Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 101/2005/QĐ-BTC Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Trần Văn Tá
Ngày ban hành: 29/12/2005 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 101/2005/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH VÀ CÔNG BỐ BỐN CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN VIỆT NAM (ĐỢT 7)

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 của Chính phủ về Kiểm toán độc lập;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán, Chánh Văn phòng Bộ
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành bốn (04) chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (đợt 7) có số hiệu và tên gọi sau đây:

1. Chuẩn mực 260 - Trao đổi các vấn đề quan trọng phát sinh khi kiểm toán với Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán;

2. Chuẩn mực 330 - Thủ tục kiểm toán trên cơ sở đánh giá rủi ro;

3. Chuẩn mực 505 - Thông tin xác nhận từ bên ngoài;

4. Chuẩn mực 545 - Kiểm toán việc xác định và trình bày giá trị hợp lý.

Điều 2: Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định này áp dụng đối với dịch vụ kiểm toán độc lập báo cáo tài chính. Dịch vụ kiểm toán các thông tin tài chính khác và dịch vụ liên quan của Công ty kiểm toán được áp dụng theo quy định cụ thể của từng chuẩn mực.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

Điều 4: Kiểm toán viên và công ty kiểm toán hoạt động hợp pháp tại Việt Nam có trách nhiệm triển khai thực hiện các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam ban hành tại Quyết định này trong hoạt động của mỗi công ty.

Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán, Chánh văn phòng Bộ và Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo)
- Văn phòng TW Đảng
- Văn phòng Chủ tịch nước
- Văn phòng Quốc hội
- Văn phòng Chính phủ
- Tòa án NDTC tối cao
- Viện Kiểm sát NDTC tối cao
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp)
- Sở Tài chính, Cục thuế các tỉnh, thành phố
  trực thuộc TW
- Các công ty kiểm toán
- Các Trường ĐH KTQD, Kinh tế TP.HCM
- Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

- Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam

- Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính)

- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính

- Công báo

- Lưu: VT, Vụ CĐKT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Tá

 

HỆ THỐNG

CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN VIỆT NAM

 

CHUẨN MỰC SỐ 260

TRAO ĐỔI CÁC VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG PHÁT SINH KHI KIỂM TOÁNVỚI BAN LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ ĐƯỢC KIỂM TOÁN
(Ban hành theo Quyết định số 101/2005/QĐ-BTCngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUY ĐỊNH CHUNG

01.  Mục đích của chuẩn mực này là quy định các nguyên tắc, thủ tục cơ bản và hướng dẫn thể thức áp dụng các nguyên tắc và thủ tục cơ bản trong việc trao đổi các vấn đề phát sinh khi kiểm toán giữa kiểm toán viên và công ty kiểm toán với những người trong Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán.

02.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải trao đổi các vấn đề quan trọng trong đó có vấn đề về quản trị đơn vị phát sinh khi kiểm toán báo cáo tài chính với những người trong Ban lãnh đạo đơn vị  được kiểm toán.

03.  Chuẩn mực này áp dụng cho việc trao đổi các vấn đề quan trọng phát sinh khi kiểm toán báo cáo tài chính giữa kiểm toán viên và công ty kiểm toán với những người trong Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán.

Chuẩn mực này không quy định cách thức của kiểm toán viên khi trao đổi thông tin với các đối tượng bên ngoài đơn vị được kiểm toán.

Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải tuân thủ những qui định của chuẩn mực này trong quá trình thực hiện kiểm toán và cung cấp dịch vụ liên quan.

Đơn vị được kiểm toán (khách hàng) và các bên sử dụng kết quả kiểm toán phải có những hiểu biết cần thiết về các nguyên tắc và thủ tục quy định trong chuẩn mực này để thực hiện trách nhiệm của mình và để phối hợp công việc với kiểm toán viên và công ty kiểm toán giải quyết các mối quan hệ trong quá trình kiểm toán.

Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:

04.  Ban lãnh đạo: Là những người thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, giám sát, kiểm soát, đưa ra quyết định để xây dựng và phát triển đơn vị được kiểm toán như những người trong Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban kiểm soát, người phụ trách quản trị từng lĩnh vực.

05    Quản trị: Là mô tả công việc của những người được giao nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, giám sát, kiểm soát một lĩnh vực nào đó hoặc chỉ đạo, điều hành một pháp nhân.

Ban lãnh đạo chịu trách nhiệm đảm bảo cho đơn vị hoạt động có hiệu quả, đạt được mục tiêu mà đơn vị đề ra, giám sát hoặc cung cấp báo cáo tài chính cho các bên hữu quan.

06.  Các vấn đề quan trọng về quản trị đơn vị: Là những vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính mà kiểm toán viên và công ty kiểm toán cho là quan trọng có liên quan đến công tác quản trị của Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán trong việc giám sát quá trình lập và công khai báo cáo tài chính.

Kiểm toán viên không có trách nhiệm phải phát hiện và báo cáo với Ban lãnh đạo đơn vị tất cả các vấn đề quan trọng về quản trị của đơn vị được kiểm toán.

NỘI DUNG CHUẨN MỰC

07.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải xác định những người liên quan đến Ban lãnh đạo và những người sẽ trao đổi các vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề về quản trị đơn vị phát sinh khi kiểm toán ở đơn vị được kiểm toán.

08.  Kiểm toán viên phải xác định cơ cấu quản trị và các nguyên tắc quản trị của từng đơn vị như chức năng giám sát (Ban kiểm soát) và chức năng điều hành của Ban Giám đốc và của Hội đồng quản trị.

09.  Trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên phải xác định ai là người trong Ban lãnh đạo và ai là người cần trao đổi các vấn đề quan trọng phát sinh khi kiểm toán.

10.  Trường hợp cơ cấu quản trị của đơn vị không được xác định rõ ràng hoặc không xác định hết được ai là người trong Ban lãnh đạo thì kiểm toán viên phải thỏa thuận với đơn vị đó về người sẽ được trao đổi thông tin quan trọng liên quan đến cuộc kiểm toán.

11.  Để tránh hiểu lầm, trong hợp đồng kiểm toán phải nêu rõ kiểm toán viên chỉ trao đổi thông tin quan trọng về quản trị của đơn vị được kiểm toán phát sinh trong quá trình thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên không được yêu cầu phải thiết kế các thủ tục riêng biệt nhằm xác định các vấn đề quan trọng về quản trị đơn vị.

Hợp đồng kiểm toán có thể mô tả các vấn đề sau:

-          Xác định những người liên quan sẽ thực hiện trao đổi thông tin; và

-          Xác định một cách cụ thể vấn đề quan trọng nào về quản trị cần được trao đổi.

12.  Hiệu quả của việc trao đổi thông tin được tăng cường bằng việc phát triển mối quan hệ làm việc có tính xây dựng giữa kiểm toán viên và những người trong Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán. Mối quan hệ này được phát triển trong khi vẫn phải đảm bảo tính độc lập chuyên môn và tính khách quan.

Những vấn đề quan trọng phát sinh khi kiểm toán sẽ được trao đổi

13.  Kiểm toán viên phải xem xét những vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề về quản trị đơn vị phát sinh từ cuộc kiểm toán báo cáo tài chính và trao đổi những vấn đề này với những người trong Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán. Thông thường những vấn đề này bao gồm:

a)      Phương pháp tiếp cận tổng quát và toàn bộ phạm vi kiểm toán, bao gồm cả giới hạn dự kiến hoặc những yêu cầu bổ sung;

b)      Những thay đổi hoặc việc lựa chọn chính sách và thông lệ kế toán quan trọng có tác động hoặc có thể có tác động đáng kể đến báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán;

c)      Tác động tiềm tàng của những rủi ro quan trọng đối với báo cáo tài chính, như một vụ kiện chưa xử lý yêu cầu phải được trình bày trong báo cáo tài chính;

d)     Những bút toán điều chỉnh theo ý kiến của kiểm toán viên, cho dù đơn vị được kiểm toán có thực hiện hay không, có thể tác động quan trọng đến báo cáo tài chính của đơn vị;

e)      Những yếu tố không chắc chắn đáng kể liên quan đến những sự kiện và điều kiện tạo ra sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị;

f)       Các ý kiến bất đồng với Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán về những vấn đề mang tính nghiệp vụ hay nguyên tắc có ảnh hưởng đáng kể tới báo cáo tài chính hoặc báo cáo kiểm toán của đơn vị được kiểm toán;

g)      Dạng báo cáo kiểm toán;

h)      Những vấn đề khác đòi hỏi sự quan tâm của những người trong Ban lãnh đạo như những điểm yếu lớn trong hệ thống kiểm soát nội bộ, những câu hỏi về tính chính trực, liêm khiết và sự gian lận trong quản lý liên quan đến Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán;

i)        Bất kỳ vấn đề nào khác được thoả thuận trong hợp đồng kiểm toán.

14.  Những vấn đề quan trọng về quản trị đơn vị sẽ được kiểm toán viên trao đổi và thông báo cho những người trong Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán cần biết:

a)      Thông báo của kiểm toán viên về kết quả của cuộc  kiểm toán; và

b)      Việc kiểm toán báo cáo tài chính không nhằm để xác định tất cả những vấn đề liên quan đến những người trong Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán. Do đó, thông thường kiểm toán viên và công ty kiểm toán không xác định được tất cả những vấn đề có liên quan đến công việc quản trị.

Thời gian trao đổi thông tin

15.  Kiểm toán viên phải kịp thời trao đổi những vấn đề quan trọng trong đó có vấn đề về quản trị đơn vị phát sinh trong quá trình kiểm toán để giúp người trong Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán có biện pháp hành động kịp thời và thích hợp.

16.  Để có thể trao đổi thông tin kịp thời, kiểm toán viên phải thảo luận với những người trong Ban lãnh đạo về cơ sở và thời gian trao đổi thông tin. Trong một số trường hợp nhất định, do tính chất của vấn đề, kiểm toán viên có thể trao đổi vấn đề đó sớm hơn thời gian đã thỏa thuận trước.

Hình thức trao đổi thông tin

17.  Kiểm toán viên có thể trao đổi với những người trong Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán bằng lời hoặc bằng văn bản. Quyết định của kiểm toán viên và công ty kiểm toán trong việc trao đổi bằng lời hay bằng văn bản phụ thuộc vào những yếu tố sau:

a)      Quy mô, cơ cấu hoạt động, tổ chức quản lý và quy trình trao đổi thông tin của đơn vị được kiểm toán;

b)      Tính chất, tính nhạy cảm và tầm quan trọng của những vấn đề quan trọng về quản trị đơn vị phát sinh khi kiểm toán sẽ được trao đổi;

c)      Những thỏa thuận được thực hiện liên quan đến những buổi họp hoặc báo cáo định kỳ hoạt động về các vấn đề quan trọng trong đó có vấn đề về quản trị đơn vị phát sinh trong quá trình kiểm toán;

d)     Lượng thông tin liên lạc và cuộc đối thoại thường xuyên mà kiểm toán viên thực hiện với Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán.

18.  Khi các vấn đề quan trọng về quản trị được trao đổi bằng lời, kiểm toán viên phải lập thành văn bản những vấn đề đã trao đổi, kể cả các thông tin phản hồi. Văn bản này có thể dưới hình thức bản sao biên bản thảo luận của kiểm toán viên với những người trong Ban lãnh đạo. Trong một số trường hợp, tùy vào tính chất, mức độ nhạy cảm và tầm quan trọng của vấn đề cần trao đổi, kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải có xác nhận bằng văn bản với những người trong Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán.

19.  Kiểm toán viên thường thảo luận các vấn đề quan trọng về quản trị đơn vị phát sinh trong quá trình kiểm toán với Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán, trừ trường hợp những vấn đề đó liên quan đến những câu hỏi về năng lực và tính trung thực của Ban Giám đốc. Những cuộc thảo luận này giúp kiểm toán viên thu nhận được nhiều thông tin từ kiểm toán. Nếu Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đồng ý trao đổi một vấn đề nào đó về công tác quản trị với những người trong Ban lãnh đạo, kiểm toán viên có thể không lặp lại những thông tin trao đổi, với điều kiện kiểm toán viên hài lòng rằng những thông tin trao đổi đó đã được thực hiện một cách hiệu quả và phù hợp.

Trường hợp kiểm toán viên đã hài lòng với các thông tin có được sau khi trao đổi với Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán thì không cần trao đổi với người khác trong Ban lãnh đạo nữa.

Những vấn đề khác

20.  Nếu kiểm toán viên xét thấy việc sửa đổi Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính là cần thiết như quy định trong Chuẩn mực kiểm toán số 700 “Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính” thì việc trao đổi thông tin giữa kiểm toán viên và những người trong Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán vẫn thực hiện theo chuẩn mực này và không được coi là biện pháp thay thế thủ tục kiểm toán quy định tại Chuẩn mực kiểm toán số 700.

21.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải xem xét liệu những vấn đề quan trọng về quản trị đơn vị phát sinh khi kiểm toán đã được trao đổi trước đây có thể có tác động đến báo cáo tài chính của năm hiện tại. Kiểm toán viên cần cân nhắc xem vấn đề đó có còn quan trọng về quản trị đơn vị và có cần tiếp tục trao đổi lại vấn đề đó với Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán.

Bảo mật

22.  Trường hợp các văn bản pháp luật có quy định về bảo mật làm hạn chế việc trao đổi thông tin những vấn đề quan trọng về mặt quản trị phát sinh trong cuộc kiểm toán thì kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải xem xét các quy định đó trước khi trao đổi với người trong Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán. Trường hợp những quy định này có mâu thuẫn với chức năng, nhiệm vụ và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên thì kiểm toán viên có thể yêu cầu sự trợ giúp của chuyên gia tư vấn pháp luật.

Luật định

23.  Nếu văn bản pháp luật có quy định yêu cầu kiểm toán viên và công ty kiểm toán trao đổi những thông tin liên quan đến quản trị mà không được quy định trong chuẩn mực này thì vẫn phải thực hiện theo yêu cầu của văn bản pháp luật đó.

*

* *

HỆ THỐNG

CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN VIỆT NAM

 

CHUẨN MỰC SỐ 330

THỦ TỤC KIỂM TOÁN TRÊN CƠ SỞ ĐÁNH GIÁ RỦI RO
(Ban hành theo Quyết định số 101/2005/QĐ-BTCngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

 

QUY ĐỊNH CHUNG

01.  Mục đích của chuẩn mực này là quy định các nguyên tắc, thủ tục cơ bản và hướng dẫn thể thức áp dụng các nguyên tắc và thủ tục cơ bản về việc đưa ra và thực hiện các thủ tục kiểm toán trên cơ sở đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính và các cơ sở dẫn liệu trong kiểm toán báo cáo tài chính.

02.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải có đủ hiểu biết về đơn vị được kiểm toán cũng như môi trường kinh doanh của đơn vị, trong đó có hệ thống kiểm soát nội bộ để đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu làm cơ sở đề ra các thủ tục kiểm toán.

03.  Chuẩn mực này áp dụng cho kiểm toán báo cáo tài chính và được vận dụng cho kiểm toán thông tin tài chính khác và các dịch vụ liên quan của công ty kiểm toán.

Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải tuân thủ các quy định của chuẩn mực này trong quá trình thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính.

Đơn vị được kiểm toán (khách hàng) và các bên sử dụng kết quả kiểm toán phải có những hiểu biết cần thiết về những quy định trong chuẩn mực này để phối hợp công việc với kiểm toán viên và công ty kiểm toán, cũng như xử lý các quan hệ liên quan đến các thông tin đã được kiểm toán.

04.  Các yêu cầu tổng quát của chuẩn mực này gồm:

Phương pháp tiếp cận tổng quát: Yêu cầu kiểm toán viên và công ty kiểm toán đưa ra phương pháp tiếp cận tổng quát để đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính và hướng dẫn nội dung của các phương pháp tiếp cận tổng quát đó.

Thủ tục kiểm toán trên cơ sở đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong các cơ sở dẫn liệu: Yêu cầu kiểm toán viên phải thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung bao gồm thực hiện kiểm tra tính hiệu quả của các hoạt động kiểm soát liên quan hoặc theo yêu cầu và các thử nghiệm cơ bản mà nội dung, lịch trình và mức độ thử nghiệm phụ thuộc vào kết quả đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong các cơ sở dẫn liệu. Yêu cầu này cũng đòi hỏi kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải cân nhắc khi xác định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán đó.

Đánh giá mức độ đầy đủ và thích hợp của bằng chứng kiểm toán thu thập được: Yêu cầu kiểm toán viên xác định xem việc đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu có còn phù hợp hay không và kết luận liệu các bằng chứng kiểm toán thích hợp đã được thu thập đầy đủ hay không.

Hồ sơ kiểm toán: Yêu cầu nội dung và tài liệu trình bày trong hồ sơ kiểm toán phải đầy đủ các thông tin liên quan đến cơ sở đánh giá rủi ro.

05.  Để giảm rủi ro kiểm toán xuống mức thấp nhất có thể chấp nhận được, kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải đưa ra phương pháp tiếp cận tổng quát trên cơ sở đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính; phải thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán để xử lý các rủi ro có sai sót trọng yếu trong các cơ sở dẫn liệu. Phương pháp tiếp cận tổng quát, nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán bổ sung phụ thuộc vào xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên. Bên cạnh các yêu cầu của chuẩn mực này, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cũng cần phải tuân thủ các quy định trong Chuẩn mực kiểm toán số 240 “Gian lận và sai sót” để xử lý rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận.

NỘI DUNG CHUẨN MỰC

Phương pháp tiếp cận tổng quát

06.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần đưa ra phương pháp tiếp cận tổng quát để xác định rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính. Phương pháp tiếp cận tổng quát đòi hỏi kiểm toán viên cần giữ thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong quá trình thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán, bổ nhiệm kiểm toán viên có nhiều kinh nghiệm hoặc có các kỹ năng chuyên môn đặc biệt, sử dụng các chuyên gia, giám sát nhiều hơn hoặc kết hợp các yếu tố bổ sung cho các vấn đề không thể dự đoán trước khi lựa chọn thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán có thể thay đổi nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán. Ví dụ: Việc thực hiện các thử nghiệm cơ bản vào giai đoạn cuối kỳ thay vì vào giai đoạn giữa kỳ.

07.  Hiểu biết của kiểm toán viên về môi trường kiểm soát của đơn vị được kiểm toán có ảnh hưởng đến việc đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính. Môi trường kiểm soát hiệu quả giúp kiểm toán viên tin tưởng hơn vào hệ thống kiểm soát nội bộ và độ tin cậy của bằng chứng kiểm toán thu thập được trong nội bộ đơn vị được kiểm toán, từ đó cho phép kiểm toán viên tiến hành một số thủ tục kiểm toán ở giai đoạn giữa kỳ thay vì vào giai đoạn cuối kỳ. Nếu phát hiện thấy những điểm yếu trong môi trường kiểm soát của đơn vị, kiểm toán viên sẽ tiến hành thêm các thủ tục kiểm toán vào giai đoạn cuối kỳ chứ không phải vào giai đoạn giữa kỳ. Kiểm toán viên cần thu thập thêm bằng chứng kiểm toán từ thử nghiệm cơ bản, thay đổi nội dung các thủ tục kiểm toán nhằm thu thập thêm bằng chứng kiểm toán có sức thuyết phục cao, hoặc mở rộng phạm vi công việc kiểm toán.

08.  Những xem xét trên có ảnh hưởng quan trọng đến phương pháp kiểm toán chung của kiểm toán viên. Ví dụ: Tập trung thực hiện thử nghiệm cơ bản (phương pháp cơ bản), hoặc kết hợp thử nghiệm kiểm soát với thử nghiệm cơ bản (phương pháp kết hợp).

Thủ tục kiểm toán bổ sung áp dụng đối với rủi ro có sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu

09.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải thiết kế và thực hiện thêm các thủ tục kiểm toán bổ sung mà nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục này phụ thuộc vào kết quả đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong các cơ sở dẫn liệu nhằm thể hiện sự liên hệ rõ ràng giữa nội dung, lịch trình và phạm vi các thủ tục kiểm toán với việc đánh giá rủi ro. Khi thiết kế các thủ tục kiểm toán, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần cân nhắc các vấn đề sau:

a)      Mức độ quan trọng của rủi ro;

b)      Khả năng có thể xảy ra sai sót trọng yếu;

c)      Đặc trưng của loại nghiệp vụ, số dư khoản mục hoặc các giải trình liên quan;

d)     Nội dung hoạt động kiểm soát cụ thể mà đơn vị được kiểm toán sử dụng, đặc biệt là hoạt động kiểm soát này được thực hiện thủ công hay tự động;

e)      Kiểm toán viên có kỳ vọng thu thập được bằng chứng kiểm toán để xác định liệu các hoạt động kiểm soát của đơn vị có hiệu quả trong việc ngăn chặn, phát hiện và sửa chữa các sai sót trọng yếu hay không.

10.  Đánh giá của kiểm toán viên về các rủi ro trong cơ sở dẫn liệu chỉ ra cơ sở để lựa chọn một phương pháp kiểm toán thích hợp khi thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán. Trong một số trường hợp, kiểm toán viên có thể quyết định chỉ cần thực hiện các thử nghiệm kiểm soát là đủ để có thể đưa ra được ý kiến có hiệu quả đối với rủi ro có sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu nào đó. Trong những trường hợp khác, kiểm toán viên có thể chỉ thực hiện các thử nghiệm cơ bản mới phù hợp với cơ sở dẫn liệu cụ thể và như vậy, kiểm toán viên bỏ qua ảnh hưởng của hoạt động kiểm soát khi đánh giá rủi ro liên quan. Điều này xảy ra khi các thủ tục đánh giá rủi ro của kiểm toán viên không xác định được bất kỳ hoạt động kiểm soát hiệu quả nào liên quan đến cơ sở dẫn liệu, hoặc việc kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, kiểm toán viên hiểu rằng chỉ thực hiện các thử nghiệm cơ bản đối với cơ sở dẫn liệu mới đạt được hiệu quả trong việc làm giảm rủi ro có sai sót trọng yếu xuống mức có thể chấp nhận được. Thông thường, kiểm toán viên có thể sử dụng phương pháp kết hợp cả kiểm tra tính hiệu quả của các thử nghiệm kiểm soát với các thử nghiệm cơ bản. Cho dù lựa chọn phương pháp nào thì kiểm toán viên vẫn phải thiết kế và thực hiện các thử nghiệm cơ bản với từng loại nghiệp vụ trọng yếu, số dư khoản mục hoặc các giải trình như quy định ở đoạn 51.

11.  Trường hợp đơn vị được kiểm toán có quy mô hoạt động rất nhỏ, không có nhiều hoạt động kiểm soát để kiểm toán viên có thể kiểm tra thì các thủ tục kiểm toán mà kiểm toán viên đề ra chủ yếu sẽ là các thử nghiệm cơ bản. Trường hợp này, ngoài các vấn đề được quy định ở đoạn 10, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần cân nhắc xem trong trường hợp đơn vị không có nhiều hoạt động kiểm soát thì có thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp hay không.

Xem xét nội dung, lịch trình và phạm vi các thủ tục kiểm toán bổ sung

Nội dung

12.  Nội dung các thủ tục kiểm toán phản ánh mục tiêu của các thủ tục đó (thử nghiệm kiểm soát hoặc thử nghiệm cơ bản) và phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán, như kiểm tra, quan sát, điều tra, xác nhận, tính toán, quy trình phân tích. Một số thủ tục kiểm toán cụ thể có thể thích hợp đối với cơ sở dẫn liệu này hơn đối với cơ sở dẫn liệu khác. Ví dụ: Liên quan tới doanh thu, các thử nghiệm kiểm soát có thể thích hợp hơn để phát hiện rủi ro sai sót về tính đầy đủ, trong khi các thử nghiệm cơ bản lại thích hợp hơn để phát hiện rủi ro sai sót về sự phát sinh.

13.  Việc lựa chọn các thủ tục kiểm toán của kiểm toán viên cần căn cứ vào việc đánh giá rủi ro. Kiểm toán viên đánh giá rủi ro càng cao thì bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các thử nghiệm cơ bản càng phải đáng tin cậy và phù hợp hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến cả hai loại thủ tục kiểm toán sẽ được thực hiện và mức độ kết hợp của chúng. Ví dụ: Kiểm toán viên có thể xác nhận mức độ đầy đủ về các điều khoản trong một hợp đồng với một bên thứ ba, bên cạnh việc kiểm tra tài liệu.

14.  Khi xác định các thủ tục kiểm toán sẽ được thực hiện, kiểm toán viên cần cân nhắc cơ sở đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong các cơ sở dẫn liệu đối với từng loại nghiệp vụ, số dư khoản mục hoặc các giải trình liên quan. Việc này bao gồm xem xét tính chất cụ thể của từng loại nghiệp vụ, số dư khoản mục hoặc các giải trình liên quan (rủi ro tiềm tàng) và xem xét liệu việc đánh giá rủi ro của kiểm toán viên có tính đến các hoạt động kiểm soát của đơn vị hay không (rủi ro kiểm soát). Ví dụ: Nếu kiểm toán viên xét thấy rủi ro có sai sót trọng yếu là thấp do đặc trưng riêng của loại nghiệp vụ này không cần hoạt động kiểm soát liên quan, thì kiểm toán viên có thể quyết định chỉ cần thực hiện thủ tục phân tích cơ bản cũng có thể cung cấp đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp. Nếu kiểm toán viên đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu là thấp vì đơn vị đã có hoạt động kiểm soát hiệu quả và kiểm toán viên dự định sẽ thiết kế các thử nghiệm cơ bản căn cứ vào hiệu quả của hoạt động kiểm soát này thì kiểm toán viên sẽ thực hiện các thử nghiệm kiểm soát nhằm thu thập được các bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát này. Ví dụ cho trường hợp này là các loại nghiệp vụ tương đối đồng nhất, không phức tạp, được xử lý thường xuyên và được kiểm soát bởi hệ thống thông tin của đơn vị.

15.  Kiểm toán viên cần thu thập bằng chứng kiểm toán về tính chính xác và đầy đủ của thông tin do hệ thống thông tin của đơn vị cung cấp nếu những thông tin này được kiểm toán viên sử dụng để thực hiện các thủ tục kiểm toán. Ví dụ: Nếu kiểm toán viên sử dụng các thông tin phi tài chính hoặc dữ liệu dự toán do hệ thống thông tin của đơn vị cung cấp để thực hiện các thủ tục kiểm toán, như các thủ tục phân tích cơ bản hay các thử nghiệm kiểm soát thì kiểm toán viên cần thu thập bằng chứng kiểm toán về mức độ chính xác và đầy đủ của những thông tin này theo quy định.

Lịch trình

16.  Lịch trình là trình tự thời gian tiến hành các thủ tục kiểm toán, các giai đoạn kiểm toán hoặc thời điểm của bằng chứng kiểm toán.

17.  Kiểm toán viên có thể thực hiện thử nghiệm kiểm soát hoặc thử nghiệm cơ bản ở thời điểm kiểm toán giữa kỳ hay cuối kỳ. Rủi ro có sai sót trọng yếu càng cao thì kiểm toán viên càng cần phải thực hiện các thử nghiệm cơ bản gần thời điểm cuối kỳ hơn là vào thời điểm giữa kỳ, hoặc thực hiện các thủ tục kiểm toán mà không cần thông báo trước về nội dung và thời gian (Ví dụ: Thực hiện các thủ tục kiểm toán với một số vị trí được chọn mà không thông báo trước). Việc thực hiện các thủ tục kiểm toán vào thời điểm trước khi kết thúc kỳ kế toán có thể giúp kiểm toán viên phát hiện được sớm các vấn đề quan trọng. Vấn đề này có thể được giải quyết với sự giúp đỡ của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán hoặc do kiểm toán viên thiết kế phương pháp kiểm toán hiệu quả. Nếu kiểm toán viên thực hiện các thử nghiệm kiểm soát hoặc các thử nghiệm cơ bản trước khi kết thúc kỳ kế toán thì cần cân nhắc bằng chứng kiểm toán bổ sung cần thiết ở giai đoạn còn lại theo quy định tại các đoạn 39-40 và 58-63.

18.  Để quyết định thời điểm thực hiện các thủ tục kiểm toán, kiểm toán viên cần cân nhắc các vấn đề sau:

a)      Môi trường kiểm soát;

b)      Khi nào có thông tin thích hợp (Ví dụ: Thủ tục quan sát có thể chỉ thực hiện trong thời gian cụ thể nào đó);

c)      Bản chất của rủi ro (Ví dụ: Nếu có rủi ro về việc doanh thu bị khai tăng lên bằng cách tạo ra những hợp đồng bán hàng giả mạo, kiểm toán viên có thể đề nghị kiểm tra các hợp đồng hiện có vào thời điểm kết thúc kỳ kế toán);

d)     Giai đoạn hoặc thời điểm liên quan đến bằng chứng kiểm toán.

19.  Một số thủ tục kiểm toán có thể chỉ được thực hiện vào giai đoạn cuối kỳ hoặc sau giai đoạn cuối kỳ. Ví dụ: Việc đối chiếu số liệu trên báo cáo tài chính với sổ kế toán và việc kiểm tra các khoản mục được điều chỉnh thực hiện trong quá trình lập báo cáo tài chính. Nếu xảy ra rủi ro là đơn vị được kiểm toán có những hợp đồng kinh tế không minh bạch hoặc các giao dịch không được quyết toán vào giai đoạn cuối kỳ thì kiểm toán viên thực hiện các thủ tục kiểm toán thích hợp để xử lý rủi ro cụ thể này. Ví dụ: Nếu giá trị của từng giao dịch là trọng yếu hoặc sai sót xảy ra vào lúc khóa sổ kế toán có thể dẫn đến sai sót trọng yếu, thông thường kiểm toán viên sẽ kiểm tra các giao dịch phát sinh gần thời điểm cuối kỳ.

Phạm vi

20.  Phạm vi các thủ tục kiểm toán là số lượng thủ tục kiểm toán cụ thể cần thực hiện. Ví dụ: Cỡ của một mẫu hoặc số lượng các quan sát đối với một hoạt động kiểm soát.

