Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 07-TT-TĐ định phương hướng danh hiệu tiêu chuẩn thi đua đẩy mạnh tổ chức lãnh đạo thi đua ngành thể dục thể thao

Số hiệu: 07-TT-TĐ Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Uỷ ban Thể dục Thể thao Người ký: Nguyễn Văn Quạn
Ngày ban hành: 09/09/1964 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN THỂ DỤC THỂ THAO
*******

Số: 07-TT-TĐ

 

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 1964

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH PHƯƠNG HƯỚNG, NỘI DUNG, DANH HIỆU VÀ TIÊU CHUẨN THI ĐUA, ĐẨY MẠNH TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO THI ĐUA CỦA NGÀNH THỂ DỤC THỂ THAO TRONG CAO TRÀO "THI ĐUA MỖI NGƯỜI LÀM VIỆC BẰNG HAI"

ỦY BAN THỂ DỤC THỂ THAO

Kính gửi:

Ban thể dục thể thao các khu, thành, tỉnh
Các đơn vị trực thuộc,

Đồng kính gửi:

Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh,

 

Chính phủ đã ra chỉ thị phát động cao trào "thi đua mỗi người làm việc bằng hai; ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam". Việc phát động cao trào này có ý nghĩa rất quan trọng về mặt chính trị, kinh tế và tư tưởng, có tác dụng lớn đối với việc thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1964 và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Đối với ngành thể dục thể thao, cao trào "thi đua mỗi người làm việc bằng hai" lại càng có ý nghĩa quan trọng trong lúc chúng ta đang quyết tâm thi đua thực hiện những phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác của năm 1964, phấn đấu lập nhiều thành tích tiến tới Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ nhất vào cuối năm 1965.

Để chỉ đạo đẩy mạnh phong trào tiến lên, Ủy ban Thể dục thể thao vạch rõ mục tiêu, phương hướng; nội dung và những biện pháp lớn về tổ chức động viên phòng trào thi đua để Ban Thể dục thể thao các cấp, các ngành, các đơn vị trực thuộc vận dụng vào đặc điểm tình hình và phong trào của đơn vị, của địa phương mình mà đẩy mạnh công tác thi đua ngành thể dục thể thao tiến lên một khí thế mới trong cao trào "thi đua mỗi người làm việc bằng hai"

I. MỤC TIÊU VÀ PHƯƠNG HƯỚNG THI ĐUA

Trong phong trào thi đua chung hiện nay, cơ quan thể dục thể thao các cấp cần chuyển biến mạnh mẽ, kịp thời nắm lấy thời cơ lãnh đạo phong trào thi đua của ngành tiến lên một bước mới, đưa việc luyện tập thể dục thể thao của quần chúng thành một phong trào sâu rộng và có chất lượng.

Trong việc lãnh đạo thi đua cần nhận rõ ý nghĩa chính trị của phong trào một cách sâu sắc là: "vì sức khỏe của nhân dân lao động trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, củng cố quốc phòng, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc" nên trong phong trào thi đua các cấp cần lãnh đạo tốt công tác tổ chức, công tác tư tưởng, đẩy mạnh tinh thần tự cường dân tộc, tinh thần tự lực cánh sinh, tinh thần dũng cảm, hăng hái, kiên trì phấn đấu rèn luyện vươn lên đạt nhiều thành tích kỷ lục cao, phục vụ đắc lực cho sản xuất, công tác học tập và bảo vệ tổ quốc, thống nhất đất nước.

Để phấn đấu đạt mục tiêu trên, phương hướng thi đua chung từ nay cho đến hết năm 1965 năm kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất là:

1. Tiếp tục xây dựng, phát triển phong trào một cách rộng khắp hơn nữa, cương quyết mở rộng đến đâu củng cố vững chắc đến đó, đưa những nơi phong trào còn yếu thành phong trào khá, đưa diện có phong trào khá tiến lên phong trào tiên tiến. Trong khâu mở rộng, ngoài việc xây dựng củng cố phong trào trong công, nông nghiệp, quân đội, cơ quan, cần đặc biệt chú trọng phong trào trong trường học,

2. Quyết tâm phấn đấu đưa phong trào tiến lên đạt nhiều thành tích kỷ lục cao, có kế hoạch nâng cao từng bước, có trọng điểm các môn thể thao hiện đại, thể thao dân tộc và thể thao quốc phòng thích hợp với từng địa phương. Trong khâu nâng cao phải chú trọng xây dựng các trường thanh thiếu niên nghiệp dư, xây dựng các đội đại biểu từ cơ sở lên, làm hạt nhân thúc đẩy phong trào mở rộng của quần chúng, tiêu biểu cho nền thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa, làm tròn nhiệm vụ chính trị về đối ngoại trong lĩnh vực thể dục thể thao, trước mắt là giành nhiều thành tích kỷ lục xứng đáng tiến tới Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lấn thứ nhất cuối năm 1965.

