Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: Khongso Loại văn bản: Điều ước quốc tế
Nơi ban hành: Liên hợp quốc Người ký: ***
Ngày ban hành: 17/12/1991 Ngày hiệu lực:
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

CÁC NGUYÊN TẮC BẢO VỆ NGƯỜI MẮC BỆNH TÂM THẦN VÀ CẢI THIỆN VIỆC CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN, 1991

(Được Đại Hội đồng thông qua trong Nghị quyết số 46/119 ngày 17/12/1991).

ÁP DỤNG

Các Nguyên tắc này sẽ được áp dụng mà không có phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào về khuyết tật, chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia, dân tộc hay xã hội, địa vị pháp lý hay địa vị xã hội, tuổi tác, tài sản hay dòng dõi.

ĐỊNH NGHĨA

Trong các Nguyên tắc này:

“Luật sư” được hiểu là người đại diện pháp lý hay người đại diện đủ năng lực;

“Nhà chức trách độc lập” được hiểu là cơ quan độc lập và có thẩm quyền theo quy định của luật quốc gia;

“Chăm sóc sức khỏe tâm thần” bao gồm việc phân tích và chẩn đoán tình trạng tâm thần của một người, và điều trị, chăm sóc và phục hồi chức năng đối với bệnh tâm thần hay trường hợp bị nghi là bệnh tâm thần;

“Cơ sở sức khỏe tâm thần” được hiểu là bất cứ cơ sở hay đơn vị của cơ sở nào có chức năng chính là chăm sóc sức khỏe tâm thần;

“Bác sỹ sức khỏe tâm thần” được hiểu là bác sỹ y tế, nhà tâm lý học trị bệnh, y tá, nhân viên công tác xã hội hay những người được đào tạo thích hợp và có đủ trình độ chuyên môn với kỹ năng cụ thể liên quan tới chăm sóc sức khỏe tâm thần;

“Bệnh nhân” là người được chăm sóc sức khỏe tâm thần và bao gồm tất cả những người được đưa vào cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần;

“Đại diện cá nhân” là người được luật pháp quy định có trách nhiệm đại diện cho quyền lợi của bệnh nhân về bất cứ phương diện được quy định cụ thể nào hoặc đại diện cho bệnh nhân thực thi các quyền được quy định cụ thể, và gồm có cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ vị thành niên trừ khi luật quốc gia quy định khác;

“Cơ quan đánh giá” là cơ quan được thành lập theo Nguyên tắc 17 để xem xét lại việc đưa bệnh nhân vào hoặc giữ bệnh nhân trong cơ sở sức khỏe tâm thần một cách không tự nguyện.

Điều khoản hạn chế chung

Việc thực thi những quyền được nêu ra trong các Nguyên tắc này có thể chỉ phải chịu những giới hạn do luật pháp quy định và cần thiết để bảo vệ sức khỏe hay sự an toàn của người có liên quan hoặc của những người khác, hoặc nếu không thì bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe hay đạo đức công cộng hay các quyền và tự do cơ bản của những người khác.

Nguyên tắc 1: Các quyền và tự do cơ bản

1. Tất cả mọi người có quyền được chăm sóc sức khỏe tâm thần tốt nhất sẵn có, mà sẽ là một phần của hệ thống chăm sóc sức khỏe và xã hội.

2. Tất cả những người mắc bệnh tâm thần, hoặc bị đối xử như người mắc bệnh tâm thần, sẽ được đối xử bằng sự nhân đạo và tôn trọng đối với phẩm giá vốn có của một con người.

3. Tất cả những người mắc bệnh tâm thần, hay những người bị đối xử như người mắc bệnh tâm thần có quyền được bảo vệ chống lại các hình thức bóc lột về kinh tế, tình dục và các hình thức bóc lột khác, lạm dụng thể chất hay các hình thức lạm dụng hay sỉ nhục khác.

4. Sẽ không có sự phân biệt đối xử nào vì lý do mắc bệnh tâm thần. “Đối xử phân biệt” là bất cứ sự phân biệt, loại trừ hay thiên vị nào làm vô hiệu hóa hay làm giảm việc thụ hưởng các quyền một cách bình đẳng. Các biện pháp đặc biệt nhằm bảo vệ các quyền hay đảm bảo sự tiến bộ của người mắc bệnh tâm thần sẽ không được coi là phân biệt đối xử. Việc phân biệt đối xử không bao gồm bất cứ sự phân biệt, loại trừ hay thiên vị nào được thực hiện theo nội dung của các Nguyên tắc này và khi việc làm này là cần thiết để bảo vệ nhân quyền của người mắc bệnh tâm thần hoặc của các cá nhân khác.

5. Mọi người mắc bệnh tâm thần đều có quyền thực thi mọi quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đã được công nhận trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền, Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và trong các văn kiện có liên quan khác, ví như Tuyên ngôn về Quyền của Người khuyết tật và Toàn bộ các Nguyên tắc Bảo vệ Tất cả mọi người đang phải chịu bất cứ Hình thức Giam cầm hoặc Tù đày nào.