Phạm vi của thủ tục kiểm toán được kiểm toán viên xác định dựa vào xét đoán chuyên môn của mình sau khi cân nhắc đến mức độ trọng yếu, các rủi ro được đánh giá và mức độ đảm bảo mà kiểm toán viên dự kiến cần thu thập được. Kiểm toán viên cần mở rộng phạm vi các thủ tục kiểm toán nếu rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu tăng lên. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi các thủ tục kiểm toán chỉ thực sự có hiệu quả nếu bản thân thủ tục kiểm toán phù hợp với rủi ro đặc thù này. Do đó, nội dung của thủ tục kiểm toán được coi là yếu tố quan trọng nhất.

21.  Việc sử dụng các kỹ thuật kiểm toán bằng máy tính có thể giúp cho việc kiểm tra nhiều nghiệp vụ kế toán và các tệp tin dưới dạng điện tử. Các kỹ thuật này có thể được sử dụng để chọn các mẫu từ các tệp tin dưới dạng điện tử chính để phân loại chúng thành các nghiệp vụ với tiêu chuẩn đặc thù hoặc kiểm tra toàn bộ thay vì kiểm tra mẫu.

22.  Thông thường kiểm toán viên có thể đưa ra kết luận phù hợp trên cơ sở sử dụng phương pháp chọn mẫu. Tuy nhiên, nếu số lượng mẫu được lựa chọn từ tổng thể quá ít thì phương pháp lấy mẫu sẽ không phù hợp để thỏa mãn một mục tiêu kiểm toán cụ thể. Nếu các trường hợp ngoại lệ không được theo dõi một cách phù hợp sẽ dẫn đến rủi ro không thể chấp nhận được là kết luận của kiểm toán viên đưa ra chỉ dựa trên cơ sở một số mẫu kiểm toán làm cho kết luận này có thể khác với kết luận được rút ra nếu thực hiện thủ tục kiểm toán dựa trên cơ sở toàn bộ tổng thể. Chuẩn mực kiểm toán số 530 “Lấy mẫu kiểm toán và các thủ tục lựa chọn khác” hướng dẫn phương pháp lấy mẫu kiểm toán.

23.  Chuẩn mực này hướng dẫn việc sử dụng kết hợp các phương pháp kiểm toán khác nhau, đây cũng là một phần nội dung kiểm tra trình bày ở trên. Tuy nhiên, kiểm toán viên cần cân nhắc liệu phạm vi kiểm tra có phù hợp không khi sử dụng kết hợp các thủ tục kiểm toán khác nhau.

Các thử nghiệm kiểm soát

24.  Kiểm toán viên yêu cầu phải thực hiện các thử nghiệm kiểm soát nếu việc đánh giá rủi ro của kiểm toán viên bao gồm cả kỳ vọng về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát hoặc nếu chỉ thực hiện các thử nghiệm cơ bản không cung cấp đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp đối với cơ sở dẫn liệu.

25.  Nếu kiểm toán viên đánh giá có sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu, kể cả khi rất kỳ vọng về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát thì kiểm toán viên và công ty kiểm toán vẫn phải thực hiện các thử nghiệm kiểm soát nhằm thu thập được bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp về sự vận hành có hiệu quả của hoạt động kiểm soát tại các thời điểm liên quan trong suốt quá trình kiểm toán. Đoạn 41-46 quy định về việc sử dụng các bằng chứng kiểm toán liên quan đến tính hiệu quả của các thử nghiệm kiểm soát thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đây.

26.  Trường hợp kiểm toán viên đánh giá có sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu, kể cả khi rất kỳ vọng về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát thì kiểm toán viên vẫn phải thực hiện các thử nghiệm kiểm soát nhằm thu thập được bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát đó. Việc kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát chỉ được thực hiện đối với hoạt động kiểm soát mà kiểm toán viên cho rằng chúng được thiết kế hoàn toàn phù hợp để ngăn ngừa, phát hiện và sửa chữa sai sót trọng yếu ở một cơ sở dẫn liệu.

27.  Nếu kiểm toán viên cho rằng việc giảm rủi ro sai sót trọng yếu trong các cơ sở dẫn liệu tới mức có thể chấp nhận được là không thể thực hiện được hoặc sẽ là không thực tế nếu chỉ dựa trên cơ sở bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các thử nghiệm cơ bản thì kiểm toán viên phải thực hiện các thử nghiệm kiểm soát phù hợp nhằm thu thập bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát đó. Ví dụ: Kiểm toán viên có thể cho rằng là không thể thực hiện được các thử nghiệm cơ bản một cách có hiệu quả có thể cung cấp đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp trong trường hợp đơn vị sử dụng công nghệ thông tin nhưng tài liệu liên quan đến các nghiệp vụ kinh doanh lại không được in ra hoặc lưu lại bên ngoài hệ thống công nghệ thông tin.

28.  Việc kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát khác với việc thu thập bằng chứng kiểm toán về việc các hoạt động kiểm soát đã được thực hiện. Khi thu thập bằng chứng kiểm toán về việc thực hiện của hoạt động kiểm soát bằng cách thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro, kiểm toán viên cần xác định các hoạt động kiểm soát liên quan đang được đơn vị được kiểm toán áp dụng. Khi kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát, kiểm toán viên cần thu thập bằng chứng kiểm toán về sự vận hành hiệu quả của hoạt động kiểm soát này trong suốt thời kỳ kiểm toán. Thử nghiệm này bao gồm việc thu thập bằng chứng kiểm toán về hoạt động kiểm soát tại các thời điểm liên quan trong suốt giai đoạn kiểm toán; mức độ nhất quán với hoạt động kiểm soát đã được vận dụng, hoạt động kiểm soát do ai thực hiện và được thực hiện như thế nào. Nếu các hoạt động kiểm soát khác nhau được vận dụng tại các thời điểm khác nhau trong giai đoạn kiểm toán, kiểm toán viên cần xem xét riêng từng loại kiểm soát. Kiểm toán viên có thể kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát, đồng thời với việc đánh giá về thiết kế của hoạt động kiểm soát và thu thập bằng chứng kiểm toán về hiệu quả của hoạt động kiểm soát này.

29.  Mặc dù một số thủ tục đánh giá rủi ro mà kiểm toán viên thực hiện để đánh giá việc thiết kế của hoạt động kiểm soát và để xác định rằng hoạt động kiểm soát đã được thực hiện có thể không được cụ thể như thử nghiệm kiểm soát, nhưng nếu các thủ tục này cung cấp bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát nên có thể được coi là thử nghiệm kiểm soát. Ví dụ: Kiểm toán viên có thể hỏi về kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Ban Giám đốc; kiểm tra các báo cáo; so sánh chi phí thực tế hàng tháng với kế hoạch sản xuất, kinh doanh và kiểm tra các báo cáo để phát hiện biến động giữa số liệu thực tế so với kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Các thủ tục kiểm toán này cung cấp những hiểu biết về công tác lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị, và liệu kế hoạch này có được thực hiện hay không. Các thủ tục này cũng có thể đưa ra bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của quy trình lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong việc ngăn ngừa hoặc phát hiện các sai sót trọng yếu trong phân loại chi phí. Trường hợp này, kiểm toán viên cần cân nhắc liệu bằng chứng kiểm toán thu thập từ các thủ tục kiểm toán này có đầy đủ hay không.

Nội dung các thử nghiệm kiểm soát

30.  Kiểm toán viên lựa chọn các thủ tục kiểm toán để có được sự đảm bảo về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát. Mức độ đảm bảo dự kiến đạt được càng cao thì kiểm toán viên phải thu thập nhiều bằng chứng kiểm toán tin cậy hơn. Việc lựa chọn phương pháp kiểm toán chủ yếu bao gồm các thử nghiệm kiểm soát, đặc biệt là đối với các rủi ro mà nếu chỉ thực hiện các thử nghiệm cơ bản sẽ không thể thu thập được các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp thì kiểm toán viên phải thực hiện các thử nghiệm kiểm soát nhằm thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đạt được mức độ đảm bảo cao hơn về tính hiệu quả của các hoạt động kiểm soát.

31.  Kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung kết hợp với phỏng vấn để kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát. Mặc dù khác với việc tìm hiểu về thiết kế và vận hành của hoạt động kiểm soát, việc kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động này có chung các thủ tục kiểm toán để đánh giá việc thiết kế và thực hiện của hoạt động kiểm soát và có thể bao gồm cả việc kiểm toán viên thực hiện lại hoạt động kiểm soát này. Ngoài thủ tục phỏng vấn, kiểm toán viên cần sử dụng kết hợp các thủ tục kiểm toán nhằm thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát. Hoạt động kiểm soát được thử nghiệm bằng cách phỏng vấn kết hợp với kiểm tra và thực hiện lại thông thường có mức độ đảm bảo cao hơn so với hoạt động kiểm soát mà bằng chứng kiểm toán thu thập được chỉ đơn thuần từ việc phỏng vấn và quan sát. Ví dụ: Kiểm toán viên có thể phỏng vấn và quan sát các thủ tục của đơn vị về việc xử lý nghiệp vụ nhận tiền mặt để thử nghiệm tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát nghiệp vụ nhận tiền mặt của đơn vị. Do việc quan sát chỉ thích hợp tại thời điểm diễn ra nghiệp vụ đó, nên thông thường bên cạnh việc quan sát, kiểm toán viên cần thực hiện phỏng vấn đối với nhân viên và kiểm tra tài liệu của đơn vị về hoạt động kiểm soát này tại những thời điểm khác nhau trong suốt giai đoạn kiểm toán để thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp.

32.  Bản chất của một hoạt động kiểm soát cụ thể ảnh hưởng đến loại thủ tục kiểm toán cần thiết để thu thập bằng chứng kiểm toán xem liệu hoạt động kiểm soát có được vận hành một cách hiệu quả không tại các thời điểm liên quan trong suốt giai đoạn kiểm toán. Tính hiệu quả của một số loại hoạt động kiểm soát có thể được chứng minh dưới hình thức văn bản. Trong trường hợp này, kiểm toán viên có thể kiểm tra tài liệu của đơn vị nhằm thu thập được bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, tính hiệu quả của các hoạt động kiểm soát có thể không được lưu trữ lại dưới hình thức văn bản. Ví dụ: Có thể không có tài liệu hoặc lưu lại về hoạt động của một số yếu tố của môi trường kiểm soát, như việc giao quyền, phân công trách nhiệm, hoặc một số hoạt động kiểm soát được xử lý bằng máy tính. Trường hợp này, bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả có thể thu thập được bằng cách phỏng vấn kết hợp với các thủ tục kiểm toán khác như quan sát hoặc sử dụng nghiệp vụ kiểm toán được thực hiện bằng máy tính.

33.  Khi thiết kế các thử nghiệm kiểm soát, kiểm toán viên cần cân nhắc sự cần thiết phải thu thập bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát có liên quan trực tiếp đến các cơ sở dẫn liệu đang xem xét cũng như hoạt động kiểm soát liên quan gián tiếp khác mà hoạt động kiểm soát này phụ thuộc vào. Ví dụ, kiểm toán viên có thể coi việc một người soát xét báo cáo, đặc biệt về số tiền cho vay so với hạn mức được vay của khách hàng như là hoạt động kiểm soát trực tiếp liên quan đến một cơ sở dẫn liệu. Trường hợp này, kiểm toán viên cần cân nhắc tính hiệu quả của việc soát xét báo cáo này cũng như hoạt động kiểm soát liên quan đến mức độ chính xác của thông tin trong báo cáo.

34.  Trường hợp hoạt động kiểm soát được thực hiện tự động, do sự đồng bộ của việc xử lý bằng công nghệ thông tin, bằng chứng kiểm toán về hoạt động kiểm soát đã được thực hiện tại thời điểm đánh giá cùng với bằng chứng kiểm toán thu thập được về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát của đơn vị nói chung có thể đưa ra bằng chứng kiểm toán quan trọng về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát trong giai đoạn phù hợp.

35.  Dựa trên kết quả của việc đánh giá rủi ro, kiểm toán viên có thể thực hiện thử nghiệm kiểm soát cùng với thử nghiệm cơ bản cho cùng một nghiệp vụ. Mục tiêu của thử nghiệm kiểm soát nhằm đánh giá xem hoạt động kiểm soát có hiệu quả hay không. Mục tiêu của thử nghiệm cơ bản là nhằm phát hiện các sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu. Mặc dù có mục tiêu khác nhau nhưng cả hai loại thử nghiệm này có thể được thực hiện cùng một lúc bằng cách thực hiện một thử nghiệm kiểm soát và một thử nghiệm cơ bản đối với cùng một giao dịch (thử nghiệm kép). Ví dụ: Kiểm toán viên có thể kiểm tra một hóa đơn và xác định liệu hóa đơn này đã được phê duyệt đầy đủ hay chưa, đồng thời có thể đưa ra một bằng chứng kiểm toán khác về nghiệp vụ này. Kiểm toán viên cần cân nhắc một cách thận trọng việc tổ chức và đánh giá các thử nghiệm này để đạt được cả 2 mục tiêu kiểm toán nêu trên.

36.  Việc một thử nghiệm cơ bản không phát hiện thấy có sai sót, không cung cấp bằng chứng kiểm toán về việc các hoạt động kiểm soát liên quan đến một cơ sở dẫn liệu đã được kiểm tra là có hiệu quả. Tuy nhiên, các sai sót được kiểm toán viên phát hiện từ việc thực hiện thử nghiệm cơ bản cần được cân nhắc khi kiểm toán viên đánh giá tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát. Sai sót trọng yếu được kiểm toán viên phát hiện mà không phải do đơn vị phát hiện thể hiện khiếm khuyết quan trọng trong hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị, kiểm toán viên sẽ trao đổi với Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán về nội dung này.

Lịch trình các thử nghiệm kiểm soát

37.  Lịch trình các thử nghiệm kiểm soát phụ thuộc vào mục tiêu của kiểm toán viên và xác định thời gian tin cậy của hoạt động kiểm soát. Nếu thử nghiệm hoạt động kiểm soát tại một thời điểm cụ thể thì kiểm toán viên chỉ cần thu thập bằng chứng kiểm toán về hoạt động kiểm soát đã được vận hành một cách hiệu quả vào thời điểm đó. Tuy nhiên, nếu thử nghiệm kiểm soát được tiến hành trong một giai đoạn thì kiểm toán viên có thể thu thập được bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát trong suốt giai đoạn đó.

38.  Một bằng chứng kiểm toán chỉ liên quan đến một thời điểm vẫn có thể là đầy đủ đối với một mục tiêu cụ thể của kiểm toán viên, như: Việc kiểm kê hàng tồn kho thực tế của đơn vị vào giai đoạn cuối kỳ. Mặt khác, nếu kiểm toán viên yêu cầu bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát trong một giai đoạn thì bằng chứng kiểm toán chỉ liên quan đến một thời điểm có thể là chưa đầy đủ và kiểm toán viên cần bổ sung thêm các bước kiểm tra và các thử nghiệm kiểm soát khác để có thể thu thập được bằng chứng kiểm toán về hoạt động kiểm soát đã được vận hành một cách có hiệu quả vào các thời điểm liên quan trong suốt giai đoạn kiểm toán. Các thử nghiệm khác đó có thể bao gồm cả thử nghiệm về sự giám sát hoạt động kiểm soát của đơn vị được kiểm toán.

39.  Khi kiểm toán viên thu thập bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát trong suốt giai đoạn giữa kỳ, kiểm toán viên sẽ phải xác định bằng chứng kiểm toán bổ sung nào cần thu thập cho giai đoạn còn lại. Khi xác định bằng chứng kiểm toán bổ sung, kiểm toán viên cần xem xét đến mức độ quan trọng của các sai sót trọng yếu trong các cơ sở dẫn liệu; hoạt động kiểm soát cụ thể đã được thực hiện trong giai đoạn giữa kỳ; mức độ tin cậy của bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của các hoạt động kiểm soát đã được thu thập; độ dài của giai đoạn còn lại. Căn cứ vào mức độ tin cậy của các hoạt động kiểm soát và môi trường kiểm soát mà kiểm toán viên dự định giảm bớt phạm vi của các thử nghiệm cơ bản. Kiểm toán viên thu thập bằng chứng kiểm toán về nội dung và phạm vi của bất cứ thay đổi quan trọng nào trong hệ thống kiểm soát nội bộ, kể cả các thay đổi của hệ thống thông tin, quy trình xử lý và nhân sự xảy ra sau giai đoạn kiểm toán giữa kỳ.

40.  Ví dụ, có thể phải thu thập thêm bằng chứng kiểm toán bổ sung bằng cách kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát ở giai đoạn còn lại hay kiểm tra công tác giám sát hoạt động kiểm soát của đơn vị được kiểm toán.

41.  Nếu kiểm toán viên có kế hoạch sử dụng bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đó, kiểm toán viên cần thu thập bằng chứng kiểm toán về việc các hoạt động kiểm soát cụ thể đó liệu có thay đổi sau cuộc kiểm toán trước đó hay không. Để thu thập bằng chứng kiểm toán về các thay đổi này, kiểm toán viên phải thực hiện thủ tục phỏng vấn kết hợp với quan sát hoặc điều tra để xác nhận hiểu biết của mình về các hoạt động kiểm soát cụ thể này. Chuẩn mực kiểm toán số 500 “Bằng chứng kiểm toán” yêu cầu kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục kiểm toán để xây dựng mối quan hệ liên tục với bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các giai đoạn trước đó nếu kiểm toán viên dự định sử dụng các bằng chứng kiểm toán trong giai đoạn hiện tại. Ví dụ: Khi tiến hành kiểm toán giai đoạn trước đó, nếu một hoạt động kiểm soát của đơn vị được thực hiện tự động thì kiểm toán viên cần thu thập bằng chứng kiểm toán để xác định liệu có sự thay đổi nào về hoạt động kiểm soát tự động này hay không và nếu có thì nó có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kiểm soát hay không. Để làm được việc này, kiểm toán viên cần phỏng vấn Ban Giám đốc và kiểm tra các sổ theo dõi để xác định liệu có hoạt động kiểm soát nào đã bị thay đổi. Bằng chứng kiểm toán về những thay đổi này sẽ giúp kiểm toán viên quyết định tăng hay giảm bằng chứng kiểm toán cần phải thu thập trong giai đoạn hiện tại để đánh giá tính hiệu quả của các hoạt động kiểm soát.

42.  Nếu kiểm toán viên tin cậy vào các hoạt động kiểm soát đã được thay đổi sau khi được kiểm tra ở giai đoạn trước đây, kiểm toán viên sẽ phải kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát này trong giai đoạn hiện tại. Các thay đổi này có thể có ảnh hưởng đến tính phù hợp của bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các giai đoạn trước, thậm chí tới mức không còn có cơ sở để kiểm toán viên tiếp tục tin cậy. Ví dụ: Những thay đổi về hệ thống thu thập báo cáo của đơn vị có thể không có ảnh hưởng đến tính phù hợp của bằng chứng kiểm toán thu thập được ở giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, nếu có sự thay đổi làm cho cơ sở dữ liệu của đơn vị được cộng luỹ kế hoặc được tính toán theo một cách khác thì sẽ ảnh hưởng thực sự đến hoạt động kiểm soát.

43.  Nếu kiểm toán viên tin cậy vào các hoạt động kiểm soát không bị thay đổi kể từ khi được kiểm tra ở giai đoạn trước đây, kiểm toán viên sẽ phải kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát này ít nhất một lần trong 3 đợt kiểm toán sau. Đoạn 42 và 46 quy định bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đó có thể không làm kiểm toán viên tin cậy trong trường hợp các hoạt động kiểm soát có thể đã thay đổi kể từ khi được kiểm tra ở giai đoạn trước đó hoặc đối với các kiểm soát chỉ nhằm giảm bớt rủi ro trọng yếu. Việc quyết định có tin cậy vào bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đây hay không tuỳ thuộc vào xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên. Ngoài ra, khoảng thời gian kiểm tra lại hoạt động kiểm soát này cũng tuỳ thuộc vào xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên, nhưng không được kéo dài quá hai năm.

44.  Khi xem xét tính phù hợp của việc sử dụng bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đây, nếu sẽ sử dụng, khoảng thời gian thích hợp trước khi thực hiện kiểm tra lại một hoạt động kiểm soát, kiểm toán viên cần cân nhắc:

a)      Mức độ hiệu quả của các yếu tố khác trong hệ thống kiểm soát nội bộ, kể cả môi trường kiểm soát, công tác giám sát các hoạt động kiểm soát và quy trình đánh giá rủi ro của đơn vị;

b)      Các rủi ro do tính chất của kiểm soát, kể cả hoạt động kiểm soát thủ công và tự động;

c)      Tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát hệ thống tin học nói chung;

d)     Tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát và việc thực hiện kiểm soát của đơn vị, kể cả nội dung và phạm vi của các thay đổi trong việc thực hiện kiểm soát so với việc kiểm tra về tính hiệu quả trong các cuộc kiểm toán trước đây;

e)      Rủi ro có sai sót trọng yếu và mức độ tin cậy vào hoạt động kiểm soát. Rủi ro có sai sót trọng yếu càng lớn hoặc mức độ tin cậy của hoạt động kiểm soát càng cao thì thời gian kiểm tra (nếu có) càng ngắn. Các yếu tố thông thường làm giảm thời gian kiểm tra lại một hoạt động kiểm soát hoặc làm cho kiểm toán viên quyết định  không tin cậy vào bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đây gồm:

-          Môi trường kiểm soát yếu;

-          Sự yếu kém của công tác giám sát hoạt động kiểm soát;

-          Các hoạt động kiểm soát có một yếu tố quan trọng được thực hiện thủ công;

-          Thay đổi nhân sự ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động kiểm soát;

-          Tình hình thay đổi dẫn đến việc cần thiết thay đổi hoạt động kiểm soát;

-          Hoạt động kiểm soát hệ thống tin học nói chung là yếu.

45.  Nếu có một số hoạt động kiểm soát mà kiểm toán viên xác định rằng việc sử dụng bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đây là phù hợp, kiểm toán viên sẽ phải kiểm tra tính hiệu quả của những hoạt động kiểm soát này ở từng cuộc kiểm toán. Yêu cầu này nhằm tránh khả năng kiểm toán viên có thể sử dụng phương pháp kiểm toán trình bày ở đoạn 43 với toàn bộ hoạt động kiểm soát mà kiểm toán viên dự kiến tin cậy, nhưng chỉ kiểm tra hoạt động kiểm soát này ở một giai đoạn kiểm toán riêng rẽ mà không kiểm tra hoạt động kiểm soát này trong hai giai đoạn kiểm toán sau đó. Bên cạnh việc cung cấp bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát được kiểm tra ở cuộc kiểm toán hiện tại, việc thực hiện các thử nghiệm này cung cấp thêm bằng chứng bổ sung về tính hiệu quả của môi trường kiểm soát. Từ đó giúp kiểm toán viên quyết định sẽ tin cậy vào bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đây. Như vậy, nếu kiểm toán viên thực hiện theo quy định tại các đoạn 41-44 nếu cho rằng việc sử dụng bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đây là phù hợp với một số loại hoạt động kiểm soát, khi đó kiểm toán viên sẽ lập kế hoạch kiểm tra một phần đầy đủ của hoạt động kiểm soát từ mẫu tổng thể trong từng giai đoạn kiểm toán, mỗi hoạt động kiểm soát phải được kiểm tra ít nhất một lần trong 3 đợt kiểm toán.

46.  Khi kiểm toán viên đã xác định được rủi ro có sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu là rủi ro quan trọng và kiểm toán viên dự định tin cậy vào tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát nhằm giảm bớt rủi ro có sai sót trọng yếu này thì kiểm toán viên sẽ phải thu thập bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát từ các thử nghiệm kiểm soát được thực hiện trong giai đoạn hiện tại. Rủi ro có sai sót trọng yếu càng lớn thì kiểm toán viên càng phải thu thập nhiều bằng chứng kiểm toán về sự vận hành có hiệu quả của hoạt động kiểm soát liên quan. Do đó, mặc dù kiểm toán viên thường xem xét thông tin thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đây để thiết kế các thử nghiệm kiểm soát nhằm giảm bớt rủi ro có sai sót trọng yếu, nhưng kiểm toán viên không tin cậy vào bằng chứng kiểm toán thu thập được từ cuộc kiểm toán trước đây về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát đối với các rủi ro này. Do đó, kiểm toán viên sẽ thu thập bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát đối với rủi ro trong giai đoạn hiện tại.

Phạm vi các thử nghiệm kiểm soát

47.  Kiểm toán viên phải thiết kế các thử nghiệm kiểm soát nhằm thu thập được các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp về sự vận hành một cách có hiệu quả của hoạt động kiểm soát trong suốt giai đoạn kiểm tra. Khi xác định phạm vi của các thử nghiệm kiểm soát, kiểm toán viên có thể xem xét các vấn đề sau:

a)      Tần suất thực hiện hoạt động kiểm soát của đơn vị trong suốt giai đoạn;

b)      Khoảng thời gian trong giai đoạn kiểm toán mà kiểm toán viên tin cậy vào tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát;

c)      Tính phù hợp và mức độ tin cậy của bằng chứng kiểm toán cần thu thập được về việc hoạt động kiểm soát đã ngăn ngừa, phát hiện và sửa chữa các sai sót trọng yếu trong các cơ sở dẫn liệu;

d)     Phạm vi bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các thử nghiệm kiểm soát khác liên quan đến cơ sở dẫn liệu;

e)      Phạm vi kiểm toán viên dự định tin cậy vào tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát để đánh giá rủi ro (và từ đó giảm các thử nghiệm cơ bản căn cứ vào mức độ tin cậy vào hệ thống kiểm soát);

f)       Thay đổi dự kiến về hoạt động kiểm soát.

48.  Trong việc đánh giá rủi ro, kiểm toán viên càng tin cậy vào tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát thì phạm vi thử nghiệm kiểm soát càng lớn. Khi tỷ lệ biến đổi dự kiến của hoạt động kiểm soát tăng lên thì phạm vi thử nghiệm kiểm soát của kiểm toán viên cũng tăng lên. Tuy nhiên, kiểm toán viên cần cân nhắc liệu tỷ lệ biến đổi dự kiến có chỉ ra là hoạt động kiểm soát chưa đủ để giảm bớt rủi ro có sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu mà kiểm toán viên đánh giá. Nếu tỷ lệ biến đổi dự kiến này là quá cao thì kiểm toán viên có thể cho rằng các thử nghiệm kiểm soát đối với một cơ sở dẫn liệu cụ thể là không hiệu quả.

49.  Do tính chất hoạt động ổn định của hệ thống tin học, kiểm toán viên có thể không cần tăng phạm vi kiểm tra của một hoạt động kiểm soát tự động. Một hoạt động kiểm soát tự động sẽ thực hiện một cách ổn định nếu chương trình phần mềm không bị thay đổi. Khi kiểm toán viên xác định hệ thống kiểm soát tự động thực hiện chức năng như mong muốn (có thể thực hiện chương trình vào bất cứ lúc nào khi kiểm soát hoạt động trước hoặc vào một thời  điểm nào khác), kiểm toán viên xem xét thực hiện các thử nghiệm kiểm soát nhằm xác định sự tiếp tục vận hành có hiệu quả của hoạt động kiểm soát. Các thử nghiệm kiểm soát này có thể xác định các thay đổi của chương trình sẽ không được triển khai khi chưa có sự thay đổi về hoạt động kiểm soát.

Thử nghiệm cơ bản

50.  Thử nghiệm cơ bản được thực hiện để phát hiện các sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu. Thử nghiệm cơ bản gồm các kiểm tra chi tiết các nghiệp vụ, số dư khoản mục, các giải trình có liên quan và các quy trình phân tích. Kiểm toán viên lập kế hoạch và thực hiện các thử nghiệm cơ bản để xử lý rủi ro có  sai sót trọng yếu.

51.  Cho dù kết quả đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu là như thế nào, kiểm toán viên sẽ phải tổ chức và thực hiện các thử nghiệm cơ bản đối với từng loại nghiệp vụ, số dư khoản mục và các giải trình trọng yếu có liên quan. Yêu cầu này xuất phát từ việc đánh giá rủi ro của kiểm toán viên chỉ căn cứ vào xét đoán chuyên môn của mình và có thể là chưa đầy đủ để phát hiện ra tất cả các rủi ro có sai sót trọng yếu. Hơn  nữa, có những hạn chế tiềm tàng trong hệ thống kiểm soát nội bộ, bao gồm quyền phủ quyết của Ban Giám đốc. Do đó, mặc dù kiểm toán viên có thể xác định rằng rủi ro có sai sót trọng yếu có thể được giảm xuống mức thấp có thể chấp nhận được bằng cách thực hiện các thử nghiệm kiểm soát đối với một cơ sở dẫn liệu cụ thể cho một loại nghiệp vụ, số dư khoản mục và các giải trình có liên quan (đoạn 10), kiểm toán viên vẫn luôn thực hiện các thử nghiệm cơ bản đối với từng loại nghiệp vụ trọng yếu, số dư khoản mục và các giải trình có liên quan.

52.  Thử nghiệm cơ bản của kiểm toán viên phải bao gồm các thủ tục kiểm toán liên quan đến quy trình khóa sổ, lập báo cáo tài chính, như sau:

a)      Khớp số liệu trên báo cáo tài chính với số liệu trên sổ kế toán;

b)      Kiểm tra các bút toán trọng yếu và các điều chỉnh khác được thực hiện trong quá trình lập báo cáo tài chính.

      Nội dung và phạm vi kiểm tra bút toán và các điều chỉnh khác của kiểm toán viên phụ thuộc vào tính chất và mức độ phức tạp của quy trình lập báo cáo tài chính của đơn vị và các rủi ro có sai sót trọng yếu liên quan.

53.  Nếu kiểm toán viên đã xác định ra rủi ro có sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu là rủi ro quan trọng thì kiểm toán viên sẽ phải thực hiện các thử nghiệm cơ bản để xử lý rủi ro này. Ví dụ, nếu kiểm toán viên nhận thấy Ban Giám đốc chịu nhiều sức ép phải đạt được các mục tiêu lợi nhuận thì có thể có rủi ro là Ban Giám đốc sẽ nâng doanh số bán hàng bằng cách ghi nhận doanh thu khi chưa bán hàng. Trường hợp này, kiểm toán viên lập các bản đề nghị xác nhận từ khách hàng của đơn vị không chỉ về số dư chưa thanh toán mà còn xác nhận các chi tiết của hợp đồng mua, bán như thời gian hợp đồng, các điều khoản về giao hàng và trả lại hàng. Ngoài ra, nếu thấy có hiệu quả, kiểm toán viên có thể bổ sung thêm bằng chứng bên cạnh các bản xác nhận trên bằng cách phỏng vấn các nhân viên không làm công tác tài chính trong đơn vị về những thay đổi trong hợp đồng mua, bán và các điều khoản giao hàng.

