Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 1623/QĐ-UBND quản lý sử dụng nhãn hiệu chứng nhận bún bò Huế 2016

Số hiệu: 1623/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Phan Ngọc Thọ
Ngày ban hành: 13/07/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1623/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 13 tháng 7 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN BÚN BÒ HUẾ”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ;

Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp được sửa đổi bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30 tháng 7 năm 2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN ngày 20 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 592/TTr-SKHCN ngày 11 tháng 7 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bún bò Huế”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Công Thương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN BÚN BÒ HUẾ
(Ban hành theo Quyết định số 1623/QĐ-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

Quy chế này nhằm tập hợp các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cùng xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” thành một nhãn hiệu có uy tín trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu chứng nhận trong việc chế biến và cung cấp dịch vụ đối với sản phẩm bún bò Huế.

Điều 2. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” cho sản phẩm bún bò Huế và hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò Huế có xuất xứ từ tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Quy chế này áp dụng đối với tổ chức quản lý nhãn hiệu chứng nhận và các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” cho sản phẩm bún bò Huế và hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò Huế có xuất xứ từ tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ được sử dụng có nghĩa như sau:

1. Nhãn hiệu chứng nhận được đề cập trong quy chế này là Nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” cho sản phẩm bún bò Huế và hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò Huế có xuất xứ từ tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” việc thực hiện các hoạt động: Gắn nhãn hiệu chứng nhận trên biển hiệu, phương tiện kinh doanh, thư từ giao dịch, phương tiện quảng cáo do mình sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận.

3. Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” là Quyết định của chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép các tổ chức, cá nhân khác được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bún bò Huế dùng cho sản phẩm bún bò Huế và hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò Huế khi đáp ứng các tiêu chí quy định tại Quy chế.

4. Cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” là việc chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận cho phép các tổ chức, cá nhân khác được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bún bò Huế dùng cho sản phẩm bún bò Huế và hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò Huế thể hiện bằng việc chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Bún bò Huế”.

5. Thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” là việc chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” đã cấp đối với tổ chức, cá nhân.

6. Sản phẩm và dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận nêu trong quy chế này, bao gồm:

a) Sản phẩm bún bò Huế;

b) Hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò Huế.

Điều 4. Mẫu của nhãn hiệu chứng nhận

1. Nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” là nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Mẫu của nhãn hiệu chứng nhận gồm chữ “Bún bò Huế” và hình được thể hiện tại Phụ lục 1 kèm theo Quy chế này.

Điều 5. Khu vực địa lý của sản phẩm bún bò Huế và hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò Huế mang nhãn hiệu chứng nhận

Khu vực địa lý của sản phẩm bún bò Huế và hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò Huế mang nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” được xác định trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 6. Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận;

2. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế (gọi tắt là Hiệp hội) quản lý nhãn hiệu chứng nhận.

Chương II

ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHÍ CỦA SẢN PHẨM VÀ HOẠT ĐỘNG CUNG CẤP DỊCH VỤ ĂN UỐNG MANG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN “BÚN BÒ HUẾ”

Điều 7. Điều kiện để được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận

Tổ chức, cá nhân hoạt động chế biến và cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nếu đáp ứng các điều kiện sau:

1. Có hoạt động chế biến và cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò Huế.

2. Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận công bố tiêu chuẩn cơ sở phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở khung của sản phẩm bún bò Huế được quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Quy chế này.

3. Được chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến và cung cấp dịch vụ ăn uống theo quy định của pháp luật.

4. Sản phẩm, dịch vụ bảo đảm các tiêu chí chứng nhận quy định tại Điều 8 Quy chế này.

5. Cam kết thực hiện đúng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”, có trách nhiệm gìn giữ, nâng cao uy tín, giá trị của nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”.

Điều 8. Tiêu chí chứng nhận và phương pháp đánh giá

1. Tiêu chí về chất lượng của tô bún bò Huế hoàn thiện, bao gồm: trạng thái, màu sắc, mùi, vị.

2. Tiêu chí về hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống mang nhãn hiệu, bao gồm: Vị trí, không gian, các chỉ dẫn thương mại, thái độ phục vụ khách hàng.

3. Các tiêu chí chứng nhận được đánh giá theo phương pháp cảm quan do các thành viên của Tổ đánh giá thực hiện.

4. Các tiêu chí chứng nhận và phương pháp đánh giá theo các Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này được quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Quy chế này.