6. Với quyết định tuyên bố một người mất năng lực pháp lý vì mắc bệnh tâm thần hoặc quyết định tuyên bố phải chỉ định người đại diện cá nhân vì một người nào đó bị mất năng lực pháp lý do mắc bệnh tâm thần, thì những quyết định này chỉ có thể đưa ra sau một phiên xét xử công bằng do một tòa chuyên trách độc lập và vô tư tiến hành và tòa án này phải được thành lập theo quy định của luật quốc gia. Người có vấn đề về năng lực pháp luật phải có luật sư đại diện. Nếu người có vấn đề về năng lực không tự tìm được đại diện cho mình, thì người đó được hưởng đại diện miễn phí chừng nào không đủ phương tiện để thanh toán cho việc đại diện này. Trong cùng một vụ kiện, luật sư sẽ không đồng thời đại diện cho cả cơ sở sức khỏe tâm thần hay nhân sự của cơ sở này và thành viên của gia đình người có vấn đề về năng lực trừ khi tòa án thấy rằng giữa họ không có mâu thuẫn về lợi ích. Các quyết định liên quan đến năng lực và sự cần thiết phải có người đại diện cá nhân sẽ được xem xét tại những khoảng thời gian hợp lý do luật quốc gia quy định. Người có vấn đề về năng lực, đại diện cá nhân của người đó, nếu có, và bất cứ những người có liên quan khác sẽ có quyền kháng án lên tòa án cao hơn về những quyết định này.

7. Trong trường hợp tòa án hay một tòa chuyên trách có thẩm quyền khác nhận thấy rằng người mắc bệnh tâm thần không thể tự mình giải quyết các vấn đề riêng, thì các biện pháp sẽ được tiến hành ở mức cần thiết và thích hợp với hoàn cảnh của người đó, nhằm đảm bảo bảo vệ quyền lợi cho người đó.

Nguyên tắc 2: Bảo vệ trẻ vị thành niên

Cần chú ý đặc biệt tới việc bảo vệ trẻ vị thành niên, trong phạm vi mục đích của những Nguyên tắc này và trong phạm vi luật quốc gia, để bảo vệ quyền cho nhóm đối tượng này, bao gồm, nếu cần thiết, việc chỉ định người đại diện cá nhân không phải là thành viên gia đình trẻ vị thành niên.

Nguyên tắc 3: Cuộc sống trong cộng đồng

Mọi người mắc bệnh tâm thần đều có quyền sống và làm việc trong cộng đồng trong phạm vi người đó có thể thực hiện.

Nguyên tắc 4: Xác định bệnh tâm thần

1. Việc xác định một người mắc bệnh tâm thần sẽ được tiến hành theo các tiêu chuẩn y tế đã được quốc tế chấp nhận.

2. Việc xác định bệnh tâm thần không bao giờ được tiến hành trên cơ sở địa vị chính trị, kinh tế hay xã hội hoặc tư cách thành viên của nhóm văn hóa, chủng tộc hoặc tôn giáo, hay vì bất cứ lý do nào khác không liên quan trực tiếp đến tình trạng sức khỏe tâm thần.

3. Mâu thuẫn gia đình hay nghề nghiệp, hoặc việc không tuân thủ các giá trị đạo đức, xã hội, văn hóa hay chính trị hoặc các tín ngưỡng tôn giáo phổ biến trong cộng đồng không bao giờ là yếu tố quyết định trong việc chẩn đoán bệnh tâm thần.

4. Việc một người đã từng được điều trị hay nằm viện trong quá khứ bản thân nó không thể biện minh cho bất cứ hành động xác định bệnh tâm thần nào ở hiện tại hoặc trong tương lai.

5. Không một cá nhân hay cơ quan nào được phép xếp một người vào số những người mắc bệnh tâm thần, hoặc chỉ ra người đó mặc bệnh tâm thần, trừ khi vì những mục đích liên quan trực tiếp đến bệnh tâm thần hoặc các hậu quả của bệnh tâm thần.

Nguyên tắc 5: Kiểm tra y tế

Không một ai có thể bị buộc kiểm tra y tế với mục đích xác định xem người đó có mắc bệnh tâm thần hay không trừ khi tuân theo quy trình được luật quốc gia cho phép.

Nguyên tắc 6: Bảo mật

Quyền bảo mật thông tin liên quan đến tất cả những người mà được áp dụng các Nguyên tắc này phải được tôn trọng.

Nguyên tắc 7: Vai trò của cộng đồng và văn hóa

1. Mỗi bệnh nhân sẽ có quyền được điều trị và chăm sóc, trong mức độ có thể, trong cộng đồng nơi bệnh nhân đó sinh sống.

2. Trong trường hợp việc điều trị xảy ra ở cơ sở sức khỏe tâm thần, bệnh nhân có quyền, bất cứ khi nào có thể, được điều trị gần người thân hoặc bạn bè và có quyền quay lại cộng đồng sớm nhất có thể.