54.  Nếu phương pháp kiểm toán các rủi ro quan trọng này chỉ gồm các thử nghiệm cơ bản thì các thủ tục kiểm toán thích hợp để xử lý các rủi ro quan trọng này có thể bao gồm các kiểm tra chi tiết các nghiệp vụ và số dư khoản mục hoặc là sự kết hợp giữa kiểm tra chi tiết các nghiệp vụ và số dư khoản mục với thực hiện quy trình phân tích. Kiểm toán viên cần xem xét quy định tại các đoạn 55-66 khi thiết kế nội dung, lịch trình và phạm vi của các thử nghiệm cơ bản đối với các rủi ro quan trọng. Để thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, các thử nghiệm cơ bản liên quan đến các rủi ro quan trọng thường được thiết kế nhằm thu thập được bằng chứng kiểm toán có mức độ tin cậy cao.

Nội dung quy trình phân tích

55.  Quy trình phân tích cơ bản thường được áp dụng với các khoản mục gồm số lượng lớn các nghiệp vụ và có thể dự đoán được theo thời gian. Kiểm tra chi tiết các nghiệp vụ và số dư thường thích hợp trong việc thu thập bằng chứng kiểm toán liên quan đến cơ sở dẫn liệu cụ thể về số dư khoản mục, bao gồm cơ sở dẫn liệu hiện hữu và các đánh giá. Trong một số trường hợp, kiểm toán viên quyết định chỉ thực hiện quy trình phân tích cũng đủ để giảm rủi ro có sai sót trọng yếu xuống mức có thể chấp nhận được. Ví dụ: Kiểm toán viên quyết định chỉ thực hiện quy trình phân tích là đủ để xử lý rủi ro phát hiện sai sót trọng yếu của một loại nghiệp vụ nếu việc đánh giá rủi ro của kiểm toán viên được hỗ trợ thêm bằng bằng chứng kiểm toán thu thập được từ việc kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát. Trường hợp khác, kiểm toán viên quyết định chỉ thực hiện kiểm tra chi tiết các nghiệp vụ, số dư khoản mục là phù hợp, hay thực hiện phương pháp kết hợp giữa quy trình phân tích với kiểm tra chi tiết là phù hợp hơn đối với các rủi ro đã được đánh giá.

56.  Kiểm toán viên thực hiện kiểm tra chi tiết các nghiệp vụ và số dư sao cho phù hợp nhất với các rủi ro đã được đánh giá để thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để có được mức độ đảm bảo mong muốn trong cơ sở dẫn liệu. Khi thiết kế các thử nghiệm cơ bản liên quan đến cơ sở dẫn liệu hiện hữu hay phát sinh, kiểm toán viên cần lựa chọn từ các khoản mục nào trong báo cáo tài chính để có thể thu thập được bằng chứng kiểm toán liên quan. Mặt khác, khi thực hiện các thủ tục kiểm toán liên quan đến cơ sở dẫn liệu đầy đủ, kiểm toán viên cần lựa chọn từ các bằng chứng kiểm toán nào chỉ ra rằng một khoản mục sẽ phải có trong báo cáo tài chính và sau đó kiểm tra xem liệu khoản mục này đã được trình bày trong báo cáo tài chính hay không. Ví dụ: Kiểm toán viên có thể kiểm tra nghiệp vụ thanh toán sau ngày khóa sổ để xác định xem các hoạt động mua sắm có bị bỏ sót khi ghi chép các khoản phải trả hay không.

57.  Khi xây dựng quy trình phân tích, kiểm toán viên cần xem xét đến các vấn đề sau:

a)      Mức độ phù hợp khi sử dụng quy trình phân tích đối với cơ sở dẫn liệu;

b)      Mức độ tin cậy của những dữ liệu được sử dụng để xác định giá trị ghi sổ ước tính hoặc tỷ lệ bất kể dữ liệu đó được tạo ra từ nội bộ hay thu thập được từ bên ngoài;

c)      Liệu các ước tính có đủ chính xác để xác định sai sót trọng yếu ở mức đảm bảo mong muốn;

d)     Khoản chênh lệch giữa giá trị ghi sổ và giá trị ước tính có thể chấp nhận được.

      Kiểm toán viên cần cân nhắc khi kiểm tra hoạt động kiểm soát, nếu có, về những thông tin do đơn vị chuẩn bị mà kiểm toán viên sử dụng khi thực hiện quy trình phân tích của mình. Nếu hoạt động kiểm soát này có hiệu quả thì kiểm toán viên có thể tin tưởng hơn vào tính trung thực của thông tin cũng như về kết quả của quy trình phân tích. Mặt khác, kiểm toán viên có thể cân nhắc liệu thông tin có bị phụ thuộc vào thủ tục kiểm toán của kỳ này hay kỳ trước không. Khi xác định quy trình kiểm toán những thông tin làm cơ sở dự đoán quy trình phân tích, kiểm toán viên cần xem xét quy định tại Chuẩn mực kiểm toán số 500 “Bằng chứng kiểm toán”.

Lịch trình thực hiện các thử nghiệm cơ bản

58.  Khi thực hiện các thử nghiệm cơ bản ở giai đoạn giữa kỳ, kiểm toán viên phải thực hiện các thử nghiệm cơ bản bổ sung hoặc các thử nghiệm cơ bản kết hợp với các thử nghiệm kiểm soát để bao quát được cả giai đoạn còn lại nhằm tạo ra cơ sở hợp lý cho việc mở rộng phạm vi kết luận của kiểm toán viên từ giai đoạn giữa kỳ cho đến giai đoạn cuối kỳ.

59.  Trong một số trường hợp, kiểm toán viên có thể thực hiện thử nghiệm cơ bản vào thời điểm giữa kỳ. Điều này làm tăng rủi ro xảy ra các sai sót vào giai đoạn cuối kỳ do không được kiểm toán viên phát hiện. Rủi ro này càng tăng nếu giai đoạn còn lại càng dài. Khi kiểm toán viên cân nhắc liệu có thực hiện thử nghiệm cơ bản ở giai đoạn giữa kỳ hay không, cần xem xét đến các yếu tố sau:

a)      Môi trường kiểm soát và hoạt động kiểm soát liên quan khác;

b)      Mức độ sẵn có của thông tin cần thiết cho các thủ tục của kiểm toán viên vào giai đoạn sau ;

c)      Mục tiêu của thử nghiệm cơ bản;

d)     Rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu đã được đánh giá;

e)      Tính chất của loại nghiệp vụ hoặc số dư khoản mục và các cơ sở dẫn liệu liên quan;

f)       Khả năng của kiểm toán viên khi thực hiện các thử nghiệm cơ bản thích hợp hoặc kết hợp các thử nghiệm cơ bản với các thử nghiệm kiểm soát để soát xét toàn bộ giai đoạn còn lại nhằm làm giảm rủi ro xảy ra sai sót vào giai đoạn cuối kỳ chưa được kiểm toán viên phát hiện.

60.  Dù kiểm toán viên không buộc phải thu thập bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát để tạo ra cơ sở hợp lý cho kiểm toán viên mở rộng phạm vi kết luận của mình từ giai đoạn giữa kỳ cho đến giai đoạn cuối kỳ, kiểm toán viên cần cân nhắc xem liệu chỉ thực hiện thử nghiệm cơ bản cho giai đoạn còn lại đã là đủ hay chưa. Nếu kiểm toán viên kết luận rằng chỉ thực hiện thử nghiệm cơ bản là chưa đầy đủ thì kiểm toán viên sẽ thực hiện các thử nghiệm kiểm soát về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát hoặc thử nghiệm cơ bản vào giai đoạn cuối kỳ.

61.  Trường hợp phát hiện rủi ro có sai sót trọng yếu là do gian lận, kiểm toán viên sẽ xử lý các rủi ro này bằng cách thay đổi lịch trình của các thủ tục kiểm toán. Ví dụ, kiểm toán viên có thể kết luận rằng cần thực hiện các thử nghiệm cơ bản tại hoặc gần thời điểm cuối kỳ báo cáo để chỉ ra rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận theo quy định của Chuẩn mực kiểm toán số 240 “Gian lận và sai sót”.

62.  Kiểm toán viên phải so sánh và đối chiếu thông tin về số dư cuối kỳ với thông tin so sánh vào thời điểm giữa kỳ để phát hiện các khoản mục bất thường, kiểm tra các khoản mục bất thường và thực hiện quy trình phân tích hoặc các thử nghiệm cơ bản để kiểm tra giai đoạn từ giữa kỳ đến cuối kỳ kế toán. Khi lên kế hoạch thực hiện quy trình phân tích cho giai đoạn này, kiểm toán viên cần xem xét liệu các số dư cuối kỳ của các loại nghiệp vụ cụ thể hoặc số dư các khoản mục có được ước tính một cách hợp lý về giá trị, mức độ quan trọng và kết cấu tài khoản hay không. Kiểm toán viên cần xem xét liệu quy trình phân tích, việc điều chỉnh các loại nghiệp vụ, hoặc số dư các tài khoản tại thời điểm giữa kỳ, và việc thực hiện khoá sổ kế toán của đơn vị có phù hợp không. Ngoài ra, kiểm toán viên cần xem xét liệu hệ thống thông tin liên quan đến việc lập báo cáo tài chính có cung cấp các thông tin liên quan đến số dư cuối kỳ và các nghiệp vụ trong giai đoạn còn lại có đầy đủ để kiểm toán viên thực hiện điều tra: Các giao dịch lớn bất thường hoặc các giao dịch phát sinh tại hoặc gần thời điểm cuối kỳ; Kiểm toán viên cũng cần cân nhắc nguyên nhân của các biến đổi quan trọng khác hoặc các biến đổi dự kiến đã không xảy ra hoặc thay đổi về kết cấu các loại giao dịch hay các số dư khoản mục. Các thử nghiệm cơ bản nào được sử dụng trong giai đoạn này sẽ phụ thuộc vào việc liệu kiểm toán viên đã thực hiện các thử nghiệm kiểm soát hay chưa.

63.  Nếu phát hiện ra sai sót ở các loại giao dịch hoặc các số dư khoản mục trong giai đoạn giữa kỳ, kiểm toán viên cần sửa đổi lại mức đánh giá rủi ro liên quan cũng như sửa đổi lại nội dung, lịch trình và phạm vi dự kiến của thử nghiệm cơ bản dùng cho giai đoạn còn lại sao cho phù hợp với các loại nghiệp vụ và các số dư khoản mục này hoặc mở rộng phạm vi hay thực hiện lại các thủ tục kiểm toán đó ở giai đoạn cuối kỳ.

64.  Việc sử dụng bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các thử nghiệm cơ bản ở cuộc kiểm toán trước đây là chưa đủ để xử lý rủi ro có sai sót trọng yếu ở giai đoạn hiện tại. Trong phần lớn các trường hợp, bằng chứng kiểm toán thu thập được từ thử nghiệm cơ bản thực hiện ở các cuộc kiểm toán trước đây cung cấp rất ít hoặc không cung cấp được bằng chứng kiểm toán cho giai đoạn hiện tại. Để sử dụng bằng chứng kiểm toán thu thập được trong các cuộc kiểm toán trước đây như một bằng chứng kiểm toán quan trọng thì bằng chứng kiểm toán và vấn đề liên quan đó về cơ bản không được thay đổi. Ví dụ: Bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các thử nghiệm cơ bản trong các cuộc kiểm toán trước đây có thể vẫn còn giá trị cho giai đoạn hiện tại như ý kiến liên quan đến việc chứng khoán hoá các khoản mục không có thay đổi trong kỳ hiện tại. Theo quy định của Chuẩn mực kiểm toán số 500 “Bằng chứng kiểm toán”, nếu kiểm toán viên có kế hoạch sử dụng bằng chứng kiểm toán thu thập được từ thử nghiệm cơ bản trong giai đoạn kiểm toán trước đây, kiểm toán viên cần thực hiện các thủ tục kiểm toán trong suốt giai đoạn hiện tại để xây dựng được mối quan hệ liên tục giữa các bằng chứng kiểm toán.

Phạm vi thực hiện các thử nghiệm cơ bản

65.  Nếu rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu càng lớn thì phạm vi của thử nghiệm cơ bản phải càng rộng. Do rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu thường liên quan đến hệ thống kiểm soát nội bộ nên phạm vi thử nghiệm cơ bản có thể phải tăng lên vì kiểm toán viên không hài lòng với kết quả kiểm tra về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi của một thử nghiệm kiểm toán chỉ thực sự thích hợp nếu bản thân thử nghiệm kiểm toán đó liên quan cụ thể đến rủi ro này.

66.  Khi xây dựng các thử nghiệm cơ bản, phạm vi kiểm tra thường liên quan đến kích thước mẫu vì kích thước mẫu chịu ảnh hưởng của rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu. Tuy nhiên, kiểm toán viên cần xem xét đến các vấn đề khác như việc sử dụng các phương pháp lựa chọn mẫu khác có hiệu quả hơn không. Ví dụ, lựa chọn các phần tử lớn hoặc bất thường từ một tổng thể thay vì cách lấy mẫu đại diện hoặc phân nhóm một tổng thể thành các nhóm riêng biệt có cùng tính chất. Chuẩn mực kiểm toán số 530  “Lấy mẫu kiểm toán và các thủ tục lựa chọn khác” hướng dẫn lấy mẫu kiểm toán và các phương pháp lựa chọn mẫu khác. Khi xây dựng quy trình phân tích, kiểm toán viên cần cân nhắc mức độ chênh lệch có thể chấp nhận được so với mức độ chênh lệch dự kiến để xác định xem liệu có cần thiết phải thực hiện thử nghiệm cơ bản bổ sung hay không. Việc xem xét này chịu ảnh hưởng bởi mức độ trọng yếu và tính nhất quán với mức độ đảm bảo mong muốn. Việc xác định mức độ chênh lệnh này đòi hỏi kiểm toán viên cân nhắc khả năng là tổng các sai sót trong số dư một tài khoản cụ thể, hoặc sai sót trong việc ghi nhận các giao dịch hay sai sót phát sinh từ việc trình bày có thể vượt quá mức có thể chấp nhận được. Khi xây dựng quy trình phân tích cơ bản, kiểm toán viên cần tăng mức độ đảm bảo mong muốn nếu rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu tăng lên.

Mức độ đầy đủ của việc trình bày và công bố báo cáo tài chính

67.  Kiểm toán viên cần thực hiện các thủ tục kiểm toán để đánh giá xem liệu việc trình bày và công bố báo cáo tài chính nói chung có phù hợp với chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán hay không. Kiểm toán viên cần xem xét liệu cách thức phân loại nghiệp vụ và nội dung thông tin tài chính được trình bày trên báo cáo tài chính có phù hợp không. Việc trình bày báo cáo tài chính phù hợp với chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán cũng đòi hòi phải giải trình hợp lý các vấn đề trọng yếu. Các vấn đề trọng yếu này liên quan đến hình thức, thứ tự sắp xếp và nội dung của báo cáo tài chính cũng như các thuyết minh báo cáo tài chính kèm theo. Ví dụ, thuật ngữ được sử dụng, số lượng chi tiết đưa ra, việc phân loại các khoản mục trong các báo cáo, và cơ sở trình bày thông tin.

Kiểm toán viên cần xem xét liệu Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán đã công bố các vấn đề liên quan đến những tình huống và sự kiện cụ thể mà kiểm toán viên đã được biết vào thời điểm đó hay chưa. Khi đánh giá việc trình bày báo cáo tài chính, kể cả các giải trình liên quan, kiểm toán viên cần xem xét đến rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu theo quy định tại Chuẩn mực kiểm toán số 500 “Bằng chứng kiểm toán” về cơ sở dẫn liệu liên quan đến việc trình bày và công bố báo cáo tài chính.

Đánh giá mức độ đầy đủ và thích hợp của bằng chứng kiểm toán thu thập được

68.  Căn cứ vào các thủ tục kiểm toán đã được thực hiện và bằng chứng kiểm toán đã thu thập được, kiểm toán viên sẽ phải đánh giá xem việc đánh giá các rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu có còn phù hợp hay không.

69.  Khi thực hiện các thủ tục kiểm toán theo kế hoạch đã lập, bằng chứng kiểm toán thu thập được có thể làm cho kiểm toán viên phải thay đổi nội dung, lịch trình hoặc phạm vi các thủ tục kiểm toán khác. Những thông tin mà kiểm toán viên thu thập được có thể có sự khác biệt đáng kể so với thông tin đã được sử dụng để đánh giá rủi ro. Ví dụ, mức độ sai sót được kiểm toán viên phát hiện khi thực hiện các thử nghiệm cơ bản có thể làm thay đổi xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên về đánh giá rủi ro, cũng như có thể cho biết những tồn tại trọng yếu của hệ thống kiểm soát nội bộ. Ngoài ra, việc thực hiện thủ tục phân tích ở giai đoạn rà soát tổng thể của cuộc kiểm toán có thể chỉ ra rủi ro có sai sót trọng yếu chưa được ghi nhận trước đây. Trường hợp này, kiểm toán viên cần phải đánh giá lại các thủ tục kiểm toán đã được lập kế hoạch, dựa vào cân nhắc của kiểm toán viên về toàn bộ hay một số loại giao dịch, các số dư khoản mục, hoặc các trình bày và cơ sở dẫn liệu liên quan.

70.  Khái niệm về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát ghi nhận là một số thay đổi có thể xảy ra trong hoạt động kiểm soát của đơn vị. Những biến đổi của hoạt động kiểm soát bắt buộc của đơn vị có thể do các yếu tố như thay đổi về nhân sự chủ chốt, biến động đáng kể của các nghiệp vụ theo mùa vụ và sai sót do con người gây ra. Nếu phát hiện ra các thay đổi này khi thực hiện các thử nghiệm kiểm soát thì kiểm toán viên cần phải thực hiện kiểm tra chi tiết để tìm hiểu về thời gian xảy ra các thay đổi nhân sự liên quan đến chức năng kiểm soát nội bộ chủ chốt. Kiểm toán viên cần cân nhắc xem liệu các thử nghiệm kiểm soát đã thực hiện có tạo ra cơ sở để tin cậy vào hoạt động kiểm soát hay không, liệu có cần thiết phải thực hiện các thử nghiệm kiểm soát bổ sung hay không, liệu có cần thiết sử dụng các thủ tục kiểm toán cơ bản để xử lý các rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu hay không.

71.  Kiểm toán viên không được cho rằng gian lận hoặc sai sót chỉ là cá biệt và do vậy, kiểm toán viên phải cân nhắc xem việc phát hiện ra sai sót sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến các rủi ro có sai sót trọng yếu. Trước khi đưa ra kết luận về cuộc kiểm toán, kiểm toán viên phải đánh giá xem liệu rủi ro kiểm toán đã được giảm xuống mức có thể chấp nhận được hay chưa và liệu có cần thiết phải xem xét lại nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán hay không. Kiểm toán viên thường cân nhắc các yếu tố sau:

a)      Nội dung, lịch trình và phạm vi của các thử nghiệm cơ bản;

b)      Bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát liên quan, kể cả quy trình đánh giá rủi ro của đơn vị.

72.  Kiểm toán viên cần đưa ra kết luận liệu bằng chứng kiểm toán đã thu thập được có đầy đủ và thích hợp để giảm mức độ rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính xuống mức thấp có thể chấp nhận được hay không. Trước khi đưa ra ý kiến kiểm toán, kiểm toán viên cần xem xét tất cả bằng chứng kiểm toán liên quan, cho dù các bằng chứng này có hỗ trợ hay mâu thuẫn với cơ sở dẫn liệu của báo cáo tài chính.

73.  Mức độ đầy đủ và thích hợp của bằng chứng kiểm toán nhằm giúp kiểm toán viên đưa ra các kết luận về cuộc kiểm toán tùy thuộc vào xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên. Xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên về tính đầy đủ và thích hợp của bằng chứng kiểm toán chịu ảnh hưởng của các yếu tố sau:

a)      Mức độ quan trọng của sai sót tiềm tàng trong cơ sở dẫn liệu và khả năng xảy ra ảnh hưởng trọng yếu, riêng rẽ hoặc tổng hợp với các sai sót tiềm tàng khác đối với báo cáo tài chính;

b)      Mức độ hiệu quả của việc phản hồi và hoạt động kiểm soát của Ban lãnh đạo đơn vị đối với các rủi ro này;

c)      Kinh nghiệm tích luỹ được từ các cuộc kiểm toán trước đây liên quan đến các sai sót tiềm tàng tương tự;

d)     Kết quả thực hiện các thủ tục kiểm toán, kể cả việc liệu các thủ tục kiểm toán đó có  phát hiện được các trường hợp gian lận hoặc sai sót hay không;

e)      Nguồn gốc và độ tin cậy của thông tin hiện có;

f)       Tính thuyết phục của bằng chứng kiểm toán;

g)      Hiểu biết của kiểm toán viên về đơn vị, môi trường kinh doanh của đơn vị, kể cả hệ thống kiểm soát nội bộ.

74.  Nếu chưa thu thập được các bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp làm cơ sở dẫn liệu trọng yếu của báo cáo tài chính, kiểm toán viên sẽ phải cố gắng thu thập thêm các bằng chứng kiểm toán khác. Nếu không thể thu thập được các bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp, kiểm toán viên sẽ phải đưa ra ý kiến kiểm toán chấp nhận từng phần hoặc ý kiến từ chối theo quy định tại Chuẩn mực kiểm toán số 700 “Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính”.

Hồ sơ kiểm toán

75.  Kiểm toán viên cần phải trình bày phương pháp tiếp cận tổng quát trên cơ sở đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính; nội dung, lịch trình, và phạm vi các thủ tục kiểm toán sẽ thực hiện; mối liên hệ giữa các thủ tục kiểm toán này với các rủi ro trong cơ sở dẫn liệu, và kết quả của các thủ tục kiểm toán. Ngoài ra, nếu kiểm toán viên có ý định sử dụng bằng chứng kiểm toán về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát thu thập được từ các cuộc kiểm toán trước đây, kiểm toán viên cần phải trình bày đầy đủ các kết luận trên cơ sở tin cậy vào hoạt động kiểm soát đã được thử nghiệm ở cuộc kiểm toán trước. Cách thức trình bày các vấn đề này dựa vào xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên. Chuẩn mực kiểm toán số 230 “Hồ sơ kiểm toán” đưa ra quy định và hướng dẫn trình bày hồ sơ kiểm toán liên quan đến kiểm toán báo cáo tài chính.

*

*       *

 


 

HỆ THỐNG

CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN VIỆT NAM

 

CHUẨN MỰC SỐ 505

THÔNG TIN XÁC NHẬN TỪ BÊN NGOÀI
(Ban hành theo Quyết định số 101/2005/QĐ-BTCngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
QUY ĐỊNH CHUNG

01.  Mục đích của chuẩn mực này là quy định các nguyên tắc, thủ tục cơ bản và hướng dẫn thể thức áp dụng các nguyên tắc và thủ tục cơ bản đối với việc sử dụng thông tin xác nhận từ bên ngoài nhằm thu thập bằng chứng kiểm toán của kiểm toán viên và công ty kiểm toán

02.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần xem xét sự cần thiết phải sử dụng thông tin xác nhận từ bên ngoài để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp nhằm hỗ trợ cho cơ sở dẫn liệu của báo cáo tài chính. Để đưa ra quyết định này, kiểm toán viên cần phải xem xét mức độ trọng yếu, mức độ rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát, và cân nhắc xem những bằng chứng có được từ thủ tục kiểm toán thông tin xác nhận từ bên ngoài đã và sẽ thực hiện cho các cơ sở dẫn liệu của báo cáo tài chính có làm giảm rủi ro kiểm toán xuống mức thấp có thể chấp nhận được hay không.

03.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải tuân thủ các quy định của chuẩn mực này trong quá trình thu thập thông tin xác nhận từ bên ngoài.

04.  Đơn vị được kiểm toán (khách hàng), các đơn vị, cá nhân liên quan phải có những hiểu biết cần thiết về các nguyên tắc, thủ tục cơ bản trong chuẩn mực này để phối hợp công việc và xử lý các mối quan hệ liên quan với kiểm toán viên và công ty kiểm toán trong quá trình thu thập thông tin xác nhận từ bên ngoài.

05.  Chuẩn mực kiểm toán số 500 “Bằng chứng kiểm toán” quy định rõ sự tin cậy của bằng chứng kiểm toán phụ thuộc vào nguồn cung cấp và tính chất của bằng chứng kiểm toán. Theo chuẩn mực này, những bằng chứng kiểm toán có nguồn gốc từ bên ngoài đáng tin cậy hơn bằng chứng kiểm toán có nguồn gốc từ bên trong; bằng chứng kiểm toán dưới dạng văn bản, hình ảnh đáng tin cậy hơn bằng chứng ghi lại lời nói. Những bằng chứng kiểm toán dưới dạng văn bản có nguồn gốc từ bên ngoài đáng tin cậy hơn vì người bên ngoài là người không liên quan trực tiếp tới đơn vị được kiểm toán. Kiểm toán viên cần xem xét có nên tổng hợp hay tách rời các bằng chứng kiểm toán từ thủ tục kiểm toán xác nhận từ bên ngoài đã và sẽ thực hiện có thể giúp giảm rủi ro kiểm toán của cơ sở dẫn liệu có liên quan xuống mức thấp nhất có thể chấp nhận được.

06.  Việc xác nhận thông tin từ bên ngoài là quá trình thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán thông qua việc liên hệ trực tiếp với bên thứ ba để nhận được phúc đáp của họ về các thông tin cụ thể ảnh hưởng đến cơ sở dẫn liệu được Ban Giám đốc lập và trình bày trong báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán. Để quyết định mức độ sử dụng thông tin xác nhận từ bên ngoài, kiểm toán viên và công ty kiểm toán nên cân nhắc đặc điểm của môi trường hoạt động của đơn vị được kiểm toán và khả năng thu thập được các thông tin đó.

07.  Xác nhận từ bên ngoài thường được sử dụng đối với số dư tài khoản và các bộ phận cấu thành của nó, nhưng không chỉ giới hạn trong những khoản mục này. Ví dụ, kiểm toán viên và công ty kiểm toán có thể yêu cầu sự xác nhận từ bên ngoài về các điều khoản hợp đồng hay giao dịch của đơn vị được kiểm toán với bên thứ ba. Các tình huống có thể thu thập thông tin xác nhận từ bên ngoài, gồm:

a)      Số dư tài khoản tiền gửi, tiền vay và những thông tin khác từ ngân hàng, kho bạc, tổ chức tài chính tương tự;

b)      Số dư các khoản phải thu;

c)      Cổ phiếu gửi bên thứ ba; hàng gia công, hàng gửi bán, hàng nhờ giữ hộ;

d)     Những văn bản, giấy tờ chứng nhận về quyền sở hữu tài sản do luật sư giữ, hoặc đang giữ trong két sắt của ngân hàng;

e)      Những khoản đầu tư mua từ các nhà môi giới nhưng chưa được giao trước thời điểm lập báo cáo tài chính;

f)       Các khoản nợ vay;

g)      Số dư của những khoản nợ phải trả.

08.  Sự tin cậy của bằng chứng kiểm toán thu thập được thông tin xác nhận từ bên ngoài phụ thuộc vào các thủ tục mà kiểm toán viên đã áp dụng để yêu cầu xác nhận từ bên ngoài phụ thuộc quá trình thực hiện xác nhận từ bên ngoài; và đánh giá kết quả của thủ tục xác nhận từ bên ngoài. Những nhân tố ảnh hưởng đến độ tin cậy của việc xác nhận từ bên ngoài bao gồm: Sự kiểm soát mà kiểm toán viên thực hiện đối với yêu cầu xác nhận và thư phúc đáp, tính chất của thư phúc đáp và bất kỳ sự hạn chế nào trong việc phúc đáp hoặc áp đặt của Ban Giám đốc.

NỘI DUNG CHUẨN MỰC

Mối quan hệ giữa thủ tục xác nhận từ bên ngoài với đánh giá của kiểm toán viên về rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát

09.  Chuẩn mực kiểm toán số 400 “Đánh giá rủi ro và kiểm soát nội bộ” đã quy định về rủi ro kiểm toán và mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành rủi ro là rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát và rủi ro phát hiện. Chuẩn mực này cũng quy định quá trình đánh giá rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát là để quyết định nội dung, tính chất và lịch trình của các thử nghiệm cơ bản để giảm rủi ro phát hiện và từ đó giảm rủi ro kiểm toán xuống mức có thể chấp nhận được.

10.  Chuẩn mực kiểm toán số 400 “Đánh giá rủi ro và kiểm soát nội bộ” cũng quy định rõ nội dung và tính chất của bằng chứng kiểm toán thu thập được từ việc thực hiện các thử nghiệm cơ bản phụ thuộc vào sự đánh giá rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát. Mức độ đánh giá rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát không thể ở mức thấp để loại trừ việc cần thiết phải thực hiện các thử nghiệm cơ bản. Những thử nghiệm cơ bản này có thể bao gồm cả thủ tục xác nhận từ bên ngoài cho cơ sở dẫn liệu của báo cáo tài chính.

11.  Chuẩn mực kiểm toán số 400 “Đánh giá rủi ro và kiểm soát nội bộ” quy định là nếu đánh giá rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát càng cao thì bằng chứng kiểm toán mà kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần thu thập từ thực hiện các thử nghiệm cơ bản càng phải nhiều. Vì thế, khi mức độ đánh giá rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát tăng lên thì kiểm toán viên cần thiết lập các thử nghiệm cơ bản để thu thập thêm bằng chứng kiểm toán thích hợp về một cơ sở dẫn liệu của báo cáo tài chính. Trong những trường hợp này việc sử dụng thủ tục xác nhận từ bên ngoài sẽ có hiệu quả trong việc cung cấp đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp.

12.  Rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát được đánh giá càng thấp, thì sự đảm bảo mà kiểm toán viên cần đạt được từ các thử nghiệm cơ bản càng ít để đưa ra ý kiến về cơ sở dẫn liệu của báo cáo tài chính.

13.  Những giao dịch phức tạp hoặc bất thường có thể dẫn tới mức độ rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát cao hơn các giao dịch thông thường. Nếu đơn vị được kiểm toán phát sinh giao dịch bất thường hoặc phức tạp và mức độ rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát được đánh giá ở mức cao thì kiểm toán viên phải xem xét việc xác nhận từ bên ngoài về các nội dung liên quan đến các nghiệp vụ này với các bên liên quan khác trong việc kiểm tra tài liệu được giữ tại đơn vị.