3. Đẩy mạnh phong trào thi đua tập thể, quyết tâm và có kế hoạch xây dựng nhiều loại đơn vị điển hình, đơn vị lá cờ đầu, làm đầu tầu thích hợp cho từng đối tượng: nông thôn, xí nghiệp, cơ quan, trường học và cho các tổ; đội thể dục thể thao. Trên cơ sở đó mà tổ chức phát động các phòng trào "thi đua học tập đuổi kịp, và vượt các đơn vị lá cờ đầu" phấn đấu đạt tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua "đơn vị thể dục thể thao tiên tiến"; "đơn vị thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa"; "đội thể dục thể thao tiên tiến"; "đội thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa" để động viên, cổ vũ, thúc đẩy phong trào chung.

II. NỘI DUNG THI ĐUA.

Để thực hiện tốt phương hướng trên, công tác thi đua hiện nay cần chú trọng mấy nội dung chính sau đây:

1. Tiếp tục mở rộng có trọng điểm các hoạt động thể dục thể thao và thể thao quốc phòng ở các cơ sở. Thi đua thực hiện tốt hơn nữa "chế độ rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn" xây dựng được nhiều tổ rèn luyện có chất lượng trong các cơ sở sản xuất, công tác, trường học. Đồng thời phát triển nâng cao hơn nữa chế độ tập thể dục giữa giờ, đưa động tác thể dục giữa giờ phục vụ thích ứng với hoàn cảnh sản xuất và công tác. Tích cực đẩy mạnh hơn nữa phong trào luyện tập các môn thể thao quốc phòng, nhất là môn bắn súng, thể dục quân sự để góp phần vào nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.

2. Thi đua nghiên cứu, học tập và vận dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, kết hợp với đặc điểm Việt Nam vào công tác huấn luyện thi đấu. Tích cực thực hiện tốt chế độ phân cấp vận động viên và trọng tài. Qua thực hiện huấn luyện, thi đấu mà sáng tạo chiến thuật, kỹ thuật thích hợp với đặc điểm dân tộc, địa lý và con người nước ta. Trong việc nâng cao phải hết sức coi trọng khâu huấn luyện đi dần vào nề nếp có khoa học, tạo điều kiện nâng cao chất lượng một cách nhanh chóng cho phong trào.

3. Hết sức coi trọng công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, huấn luyện viên và trọng tài chuyên nghiệp và nghiệp dư, trong đó cần khắc phục những thiếu sót về mặt bồi dưỡng và quản lý cán bộ, trọng điểm là cán bộ chuyên nghiệp. Đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo huấn luyện viên có trình độ trung cấp và cao cấp riêng từng môn; đồng thời mở rộng màng lưới đào tạo cán bộ sơ cấp, tổ trưởng rèn luyện, để có đủ cán bộ có chất lượng cung cấp cho nhu cầu mở rộng và nâng cao không ngừng thi đua xây dựng, củng cố và cải tiến tổ chức, phát huy nhiệt tình cách mạng của cán bộ, huấn luyện viên và trọng tài. Xây dựng tác phong công tác, cải tiến lề lối làm việc, làm cho bộ máy thể dục thể thao các cấp đủ năng lực lãnh đạo phong trào.

4. Thi đua học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, trình độ chính trị, rèn luyện đạo đức tác phong thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa cho cán bộ và vận động viên. Đề cao tinh thần tự lực cánh sinh, dựa vào quần chúng, khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện, dụng cụ, sân bãi cho phong trào.

5. Hết sức coi trọng công tác tổng kết về các mặt để rút ra những kinh nghiệm thực tiễn trong việc mở rộng và nhất là nâng cao phong trào trong những năm qua. Công tác tổng kết là một nội dung thi đua quan trọng, cần thực hiện có kế hoạch, có trọng điểm, đảm bảo chất lượng, cần làm thật tốt từ nay đến năm 1965.

III. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC, CHỈ ĐẠO ĐỘNG VIÊN PHONG TRÀO THI ĐUA.

