Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 417-NĐ Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Bộ Quốc Gia Giáo dục Người ký: Ca Văn Thịnh
Ngày ban hành: 10/09/1946 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ QUỐC GIA GIÁO DỤC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 417-NĐ

Hà Nội, ngày 10 tháng 09 năm 1946

 

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC GIA GIÁO DỤC

Chiếu theo sắc lệnh số 146 ngày 10 tháng 8 năm 1946 định các bậc học của nền giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;

Chiếu theo sắc lệnh số 147 ngày 10 tháng 8 năm 1946 về sự tổ chức và chương trình đại cương bậc học cơ bản;

Chiếu theo tờ trình của ông Tổng Giám đốc tiểu học vụ;

Sau khi Hội đồng Cố vấn học chính đã thảo hiệp.

NGHỊ ĐỊNH

Điều thứ 1: Bắt đầu từ niên học 1946-1947 các trường tiểu học nam nữ cũ sẽ gọi là trường cơ bản và chia ra làm bốn lớp: lớp tư, lớp ba, lớp nhì và lớp nhất.

Điều thứ 2: Chương trình học cơ bản cho tất cả bốn lớp đính theo bản nghị định này và sẽ thay chương trình chuyển tiếp từ niên học 1946-1947.

Điều thứ 3: Bảng chia giờ cho các môn dậy và cho các lớp đính theo chương trình.

Điều thứ 4: Các nam nữ giáo viên ngạch tiểu học cũ sẽ là nam nữ giáo viên bậc học cơ bản và dậy ở tất cả các lớp cơ bản. Nếu không đủ, các nam nữ giáo viên sơ cấp sẽ được cử dậy ở các lớp tư và lớp ba các trường cơ bản.

Điều thứ 5: Ông giám đốc Tiểu học vụ chiếu nghị thi hành.

 

 

Đ.L BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC GIA
GIÁO DỤC




Ca Văn Thịnh

 

LỜI NÓI ĐẦU VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐỨC DỤC

Mục đích đức dục là rèn cho trẻ những đức tính tốt, những tập quán hay cần cho một người công dân của nước độc lập dân chủ cộng hòa.

Muốn đạt được mục đích đó, chương trình đức dục không thể là một mớ bài luân lý để nhồi vào sọ đứa trẻ những lý thuyết suông về những điều thiện điều ác; những bài học học thuộc lòng (rồi đọc như vẹt). Trái lại thầy giáo phải chú trọng vào sự thực hành để rèn các tập quán cần thiết cho một trẻ em bậc tiểu học, để khi ra khỏi trường em đó đã thành người có tư cách. Vì lẽ đó nên 2 lớp dưới (lớp tư và lớp ba), không phải cho bài lý thuyết, thầy giáo tùy lúc, tùy hoàn cảnh, tùy trạng thái, tùy những việc xảy ra trong và ngoài học đường mà gây cho trẻ em những tập quán tốt. Lên 2 lớp trên (lớp nhì và lớp nhất), thì học trò đã nhớn nên có thể thêm phần luận thuyết để chúng hiểu về lý do những hành vi của chúng, nhưng cũng như ở hai lớp dưới ông thầy cũng không thể nhãng bỏ được việc rèn luyện các tập quán (những tập quán ghi trong chương trình đức dục thực hành).

Muốn thi hành chương trình rèn luyện tập quán được hoàn hảo, thày giáo nên ghi mấy điều sau đây:

a) Khi khuyên bảo học trò tập một nết hay thì kiêng dùng chữ “phải” thí dụ: “em phải giữ gìn sách vở sạch sẽ”. Tại sao? Tại “phải” là bắt buộc mà đối với trẻ em thì những cái bắt buộc là những cái chúng không thích, trước mặt mình chúng miễn cưỡng phải theo, nhưng vắng mặt mình thì đâu lại hoàn đấy. Vậy thày giáo nên nói “em muốn đẹp thì giữ sách vở cho sạch sẽ vì có sạch sẽ mới đẹp”.