Cơ sở dẫn liệu cần xác nhận từ bên ngoài

14.  Chuẩn mực kiểm toán số 500 “Bằng chứng kiểm toán” quy định cơ sở dẫn liệu của báo cáo tài chính phải có các tiêu chuẩn: Hiện hữu, quyền và nghĩa vụ, phát sinh, đầy đủ, đánh giá, chính xác, trình bày và công bố. Mặc dù xác nhận từ bên ngoài có thể cung cấp bằng chứng kiểm toán liên quan đến những cơ sở dẫn liệu này, nhưng vì khả năng của một xác nhận từ bên ngoài cung cấp bằng chứng kiểm toán thích hợp cho một cơ sở dẫn liệu cụ thể của báo cáo tài chính là khác nhau.

15.  Xác nhận từ bên ngoài về một khoản phải thu, cung cấp bằng chứng kiểm toán đáng tin cậy về sự hiện hữu của một khoản tài sản tại một thời điểm nhất định. Xác nhận từ bên ngoài cũng có thể cung cấp bằng chứng về sự hạch toán đúng kỳ của khoản phải thu. Tuy nhiên, sự xác nhận này thông thường không cung cấp tất cả những bằng chứng kiểm toán cần thiết liên quan tới việc xác định giá trị, vì sẽ là không  thực tế nếu đề nghị người nợ xác nhận thông tin chi tiết liên quan tới khả năng trả nợ của họ.

16.  Trường hợp hàng hóa gửi đi bán, xác nhận từ bên ngoài cũng cung cấp những bằng chứng đáng tin cậy về sự hiện hữu, quyền và nghĩa vụ của tài sản nhưng không thể cung cấp bằng chứng đầy đủ về xác định giá trị hoặc khả năng bán hàng của hàng hóa đó.

17.  Sự thích hợp của thông tin xác nhận từ bên ngoài đối với cơ sở dẫn liệu của báo cáo tài chính cũng bị ảnh hưởng bởi mục tiêu của kiểm toán viên trong quá trình lựa chọn các thông tin cần xác nhận. Ví dụ: Khi kiểm toán tính đầy đủ của các khoản nợ phải trả, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần thu thập những bằng chứng cho thấy không có bất kỳ khoản nợ trọng yếu nào chưa được hạch toán. Do đó, việc gửi thư yêu cầu xác nhận tới các nhà cung cấp lớn của đơn vị được kiểm toán đề nghị họ gửi bản kê về các khoản phải thu của họ trực tiếp cho kiểm toán viên, kể cả trường hợp sổ kế toán của đơn vị không thể hiện số nợ phải trả nào cho nhà cung cấp này tại thời điểm đó thường có hiệu quả cao trong việc phát hiện các khoản nợ phải trả đã không được hạch toán, hơn là việc chọn ra các tài khoản dựa trên số dư lớn trong sổ kế toán chi tiết tài khoản phải trả để gửi thư xác nhận.

18.  Khi thu thập bằng chứng kiểm toán cho cơ sở dẫn liệu không được đánh giá đầy đủ bằng việc xác nhận thì kiểm toán viên cần thực hiện những thủ tục kiểm toán khác để bổ sung cho thủ tục xác nhận hoặc có thể thay thế thủ tục xác nhận.

Thiết lập nội dung thông tin cần xác nhận từ bên ngoài

19.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần thiết lập những nội dung thông tin cần xác nhận từ bên ngoài phù hợp với những mục tiêu kiểm toán cụ thể. Khi thiết lập những yêu cầu đó, kiểm toán viên cần xem xét các cơ sở dữ liệu được kiểm toán và những nhân tố có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của sự xác nhận. Những nhân tố như hình thức, yêu cầu xác nhận, kinh nghiệm của các cuộc kiểm toán trước đó hay của các cuộc kiểm toán tương tự, tính chất của những thông tin được xác nhận, và đối tượng yêu cầu xác nhận, đều có ảnh hưởng đến việc thiết lập yêu cầu bởi những nhân tố này có ảnh hưởng trực tiếp đến độ tin cậy của bằng chứng thu thập được thông qua thủ tục xác nhận từ bên ngoài.

20.  Khi thiết lập các nội dung thông tin cần xác nhận, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần cân nhắc tới các loại thông tin mà người được yêu cầu có thể sẵn sàng xác nhận ngay, vì điều này có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ phúc đáp và nội dung của bằng chứng thu thập được. Ví dụ, hệ thống kế toán của một số đơn vị được yêu cầu xác nhận chỉ có thể trợ giúp cho việc xác nhận những giao dịch đơn lẻ hơn là số dư tài khoản tổng hợp. Hơn nữa người được yêu cầu xác nhận không phải lúc nào cũng có thể xác nhận được một số loại thông tin, ví dụ họ không xác nhận được số dư các khoản phải thu tổng hợp, nhưng họ có thể xác nhận những hoá đơn riêng lẻ nằm trong số dư tổng hợp đó.

21.  Thông tin xác nhận từ bên ngoài thường phải được Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đồng ý và cung cấp thông tin cho kiểm toán viên. Sự phản hồi có thể dễ dàng đạt được hơn với những yêu cầu xác nhận có sự đồng ý của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán có thể không nhận được thư phúc đáp khi không được Ban Giám đốc của đơn vị được kiểm toán đồng ý .

Sử dụng thư xác nhận đóng và mở

22.  Kiểm toán viên có thể sử dụng thư xác nhận đóng hoặc mở hoặc kết hợp cả hai.

23.  Thư xác nhận mở (dạng khẳng định) là đề nghị người được yêu cầu trả lời, ký nhận trong mọi trường hợp hoặc phúc đáp lại cho kiểm toán viên là đồng ý hoặc không đồng ý với thông tin cần xác nhận bằng cách yêu cầu điền vào thông tin. Một sự phản hồi các yêu cầu xác nhận mở thường cung cấp bằng chứng kiểm toán đáng tin cậy. Tuy nhiên, có rủi ro là người được đề nghị xác nhận có thể không kiểm tra thông tin là chính xác mà đã xác nhận thì kiểm toán viên khó có thể phát hiện được điều đó. Tuy nhiên kiểm toán viên có thể giảm rủi ro này xuống bằng cách sử dụng thư xác nhận mở nhưng yêu cầu điền thông tin đúng vào chỗ cần phúc đáp hoặc cung cấp những thông tin khác chứ không ghi rõ số liệu hoặc các thông tin khác cần xác nhận. Ngoài ra, sử dụng thư xác nhận mở có thể ít nhận được thông tin phản hồi do người phản hồi phải thực hiện một số công việc.

24.  Thư xác nhận đóng (dạng phủ định) chỉ đòi hỏi sự phản hồi khi không đồng ý với thông tin yêu cầu xác nhận. Khi đồng ý với thông tin xác nhận thì không nhất thiết phải phản hồi. Tuy nhiên, nếu không có sự phản hồi từ yêu cầu thư xác nhận đóng thì kiểm toán viên sẽ không có bằng chứng rõ ràng rằng bên thứ ba đã nhận được yêu cầu xác nhận và xác minh rằng thông tin đã thu thập được là đúng. Do đó, việc sử dụng thư xác nhận đóng (phủ định) thường cung cấp bằng chứng ít tin cậy hơn so với việc sử dụng thư xác nhận mở (khẳng định). Trường hợp này kiểm toán viên cần phải xem xét thực hiện các thử nghiệm cơ bản bổ sung cho việc sử dụng thư xác nhận phủ định.

25.  Thư xác nhận đóng (dạng phủ định) có thể được sử dụng để giảm rủi ro kiểm toán xuống mức chấp nhận được khi:

a)      Mức đánh giá về rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát là thấp;

b)      Có số lượng lớn các số dư nhỏ;

c)      Một số lượng đáng kể sai sót không được dự kiến;

d)     Kiểm toán viên không có lý do gì để cho rằng người phản hồi sẽ không quan tâm đến các yêu cầu này.

26.  Có thể kết hợp cả thư xác nhận dạng khẳng định và thư xác nhận dạng phủ định. Ví dụ, khi tổng số dư các khoản phải thu của đơn vị được kiểm toán bao gồm chủ yếu là một số lượng nhỏ các số dư lớn hay một số lớn các số dư nhỏ, Kiểm toán viên có thể quyết định rằng sẽ xác nhận tất cả hay chọn mẫu các khách hàng có số nợ lớn với thư xác nhận khẳng định và chọn mẫu các khách hàng có số dư nợ nhỏ với thư xác nhận phủ định.

Khi Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán không đồng ý gửi thư xác nhận

27.  Khi kiểm toán viên đề nghị gửi thư xác nhận các số dư nào đó hoặc thông tin khác, nhưng Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán không đồng ý, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần xem xét liệu điều đó có hợp lý không và thu thập bằng chứng để chứng minh sự không đồng ý của Ban Giám đốc có hợp lý hay không. Nếu kiểm toán viên đồng ý với quyết định của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán là không cần gửi thư xác nhận từ bên ngoài liên quan đến một vấn đề cụ thể nào đó thì kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải áp dụng các thủ tục thay thế để thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp về vấn đề đó.

28.  Nếu kiểm toán viên và công ty kiểm toán không chấp nhận quyết định của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán và bị cản trở trong việc gửi thư xác nhận từ bên ngoài làm phát sinh các hạn chế về phạm vi kiểm toán, khi đó kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần xem xét ảnh hưởng của các hạn chế đó đến Báo cáo kiểm toán.

29.  Khi xem xét lý do mà Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đưa ra, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần đảm bảo tính thận trọng nghề nghiệp và xem xét liệu yêu cầu này có liên quan đến tính chính trực của Ban Giám đốc hay không. Kiểm toán viên xem xét liệu quyết định của Ban Giám đốc có thể có sai sót và gian lận hay không. Nếu kiểm toán viên tin tưởng rằng có sai sót và gian lận thì phải thực hiện theo quy định của Chuẩn mực kiểm toán số 240 “Gian lận và sai sót”. Kiểm toán viên cũng có thể xem xét liệu các thủ tục thay thế có cung cấp đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về vấn đề này hay không.

Tính chất của thư phúc đáp

30.  Sự tin cậy của bằng chứng kiểm toán được xác nhận từ bên ngoài bị ảnh hưởng do năng lực, tính độc lập, thẩm quyền trả lời, sự hiểu biết về vấn đề cần xác nhận và sự khách quan của người xác nhận. Với lý do này, nếu có thể kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần gửi thư yêu cầu xác nhận trực tiếp tới cá nhân liên quan. Ví dụ, khi cần xác nhận là khoản nợ dài hạn của doanh nghiệp đã hoặc sẽ được huỷ bỏ, kiểm toán viên cần gửi trực tiếp thư xác nhận đến cán bộ của bên cho vay, người có đầy đủ hiểu biết về sự huỷ bỏ này và có thẩm quyền cung cấp thông tin này.

31.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cũng cần xem xét trong trường hợp các bên cần xác nhận không cung cấp các thông tin khách quan về yêu cầu cần xác nhận. Thông tin về khả năng, kiến thức, thiện chí của các bên cần xác nhận cũng là sự quan tâm của kiểm toán viên. Kiểm toán viên phải xem xét ảnh hưởng của những thông tin đó trong việc thiết lập yêu cầu xác nhận cũng như đánh giá các kết quả khác, bao gồm cả việc xem xét thêm các thủ tục cần thiết khác. Kiểm toán viên cần xem xét sự chính xác và đầy đủ của một số thư xác nhận gửi tới bên thứ ba, mà kiểm toán viên tin rằng sẽ được cung cấp các bằng chứng kiểm toán thích hợp. Ví dụ kiểm toán viên có thể phát hiện thấy một số giao dịch cuối năm tài chính là không bình thường làm ảnh hưởng trọng yếu tới báo cáo tài chính hay các giao dịch với một bên thứ ba có quan hệ kinh tế phụ thuộc vào đơn vị. Trường hợp đó, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần xem xét liệu bên thứ ba có đưa ra các thông tin sai lệch không.

Quá trình xác nhận từ bên ngoài

32.  Khi thực hiện các thủ tục xác nhận từ bên ngoài, kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải kiểm soát thủ tục lựa chọn đối tượng gửi yêu cầu xác nhận và hình thức thư phản hồi từ bên ngoài. Công việc kiểm soát được duy trì giữa những người này và kiểm toán viên nhằm giảm thiểu khả năng các kết quả xác nhận là không khách quan do các yêu cầu xác nhận và thông tin phản hồi bị ngăn chặn hoặc bị thay đổi. Ngoài ra, kiểm toán viên cũng cần phải đảm bảo rằng đã gửi các nội dung đề nghị xác nhận đến đúng địa chỉ và các phản hồi sẽ được gửi trực tiếp tới kiểm toán viên. Kiểm toán viên cũng phải xem xét tới việc các thông tin phản hồi có được gửi cho những người liên quan hay không.

Không có sự phản hồi về các yêu cầu xác nhận

33.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải thực hiện các thủ tục kiểm toán khác thay thế khi không nhận được thư xác nhận từ bên ngoài. Các thủ tục kiểm toán bổ sung đó phải cung cấp đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các cơ sở dẫn liệu của báo cáo tài chính mà yêu cầu xác nhận định đưa ra.

34.  Trường hợp không nhận được thông tin phản hồi, kiểm toán viên và công ty kiểm toán thường phải tiếp xúc với bên đã nhận yêu cầu xác nhận để lấy thông tin phản hồi. Nếu vẫn không lấy được, kiểm toán viên và công ty kiểm toán sẽ sử dụng các thủ tục kiểm toán khác thay thế. Bản chất của các thủ tục này có thể thay đổi tùy thuộc vào tài khoản và cơ sở dẫn liệu liên quan. Đối với các khoản nợ phải thu, thủ tục thay thế có thể bao gồm việc kiểm tra thủ tục thu tiền sau đó từ các khoản nợ phải thu này; kiểm tra các vận đơn đường biển, hoặc các tài liệu khác của khách hàng để cung cấp bằng chứng cho sự hiện hữu, kiểm tra việc khóa sổ bán hàng nhằm cung cấp bằng chứng cho tính đầy đủ. Đối với các khoản nợ phải trả, thủ tục thay thế bao gồm cả việc kiểm tra thủ tục thanh toán tiền sau đó cho các khoản nợ phải trả này, hoặc công văn, thư từ từ các bên thứ ba có thể cung cấp bằng chứng xác nhận tính hiện hữu, đồng thời kiểm tra các giấy tờ khác như các phiếu nhận hàng, nhằm cung cấp bằng chứng cho tính đầy đủ.

Độ tin cậy của các thông tin phản hồi đã nhận được

35.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải xem xét những thông tin xác nhận từ bên ngoài đã nhận được có đáng tin cậy hay không. Kiểm toán viên sẽ xem xét đến tính chính xác của những thông tin phản hồi đồng thời phải thực hiện các thủ tục để xác định tính trung thực của thông tin phản hồi. Kiểm toán viên có thể thẩm định lại nguồn và nội dung của thông tin phản hồi qua điện thoại đối với người gửi thông tin đó. Ngoài ra, kiểm toán viên có thể đề nghị người xác nhận gửi bản gốc trực tiếp cho mình. Cùng với sự phát triển ngày càng cao trong việc sử dụng công nghệ, kiểm toán viên ngày càng quan tâm đến tính chính xác của nguồn thông tin phản hồi mà họ nhận được thông qua các hình thức lưu chuyển điện tử như fax hay thư điện tử. Sự xác nhận bằng lời nói phải được ghi bằng văn bản. Nếu những thông tin xác nhận bằng lời nói là quan trọng, kiểm toán viên nên đề nghị bên liên quan gửi Thư xác nhận qua giấy tờ trực tiếp tới kiểm toán viên.

Các nguyên nhân và tần suất của các ngoại lệ

36.  Khi kiểm toán viên và công ty kiểm toán đưa ra kết luận rằng quá trình xác nhận và các thủ tục kiểm toán thay thế không cung cấp đầy đủ các bằng chứng kiểm toán  thích hợp đối với các nội dung cần xác nhận, kiểm toán viên sẽ tiến hành thêm các thủ tục kiểm toán khác nhằm có được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các nội dung đó.

Trong phần kết luận, kiểm toán viên cần chú ý đến những vấn đề sau:

a)Độ tin cậy của các xác nhận và các thủ tục thay thế;

b)Bản chất của các ngoại lệ, bao gồm cả các ảnh hưởng, số lượng và chất lượng của các ngoại lệ này;

c)Các bằng chứng được cung cấp bởi các thủ tục kiểm toán khác.

Dựa trên các đánh giá này, kiểm toán viên sẽ quyết định có cần hay không cần các thủ tục kiểm toán bổ sung nhằm có được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp.

37.  Kiểm toán viên cần xem xét đến các nguyên nhân cũng như tần suất của các ngoại lệ được đưa ra bởi các bên phản hồi. Một ngoại lệ có thể chỉ ra một sai sót trong các tài liệu kế toán của đơn vị. Trường hợp này, kiểm toán viên cần xác định nguyên nhân của sai sót, đồng thời xem xét những ảnh hưởng trọng yếu của nó đến báo cáo tài chính. Nếu một ngoại lệ chỉ ra sai sót, kiểm toán viên phải xem xét lại tính chất, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán cần thiết để cung cấp đầy đủ bằng chứng theo yêu cầu.

Đánh giá kết quả của quá trình gửi thư xác nhận

38.  Kiểm toán viên sẽ đánh giá các kết quả của quá trình gửi thư xác nhận từ bên ngoài cùng với kết quả của bất kỳ thủ tục kiểm toán nào khác được thực hiện, nhằm cung cấp các bằng chứng kiểm toán thích hợp và đầy đủ, liên quan đến việc xác nhận báo cáo tài chính được kiểm toán. Đối với việc đánh giá này, kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải tuân theo Chuẩn mực kiểm toán số 530 “Lấy mẫu kiểm toán và các thủ tục lựa chọn khác”.

Xác nhận từ bên ngoài trước khi năm tài chính kết thúc

39.  Khi kiểm toán viên sử dụng thư xác nhận trước ngày kết thúc niên độ làm bằng chứng cho một cơ sở dẫn liệu của báo cáo tài chính, kiểm toán viên cần phải thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để chứng tỏ các giao dịch có liên quan đến cơ sở dẫn liệu đó phát sinh trong khoảng thời gian giữa ngày xác nhận và ngày kết thúc niên độ không bị sai sót trọng yếu. Trên thực tế, khi mức độ rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát được đánh giá ở mức độ thấp và trung bình, kiểm toán viên thường có thể quyết định gửi thư xác nhận số dư tại một ngày khác với ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Ví dụ, khi cuộc kiểm toán được yêu cầu phải hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn sau khi kết thúc kỳ kế toán năm. Cũng như các công việc kiểm toán khác được thực hiện trước khi năm tài chính kết thúc, kiểm toán viên sẽ phải xem xét đến việc thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến quãng thời gian còn lại của năm tài chính.

*

*      *

HỆ THỐNG

CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN VIỆT NAM

 

CHUẨN MỰC SỐ 545

KIỂM TOÁN VIỆC XÁC ĐỊNH VÀ TRÌNH BÀY GIÁ TRỊ HỢP LÝ

(Ban hành theo Quyết định số 101/2005/QĐ-BTCngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUY ĐỊNH CHUNG

01.  Mục đích của chuẩn mực này là quy định các nguyên tắc, thủ tục cơ bản và hướng dẫn thể thức áp dụng các nguyên tắc và thủ tục cơ bản trong việc kiểm toán việc xác định và trình bày giá trị hợp lý trên báo cáo tài chính. Chuẩn mực này hướng dẫn  kiểm toán viên và công ty kiểm toán xem xét việc xác định, trình bày và thuyết minh tài sản, nợ phải trả trọng yếu và một số khoản mục nhất định của vốn chủ sở hữu được trình bày hoặc thể hiện theo giá trị hợp lý trên báo cáo tài chính. Việc xác định giá trị hợp lý của tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu có thể phát sinh từ những ghi nhận ban đầu hoặc những thay đổi giá trị sau đó. Những thay đổi trong việc xác định giá trị hợp lý phát sinh qua thời gian có thể được xử lý theo các cách khác nhau theo quy định của chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.

02.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc đơn vị được kiểm toán đã xác định và trình bày giá trị hợp lý theo quy định của chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.

03.  Chuẩn mực này áp dụng cho kiểm toán báo cáo tài chính và cũng được vận dụng cho kiểm toán thông tin tài chính khác và các dịch vụ liên quan của công ty kiểm toán.

Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải tuân thủ những quy định của chuẩn mực này trong quá trình thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính và cung cấp dịch vụ liên quan.

Đơn vị được kiểm toán và các bên sử dụng kết quả kiểm toán phải có những hiểu biết cần thiết về các nguyên tắc và thủ tục quy định trong chuẩn mực này để thực hiện trách nhiệm của mình và để phối hợp công việc với kiểm toán viên và công ty kiểm toán nhằm giải quyết các mối quan hệ trong quá trình kiểm toán.

04.  Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán chịu trách nhiệm về việc xác định và trình bày giá trị hợp lý trên báo cáo tài chính. Để thực hiện một phần trách nhiệm này, Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán cần thiết lập một quy trình kế toán và lập báo cáo tài chính cho việc xác định và trình bày giá trị hợp lý; lựa chọn phương pháp định giá thích hợp; xác định và thu thập đầy đủ chứng từ làm cơ sở cho những giả định quan trọng; tiến hành định giá và đảm bảo rằng việc xác định và trình bày giá trị hợp lý là phù hợp với chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán mà đơn vị được kiểm toán đã áp dụng.

05.  Xác định giá trị hợp lý cũng như nhiều phương pháp định giá phải dựa trên các ước tính nên không thật chính xác, đặc biệt là khi xác định giá trị hợp lý không liên quan đến luồng tiền theo hợp đồng hoặc không có thông tin của thị trường cho việc ước tính. Việc ước tính giá trị hợp lý này thường bao gồm sự không chắc chắn cả về giá trị lẫn thời điểm của luồng tiền trong tương lai. Việc xác định giá trị hợp lý cũng có thể dựa trên các giả định về những điều kiện, giao dịch hoặc sự kiện trong tương lai mà kết quả của chúng là không chắc chắn và có thể sẽ thay đổi theo thời gian. Kiểm toán viên phải xem xét những giả định này dựa trên những thông tin được cung cấp tại thời điểm kiểm toán. Tuy nhiên, kiểm toán viên không chịu trách nhiệm dự đoán các điều kiện, giao dịch và sự kiện trong tương lai nếu thông tin về chúng được biết tại thời điểm kiểm toán có thể có ảnh hưởng quan trọng đến hành động hoặc những giả định của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán được sử dụng để xác định và trình bày giá trị hợp lý. Những giả định được sử dụng để xác định giá trị hợp lý về bản chất tương tự với những giả định khi xác định các ước tính kế toán khác. Chuẩn mực kiểm toán số 540 “Kiểm toán các ước tính kế toán” đưa ra những hướng dẫn cho kiểm toán viên khi kiểm toán các ước tính kế toán. Chuẩn mực kiểm toán số 545 “Kiểm toán việc xác định và trình bày giá trị hợp lý” cũng đưa ra những quy định tương tự như Chuẩn mực kiểm toán 540 đồng thời bổ sung thêm những nội dung cụ thể khác về việc xác định và trình bày giá trị hợp lý phù hợp với quy định của chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán đang áp dụng.

06.  Chuẩn mực kế toán và các chế độ kế toán khác nhau yêu cầu hoặc cho phép sử dụng đa dạng các phương pháp xác định và trình bày giá trị hợp lý trên báo cáo tài chính. Chuẩn mực kế toán và các chế độ kế toán khác nhau cũng hướng dẫn cơ sở xác định giá trị hợp lý của tài sản, nợ phải trả hoặc cách trình bày cũng ở mức độ khác nhau. Một số chuẩn mực kế toán hướng dẫn chi tiết, một số chuẩn mực kế toán hướng dẫn chung và một số chuẩn mực kế toán lại không có hướng dẫn. Hơn nữa, mỗi lĩnh vực cũng có những đặc thù riêng trong việc xác định và trình bày giá trị hợp lý. Chuẩn mực này hướng dẫn cho kiểm toán viên xác định và trình bày giá trị hợp lý mà không đề cập đến việc xác định và trình bày giá trị hợp lý các loại tài sản, nợ phải trả của các lĩnh vực đặc thù.

07.  Theo Chuẩn mực kế toán chung thì việc xác định giá trị hợp lý dựa trên giả định doanh nghiệp đang hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần, nghĩa là doanh nghiệp không có ý định cũng như không buộc phải ngừng hoạt động hoặc thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động hoặc thực hiện những giao dịch có điều khoản bất lợi.  Do đó, trong trường hợp này, giá trị hợp lý không phải là giá trị mà đơn vị được kiểm toán có thể thu hồi hoặc trả nợ trong một giao dịch bắt buộc, hoặc trong trường hợp bắt buộc giải thể hoặc thanh lý đơn vị được kiểm toán. Tuy nhiên, đơn vị được kiểm toán có thể cần xem xét đến tình hình hoạt động kinh doanh hiện thời của mình khi xác định giá trị hợp lý của tài sản hoặc nợ phải trả nếu chuẩn mực, chế độ kế toán quy định hoặc cho phép và chuẩn mực kế toán đó có thể có hoặc không quy định cách xác định. Ví dụ, kế hoạch của Ban Giám đốc là thanh lý một tài sản được khấu hao theo phương pháp số dư giảm dần là phù hợp với mục đích kinh doanh đặc thù có thể ảnh hưởng tới việc xác định giá trị hợp lý của tài sản.

08.  Việc xác định giá trị hợp lý có thể tương đối đơn giản đối với một số tài sản hoặc nợ phải trả; Ví dụ, tài sản được mua hoặc bán trên thị trường hoạt động có sẵn các thông tin tin cậy về giá cả của những trao đổi thực sự phát sinh. Việc xác định giá trị hợp lý của tài sản hoặc nợ phải trả khác có thể trở nên phức tạp hơn. Một tài sản không có thị trường hoạt động hoặc có những tính chất đặc thù thì cần được Ban Giám đốc ước tính giá trị hợp lý. Ví dụ, một bất động sản đầu tư hoặc một công cụ tài chính phái sinh, việc ước tính giá trị hợp lý có thể đạt được thông qua việc sử dụng phương pháp định giá. Ví dụ, định giá một doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu, hoặc thông qua sự trợ giúp của chuyên gia định giá độc lập.

09.  Trường hợp do mức độ không chắc chắn của một yếu tố nào đó hoặc do thiếu các dữ liệu khách quan dẫn đến không thể lập được các ước tính kế toán một cách hợp lý thì kiểm toán viên cần xem xét liệu có cần sửa đổi ý kiến kiểm toán theo quy định tại Chuẩn mực kiểm toán số 700 “Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính”.

 

NỘI DUNG CHUẨN MỰC

Tìm hiểu quy trình xác định và trình bày giá trị hợp lý, các hoạt động kiểm soát liên quan và quy trình đánh giá rủi ro của đơn vị được kiểm toán

10.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần có sự hiểu biết về quy trình xác định và trình bày giá trị hợp lý, các hoạt động kiểm soát liên quan của đơn vị được kiểm toán để xác định và đánh giá rủi ro sai sót trọng yếu ở từng cơ sở dẫn liệu nhằm thiết kế và thực hiện thêm các thủ tục kiểm toán khác.

11.  Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán chịu trách nhiệm thiết lập phương pháp xác định và trình bày giá trị hợp lý trong quy trình kế toán và lập báo cáo tài chính. Trong một số trường hợp, phương pháp xác định và trình bày giá trị hợp lý là đơn giản và tin cậy. Ví dụ, Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán có thể dựa trên các bảng niêm yết giá công khai để xác định giá trị hợp lý cho những chứng khoán đang lưu hành trên thị trường mà đơn vị đang nắm giữ. Tuy nhiên, một số phương pháp xác định giá trị hợp lý khác phức tạp hơn và liên quan tới những sự kiện hoặc kết quả không chắc chắn trong tương lai. Do đó, những giả thiết liên quan tới việc xác định giá trị hợp lý được sử dụng như một phần của quá trình xác định giá trị hợp lý. Sự hiểu biết của kiểm toán viên về quy trình xác định giá trị hợp lý bao gồm cả tính phức tạp của nó sẽ giúp kiểm toán viên trong việc xác định và đánh giá rủi ro sai sót trọng yếu, từ đó xác định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán.

12.       Khi thu thập những hiểu biết về quy trình đơn vị được kiểm toán đưa ra quyết định về cách xác định và trình bày giá trị hợp lý, kiểm toán viên cần xem xét những vấn đề sau đây:

a)      Các hoạt động kiểm soát phù hợp được sử dụng để xác định giá trị hợp lý; Ví dụ thủ tục kiểm soát các dữ liệu và sự phân định trách nhiệm giữa người thực hiện nghiệp vụ liên quan và người chịu trách nhiệm thực hiện việc định giá;

b)      Sự thành thạo và kinh nghiệm của những cá nhân thực hiện việc xác định giá trị hợp lý;

c)      Vai trò của công nghệ thông tin trong quá trình xác định giá trị hợp lý;

d)     Loại tài khoản và các giao dịch yêu cầu phải xác định và trình bày giá trị hợp lý (Ví dụ, việc định giá phụ thuộc vào các giao dịch thông thường, các giao dịch định kỳ hay từ những giao dịch bất thường);

e)      Mức độ sử dụng các dịch vụ do tổ chức bên ngoài cung cấp trong việc xác định giá trị hợp lý hoặc dữ liệu được sử dụng trong việc xác định giá trị hợp lý. Khi đơn vị được kiểm toán sử dụng dịch vụ bên ngoài để trợ giúp, kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục phù hợp với yêu cầu của Chuẩn mực kiểm toán số 402 “Các yếu tố cần xem xét khi kiểm toán đơn vị có sử dụng dịch vụ bên ngoài”;

f)       Mức độ đơn vị được kiểm toán sử dụng ý kiến của chuyên gia trong việc xác định và trình bày giá trị hợp lý theo quy định tại đoạn 29-32;

g)      Những giả định quan trọng mà Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán sử dụng trong việc xác định giá trị hợp lý;

h)      Hồ sơ, tài liệu liên quan tới những giả định này;

i)        Những phương pháp được sử dụng để xây dựng và áp dụng các giả định này cũng như các hoạt động kiểm soát khi có sự thay đổi các giả định này;

j)        Tính hiệu quả trong hoạt động kiểm soát những thay đổi và quá trình đảm bảo an toàn cho phương pháp định giá, hệ thống thông tin liên quan bao gồm cả quá trình phê chuẩn;

k)      Kiểm soát tính nhất quán, kịp thời và tin cậy của dữ liệu được sử dụng trong quá trình xác định giá trị hợp lý.