Chương III

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN “BÚN BÒ HUẾ”

Điều 9. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệp hội trong quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”

1. Tổ chức hoạt động kiểm tra và đánh giá sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận theo các tiêu chí quy định tại Điều 8 Quy chế này để cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”;

2. Cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” đối với các tổ chức, cá nhân liên quan;

3. Quản lý, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” của các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng;

4. Xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”;

5. Cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” cho các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng;

6. Tổ chức các hoạt động quảng bá để nâng cao uy tín của sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” trong và ngoài nước;

7. Tiến hành các thủ tục liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”;

8. Ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất UBND tỉnh ban hành các quy định, chính sách nhằm phát triển và nâng cao uy tín của nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” ở trong nước và ngoài nước.

Điều 10. Quyền lợi và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”

1. Tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” hoàn toàn bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” có quyền:

a) Sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” được bảo hộ theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Quy chế này;

b) Có quyền khai thác, sử dụng và hưởng các lợi ích kinh tế phát sinh từ nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”;

c) Được nhà nước bảo hộ quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”;

d) Được tham gia các chương trình quảng bá, phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” trên các phương tiện truyền thông;

đ) Được tham gia ý kiến nhằm nâng cao giá trị và uy tín cho nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”;

e) Được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” kèm theo nhãn hiệu riêng của tổ chức, cá nhân.

3. Tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” có trách nhiệm:

a) Sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” đúng theo mẫu được quy định tại Điều 4 của Quy chế này;

b) Chỉ sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” cho sản phẩm bún bò Huế và hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò Huế;

c) Nộp chi phí cho việc thực hiện các hoạt động cấp và duy trì hiệu lực giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và tổ chức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận.

4. Tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” không được tự ý chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” dưới bất kỳ hình thức nào.

5. Khi các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” không còn nhu cầu sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” có trách nhiệm thông báo đến cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” để làm các thủ tục thu hồi giấy chứng nhận.

6. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” có trách nhiệm trong việc duy trì và phát triển giá trị tài sản trí tuệ của nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”.

Điều 11. Các hành vi vi phạm quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”

1. Sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định tại Điều 8 Quy chế này.

2. Sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” mà không kèm theo nhãn hiệu riêng của cơ sở.

3. Chuyển giao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu dưới bất kỳ hình thức nào.

4. Có các hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín, giá trị của nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”.

5. Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” cho các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ theo nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” mà không được phép của cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”.

6. Sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” cho sản phẩm, dịch vụ khi chưa được cấp quyền sử dụng.

Điều 12. Giải quyết tranh chấp nội bộ và xử lý vi phạm

1. Các tranh chấp hoặc khiếu nại phát sinh liên quan đến nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” giữa các cơ sở sản xuất có quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” đều được giải quyết thông qua thỏa thuận giữa các cơ sở hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

2. Xử lý vi phạm

a) Mọi tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm quyền sử dụng đối với nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” đều có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” xử lý theo quy định tại Quy chế này và các quy định pháp luật có liên quan;

b) Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” có trách nhiệm theo dõi và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy chế hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận

1. Định kỳ Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận. Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận đối với một tổ chức, cá nhân không được vượt quá 02 lần trong năm.

2. Trong trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận, Hiệp hội có thể phối hợp với các cơ quan chức năng đột xuất yêu cầu doanh nghiệp lấy mẫu để kiểm tra, đánh giá chất lượng của sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận. Chi phí cho việc lấy mẫu và kiểm tra thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Kinh phí dùng cho việc quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”

1. Kinh phí dùng cho việc quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” được thu từ các nguồn:

a) Các tổ chức, cá nhân đề nghị cấp quyền đóng góp;

b) Từ các nguồn tài trợ, từ các khoản thu hợp pháp khác.

2. Kinh phí thu được từ Khoản 1 Điều này được sử dụng để thực hiện các hoạt động cấp, thu hồi quyền sử dụng, kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”; hoạt động quảng bá, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các hoạt động khác nhằm phát huy giá trị và uy tín của nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”.

3. Các khoản thu, mức thu; các khoản chi, mức chi do Hiệp hội đề xuất và được UBND tỉnh chấp thuận.

Điều 15. Chế độ báo cáo

1. Trong quá trình sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 01 (một) năm 01 (một) lần vào tháng thứ 2 (hai) của năm tiếp theo. Nội dung của báo cáo gồm các phần chính sau đây:

a) Thông tin về tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”;

b) Tự đánh giá về các tiêu chí nêu tại Điều 8 Quy chế này đối với sản phẩm, dịch vụ đã sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;

c) Tình hình kinh doanh của tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”.

