triển khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trở thành khu kinh tế năng động của tỉnh Quảng Ninh và cả nước; là cửa ngõ trong quan hệ đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế xứng tầm cỡ của vùng và cả nước trên cơ sở kết nối, giao thương hàng hóa giữa các thị trường lớn trong nước, khu vực và quốc tế.

4. Phát triển khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái bảo đảm hiệu quả tổng hợp cả về kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.

5. Phát triển khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái gắn với gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm lo bảo vệ sức khỏe người dân và du khách, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

III. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động và bền vững của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là khu kinh tế có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; quốc phòng - an ninh được đảm bảo, là phòng tuyến vững chắc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

a) Về kinh tế:

Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 17,7%. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ từ 18 - 20%/năm; công nghiệp từ 20 - 22%/năm; nông nghiệp 6 - 8%/năm.

Tỷ trọng cơ cấu kinh tế trong GDP là: Dịch vụ 59%, công nghiệp - xây dựng 35% và nông, lâm thủy sản 6%.

Thu nhập bình quân đầu người khoảng 10.000 USD.

b) Về xã hội:

Dân số khoảng 177.000 người; tuổi thọ bình quân 78 tuổi; tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp khoảng 24%.

Số lượng bác sĩ đạt 7,2 bác sỹ/vạn dân; số giường bệnh đạt 27,2 giường/vạn dân; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi 8%.

Duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; ít nhất 90% trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo; huy động 100% trẻ 6 tuổi đi học lớp 1; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99%, cấp trung học cơ sở đạt từ 95% trở lên.

c) Về môi trường:

Thu gom xử lý 90 - 100% chất thải rắn sinh hoạt tại khu đô thị, điểm dân cư nông thôn, 100% chất thải rắn và nước thải công nghiệp, 100% chất thải rắn y tế, 70% lượng nước thải tại đô thị đảm bảo chuẩn môi trường. Giảm tiêu hao năng lượng trên GDP đạt 1 - 1,5% mỗi năm; áp dụng công nghệ sạch trong sản xuất đạt trên 50%.

d) Về quốc phòng an ninh:

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và chủ động bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, quyền chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

3. Tầm nhìn đến năm 2030

Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái phát triển thành một trung tâm kinh tế hiện đại, năng động trên vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Là một trong những trung tâm du lịch, trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh và cả nước; là nơi ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất, gắn với phát triển bền vững và đảm bảo môi trường sinh thái. GDP bình quân đầu người khoảng 22.000 USD; tỷ trọng cơ cấu kinh tế trong GDP: Dịch vụ 60%, công nghiệp - xây dựng 37% và nông, lâm thủy sản 3%.

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC

1. Phát triển thương mại, dịch vụ

Thương mại và dịch vụ vận tải được xác định là những hoạt động cốt lõi trong định hướng phát triển của khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Tập trung ưu tiên đẩy mạnh xuất - nhập khẩu và phân phối thiết bị công nghiệp, trữ lạnh, dịch vụ dệt may, thương mại điện tử. Phấn đấu đến năm 2020, thương mại - dịch vụ đạt mức tăng trưởng khoảng 18 - 20%/năm, đóng góp khoảng 240 triệu USD.

Phát triển khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái thành một trong những trung tâm dịch vụ tài chính của tỉnh Quảng Ninh. Ưu tiên phát triển dịch vụ ngân hàng hỗ trợ hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tư vấn giao dịch thương mại và đầu tư phát triển.

2. Phát triển du lịch

Phát triển du lịch thành một trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh và cả nước, với trọng tâm là phát triển du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa kết hợp mua sắm, du lịch biên giới, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời liên kết chặt chẽ tạo các tour du lịch khép kín, liên hoàn giữa Móng Cái với Hạ Long, Vân Đồn, Yên Tử, gắn với cải cách quy trình cấp thị thực, giấy thông hành. Phấn đấu đến năm 2020, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đón khoảng 1,4 triệu lượt khách du lịch, đóng góp khoảng 115 triệu USD trong GDP.