13.  Chuẩn mực kiểm toán số 400 “Đánh giá rủi ro và kiểm soát nội bộ” yêu cầu kiểm toán viên phải có đủ hiểu biết về hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán để xây dựng kế hoạch kiểm toán. Trong từng trường hợp cụ thể theo quy định của chuẩn mực này, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần tìm hiểu việc xác định và trình bày giá trị hợp lý khi xây dựng nội dung, lịch trình và phạm vi của thủ tục kiểm toán khác.

14.  Sau khi có đủ hiểu biết về quy trình xác định và trình bày giá trị hợp lý của đơn vị được kiểm toán, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần xác định và đánh giá rủi ro sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu liên quan tới việc xác định và trình bày giá trị hợp lý trên báo cáo tài chính nhằm đưa ra nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán khác.

15.  Việc xác định giá trị hợp lý thường hay có sai sót nên được xem là có rủi ro tiềm tàng. Do đó, nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán phụ thuộc vào mức độ mắc sai sót của việc xác định giá trị hợp lý và phụ thuộc vào mức độ đơn giản hay phức tạp của quy trình xác định giá trị hợp lý. Khi xác định rằng rủi ro có sai sót trọng yếu liên quan đến việc xác định và trình bày giá trị hợp lý, kiểm toán viên cần thực hiện theo các quy định của Chuẩn mực kiểm toán số 400.

16.  Chuẩn mực kiểm toán số 400 “Đánh giá rủi ro và kiểm soát nội bộ” đưa ra những hạn chế tiềm tàng của hệ thống kiểm soát nội bộ. Do việc xác định giá trị hợp lý thường bao gồm những đánh giá chủ quan của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán nên nó có thể ảnh hưởng tới nội dung của các thủ tục kiểm soát được thực hiện. Rủi ro có sai sót khi xác định giá trị hợp lý có thể tăng lên khi các quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán liên quan đến việc xác định giá trị hợp lý trở nên phức tạp hơn. Kiểm toán viên cần xem xét những hạn chế tiềm tàng của các hoạt động kiểm soát trong những trường hợp này khi đánh giá rủi ro kiểm soát.

Đánh giá tính thích hợp của việc xác định và trình bày giá trị hợp lý

17.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần đánh giá liệu việc xác định và trình bày giá trị hợp lý trên báo cáo tài chính có phù hợp với các quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán mà đơn vị được kiểm toán phải áp dụng hay không.

18.  Sự hiểu biết của kiểm toán viên về yêu cầu của chuẩn mực, chế độ kế toán và kiến thức về ngành nghề kinh doanh, cùng với kết quả của các thủ tục kiểm toán khác được sử dụng để đánh giá liệu chính sách kế toán cho tài sản hoặc nợ phải trả cần xác định giá trị hợp lý có phù hợp không, và việc trình bày phương pháp xác định giá trị hợp lý và các điểm không chắc chắn có phù hợp với quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán hay không.

19.  Việc đánh giá tính thích hợp của việc xác định giá trị hợp lý của đơn vị được kiểm toán theo chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và đánh giá bằng chứng kiểm toán phụ thuộc vào sự hiểu biết của kiểm toán viên về bản chất kinh doanh của đơn vị được kiểm toán. Điều này càng phù hợp khi tài sản, nợ phải trả hoặc phương pháp định giá có độ phức tạp cao. Ví dụ, các công cụ tài chính phái sinh có thể rất phức tạp, do vậy việc diễn giải về cách thức xác định giá trị hợp lý khác nhau sẽ dẫn đến  những kết luận khác nhau. Việc xác định giá trị hợp lý của một số khoản mục, ví dụ: chi phí nghiên cứu và triển khai dở dang hoặc tài sản cố định vô hình được mua trong quá trình hợp nhất kinh doanh, có thể cần sự xem xét đặc biệt do bị ảnh hưởng bởi bản chất và hoạt động của đơn vị nếu sự xem xét này là phù hợp với chuẩn mực kế toán áp dụng cho đơn vị được kiểm toán. Kiến thức của kiểm toán viên về hoạt động kinh doanh và kết quả của các thủ tục kiểm toán khác có thể giúp xác định các tài sản mà Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán cần ghi nhận sự giảm giá thông qua việc xác định giá trị hợp lý theo quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán.

20.  Trường hợp phương pháp xác định giá trị hợp lý được quy định rõ trong chuẩn mực và chế độ kế toán (ví dụ: theo quy định thì giá trị hợp lý của chứng khoán đang được giao dịch trên thị trường hoạt động sẽ được xác định bằng giá niêm yết thay vì sử dụng phương pháp định giá) thì kiểm toán viên cần xem xét việc xác định giá trị hợp lý có được thực hiện theo đúng quy định đó không.

21.  Một số chuẩn mực kế toán quy định việc xác định được một cách tin cậy giá trị hợp lý của tài sản và nợ phải trả là một điều kiện bắt buộc khi đưa ra yêu cầu hoặc cho phép việc xác định và trình bày giá trị hợp lý. Trong một số trường hợp, việc xác định giá trị hợp lý một cách đáng tin cậy là không thể được do tài sản hoặc nợ phải trả không có giá niêm yết trên thị trường hoạt động hoặc các phương pháp ước tính giá trị hợp lý khác không phù hợp hoặc không khả thi. Khi Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán cho rằng giá trị hợp lý không thể xác định một cách đáng tin cậy, kiểm toán viên phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để chứng minh cho quyết định này và xem xét khoản mục có được hạch toán phù hợp với chuẩn mực, chế độ kế toán hay không.

22.  Kiểm toán viên cần thu thập bằng chứng về dự định của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán nhằm thực hiện một hành động cụ thể, và xem xét khả năng tiến hành việc này trong trường hợp liên quan đến việc xác định và trình bày giá trị hợp lý theo quy định của chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.

23.  Theo quy định của một số chuẩn mực, chế độ kế toán, dự định của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán về một tài sản hay nợ phải trả là tiêu chuẩn để xác định, trình bày và thuyết minh cũng như để hạch toán sự thay đổi của giá trị hợp lý trên báo cáo tài chính. Theo các chuẩn mực kế toán đó, dự định của Ban Giám đốc là quan trọng trong việc xác định tính hợp lý của việc đơn vị sử dụng giá trị hợp lý. Ban Giám đốc cần ghi lại kế hoạch và dự định của mình về những tài sản hoặc nợ phải trả cụ thể theo quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán. Phạm vi thu thập bằng chứng về dự định của Ban Giám đốc tuỳ thuộc vào xét đoán nghề nghiệp của kiểm toán viên. Kiểm toán viên thường phỏng vấn Ban Giám đốc và thu thập thêm bằng chứng  phụ trợ cho giải trình của Ban Giám đốc bằng cách:

a)      Xem xét việc thực hiện dự định đối với tài sản hoặc nợ phải trả của Ban Giám đốc trong quá khứ;

b)      Kiểm tra lại các kế hoạch và tài liệu (nếu có) như kế hoạch ngân sách, biên bản các cuộc họp...;

c)      Xem xét các lý do lựa chọn một hành động cụ thể của Ban Giám đốc;

d)     Xem xét khả năng thực hiện một hành động cụ thể trong những điều kiện kinh tế  nhất định của Ban Giám đốc, bao gồm cả những ảnh hưởng của các cam kết theo hợp đồng. Kiểm toán viên cũng xem xét khả năng của Ban Giám đốc trong việc tiếp tục thực hiện hành động cụ thể mà có thể ảnh hưởng đến sử dụng hoặc không sử dụng việc xác định giá trị hợp lý theo quy định của chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán.

24.  Khi chuẩn mực, chế độ kế toán cho phép áp dụng các phương pháp xác định giá trị hợp lý khác nhau hoặc khi không quy định cụ thể phương pháp xác định giá trị hợp lý, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần đánh giá liệu phương pháp xác định giá trị hợp lý mà Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán lựa chọn có phù hợp trong từng điều kiện cụ thể theo quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán.

25.  Kiểm toán viên cần sử dụng xét đoán chuyên môn để đánh giá xem phương pháp xác định giá trị hợp lý có phù hợp trong từng điều kiện cụ thể hay không. Khi Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán lựa chọn một phương pháp định giá cụ thể từ những phương pháp khác nhau phù hợp với quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán, kiểm toán viên cần tìm hiểu lý do chủ yếu mà Ban Giám đốc đã lựa chọn thông qua việc thảo luận với Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán. Kiểm toán viên cần xem xét:

a)      Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đã đánh giá đầy đủ và áp dụng đúng các quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán cho sự lựa chọn này;

b)      Phương pháp định giá phù hợp với bản chất của tài sản hoặc nợ phải trả được định giá và chuẩn mực, chế độ kế toán của đơn vị được kiểm toán;

c)      Phương pháp định giá phù hợp với hoạt động kinh doanh, ngành nghề và môi trường kinh doanh của đơn vị được kiểm toán.

26.  Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán có thể đã xác định rằng những phương pháp định giá khác nhau sẽ tạo ra các giá trị hợp lý rất khác nhau. Trong những trường hợp này, kiểm toán viên cần xem xét xem đơn vị được kiểm toán đã xác định lý do dẫn đến sự khác nhau này trong việc thiết lập phương pháp xác định giá trị hợp lý hay chưa.

27.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần đánh giá phương pháp xác định giá trị hợp lý của đơn vị được kiểm toán có được áp dụng nhất quán hay không.

28.  Khi Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đã lựa chọn một phương pháp định giá, kiểm toán viên cần đánh giá tính nhất quán của đơn vị được kiểm toán trong việc áp dụng phương pháp này, và nếu đơn vị đã áp dụng tính nhất quán thì việc áp dụng nhất quán này có còn phù hợp không khi xét đến những thay đổi của môi trường, những điều kiện cụ thể ảnh hưởng tới hoạt động của đơn vị, hoặc những thay đổi theo quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán. Nếu Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán thay đổi phương pháp định giá, kiểm toán viên cần cân nhắc liệu Ban Giám đốc có chứng minh được sự thay đổi này nhằm đưa ra phương pháp định giá chính xác hơn, hoặc sự thay đổi này là do có sự thay đổi theo quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán hay do sự thay đổi trong từng hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ, việc xuất hiện thị trường hoạt động cho một loại tài sản hay nợ phải trả cụ thể có thể cho thấy việc sử dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu nhằm ước tính giá trị hợp lý của loại tài sản và nợ phải trả này không còn phù hợp nữa.

Sử dụng tư liệu của chuyên gia

29.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần xem xét sự cần thiết của việc sử dụng tư liệu của chuyên gia. Kiểm toán viên có thể có những kỹ năng và kiến thức cần thiết để lập kế hoạch và thực hiện quy trình kiểm toán giá trị hợp lý hoặc có thể quyết định sử dụng tư liệu của chuyên gia. Khi quyết định sử dụng tư liệu của chuyên gia, kiểm toán viên cần xem xét các nội dung quy định trong Chuẩn mực kiểm toán số 620 “Sử dụng tư liệu của chuyên gia”.

30.  Nếu sử dụng tư liệu của chuyên gia, kiểm toán viên cần thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp chứng minh rằng công việc do chuyên gia thực hiện là đầy đủ, phù hợp với mục đích của cuộc kiểm toán và tuân thủ các yêu cầu của Chuẩn mực kiểm toán số 620 “Sử dụng tư liệu của chuyên gia”.

31.  Khi lập kế hoạch sử dụng tư liệu của chuyên gia, kiểm toán viên cần xem xét hiểu biết của chuyên gia về định nghĩa giá trị hợp lý và phương pháp mà chuyên gia sẽ sử dụng để xác định giá trị hợp lý có thống nhất với định nghĩa và phương pháp mà Ban Giám đốc đơn vị áp dụng và phù hợp với quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán hay không. Ví dụ, phương pháp được chuyên gia sử dụng trong việc ước tính giá trị hợp lý của một bất động sản đầu tư, hoặc những phương pháp thống kê bảo hiểm được áp dụng cho việc xác định giá trị hợp lý khi trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, những khoản phải thu từ hoạt động kinh doanh nhượng tái bảo hiểm hoặc những khoản mục tương tự có thể không nhất quán với các nguyên tắc xác định giá trị hợp lý theo quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán. Do đó, kiểm toán viên phải xem xét những vấn đề này thông qua việc thảo luận, yêu cầu hoặc xem xét các tài liệu hướng dẫn cho chuyên gia hoặc nghiên cứu các báo cáo của chuyên gia.

32.  Theo Chuẩn mực kiểm toán số 620 “Sử dụng tư liệu của chuyên gia”, kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải đánh giá sự phù hợp của kết quả tư vấn của chuyên gia như một bằng chứng kiểm toán. Mặc dù chuyên gia chịu trách nhiệm về tính hợp lý của giả định và tính phù hợp của phương pháp đã sử dụng, kiểm toán viên cần tìm hiểu về những giả định quan trọng và phương pháp đã sử dụng và xem xét xem các phương pháp này có đúng đắn, đầy đủ và hợp lý không, dựa vào kiến thức của kiểm toán viên về hoạt động kinh doanh và kết quả của các thủ tục kiểm toán khác. Kiểm toán viên thường xem xét những vấn đề này thông qua trao đổi với chuyên gia. Đoạn 39-49 đề cập đến việc đánh giá các giả định quan trọng mà Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đã sử dụng, kể cả các giả định Ban Giám đốc đã sử dụng dựa trên ý kiến của chuyên gia.

Các thủ tục kiểm toán đối với rủi ro có sai sót trọng yếu trong việc xác định và trình bày giá trị hợp lý của đơn vị được kiểm toán

33.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần thiết kế và thực hiện thêm các thủ tục kiểm toán để xử lý các rủi ro sai sót trọng yếu đã được đánh giá của cơ sở dẫn liệu liên quan đến việc xác định và trình bày giá trị hợp lý trong báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán.

34.  Do có nhiều phương pháp có thể sử dụng để xác định giá trị hợp lý, từ đơn giản đến phức tạp nên các thủ tục kiểm toán cũng có thể rất khác nhau về nội dung, thời gian và phạm vi. Ví dụ: Thủ tục kiểm toán cơ bản liên quan đến xác định giá trị hợp lý có thể bao gồm: (a) Đánh giá những giả định quan trọng của Ban Giám đốc, phương pháp định giá, các dữ liệu được sử dụng (xem đoạn 39-49); (b) Thực hiện các ước tính giá trị hợp lý độc lập để xem xét sự thích hợp của cách tính giá trị hợp lý theo quy định tại đoạn 52; hoặc (c) Xem xét đến ảnh hưởng của các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm có liên quan đến việc xác định, tính toán giá trị hợp lý theo quy định tại đoạn 53-55.

35.  Giá niêm yết trên thị trường hoạt động là bằng chứng tốt nhất về giá trị hợp lý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp việc xác định giá trị hợp lý có thể sẽ phức tạp hơn. Tính phức tạp phát sinh do bản chất của những khoản mục được xác định giá trị hợp lý hoặc do phương pháp đánh giá được quy định trong chuẩn mực, chế độ kế toán hoặc do sự lựa chọn của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán. Ví dụ, trong trường hợp không có giá niêm yết ở một thị trường hoạt động, một số chuẩn mực, chế độ kế toán cho phép việc ước tính giá trị hợp lý dựa trên những cơ sở thay thế, như chiết khấu dòng tiền hay so sánh. Các cách tính giá trị hợp lý phức tạp thường gắn với sự không chắc chắn về tính đáng tin cậy của quá trình đánh giá. Những điểm không chắc chắn có thể là do:

-          Độ dài của thời kỳ dự đoán;

-          Số lượng của các giả định phức tạp và quan trọng liên quan tới quá trình đánh giá;

-          Mức độ chủ quan cao liên quan tới các giả thiết và các yếu tố được sử dụng trong quá trình đánh giá;

-          Mức độ không chắc chắn liên quan đến các sự kiện xảy ra trong tương lai hoặc kết quả của các sự kiện làm cơ sở cho các giả thiết được sử dụng;

-          Thiếu dữ liệu khách quan khi sử dụng các yếu tố có mức độ chủ quan cao.

36.  Sự hiểu biết của kiểm toán viên về quy trình đánh giá, bao gồm cả tính phức tạp của phương pháp đánh giá, giúp kiểm toán viên xác định nội dung, lịch trình và phạm vi các thủ tục kiểm toán cần thực hiện. Sau đây là những ví dụ về việc xây dựng các thủ tục kiểm toán:

a)      Việc sử dụng thông báo giá như là bằng chứng kiểm toán về việc xác định giá trị hợp lý có thể yêu cầu kiểm toán viên phải tìm hiểu về cơ sở xây dựng thông báo giá đó. Để kiểm tra việc đánh giá đòi hỏi sự hiểu biết về những trường hợp mà bản kê giá được đưa ra. Ví dụ: Đối với các chứng khoán niêm yết được nắm giữ cho mục đích đầu tư, việc xác định giá trị hợp lý theo giá niêm yết trên thị trường có thể cần phải được điều chỉnh theo quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán nếu như số lượng chứng khoán mà đơn vị đang nắm giữ là rất lớn hoặc đang bị hạn chế giao dịch trên thị trường.

b)      Khi sử dụng những bằng chứng do bên thứ ba cung cấp, kiểm toán viên cần xem xét mức độ tin cậy của những bằng chứng đó. Ví dụ, khi bằng chứng được thu thập thông qua việc sử dụng phương pháp xác nhận của bên ngoài, kiểm toán viên cần xem xét năng lực, tính độc lập và thẩm quyền của người được xác nhận, kiến thức của họ về thông tin được xác nhận và tính khách quan của họ để có thể kết luận về độ tin cậy của các bằng chứng đó.

c)      Những bằng chứng kiểm toán hỗ trợ cho việc xác định giá trị hợp lý, ví dụ bản đánh giá của chuyên gia thẩm định giá độc lập, có thể được lập vào ngày không trùng với ngày đơn vị được kiểm toán yêu cầu phải xác định và trình bày các thông tin trong báo cáo tài chính. Trường hợp đó, kiểm toán viên cần thu thập bằng chứng kiểm toán cho thấy Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đã tính đến tác động của các sự kiện, các giao dịch kinh doanh và những thay đổi của các tình huống phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày xác định giá trị hợp lý đến ngày báo cáo.

d)     Một số công cụ nợ phải có tài sản thế chấp và các công cụ nợ này phải được ghi nhận theo giá trị hợp lý hoặc phải đánh giá tổn thất tài sản. Nếu tài sản thế chấp này là một yếu tố quan trọng trong việc xác định giá trị hợp lý hay xác định giá trị ghi sổ của khoản đầu tư, kiểm toán viên cần thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về tính hiện hữu, giá trị, quyền và khả năng chuyển đổi của tài sản thế chấp, bao gồm cả việc cân nhắc xem liệu các hợp đồng thế chấp đã có đủ chưa và xem xét liệu những thuyết minh về tài sản thế chấp đã được thực hiện theo đúng quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán hay không.

e)      Trong một số trường hợp, những thủ tục kiểm toán bổ sung như việc kiểm toán viên kiểm tra thực tế tài sản là cần thiết để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp phù hợp cho việc xác định giá trị hợp lý. Ví dụ, việc kiểm tra thực tế về một bất động sản đầu tư có thể cần thiết để thu thập thông tin về hiện trạng của tài sản liên quan tới giá trị hợp lý của nó, hay việc kiểm tra các chứng khoán đầu tư có thể cho biết những hạn chế trong giao dịch trên thị trường của các chứng khoán này có thể ảnh hưởng tới giá trị của chúng.

Kiểm tra các giả định, phương pháp định giá và dữ liệu quan trọng của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán về giá trị hợp lý

37.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải có hiểu biết về tính đáng tin cậy của quy trình mà Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán sử dụng để xác định giá trị hợp lý. Đây là một nhân tố quan trọng hỗ trợ cho kết quả định giá, do đó nó ảnh hưởng tới nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán. Một quy trình có tính đáng tin cậy để xác định giá trị hợp lý là quy trình cho kết quả, giải trình và trình bày giá trị hợp lý tương đối nhất quán khi được sử dụng trong những hoàn cảnh tương tự. Khi kiểm tra việc xác định và trình bày giá trị hợp lý của đơn vị được kiểm toán, kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải xem xét:

a)      Các giả định mà Ban Giám đốc sử dụng có hợp lý hay không;

b)      Việc xác định giá trị hợp lý có sử dụng phương pháp định giá thích hợp hay không;

c)      Ban Giám đốc đã sử dụng những thông tin liên quan có sẵn phù hợp tại thời điểm xác định giá trị hợp lý hay chưa.

38.  Các kỹ thuật ước tính, các giả định và việc kiểm toán viên xem xét, so sánh các phương pháp xác định giá trị hợp lý đã được sử dụng trong những kỳ kế toán trước với những kết quả được thu thập trong kỳ kế toán hiện tại có thể cung cấp thêm bằng chứng về tính đáng tin cậy của những quy trình định giá của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán. Tuy nhiên, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần cân nhắc những thay đổi có thể có do ảnh hưởng của thay đổi tình hình kinh tế.

39.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần đánh giá liệu các giả định quan trọng mà Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đã sử dụng để xác định giá trị hợp lý (nếu có), bao gồm từng giả định riêng lẻ và toàn bộ các giả định, có cung cấp cơ sở hợp lý cho việc xác định và trình bày giá trị hợp lý trong báo cáo tài chính của đơn vị hay không.

40.  Ban Giám đốc cần phải thiết lập các giả định, bao gồm cả những giả định mà Ban Giám đốc tin tưởng dựa trên tư liệu của chuyên gia, để xác định giá trị hợp lý. Giả định là bộ phận không thể tách rời của các phương pháp định giá phức tạp hơn; Ví dụ, phương pháp định giá có sử dụng kết hợp ước tính các luồng tiền trong tương lai và ước tính giá trị của tài sản và nợ phải trả trong tương lai được chiết khấu về giá trị hiện tại. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải xem xét đến các giả định quan trọng được sử dụng trong phương pháp định giá và đánh giá xem các giả định đó có hợp lý hay không. Để cung cấp cơ sở phù hợp cho việc xác định và trình bày giá trị hợp lý, các giả định cần phải phù hợp, trung thực, chính xác, dễ hiểu và đầy đủ.

41.  Các giả định cụ thể sẽ thay đổi tùy theo đặc điểm của tài sản và nợ phải trả đang được định giá và phương pháp định giá được sử dụng (như: phương pháp chi phí, phương pháp so sánh trực tiếp, hay phương pháp thu nhập). Ví dụ, nếu phương pháp dòng tiền chiết khấu (một dạng của phương pháp thu nhập) được sử dụng để định giá, thì cần phải có giả định về các dòng tiền, thời gian chiết khấu và tỷ lệ chiết khấu.

42.  Các giả định thường được hỗ trợ bằng nhiều loại bằng chứng kiểm toán thu được từ các nguồn trong và ngoài đơn vị, đem lại sự hỗ trợ khách quan cho các giả định được sử dụng. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải đánh giá nguồn và độ tin cậy của các bằng chứng kiểm toán hỗ trợ cho những giả định của Ban Giám đốc, bao gồm việc xem xét các giả định dựa trên các thông tin đã thu thập trong quá khứ, và đánh giá liệu các giả định này có dựa trên những kế hoạch nằm trong khả năng của đơn vị được kiểm toán hay không.

43.  Thủ tục kiểm toán liên quan đến các giả định của Ban Giám đốc được tiến hành trong phạm vi kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán. Do đó, mục đích của các thủ tục kiểm toán không phải là để thu thập bằng chứng kiểm toán để đưa ra ý kiến về bản thân các giả định đó. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải thực hiện các thủ tục để xem xét các giả định có đưa ra cơ sở hợp lý để xác định giá trị hợp lý trong phạm vi kiểm toán tổng thể báo cáo tài chính hay không.

44.  Việc xác định các giả định quan trọng đối với phương pháp xác định giá trị hợp lý đòi hỏi Ban Giám đốc phải sử dụng các đánh giá chủ quan. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải xem xét các giả định quan trọng chứa đựng các vấn đề có ảnh hưởng trọng yếu tới việc xác định giá trị hợp lý và có thể bao gồm những vấn đề sau:

a)      Dễ bị ảnh hưởng do những thay đổi hay sự không chắc chắn về số lượng và bản chất. Ví dụ, những giả định về lãi suất ngắn hạn có thể ít bị ảnh hưởng bởi các biến động lớn so với những giả định về lãi suất dài hạn;

b)      Dễ bị ảnh hưởng do áp dụng sai.

45.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần xem xét mức độ nhạy cảm của việc định giá đối với sự thay đổi của các giả định quan trọng, bao gồm cả những điều kiện thị trường có thể ảnh hưởng tới giá trị. Nếu có thể, kiểm toán viên và công ty kiểm toán nên khuyến khích Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán sử dụng các kỹ thuật như phân tích độ nhạy cảm để có cơ sở xác định các giả định có tính nhạy cảm cao. Nếu Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán chưa sử dụng các kỹ thuật phân tích độ nhạy cảm như đã nêu trên thì kiểm toán viên cần xem xét liệu có nên sử dụng những kỹ thuật đó không. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần phải xem xét liệu các yếu tố không chắc chắn liên quan đến việc xác định giá trị hợp lý hoặc việc thiếu các số liệu khách quan có ảnh hưởng đến việc xác định giá trị hợp lý theo quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán hay không.

46.  Để xem xét liệu các giả định có cung cấp cơ sở hợp lý cho việc xác định giá trị hợp lý hay không, kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải xem xét toàn bộ các giả định và từng giả định riêng rẽ. Các giả định thường phụ thuộc lẫn nhau và vì thế cần thống nhất với nhau. Một giả định nào đó có thể thích hợp khi xem xét riêng rẽ nhưng lại có thể không thích hợp khi được kết hợp với các giả định khác. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần xem xét liệu Ban Giám đốc đã xác định các giả định và nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến phương pháp xác định giá trị hợp lý hay chưa.

47.  Giả định là cơ sở cho việc xác định giá trị hợp lý (Ví dụ, tỷ lệ chiết khấu được sử dụng để tính giá trị hiện tại của các luồng tiền trong tương lai) thường phản ánh mong đợi của Ban Giám đốc về kết quả của các mục tiêu và chiến lược cụ thể của đơn vị. Từng giả định riêng rẽ cũng như toàn bộ các giả định chỉ được coi là phù hợp khi chúng sát thực tế và nhất quán với:

a)      Môi trường kinh tế chung và thực trạng kinh tế của đơn vị được kiểm toán;

b)      Các kế hoạch của đơn vị được kiểm toán;

c)      Giả định đã có của các thời kỳ trước, nếu phù hợp;

d)     Kinh nghiệm và những điều kiện trước đây đơn vị đã thực hiện trong phạm vi phù hợp;

e)      Những vấn đề khác liên quan tới  báo cáo tài chính. Ví dụ, các giả định mà Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán sử dụng trong ước tính kế toán về số liệu trong báo cáo tài chính khác với giả định để xác định và trình bày giá trị hợp lý;

f)       Rủi ro liên quan tới các luồng tiền, bao gồm cả những biến động tiềm ẩn của các luồng tiền và tác động liên quan đến tỷ lệ chiết khấu, nếu có.

Khi các giả định của Ban Giám đốc nêu lên định hướng và khả năng thực hiện các hành động cụ thể, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần xem xét liệu các giả định này có nhất quán với kế hoạch và các kinh nghiệm trước đây của đơn vị được kiểm toán hay không (xem đoạn 22 và 23).

48.  Nếu Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán dựa vào những thông tin tài chính trong quá khứ để xây dựng các giả định, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần xem xét mức độ đầy đủ và tính hợp lý của các thông tin tài chính đó. Tuy nhiên, những thông tin trong quá khứ có thể không mang tính đại diện cho các điều kiện hoặc sự kiện trong tương lai, ví dụ khi Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán có dự định thực hiện những hoạt động mới hoặc khi hoàn cảnh thay đổi không.

49.  Trường hợp Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán sử dụng phương pháp định giá để xác định giá trị hợp lý, kiểm toán viên và công ty kiểm toán không được sử dụng những xét đoán của mình để thay cho những xét đoán của Ban Giám đốc của đơn vị được kiểm toán. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải rà soát lại phương pháp định giá và đánh giá liệu phương pháp đó có thích hợp và các giả định được sử dụng có hợp lý hay không. Ví dụ, áp dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền có thể sẽ không thích hợp để định giá khoản đầu tư vào một doanh nghiệp vừa thành lập nếu hiện tại chưa có doanh thu làm cơ sở cho những dự đoán về các dòng tiền và thu nhập trong tương lai.

50.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần thực hiện các thủ tục kiểm toán đối với các dữ liệu được sử dụng để xác định và trình bày giá trị hợp lý và đánh giá xem giá trị hợp lý này có được xác định một cách đúng đắn trên cơ sở các dữ liệu và các giả định của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán hay không.

51.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần xem xét liệu các dữ liệu được sử dụng cho việc xác định giá trị hợp lý, bao gồm cả dữ liệu mà chuyên gia đã sử dụng có chính xác, đầy đủ và phù hợp hay không, và liệu giá trị hợp lý có được xác định đúng dựa trên việc sử dụng các dữ liệu và giả định của Ban Giám đốc hay không. Ví dụ, thủ tục kiểm toán như kiểm tra nguồn dữ liệu, tính toán lại các dữ liệu, rà soát lại các thông tin để kiểm tra tính nhất quán, và xét xem liệu những thông tin về các vấn đề đó có nhất quán với dự định thực hiện các hoạt động đề cập trong đoạn 22 và 23 của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán.