b) Khi một em có một nếp xấu mà thày giáo muốn trừ thì tối kỵ là mắng mỏ nhiếc móc, không những vô ích lại còn có hại. Thày giáo nên tìm cái mầm tốt trái lại mà em ấy đã sẵn có, rồi giúp em làm cho mầm ấy ngày một nẩy nở. Khi mầm tốt lên đã mạnh thì mầm xấu sẽ lụi đi.

c) Những chuyện vặt thường ngày, những thí dụ rút ở sự thực hay ở chuyện danh nhân trong xử và trong sử sẽ là những tài liệu làm cho học trò nhận thấy giáo lý một cách rõ ràng, và sẽ có cái công kích thích lòng trẻ.

d) Trẻ có tính hay bắt chước, vậy đối với chúng nhất là đối với trẻ lớp tư, thày giáo nên tránh những lời nói thô tục, những đầu đề xấu xa, những thái độ nóng nảy, nên dùng lối tích cực, nghĩa là vấn đề gì cũng nêu những cái hay, cái tốt, cái đẹp để hướng chúng về cái tốt điều thiện.

đ) Thày giáo nên giao thiệp mật thiết với gia đình để xem xét hành vi của trẻ lúc ở nhà và hợp tác với gia đình xây nền đức dục cho con trẻ. Hay nhất là tạo cho đoàn trẻ một hoàn cảnh tốt đẹp để chúng tự nhiên hướng về điều thiện và chính nghĩa.

e) Thày giáo nên có một quyển sổ tay để biên riêng tính nết từng em mà sửa chữa.

g) Sau hết, các khẩu hiệu cũng giúp cho sự rèn luyện đức dục được nhiều, vậy thày giáo nên lợi dụng.

I. CHƯƠNG TRÌNH ĐỨC DỤC THỰC HÀNH

Lớp tư. – Không bài, không có giờ nhất định, hoàn toàn thực hành. Tùy lúc, tùy hoàn cảnh, tùy trạng thái, tuỳ những việc xảy ra trong và ngoài học đường mà gây cho trẻ những đức tính sau đây (không bắt buộc theo thứ tự).

Thực hành – vui vẻ - sạch sẽ - ăn nói lịch sự - lễ phép (gọi dạ, bảo vâng, biết chào, biết xưng hô, biết cám ơn) – bạo dạn – vệ sinh chung (không nhổ bậy, không đại tiểu bậy, không đổ rác bậy…) vệ sinh về ăn uống (không ăn quà – không uống nước lã…) Ham thể dục.

Lớp ba.- không có bài và giờ nhất định – Chương trình lớp tư. Thêm: đúng giờ, trật tự - thẳng thắn (không lấy của người – được vật gì của ai không giữ làm của mình). Yêu thương mọi người (không chơi ác, giúp đỡ lẫn nhau, không nói xấu…) – Yêu thương loài vật (vô cớ không đánh chó, đánh mèo, không bắt hay giết các con vật nhỏ…).

Lớp nhì. – Có nhờ nhất định, có bài. Nhưng vẫn chú trọng về phần thực hành – Chương trình hai lớp trên.

Thêm: giữ gìn của công (không phá hủy đồ đạc công, không vẽ bậy lên tường, không phá cây, ngắt hoa ở chỗ đất công, không đi tạt lên nơi có giồng giột…)

Trọng lời hứa trọng danh dự (không để cho bị mắng, bị phạt, ganh đua cho bằng anh em…) Chí tự lập (không chép bài của anh em…) Không cờ bạc (đánh đáo, đánh bài ăn tiền …) Tiết kiệm.

Lớp nhất. – Có bài và giờ nhất định như ở lớp nhì – Chương trình ở lớp trên.

