Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 08-TTg-NN Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phạm Hùng
Ngày ban hành: 27/01/1965 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08-TTg-NN

Hà Nội, ngày 27 tháng 01 năm 1965 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH HƠN NỮA PHONG TRÀO LÀM THỦY LỢI MIỀN NÚI

I. NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH

Từ hội nghị thủy lợi miền núi tháng 12 năm 1962, nhất là trong năm 1964, thực hiện kế hoạch thủy lợi hai năm công tác thủy lợi miền núi có một bước tiến nhất định.

Một số tỉnh như Yên Bái, Hòa Bình; Lào Cai; Quảng Ninh…; do cấp lãnh đạo nhận rõ tầm quan trọng của công tác thủy lợi; có đi sâu chỉ đạo phát động quần chúng; nên công tác thủy lợi đã chuyển biến tốt, trở thành phong trào của quần chúng tương đối mạnh. Ở các tỉnh khác, từng huyện, từng xã và hợp tác xã, hễ nơi nào có ý thức làm thuỷ lợi được quán triệt trong nhân dân, thì nơi đó có phong trào làm thuỷ lợi.

Lực lượng kỹ thuật nói chung được tăng thêm một bước; các loại công trình trung, tiểu thủy nông được củng cố và xây dựng thêm khá nhiều; các phương tiện khác như máy bơm điện, bơm dầu, tuyếc-bin tự động, thủy điện nhỏ bước đầu phát triển. Diện tích tưới được mở rộng thêm trên 15.000 ha.

Quy hoạch thủy lợi các tỉnh đều căn bản xây dựng xong, quy hoạch thủy lợi xã và hợp tác xã được sơ bộ xây dựng trên 18% tổng số xã và 10% tổng số hợp tác xã; việc tổ chức thí điểm đội thủy lợi trong hợp tác xã nông nghiệp miền núi đã kết thúc và đang bắt đầu phát triển.

Đáng chú ý là ở hầu khắp các tỉnh đã xuất hiện nhiều điển hình hợp tác xã làm thủy lợi tốt về các mặt: xây dựng công trình tưới tiêu nước kết hợp với thủy điện nhỏ giữ độ ẩm, chống xói mòn, làm ruộng bậc thang, định cư định canh, giải quyết nước ăn cho người và gia súc ở rẻo cao…; đặc biệt hai hợp tác xã Cặm Cỏ (ở Hòa Bình) và Nậm Trì (ở Lào Cai), đã nêu gương sáng về tinh thần tự lực cánh sinh, về lực lượng và óc sáng tạo vĩ đại của đồng bào miền núi, tuy người thưa, trình độ lao động thấp, nhưng với lao động tập thể trong quan hệ sản xuất mới, đã khắc phục khó khăn và lợi dụng điều kiện thuận lợi của miền núi, làm tốt công tác thủy lợi để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Những tiến bộ trên đây tuy mới bước đầu, nhưng là những cơ sở quan trọng làm đà cho phong trào thủy lợi miền núi phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, nhìn chung tốc độ phát triển của công tác thủy lợi miền núi rất chậm, phong trào làm thủy lợi còn rất yếu. Ở những tỉnh có phong trào tương đối mạnh nói trên cũng chưa đều khắp các huyện. Trong một số tỉnh khối lượng đào đắp hàng năm trong mấy năm gần đây chưa tăng hơn nhiều so với khối lượng đã đào đắp trong năm 1961, bình quân đầu người mỗi năm vào khoảng vài ba thước khối đất, thậm chí có nơi không đầy một thước khối đất; năng suất lao động gần như dẫm chân tại chỗ; nhiều huyện, nhiều xã thực tế chưa có phong trào làm thủy lợi. Do đó trong năm 1964 là năm thời tiết tương đối thuận lợi, nhưng diện tích lúa được tưới nước mới đạt 66,5% của diện tích gieo cấy, trong đó diện tích được tưới chắc chắn mới đạt khoảng 43%; diện tích hoa mầu và cây công nghiệp trồng trên đất ruộng mới được tưới nước, giữ độ ẩm khoảng 13,7%; diện tích ruộng lúa mới làm một vụ còn chiếm đến 60%; diện tích mới khai hoang ở các nông trường quốc doanh và hợp tác xã khai hoang tập trung, phổ biến là thiếu nước tưới và độ ẩm cần thiết cho cây trồng. Năng suất các loại cây trồng nói chung có xu hướng tụt dần. Một số nơi, vấn đề nước ăn cho người và gia súc chưa được giải quyết.