Xây dựng ước tính giá trị hợp lý độc lập nhằm mục đích đối chứng

52.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán có thể có ước tính giá trị hợp lý một cách độc lập (ví dụ, kiểm toán viên tự xây dựng phương pháp định giá) để so sánh với giá trị hợp lý mà đơn vị được kiểm toán đã xác định. Khi xây dựng ước tính độc lập có sử dụng những giả định của Ban Giám đốc, kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải xem xét các giả định theo quy định trong các đoạn từ 39 - 49. Nếu không sử dụng các giả định của Ban Giám đốc của đơn vị được kiểm toán, kiểm toán viên và công ty kiểm toán có thể dùng những giả định riêng rẽ để có sự so sánh với giá trị hợp lý do Ban Giám đốc xác định. Trường hợp này, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần phải hiểu được những giả định của Ban Giám đốc. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải sử dụng những hiểu biết này để xác định những biến số quan trọng và đánh giá sự khác biệt giữa phương pháp của kiểm toán viên sử dụng so với giả định của Ban Giám đốc. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần kiểm tra những dữ liệu được sử dụng để xác định và trình bày giá trị hợp lý như đã quy định trong đoạn 50 và 51. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán nên xem xét những quy định và hướng dẫn trong Chuẩn mực kiểm toán số 520 “Quy trình phân tích” khi tiến hành các thủ tục trên trong quá trình kiểm toán.

Sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm

53.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần xem xét ảnh hưởng của những sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm đối với việc xác định và trình bày giá trị hợp lý trên báo cáo tài chính.

54.  Các giao dịch và sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm nhưng trước khi kết thúc cuộc kiểm toán có thể cung cấp những bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc xác định giá trị hợp lý của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán. Ví dụ, giao dịch bán tài sản đầu tư ngay sau khi kết thúc kỳ kế toán năm có thể cung cấp bằng chứng kiểm toán liên quan đến việc xác định giá trị hợp lý của tài sản đó.

55.  Tuy nhiên, trong khoảng thời gian sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm, các tình huống có thể thay đổi so với những tình huống đã có trong thời kỳ báo cáo. Thông tin về giá trị hợp lý sau khi kết thúc kỳ kế toán năm có thể phản ánh những sự kiện sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm và không phải là những sự kiện đã có vào ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Ví dụ, sự biến động về giá của các chứng khoán được giao dịch thường xuyên trên thị trường sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm thường không phải là bằng chứng kiểm toán thích hợp về giá trị của các chứng khoán đó vào ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Kiểm toán viên cần tham khảo Chuẩn mực kiểm toán số 560 “Các sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính” khi đánh giá bằng chứng kiểm toán liên quan đến những vấn đề trên.

Trình bày giá trị hợp lý

56.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần đánh giá liệu việc trình bày của đơn vị được kiểm toán về giá trị hợp lý có phù hợp với chuẩn mực, chế độ kế toán hay không.

57.  Trình bày thông tin về giá trị hợp lý là một phần quan trọng của báo cáo tài chính theo quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán. Thông thường, việc trình bày giá trị hợp lý là cần thiết để cung cấp thông tin hữu ích cho người sử dụng báo cáo tài chính để đánh giá tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị. Ngoài những thông tin về giá trị hợp lý phải trình bày theo quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán, các đơn vị được kiểm toán có thể trình bày thêm những thông tin bổ sung về giá trị hợp lý trong Bản Thuyết minh báo cáo tài chính.

58.  Khi kiểm toán việc xác định và trình bày giá trị hợp lý trong Bản Thuyết minh báo cáo tài chính, cho dù được quy định phải trình bày hay tự nguyện trình bày, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần tiến hành các thủ tục kiểm toán tương tự như các thủ tục đã được sử dụng khi kiểm toán việc xác định giá trị hợp lý đã được trình bày trong báo cáo tài chính. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc các nguyên tắc đánh giá là phù hợp với chuẩn mực, chế độ kế toán, đang được áp dụng nhất quán; các phương pháp ước lượng và những giả định quan trọng được trình bày rõ ràng, đầy đủ trong báo cáo tài chính của đơn vị. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cũng phải xem xét liệu một số thông tin tự nguyện trình bày có phù hợp với hoàn cảnh của báo cáo tài chính hay không. Ví dụ, Ban Giám đốc có thể trình bày giá bán hiện tại của một tài sản mà không đề cập đến các điều khoản quan trọng trong hợp đồng có thể hạn chế số lượng hàng bán trong tương lai gần.

59.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải đánh giá, liệu đơn vị có trình bày những thông tin về giá trị hợp lý phù hợp với quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán hay không. Nếu một khoản mục chứa đựng nhiều yếu tố không chắc chắn, kiểm toán viên cần xem xét liệu các thông tin đã trình bày có đủ để thông báo cho người sử dụng báo cáo tài chính về sự không chắc chắn này hay không. Ví dụ, khi Ban Giám đốc cho rằng việc trình bày một giá trị cụ thể là không thích hợp, kiểm toán viên cần xem xét liệu việc trình bày về các giá trị, và những giả định được sử dụng để xác định các giá trị hợp lý đó có phù hợp với chuẩn mực, chế độ kế toán hay không. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần xem xét liệu đơn vị có tuân theo đúng những quy định về kế toán và trình bày của chuẩn mực, chế độ khi có những thay đổi về phương pháp định giá được sử dụng để xác định giá trị hợp lý hay không.

60.  Khi không thể trình bày thông tin về giá trị hợp lý theo quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán vì không thể xác định được giá trị hợp lý một cách đáng tin cậy thì kiểm toán viên cần đánh giá xem đơn vị được kiểm toán đã thuyết minh đầy đủ trên báo cáo tài chính các nội dung theo quy định hay chưa. Nếu đơn vị không trình bày đầy đủ, rõ ràng thông tin về giá trị hợp lý theo quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán, kiểm toán viên cần xem xét việc không tuân thủ đó có dẫn đến sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính hay không.

Đánh giá kết quả của các thủ tục kiểm toán

61.  Khi đưa ra đánh giá cuối cùng về việc xác định và trình bày giá trị hợp lý trên báo cáo tài chính có phù hợp với quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán hay không, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần đánh giá sự đầy đủ và tính thích hợp của các bằng chứng kiểm toán đã thu thập cũng như sự nhất quán của các bằng chứng đó với các bằng chứng khác đã thu thập và đánh giá trong quá trình kiểm toán.

62.  Khi đánh giá về việc xác định và trình bày giá trị hợp lý trong báo cáo tài chính có phù hợp với quy định của chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán hay không, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần đánh giá sự nhất quán của các thông tin và các bằng chứng kiểm toán được thu thập trong quá trình kiểm toán, cách tính giá trị hợp lý với những bằng chứng kiểm toán khác thu thập được trong thời gian kiểm toán, khi xem xét tổng thể báo cáo tài chính. Ví dụ, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần xem xét liệu có mối liên hệ hoặc tương quan giữa các mức lãi suất được sử dụng để chiết khấu các luồng tiền tương lai khi xác định giá trị hợp lý của một tài sản đầu tư với các mức lãi suất vay vốn thực tế mà đơn vị phải chi trả cho tài sản đầu tư đó.

Giải trình của Ban Giám đốc

63.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần thu thập các giải trình bằng văn bản của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán về tính thích hợp của những giả định quan trọng, liệu các giả định đó có phản ánh đúng định hướng và khả năng thực hiện những hành động cụ thể của Ban Giám đốc với danh nghĩa đại diện cho đơn vị có liên quan đến cách tính và trình bày giá trị hợp lý.

64.  Chuẩn mực kiểm toán số 580 “Giải trình của Giám đốc” quy định các nội dung phải sử dụng những giải trình của Ban Giám đốc như là những bằng chứng kiểm toán. Tuỳ thuộc vào bản chất, tính trọng yếu và tính phức tạp của các giá trị hợp lý, giải trình của Ban Giám đốc về việc xác định và trình bày giá trị hợp lý trên báo cáo tài chính có thể bao gồm những giải trình sau:

a)      Sự thích hợp của các phương pháp tính toán, bao gồm cả những giả định liên quan, được Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán sử dụng để xác định giá trị hợp lý khi lập và trình bày báo cáo tài chính theo quy định, và sự nhất quán trong việc áp dụng các phương pháp đó;

b)      Những cơ sở mà Ban Giám đốc sử dụng để giải quyết những giả định ban đầu liên quan tới việc sử dụng giá trị hợp lý theo quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán;

c)      Tính đầy đủ và thích hợp của những trình bày có liên quan tới giá trị hợp lý  theo quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán;

d)     Liệu những sự kiện sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm có dẫn đến việc phải sửa đổi cách xác định và trình bày giá trị hợp lý trên báo cáo tài chính hay không.

      Thông báo với những người có thẩm quyền

65.  Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải thông báo những vấn đề kiểm toán có liên quan tới quản lý cho người có thẩm quyền. Do cách tính giá trị hợp lý thường đi kèm với nhiều sự không chắc chắn nên có tác động tiềm ẩn của những sai sót trọng yếu trên báo cáo tài chính là điều quan tâm của nhà quản lý. Chẳng hạn, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần phải thông báo tất cả các khía cạnh, bao gồm bản chất của các giả thuyết quan trọng sử dụng trong phương pháp xác định giá trị hợp lý, mức độ khách quan của việc xây dựng các giả thuyết đó và giá trị tương đối của các đối tượng được định giá hợp lý trên báo cáo tài chính.

 

THE MINISTRY OF FINANCE
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No. 101/2005/QD-BTC

Hanoi, December 29, 2005

 

DECISION

ON THE ISSUANCE AND PUBLICATION OF FOUR VIETNAMESE STANDARDS ON AUDITING (BATCH 7)

THE MINISTER OF FINANCE

- Pursuant to Governmental Decree No. 77/2003/ND-CP dated July 1, 2003 on the functions, jurisdictions and organization of the Ministry of Finance;
- Pursuant to Government Decree No. 105/2004/CP dated March 30, 2004 on independent auditing;
Upon the proposal of the Director of the Accounting and Auditing Policy Department and Chief of the Ministry Office,

DECIDES:

Article 1. To issue four (04) Vietnamese Standards on Auditing (Batch 7) with the codes and titles specified:

1. Standard 260 - Communications of Audit Matters with Those Charged with Governance;

2. Standard 330 - The Auditor’s Procedures in Response to Assessed Risks;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Standard 545 - Auditing fair values measurements and disclosures.

Article 2: The Vietnamese Standards on Auditing issued following this decision shall be applicable to independent audits of financial statements and final accounts of investment. The independent audit of other financial information and related services rendered by audit firms shall be performed in accordance with the provisions of individual standards.

Article 3. This Decision shall come into effect 15 days after it is published in the Gazette.

Article 4. Auditors and audit firms licensed for audit practice in Vietnam are required to apply these Vietnamese standards on auditing in their operations.

The Director of the Accounting and Auditing Policy Department, the Ministry Office Chief, and heads of relevant affiliate and subsidiary units of the Ministry of Finance shall be responsible for guiding and overseeing the carrying out of this Decision./.

 

 

FOR THE MINISTER OF FINANCE
DEPUTY MINISTER




Tran Van Ta

VIETNAMESE STANDARDS ON AUDITING
STANDARD 260

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



GENERAL

01. The purpose of this Vietnamese Standard on Auditing (VSA) is to establish standards and provide guidance on communication of audit matters arising from the audit of financial statements between the auditor and the audit firm and those charged with governance of an entity.

02. The auditor and the audit firm should communicate audit matters of governance interest arising from the audit of financial statements with those charged with governance of an entity.

03. This VAS applies to communications of audit matters between the auditor and the audit firm and those charged with governance.

This VAS does not specify how the auditor communicates with those outside the audited entity.

The auditor and the audit firm should comply with this VSA in conducting an audit of financial statements and rendering related services.

It is expected that the audited (client) entity and users of the audit report should possess essential knowledge as to the objective and general principles set out in this VSA in working with the auditor and the audit firm and dealing with the relations maintained during the audit.

In this VSA, the following terms have the meaning attributed below:

04. Management refers to persons entrusted with the supervision, control and direction of an entity and the decison making for its operation and development, consisting of members of the Board of Management, Board of Directors and Control Committee and those charged with managing business areas.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Those charged with governance ordinarily are accountable for ensuring that the entity achieves its objectives, supervising the operations and reporting to interested parties.

06. Audit matters of governance interest are those that arise from the audit of financial statements and, in the opinion of the auditor and the audit firm, are both important and relevant to those charged with governance in overseeing the financial reporting and disclosure process.

The auditor is not required to identify and report to management of the entity all matters of governance interest.

CONTENTS OF THE VSA

07. The auditor and the audit firm should determine the relevant persons who are charged with governance and with whom significant matters, including audit matters of governance interest, are communicated.

08. The auditor should determine the structure and principles of governance of each entity, such as the overseeing function (Control Committee) and executing function of the Board of Directors and the Board of Management.

09. The auditor should identify the persons who are charged with governance and whom the auditor communicates audit matters of governance interest.

10. When the entity’s governance structure is not well defined, or those charged with governance are not clearly identified, the auditor comes to an agreement with the entity about with whom audit matters of governance interest are to be communicated.

11. To avoid misunderstandings, an audit engagement letter may explain that the auditor will communicate only those matters of governance interest that come to attention as a result of the performance of an audit and that the auditor is not required to design audit procedures for the specific purpose of identifying matters of governance interest.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Identify the relevant persons with whom such communications will be made; and

- Identify any specific audit matters of governance interest to be communicated.

12. The effectiveness of communications is enhanced by developing a constructive working relationship between the auditor and those charged with governance. This relationship is developed while maintaining an attitude of professional independence and objectivity.

Audit Matters of Governance Interest to be Communicated

13. The auditor should consider significant matters, including audit matters of governance interest that arise from the audit of the financial statements and communicate them with those charged with governance. Ordinarily such matters include the following:

a) The general approach and overall scope of the audit, including any expected limitations thereon, or any additional requirements;

b) The selection of, or changes in, significant accounting policies and practices that have, or could have, a material effect on the entity’s financial statements;

c)The potential effect on the financial statements of any material risks and exposures, such as pending litigation, that are required to be disclosed in the financial statements;

d) Audit adjustments, whether or not recorded by the entity that have, or could have, a material effect on the entity’s financial statements;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f) Disagreements with management about matters that, individually or in aggregate, could be significant to the entity’s financial statements or the auditor’s report;

g) Expected modifications to the auditor’s report;

h) Other matters warranting attention by those charged with governance, such as material weaknesses in internal control, questions regarding management integrity, and fraud involving management; and

i) Any other matters agreed upon in the terms of the audit engagement.

14. As part of the auditor’s communications, those charged with governance are informed of the following signifcant matters:

a) The auditor’s communications of the audit results; and

b) The fact that an audit of financial statements is not designed to identify all matters that may be relevant to those charged with governance. Accordingly, the auditor and the audit firm do not ordinarily identify all such matters.

Timing of Communications

15. The auditor should communicate significant matters, including audit matters of governance interest, on a timely basis. This enables those charged with governance to take appropriate and prompt action.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Forms of Communications

17. The auditor’s communications with those charged with governance may be made orally or in writing. The auditor and the audit firm’s decision whether to communicate orally or in writing is affected by factors such as the following:

a) The size, operating structure, legal structure, and communications processes of the entity being audited;

b) The nature, sensitivity and significance of the audit matters of governance interest to be communicated;

c)The arrangements made with respect to periodic meetings or reporting of audit matters of governance interest; and

d) The amount of on-going contact and dialogue the auditor has with those charged with governance.

18. When audit matters of governance interest are communicated orally, the auditor documents in the working papers the matters communicated and any responses to those matters. This documentation may take the form of a copy of the minutes of the auditor’s discussion with those charged with governance. In certain circumstances, depending on the nature, sensitivity, and significance of the matter, it may be advisable for the auditor and the audit firm to confirm in writing with those charged with governance any oral communications on audit matters of governance interest.

19. Ordinarily, the auditor initially discusses audit matters of governance interest with management, except where those matters relate to questions of management competence or integrity. These initial discussions with management enable the auditor to gather further information from the audit. If management agrees to communicate a matter of governance interest with those charged with governance, the auditor may not need to repeat the communications, provided that the auditor is satisfied that such communications have effectively and appropriately been made.

When the auditor is satisfied with information obtained after communicating with management of the entity, the auditor is not required to discuss the information with any others of those charged with governance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



20. If the auditor considers that a modification of the auditor’s report on the financial statements is required, as described in VSA 700 The Auditor’s Report on Financial Statements communications between the auditor and those charged with governance cannot be regarded as a substitute.

21. The auditor and the audit firm consider whether audit matters of governance interest previously communicated may have an effect on the current year’s financial statements. The auditor considers whether the point continues to be a matter of governance interest and whether to communicate the matter again with those charged with governance.

Confidentiality

22. When legal documents provide regulations on confidentiality that restrict communication of audit matters of governance interest arising from the audit of financial statements, the auditor and the audit firm refer to such regulations before communicating with those charged with governance. In some circumstances, the potential conflicts with the auditor’s ethical and legal obligations, the auditor may wish to consult with legal counsel.

Laws and Regulations

23. When the requirements of legal documents impose obligations on the auditor and the audit firm to make communications on governance related matters that are not covered by this VSA, the auditor and the audit firm should comply with these requirements.

 

 THE AUDITOR’S PROCEDURES IN RESPONSE TO ASSESSED RISKS
(Issued in pursuance of the Minister of Finance Decision No. 101/2005/QD-BTC dated 29 December 2005)

GENERAL

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



02. The auditor and the audit firm should obtain an understanding of the entity and its environment, including its internal control, sufficient to identify and assess the risks of material misstatement of the financial statements whether due to fraud or error, and sufficient to design and perform further audit procedures.

03. This VAS applies to audits of financial statements and also applies to audits of other financial information, and related services rendered by the audit firm.

The auditor and the audit firm should comply with this VSA in conducting an audit of financial statements.

It is expected that the audited (client) entity and users of the audit report should possess essential knowledge as to the objective and general principles set out in this VSA in working with the auditor and the audit firm and dealing with relations relevant to audited information.

04. The following is an overview of the requirements of this standard:

Overall responses: This section requires the auditor and the audit firm to determine overall responses to address risks of material misstatement at the financial statement level and provides guidance on the nature of those responses.

Audit procedures responsive to risks of material misstatement at the assertion level: This section requires the auditor to design and perform further audit procedures, including tests of the operating effectiveness of controls, when relevant or required, and substantive procedures, whose nature, timing, and extent are responsive to the assessed risks of material misstatement at the assertion level. In addition, this section includes matters the auditor and the audit firm consider in determining the nature, timing, and extent of such audit procedures.

Evaluating the sufficiency and appropriateness of audit evidence obtained: This section requires the auditor to evaluate whether the risk assessment remains appropriate and to conclude whether sufficient appropriate audit evidence has been obtained.

Documentation: This section requires that the contents and documents in the audit documentation contain information relevant to assessed risk.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



CONTENTS OF THE VSA

Overall Responses

06 The auditor should determine overall responses to address the risks of material misstatement at the financial statement level. Such responses may include emphasizing to the audit team the need to maintain professional skepticism in gathering and evaluating audit evidence, assigning more experienced staff or those with special skills or using experts, providing more supervision, or incorporating additional elements of unpredictability in the selection of further audit procedures to be performed. Additionally, the auditor and the audit firm may make general changes to the nature, timing, or extent of audit procedures as an overall response, for example, performing substantive procedures at period end instead of at an interim date.

07. The assessment of the risks of material misstatement at the financial statement level is affected by the auditor’s understanding of the control environment. An effective control environment may allow the auditor to have more confidence in internal control and the reliability of audit evidence generated internally within the entity and thus, for example, allow the auditor to conduct some audit procedures at an interim date rather than at period end. If there are weaknesses in the control environment, the auditor ordinarily conducts more audit procedures as of the period end rather than at an interim date, seeks more extensive audit evidence from substantive procedures, modifies the nature of audit procedures to obtain more persuasive audit evidence, or increases the number of locations to be included in the audit scope.

08. Such considerations, therefore, have a significant bearing on the auditor’s general approach, for example, an emphasis on substantive procedures (substantive approach), or an approach that uses tests of controls as well as substantive procedures (combined approach).

Audit Procedures Responsive to Risks of Material Misstatement at the Assertion Level

09. The auditor and the audit firm should design and perform further audit procedures whose nature, timing, and extent are responsive to the assessed risks of material misstatement at the assertion level. The purpose is to provide a clear linkage between the nature, timing, and extent of the auditor’s further audit procedures and the risk assessment. In designing further audit procedures, the auditor and the audit firm consider such matters as the following:

a) The significance of the risk;

b) The likelihood that a material misstatement will occur;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d) The nature of the specific controls used by the entity and in particular whether they are manual or automated; and

e) Whether the auditor expects to obtain audit evidence to determine if the entity’s controls are effective in preventing, or detecting and correcting, material misstatements.

10. The auditor’s assessment of the identified risks at the assertion level provides a basis for considering the appropriate audit approach for designing and performing further audit procedures. In some cases, the auditor may determine that only by performing tests of controls may the auditor achieve an effective response to the assessed risk of material misstatement for a particular assertion. In other cases, the auditor may determine that performing only substantive procedures is appropriate for specific assertions and, therefore, the auditor excludes the effect of controls from the relevant risk assessment. This may be because the auditor’s risk assessment procedures have not identified any effective controls relevant to the assertion, or because testing the operating effectiveness of controls would be inefficient. However, the auditor needs to be satisfied that performing only substantive procedures for the relevant assertion would be effective in reducing the risk of material misstatement to an acceptably low level. Often the auditor may determine that a combined approach using both tests of the operating effectiveness of controls and substantive procedures is an effective approach. Irrespective of the approach selected, the auditor designs and performs substantive procedures for each material class of transactions, account balance, and disclosure as required by paragraph 51.

11. In the case of very small entities, there may not be many control activities that could be identified by the auditor. For this reason, the auditor’s further audit procedures are likely to be primarily substantive procedures. In such cases, in addition to the matters referred to in paragraph 10 above, the auditor and the audit firm consider whether in the absence of controls it is possible to obtain sufficient appropriate audit evidence.

Considering the Nature, Timing, and Extent of Further Audit Procedures

Nature

12. The nature of further audit procedures refers to their purpose (tests of controls or substantive procedures) and their type, that is, inspection, observation, inquiry, confirmation, recalculation, reperformance, or analytical procedures. Certain audit procedures may be more appropriate for some assertions than others. For example, in relation to revenue, tests of controls may be most responsive to the assessed risk of misstatement of the completeness assertion, whereas substantive procedures may be most responsive to the assessed risk of misstatement of the occurrence assertion.

13. The auditor’s selection of audit procedures is based on the assessment of risk. The higher the auditor’s assessment of risk, the more reliable and relevant is the audit evidence sought by the auditor from substantive procedures. This may affect both the types of audit procedures to be performed and their combination. For example, the auditor may confirm the completeness of the terms of a contract with a third party, in addition to inspecting the document.

14. In determining the audit procedures to be performed, the auditor considers the reasons for the assessment of the risk of material misstatement at the assertion level for each class of transactions, account balance, and disclosure. This includes considering both the particular characteristics of each class of transactions, account balance, or disclosure (i.e., the inherent risks) and whether the auditor’s risk assessment takes account of the entity’s controls (i.e., the control risk). For example, if the auditor considers that there is a lower risk that a material misstatement may occur because of the particular characteristics of a class of transactions without consideration of the related controls, the auditor may determine that substantive analytical procedures alone may provide sufficient appropriate audit evidence. On the other hand, if the auditor expects that there is a lower risk that a material misstatement may arise because an entity has effective controls and the auditor intends to design substantive procedures based on the effective operation of those controls, then the auditor performs tests of controls to obtain audit evidence about their operating effectiveness. This may be the case, for example, for a class of transactions of reasonably uniform, non-complex characteristics that are routinely processed and controlled by the entity’s information system.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Timing

16. Timing refers to when audit procedures are performed or the period or date to which the audit evidence applies.

17. The auditor may perform tests of controls or substantive procedures at an interim date or at period end. The higher the risk of material misstatement, the more likely it is that the auditor may decide it is more effective to perform substantive procedures nearer to, or at, the period end rather than at an earlier date, or to perform audit procedures unannounced or at unpredictable times (for example, performing audit procedures at selected locations on an unannounced basis). On the other hand, performing audit procedures before the period end may assist the auditor in identifying significant matters at an early stage of the audit, and consequently resolving them with the assistance of management or developing an effective audit approach to address such matters. If the auditor performs tests of controls or substantive procedures prior to period end, the auditor considers the additional evidence required for the remaining period (see paragraphs 39-40 and 58-63).

18. In considering when to perform audit procedures, the auditor also considers such matters as the following:

a) The control environment;

b) When relevant information is available (for example, procedures to be observed may occur only at certain times);

c) The nature of the risk (for example, if there is a risk of inflated revenues to meet earnings expectations by subsequent creation of false sales agreements, the auditor may wish to examine contracts available on the date of the period end); and

d) The period or date to which the audit evidence relates.

19. Certain audit procedures can be performed only at or after period end, for example, agreeing the financial statements to the accounting records and examining adjustments made during the course of preparing the financial statements. If there is a risk that the entity may have entered into improper sales contracts or transactions may not have been finalized at period end, the auditor performs procedures to respond to that specific risk. For example, when transactions are individually material or an error in cutoff may lead to a material misstatement, the auditor ordinarily inspects transactions near the period end.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



20. Extent includes the quantity of a specific audit procedure to be performed, for example, a sample size or the number of observations of a control activity.

The extent of an audit procedure is determined by the judgment of the auditor after considering the materiality, the assessed risk, and the degree of assurance the auditor plans to obtain. In particular, the auditor ordinarily increases the extent of audit procedures as the risk of material misstatement increases. However, increasing the extent of an audit procedure is effective only if the audit procedure itself is relevant to the specific risk; therefore, the nature of the audit procedure is the most important consideration.

21. The use of computer-assisted audit techniques (CAATs) may enable more extensive testing of electronic transactions and account files. Such techniques can be used to select sample transactions from key electronic files, to sort transactions with specific characteristics, or to test an entire population instead of a sample.

22. Valid conclusions may ordinarily be drawn using sampling approaches. However, if the quantity of selections made from a population is too small, the sampling approach selected is not appropriate to achieve the specific audit objective, or if exceptions are not appropriately followed up, there will be an unacceptable risk that the auditor’s conclusion based on a sample may be different from the conclusion reached if the entire population was subjected to the same audit procedure. VSA 530 Audit Sampling and Other Selective Testing Procedures contains guidance on the use of sampling.

23. This VSA regards the use of different audit procedures in combination as an aspect of the nature of testing as discussed above. However, the auditor considers whether the extent of testing is appropriate when performing different audit procedures in combination.

Tests of Controls

24. The auditor is required to perform tests of controls when the auditor’s risk assessment includes an expectation of the operating effectiveness of controls or when substantive procedures alone do not provide sufficient appropriate audit evidence at the assertion level.

25. The auditor’s assessment of risks of material misstatement at the assertion level includes an expectation that controls are operating effectively, the auditor and the audit firm should perform tests of controls to obtain sufficient appropriate audit evidence that the controls were operating effectively at relevant times during the period under audit. Paragraphs 41-46 below discuss the use of audit evidence about the operating effectiveness of controls obtained in prior audits.

26. Auditor’s assessment of risk of material misstatement at the assertion level may include an expectation of the operating effectiveness of controls, in which case the auditor performs tests of controls to obtain audit evidence as to their operating effectiveness. Tests of the operating effectiveness of controls are performed only on those controls that the auditor has determined are suitably designed to prevent, or detect and correct, a material misstatement in an assertion.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



28. Testing the operating effectiveness of controls is different from obtaining audit evidence that controls have been implemented. When obtaining audit evidence of implementation by performing risk assessment procedures, the auditor determines that the relevant controls exist and that the entity is using them. When performing tests of the operating effectiveness of controls, the auditor obtains audit evidence that controls operate effectively during the period. This includes obtaining audit evidence about how controls were applied at relevant times during the period under audit, the consistency with which they were applied, and by whom or by what means they were applied. If substantially different controls were used at different times during the period under audit, the auditor considers each separately. The auditor may determine that testing the operating effectiveness of controls at the same time as evaluating their design and obtaining audit evidence of their implementation is efficient.

29. Although some risk assessment procedures that the auditor performs to evaluate the design of controls and to determine that they have been implemented may not have been specifically designed as tests of controls, they may nevertheless provide audit evidence about the operating effectiveness of the controls and, consequently, serve as tests of controls. For example, the auditor may have made inquiries about management’s use of budgets, observed management’s comparison of monthly budgeted and actual expenses, and inspected reports pertaining to the investigation of variances between budgeted and actual amounts. These audit procedures provide knowledge about the design of the entity’s budgeting policies and whether they have been implemented, and may also provide audit evidence about the effectiveness of the operation of budgeting policies in preventing or detecting material misstatements in the classification of expenses. In such circumstances, the auditor considers whether the audit evidence provided by those audit procedures is sufficient.

Nature of Tests of Controls

30. The auditor selects audit procedures to obtain assurance about the operating effectiveness of controls. As the planned level of assurance increases, the auditor seeks more reliable audit evidence. In circumstances when the auditor adopts an approach consisting primarily of tests of controls, in particular related to those risks where it is not possible or practicable to obtain sufficient appropriate audit evidence only from substantive procedures, the auditor ordinarily performs tests of controls to obtain a higher level of assurance about their operating effectiveness.

31. The auditor should perform other audit procedures in combination with inquiry to test the operating effectiveness of controls. Although different from obtaining an understanding of the design and implementation of controls, tests of the operating effectiveness of controls ordinarily include the same types of audit procedures used to evaluate the design and implementation of controls, and may also include reperformance of the application of the control by the auditor. Since inquiry alone is not sufficient, the auditor uses a combination of audit procedures to obtain sufficient appropriate audit evidence regarding the operating effectiveness of controls. Those controls subject to testing by performing inquiry combined with inspection or reperformance ordinarily provide more assurance than those controls for which the audit evidence consists solely of inquiry and observation. For example, an auditor may inquire about and observe the entity’s procedures for opening the mail and processing cash receipts to test the operating effectiveness of controls over cash receipts. Because an observation is pertinent only at the point in time at which it is made, the auditor ordinarily supplements the observation with inquiries of entity personnel, and may also inspect documentation about the operation of such controls at other times during the audit period in order to obtain sufficient appropriate audit evidence.