Xây dựng khu mua sắm (với các Outlet) tổng hợp là khâu đột phá trong lĩnh vực du lịch. Đa dạng hóa hình thức hợp tác đầu tư để triển khai xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng du lịch khu vực trung tâm thành phố Móng Cái, khu bãi biển Trà Cổ - Bình Ngọc, khu du lịch đảo Vĩnh Thực, đảo Cái Chiên. Hoàn thiện đề án đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại Khu hợp tác kinh tế song phương; bến, bãi xuất khẩu hàng hóa ở Hải Yên.

3. Phát triển công nghiệp

Phát triển bền vững, có chọn lọc một số ngành công nghiệp, với các trụ cột chính là: Dệt may, chế biến thực phẩm, đồ uống và công nghiệp ô tô.

Mở rộng quy mô ngành dệt may, thu hút các doanh nghiệp dệt may hoạt động ở khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị; tập trung phát triển cụm công nghiệp dệt may tại khu công nghiệp Hải Yên và khu công nghiệp cảng biển Hải Hà; phấn đấu nâng tổng giá trị ngành dệt may của khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái lên 114 triệu USD vào năm 2020.

Tập trung các giải pháp để tiếp cận và thu hút một số nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực sản xuất nước giải khát. Phấn đấu đến năm 2020, các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát đóng góp khoảng 25 triệu USD vào GDP.

Xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn và khu dịch vụ chế biến thủy sản theo quy hoạch; đầu tư các nhà máy chế biến thực phẩm với công nghệ tiên tiến, hiện đại và đảm bảo điều kiện môi trường. Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp chế biến thực phẩm nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp có tiềm lực lớn trong khu vực. Phấn đấu đến năm 2020, ngành chế biến thực phẩm đóng góp khoảng 29 triệu USD vào GDP.

Xây dựng cụm công nghiệp sản xuất linh kiện ô tô với các sản phẩm chính gồm bánh xe, lốp xe và phanh với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Phát triển sản xuất đồ nội thất cao cấp theo nhu cầu thị trường. Thu hút các doanh nghiệp sản xuất thiết bị thông tin liên lạc, sản xuất thiết bị bán dẫn, bản mạch, màn hình tinh thể lỏng (LCD) công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường.

4. Phát triển khu vực nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trong và vật nuôi; phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với một số lĩnh vực có lợi thể của địa phương trên cơ sở hình thành liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - phân phối - tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Phấn đấu đến năm 2020 tăng trưởng khu vực nông nghiệp khoảng 6 - 8%/năm, duy trì diện tích đất lúa theo Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Quảng Ninh. Nâng độ che phủ rừng đạt khoảng 50 - 55%; kết hợp giữa phát triển kinh tế rừng với mục tiêu giảm nghèo bền vững.

5. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội

a) Phát triển nguồn nhân lực:

Tập trung thu hút nhân lực để bù đắp thiếu hụt lao động trong các lĩnh vực: Dịch chuyển lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp do chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; do mở rộng quy mô sản xuất của các ngành kinh tế; thu hút nhân lực từ nơi khác tới làm việc tại khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

Phối hợp với các trung tâm đào tạo, Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm cung cấp các khóa đào tạo tiếng Trung, dệt sợi và cơ khí theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước tại khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái thông qua các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu quản lý ở các cấp; gửi cán bộ tham dự các chương trình đào tạo có chất lượng trong nước và quốc tế; tăng cường tuyển dụng những cán bộ có năng lực và kinh nghiệm từ khu vực tư.

b) Phát triển giáo dục và đào tạo:

Xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng giáo dục ở các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; tổ chức tốt việc phân luồng học sinh, phấn đấu có 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề. Phát triển hệ thống đào tạo nghề gắn với nhu cầu nâng cao tay nghề của lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn đối với những ngành, lĩnh vực then chốt, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Ban hành cơ chế khuyến khích học sinh tại các xã miền núi, hải đảo đến trường nhằm giảm tỷ lệ bỏ học và thu hút học sinh trong độ tuổi theo học trung học phổ thông; củng cố và phát triển hệ bổ túc văn hóa kết hợp học nghề tại các xã miền núi, hải đảo.