Đáng chú ý là đi đôi với nạn phá rừng làm nương rẫy của đồng bào rẻo cao, với việc khai thác rừng và khai hoang chưa tốt, tình trạng xói mòn, bạc mầu, đồi trọc hóa, làm giảm các nguồn nước tự nhiên trong mùa khô v.v… mỗi ngày thêm nghiêm trọng, và tốc độ nước lũ dồn về các triền sông lớn ở trung du và đồng bằng mỗi năm càng nguy hiểm hơn.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên đây là do các ngành có liên quan trực tiếp ở trung ương như nông nghiệp, lâm nghiệp, nhất là thủy lợi, chưa đi sâu vào tình hình đặc điểm của miền núi, để có biện pháp chỉ đạo và giúp đỡ cụ thể các địa phương, chưa cùng nhau phối hợp chặt chẽ giữa các biện pháp nông lâm nghiệp với thủy lợi để có quy hoạch giải quyết vấn đề thủy lợi một cách toàn diện, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp nói riêng và kinh tế miền núi nói chung. Đặt biệt là các cấp lãnh đạo tỉnh và huyện chưa quán triệt sâu sắc ý nghĩa cách mạng và vị trí quan trọng của công tác thủy lợi miền núi, chưa kết hợp tốt cuộc vận động hợp tác hóa với phong trào làm thủy lợi để ra tay phát động quần chúng, khắc phục tư tưởng ngại khó, thụ động trước thiên nhiên, ỷ lại vào Nhà nước…

Những thiếu sót trên đây không những đã hạn chế sản xuất nông nghiệp miền núi phát triển, mà còn ảnh hưởng không tốt đến tốc độ phát triển kinh tế chung của toàn miền Bắc.

II. VỊ TRÍ NHIỆM VỤ VÀ NỘI DUNG CÔNG TÁC THỦY LỢI MIỀN NÚI

Miền núi có đất đai rộng lớn, có nhiều tài nguyên phong phú chưa khai thác, có nhiều khả năng phát triển nông nghiệp toàn diện, công nghiệp mạnh mẽ, sẽ cùng với đồng bằng và miền biển hình thành nền kinh tế giàu mạnh của nước ta. Miền núi vốn là căn cứ địa cách mạng; đồng bào các dân tộc miền núi đã có truyền  thống đấu tranh cách mạng anh dũng, có niềm tin tưởng sắt đá đối với sự lãnh đạo của Đảng, đã được thử thách trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, thời kỳ kháng chiến, ngày nay sẵn sàng theo sự lãnh đạo của Đảng để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xây dựng chủ nghĩa xã hội; do đó miền núi có vị trí kinh tế, chính trị, quốc phòng rất quan trọng.

Phát triển kinh tế và văn hóa miền núi là yêu cầu cấp bách, trước hết là phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm giải quyết lương thực vững chắc, phát triển mạnh mẽ cây công nghiệp, chăn nuôi, nghề rừng, trên cơ sở đó phát triển các mặt kinh tế khác.