Căn cứ vào đặc điểm tình hình và phong trào thi đua những năm qua của ngành thể dục thể thao. Ủy ban nêu lên những vấn đề sau đây thuộc về biện pháp tổ chức động viên thi đua, đặng đẩy mạnh khí thế chung của phong trào.

1. Về danh hiệu thi đua.

Thi hành nghị định 104-CP ngày 18-7-1963 của Chính phủ ban hành điều lệ quy định các danh hiệu và tiêu chuẩn thi đua; sau một thời gian nghiên cứu chỉ đạo thực hiện bản dự thảo về danh hiệu và tiêu chuẩn thi đua cho các đơn vị và cá nhân; đến nay, xét đặc điểm của hoạt động thể dục thể thao kết hợp với phong trào thi đua chung, Ủy ban Thể dục thể thao đã trình lên Chính phủ quy định chính thức và thống nhất các danh hiệu thi đua sau đây:

a) Đối với những đơn vị như xã, hợp tác xã, công, nông lâm trường, trường học, cơ quan, xí nghiệp thì có hai danh hiệu:

- Đơn vị thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa (tương ứng với đơn vị lao động xã hội chủ nghĩa của các ngành);

- Đơn vị thể dục thể thao tiên tiến (tương ứng với đơn vị lao động tiên tiến)

b) Đối với các tổ, đội thể dục thể thao như tổ rèn luyện đội thể dục, các đội thể thao hiện đại, thể thao quốc phòng, thể thao dân tộc … thì có hai danh hiệu:

- Tổ, đội thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa (tương ứng với tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa);

- Tổ, đội thể dục thể thao tiên tiến (tương ứng với các tổ, đội lao động tiên tiến)

c) Đối với cá nhân (bao gồm các cán bộ chỉ đạo phong trào, các huấn luyện viên, hướng dẫn viên, giáo viên thể dục thể thao, các vận động viên, và những cá nhân tích cực trong phong trào …) thì có hai danh hiệu:

- Chiến sĩ thi đua thể dục thể thao (tương ứng với danh hiệu chiến sĩ thi đua các ngành)

- Cá nhân tiên tiến thể dục thể thao (tương ứng với lao động tiên tiến của các ngành)

2. Tiêu chuẩn thi đua cho từng loại danh hiệu.

Có bản phụ lục quy định tiêu chuẩn thi đua cụ thể cho từng loại danh hiệu kèm theo. Trong khi vận dụng cần quán triệt tinh thần của nội dung các tiêu chuẩn là :

- Hoạt động thể dục thể thao là một hoạt động có tính chất quần chúng, nhưng lại là một hoạt động khoa học kỹ thuật, nên phải lấy tiêu chuẩn chuyên môn về thể dục thể thao làm tiêu chuẩn chủ yếu, đối với đơn vị thì phải đạt thành tích xuất sắc, về phấn đấu khắc phục khó khăn xây dựng và phát triển phong trào mở rộng và nâng cao một cách cụ thể theo chỉ tiêu quy định; đối với tổ đội và cá nhân phải đạt thành tích về rèn luyện nâng cao kỹ thuật, có thành tích kỷ lục xứng đáng, chứ không nhìn nhận đánh giá chung chung trừu tượng.

- Đồng thời phải đề cao tiêu chuẩn về chính trị, đối với tổ đội và cá nhân phải chú trọng đầy đủ về mặt đạo đức tác phong thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa, ý thức tổ chức kỹ luật, tinh thần cần cù, giản dị, tinh thần đấu tranh đoàn kết, ý thức học tập, sinh hoạt chính trị, đối với đơn vị phải đề cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng phong trào, củng cố tổ chức, dựa vào quần chúng mà xây dựng cơ sở vật chất.

- Đối với diện nghiệp dư, thành tích chuyên môn về thể dục thể thao lại phải gắn liền với thành tích sản xuất và công tác, phải đạt được thành tích nhất định về mặt sản xuất và công tác. Một cá nhân, một đơn vị dù có thành tích xuất sắc bao nhiêu về mặt thể dục thể thao, nhưng nếu mặt công tác và sản xuất còn kém thì vẫn chưa nên xét công nhận danh hiệu về thể dục thể thao.