3. Mọi bệnh nhân có quyền được đối xử phù hợp với nền tảng văn hóa của họ.

Nguyên tắc 8: Tiêu chuẩn chăm sóc

1. Mọi bệnh nhân có quyền được sự chăm sóc sức khỏe và xã hội phù hợp với nhu cầu sức khỏe của họ, và có quyền được chăm sóc và điều trị theo cùng tiêu chuẩn như những người bệnh khác.

2. Mọi bệnh nhân phải được bảo vệ chống lại tác hại, bao gồm thuốc không rõ xuất xứ, hay sự lạm dụng mà các bệnh nhân, nhân viên hay những người khác gây ra, hay các hành động khác gây ức chế thần kinh hoặc khó chịu về thể chất.

Nguyên tắc 9: Điều trị

1. Mọi bệnh nhân có quyền được điều trị trong môi trường bị giới hạn ít nhất và với hình thức điều trị ít giới hạn hay ít bị xâm phạm nhất phù hợp với nhu cầu sức khỏe của bệnh nhân và nhu cầu bảo vệ an toàn thể chất của những người khác.

2. Mỗi bệnh nhân sẽ được điều trị và chăm sóc theo một phác đồ riêng. Phác đồ này phải được thảo luận với bệnh nhân, được đánh giá thường xuyên, và điều chỉnh nếu cần thiết và phác đồ này phải do nhân viên chuyên môn có trình độ dựng nên.

3. Chăm sóc sức khỏe tâm thần phải luôn được tiến hành theo các tiêu chuẩn đạo đức có thể áp dụng đối với các bác sỹ sức khỏe tâm thần, bao gồm các tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận ví dụ như các Nguyên tắc Y đức được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua. Không được lạm dụng kiến thức và kỹ năng sức khỏe tâm thần.

4. Việc điều trị cho mỗi bệnh nhân phải hướng tới duy trì và tăng cường tính tự chủ của cá nhân.

Nguyên tắc 10: Thuốc

1. Thuốc chữa bệnh phải đáp ứng nhu cầu sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân, chỉ được đưa cho bệnh nhân với mục đích chữa bệnh hay chẩn đoán và không bao giờ được dùng như là hình phạt hay vì sự tiện lợi cho những người khác. Theo các quy định của đoạn 15 thuộc Nguyên tắc 11, bác sỹ sức khỏe tâm thần chỉ được kê những thuốc mà tác dụng của nó đã được biết đến rõ ràng hoặc đã được chứng minh.

2. Mọi loại thuốc chữa bệnh phải do bác sỹ sức khỏe tâm thần có thẩm quyền kê đơn, và phải được ghi vào bệnh án.

Nguyên tắc 11: Đồng ý điều trị

1. Việc điều trị sẽ không tiến hành nếu không nhận được sự chấp thuận có lý trí của bệnh nhân, trừ những trường hợp quy định ở các đoạn 6, 7, 8, 13 và 15 dưới đây.

2. Sự chấp thuận có lý trí là sự đồng ý tự do, không bị bất kỳ sự đe dọa hay xúi giục không hợp lý nào, sau khi bệnh nhân đã được thông tin một cách đầy đủ và phù hợp bằng hình thức và ngôn ngữ mà bệnh nhân có thể hiểu về :

a. Đánh giá chẩn đoán;

b. Mục đích, phương pháp, thời gian dự kiến và ích lợi mong đợi của việc điều trị được đề xuất;

c. Các hình thức điều trị khác nhau, bao gồm các hình thức ít xâm phạm hơn; và

d. Những đau đớn và khó chịu, các rủi ro và tác dụng phụ mà việc điều trị được theo hình thức đề xuất có thể gây ra.

3. Bệnh nhân có thể yêu cầu sự có mặt của một hoặc nhiều người mà bệnh nhân lựa chọn trong quá trình đồng ý chữa bệnh.

4. Bệnh nhân có quyền từ chối hoặc ngừng điều trị, trừ những trường hợp theo quy định tại các đoạn 6, 7, 8, 13 và 15 dưới đây. Bệnh nhân phải được giải thích về hậu quả của việc từ chối hoặc ngừng điều trị.

5. Không bao giờ được yêu cầu hay xúi giục bệnh nhân từ bỏ quyền đưa ra sự chấp thuận có lý trí. Nếu bệnh nhân cố gắng làm như vậy, thì phải giải thích cho họ hiểu rằng việc điều trị sẽ không thể diễn ra nếu họ không đồng ý một cách có lý trí.

6. Trừ những trường hợp quy định ở các đoạn 7, 8, 12, 13, 14 và 15 dưới đây, phác đồ điều trị đề xuất sẽ được dùng cho bệnh nhân mà không cần sự chấp thuận có lý trí của họ nếu thỏa mãn các điều kiện sau:

a. Tại thời điểm có liên quan, bệnh nhân bị coi là bệnh nhân không
tự nguyện;

b. Nhà chức trách độc lập, sở hữu mọi thông tin có liên quan, bao gồm thông tin được quy định cụ thể trong đoạn 2 ở trên, có cơ sở tin rằng, vào thời điểm có liên quan, bệnh nhân thiếu năng lực để đưa ra hoặc từ chối đưa sự chấp thuận có lý trí đối với phác đồ điều trị đề xuất hoặc, nếu luật quốc gia quy định rằng: khi tính đến sự an toàn của bản thân bệnh nhân hoặc sự an toàn của những người khác, bệnh nhân từ chối sự chấp thuận có lý trí một cách bất hợp lý; và

c. Nhà chức trách độc lập có cơ sở tin rằng phác đồ điều trị đề xuất mang lại lợi ích tốt nhất cho nhu cầu sức khỏe của bệnh nhân.