Thực tiễn ở một số tỉnh đồng bằng đã làm thủy lợi khá cũng như một số điển hình hợp tác xã làm thủy lợi tốt mới xuất hiện ở miền núi đã xác minh rõ: thủy lợi không những là biện pháp hàng đầu của sản xuất nông nghiệp, mà còn là một trong những khâu quyết định để phát triển kinh tế toàn diện, xây dựng nông thôn mới. Thủy lợi miền núi không những phải cung cấp đủ nước, độ ẩm nhằm thâm canh tăng năng suất cây trồng, tăng vụ trên diện tích đang canh tác, mà còn phải phục vụ cho diện tích canh tác rộng lớn sắp mở rộng thêm, góp phần xây dựng cơ sở sản xuất vững chắc cho việc định cư định canh đồng bào dân tộc rẻo cao, cho đồng bào miền xuôi lên xây dựng kinh tế miền núi và thanh toán nạn thiếu nước dùng cho người và gia súc… Biện pháp thủy lợi kết hợp chặt chẽ với biện pháp nông nghiệp sẽ có tác dụng cải tạo đất, giữ độ ẩm, chống xói mòn, thau chua, thay đổi đồi nương dốc thành nương bậc thang, ruộng bậc thang… kết hợp chặt chẽ với biện pháp lâm nghiệp trong việc trồng cây, khai thác rừng sẽ có tác dụng giữ nước, bồi dưỡng các nguồn nước tự nhiên trong mùa khô chống lũ, giữ màu mỡ của đất, điều hòa khí hậu… Làm tốt công tác thủy lợi miền núi sẽ góp phần hạn chế nạn lũ lụt ở trung du và đồng bằng, cải tạo giao thông vận tải đường thủy và lợi dụng các nguồn thủy năng để phát điện, trước hết là phát triển thủy điện nhỏ để sử dụng cho cơ khí nhỏ và thắp sáng… Ngoài ra còn kết hợp với giao thông, thủy sản sẽ lợi dụng tổng hợp các loại công trình thủy lợi vào việc phát triển đường sá nông thôn, nuôi cá…

Thủy lợi miền núi thực hiện một cách toàn diện, chủ yếu là giữ nước, giữ độ ẩm, chống xói mòn, chống lũ; phải tiến hành từng bước có trọng tâm, trọng điểm; phải kết hợp trước mắt với lâu dài, và phải khẩn trương đi trước một bước để phục vụ kịp thời cho yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp. Biện pháp công trình chính là phát triển mạnh công trình loại nhỏ và công trình loại vừa, một số nơi có điều kiện mới xây dựng công trình loại lớn.

Đặc điểm của miền núi có khó khăn nhất định như địa hình phức tạp, độ dốc lớn, người thưa, sức lao động thiếu, trình độ sản xuất thấp…, nhưng cũng có nhiều thuận lợi: nguồn nước sông suối nhiều, điều kiện phát triển tiểu thủy nông tốt, sẵn có một số vật liệu như gỗ, đá… để xây dựng; đồng bào miền núi có kinh nghiệm phong phú và truyền thống đấu tranh anh dũng chống đỡ thiên nhiên, rất tha thiết với sự nghiệp phát triển kinh tế và văn hóa cải thiện đời sống. Nếu biết động viên giáo dục tốt, phát huy cao độ tinh thần tự lực cánh sinh, lực lượng tiềm tàng của quần chúng, tích cực hướng dẫn giúp đỡ kỹ thuật, hướng những bước tiến của công nghiệp phục vụ một cách đắc lực, và giải quyết kịp thời những khó khăn cụ thể, thì nhất định chúng ta sẽ giải quyết được tốt vấn đề thủy lợi miền núi. Hợp tác hóa đã căn bản hoàn thành và đang bước vào củng cố là chỗ dựa vững chắc nhất để phát triển thủy lợi; phát triển thủy lợi ngược lại sẽ phát triển và củng cố hợp tác hóa, hợp tác hóa gắn liền với thủy lợi hóa là yếu tố quyết định cho sự nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng kinh tế vững mạnh ở miền núi.

III. NHỮNG VẤN ĐỀ PHẢI THỰC HIỆN TRONG NĂM 1965

Từ những nhận định trên đây, Thủ tướng Chính phủ quyết định trong năm 1965 phải chuyển biến thật mạnh phong trào thủy lợi miền núi, nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch làm thủy lợi hai năm, đồng thời chuẩn bị cơ sở để có một bước tiến mới ngay từ đầu kế hoạch 5 năm lần thứ hai, cụ thể như sau:

1. Mức phấn đấu của 13 tỉnh miền núi trong năm 1965 là:

Về tưới: bảo đảm có đủ công trình tưới chắc chắn cả năm cho 263.700 ha diện tích gieo trồng, trong đó:

- Lúa chiêm và xuân 86.500 ha đạt tỷ lệ 93,3% diện tích;

- Lúa thu 4.000 ha đạt tỷ lệ 100%  gieo cấy;

- Lúa mùa 173.200 ha đạt tỷ lệ 55,6 gieo cấy;

- Hoa màu trồng trên đất ruộng 26.250 ha đạt tỷ lệ 10% diện tích gieo trồng;

- Cây công nghiệp ngắn ngày trồng trên đất ruộng 10.550 ha đạt tỷ lệ 26,6% diện tích gieo trồng.