Thêm: tinh thần kỷ luật. Nhận trách nhiệm – tận tâm với chức vụ, có tổ chức, có sáng kiến, tinh thần tập thể. Cho học trò tham gia vào các công cuộc xã hội cứu tế, dục anh, sửa sang đường xá, giữ gìn giếng…

Cước chú: Trong bản chương trình đức dục thực hành chỉ kể những đức tính mà ông thày có thể hàng ngày rèn luyện cho trẻ trong phạm vi học đường. Còn những đức tính khác nói trong phần đức dục lý thuyết mà không kể trong bản chương trình đức dục thực hành, ông thày tùy theo trường hợp, tùy theo hoàn cảnh mà rèn luyện cho trẻ. Về việc thực hành ở những trường có nhiều giáo viên, các ông giáo phải đồng ý với nhau để cho việc rèn luyện được nhất trí. Thí dụ trong việc dạy về lễ phép các ông giáo phải đồng ý về cách xưng hô, cách xử trí, cách chào hỏi của học trò tất cả các lớp.

II. ĐỨC DỤC (phần lý thuyết)

LỚP NHÌ.

1) Bổn phận trong gia đình.

Bổn phận đối với ông bà cha mẹ. Bổn phận đối với anh chị em. Trách nhiệm huynh trưởng. Bổn phận đối với họ hàng. Bổn phận đối với người giúp việc.

2) Bổn phận ở học đường

Bổn phận đối với thày: vâng lời, tôn trọng, yêu mến, biết ơn. Bổn phận đối với bạn: yêu mến nhau, giúp đỡ lẫn nhau – bênh vực kẻ yếu. Bổn phận đối với thày và bạn sau khi thôi họcl

3) Bổn phận đối với mọi người

Lễ phép. Giúp đỡ kẻ khó, kẻ tàng tật, giúp đỡ mọi người. Xã giao ở ngoài đường, ở nơi đông người. Trọng lời hứa. Khiêm tốn.

4) Bổn phận đối với bản thân

Sạch sẽ - thứ tự - điều độ - luyện tập thân thể. Biết phòng xa và tiết kiệm. Tập sống giản dị. Tránh thói xa hoa.

LỚP NHẤT.

1) Bổn phận đối với bản thân.

Sự cố gắng. Rèn luyện tâm tính. Can đảm, trọng danh dự. Cái hại của tính ỷ lại. Chí tự lập. Hiểu biết trách nhiệm. Óc tổ chức. Óc sáng kiến. Tinh thần kỷ luật. Tinh thần tập thể. Sự chọn nghề. Lương tâm nhà nghề.

2) Bổn phận đối với mọi người.

Xã giao (ở trong một buổi họp hội đồng, ở phòng diễn thuyết, ở rạp hát, ở phòng bệnh…).

Công bằng, trọng tính mệnh, tài sản, danh dự của người khác.

Nhân ái: lòng tương trợ, tinh thần hy sinh.

3) Bổn phận đối với tổ quốc.

Sự biết ơn đối với tiền nhân đã có công khai thác cho tổ quốc. Sự cố gắng để giúp vào sự cường thịnh của tổ quốc. Trọng pháp luật. Đặt quyền lợi của quốc gia trên quyền lợi của cá nhân.

4) Bổn phận đối với nhân loại.

Sự thân thiện đối với các dân tộc khác.

LỜI NÓI ĐẦU VỀ CHƯƠNG TRÌNH CÔNG DÂN GIÁO DỤC

Mục đích của công dân giáo dục là rèn luỵên và trau giồi cho trẻ em những tập quán và tri thức cần thiết cho một người công dân ở nước dân chủ cộng hòa. Ở lớp tư và lớp ba phần tri thức chưa bàn đến, vì học sinh hãy còn nhỏ. Vào tuổi ấy, trẻ em cần được rèn luyện một cách thiết thực về phương diện tập quán tốt. Những tập quán về vệ sinh riêng, và vệ sinh chung, những cử chỉ hành vi ở nơi công cộng, ở trong đoàn thể đều phải do sự huấn luyện hàng ngày, xét nét hàng ngày trở nên thiên tính thứ hai của trẻ em. Những buổi chào cờ, những ngày quốc khánh, những lễ kỷ niệm các bật tiền liệt đều là trường hợp rất tốt để huấn luyện trẻ em về bổn phận của công dân đối với Quốc gia. Mỗi khi có hội đồng ủy ban hàng xã, cuộc tổng tuyển cử hay một công cuộc công cộng nào, giáo viên đều nên giắt trẻ em đến thăm qua để gợi trong óc chúng một chút ý niệm về đời sống và đời tập thể.