7. Đoạn 6 ở trên không áp dụng cho bệnh nhân có đại diện cá nhân được luật pháp trao quyền đưa ra chấp thuận điều trị cho bệnh nhân; nhưng, trừ những trường hợp quy định ở các đoạn 12, 13, 14 và 15 dưới đây, việc điều trị có thể tiến hành mà không cần sự chấp thuận có lý trí của bệnh nhân nếu như người đại diện cá nhân, sau khi đã được cung cấp thông tin như quy định trong đoạn 2 ở trên, thay mặt cho bệnh nhân đó chấp thuận điều trị.

8. Trừ những trường hợp quy định ở các đoạn 12, 13, 14 và 15 dưới đây, việc điều trị có thể được tiến hành với bất kỳ bệnh nhân nào mà không cần sự chấp thuận có lý trí của họ nếu một bác sỹ sức khỏe tâm thần có trình độ chuyên môn được pháp luật cho phép xác định rằng cần ngay lập tức ngăn chặn tổn hại tức thời hoặc tổn hại sắp xảy ra với bệnh nhân hay người khác.

9. Trong trường hợp việc điều trị được phép tiến hành mà không cần sự đồng ý có lý trí của bệnh nhân, thì vẫn cần cố gắng thông báo cho bệnh nhân về bản chất việc điều trị cũng như các giải pháp thay thế có thể áp dụng, và để bệnh nhân tham gia trong phạm vi có thể vào việc xây dựng phác đồ điều trị.

10. Mọi hình thức điều trị phải được ghi ngay vào bệnh án của bệnh nhân, nói rõ việc điều trị đó là tự nguyện hay không tự nguyện.

11. Không được áp dụng biện pháp kìm hãm thể xác hay ép buộc cách ly, trừ trường hợp do pháp luật quy định cho các cơ sở sức khỏe tâm thần và chỉ khi đó là biện pháp duy nhất hiện có nhằm ngăn chặn tổn hại tức thời hoặc sắp xảy đến cho bệnh nhân và những người khác. Những biện pháp trên không được kéo dài quá khoảng thời gian thực sự cần thiết cho mục đích này. Mọi trường hợp kìm hãm về thể xác hay ép buộc cách ly, lý do thực hiện những biện pháp này, bản chất và mức độ áp dụng phải được ghi trong bệnh án của bệnh nhân. Trong trường hợp bị kiềm chế hay cách ly, bệnh nhân phải được đối xử nhân đạo và được các nhân viên có trình độ chuyên môn chăm sóc, giám sát chặt chẽ và thường xuyên. Đại diện cá nhân, nếu có và nếu phù hợp, phải được thông báo kịp thời về bất kỳ hoạt động kìm hãm thể xác hay ép buộc cách ly đối với bệnh nhân.

12. Triệt sản không bao giờ được tiến hành như là biện pháp chữa bệnh tâm thần.

13. Chỉ có thể tiến hành một quy trình y khoa hay phẫu thuật quan trọng trên người mắc bệnh tâm thần khi luật quốc gia cho phép, khi xét thấy đó là quy trình tốt nhất cho nhu cầu sức khỏe của bệnh nhân và khi bệnh nhân chấp thuận một cách có lý trí, trừ khi bệnh nhân không thể đưa ra sự chấp thuận có lý trí thì quy trình này sẽ chỉ được phép tiến hành sau khi được đánh giá một cách độc lập.

14. Phẫu thuật não và các biện pháp điều trị mang tính xâm nhập và không thể khắc phục khác đối với bệnh tâm thần không bao giờ được áp dụng trên bệnh nhân không tự nguyện trong cơ sở sức khỏe tâm thần và, trong chừng mực pháp luật quốc gia cho phép, những ca phẫu thuật và biện pháp điều trị này chỉ có thể được sử dụng khi bệnh nhân đã đồng ý một cách có lý trí và một cơ quan độc lập bên ngoài có cơ sở tin rằng sự chấp thuận có lý trí này là thật và rằng phương pháp điều trị này đáp ứng tốt nhất nhu cầu sức khỏe của bệnh nhân.

15. Các cuộc thử nghiệm y tế và điều trị thử nghiệm không bao giờ được tiến hành trên bệnh nhân mà không có sự chấp thuận có lý trí của họ, trừ khi bệnh nhân không thể đồng ý một cách có lý trí nhưng khi đó phải có sự đồng ý của cơ quan đánh giá độc lập có thẩm quyền, được thành lập dành riêng cho mục đích này.