Đối với diện tích còn lại phải áp dụng mọi biện pháp chống hạn để bảo đảm thu hoạch bình thường.

Phải thực hiện tưới tiêu khoa học cho 15.200 ha lúa chiêm, 270 ha lúa thu và 22.300 ha lúa mùa. Phải có công trình thủy lợi giản đơn kết hợp với biện pháp nông nghiệp để giữ độ ẩm cho 30% diện tích hoa màu và cây công nghiệp gieo trồng trên nương đồi. Riêng đối với diện tích trong các vùng nông trường quốc doanh và hợp tác xã khai hoang tập trung, phải được tưới hoặc giữ độ ẩm trên toàn bộ diện tích gieo trồng. Phải thanh toán căn bản nạn thiếu nước ăn cho người và gia súc. Phải tăng cường công tác khai thác, quản lý, tận dụng khả năng các loại công trình thủy nông sẵn có. Thực hiện việc khoanh vùng, đắp bờ, chống nước chảy tràn bờ trên toàn bộ diện tích ruộng nước, đối với những đợt mưa từ 150 ly trở xuống; thanh toán nạn tháo nước đục khi cày bừa hoặc làm cỏ. Thực hiện việc chống úng, chống lầy thụt, thau chua từ 30% đến 40% số diện tích ruộng hiện đang bị úng, lầy thụt và chua.

Về xây dựng cơ bản; Tự đào đắp làm thủy lợi nhỏ trên 11.000.000m3 đất.

Góp công sức vào xây dựng các công trình do trung ương và địa phương quản lý với khối lượng là 5.600.000m3 đất, 250.000m3 đá, 9.000m3 bê-tông.

Đối với những cơ sở bắt đầu khai hoang, phải tạo cơ sở thủy lợi có khả năng đảm bảo thu hoạch và chống xói mòn trước khi bắt tay vào canh tác.

Đối với khối lượng xây dựng cơ bản về thủy lợi trong các nông trường quốc doanh và hợp tác xã khai hoang tập trung, Bộ Nông trường, Tổng cục Khai hoang và các Ủy ban hành chính tỉnh sở tại sẽ cùng với Bộ thủy lợi xác định cụ thể và sẽ ghi thêm vào kế hoạch trên đây.

Về quy hoạch: Xúc tiến việc phân vùng sản xuất, phân chia đất đai giữa lâm nghiệp và nông nghiệp, định phương hướng sản xuất, trên cơ sở đó bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch thủy lợi tỉnh một cách toàn diện. Xây dựng quy hoạch xã và hợp tác xã (kể cả bổ sung phần chống xói mòn đối với những quy hoạch mới có phần thủy lợi), đạt tỷ lệ từ 50% đến 60% số xã và hợp tác xã vùng thấp và thực hiện từ 40% đến 50% của phần thủy lợi và từ 20% đến 30% của phần chống xói mòn. Riêng các nông trường và hợp tác xã khai hoang tập trung, phải hoàn thành căn bản việc xây dựng quy hoạch thủy lợi và thực hiện từ 40% đến 50% phần thủy lợi cũng như phần chống xói mòn. Ủy ban hành chính các tỉnh và huyện căn cứ vào điều kiện cụ thể từng nơi mà quy định thêm các chỉ tiêu sau đây cho từng xã và hợp tác xã; làm ruộng bậc thang, trồng cây gây rừng ở đầu nguồn và ven bờ các khe suối, trên các đồi trọc…

Về tổ chức đội thủy lợi trong hợp tác xã nông nghiệp: Hoàn thành trên toàn bộ số hợp tác xã ở vùng thấp có dân cư tập trung; thực hiện từ 30% đến 40% trên số hợp tác xã ở vừng dân cư thưa và vùng giữa, và thí điểm ở vùng rẻo cao.