Lên lớp Nhì và lớp Nhất, trẻ em đã hiểu đôi chút, học đường có thể trau giồi cho chúng một ít trí thức dản dị về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, cách tổ chức của nước dân chủ cộng hòa cùng một vài vấn đề xã hội như là đời sống mới và hợp tác xã. Giáo viên vẫn tiếp tục công cuộc làm ở lớp dưới nhưng giảng thêm cho chúng những điều cần biết về mấy vấn đề kể trên. Trong sự giảng giậy, giáo viên sẽ cố sức dùng phương pháp cụ thể và lợi dụng các trường hợp thuận tiện để làm cho học sinh hiểu rõ quyền lợi của mình ở trong nước dân chủ cộng hòa và nghĩa vụ của mình đối với Quốc gia và dân tộc.

III. CHƯƠNG TRÌNH CÔNG DÂN GIÁO DỤC

LỚP TƯ. – Không có.

LỚP BA. – không có

LỚP NHÌ .

Cách tổ chức về hành chính trong làng, huyện, tỉnh.

Bổn phận người công dân ở trong làng. Tham dự vào các việc công ích trong làng và các làng lân cận. Trọng của công. Giữ vệ sinh chung. Cách xử trí ở chỗ đông người. Chỉnh thể nước dân chủ cộng hòa. Bổn phận và quyền lợi của một người dân nước dân chủ công hòa.

LỚP NHẤT.

Cách tổ chức nước Việt Nam về chính trị.

Bầu cử - Nghị viện – Ban thường vụ. Nội các Chủ tịch Chính phủ. Các bộ và các bộ trưởng. Hiến pháp. Luật pháp thường thức. Hợp tác xã. Đời sống mới.

LỜI NÓI ĐẦU VỀ CHƯƠNG TRÌNH VIỆT NGỮ

Khoa Việt ngữ ở trường tiểu học không có cao vọng đào tạo học trò thành những văn sĩ hoặc thi sĩ, mà chỉ có mục đích làm cho đứa trẻ khi thôi học có những tài liệu và biết dùng những tài liệu đó trong sự tiếp xúc hàng ngày hoặc để phát biểu cảm giác, tư tưởng của mình, hoặc để thâu nhận tư tưởng của người khác.

Từ nay, tất cả các khoa học đều dạy bằng tiếng Việt, vậy mục đích trực tiếp của khoa Việt ngữ là làm cho học trò có một công cụ cần thiết trong sự học tập.

Chương trình Việt ngữ gồm có:

1) Ngữ vựng,

2) Tập đọc và học thuộc lòng,

3) Chính tả và viết tập,

4) Tập làm văn,

5) Văn phạm.

Về môn ngữ vựng, có nhiều người sợ dạy nhiều chữ thường thấy và thường nghe làm trẻ chán và phụ huynh chúng coi thường những chữ học tập đều ở phạm vi đời sống hàng ngày, nhưng phần đông nói chưa được đúng, viết chưa được thạo vậy ta không nề hà gì mà không cho các em học cho kỹ, dùng cho đúng. Thày giáo nên tìm những tiếng thường dùng trong đời thực tế mà dạy cho học trò để chúng có đủ chữ dùng. Lên lớp nhất, nên để mỗi tháng một kỳ dạy riêng những tiếng mượn ở nước ngoài, những thuật ngữ, tân ngữ, những danh từ Việt Hán để cho học trò đọc các công văn, báo chí và sách mới có thể hiểu được.

Về tập đọc và học thuộc long, thày giáo nên chú ý vào cách đọc, bắt chúng đọc đúng, rõ từng tiếng, từng chữ, phân biệt tr với ch, x với s, d với gi, l với những, và đọc cho tự nhiên, không lè nhè, không ể à.