16. Trong các trường hợp quy định tại các đoạn 6, 7, 8, 13, 14 và 15 ở trên, bệnh nhân hay người đại diện cá nhân của họ, hay bất cứ ai liên quan có quyền khiếu nại lên cơ quan xét xử hoặc nhà chức trách độc lập khác về biện pháp điều trị được sử dụng cho bệnh nhân đó.

Nguyên tắc 12: Thông báo về quyền

1. Bệnh nhân trong cơ sở sức khỏe tâm thần phải được thông báo sớm nhất có thể sau khi nhập viện, bằng hình thức và ngôn ngữ mà bệnh nhân hiểu, về các quyền của họ phù hợp với các Nguyên tắc này và theo luật quốc gia. Thông tin mà bệnh nhân nhận được phải bao gồm cả phần giải thích các quyền và cách thực thi những quyền đó.

2. Nếu bệnh nhân không thể hiểu những thông tin này, các quyền của bệnh nhân sẽ được thông báo tới người đại diện cá nhân của bệnh nhân, nếu có và nếu phù hợp, và tới một hoặc nhiều người có thể đại diện tốt nhất cho quyền lợi của bệnh nhân và sẵn lòng làm việc này.

3. Bệnh nhân có năng lực cần thiết có quyền tiến cử người thay mặt bệnh nhân nhận thông tin và người sẽ đại diện cho quyền lợi của mình trước những người có thẩm quyền trong cơ sở sức khỏe tâm thần.

Nguyên tắc 13: Quyền và điều kiện trong cơ sở sức khỏe tâm thần

1. Mọi bệnh nhân trong cơ sở sức khỏe tâm thần có quyền được tôn trọng đầy đủ về:

a. Sự công nhận anh ta / cô ta là một cá nhân trước pháp luật ở mọi nơi;

b. Sự riêng tư;

c. Tự do giao tiếp, bao gồm tự do giao tiếp với những người khác trong cơ sở; tự do gửi và nhận các phương tiện liên lạc riêng tư mà không bị kiểm duyệt; tự do, dưới hình thức riêng tư, nhận các cuộc viếng thăm của luật sư hay người đại diện cá nhân và, tại mọi thời điểm hợp lý, của những người khách khác; và tự do tiếp cận các dịch vụ bưu chính, điện thoại và báo, đài và tivi;

d. Tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

2. Môi trường và điều kiện sống trong các cơ sở sức khỏe tâm thần phải gần nhất có thể với môi trường và điều kiện sống bình thường của những người cùng độ tuổi và cụ thể là phải bao gồm:

a. Cơ sở vật chất vui chơi giải trí và thư giãn;

b. Cơ sở vật chất dành cho giáo dục;

c. Cơ sở vật chất để mua hoặc nhận các vật dụng cho cuộc sống hàng ngày, vui chơi giải trí và thông tin liên lạc;

d. Cơ sở vật chất, và khuyến khích bệnh nhân sử dụng những cơ sở vật chất này, để bệnh nhân tích cực tham gia làm công việc phù hợp với nền tảng văn hóa - xã hội của họ, và để phục vụ các biện pháp phục hồi chức năng nghề nghiệp thích hợp nhằm thúc đẩy việc tái hòa nhập cộng đồng. Các biện pháp này phải bao gồm chỉ dẫn nghề nghiệp, đào tạo nghề và các dịch vụ sắp xếp việc làm giúp các bệnh nhân có thể đảm bảo hoặc giữ được việc làm trong cộng đồng.

3. Trong mọi trường hợp bệnh nhân sẽ không phải lao động bắt buộc. Trong giới hạn phù hợp với nhu cầu của bệnh nhân và với các yêu cầu quản trị thể chế, bệnh nhân có thể chọn loại công việc mà họ muốn làm.

4. Không được phép bóc lột sức lao động của bệnh nhân trong cơ sở sức khỏe tâm thần. Mỗi bệnh nhân bị lao động như vậy có quyền nhận cùng mức thù lao như người không bị bệnh theo pháp luật hoặc tập quán trong nước. Mỗi bệnh nhân, trong bất cứ trường hợp nào, có quyền nhận phần thù lao công bằng được trả cho cơ sở sức khỏe tâm thần vì công việc bệnh nhân đó làm.

Nguyên tắc 14: Các nguồn lực dành cho cơ sở sức khỏe tâm thần

1. Cơ sở sức khỏe tâm thần phải được tiếp cận cùng mức độ nguồn lực như bất kỳ cơ sở sức khỏe nào khác và cụ thể như sau:

a. Nhân viên y tế có trình độ và các nhân viên chuyên môn phù hợp khác với số lượng đầy đủ và không gian đủ rộng để bệnh nhân có khoảng riêng tư và một chương trình chữa trị tích cực và thích hợp;

b. Thiết bị chẩn đoán và chữa trị cho bệnh nhân;

c. Chăm sóc chuyên nghiệp thích hợp; và

d. Điều trị đầy đủ, thường xuyên và toàn diện bao gồm cả việc cấp thuốc.