Đối với các tỉnh trung du và liên khu IV cũ có một phần miền núi, Bộ thủy lợi sẽ cùng với Ủy ban hành chính các tỉnh đó, căn cứ vào mức phấn đấu trên đây mà trích ra trong chỉ tiêu đã ghi vào kế hoạch chung của mỗi tỉnh.

2. Một số điểm về chính sách:

Về vốn đầu tư: Đối với công trình tiểu thủy nông, do nhân dân và hợp tác xã tự làm. Riêng đối với những nơi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với việc xây dựng cơ sở thủy lợi để định cư định canh đồng bào rẻo cao, hoặc cho những hợp tác xã khai hoang tập trung ở miền xuôi mới lên, Nhà nước (ngân sách tỉnh) sẽ trợ cấp một phần tiền, nguyên vật liệu hoặc nhân lực, nếu xét cần thiết. Bộ Thủy lợi, Tổng cục Khai hoang có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban hành chính các tỉnh sở tại quy định cụ thể mức trợ cấp tùy theo tình hình cụ thể từng nơi.

Công trình trung thủy nông (giá trị xây dựng từ 150.00đ trở xuống), do ngân sách tỉnh đầu tư và nhân dân đóng góp công sức.

Công trình trung hoặc đại thủy nông (giá trị xây dựng từ 150.000 đồng trở lên) do ngân sách trung ương đầu tư, Bộ Thủy lợi quản lý, địa phương thi công, nhân dân tham gia một phần.

Đối với những nơi thiếu nhân lực, Nhà nước sẽ tích cực với khả năng có thể, tăng cường thi công cơ giới hoặc đưa một số nhân lực miền xuôi lên giúp đỡ.

Thủy điện nhỏ: Ty Thủy lợi có trách nhiệm khảo sát thiết kế và hướng dẫn xây dựng công trình thủy lực, Ty Công nghiệp hướng dẫn việc dự trù thiết bị, đặt hàng, đào tạo công nhân quản lý, hướng dẫn xây lắp và sử dụng máy. Cơ quan, đơn vị nào sử dụng phải đầu tư vốn xây dựng, mua thiết bị và đảm nhiệm việc quản lý. Trường hợp kết hợp xây dựng một lần với công trình thủy lợi do ngân sách tỉnh  hoặc trung ương đài thọ theo phân cấp trên đây, thì cơ quan hoặc đơn vị sử dụng không phải đầu tư vốn vào xây dựng công trình thủy lực. Riêng đối với hợp tác xã nông nghiệp xây dựng trạm thủy điện nhỏ dùng riêng, nếu xét thấy thiếu khả năng mua sắm thiết bị, thì tùy từng trường hợp cụ thể, tỉnh sẽ giúp đỡ bằng cách cho vay, bán chịu hoặc trợ cấp một phần vốn.

Về tổ chức thủy lợi huyện, xã và hợp tác xã: Mỗi huyện tùy theo địa thế rộng hoặc hẹp khác nhau, sẽ được tổ chức một Phòng Thủy lợi giao thông, gồm có từ 6 đến 8 cán bộ kỹ thuật chuyên trách công tác thủy lợi, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban hành chính huyện.

Mỗi xã thành lập Ban Thủy lợi xã, gồm có đại diện Ủy ban hành chính xã làm trưởng ban, các Chủ nhiệm hoặc Phó chủ nhiệm hợp tác xã làm Ủy viên, và cán bộ kỹ thuật hợp tác xã giúp việc, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy và Ủy ban hành chính xã.

Mỗi hợp tác xã thành lập Tổ Thủy lợi, gồm có một cán bộ kỹ thuật thủy lợi và một số thanh niên tích cực của các đội sản xuất, do Chủ nhiệm hoặc Phó chủ nhiệm hợp tác xã phụ trách.