32. The nature of the particular control influences the type of audit procedure required to obtain audit evidence about whether the control was operating effectively at relevant times during the period under audit. For some controls, operating effectiveness is evidenced by documentation. In such circumstances, the auditor may decide to inspect the documentation to obtain audit evidence about operating effectiveness. For other controls, however, documentation of control effectiveness may not be available or relevant. For example, documentation of operation may not exist for some factors in the control environment, such as assignment of authority and responsibility, or for some types of control activities, such as control activities performed by a computer. In such circumstances, audit evidence about operating effectiveness may be obtained through inquiry in combination with other audit procedures such as observation or the use of CAATs.

33. In designing tests of controls, the auditor considers the need to obtain audit evidence supporting the effective operation of controls directly related to the assertions as well as other indirect controls on which these controls depend. For example, the auditor may identify a user review of an exception report of notes receivable over a customer’s authorized credit limit as a direct control related to an assertion. In such cases, the auditor considers the effectiveness of the user review of the report and also the controls related to the accuracy of the information in the report.

34. In the case of an automated application control, because of the inherent consistency of IT processing, audit evidence about the implementation of the control at the time of assessment, when considered in combination with audit evidence obtained regarding the operating effectiveness of the entity’s general controls may provide substantial audit evidence about its operating effectiveness during the relevant period.

35. When responding to the risk assessment, the auditor may design a test of controls to be performed concurrently with a test of details on the same transaction. The objective of tests of controls is to evaluate whether a control operated effectively. The objective of tests of details is to detect material misstatements at the assertion level. Although these objectives are different, both may be accomplished concurrently through performance of a test of controls and a test of details on the same transaction, also known as a dual-purpose test. For example, the auditor may examine an invoice to determine whether it has been approved and to provide substantive audit evidence of a transaction. The auditor carefully considers the design and evaluation of such tests to accomplish both objectives.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Timing of Tests of Controls

37. The timing of tests of controls depends on the auditor’s objective and determines the period of reliance on those controls. If the auditor tests controls at a particular time, the auditor only obtains audit evidence that the controls operated effectively at that time. However, if the auditor tests controls throughout a period, the auditor obtains audit evidence of the effectiveness of the operation of the controls during that period.

38. Audit evidence pertaining only to a point in time may be sufficient for the auditor’s purpose, for example, when testing controls over the entity’s physical inventory counting at the period end. If, on the other hand, the auditor requires audit evidence of the effectiveness of a control over a period, audit evidence pertaining only to a point in time may be insufficient and the auditor supplements those tests with other tests of controls that are capable of providing audit evidence that the control operated effectively at relevant times during the period under audit. Such other tests may consist of tests of the entity’s monitoring of controls.

39. When the auditor obtains audit evidence about the operating effectiveness of controls during an interim period, the auditor should determine what additional audit evidence should be obtained for the remaining period. In making that determination, the auditor considers the significance of the assessed risks of material misstatement at the assertion level, the specific controls that were tested during the interim period, the degree to which audit evidence about the operating effectiveness of those controls was obtained, the length of the remaining period, the extent to which the auditor intends to reduce further substantive procedures based on the reliance of controls, and the control environment. The auditor obtains audit evidence about the nature and extent of any significant changes in internal control, including changes in the information system, processes, and personnel that occur subsequent to the interim period.

40. Additional audit evidence may be obtained, for example, by extending the testing of the operating effectiveness of controls over the remaining period or testing the entity’s monitoring of controls.

41. If the auditor plans to use audit evidence about the operating effectiveness of controls obtained in prior audits, the auditor should obtain audit evidence about whether changes in those specific controls have occurred subsequent to the prior audit. The auditor should obtain audit evidence about whether such changes have occurred by performing inquiry in combination with observation or inspection to confirm the understanding of those specific controls. VSA 500 Audit Evidence states that the auditor performs audit procedures to establish the continuing relevance of audit evidence obtained in prior periods when the auditor plans to use the audit evidence in the current period. For example, in performing the prior audit, the auditor may have determined that an automated control was functioning as intended. The auditor obtains audit evidence to determine whether changes to the automated control have been made that affect its continued effective functioning, for example, through inquiries of management and the inspection of logs to indicate what controls have been changed. Consideration of audit evidence about these changes may support either increasing or decreasing the expected audit evidence to be obtained in the current period about the operating effectiveness of the controls.

42. If the auditor plans to rely on controls that have changed since they were last tested, the auditor should test the operating effectiveness of such controls in the current audit. Changes may affect the relevance of the audit evidence obtained in prior periods such that there may no longer be a basis for continued reliance. For example, changes in a system that enable an entity to receive a new report from the system probably do not affect the relevance of prior period audit evidence; however, a change that causes data to be accumulated or calculated differently does affect it.

43. If the auditor plans to rely on controls that have not changed since they were last tested, the auditor should test the operating effectiveness of such controls at least once in every third audit. As indicated in paragraphs 42 and 46, the auditor may not rely on audit evidence about the operating effectiveness of controls obtained in prior audits for controls that have changed since they were last tested or controls that mitigate a significant risk. The auditor’s decision on whether to rely on audit evidence obtained in prior audits for other controls is a matter of professional judgment. In addition, the length of time period between retesting such controls is also a matter of professional judgment, but cannot exceed two years.

44. In considering whether it is appropriate to use audit evidence about the operating effectiveness of controls obtained in prior audits, and, if so, the length of the time period that may elapse before retesting a control, the auditor considers the following:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) The risks arising from the characteristics of the control, including whether controls are manual or automated.

c) The effectiveness of general IT-controls.

d) The effectiveness of the control and its application by the entity, including the nature and extent of deviations in the application of the control from tests of operating effectiveness in prior audits.

e) The risk of material misstatement and the extent of reliance on the control. The higher the risk of material misstatement, or the greater the reliance on controls, the shorter the time period elapsed, if any, is likely to be. Factors that ordinarily decrease the period for retesting a control, or result in not relying on audit evidence obtained in prior audits at all, include the following:

- A weak control environment;

- Weak monitoring of controls;

- A significant manual element to the relevant controls;

- Personnel changes that significantly affect the application of the control;

- Changing circumstances that indicate the need for changes in the control; and Weak general IT-controls.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



46. When the auditor has determined that an assessed risk of material misstatement at the assertion level is a significant risk and the auditor plans to rely on the operating effectiveness of controls intended to mitigate that significant risk, the auditor should obtain the audit evidence about the operating effectiveness of those controls from tests of controls performed in the current period. The greater the risk of material misstatement, the more audit evidence the auditor obtains that relevant controls are operating effectively. Accordingly, although the auditor often considers information obtained in prior audits in designing tests of controls to mitigate a significant risk, the auditor does not rely on audit evidence obtained in a prior audit about the operating effectiveness of controls over such risks, but instead obtains the audit evidence about the operating effectiveness of controls over such risks in the current period.

Extent of Tests of Controls

47. The auditor designs tests of controls to obtain sufficient appropriate audit evidence that the controls operated effectively throughout the period of reliance. Matters the auditor may consider in determining the extent of the auditor’s tests of controls include the following:

a) The frequency of the performance of the control by the entity during the period;

b) The length of time during the audit period that the auditor is relying on the operating effectiveness of the control;

c) The relevance and reliability of the audit evidence to be obtained in supporting that the control prevents, or detects and corrects, material misstatements at the assertion level;

d) The extent to which audit evidence is obtained from tests of other controls related to the assertion;

e) The extent to which the auditor plans to rely on the operating effectiveness of the control in the assessment of risk (and thereby reduce substantive procedures based on the reliance of such control); and

f) The expected deviation from the control.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



49. Because of the inherent consistency of IT processing, the auditor may not need to increase the extent of testing of an automated control. An automated control should function consistently unless the program is changed. Once the auditor determines that an automated control is functioning as intended (which could be done at the time the control is initially implemented or at some other date), the auditor considers performing tests to determine that the control continues to function effectively. Such tests might include determining that changes to the program are not made without being subject to the appropriate program change controls.

Substantive Procedures

50. Substantive procedures are performed in order to detect material misstatements at the assertion level, and include tests of details of classes of transactions, account balances, and disclosures and substantive analytical procedures. The auditor plans and performs substantive procedures to be responsive to the related assessment of the risk of material misstatement.

51. Irrespective of the assessed risk of material misstatement, the auditor should design and perform substantive procedures for each material class of transactions, account balance, and disclosure. This requirement reflects the fact that the auditor’s assessment of risk is judgmental and may not be sufficiently precise to identify all risks of material misstatement. Further, there are inherent limitations to internal control including management override. Accordingly, while the auditor may determine that the risk of material misstatement may be reduced to an acceptably low level by performing only tests of controls for a particular assertion related to a class of transactions, account balance or disclosure (see paragraph 10), the auditor always performs substantive procedures for each material class of transactions, account balance, and disclosure.

52. The auditor’s substantive procedures should include the following audit procedures related to the financial statement closing process:

a) Agreeing the financial statements to the underlying accounting records; and

b) Examining material journal entries and other adjustments made during the course of preparing the financial statements.

The nature and extent of the auditor’s examination of journal entries and other adjustments depends on the nature and complexity of the entity’s financial reporting process and the associated risks of material misstatement.

53. When the auditor has determined that an assessed risk of material misstatement at the assertion level is a significant risk, the auditor should perform substantive procedures that are specifically responsive to that risk. For example, if the auditor identifies that management is under pressure to meet earnings expectations, there may be a risk that management is inflating sales by improperly recognizing revenue related to sales agreements with terms that preclude revenue recognition or by invoicing sales before shipment. In these circumstances, the auditor may, for example, design external confirmations not only to confirm outstanding amounts, but also to confirm the details of the sales agreements, including date, any rights of return and delivery terms. In addition, the auditor may find it effective to supplement such external confirmations with inquiries of non-financial personnel in the entity regarding any changes in sales agreements and delivery terms.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Nature of Substantive Procedures

55. Substantive analytical procedures are generally more applicable to large volumes of transactions that tend to be predictable over time. Tests of details are ordinarily more appropriate to obtain audit evidence regarding certain assertions about account balances, including existence and valuation. In some situations, the auditor may determine that performing only substantive analytical procedures may be sufficient to reduce the risk of material misstatement to an acceptably low level. For example, the auditor may determine that performing only substantive analytical procedures is responsive to the assessed risk of material misstatement for a class of transactions where the auditor’s assessment of risk is supported by obtaining audit evidence from performance of tests of the operating effectiveness of controls. In other situations, the auditor may determine that only tests of details are appropriate, or that a combination of substantive analytical procedures and tests of details are most responsive to the assessed risks.

56. The auditor designs tests of details responsive to the assessed risk with the objective of obtaining sufficient appropriate audit evidence to achieve the planned level of assurance at the assertion level. In designing substantive procedures related to the existence or occurrence assertion, the auditor selects from items contained in a financial statement amount and obtains the relevant audit evidence. On the other hand, in designing audit procedures related to the completeness assertion, the auditor selects from audit evidence indicating that an item should be included in the relevant financial statement amount and investigates whether that item is so included. For example, the auditor might inspect subsequent cash disbursements to determine whether any purchases had been omitted from accounts payable.

57. In designing substantive analytical procedures, the auditor considers such matters as the following:

a) The suitability of using substantive analytical procedures given the assertions;

b) The reliability of the data, whether internal or external, from which the expectation of recorded amounts or ratios is developed;

c) Whether the expectation is sufficiently precise to identify a material misstatement at the desired level of assurance; and

d) The amount of any difference in recorded amounts from expected values that is acceptable.

The auditor considers testing the controls, if any, over the entity’s preparation of information used by the auditor in applying analytical procedures. When such controls are effective, the auditor has greater confidence in the reliability of the information and, therefore, in the results of analytical procedures. Alternatively, the auditor may consider whether the information was subjected to audit testing in the current or prior period. In determining the audit procedures to apply to the information upon which the expectation for substantive analytical procedures is based, the auditor considers the guidance in VSA 500 Audit Evidence.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



58. When substantive procedures are performed at an interim date, the auditor should perform further substantive procedures or substantive procedures combined with tests of controls to cover the remaining period that provide a reasonable basis for extending the audit conclusions from the interim date to the period end.

59. In some circumstances, substantive procedures may be performed at an interim date. This increases the risk that misstatements that may exist at the period end are not detected by the auditor. This risk increases as the remaining period is lengthened. In considering whether to perform substantive procedures at an interim date, the auditor considers such factors as the following:

a) The control environment and other relevant controls;

b) The availability of information at a later date that is necessary for the auditor’s procedures;

c) The objective of the substantive procedure;

d) The assessed risk of material misstatement;

e) The nature of the class of transactions or account balance and related assertions; and

f) The ability of the auditor to perform appropriate substantive procedures or substantive procedures combined with tests of controls to cover the remaining period in order to reduce the risk that misstatements that exist at period end are not detected.

60. Although the auditor is not required to obtain audit evidence about the operating effectiveness of controls in order to have a reasonable basis for extending audit conclusions from an interim date to the period end, the auditor considers whether performing only substantive procedures to cover the remaining period is sufficient. If the auditor concludes that substantive procedures alone would not be sufficient, tests of the operating effectiveness of relevant controls are performed or the substantive procedures are performed as of the period end.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



62. Ordinarily, the auditor compares and reconciles information concerning the balance at the period end with the comparable information at the interim date to identify amounts that appear unusual, investigates any such amounts, and performs substantive analytical procedures or tests of details to test the intervening period. When the auditor plans to perform substantive analytical procedures with respect to the intervening period, the auditor considers whether the period end balances of the particular classes of transactions or account balances are reasonably predictable with respect to amount, relative significance, and composition. The auditor considers whether the entity’s procedures for analyzing and adjusting such classes of transactions or account balances at interim dates and for establishing proper accounting cutoffs are appropriate. In addition, the auditor considers whether the information system relevant to financial reporting will provide information concerning the balances at the period end and the transactions in the remaining period that is sufficient to permit investigation of: significant unusual transactions or entries (including those at or near period end); other causes of significant fluctuations, or expected fluctuations that did not occur; and changes in the composition of the classes of transactions or account balances. The substantive procedures related to the remaining period depend on whether the auditor has performed tests of controls.

63. If misstatements are detected in classes of transactions or account balances at an interim date, the auditor ordinarily modifies the related assessment of risk and the planned nature, timing, or extent of the substantive procedures covering the remaining period that relate to such classes of transactions or account balances, or extends or repeats such audit procedures at the period end.

64. The use of audit evidence from the performance of substantive procedures in a prior audit is not sufficient to address a risk of material misstatement in the current period. In most cases, audit evidence from the performance of substantive procedures in a prior audit provides little or no audit evidence for the current period. In order for audit evidence obtained in a prior audit to be used in the current period as substantive audit evidence, the audit evidence and the related subject matter must not fundamentally change. An example of audit evidence obtained from the performance of substantive procedures in a prior period that may be relevant in the current year is a legal opinion related to the structure of a securitization to which no changes have occurred during the current period. As required by VSA 500 Audit evidence, if the auditor plans to use audit evidence obtained from the performance of substantive procedures in a prior audit, the auditor performs audit procedures during the current period to establish the continuing relevance of the audit evidence.

Extent of the Performance of Substantive Procedures

65. The greater the risk of material misstatement, the greater the extent of substantive procedures. Because the risk of material misstatement takes account of internal control, the extent of substantive procedures may be increased as a result of unsatisfactory results from tests of the operating effectiveness of controls. However, increasing the extent of an audit procedure is appropriate only if the audit procedure itself is relevant to the specific risk.

66. In designing tests of details, the extent of testing is ordinarily thought of in terms of the sample size, which is affected by the risk of material misstatement. However, the auditor also considers other matters, including whether it is more effective to use other selective means of testing, such as selecting large or unusual items from a population as opposed to performing representative sampling or stratifying the population into homogeneous subpopulations for sampling. VSA 530 Audit Sampling and Other Selective Testing Procedures contains guidance on the use of sampling and other means of selecting items for testing. In designing substantive analytical procedures, the auditor considers the amount of difference from the expectation that can be accepted without further investigation. This consideration is influenced primarily by materiality and the consistency with the desired level of assurance. Determination of this amount involves considering the possibility that a combination of misstatements in the specific account balance, class of transactions, or disclosure could aggregate to an unacceptable amount. In designing substantive analytical procedures, the auditor increases the desired level of assurance as the risk of material misstatement increases.

Adequacy of Presentation and Disclosure

67. The auditor should perform audit procedures to evaluate whether the overall presentation of the financial statements, including the related disclosures, are in accordance with the applicable financial reporting framework. The auditor considers whether the individual financial statements are presented in a manner that reflects the appropriate classification and description of financial information. The presentation of financial statements in conformity with the applicable financial reporting framework also includes adequate disclosure of material matters. These matters relate to the form, arrangement, and content of the financial statements and their appended notes, including, for example, the terminology used, the amount of detail given, the classification of items in the statements, and the bases of amounts set forth.

The auditor considers whether management should have disclosed a particular matter in light of the circumstances and facts of which the auditor is aware at the time. In performing the evaluation of the overall presentation of the financial statements, including the related disclosures, the auditor considers the assessed risk of material misstatement at the assertion level in accordance with VSA 500 Audit Evidence for a description of the assertions related to presentation and disclosure.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



68. Based on the audit procedures performed and the audit evidence obtained, the auditor should evaluate whether the assessments of the risks of material misstatement at the assertion level remain appropriate.

69. As the auditor performs planned audit procedures, the audit evidence obtained may cause the auditor to modify the nature, timing, or extent of other planned audit procedures. Information may come to the auditor’s attention that differs significantly from the information on which the risk assessment was based. For example, the extent of misstatements that the auditor detects by performing substantive procedures may alter the auditor’s judgment about the risk assessments and may indicate a material weakness in internal control. In addition, analytical procedures performed at the overall review stage of the audit may indicate a previously unrecognized risk of material misstatement. In such circumstances, the auditor may need to reevaluate the planned audit procedures, based on the revised consideration of assessed risks for all or some of the classes of transactions, account balances, or disclosures and related assertions.

70. The concept of effectiveness of the operation of controls recognizes that some deviations in the way controls are applied by the entity may occur. Deviations from prescribed controls may be caused by such factors as changes in key personnel, significant seasonal fluctuations in volume of transactions and human error. When such deviations are detected during the performance of tests of controls, the auditor makes specific inquiries to understand these matters and their potential consequences, for example, by inquiring about the timing of personnel changes in key internal control functions. The auditor determines whether the tests of controls performed provide an appropriate basis for reliance on the controls, whether additional tests of controls are necessary, or whether the potential risks of misstatement need to be addressed using substantive procedures.

71. The auditor cannot assume that an instance of fraud or error is an isolated occurrence, and therefore considers how the detection of a misstatement affects the assessed risks of material misstatement. Before the conclusion of the audit, the auditor evaluates whether audit risk has been reduced to an acceptably low level and whether the nature, timing, and extent of the audit procedures may need to be reconsidered. For example, the auditor reconsiders the following:

a) The nature, timing, and extent of substantive procedures; and

b) The audit evidence of the operating effectiveness of relevant controls, including the entity’s risk assessment process.

72. The auditor should conclude whether sufficient appropriate audit evidence has been obtained to reduce to an acceptably low level the risk of material misstatement in the financial statements. In developing an opinion, the auditor considers all relevant audit evidence, regardless of whether it appears to corroborate or to contradict the assertions in the financial statements.

73. The sufficiency and appropriateness of audit evidence to support the auditor’s conclusions throughout the audit are a matter of professional judgment. The auditor’s judgment as to what constitutes sufficient appropriate audit evidence is influenced by such factors as the following:

a) Significance of the potential misstatement in the assertion and the likelihood of its having a material effect, individually or aggregated with other potential misstatements, on the financial statements;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c) Experience gained during previous audits with respect to similar potential misstatements;

d) Results of audit procedures performed, including whether such audit procedures identified specific instances of fraud or error;

e) Source and reliability of the available information;

f) Persuasiveness of the audit evidence; and

g) Understanding of the entity and its environment, including its internal control.

74. If the auditor has not obtained sufficient appropriate audit evidence as to a material financial statement assertion, the auditor should attempt to obtain further audit evidence. If the auditor is unable to obtain sufficient appropriate audit evidence, the auditor should express a qualified opinion or a disclaimer of opinion to comply with VSA 700 The Auditor’s Report on Financial Statements.

Documentation

75. The auditor should document the overall responses to address the assessed risks of material misstatement at the financial statement level and the nature, timing, and extent of the further audit procedures, the linkage of those procedures with the assessed risks at the assertion level, and the results of the audit procedures. In addition, if the auditor plans to use audit evidence about the operating effectiveness of controls obtained in prior audits, the auditor should document the conclusions reached with regard to relying on such controls that were tested in a prior audit. The manner in which these matters are documented is based on the auditor’s professional judgment. VSA 230 Documentation establishes standards and provides guidance regarding documentation in the context of the audit of financial statements.

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



GENERAL

01. The purpose of this Vietnamese Standard on Auditing (VSA) is to establish standards and provide guidance on the auditor’s use of external confirmation as a means of obtaining audit evidence of the auditor and the audit firm.

02. The auditor and the audit firm should determine whether the use of external confirmations is necessary to obtain sufficient appropriate audit evidence at the assertion. In making this determination, the auditor should consider the assessed risk of material misstatement, inherent and control risks and how the audit evidence from other planned audit procedures will reduce the risk of material misstatement at the asserion level to an acceptably low level.

03. The auditor and the audit firm should comply with this VSA in obtaining external confirmations.

04. It is expected that the audited (client) entity, related entities and persons should possess essential knowledge as to the objective and general principles set out in this VSA in working with the auditor and the audit firm and dealing with the relations maintained during obtaining external confirmation.

05. VSA 500 Audit Evidence states that the reliability of audit evidence is influenced by its source and by its nature, and is dependent on the individual circumstances under which it is obtained. Under this VSA, audit evidence is more reliable when it is obtained from independent sources outside the entity; and audit evidence is more reliable when it exists in image or documentary form than in oral form. Accordingly, audit evidence in the form of original written from outside is more reliable as people outside the entity are not directly related to the entity being audited. The auditor should determine whether to consider audit evidence individually or cumulatively from other audit procedures which were implemented or will be implemented to assist in reducing the risk of material misstatement for the related assertions to an acceptably low level.

06. External confirmation is the process of obtaining and evaluating audit evidence through a representation of information or an existing condition directly from a third party in response to a request for information about a particular item affecting management’s assertions disclosed in the financial statements of the entity being audited. In deciding to what extent to use external confirmations the auditor and the audit firm consider the characteristics of the environment in which the entity being audited operates and the collectability of such information.

07. External confirmations are frequently used in relation to account balances and their components, but need not be restricted to these items. For example, the auditor and the audit firm may request external confirmation of the terms of agreements or transactions an entity has with third parties. Other examples of situations where external confirmations may be used include the following:

a) Bank balances and other information from bankers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c) Stocks held by third parties at bonded warehouses for processing or on consignment;

d) Property title deeds held by lawyers or financiers for safe custody or as security;

e) Investments purchased from stockbrokers but not delivered at the balance sheet date;

f) Loans from lenders; and

g) Accounts payable balances.

08. The reliability of the audit evidence obtained by external confirmations depends, among other factors, upon the auditor applying appropriate audit procedures in designing the external confirmation request, performing the external confirmation procedures, and evaluating the results of the external confirmation procedures. Factors affecting the reliability of confirmations include the control the auditor exercises over confirmation requests and responses, the characteristics of the respondents, and any restrictions included in the response or imposed by management.

CONTENTS OF THE VSA

Relationship of External Confirmation Procedures to the Auditor’s Assessments of the Inherent Risk and Control Risk

09. VSA 400 Risk Assessments and Internal Control specifies audit risk and its components, including inherent risk, control risk and detection risk. This VSA also prescribles that the auditor’s control risk assessment, together with the inherent risk assessment is to influence the nature, timing and extent of substantive procedures to be performed to reduce detection risk, therefore audit risk, to an acceptably low level.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



11. VSA 400 Risk Assessments and Internal Control requires that the higher the assessment of inherent and control risk, the more audit evidence the auditor should obtain from the performance of substantive procedures. Therefore, when the assessed levels of inherent and control risk increase, the auditor should perform substantive procedures to further collect appropriate audit evidence concerning an assertion of the financial statements. In the circumstances, using external confirmation procedures brings effect on adequately provision of appropriate audit evidence.

12. The lower the assessment of inherent and control risk, the less assurance the auditor should obtain from the performance of substantive procedures in order to express an opinion on an assertion of the financial statements.

13. Complex or unusual transactions can result in a higher level of inherent and control risk than that of normal ones. Where the entity being audited has unusual or complex transactions and the assessed level of its inherent and control risk is high, the auditor should check external confirmations kept by the entity concerning contents relevant to these transactions with related parties.

Assertions Addressed by External Confirmations

14. VSA 500 Audit evidence requires that assertions of the financial statements should satisfy the creteria, including: existence, rights and obligations, occurrence, completeness, valuation, accuracy, and disclosure. While external confirmations may provide audit evidence regarding these assertions, the ability of an external confirmation to provide audit evidence relevant to a particular assertion varies.

15. External confirmation of an account receivable provides reliable and relevant audit evidence regarding the existence of the account as at a certain date. Confirmation also provides audit evidence regarding the operation of cut-off procedures. However, such confirmation does not ordinarily provide all the necessary audit evidence relating to the valuation assertion, since it is not practicable to ask the debtor to confirm detailed information relating to its ability to pay the account.

16. Similarly, in the case of goods held on consignment, external confirmation is likely to provide reliable and relevant audit evidence to support the existence and the rights and obligations assertions, but might not provide audit evidence that supports the valuation assertion.

17. The relevance of external confirmations to auditing a particular assertion is also affected by the objective of the auditor in selecting information for confirmation. For example, when auditing the completeness assertion for accounts payable, the auditor and the audit firm need to obtain audit evidence that there is no material unrecorded liability. Accordingly, sending confirmation requests to an entity’s principal suppliers asking them to provide copies of their statements of account directly to the auditor, even if the records show no amount currently owing to them, will usually be more effective in detecting unrecorded liabilities than selecting accounts for confirmation based on the larger amounts recorded in the accounts payable subsidiary ledger.

18. When obtaining audit evidence for assertions not adequately addressed by confirmations, the auditor considers other audit procedures to complement confirmation procedures or to be used instead of confirmation procedures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



19. The auditor and the audit firm should tailor external confirmation requests to the specific audit objective. When designing the request, the auditor considers the assertions being addressed and the factors that are likely to affect the reliability of the confirmations. Factors such as the form of the external confirmation request, prior experience on the audit or similar engagements, the nature of the information being confirmed, and the intended respondent, affect the design of the requests because these factors have a direct effect on the reliability of the audit evidence obtained through external confirmation procedures.

20. Also, in designing the request, the auditor and the audit firm consider the type of information respondents will be able to confirm readily since this may affect the response rate and the nature of the audit evidence obtained. For example, certain respondents’ information systems may facilitate the external confirmation of single transactions rather than of entire account balances. In addition, respondents may not always be able to confirm certain types of information, such as the overall accounts receivable balance, but may be able to confirm individual invoice amounts within the total balance.

21. Confirmation requests ordinarily include management’s authorization to the respondent to disclose the information to the auditor. Respondents may be more willing to respond to a confirmation request containing management’s authorization, and in some cases may be unable to respond unless the request contains management’s authorization.

Use of Positive and Negative Confirmations

22. The auditor may use open or closed external confirmation requests or a combination of both.

23. An open (positive) external confirmation request asks the respondent to reply to the auditor in all cases either by indicating the respondent’s agreement with the given information, or by asking the respondent to fill in information. A response to an open confirmation request is ordinarily expected to provide reliable audit evidence. There is a risk, however, that a respondent may reply to the confirmation request without verifying that the information is correct. The auditor is not ordinarily able to detect whether this has occurred. The auditor may reduce this risk, however, by using open confirmation requests that do not state the amount (or other information) on the confirmation request, but ask the respondent to fill in the amount or furnish other information. On the other hand, use of this type of open confirmation request may result in lower response rates because additional effort is required of the respondents.

24. A closed (negative) external confirmation request asks the respondent to reply only in the event of disagreement with the information provided in the request. However, when no response has been received to a closed confirmation request, the auditor remains aware that there will be no explicit audit evidence that intended third parties have received the confirmation requests and verified that the information contained therein is correct. Accordingly, the use of closed (negative) confirmation requests ordinarily provides less reliable audit evidence than the use of open (positive) confirmation requests, and the auditor considers performing other substantive procedures to supplement the use of negative confirmations.

25. Closed (negative) confirmation requests may be used to reduce the risk of material misstatement to an acceptable level when:

a) The assessed risk of material misstatement is lower;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c) A substantial number of errors is not expected; and

d) The auditor has no reason to believe that respondents will disregard these requests.

26. A combination of positive and negative external confirmations may be used. For example, where the total accounts receivable balance comprises a small number of large balances and a large number of small balances, the auditor may decide that it is            appropriate to confirm all or a sample of the large balances with positive confirmation requests and a sample of the small balances using negative confirmation requests.

Management Requests

27. When the auditor seeks to confirm certain balances or other information, and management requests the auditor not to do so, the auditor and the audit firm should consider whether there are valid grounds for such a request and obtain audit evidence to support the validity of management’s requests. If the auditor agrees to management’s request not to seek external confirmation regarding a particular matter, the auditor and the audit firm should apply alternative audit procedures to obtain sufficient appropriate audit evidence regarding that matter.

28. If the auditor and the audit firm do not accept the validity of management’s request          and is prevented from carrying out the confirmations, there has been a limitation on the scope of the auditor’s work and the auditor and the audit firm should consider the possible impact on the auditor’s report.

29. When considering the reasons provided by management, the auditor and the audif firm apply an attitude of professional skepticism and consider whether the request has any implications regarding management’s integrity. The auditor considers whether management’s request may indicate the possible existence of fraud or error. If the auditor believes that fraud or error exists, the auditor applies the guidance in VSA 240 Fraud and Error. The auditor also considers whether the alternative audit procedures will provide sufficient appropriate audit evidence regarding that matter.

Characteristics of Respondents

30. The reliability of audit evidence provided by a confirmation is affected by the respondent’s competence, independence, authority to respond, knowledge of the matter being confirmed, and objectivity. For this reason, the auditor and the audit firm attempt to ensure, where practicable, that the confirmation request is directed to an appropriate individual. For example, when confirming that a covenant related to an entity’s long-term debt has been waived, the auditor directs the request to an official of the creditor who has knowledge about the waiver and has the authority to provide the information.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The External Confirmation Process

32. When performing confirmation procedures, the auditor and the audit firm should maintain control over the process of selecting those to whom a request will be sent, the preparation and sending of confirmation requests, and the responses to those requests. Control is maintained over communications between the intended recipients and the auditor to minimize the possibility that the results of the confirmation process will be biased because of the interception and alteration of confirmation requests or responses. The auditor ensures that it is the auditor who sends out the confirmation requests, that the requests are properly addressed, and that it is requested that all replies are sent directly to the auditor. The auditor considers whether replies have come from the purported senders.