c) Phát triển y tế:

Phát triển toàn diện đội ngũ cán bộ và hệ thống y tế nhằm đảm bảo cung cấp hiệu quả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân tại khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Tăng cường thu hút đội ngũ bác sỹ đến làm việc tại các cơ sở y tế trong khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và từng bước nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

d) Phát triển văn hóa, thông tin và thể dục thể thao:

Phát triển văn hóa, thông tin và thể dục thể thao hài hòa với phát triển kinh tế. Từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đồng thời rút ngắn dần sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị với nông thôn, với vùng sâu vùng xa. Đẩy lùi các hủ tục lạc hậu và các mặt tiêu cực khác; duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; phát động các phong trào văn hóa, thể thao toàn diện, rộng khắp.

Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin và thể thao tại các xã phường, thôn, bản nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt về văn hóa tinh thần của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2020, 100% xã, phường có trung tâm - văn hóa thể thao đảm bảo tiêu chuẩn; trên 95% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa; trên 80% thôn, bản, khu phố đạt chuẩn đơn vị văn hóa. Xây dựng hoàn chỉnh trung tâm văn hóa, sân vận động thành phố Móng Cái đạt tiêu chuẩn đô thị loại II.

6. Phát triển khoa học công nghệ

Phát triển khoa học công nghệ theo hướng đẩy nhanh việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ cho các ngành, lĩnh vực là thế mạnh của khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái như nuôi trồng thủy sản, dệt may, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản.

Phấn đấu đổi mới công nghệ với tốc độ bình quân từ 10 - 15%/năm. Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu và triển khai, hợp tác chuyển giao khoa học - công nghệ, xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học - công nghệ đủ về số lượng, có trình độ ngày càng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

7. Phát triển kết cấu hạ tầng

a) Hạ tầng giao thông vận tải:

Đẩy mạnh và tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Tập trung xây dựng hoàn thiện một số dự án lớn trước năm 2020 như: Dự án đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái; tuyến đường bộ ven biển; dự án xây dựng cầu Bắc Luân II; đường dẫn từ cầu Bắc Luân II thuộc quy hoạch vành đai III của thành phố Móng Cái; cáp treo ra đảo Vĩnh Thực; các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm; hệ thống đường thủy Hạ Long - Móng Cái; cảng biển Hải Hà và tuyến đường cao tốc nối liền khu công nghiệp cảng biển Hải Hà với Móng Cái; xây dựng bãi đáp trực thăng. Sau năm 2020 triển khai xây dựng dự án đường sắt Hạ Long - Móng Cái kết nối với Đông Hưng, Trung Quốc.

b) Hạ tầng cấp điện:

Tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp các hạ tầng nguồn điện và lưới điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và điện sinh hoạt. Đảm bảo chất lượng cung cấp điện và an toàn nguồn điện, lưới điện; nghiên cứu bổ sung vào sơ đồ điện VII để thu hút đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà.

c) Hạ tầng cấp, thoát nước và thủy lợi:

Xây dựng các công trình hồ chứa nước, hệ thống thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nước ngọt trên địa bàn để phục vụ nhu cầu dân sinh, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế.

Nâng cấp nhà máy nước thị trấn Quảng Hà; xây dựng bổ sung các trạm cấp nước tại các xã; nhà máy nước trong khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà, nhà máy nước Quất Đông; mạng lưới cấp nước cho các đô thị, khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và thành phố Móng Cái nhằm đảm bảo cấp đủ nước hợp vệ sinh cho 100% dân số khu vực đô thị và 90% dân số khu vực nông thôn theo quy mô đô thị loại II; cấp đầy đủ nước phục vụ nhu cầu sản xuất cho các cơ quan, đơn vị và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Xây dựng và nâng cấp hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị, trong các khu, cụm công nghiệp theo quy mô lưu vực và công suất nước thải của các nhà máy, phù hợp với các dự báo về biến đổi khí hậu, chế độ thủy triều nhằm thuận tiện cho việc cải tạo nâng cấp công trình trong tương lai.