Các chi phí về đào tạo cán bộ kỹ thuật thủy lợi cho xã và hợp tác xã như ăn, ở, giấy, bút… đều do ngân sách tỉnh đài thọ.

3. Một số điểm về lãnh đạo và chỉ đạo:

- Ủy ban hành chính các tỉnh, huyện, xã phải tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo, phải thông qua đấu tranh tư tưởng và hoạt động thực tiễn để chuyển biến nhận thức về tầm quan trọng của công tác thủy lợi, trước hết thống nhất trong cấp lãnh đạo, sau đó làm thấu suốt  đến tận toàn thể cán bộ các ngành, các cấp ở địa phương và đông đảo xã viên, nông dân, nhằm phát động phong trào làm thủy lợi sâu rộng và liên tục ở khắp mọi nơi. Phải chú trọng bồi dưỡng và phổ biến rộng rãi những điển hình tốt, đặc biệt chú ý hướng dẫn động viên các hợp tác xã đều học tập và thi đua làm thủy lợi với hai hợp tác xã Cặm Cỏ và Nậm Trì. Chú ý kết hợp chặt chẽ cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, với phong trào làm thủy lợi.

Ủy ban hành chính tỉnh và huyện phải chỉ đạo thật chặt chẽ sự phối hợp giữa các ngành ở địa phương, nhất là nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông vận tải với thủy lợi, nhất nhất mỗi một việc làm của bản thân mỗi ngành phải quán triệt ý thức giữ nước, giữ độ ẩm, chống xói mòn, chống lũ, cùng nhau góp sức bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch thủy lợi tỉnh, tham gia hướng dẫn xây dựng quy hoạch xã và hợp tác xã, và thực hiện công tác thủy lợi một cách toàn diện. Cần tăng cường củng cố các Ty Thủy lợi, xúc tiến việc hoàn thành các tổ chức thủy lợi huyện, xã, hợp tác xã để có đủ khả năng đảm nhiệm chức năng công tác.

- Ban chỉ đạo phong trào làm thủy lợi hai năm của các tỉnh phải giữ vững sinh hoạt thường kỳ, báo cáo hàng tháng kết quả công tác về Bộ Thủy lợi và hàng quý về Phủ Thủ tướng và Bộ Thủy lợi.

- Các ngành có liên quan ở trung ương cần dựa vào nhiệm vụ của mình (đã nói ở trong nghị quyết về kế hoạch phát động phong trào làm thủy lợi hai năm), và đi sâu vào đặc điểm của miền núi, để có kế hoạch phục vụ tốt hơn nữa phong trào thuỷ lợi trong năm 1965. Đặc biệt các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp là những ngành có liên quan trực tiếp nhiều trong việc thực hiện công tác thủy lợi miền núi cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Thủy lợi, thường xuyên trao đổi bàn bạc để giúp đỡ thiết thực các tỉnh việc bổ sung, hoàn chỉnh và thực hiện quy hoạch thủy lợi nhằm đáp ứng với yêu cầu trước mắt, đồng thời phù hợp với phát triển lâu dài, Bộ Lao động và Tổng cục Khai hoang cần liên hệ chặt chẽ với Bộ Thủy lợi hơn nữa trong việc kết hợp đưa người miền xuôi lên làm thủy lợi với việc đưa người lên xây dựng kinh tế miền núi.

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi tất cả đồng bào các dân tộc miền núi, đồng bào miền xuôi lên xây dựng kinh tế miền núi, cán bộ, công nhân, bộ đội và công an nhân dân vũ trang của các cấp, các ngành công tác tại miền núi, trong năm 1965 hãy ra sức thi đua với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai”, tích cực tham gia chuyển biến mạnh mẽ phong trào thủy lợi miền núi, nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch thủy lợi hai năm một cách đại thắng lợi, và tạo cơ sở đưa phong trào thủy lợi lên một bước mới ngay từ đầu kế hoạch 5 năm lần thứ hai.

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 


 
Phạm Hùng

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Chỉ thị 08-TTg-NN ngày 27/01/1965 về đẩy mạnh hơn nữa phong trào làm thủy lợi miền núi do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.752

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.42.196
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!