2. Định kỳ hàng năm, Hiệp hội tổng hợp tình hình sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” báo cáo UBND tỉnh.

Chương IV

CẤP VÀ THU HỒI QUYỀN SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN

Điều 16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận

1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” theo mẫu nêu tại Phụ lục 4 Quy chế này, gồm các nội dung chính sau:

- Tên, địa chỉ của tổ chức và cá nhân được cấp giấy chứng nhận;

- Điện thoại, fax, email (nếu có);

- Danh mục sản phẩm được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”;

- Quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận;

- Ngày cấp giấy chứng nhận;

- Ký tên và đóng dấu của cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”.

2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” có hiệu lực vô thời hạn. Giấy chứng nhận quyền sử dụng hết hiệu lực khi Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” bị hết hiệu lực.

3. Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” được lập 02 (hai) bản chính, trong đó 01 (một) bản được trao cho tổ chức, cá nhân nộp yêu cầu và 01 (một) bản được lưu tại cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” có trách nhiệm mở sổ theo dõi việc cấp và thu hồi giấy chứng nhận.

4. Danh sách các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” được thông báo rộng rãi trên website sanphamhue.vn.

Điều 17. Yêu cầu cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” phải gửi yêu cầu cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng đến Hiệp hội theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 kèm theo Quy chế này.

2. Trong vòng 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận yêu cầu của các tổ chức, cá nhân, Hiệp hội phải thành lập Tổ Tư vấn để kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân yêu cầu và đánh giá theo các tiêu chí quy định tại Điều 8 Quy chế này. Tổ Tư vấn được thành lập gồm: Đại diện Sở Du lịch làm Tổ trưởng. Các thành viên là đại diện của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Hiệp hội Du lịch và các chuyên gia về ẩm thực.

3. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, Hiệp hội phải ra quyết định về việc cấp hoặc từ chối cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” cho tổ chức, cá nhân yêu cầu. Trong trường hợp từ chối cấp thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Điều 18. Thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận

1. Các trường hợp bị thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận

a) Thực hiện các hành vi vi phạm được quy định từ Khoản 1 đến Khoản 4 Điều 11 của Quy chế này;

b) Trong vòng 6 tháng không hoạt động chế biến và cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò Huế.

2. Trình tự thu hồi quyền sử dụng

a) Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ khi nhận được Đơn phản ánh hoặc kết quả kiểm tra định kỳ, đột xuất của cơ quan quản lý về việc các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Khoản 1 Điều này, Hiệp hội phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập Tổ kiểm tra để kiểm tra thực tế việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;

b) Căn cứ biên bản kiểm tra thực tế việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận tại cơ sở, Hiệp hội ra quyết định thu hồi quyền sử dụng đối với tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng trong trường hợp được xác định có hành vi vi phạm;

c) Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày có quyết định thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, tổ chức, cá nhân bị thu hồi có trách nhiệm nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và thực hiện việc tháo gỡ biển hiệu mang nhãn hiệu chứng nhận.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện

1. Giao Hiệp hội Du lịch chủ trì, phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ và các ngành, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức phổ biến, hướng dẫn, công bố, quảng bá nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” và tổ chức thực hiện Quy chế.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Hiệp hội hoặc Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

PHỤ LỤC 1

MẪU NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1623/QĐ-UBND ngày 13/7/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Mẫu nhãn hiệu chứng nhận

Ý tưởng thiết kế logo:

Bún bò Huế là một trong những đặc sắc của xứ Huế, logo nhận diện cho thương hiệu đặc sản này được xây dựng trên định hướng: vừa thỏa mãn khái quát được ấn tượng thị giác về hình tượng tô bún bò vừa thể hiện được những nét văn hóa Huế thông qua các tín hiệu hoa văn họa tiết Huế.

Logo đã sử dụng chữ U trong bún bò để cách điệu thành tô bún bò Huế. Bên dưới tô kết hợp họa tiết hoa văn trang trí Á Đông tạo nên tín hiệu thị giác đặc trưng cho nghệ thuật ẩm thực đậm chất Huế. Hình đôi đũa đang gắp sợi bún được biến thể từ dấu sắc của chữ BÚN. Hình tượng tô bún và đôi đũa mang lại một hình tượng thị giác vừa gần gũi lại giàu tính thẩm mỹ.

Phía dưới cụm chữ BÚN BÒ là chữ Huế. Phông chữ được sử dụng mềm mại, chân chữ được cách điệu theo motuyp hoa văn Huế.