d) Phát triển mạng thông tin liên lạc - bưu chính viễn thông:

Nâng cấp đồng bộ hạ tầng mạng thông tin liên lạc và bưu chính viễn thông; xây dựng các công trình ngầm viễn thông đồng bộ dọc theo các trục đường giao thông. Phát triển kết cấu hạ tầng đảm bảo đáp ứng nhu cầu truyền tải dữ liệu, hỗ trợ cải cách hành chính, cung cấp kết nối internet không dây ở những nơi phát triển dịch vụ công cộng.

8. Phát triển phát triển không gian lãnh thổ

a) Phát triển không gian phân bố các cơ sở dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu, công nghiệp, và tiểu thủ công nghiệp:

Đến năm 2020, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái có không gian là một tâm, hai cánh công nghiệp và các điểm đột phá du lịch. Thành phố Móng Cái, sẽ là trung tâm chính trị, hành chính, thương mại, văn hóa, đồng thời là cánh cửa cho hoạt động giao thương quan hệ thương mại với Đông Hưng, Trung Quốc. Hai cực tăng trưởng kinh tế đồng thời là nguồn cấp điện cho các khu kinh tế gồm khu Công nghiệp Hải Yên và khu công nghiệp cảng biển Hải Hà. Các động lực chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng du lịch là Bãi biển Trà Cổ, Đảo Vĩnh Thực, trung tâm mua sắm tổng hợp theo mô hình outlet cùng với những nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí cao cấp, khu nghỉ dưỡng và các cửa hàng bán lẻ chất lượng cao.

Sau năm 2020, phát triển không gian khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái theo hướng “1 trục - 2 vùng - 3 trung tâm”. Một trục là những trụ cột kinh tế - xã hội của khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; hai vùng là vùng phía Bắc (du lịch sinh thái và nông nghiệp, phát triển nông thôn mới và quốc phòng) và vùng phía Nam (du lịch biển đảo cao cấp và đặc sắc); ba trung tâm là thành phố Móng Cái (trọng tâm phát triển), khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà và trung tâm tổng hợp mới (nằm ở khoảng giữa thành phố Móng Cái và Hải Hà).

b) Phát triển đô thị, mạng lưới các khu dân cư:

Phát triển đô thị khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái thành “thành phố thông minh” thân thiện với môi trường, áp dụng các công nghệ hiện đại vào dịch vụ công. Trung tâm Móng Cái sẽ mở rộng về phía Tây sông Ka Long, tạo nên một khu đô thị mới gọi là khu "Móng Cái mới". Khu đô thị phía Đông sông Ka Long gọi khu "Móng Cái cũ".

Sau năm 2020, phát triển trung tâm Móng Cái ở phía Đông và trung tâm Hải Hà ở phía Tây, phát triển đô thị mới ở giữa trung tâm Móng Cái và trung tâm Hải Hà gọi là trung tâm tổng hợp mới. Sau năm 2025, trung tâm hành chính Móng Cái sẽ chuyển về trung tâm tổng hợp mới.

c) Phát triển không gian lâm nghiệp và dải cây xanh:

Phát triển và quản lý tốt không gian lâm nghiệp; phát triển các dải cây xanh hợp lý, bền vững.

d) Định hướng sử dụng đất năm 2020 và năm 2030:

Định hướng sử dụng đất đến năm 2020 ưu tiên cho quốc phòng an ninh; các cơ sở thương mại, dịch vụ; xây dựng các cơ sở sản xuất công nghiệp; xây dựng đô thị. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên cho xây dựng cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhất là ưu tiên cho chăn nuôi lợn, chăn nuôi bò sữa, trồng rau sạch và sản xuất nông nghiệp tập trung.

9. Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

Xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại các khu công nghiệp; xây dựng nhà máy xử lý rác thải đô thị, chất thải y tế; đồng thời xây dựng kế hoạch di dời các nhà máy có mức phát thải cao, công nghệ lạc hậu ra khỏi các khu dân cư và khu du lịch trọng điểm.

Xây dựng và đầu tư nâng cấp năng lực hệ thống giám sát môi trường; thiết lập quan hệ hợp tác bảo vệ môi trường qua biên giới với thành phố Đông Hưng và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để kiểm soát ô nhiễm (không khí, nước,...) ở khu vực biên giới.

Bảo vệ nghiêm ngặt, không chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ hiện có; tăng cường công tác trồng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng.

10. Định hướng các hoạt động đối ngoại

Tập trung thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, nhất là đối ngoại kinh tế; công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch; công tác phối hợp quản lý biên giới, bảo đảm các hoạt động kinh tế, thương mại, du lịch qua biên giới phát triển lành mạnh, hợp pháp.

Triển khai đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của địa phương ở trong nước và nước ngoài đáp ứng yêu cầu hội nhập và có khả năng dự báo, phân tích tình hình và tham mưu hiệu quả trong công tác đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường công tác phối hợp nhằm thống nhất và hài hòa các thủ tục hải quan qua cửa khẩu thông qua cơ chế phối hợp giữa cơ quan chức năng hai nước, cũng như việc đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh đối với du khách Trung Quốc phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong quan hệ với Trung Quốc cũng như các thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc.

11. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ quốc phòng, an ninh

Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn; xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, quyền và quyền chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

V. DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ (có Phụ lục chi tiết kèm theo)

VI. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Các lĩnh vực ưu tiên phát triển

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ, tập trung vào hệ thống giao thông, hạ tầng dịch vụ thương mại và du lịch, tạo sự kết nối, thúc đẩy và lan tỏa đến các địa phương khác trong tỉnh. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nhằm cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ; xây dựng hệ thống các công trình xử lý nước thải, rác thải nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường.

Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, dạy nghề, phát triển nhanh nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển. Gắn kết giữa phát triển nguồn nhân lực với nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Tiếp tục cải cách hành chính, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế.

2. Huy động vốn và kiện toàn mô hình thực hiện quy hoạch

Khai thác tối đa nguồn vốn từ các thành phần kinh tế để đầu tư các chương trình, dự án hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa nguồn lực công và nguồn lực tư (các dự án PPP).

Thành lập cơ quan xúc tiến đầu tư (IPA) tại khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái nhằm tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư, quảng bá cơ hội và tiếp cận, giới thiệu cơ hội đầu tư tại khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái để tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng. Thành lập đơn vị triển khai quy hoạch chịu trách nhiệm triển khai các chương trình, dự án và các giải pháp để đạt mục tiêu quy hoạch đề ra.

3. Phát triển khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến thực phẩm, thủy hải sản an toàn cho nhân dân.

Thực hiện việc chuyển giao ứng dụng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường nhằm phục vụ đắc lực cho công tác quản nhà nước về bảo vệ môi trường.

4. Liên kết và hợp tác phát triển

Đẩy mạnh hợp tác với các trung tâm kinh tế lớn như Hải Phòng, Hà Nội và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các vùng kinh tế của cả nước nhằm cung cấp dịch vụ thương mại quốc tế kết nối giữa các địa phương trong cả nước với Trung Quốc.

Hợp tác với Đông Hưng và các địa phương khác của Trung Quốc nhằm khai thác thị trường với dân số đông và nền kinh tế đang tăng trưởng. Thí điểm triển khai hợp tác xây dựng khu hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái - Đông Hưng; khai thác các lợi thế về khoảng cách địa lý, thỏa thuận thương mại tự do, chương trình miễn visa và vị trí là cửa ngõ sang Trung Quốc để thu hút đầu tư và thu hút khách du lịch từ các nước ASEAN.