3. Thủ tục, quyền hạn công nhận đăng ký và công nhận danh hiệu cho các đơn vị tập thể.

Qua các đợt sơ kết, tổng kết phong trào Ban Thể dục thể thao các cấp cần tiến hành kịp thời việc xét cho đăng ký và đề nghị công nhận danh hiệu thi đua cho các đơn vị, tổ, đội theo đúng thủ tục mà Nhà nước đã quy định, áp dụng cụ thể vào ngành thể dục thể thao, Ủy ban sẽ có hướng dẫn cụ thể thêm. Về quyền hạn công nhận đăng ký và công nhận danh hiệu thì:

a) Đối với các đơn vị thể dục thể thao tiên tiến và tổ, đội thể dục thể thao tiên tiến.

- Do thủ trưởng cơ quan, đơn vị cơ sở, do Ủy ban hành chính huyện. Liên hiệp Công đoàn tỉnh, thành thống nhất cùng Ban Thể dục thể thao tỉnh, thành xét công nhận cho đăng ký phấn đấu.

- Do Ủy ban hành chính huyện, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cơ sở, Liên hiệp Công đoàn tỉnh, thành, sau khi thống nhất với Ban Thể dục thể thao tỉnh, thành đề nghị lên Ủy ban hành chính tỉnh, thành công nhận danh hiệu.

b) Đối với các đơn vị thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa và tổ, đội thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa.

- Do Ban Thể dục thể thao tỉnh, thành sau khi thống nhất với Ủy ban hành chính huyện, thủ trưởng các đơn vị cơ sở, và Liên hiệp Công đoàn tỉnh, thành đề nghị lên Ủy ban hành chính tỉnh, thành cho đăng ký phấn đấu.

- Do Ủy ban hành chính tỉnh, thành (sau khi trao đổi thống nhất với Ủy ban Thể dục thể thao) sẽ cùng Ủy ban Thể dục thể thao đề nghị lên Hội đồng Chính phủ công nhận danh hiệu.

Sau khi được chính thức công nhận danh hiệu, Ban Thể dục thể thao các cấp cần quan hệ chặt chẽ với Phòng Thi đua Ủy ban hành chính tỉnh, thành để thực hiện tốt việc xét giấy khen, bằng khen các cấp, và việc thưởng "cờ danh hiệu thi đua" thưởng tiền hay hiện vật theo nghị định số 80-CP ngày 13-5-1964 của Hội đồng Chính phủ quy định về chế độ thưởng thi đua.

Đối với toàn ngành, Ủy ban Thể dục thể thao cứ hai năm một lần sẽ chọn trong số những đơn vị thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa, đơn vị nào có thành tích xuất sắc nhất, toàn diện và tiêu biểu nhất, có tác dụng dẫn đầu toàn ngành, được trao "cờ luân lưu" của Chính phủ, hoặc "cờ tổng kết thi đua" của Ủy ban.

4. Tiến hành hội nghị cá nhân tiên tiến trong phong trào thể dục thể thao (mà hiện nay đang tạm gọi là hội nghị những người tích cực, sau này sẽ thống nhất gọi là hội nghị cá nhân tiên tiến).

a) Hiện nay, theo quy định của Ban Thi đua trung ương, các ngành sản xuất và sự nghiệp đang chuẩn bị tiến hành hội nghị "những người đạt 3 cao điểm" (năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều…) từ cơ sở lên. Vận dụng vào đặc điểm phong trào thể dục thể thao, Ủy ban quy định:

- Hàng năm từ cơ sở mà lên, trong khi tổng kết phong trào, cần làm luôn hội nghị những cá nhân tiên tiến theo nề nếp: xã chọn cá nhân tiên tiến đi hội nghị cá nhân tiên tiến của huyện, trong hội nghị huyện sẽ chọn ra những người có thành tích xuất sắc nhất đi dự hội nghị cá nhân tiên tiến của tỉnh, thành. Hai năm một lần, tỉnh, thành sẽ mở hội nghị cá nhân tiên tiến và sẽ chọn người có thành tích xuất sắc tiêu biểu cho toàn tỉnh để chuẩn bị đi dự Đại hội cá nhân tiên tiến của toàn ngành.