2. Mọi cơ sở sức khỏe tâm thần sẽ bị các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra với tần suất đủ để đảm bảo rằng các điều kiện, việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân đều tuân thủ các Nguyên tắc này.

Nguyên tắc 15: Các nguyên tắc tiếp nhận bệnh nhân

1. Trong trường hợp một người cần điều trị trong cơ sở sức khỏe tâm thần, cần cố gắng tránh ép bệnh nhân vào điều trị.

2. Việc tiếp cận cơ sở sức khỏe tâm thần sẽ được thực hiện giống như tiếp cận bất cứ cơ sở chữa trị các bệnh nào khác.

3. Mọi bệnh nhân tự nguyện vào cơ sở để điều trị có quyền rời cơ sở sức khỏe tâm thần bất cứ lúc nào trừ khi áp dụng các tiêu chí về việc giữ lại bệnh nhân không tự nguyện, như được nêu trong Nguyên tắc 16, và khi đó bệnh nhân phải được thông báo về quyền này.

Nguyên tắc 16: Nhập viện bắt buộc

1. Một người có thể (a) bị buộc phải vào một cơ sở sức khỏe tâm thần; hoặc (b) đã tự nguyện trở thành bệnh nhân trong một cơ sở sức khỏe tâm thần, nhưng sau đó bị buộc phải ở lại, khi và chỉ khi bác sỹ sức khỏe tâm thần có trình độ được pháp luật cho phép xác định, phù hợp với Nguyên tắc 4, rằng người này mắc bệnh tâm thần và xem xét thấy rằng:

a. Do bị bệnh tâm thần nên người đó có nguy cơ bị nguy hại tức thì hoặc sắp bị nguy hiểm hoặc có khả năng nguy hại sẽ xảy đến với người khác; hoặc

b. Trong trường hợp người mắc bệnh tâm thần nặng và khả năng phán đoán của người này bị suy yếu, nếu không đưa người này vào cơ sở tâm thần hoặc không giữ họ lại trong cơ sở sẽ có thể khiến tình trạng của bệnh nhân xấu đi một cách trầm trọng hoặc sẽ cản trở việc tiến hành biện pháp điều trị thích hợp mà chỉ khi người đó ở trong cơ sở sức khỏe tâm thần mới có thể chữa được như vậy, phù hợp với nguyên tắc biện pháp thay thế ít kìm chế nhất.

Trong trường hợp được nhắc tới ở tiểu đoạn (b), nếu có thể, nên tham khảo ý kiến của một bác sỹ sức khỏe tâm thần thứ hai, độc lập với bác sỹ sức khỏe tâm thần thứ nhất. Nếu việc tham khảo ý kiến như vậy diễn ra, thì không thể buộc bệnh nhân vào cơ sở tâm thần điều trị hoặc giữ bệnh nhân lại đó nếu bác sỹ sức khỏe tâm thần thứ hai không đồng ý với bác sỹ sức khỏe tâm thần thứ nhất.

2. Việc ép buộc vào cơ sở sức khỏe tâm thần điều trị hoặc giữ lại bệnh nhân không tự nguyện trước tiên phải diễn ra trong khoảng thời gian ngắn theo luật quốc gia quy định để theo dõi và điều trị sơ bộ, và cơ quan đánh giá tạm hoãn đánh giá việc tiếp nhận hay lưu giữ bệnh nhân này. Nguyên do của việc đưa người bệnh vào cơ sở điều trị phải được thông báo ngay cho bệnh nhân, và những thông tin liên quan đến việc đưa bệnh nhân vào cơ sở tâm thần điều trị cũng phải được thông báo nhanh chóng và chi tiết cho cơ quan đánh giá, và cho người đại diện cá nhân của bệnh nhân, nếu có, và cho gia đình của bệnh nhân nếu bệnh nhân không phản đối.

3. Cơ sở sức khỏe tâm thần chỉ có thể tiếp nhận bệnh nhân không tự nguyện nếu cơ sở đó được một cơ quan có thẩm quyền chỉ định như vậy theo luật.

Nguyên tắc 17: Cơ quan đánh giá

1. Cơ quan đánh giá phải là một cơ quan tư pháp hoặc một cơ quan độc lập và không thiên vị khác được thành lập theo luật pháp trong nước và thực hiện chức năng theo các quy trình thủ tục mà luật quốc gia quy định. Trong quá trình ra quyết định, cơ quan đánh giá phải có sự hỗ trợ của một hoặc nhiều bác sỹ sức khỏe tâm thần có trình độ và hoạt động độc lập, và phải xem xét ý kiến tư vấn của họ.

2. Theo yêu cầu trong đoạn 2 của Nguyên tắc 16, đánh giá ban đầu của cơ quan đánh giá về quyết định đưa một người vào hoặc giữ họ lại trong cơ sở sức khỏe tâm thần như là một bệnh nhân không tự nguyện phải được tiến hành theo các thủ tục đơn giản và nhanh chóng do pháp luật quốc gia quy định.

3. Cơ quan đánh giá phải kiểm tra định kỳ các trường hợp bệnh nhân không tự nguyện vào các khoảng thời gian hợp lý theo quy định của luật pháp quốc gia.