Tổng thể cấu trúc chữ được chia theo tỉ lệ 1/3, đảm bảo được tính thẩm mỹ, thõa mãn các nguyên lý thị giác, tạo nên sự thăng bằng vững chắc cho logo.

Màu sắc trọng tâm là màu tím, xanh, cặp màu đặc trưng cho Huế.

Logo được thiết kế đơn giản, khúc chiết tạo nên dấu hiệu nhận biết dễ dàng cho thương hiệu Bún Bò Huế.

 

PHỤ LỤC 2

TIÊU CHUẨN CƠ SỞ KHUNG CỦA SẢN PHẨM BÚN BÒ HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1623/QĐ-UBND ngày 13/7/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

 

…………(Tên cơ sở)…………….

 

 

TIÊU CHUẨN CƠ SỞ KHUNG

BÚN BÒ HUẾ

 

 

 

SỐ HIỆU: ……………../….

Ngày công bố tiêu chuẩn: …./…../……

 

 

 

 

 

Huế, …./…/……

 

 

 

……(Tên cơ sở)……

Bún Bò Huế

Tiêu chuẩn cơ sở

TCCS: 01:2016/…

Có hiệu lực từ ngày ../../…

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn cơ sở này quy định các yêu cầu về chỉ tiêu cảm quan và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm Bún bò Huế do …. (tên cơ sở)……… chế biến.

2. Các yêu cầu

2.1 Chỉ tiêu cảm quan đối với sản phẩm bún bò Huế

STT

Tên chỉ tiêu

Yêu cầu

1

Trạng thái

Nước dùng trong, không đục, nóng, nổi nhiều váng mỡ trên mặt.

2

Màu sắc

Sản phẩm hội đủ các màu tươi thắm tạo sự bắt mắt, ngon miệng:

Trên bề mặt của tô bún có màu đỏ cam của ớt phi dầu (hoặc mỡ); màu trắng của sợi bún; màu nâu của thịt, huyết (tiết); màu vàng cam của chả cua, hồng nhạt của chả heo; màu xanh của hành, ngò; màu đỏ của lát ớt;…

3

Mùi

Sản phẩm phải dậy mùi thơm của nước bún, bao gồm mùi của thịt, sả, hành quyện vào nhau trong đó mùi sả thơm nồng hơn bên cạnh còn có mùi thơm nhẹ của các loại rau gia vị, ruốc và không có mùi lạ khác.

4

Vị

Ngon, ngọt đậm đà của các loại thịt và xương hầm, cay vị ớt, không có vị lạ khác. Ăn xong vẫn còn vị của bún bò Huế không lẫn với vị của thực phẩm khác.

5

Các loại rau và gia vị ăn kèm

- Rau sống: cải con, rau thơm, xà lách, giá đỗ, bắp chuối. Các loại rau sống được thu mua từ các nhà cung cấp uy tín và chất lượng (có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng). Các loại rau có trạng thái tươi tự nhiên.

- Các loại gia vị như: nước mắm, ớt tươi, ớt tương, chanh.

Các chỉ tiêu cảm quan được đánh giá bằng cách quan sát thực tế sản phẩm (tô bún hoàn thiện) dưới ánh sáng tự nhiên và thử sản phẩm.

2.2 Các yêu cầu của nguyên vật liệu chính

- Bún tươi: Là loại thực phẩm dạng sợi tròn, trắng mềm, được làm từ tinh bột gạo với phụ gia bột lọc, tạo sợi qua khuôn và được luộc chín trong nước sôi, sợi bún dài, hơi dai, không đứt gãy, sợi bún không có mùi chua, mùi lạ.

- Thịt heo, bò: Thịt giò heo được làm sạch, chặt thành khoanh tròn dài khoảng 2.5 - 3cm rồi rửa sạch với nước lạnh. Thịt bò bắp, bò gân được rửa qua nước muối pha loãng (nồng độ 2%). Thịt bò và giò heo không ninh quá kỹ, chỉ vừa đủ độ chín đảm bảo giữ miếng thịt được giòn, ngọt và không bị nhừ.

- Các loại chả (cua, heo, bò…): Được chế biến từ thực phẩm tươi, phối đúng liều lượng và đúng các loại gia vị thích hợp để tăng mùi vị cho chả. Các viên chả chín tới, săn, ngọt, kích cở đều, đẹp mắt.