- Cứ hai năm một lần, Ủy ban Thể dục thể thao sẽ mở Đại hội những cá nhân tiên tiến trong phong trào thể dục thể thao toàn ngành, để chọn ra những "chiến sĩ thi đua thể dục thể thao toàn ngành".

b) Các hội nghị cá nhân tiên tiến các cấp nên đặt việc tổng kết kinh nghiệm, sáng kiến làm nội dung chủ yếu, dành nhiều công sức và thời gian làm cho tốt, đem lại tác dụng thiết thực cho phong trào. Còn mặt liên hoan mừng công nên chỉ đặt ra với mức độ cần thiết, tránh hình thức tốn kém.

c) Trong hội nghị cá nhân tiên tiến cấp nào thì cơ quan thể dục thể thao và Ủy ban hành chính cấp đó xét luôn việc khen và thưởng tùy theo mức độ thành tích. Đối với những người có thành tích xuất sắc tiêu biểu của tỉnh do hội nghị tỉnh chọn ra, nếu có thành tích xứng đáng thì đề nghị lên Ủy ban Thể dục thể thao cấp giấy khen hoặc bằng khen. Đối với chiến sĩ thi đua thể dục thể thao toàn ngành, Ủy ban Thể dục thể thao sẽ căn cứ vào đề nghị của Ủy ban hành chính tỉnh, thành để xét công lao mà khen thưởng, hoặc đề nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Nước khen hoặc tặng thưởng huân chương.

d) Trước mắt, đề nghị các địa phương xúc tiến tốt việc mở hội nghị những người tích cực của tỉnh, thành, ngành để đến cuối năm có thể mở được Đại hội toàn miền Bắc, đặng chọn ra những điển hình tiêu biểu, kịp thời bồi dưỡng thành "chiến sĩ thi đua thể dục thể thao của toàn ngành" chuẩn bị đi dự Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1965, năm kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (theo thông tư số 04 ngày 10-5-1964 của Ủy ban đã hướng dẫn).

5. Tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng và đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, đuổi kịp và vượt các đơn vị lá cờ đầu.

a) Xác nhận đơn vị lá cờ đầu.

Quá trình xây dựng và phát triển phong trào, đã xuất lộ nhiều đơn vị có thành tích xuất sắc, đã và đang có tác dụng dẫn đầu. Ủy ban Thể dục thể thao xác nhận và phát động phong trào "thi đua học tập, quyết đuổi kịp và vượt các đơn vị lá cờ đầu" cho từng đối tượng sau đây một cách có kế hoạch, có chỉ đạo, đảm bảo chất lượng, nhằm thúc đẩy phong trào thi đua tập thể tiến lên xây dựng được nhiều đơn vị lá cờ đầu cho từng môn, từng địa phương và cho toàn ngành.

- Đối với các xã đồng bằng và trung du thì tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua với xã Nghĩa Phú, các xã miền núi thì thi đua với xã Lập Chiêng.

- Đối với các xí nghiệp công nghiệp thì tiếp tục thi đua với Xí nghiệp may 10;

- Đối với các trường học thì thi đua với trường phổ thông cấp II Tán Thuật.

b) Bồi dưỡng và phát huy tác dụng của đơn vị lá cờ đầu.

Những lá cờ đầu như Lập Chiêng, Nghĩa Phú, Xí nghiệp may 10, trường Tán Thuật là những điển hình mà hai năm qua Ủy ban và các địa phương tuy đã xúc tiến việc giao ước thi đua nhưng thực tế, việc chỉ đạo chưa được cụ thể, nên tác dụng bị hạn chế, nhân đợt phát động cao trào thi đua này, Ủy ban lưu ý các Ban Thể dục thể thao, các đơn vị mấy vấn đề sau đây:

- Ban Thể dục thể thao các địa phương có đơn vị lá cờ đầu, có nhiệm vụ theo sát các đơn vị đó chỉ đạo phát huy ưu điểm đã đạt, khắc phục nhanh chóng những mặt còn yếu để trong một thời gian ngắn có thể xét việc đề nghị cho đăng ký phấn đấu, tiến tới được công nhận là "đơn vị thể dục thể thao tiên tiến", "đơn vị thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa".

- Vụ Tổ chức tuyên giáo, cơ quan báo chí xuất bản Y học thể dục thể thao, Ban Thể dục thể thao các cấp cần có kế hoạch tuyên truyền, nêu bật thành tích từng mặt của các đơn vị lá cờ đầu khêu gợi, động viên các cơ sở hưởng ứng sôi nổi phong trào thi đua học tập, đuổi kịp và vượt các đơn vị lá cờ đầu.

- Ban Thể dục thể thao các địa phương khác cần tổ chức hướng dẫn cho các đối tượng trong địa phương mình lập giao ước thi đua, vạch chỉ tiêu phấn đấu, tổ chức gặp gỡ tham quan trao đổi kinh nghiệm với bốn đơn vị lá cờ đầu, với nội dung thiết thực, có tác dụng thực tế trong việc đẩy mạnh phong trào thi đua tập thể của địa phương mình.