Về chính tả và ám tả nên để ý từng chữ, bắt viết thật rõ rang và cũng như tập đọc phân biệt những chữ ch, tr, x, s, d, gi, …

Về viết tập, nên bắt nét từ lúc đầu, bắt viết chon gay ngắn, đừng cho viết ngoáy, vì môn này có quan hệ đến tính nết trẻ em, cho các em viết ngoáy thì sau thành thói cẩu thả.

Về việc tập làm văn, tuy ở chương trình lớp tư chưa có, nhưng trong những giờ ngữ vựng và tập đọc thày giáo cũng nên tập cho học trò nói cho quen. Ở lớp nhất, về các bài phê bình, giải thích, thày giáo nên để cho học trò tự tìm và làm lấy, đừng gà hộ, vì làm như thế là làm mất cả tính của trẻ, mà mình lại không thể hiểu được tính tình của chúng.

Còn về văn phạm thì lên lớp nhì, lớp nhất mới có, vì môn này hơi khó, các trẻ nhỏ chưa biết được, vả lại mục đích chỉ cốt đặt những đại cương về ngữ pháp thì lên hai lớp trên học cũng đủ. Môn này không nên cho bài riêng, nên cho những bài tập đọc hay chính tả viết đúng mà dạy.

Muốn sự dạy Việt ngữ được dễ tấn tới, thày giáo nên nhớ:

1) Mỗi vấn đề sẽ làm chủ điểm cho tất cả các môn ngữ vựng, tập đọc, học thuộc lòng, tập làm văn, chính tả.

2) Chương trình Việt ngữ không phải đứng tách hẳn với chương trình của các môn học khác như đức dục, công dân giáo dục, lịch sử, địa lý…

Mà phải cố tìm cách cho chương trình các môn học ấy với khoa Việt ngữ có liên lạc với nhau.

IV. CHƯƠNG TRÌNH VIỆT NGỮ

I. Ngữ vựng

Lớp Tư. Học đường: Nhà trường, lớp học, đồ đạc dùng ở lớp học, thày giáo, học trò, anh em bạn, công việc ở nhà trường, các trò chơi, bổn phận học trò ở học đường.

Gia đình: Ông bà, cha mẹ, anh chị em, cô, dì, chú bác, cậu mợ, công ơn cha mẹ, bổn phận đối với các người trong gia đình, cách xưng hô.

Thân thể: Các bộ phận bên ngoài của thân thể. Công dụng của mỗi bộ phận. Những cử động của thân thể. Vệ sinh (rửa, tắm, xỉa răng, đánh răng, chải tóc).

Quần áo: Các thứ đồ rệt thường dùng (vải lụa …) Các thứ quần áo Việt Nam (áo dài, áo cánh, quần dài, quần đùi…) khăn, giầy dép, nón, mũ. Giặt dũ, cách giữ gìn quần áo.

Nhà cửa: Các thứ nhà (nhà gạch, nhà danh, nhà lá…) Các gian nhà. Đồ đạc thường dùng trong nhà. Vệ sinh về nhà cửa.

Ăn uống: Các thứ đồ ăn thường. Các thứ đồ uống thường. Các đồ dùng trong sự ăn uống. Vệ sinh về ăn uống.

Súc vật: Gia súc, Dã thú, Chim, Cá. Chăn nuôi, săn bắn, nghề đánh cá, các thú trẻ thường thấy.

Thời giờ: Tuần lễ, tháng, năm, 4 mùa, thời tiết (nắng, mưa, ấm, mát, nóng, rét) Các đồ dùng để biết ngày giờ: đồng hồ, lịch.

Lớp Ba. Gia đình: Gia tộc, tổ tiên, cụ họ nội, họ ngoại, anh chị em họ (con chú, con bác, con cô, con cậu, đôi con dì). Anh em cùng cha khác mẹ. Mồ côi, tình cảm.