- Nước dùng: Nước dùng được hầm từ thịt bò bắp, giò heo, xương cùi heo, xương ống bò, các nguyên liệu xương trên được tách ra từ các nguyên liệu thịt. Thịt bò bắp được hầm nguyên miếng (tùy theo khối lượng miếng thịt mà thời gian hầm có thể kéo dài). Thịt giò heo được làm sạch, chặt thành khoanh tròn dày khoảng 2.5 - 3cm cho vào nồi nước dùng. Nước dùng được ninh bởi lửa nhỏ với nồi nấu có miệng vum để xương và thịt tiết ngọt từ từ (chú ý không đậy nắp khi nước sôi và vớt bọt trong khi hầm). Nước dùng phải được chế biến và sử dụng trong ngày.

- Rau sống: Các loại rau sống ăn kèm như: cải con, rau thơm, xà lách, giá đỗ, bắp chuối… (trong đó rau thơm mang đặc trưng của bún bò Huế). Các loại ra phải có trạng thái tươi tự nhiên.

Ngoài ra, các cơ sở chế biến bún bò Huế có thể cho thêm một số nguyên liệu khác vào tô bún như chả heo, chả bò, chả cua, huyết (tiết) đã được luộc chín nhưng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng các quy định hiện hành.

Cơ sở chế biến bún bò Huế cam kết không sử dụng các phụ gia độc hại đối với sức khỏe của người sử dụng trong quá trình chế biến bún bò Huế.

Quá trình chế biến bún bò Huế phải phù hợp với các quy định hiện hành có liên quan.

2.3 Các yêu cầu để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm:

- Bún tươi: Sợi bún được lấy từ các cơ sở đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. Không chứa các chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm (Chất tẩy trắng, phát quang: Tinopal, Natrisunfit; Acid Oxalic).

- Thịt heo, bò: Thịt heo, thịt bò sử dụng trong chế biến bún bò Huế là các nguyên liệu thịt đã được qua kiểm dịch của cơ quan Thú y (đóng dấu kiểm dịch trên sản phẩm) sau khi giết mổ.

- Các loại chả (cua, heo, bò…): nguyên liệu tươi, không nhiễm bẫn hoặc hóa chất độc hại.

- Rau sống: Các loại rau sống ăn kèm như: cải con, rau thơm, xà lách, giá đỗ, bắp chuối… (trong đó rau thơm mang đặc trưng của bún bò Huế). Các loại rau sống được thu mua từ các nhà cung cấp uy tín và chất lượng (có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng). Tất cả các loại rau sống phải được rửa sạch dưới vòi nước chảy.

- Các phụ gia sử dụng trong quá trình chế biến phải còn hạn sử dụng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Phụ gia sử dụng có trong danh mục chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng quy định tại Phụ lục 1 được ban hành theo Thông tư số 27/2012/TT-BYT. Ngoài ra, các cơ sở chế biến có thể sử dụng thêm 1 số phụ gia có nguồn gốc tự nhiên như sả cây.

3. Phương pháp thử:

3.1 Xác định các chỉ tiêu cảm quan của thịt tươi theo TCVN 7046:2002.

3.2 Xác định các chỉ tiêu cảm quan của sợi bún theo phương pháp chuyên gia.

3.3 Xác định các chỉ tiêu cảm quan của nồi nước dùng theo phương pháp chuyên gia.

3.4 Xác định các chỉ tiêu cảm quan của tô bún hoàn thiện theo phương pháp chuyên gia.

Tiêu chuẩn trên là văn bản kỹ thuật, làm căn cứ để cơ sở chế biến, nghiệm thu sản phẩm và công bố./.

 

PHỤ LỤC 3

BẢNG TIÊU CHÍ CHỨNG NHẬN

Sản phẩm/dịch vụ sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1623/QĐ-UBND ngày 13/7/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

TT

Tên tiêu chí

Mức chất lượng

Phương pháp đánh giá

A

Tiêu chí chứng nhận của sản phẩm bún bò Huế (tô bún bò Huế hoàn thiện)

1

Bún tươi

Là loại thực phẩm dạng sợi tròn, trắng, mềm, được làm từ tinh bột gạo với phụ gia bột lọc, được luộc chín trong nước sôi; sợi bún dài, hơi dai, không đứt gãy; sợi bún không có mùi chua, mùi lạ.

Cảm quan

2

Các loại thịt và sản phẩm thịt

- Thịt giò heo có khoanh tròn dày khoảng 2,5-3cm, được ninh vừa đủ độ chín để đảm bảo miếng thịt được giòn, ngọt và không bị nhừ;

- Thịt bò bắp, bò gân được cắt từ những miếng thịt đã hầm vừa đủ độ chín trong quá trình chế biến nước dùng.