5. Giải pháp bảo đảm quốc phòng - an ninh

Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh; nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng quốc phòng, an ninh vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bổ sung, hoàn chỉnh các quyết tâm, kế hoạch, phương án; đẩy mạnh công tác chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các loại tội phạm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt, tỉnh Quảng Ninh cần tổ chức công bố đến các cấp ủy Đảng và chính quyền, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh về nội dung quy hoạch.

2. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tổ chức giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái với các nhà đầu tư; giới thiệu các chương trình, dự án cần ưu tiên đầu tư, trong đó chú trọng kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm tạo ra những sản phẩm chủ lực.

3. Xây dựng chương trình hành động và cụ thể hóa các mục tiêu quy hoạch được phê duyệt bằng kế hoạch hàng năm để thực hiện.

Điều 2. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sau khi được phê duyệt là cơ sở để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh:

1. Chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư, quy hoạch xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái phù hợp với nội dung quy hoạch này nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa các loại quy hoạch trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai các chương trình, dự án trọng điểm gắn với việc huy động có hiệu quả nguồn lực thực hiện.

2. Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tăng cường thu hút các nhà đầu tư và chủ động nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái theo quy hoạch được phê duyệt.

3. Nghiên cứu thành lập cơ quan xúc tiến đầu tư (IPA) và đơn vị triển khai quy hoạch tại khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 3. Các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm:

1. Hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện Quy hoạch.

2. Phối hợp với tỉnh Quảng Ninh trong việc nghiên cứu và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các mục tiêu quy hoạch đề ra trong bối cảnh hội nhập.

3. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án theo nhiệm vụ được giao trên địa bàn có vai trò quan trọng và là động lực đối với sự phát triển của khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và tỉnh Quảng Ninh đã được quyết định đầu tư.

4. Giải quyết có hiệu quả công việc có liên quan theo chức năng nhiệm vụ để giúp tỉnh Quảng Ninh, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái hoàn thành mục tiêu quy hoạch được phê duyệt.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (3b).Q

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ KHU KINH TẾ CỬA KHẨU MÓNG CÁI, TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

TÊN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

I

HẠ TẦNG GIAO THÔNG

1

Đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái và đường dẫn.

2

Đường bộ ven biển Hải Hà - Móng Cái, Hạ Long - Cẩm Phả.

3

Đường sắt Hải Hà - Móng Cái (kết nối khu công nghiệp cảng biển Hải Hà với cảng Phòng Thành - Trung Quốc).

4

Đường vành đai biên giới Hải Hà - Móng Cái; nâng cấp các tuyến đường nối đường tuần tra với các cột mốc biên giới; nâng cấp các cảng quốc phòng trên các đảo kết hợp phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng; hệ thống đường vào căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương của Móng Cái.

5

Bãi đáp trực thăng (dân sự và quân sự).

6

Đường Hải Tiến - Pò Hèn - Bắc Phong Sinh; đường Quảng Nghĩa - Nga Bát.

7

Nâng cấp tuyến đường từ Móng Cái - Trà Cổ.

8

Đường ven biển Trà Cổ - Bình Ngọc.

9

Nâng cấp, mở rộng cảng Vạn Gia.

10

Đường giao thông xuyên đảo Vĩnh Thực, Cái Chiên.

11

Cáp treo ra đảo Vĩnh Thực.

II

HẠ TẦNG ĐÔ THỊ, ĐIỆN, CẤP NƯỚC, THOÁT NƯỚC, THỦY LỢI

1

Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước tại Móng Cái, Hải Hà.

2

Xây dựng nhà máy nước: Hồ Tràng Vinh, Quất Đông, nhà máy nước trong khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà.

3

Xây dựng trạm cấp nước sạch (nước hợp vệ sinh): Quảng Minh, Quảng Phong, Cái Chiên, Vĩnh Thực, Tràng Vinh, Tài Chi.

4

Phát triển mạng lưới cấp nước cho các đô thị khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà và thành phố Móng Cái.