No Response to a Positive Confirmation Request

33. The auditor and the audit firm should perform alternative audit procedures where no response is received to a positive external confirmation request. The alternative audit procedures should be such as to provide audit evidence about the assertions that the confirmation request was intended to provide.

34. Where no response is received, the auditor and the audit firm ordinarily contact the recipient of the request to elicit a response. Where the auditor and the audit firm are unable to obtain a response, the auditor uses alternative audit procedures. The nature of alternative audit procedures varies according to the account and assertion in question. In the examination of accounts receivable, alternative audit procedures may include examination of subsequent cash receipts, examination of shipping documentation or other client documentation to provide audit evidence for the existence assertion, and examination of sales near the period-end to provide audit evidence for the cutoff assertion. In the examination of accounts payable, alternative audit procedures may include examination of subsequent cash disbursements or correspondence from third parties to provide audit evidence of the existence assertion, and examination of other records, such as goods received notes, to provide audit evidence of the completeness assertion.

Reliability of Responses Received

35. The auditor and the audit firm consider whether there is any indication that external confirmations received may not be reliable. The auditor considers the response’s authenticity and performs audit procedures to dispel any concern. The auditor may choose to verify the source and contents of a response in a telephone call to the purported sender. In addition, the auditor requests the purported sender to mail the original confirmation directly to the auditor. With ever-increasing use of technology, the auditor considers validating the source of replies received in electronic format (for example, fax or electronic mail). Oral confirmations are documented in the work papers. If the information in the oral confirmations is significant, the auditor requests the parties involved to submit written confirmation of the specific information directly to the auditor.

Causes and Frequency of Exceptions

36. When the auditor and the audit firm form a conclusion that the confirmation process and alternative audit procedures have not provided sufficient appropriate audit evidence regarding an assertion, the auditor should perform additional audit procedures to obtain sufficient appropriate audit evidence.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) Reliability of the confirmations and alternative audit procedures;

b) Nature of any exceptions, including the implications, both quantitative and qualitative of those exceptions; and

c) Audit evidence provided by other audit procedures.

Based on this evaluation, the auditor determines whether additional audit procedures are needed to obtain sufficient appropriate audit evidence.

37. The auditor also considers the causes and frequency of exceptions reported by respondents. An exception may indicate a misstatement in the entity’s records, in which case, the auditor determines the reasons for the misstatement and assesses whether it has a material effect on the financial statements. If an exception indicates a misstatement, the auditor reconsiders the nature, timing and extent of audit procedures necessary to provide the audit evidence required.

Evaluating the Results of the Confirmation Process

38. The auditor should evaluate whether the results of the external confirmation process together with the results from any other audit procedures performed, provide sufficient appropriate audit evidence regarding the assertion being audited. In conducting this evaluation the auditor and the audit firm consider the guidance provided by VSA 530 Audit Sampling and Other Means of Testing.

External Confirmations Prior to the Year-End

39. When the auditor uses confirmation as at a date prior to the year-end to obtain audit evidence to support an assertion, the auditor obtains sufficient appropriate audit evidence that transactions relevant to the assertion in the intervening period have not been materially misstated. In fact, when inherent and control risks are low and medium, the auditor may decide to confirm balances at a date other than the period end, for example, when the audit is to be completed within a short time after the balance sheet date. As with all types of pre-year-end work, the auditor considers the need to obtain further audit evidence relating to the remainder of the period.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



VIETNAMESE STANDARDS ON AUDITING
STANDARD 545

 AUDITING FAIR VALUES MEASUREMENTS AND DISCLOSURES
(Issued in pursuance of the Minister of Finance Decision No. 101/2005/QD-BTC dated 29 December 2005)

GENERAL

01. The purpose of this Vietnamese Standard on Auditing (VSA) is to establish standards and provide guidance on auditing fair value measurements and disclosures contained in financial statements. This VSA assists the auditor and the audit firm with addressing audit considerations relating to the measurement, presentation and disclosure of material assets, liabilities and specific components of equity presented or disclosed at fair value in financial statements. Fair value measurements of assets, liabilities and components of equity may arise from both the initial recording of transactions and later changes in value. Changes in fair value measurements that occur over time may be treated in different ways under the regulations of the applicable accounting systems and standards.

02. The auditor and the audit firm should obtain sufficient appropriate audit evidence that fair value measurements and disclosures are in accordance with the regulations of the applicable accounting systems and standards.

03. This VAS applies to audits of financial statements and also applies to audits of other financial information, and related services rendered by the audit firm.

The auditor and the audit firm should comply with this VSA in conducting an audit of financial statements and rendering related services.

It is expected that the audited (client) entity and users of the audit report should possess essential knowledge as to the objective and general principles set out in this VSA in fulfilling its responsibility and in working with the auditor and the audit firm to deal with relations mainttained during the audit.

04. Management is responsible for making the fair value measurements and disclosures included in the financial statements. As part of fulfilling its responsibility, management needs to establish an accounting and financial reporting process for determining the fair value measurements and disclosures, select appropriate valuation methods, identify and adequately support any significant assumptions used, prepare the valuation and ensure that the presentation and disclosure of the fair value measurements are in accordance with the accounting system and standards which the entity applies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



06. Different accounting systems and standards require or permit a variety of fair value measurements and disclosures in financial statements. They also vary in the level of guidance that they provide on the basis for measuring assets and liabilities or the related disclosures. Some accounting systems and standards give prescriptive guidance, others give general guidance, and some give no guidance at all. In addition, certain industry-specific measurement and disclosure practices for fair values also exist. While this VSA provides guidance on auditing fair value measurements and disclosures, it does not address specific types of assets or liabilities, transactions, or industry-specific practices.

07. In VAS Frameworks, underlying the concept of fair value measurements is a presumption that the entity is a going concern in a foreseeable future, that is, it has no intention or obligation to liquidate, curtail materially the scale of its operations, or undertake a transaction on adverse terms. Therefore, in this case, fair value would not be the amount that an entity would receive or pay in a forced transaction, involuntary liquidation, or distress sale. An entity, however, may need to take its current economic or operating situation into account in determining the fair values of its assets and liabilities if prescribed or permitted to do so by applicable accounting systems or standards and such accounting framework may or may not specify how that is done. For example, management’s plan to dispose of an asset on an accelerated basis to meet specific business objectives may be relevant to the determination of the fair value of that asset.

08. The measurement of fair value may be relatively simple for certain assets or liabilities, for example, assets that are bought and sold in active and open markets that provide readily available and reliable information on the prices at which actual exchanges occur. The measurement of fair value for other assets or liabilities may be more complex. A specific asset may not have an active market or may possess characteristics that make it necessary for management to estimate its fair value (for example, an investment property or a derivative financial instrument). The estimation of fair value may be achieved through the use of a valuation model (for example, discounting of future cash flows) or through the assistance of an expert, such as an independent valuer.

09. The uncertainty associated with an item, or the lack of objective data may make it incapable of reasonable estimation, in which case, the auditor considers whether the auditor’s report needs modification to comply with VSA 700 The Auditor’s Report on Financial Statements.

CONTENTS OF THE VSA

Understanding the Entity’s Process for Determining Fair Value Measurements and Disclosures and Relevant Control Activities, and Assessing Risk

10. The auditor and the audit firm should obtain an understanding of the entity’s process for determining fair value measurements and disclosures and of the relevant control activities to identify and assess assertion-level risk to design and perform further audit procedures.

11. Management is responsible for establishing an accounting and financial reporting process for determining fair value measurements. In some cases, the measurement of fair value and therefore the process set up by management to determine fair value may be simple and reliable. For example, management may be able to refer to published price quotations to determine fair value for marketable securities held by the entity. Some fair value measurements, however, are inherently more complex than others and involve uncertainty about the occurrence of future events or their outcome, and therefore assumptions that may involve the use of judgment need to be made as part of the measurement process. The auditor’s understanding of the measurement process, including its complexity, helps identify and assess the risks of material misstatement in order to determine the nature, timing and extent of the audit procedures.

12. When obtaining an understanding of the entity's process for determining fair value measurements and disclosures, the auditor considers, for example:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) The expertise and experience of those persons determining the fair value measurements;

c) The role that information technology has in the process;

d) The types of accounts or transactions requiring fair value measurements or disclosures (for example, whether the accounts arise from the recording of routine and recurring transactions or whether they arise from non-routine or unusual transactions);           

e) The extent to which the entity uses service organizations to provide fair value measurements or the data that supports the measurement. When an entity uses a service organization, the auditor complies with the requirements of VSA 402 Audit Considerations Relating to Entities Using Service Organizations;

f) The extent to which the entity uses the work of experts in determining fair value measurements and disclosures (see paragraphs 29–32 of this VSA);

g) The significant management assumptions used by management in determining fair value;

h) The documentation supporting management’s assumptions;

i) The methods used to develop and apply management assumptions and controls to monitor changes in those assumptions;

j) The integrity of change controls and security procedures for valuation models and relevant information systems, including approval processes; and

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



13. VSA 400 requires the auditor to obtain an understanding of the components of the accounting and internal control systems to plan the audit. It is required in particular by this VSA the auditor and the audit firm obtain a sufficient understanding of the entity’s fair value measurements and disclosures in order to design the nature, timing and extent of the further audit procedures.

14. After obtaining an understanding of the entity’s process for determining fair value measurements and disclosures, the auditor and the audit firm should identify and assess the significant assertion-level risks related to the fair value measurements and disclosures in the financial statements to determine the nature, timing and extent of the further audit procedures.

15. The degree to which a fair value measurement is susceptible to misstatement is an inherent risk. Consequently, the nature, timing and extent of the further audit procedures will depend upon the susceptibility to misstatement of a fair value measurement and whether the process for determining fair value measurements is relatively simple or complex. Where the auditor has determined that the risk of material misstatement related to a fair value measurement or disclosure is a significant risk, the auditor follows the requirements of VSA 400 Risk Assessments and Internal Control.

16 VSA 400 discusses the inherent limitations of internal controls. As fair value determinations often involve subjective judgments by management, this may affect the nature of control activities that are capable of being implemented. The susceptibility to misstatement of fair value measurements also may increase as the accounting and financial reporting requirements for fair value measurements become more complex. The auditor considers the inherent limitations of controls in such circumstances in assessing the risk of material misstatement.

Evaluating the Appropriateness of Fair Value Measurements and Disclosures

17. The auditor and the audit firm should evaluate whether the fair value measurements and disclosures in the financial statements are in accordance with the accounting system and standards which the entity applies.

18. The auditor’s understanding of the requirements of the applicable accounting system and standards and knowledge of the business and industry, together with the results of other audit procedures, are used to assess whether the accounting for assets or liabilities requiring fair value measurements is appropriate, and whether the disclosures about the fair value measurements and significant uncertainties related thereto are appropriate under the accounting system and standards.

19. The evaluation of the appropriateness of the entity’s fair value measurements under the applicable accounting system and standards and the evaluation of audit evidence depends, in part, on the auditor’s knowledge of the nature of the business. This is particularly true where the asset or liability or the valuation method is highly complex. For example, derivative financial instruments may be highly complex, with a risk that differing interpretations of how to determine fair values will result in different conclusions. The measurement of the fair value of some items, for example “in-process research and development” or intangible assets acquired in a business combination, may involve special considerations that are affected by the nature of the entity and its operations if such considerations are appropriate under the accounting system and standards which the entity applies. Also, the auditor’s knowledge of the business, together with the results of other audit procedures, may help identify assets for which management needs to recognize impairment by using a fair value measurement pursuant to the accounting system and standards.

20. Where the method for measuring fair value is specified by the applicable accounting system and standards, for example, the requirement that the fair value of a marketable security be measured using quoted market prices as opposed to using a valuation model, the auditor considers whether the measurement of fair value is consistent with that method.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



22. The auditor should obtain audit evidence about management’s intent to carry out specific courses of action, and consider its ability to do so, where relevant to the fair value measurements and disclosures under the applicable accounting system and standards.

23. In some accounting systems and standards, management’s intentions with respect to an asset or liability are criteria for determining measurement, presentation, and disclosure requirements, and how changes in fair values are reported within financial statements. In such accounting frameworks, management’s intent is important in determining the appropriateness of the entity’s use of fair value. Management often documents plans and intentions relevant to specific assets or liabilities and the applicable accounting system and standards may require it to do so. While the extent of audit evidence to be obtained about management’s intent is a matter of professional judgment, the auditor’s procedures ordinarily include inquiries of management, with appropriate corroboration of responses, for example, by:

a) Considering management’s past history of carrying out its stated intentions with respect to assets or liabilities;

b) Reviewing written plans and other documentation, including, where applicable, budgets, minutes, etc;

c) Considering management’s stated reasons for choosing a particular course of action;

d) Considering management’s ability to carry out a particular course of action given the entity’s economic circumstances, including the implications of its contractual commitments. The auditor also considers management’s ability to pursue a specific course of action if ability is relevant to the use, or exemption from the use, of fair value measurement under the applicable accounting system and standards.

24. Where alternative methods for measuring fair value are available under the accounting system and standards which the entity applies, or where the method of measurement is not prescribed, the auditor and the audit firm should evaluate whether the method of measurement is appropriate in the circumstances under the applicable accounting system and standards.

25. The auditor should evaluate whether the method of measurement of fair value is appropriate in the circumstances require the use of professional judgment. When management selects one particular valuation method from alternative methods available under the accounting system and standards which the entity applies, the auditor obtains an understanding of management’s rationale for its selection by discussing with management its reasons for selecting the valuation method. The auditor considers whether:

a) Management has sufficiently evaluated and appropriately applied the criteria, if any, provided in the applicable accounting system and standards to support the selected method;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c) The valuation method is appropriate in relation to the business, industry and environment in which the entity operates.

26. Management may have determined that different valuation methods result in a range of significantly different fair value measurements. In such cases, the auditor evaluates how the entity has investigated the reasons for these differences in establishing its fair value measurements.

27. The auditor and the audit firm should evaluate whether the entity’s method for its fair value measurements is applied consistently.

28. Once management has selected a specific valuation method, the auditor evaluates whether the entity has consistently applied that basis in its fair value measurement, and if so, whether the consistency is appropriate considering possible changes in the environment or circumstances affecting the entity, or changes in the requirements of the accounting system and standards which the entity applies. If management has changed the valuation method, the auditor considers whether management can adequately demonstrate that the valuation method to which it has changed provides a more appropriate basis of measurement, or whether the change is supported by a change in the requirements of the applicable accounting system and standards or a change in circumstances. For example, the introduction of an active market for a particular class of asset or liability may indicate that the use of discounted cash flows to estimate the fair value of such asset or liability is no longer appropriate.

Using the Work of an Expert

29. The auditor and the audit firm should determine the need to use the work of an expert. The auditor may have the necessary skill and knowledge to plan and perform audit procedures related to fair values or may decide to use the work of an expert. In making such a determination, the auditor considers the matters discussed in VSA 620 Using the Work of an Expert.

30. If the use of such an expert is planned, the auditor obtains sufficient appropriate audit evidence that such work is adequate for the purposes of the audit, and complies with the requirements of VSA 620.

31. When planning to use the work of an expert, the auditor considers whether the expert’s understanding of the definition of fair value and the method that the expert will use to determine fair value are consistent with that of management and the requirements of the applicable accounting system and standards. For example, the method used by an expert for estimating the fair value of real estate or a complex derivative, or the actuarial methodologies developed for making fair value estimates of insurance obligations, reinsurance receivables and similar items, may not be consistent with the measurement principles of the applicable accounting system and standards. Accordingly, the auditor considers such matters, often by discussing, providing or reviewing instructions given to the expert or when reading the report of the expert.

32. In accordance with VSA 620, the auditor and the audit firm assesses the appropriateness of the expert’s work as audit evidence. While the reasonableness of assumptions and the appropriateness of the methods used and their application are the responsibility of the expert, the auditor obtains an understanding of the significant assumptions and methods used, and considers whether they are appropriate, complete and reasonable, based on the auditor’s knowledge of the business and the results of other audit procedures. The auditor often considers these matters by discussing them with the expert. Paragraphs 39 through 49 discuss the auditor’s evaluation of significant assumptions used by management, including assumptions relied upon by management based on the work of an expert.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



33. The auditor and the audit firm should design and perform further audit procedures in response to assessed risks of material misstatement of assertions relating to the entity’s fair value measurements and disclosures.

34. Because of the wide range of possible fair value measurements, from relatively simple to complex, the auditor’s procedures can vary significantly in nature, timing and extent. For example, substantive procedures relating to the fair value measurements may involve (a) testing management’s significant assumptions, the valuation model, and the underlying data (see paragraphs 39–49), (b) developing independent fair value estimates to corroborate the appropriateness of the fair value measurement (see paragraph 52), or (c) considering the effect of subsequent events on the fair value measurement and disclosures (see paragraphs 53–55).

35. The existence of published price quotations in an active market ordinarily is the best audit evidence of fair value. Some fair value measurements, however, are inherently more complex than others. This complexity arises either because of the nature of the item being measured at fair value or because of the valuation method required by the applicable accounting system and standards or selected by management. For example, in the absence of quoted prices in an active market, some accounting standards permit an estimate of fair value based on an alternative basis such as a discounted cash flow analysis or a comparative transaction model. Complex fair value measurements normally are characterized by greater uncertainty regarding the reliability of the measurement process. This greater uncertainty may be a result of:

- Length of the forecast period;

- The number of significant and complex assumptions associated with the process;

- A higher degree of subjectivity associated with the assumptions and factors used in the process;

- A higher degree of uncertainty associated with the future occurrence or outcome of events underlying the assumptions used; and

- Lack of objective data when highly subjective factors are used.

36. The auditor’s understanding of the measurement process, including its complexity, helps guide the auditor’s determination of the nature, timing and extent of audit procedures to be performed. The following are examples of considerations in the development of audit procedures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) When using audit evidence provided by a third party, the auditor considers its reliability. For example, when information is obtained through the use of external confirmations, the auditor considers the respondent’s competence, independence, authority to respond, knowledge of the matter being confirmed, and objectivity in order to be satisfied with the reliability of the evidence.

c) Audit evidence supporting fair value measurements, for example, a valuation by an independent valuer, may be obtained at a date that does not coincide with the date at which the entity is required to measure and report that information in its financial statements. In such cases, the auditor obtains audit evidence that management has taken into account the effect of events, transactions and changes in circumstances occurring between the date of fair value measurement and the reporting date.

d) Collateral often is assigned for certain types of investments in debt instruments that either are required to be measured at fair value or are evaluated for possible impairment. If the collateral is an important factor in measuring the fair value of the investment or evaluating its carrying amount, the auditor obtains sufficient appropriate audit evidence regarding the existence, value, rights and access to or transferability of such collateral, including consideration whether all appropriate liens have been filed, and considers whether appropriate disclosures about the collateral have been made under the accounting system and standards which the entity applies.

e) In some situations, additional audit procedures, such as the inspection of an asset by the auditor, may be necessary to obtain sufficient appropriate audit evidence about the appropriateness of a fair value measurement. For example, inspection of an investment property may be necessary to obtain information about the current physical condition of the asset relevant to its fair value, or inspection of a security may reveal a restriction on its marketability that may affect its value.

Testing Management’s Significant Assumptions, the Valuation Model, and the Underlying Data

37. The auditor and the audit firm’s understanding of the reliability of the process used by management to determine fair value is an important element in support of the resulting amounts and therefore affects the nature, timing, and extent of further audit procedures. A reliable process for determining fair value is one that results in reasonably consistent measurement and, where relevant, presentation and disclosure of fair value when used in similar circumstances. When obtaining audit evidence about the entity’s fair value measurements and disclosures, the auditor and the audit firm evaluate whether:

a) The assumptions used by management are reasonable;

b) The fair value measurement was determined using an appropriate model, if applicable; and

c) Management used relevant information that was reasonably available at the time.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



39. Where the auditor and the audit firm determine there is a significant risk related to fair values, or where otherwise applicable, the auditor should evaluate whether the significant assumptions used by management in measuring fair values, taken individually and as a whole, provide a reasonable basis for the fair value measurements and disclosures in the entity’s financial statements.

40. It is necessary for management to make assumptions, including assumptions relied upon by management based upon the work of an expert, to develop fair value measurements. Assumptions are integral components of more complex valuation methods, for example valuation methods that employ a combination of estimates of expected future cash flows together with estimates of the values of assets or liabilities in the future, discounted to the present. The auditor and the audit firm pay particular attention to the significant assumptions underlying a valuation method and evaluate whether such assumptions are reasonable. To provide a reasonable basis for the fair value measurements and disclosures, assumptions need to be relevant, reliable, neutral, understandable and complete.

41. Specific assumptions will vary with the characteristics of the asset or liability being valued and the valuation method used (for example, replacement cost, direct comparison or income-based approach). For example, where discounted cash flows (an income-based approach) are used as the valuation method, there will be assumptions about the level of cash flows, the period of time used in the analysis, and the discount rate.

42. Assumptions ordinarily are supported by differing types of audit evidence from internal and external sources that provide objective support for the assumptions used. The auditor and the audit firm assess the source and reliability of audit evidence supporting management’s assumptions, including consideration of the assumptions in light of historical information and an evaluation of whether they are based on plans that are within the entity’s capacity.

43. Audit procedures dealing with management’s assumptions are performed in the context of the audit of the entity’s financial statements. The objective of the audit procedures is therefore not intended to obtain sufficient appropriate audit evidence to provide an opinion on the assumptions themselves. Rather, the auditor and the audit firm perform audit procedures to consider whether the assumptions provide a reasonable basis in measuring fair values in the context of an audit of the financial statements taken as a whole.

44. Identifying those assumptions that appear to be significant to the fair value measurement requires the exercise of judgment by management. The auditor and the audit firm focus attention on significant assumptions. Generally, significant assumptions cover matters that materially affect the fair value measurement and may include those that are:

a) Sensitive to variation or uncertainty in amount or nature. For example, assumptions about short-term interest rates may be less susceptible to significant variation compared to assumptions about long-term interest rates; and

b) Susceptible to misapplication or bias.

45. The auditor and the audit firm consider the sensitivity of the valuation to changes in significant assumptions, including market conditions that may affect the value. Where applicable, the auditor and the audit firm encourage management to use such techniques as sensitivity analysis to help identify particularly sensitive assumptions. In the absence of such management analysis, the auditor considers whether to employ such techniques. The auditor and the audit firm also consider whether the uncertainty associated with a fair value measurement, or the lack of objective data may make it incapable of reasonable estimation under the accounting system and standards the entity applies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



47. The assumptions on which the fair value measurements are based (for example, the discount rate used in calculating the present value of future cash flows) ordinarily will reflect what management expects will be the outcome of specific objectives and strategies. To be reasonable, such assumptions, individually and taken as a whole, also need to be realistic and consistent with:

a) The general economic environment and the entity’s economic circumstances;

b) The plans of the entity;

c) Assumptions made in prior periods, if appropriate;

d) Past experience of, or previous conditions experienced by, the entity to the extent currently applicable;

e) Other matters relating to the financial statements, for example, assumptions used by management in accounting estimates for financial statement accounts other than those relating to fair value measurements and disclosures; and

f) If applicable, the risk associated with cash flows, including the potential variability of the cash flows and the related effect on the discounted rate.

Where assumptions are reflective of management’s intent and ability to carry out specific courses of action, the auditor and the audit firm consider whether they are consistent with the entity’s plans and past experience (see paragraphs 22 and 23).

48. If management relies on historical financial information in the development of assumptions, the auditor and the audit firm considers the completeness and appropriateness of such information. However, historical information might not be representative of future conditions or events, for example, if management intends to engage in new activities or circumstances change.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



50. The auditor and the audit firm should perform audit procedures on the data used to develop the fair value measurements and disclosures and evaluate whether the fair value measurements have been properly determined from such data and management’s assumptions.

51. The auditor and the audit firm evaluate whether the data on which the fair value measurements are based, including the data used in the work of an expert, are accurate, complete and relevant; and whether the fair value measurements have been properly determined using such data and management’s assumptions. Examples may include audit procedures such as verifying the source of the data, mathematical recalculation and reviewing of information for internal consistency, including whether such information is consistent with management’s intent to carry out specific courses of action discussed in paragraphs 22 and 23.

Developing Independent Fair Value Estimates for Corroborative Purposes

52. The auditor and the audit firm may make an independent estimate of fair value (for example, by using an auditor-developed model) to corroborate the entity’s fair value measurement. When developing an independent estimate using management’s assumptions, the auditor and the audit firm evaluate those assumptions as discussed in paragraphs 39-49. Instead of using management’s assumptions the auditor and the audit firm may develop separate assumptions to make a comparison with management’s fair value measurements. In that situation, the auditor and the audit firm nevertheless understand management’s assumptions. The auditor and the audit firm use that understanding to determine that the auditor’s model considers the significant variables and to evaluate any significant difference from management’s estimate. The auditor and the audit firm also perform audit procedures on the data used to develop the fair value measurements and disclosures as discussed in paragraphs 50 and 51. The auditor and the audit firm consider the guidance contained in VSA 520 Analytical Procedures when performing these procedures during an audit.

Subsequent Events

53. The auditor and the audit firm should consider the effect of subsequent events on the fair value measurements and disclosures in the financial statements.

54. Transactions and events that occur after period-end but prior to completion of the audit, may provide appropriate audit evidence regarding the fair value measurements made by management. For example, a sale of investment property shortly after the period-end may provide audit evidence relating to the fair value measurement.

55. In the period after a financial statement period-end, however, circumstances may change from those existing at the period-end. Fair value information after the period -end may reflect events occurring after the period-end and not the circumstances existing at the balance sheet date. For example, the prices of actively traded marketable securities that change after the period-end ordinarily do not constitute appropriate audit evidence of the values of the securities that existed at the period-end. The auditor complies with VSA 560 Subsequent Events when evaluating audit evidence relating to such events.

Disclosures about Fair Values

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



57. Disclosure of fair value information is an important aspect of financial statements in many accounting standards. Often, fair value disclosure is required because of the relevance to users in the evaluation of an entity’s performance and financial position. In addition to the fair value information required by the applicable accounting system and standards, some entities disclose voluntary additional fair value information in the notes to the financial statements.

58. When auditing fair value measurements and related disclosures included in the notes to the financial statements, whether required by the applicable accounting system and standards or disclosed voluntarily, the auditor and the audit firm ordinarily perform essentially the same types of audit procedures as those employed in auditing a fair value measurement recognized in the financial statements. The auditor and the audit firm obtain sufficient appropriate audit evidence that the valuation principles are appropriate under the accounting system and standards which the entity applies, are being consistently applied, and the method of estimation and significant assumptions used are properly disclosed in accordance with the applicable accounting system and standards. The auditor and the audit firm also consider whether voluntary information may be inappropriate in the context of the financial statements. For example, management may disclose a current sales value for an asset without mentioning that significant restrictions under contractual arrangements preclude the sale in the immediate future.

59. The auditor and the audit firm evaluate whether the entity has made appropriate disclosures about fair value information as called for by its accounting system. If an item contains a high degree of measurement uncertainty, the auditor assesses whet--her the disclosures are sufficient to inform users of such uncertainty. For example, the auditor might evaluate whether disclosures about a range of amounts, and the assumptions used in determining the range, within which the fair value is reasonably believed to lie is appropriate under the accounting system and standards which the entity applies, when management considers a single amount presentation not appropriate. Where applicable, the auditor and the audit firm also consider whether the entity has complied with the accounting and disclosure requirements relating to changes in the valuation method used to determine fair value measurements.

60. When disclosure of fair value information under the applicable accounting system and standards is omitted because it is not practicable to determine fair value with sufficient reliability, the auditor evaluates the adequacy of disclosures required in these circumstances. If the entity has not appropriately disclosed fair value information required by the applicable accounting system and standards, the auditor evaluates whether the financial statements are materially misstated by the departure from the applicable accounting system and standards.

Evaluating the Results of Audit Procedures

61. In making a final assessment of whether the fair value measurements and disclosures in the financial statements are in accordance with the accounting system and standards which the entity applies, the auditor and the audit firm should evaluate the sufficiency and appropriateness of the audit evidence obtained as well as the consistency of that evidence with other audit evidence obtained and evaluated during the audit.

62. When assessing whether the fair value measurements and disclosures in the financial statements are in accordance with the applicable accounting system and standards, the auditor and the audit firm evaluate the consistency of the information and audit evidence obtained during the audit of fair value measurements with other audit evidence obtained during the audit, in the context of the financial statements taken as a whole. For example, the auditor and the audit firm consider whether there is or should be a relationship or correlation between the interest rates used to discount estimated future cash flows in determining the fair value of an investment property and interest rates on borrowings currently being incurred by the entity to acquire investment property.

Management Representations

63. The auditor and the audit firm should obtain written representations from management regarding the reasonableness of significant assumptions, including whether they appropriately reflect management’s intent and ability to carry out specific courses of action on behalf of the entity where relevant to the fair value measurements or disclosures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) The appropriateness of the measurement methods, including related assumptions, used by management in determining fair values within the applicable framework, and the consistency in application of the methods;

b) The basis used by management to overcome the presumption relating to the use of fair value set forth under the accounting system and standards which the entity applies;

c) The completeness and appropriateness of disclosures related to fair values under the accounting system and standards which the entity applies; and

d) Whether subsequent events require adjustment to the fair value measurements and disclosures included in the financial statements.

Communication with Those Charged with Governance

65. The auditor and the audit firm should communicate audit matters of governance interest with those charged with governance. Because of the uncertainties often involved with some fair value measurements, the potential effect on the financial statements of any significant risks may be of governance interest. For example, the auditor and the audit firm consider communicating the nature of significant assumptions used in fair value measurements, the degree of subjectivity involved in the development of the assumptions, and the relative materiality of the items being measured at fair value to the financial statements as a whole.

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 101/2005/QĐ-BTC ngày 29/12/2005 ban hành và công bố bốn chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (đợt 7) của Bộ trưởng Bộ Tài chính

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


7.134

DMCA.com Protection Status
IP: 3.12.162.179
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!