4. Bệnh nhân không tự nguyện có thể đệ đơn lên cơ quan đánh giá để được ra khỏi cơ sở sức khỏe tâm thần hoặc được chuyển sang trạng thái tự nguyện, trong những khoảng thời gian hợp lý theo luật quốc gia quy định.

5. Vào mỗi lần kiểm tra, cơ quan đánh giá phải xem xét xem liệu tiêu chí đưa vào cơ sở sức khỏe tâm thần một cách không tự nguyện như quy định trong đoạn 1 của Nguyên tắc 16 có còn thỏa mãn hay không, và, nếu không, bệnh nhân phải được rời khỏi cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần với tư cách là một bệnh nhân không tự nguyện.

6. Nếu vào bất kỳ thời điểm nào bác sỹ sức khỏe tâm thần chịu trách nhiệm về ca bệnh tin rằng các điều kiện để giữ bệnh nhân lại với tư cách là bệnh nhân không tự nguyện không còn nữa, thì bác sỹ này phải yêu cầu cho bệnh nhân này rời khỏi cơ sở sức khỏe tâm thần với tư cách là bệnh nhân không tự nguyện.

7. Bệnh nhân hoặc người đại diện cá nhân của bệnh nhân hoặc bất cứ người nào liên quan có quyền khiếu nại lên tòa án cao hơn đối với quyết định đưa bệnh nhân vào hoặc giữ họ lại tại một cơ sở sức khỏe tâm thần.

Nguyên tắc 18: Biện pháp bảo vệ theo thủ tục

1. Bệnh nhân có quyền chọn hoặc chỉ định một luật sư đại diện cho mình, bao gồm việc đại diện trong quá trình kiện hay kháng cáo. Nếu bệnh nhân không tự có được những dịch vụ này, thì bệnh nhân sẽ được cung cấp luật sư miễn phí chừng nào mà bệnh nhân còn thiếu phương tiện chi trả.

2. Bệnh nhân cũng có quyền được hỗ trợ, nếu cần thiết, về dịch vụ phiên dịch. Trong trường hợp những dịch vụ này là cần thiết mà bệnh nhân lại không tự thu xếp được, thì các dịch vụ này sẽ được cung cấp miễn phí cho bệnh nhân chừng nào mà bệnh nhân còn thiếu phương tiện chi trả.

3. Bệnh nhân và luật sư của bệnh nhân có thể yêu cầu và đưa ra một báo cáo sức khỏe tâm thần độc lập và bất cứ báo cáo nào khác và các bằng chứng bằng lời nói, văn bản và bằng chứng khác phù hợp và có thể chấp nhận được tại bất cứ phiên xét xử nào.

4. Bản sao bệnh án của bệnh nhân và bất kỳ báo cáo, tài liệu nào trình ra phiên tòa phải được đưa cho bệnh nhân và luật sư của bệnh nhân, trừ những trường hợp đặc biệt khi người ta xác định rằng việc tiết lộ thông tin cho bệnh nhân sẽ dẫn tới tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe của họ hoặc ảnh hưởng đến sự an toàn của những người khác. Theo luật quốc gia quy định, bất cứ tài liệu nào mà không được đưa cho bệnh nhân sẽ được bí mật đưa cho người đại diện cá nhân và luật sư của bệnh nhân khi có thể. Khi người ta từ chối cung cấp cho bệnh nhân một phần tài liệu nào đó, thì bệnh nhân hoặc luật sư của bệnh nhân, nếu có, phải nhận được thông báo từ chối, lý do từ chối và việc từ chối này phải được tòa xem xét.

5. Bệnh nhân, người đại diện cá nhân và luật sư của bệnh nhân có quyền tham dự, tham gia và trình bày ý kiến cá nhân trong bất cứ phiên xét xử nào.

6. Nếu bệnh nhân hay người đại diện cá nhân hay luật sư của bệnh nhân yêu cầu một người cụ thể có mặt tại phiên xét xử, thì người đó sẽ được phép tham dự trừ khi có cơ sở xác định rằng sự có mặt của người này có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe của bệnh nhân hoặc ảnh hưởng đến sự an toàn của người khác.

7. Bất cứ quyết định nào về việc xét xử công cộng hay riêng tư dù là một phần hay toàn bộ bản án và tường thuật công khai phiên xét xử phải xét đến nguyện vọng của bệnh nhân, đến nhu cầu tôn trọng tính riêng tư của bệnh nhân và của những người khác, và tới nhu cầu ngăn chặn tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân và tránh ảnh hưởng đến sự an toàn của những người khác.

8. Quyết định đưa ra trong phiên xét xử và những lý do dẫn đến quyết định này phải được trình bày bằng văn bản.Bản sao sẽ được đưa cho bệnh nhân cũng như người đại diện cá nhân và luật sư của họ. Trong quá trình quyết định xem có nên công bố toàn bộ hay một phần quyết định này hay không, cần xem xét nguyện vọng riêng của bệnh nhân, nhu cầu tôn trọng tính riêng tư của bệnh nhân và của những người khác, đến lợi ích cộng đồng trong việc thực thi công lý công khai và đến nhu cầu ngăn chặn tổn hại nghiêm trọng đối với sức khỏe bệnh nhân hay tránh gây rủi ro cho sự an toàn của những người khác.