5

Xây dựng, nâng cấp hệ thống hồ chứa, kênh thủy lợi trên địa bàn.

6

Xây dựng hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải và các trạm bơm nước thải.

7

Xây dựng, nâng cấp hệ thống đê Hải Xuân, Bình Ngọc, Hải Tiến, Hải Đồng, Vĩnh Thực, Vĩnh Trung,., các tuyến bờ kè biển tại Móng Cái, Hải Hà.

8

Đầu tư hệ thống kênh thủy lợi cấp nước phục vụ nuôi trồng thủy sản.

9

Xây dựng khu xử lý rác thải tại các xã đảo và các xã biên giới.

10

Triển khai hạ tầng các khu đô thị mới.

11

Nâng cấp, cải tạo hạ tầng đô thị tại Trà Cổ, Bình Ngọc, Hải Hòa, Ninh Dương, Hải Yên và thị trấn Hải Hà.

12

Xây dựng cơ sở hạ tầng (đường, điện, nước) kết nối khu hợp tác kinh tế biên giới tại Móng Cái; xây dựng khu hợp tác biên giới Móng Cái.

13

Xây dựng nhà máy nhiệt điện 2.000 MW tại khu công nghiệp Hải Hà.

14

Nâng cấp cơ sở hạ tầng điện trên toàn địa bàn (lưới điện và các trạm biến thế) và trên đảo Vĩnh Thực.

15

Nâng cấp cơ sở hạ tầng (đường, điện) cho các xã nông thôn mới.

III

THƯƠNG MẠI

1

Thu hút nhà đầu tư kho lạnh.

2

Trung tâm hội chợ, triển lãm quốc tế Móng Cái.

IV

DỊCH VỤ

1

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu du lịch quốc gia Trà Cổ

2

Xây dựng khu mua sắm tổng hợp Outlet tại khu vực bãi biển Trà Cổ.

3

Củng cố hệ thống lưu trú, bổ sung các khách sạn 3 và 4 sao tại các khu, điểm du lịch.

V

NÔNG, LÂM, THỦY SẢN

1

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào chăn nuôi, trồng trọt.

2

Xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, ở các xã là vùng chuyên môn hóa.

3

Phát triển các khu chăn nuôi lợn tập trung theo hướng công nghiệp gắn với vùng an toàn dịch bệnh và đảm bảo môi trường sinh thái, gồm lợn thịt, lợn nái Móng Cái.

VI

CÔNG NGHIỆP

1

Thu hút doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô.

2

Thu hút các nhà đầu tư đồ uống.

3

Thu hút doanh nghiệp trong ngành dệt may.

VII

Y TẾ

1

Xây dựng các trạm y tế lưu động hỗ trợ cho các xã vùng sâu vùng xa.

2

Mở rộng công suất và nâng cao trang thiết bị, cơ sở hạ tầng của bệnh viện đa khoa khu vực tại Móng Cái và Hải Hà; xây dựng bệnh viện quốc tế Móng Cái.

VIII

VĂN HÓA, THỂ THAO

1

Đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa thông tin cơ sở cho các xã/phường/thị trấn trên địa bàn khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

2

Đầu tư nâng cấp, xây dựng hiện đại hóa hệ thống đài phát thanh và truyền thanh từ cấp thành phố đến cấp cơ sở tại Móng Cái và 9 xã huyện Hải Hà.

3

Khu Liên hợp thể thao văn hóa đảm bảo đủ năng lực tổ chức các hoạt động thể dục thể thao đối nội và đối ngoại tại Móng Cái.

4

Xây dựng công viên cây xanh phục vụ nghỉ ngơi, ngắm cảnh của nhân dân tại Móng Cái và Hải Hà.

IX

KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

1

Xây dựng trung tâm thông tin và sàn giao dịch khoa học công nghệ nhằm quảng bá thông tin, kết nối cung - cầu về khoa học công nghệ.

Ghi chú: Vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ./.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1226/QĐ-TTg ngày 31/07/2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.874

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.191.214
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!