- Trong công tác chỉ đạo chuyên môn xây dựng lực lượng của các bộ môn thể dục thể thao ở trung ương cũng như các tỉnh, thành, phải thường xuyên lồng công tác thi đua vào kế hoạch chỉ đạo chuyên môn của mình, từng bộ môn cần phối hợp chặt chẽ với tổ chức thi đua các cấp, đi sâu vào phong trào thi đua của cơ sở, của các đội trong bộ môn, quyết tâm bồi dưỡng xây dựng được những tổ đội xuất sắc, có tác dụng dẫn đầu phong trào thi đua của từng bộ môn, tiến tới xác nhận là đội lá cờ đầu của từng môn.

Trước mắt, Ủy ban Thể dục thể thao đã phát động phong trào thi đua học tập đội bóng chuyền nữ Nông trường Rạng đông (Nam Định). Ban Thể dục thể thao các cấp cần nghiên cứu kỹ để phát động cuộc thi đua học tập lẫn nhau trong bộ môn bóng chuyền đạt kết quả, làm đà thúc đẩy phong trào thi đua của tổ, đội các môn khác.

Trên đây là mục tiêu, phương hướng và nội dung công tác thi đua của ngành thể dục thể thao, nhằm đưa việc lãnh đạo thi đua vào nề nếp, đưa phong trào tiến lên một khí thế mới trong cao trào "mỗi người làm việc bằng hai" Uỷ ban lưu ý Ban Thể dục thể thao các cấp cần phải quan hệ chặt chẽ với cơ quan thi đua địa phương, phân công cán bộ chuyên trách thi đua để theo dõi chỉ đạo sít sao phong trào, củng cố lại nề nếp công tác và tổ chức thi đua, thường xuyên báo cáo, thỉnh thị và trao đổi kinh nghiệm về Ủy ban.

Ủy ban Thể dục thể thao đề nghị Uỷ ban hành chính các tỉnh, thành, khu quan tâm hơn nữa đối với phong trào thi đua của ngành thể dục thể thao, trực tiếp chỉ đạo và giúp đỡ Ban Thể dục thể thao các tỉnh, thành, khu thực hiện đúng mục tiêu, phương hướng, nội dung, cũng như thủ tục, nề nếp trong công tác thi đua khen thưởng hiện nay mà Chính phủ và Uỷ ban Thể dục thể thao đã hướng dẫn.

 

 

K.T. CHỦ NHIỆM
UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO
PHÓ CHỦ NHỆM




Nguyễn Văn Quạn

 

PHỤ LỤC

QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN CHO CÁC DANH HIỆU THI ĐUA NGÀNH THỂ DỤC THỂ THAO

I. ĐƠN VỊ THỂ DỤC THỂ THAO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA.

1. Hoàn thành vượt mức, toàn diện và có chất lượng các chỉ tiêu kế hoạch thể dục thể thao và thể thao quốc phòng đã quy định: có thành tích xây dựng phong trào thể dục vệ sinh, thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ một các thường xuyên liên tục đạt tỷ lệ quy định. Đưa phong trào "rèn luyện thân thể" theo tiêu chuẩn thành phong trào quần chúng, xây dựng được nhiều tổ rèn luyện thân thể có chất lượng. Có kế hoạch phát triển và đạt thành tích khá về nâng cao kỹ thuật cho một số môn thể thao thích hợp. Có thành tích đưa hoạt động thể dục thể thao trực tiếp phục vụ cho quốc phòng, cho lao động sản xuất và công tác và công tác của đơn vị có hiệu suất rõ rệt.

2. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các tổ chức quần chúng tiến hành tốt công tác vận động, giáo dục, tổ chức và quản lý duy trì phong trào. Nêu cao ý thức và có thành tích về tự lực cánh sinh cần kiệm xây dựng cơ sở vật chất. Có kế hoạch quản lý, bồi dưỡng và sử dụng tốt lực lượng cán bộ nghiệp dư.

3. Những "đơn vị thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa" phải là những "đơn vị lao động tiên tiến" hay ít nhất cũng phải là một đơn vị có thành tích khá về mặt sản xuất, công tác, học tập.

II. ĐƠN VỊ THỂ DỤC THỂ THAO TIÊN TIẾN.

Phải đạt ba tiêu chuẩn của một đơn vị thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa, nhưng với mức độ thấp hơn, cụ thể là:

1. Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch thể dục thể thao và thể thao quốc phòng đã quy định: đưa phong trào thể dục vệ sinh, thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ thành một phong trào quần chúng; xây dựng được các tổ rèn luyện thân thể có kế hoạch luyện tập tốt. Có thành tích nâng cao kỹ thuật cho một số môn thể thao thích hợp.

2. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức và duy trì phong trào. Biết phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, dựa vào quần chúng xây dựng cơ sở vật chất cho đơn vị.

3. Một "đơn vị thể dục thể thao tiên tiến" phải là một đơn vị có thành tích khá về sản xuất, công tác, học tập.

III. TỔ HAY ĐỘI THỂ DỤC THỂ THAO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA.

1. Hoàn thành vượt mức, toàn diện, và đạt nhiều thành tích xuất sắc các chỉ tiêu phấn đấu của tổ, đội. Phải là một tổ rèn luyện thân thể tốt, hay từng cá nhân trong tổ, đội tích cực tham gia rèn luyện thân thể có chất lượng. Mọi người gương mẫu dẫn đầu trong phong trào thể dục vệ sinh, thể dục buổi sáng và thể dục giữa giờ, toàn tổ, đội hăng hái kiên trì rèn luyện nâng cao kỹ thuật, tích cực học tập và biết vận dụng khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm tiên tiến một cách sáng tạo vào trong tập luyện và thi đấu, đem lại thành tích kỷ lục nhất định cho tổ, đội, có tác dụng dẫn đầu tàu đối với các đơn vị bạn.

2. Nêu gương đạo đức, tác phong thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa. Hăng hái học tập chính trị, văn hóa và nghiệp vụ. Nêu cao tinh thần cần kiệm tự lực cánh sinh, phát huy tinh thần tập thể, ý thức tổ chức kỷ luật trong luyện tập thi đấu, thường xuyên giữ vững sinh hoạt chính trị, đấu tranh đoàn kết để xây dựng tổ, đội lớn mạnh. Toàn tổ phải có ít nhất 2/3 là "cá nhân tiên tiến thể dục thể thao", số còn lại không có người kém.

3. Một "tổ, đội thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa" phải là "một tổ, đội lao động tiên tiến" hay ít nhất cũng phải là một tổ, đội có thành tích khá về sản xuất, công tác, học tập. Nếu tổ, đội thể dục thể thao do nhiều đơn vị sản xuất, công tác hợp thành thì đòi hỏi phải có nửa là "lao động tiên tiến"

IV. TỔ HAY ĐỘI THỂ DỤC THỂ THAO TIÊN TIẾN

Phấn đấu đạt các tiêu chuẩn của một tổ, đội thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa nói trên, nhưng với mức độ thấp hơn:

1. Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phấn đấu của tổ, đội. Toàn tổ tham gia tốt phong trào thể dục vệ sinh, thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn. Chịu khó học tập, vận dụng khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm tiên tiến vào trong luyện tập thi đấu, đem lại thành tích kỷ lục nhất định cho tổ, đội.

2. Nêu cao đạo đức tác phong thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa, hăng hái học tập, giữ vững sinh hoạt, phát huy tinh thần tập thể, ý thức cần kiệm tự lực cánh sinh, tinh thần đấu tranh đoàn kết để xây dựng tổ, đội. Trong tổ, đội không còn người kém và ít nhất phải có nửa là "cá nhân tiên tiến thể dục thể thao ".

3. Một "tổ đội thể dục thể thao tiên tiến" phải là một tổ, đội có thành tích về sản xuất công tác. Nếu do nhiều đơn vị hợp thành thì đòi hỏi phải có 1/3 số người là "lao động tiên tiến "về sản xuất, công tác hay học tập.

V. CHIẾN SĨ THI ĐUA THỂ DỤC THỂ THAO.

Đối với cán bộ chuyên trách chỉ đạo thể dục thể thao.

1. Tích cực tận tụy hoàn thành vượt mức và toàn diện chỉ tiêu công tác, có tác dụng tốt trong việc góp phần hoàn thành kế hoạch chung của đơn vị, địa phương. Có sáng kiến vượt khó khăn trong công tác vận động, tổ chức, hướng dẫn và duy trì phong trào, được quần chúng và cơ quan thể dục thể thao công nhận.

2. Luôn luôn gương mẫu trong học tập để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, trình độ nghiệp vụ. Có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần đấu tranh đoàn kết, tích cực tham gia mọi mặt công tác và sinh hoạt quần chúng của đơn vị, có tác dụng đầu tàu được quần chúng tín nhiệm.

Đối với huấn luyện viên, giáo viên, hướng dẫn viên thể dục thể thao.