- Chả heo, bò, cua; huyết (tiết) đã được luộc chín.

Cảm quan

3

Nước dùng

- Nước dùng được hầm từ thịt bò bắp, giò heo, xương cùi heo, xương ống bò;

- Nước trong, không đục; luôn được giữ nóng ở nhiệt độ khoảng 85 đến 90oC. Nước dùng có màu ngà nhạt, trên bề mặt có váng màu đỏ cam của ớt phi dầu (hoặc mỡ);

- Có mùi thơm thoang thoảng của hỗn hợp các nguyên liệu thịt heo, thịt bò quyện vào nhau với mùi sả thơm nồng, mùi ruốc (khuyết) nhẹ, mùi gia vị và không có mùi lạ khác;

- Có vị ngon, ngọt đậm đà của các loại thịt và xương hầm, cay của ớt, không có vị lạ khác. Ăn xong vẫn còn vị của bún bò Huế không lẫn với vị của thực phẩm khác.

Cảm quan

4

Rau và gia vị ăn kèm

- Rau sống gồm: cải con, rau thơm, xà lách, giá đỗ, bắp chuối. Các loại rau sống được mua từ các nhà cung cấp uy tín và chất lượng (có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng). Rau có trạng thái tươi tự nhiên.

- Các loại gia vị như: nước mắm, ớt tươi, tương ớt, chanh.

Cảm quan

B

Tiêu chí chứng nhận của hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò Huế

1

Vị trí

- Cố định.

- Không vi phạm các quy định về trật tự đô thị

Theo quy định của pháp luật

2

Không gian

- Không gian thoáng mát; khu vực chế biến, chỗ ngồi của khách, nhà vệ sinh phải được bố trí hợp lý, thuận tiện khi sử dụng;

- Số chỗ ngồi tối thiểu phục vụ được 24 khách trong 1 lượt.

Cảm quan

3

Dụng cụ phục vụ

- Sạch sẽ

- Bát (tô), thìa (muỗng), đĩa kê bằng sứ; đũa tre.

Cảm quan

4

Chỉ dẫn thương mại

Biển hiệu sử dụng theo đúng mẫu quy định.

Cảm quan

5

Thái độ phục vụ

Nhân viên phục vụ niềm nở, lịch sự, thân thiện, có kiến thức cơ bản về bún bò Huế.

Cảm quan

6

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Được cấp chứng nhận cơ sở đủ diều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Theo quy định của pháp luật

 

PHỤ LỤC 4:

MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN “BÚN BÒ HUẾ”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1623/QĐ-UBND ngày 13/7/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
HIỆP HỘI DU LỊCH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

GIẤY CHỨNG NHẬN

Quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”

Số:        /CN

CHỦ TỊCH HIỆP HỘI

CHỨNG NHẬN

(Tên của tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận) ………...….....

ịa chỉ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận) ……………

Điện thoại: ………….

Được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” cho sản phẩm bún bò Huế và hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò Huế.

Theo Quyết định số:......................, ngày ......... của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.

(Tên tổ chức, cá nhân được cấp quyền)… có quyền lợi và trách nhiệm theo quy định tại Điều 10 Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” được ban hành theo Quyết định số ….. /QĐ-UBND ngày ……… của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

 

 

Thừa Thiên Huế, ngày .... tháng...... năm 20..

TM. BAN CHẤP HÀNH

CHỦ TỊCH

(Ký tên và đóng dấu)

 

PHỤ LỤC 5:

YÊU CẦU CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN “BÚN BÒ HUẾ”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1623 /QĐ-UBND ngày 13/7/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

YÊU CẦU

Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”

Kính gửi: Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế

Tên (tổ chức, cá nhân) yêu cầu:

Địa chỉ:

Điện thoại: ............................................................  Fax:

Địa điểm sản xuất/kinh doanh (địa chỉ, điện thoại):.................................. ...................

Đề nghị được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” cho sản phẩm bún bò Huế và hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò Huế.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”, chúng tôi cam kết:

1. Thực hiện đúng Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” do UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số: ....../QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Có biện pháp kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận theo quy định.

 

 

........., ngày     tháng     năm 20...

Người yêu cầu

(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu nếu là tổ chức)

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1623/QĐ-UBND ngày 13/07/2016 Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bún bò Huế do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.663

DMCA.com Protection Status
IP: 3.149.234.230
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!