Nguyên tắc 19: Tiếp cận thông tin

1. Bệnh nhân (trong Nguyên tắc này, từ “bệnh nhân” bao gồm cả người đã từng là bệnh nhân) có quyền tiếp cận thông tin liên quan đến họ trong bệnh án và hồ sơ cá nhân do cơ sở sức khỏe tâm thần lưu giữ. Quyền này có thể bị giới hạn nhằm ngăn chặn tổn hại nghiêm trọng đối với sức khỏe của bệnh nhân và tránh ảnh hưởng đến an toàn của những người khác. Như luật quốc gia có thể quy định, bất cứ thông tin nào không được cung cấp cho bệnh nhân cũng cần, khi có thể tiến hành bí mật, cung cấp cho người đại diện cá nhân và luật sư của bệnh nhân. Khi bệnh nhân bị từ chối tiếp cận một thông tin nhất định thì người đại diện cá nhân hoặc luật sư của bệnh nhân đó, nếu có, phải nhận được thông báo về việc từ chối này cũng như lý do từ chối, và việc từ chối này sẽ phải chịu sự xem xét của tòa án.

2. Bất cứ ý kiến bằng văn bản nào từ phía bệnh nhân, người đại diện cá nhân hoặc luật sư của bệnh nhân cũng phải, theo yêu cầu, được đưa vào hồ sơ của bệnh nhân.

Nguyên tắc 20: Người phạm tội hình sự

1. Nguyên tắc này áp dụng với những người đang chịu án tù vì phạm tội hình sự, hoặc những người bị giam giữ trong quá trình tố tụng hoặc điều tra hình sự đối với họ, và những người được xác định là mắc bệnh tâm thần hoặc những người được cho là có thể mắc bệnh tâm thần.

2. Tất cả những người này sẽ nhận được sự chăm sóc sức khỏe tâm thần tốt nhất sẵn có theo quy định trong Nguyên tắc 1. Các Nguyên tắc này sẽ được áp dụng cho những người này tới mức đầy đủ nhất có thể, mà có thể chỉ bị sửa đổi hay đưa ra ngoại lệ khi cần thiết. Bất kỳ sự sửa đổi hay ngoại lệ nào cũng không được ảnh hưởng đến quyền của những người này theo các văn kiện được đề cập trong đoạn 5 của Nguyên tắc 1.

3. Luật quốc gia có thể trao quyền cho tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác, hành động dựa trên ý kiến tư vấn y tế của cơ quan có thẩm quyền và hoạt động độc lập, yêu cầu đưa những người trên vào cơ sở sức khỏe tâm thần.

4. Trong mọi trường hợp, việc điều trị những người được xác định là mắc bệnh tâm thần sẽ tuân theo Nguyên tắc 11.

Nguyên tắc 21: Khiếu nại

Mọi bệnh nhân và người đã từng là bệnh nhân có quyền khiếu nại thông qua các thủ tục do luật quốc gia quy định.

Nguyên tắc 22: Giám sát và các biện pháp khắc phục

Các Quốc gia phải đảm bảo tính hiệu lực của các cơ chế thích hợp nhằm thúc đẩy việc tuân thủ những Nguyên tắc này, đối với việc kiểm tra các cơ sở sức khỏe tâm thần, đối với việc đệ trình, điều tra và giải quyết khiếu nại, và đối với việc khởi tố một vụ án kỷ luật đối với hành vi nghề nghiệp sai trái hoặc xâm phạm đến quyền của bệnh nhân.

Nguyên tắc 23: Thực thi

1. Các Quốc gia phải thực thi những Nguyên tắc này thông qua các biện pháp lập pháp, tư pháp, hành chính, giáo dục và các biện pháp phù hợp khác, và phải định kỳ xem xét lại những biện pháp này.

2. Các Quốc gia phải phổ biến rộng rãi những Nguyên tắc này bằng những cách thức thích hợp và tích cực.

Nguyên tắc 24: Phạm vi của những nguyên tắc liên quan đến các cơ sở sức khỏe tâm thần

Những Nguyên tắc này áp dụng đối với tất cả những người được đưa vào cơ sở sức khỏe tâm thần.

Nguyên tắc 25: Bảo lưu các quyền hiện hữu

Các quyền hiện hữu của bệnh nhân sẽ không bị giới hạn hay làm suy giảm, trong đó có các quyền mà các văn bản pháp luật quốc tế và quốc gia đã công nhận, viện cớ rằng các Nguyên tắc này không công nhận những quyền đó hoặc công nhận các quyền này nhưng ở mức độ thấp hơn.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nguyên tắc bảo vệ người mắc bệnh tâm thần và cải thiện việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần, 1991

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.057

DMCA.com Protection Status
IP: 3.139.86.56
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!