1. Hoàn thành vượt mức, có chất lượng kế hoạch huấn luyện, giảng dạy tạo điều kiện cho đơn vị mình phụ trách đạt thành tích xuất sắc. Có thành tích nghiên cứu và vận dụng một cách sáng tạo những kinh nghiệm tiên tiến vào trong huấn luyện, liên hệ tốt với phong trào cơ sở, khai thác và đúc rút được kinh nghiệm để nâng cao chất lượng giảng dạy của mình.

2. Nâng cao đạo đức, tác phong mô phạm trong huấn luyện. Tích cực tham gia các mặt công tác, sinh hoạt của quần chúng. Có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần đấu tranh đoàn kết tốt, được học viên và quần chúng tín nhiệm. Nếu là huấn luyện viên nghiệp dư thì đòi hỏi là một lao động tiên tiến, hay thấp nhất cũng phải là một cá nhân có thành tích khá về mặt sản xuất, công tác hay học tập.

Đối với vận động viên.

1. Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu rèn luyện phấn đấu của mình. Nêu cao tinh thần học tập đồng đội, học tập kinh nghiệm tiên tiến vận dụng vào trong tập luyện thi đấu, bền bỉ gian khổ tập luyện, trau dồi kỹ thuật, chiến thuật, vươn lên đạt thành tích kỷ lục xứng đáng với tốc độ nhanh.

2. Nêu cao đạo đức, tác phong của một vận động viên thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa. Có ý thức tổ chức kỷ luật, tuân thủ nội quy luyện tập thi đấu. Có tinh thần đấu tranh đoàn kết giúp đỡ đồng đội cùng tiến bộ, có tác dụng đầu tàu trong đơn vị, được quần chúng và đồng đội tín nhiệm. Nếu là vận động viên nghiệp dư thì đòi hỏi phải là một lao động tiên tiến hay thấp nhất cũng là một cá nhân có thành tích khá về sản xuất, công tác hay học tập.

VI. CÁ NHÂN TIÊN TIẾN THỂ DỤC THỂ THAO.

Đối với cán bộ chuyên trách chỉ đạo phong trào.

1. Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch công tác mình đảm nhiệm. Có sáng kiến khắc phục khó khăn trong việc tổ chức, vận động và hướng dẫn quần chúng thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch về công tác thể dục thể thao.

2. Tích cực học tập chính trị, văn hóa, nghiệp vụ. Có tác phong, đạo đức tốt trong sinh hoạt; gương mẫu và có thành tích khá trong sản xuất, học tập hay công tác nếu là cán bộ nghiệp dư.

Đối với huấn luyên viên, giáo viên thể dục thể thao.

1. Hoàn thành vượt mức kế hoạch huấn luyện giảng dạy của mình tạo điều kiện cho đơn vị mình phụ trách có nhiều vận động viên và học viên nâng cao được thành tích. Tích cực học tập và biết vận dụng khoa học kỹ thuật, biết đúc rút kinh nghiệm trong thực tế huấn luyện của mình để nâng cao chất lượng công tác.

2. Có tác phong, đạo đức mô phạm trong giảng dạy, học tập và sinh hoạt, có tinh thần đấu tranh đoàn kết, được vận động viên và quần chúng mến. Nếu là huấn luyện viên nghiệp dư thì phải là một cá nhân có thành tích khá về sản xuất, công tác hay học tập.

Đối với vận động viên.

1. Hoàn thành vượt mức kế hoạch luyện tập thi đấu của mình. Biết khắc phục khó khăn bền bỉ rèn luyện phấn đấu đạt thành tích ngày càng cao. Biết học tập kinh nghiệm của đồng đội, học tập khoa học kỹ thuật vận dụng vào trong kế hoạch rèn luyện bản thân.

2. Có đạo đức tốt của người vận động viên thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa, có ý thức tổ chức và kỷ luật trong sinh hoạt, luyện tập và thi đấu. Nếu là vận động viên nghiệp dư thì đòi hỏi phải là một cá nhân có thành tích khá về mặt sản xuất,công tác hay học tập.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 07-TT-TĐ-1964 về việc định phương hướng, nội dung, danh hiệu và tiêu chuẩn thi đua, đẩy mạnh tổ chức và lãnh đạo thi đua trong ngành thể dục thể thao trong cao trào "thi đua mỗi người làm việc bằng hai" do Ủy ban thể dục thể thao ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.348

DMCA.com Protection Status
IP: 18.118.30.253
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!