Thân thể: Các bộ phận bên trong, bệnh tật.

Quần áo: Các thứ áo ta (đơn, kép, bông). Các bộ phận của một chiếc áo, chiếc quần. Các bộ phận của một bộ âu phục. Các thứ giày mũ.

Ăn uống: Các thứ đồ ăn. Các thứ đồ uống. Cách làm các thức ăn, uống (xào, nấu, ninh…)

Nhà cửa: Nhà sàn, nhà gác, lều, túp, các phòng trong một nhà gạch. Các đồ đạc dùng trong nhà.

Súc vật: Dã thú, Ác thú. Chim. Cá. Rừng, núi. Chăn nuôi. Săn bắn. Bế. Nghề đánh cá.

Thôn quê: Nhà cửa, vườn, ruộng, công việc đồng áng,

Thành thị: Nhà cửa, phố xá, xe cộ.

Nghề nghiệp:Các nghề nghiệp. Đồ dùng của thợ.

Lớp Nhì. Học đường: Các nhân viên trong học đường: hiệu trưởng, chưởng giáo, học sinh. Các môn học ở bậc tiểu học.

Thôn quê và thành thị: Công sở, dinh thự. Cách sinh hoạt ở thôn quê và ở thành thị. Phong tục, cưới xin, ma chay, tế lễ. Các cơ quan hành chính.

Thương mại: Cửa hàng. Chợ, hàng hoá. Cách buôn bán. Các đồ dùng về đo lường. Cân.

Giao thông: Sự giao thông và các cách vận tải.

Vũ trụ: Trời đất. Các hiện tượng trong trời đất. Thời tiết. Các khí cụ để biết thời tiết.

Lớp Nhất. Sự hoạt động về thể chất: Các môn thể thao.

Sự hoạt động về tinh thần: Các bậc học. Các khoa chuyên môn. Các nhà bác học. Phòng thí nghiệm. Sự sáng chế.

Kỹ nghệ và thương mại: Đại kỹ nghệ. Tiểu kỹ nghệ. Thủ công nghệ. Xuất cảng. Nhập cảng. Hải cảng. Ngân hàng. Tiền tệ.

Xã hội: Chủng tộc. Tôn giáo. Các chính thể.

Binh bị: Quân nhân. Võ khí. Cơ quan binh bị. Chiến tranh. Hòa bình.

II. Tập đọc và học thuộc lòng.

Lớp Tư. - Tập nhận và nhớ mặt chữ quốc ngữ, đọc từng chữ một, từng âm tiết một, từng tiếng một, rồi đến câu ngắn. Bắt đầu nửa năm học về sau, học trò đã phải biết đọc từng bài ngắn. Cho học thuộc lòng những câu phương ngôn và ca dao có ý nghĩa, hoặc có tương quan đến chương trình ngữ vựng. Trong lúc học trò chưa biết đọc, biết chép bài thì thày giáo nên dùng lối dậy truyền khẩu mà tập cho học trò lặp đi lặp lại những câu nên nhớ, những bài học thuộc lòng.

Lớp Ba. - Tập đọc và học thuộc lòng những bài ngắn có tương thích tới chương trình đức dục và ngữ vựng, những ca dao có ý vị, những bài hát phổ thông, chú ý đến cách phát âm và giọng.

Lớp Nhì. - Tập đọc, giải nghĩa, học thuộc lòng những bài ngắn bằng văn xuôi và văn vần có tính cách luân lý thiết thực. Nên chọn những bài văn mới mẻ và có tinh thần ái quốc, ái quần. Tập đọc cho trôi chảy và có ý vị đọc cho tự nhiên, đừng ngâm, đừng ề à.

Lớp Nhất. - Tập đọc, học thuộc lòng những bài trích ở tác phẩm của các văn sĩ thi sĩ và các nhà chí sĩ hiện đại, tập cho quen các lối văn để tập cho học trò phê bình giải thích. Đọc những tác phẩm khuynh hướng về công đức, về chủ nghĩa quốc gia, về đời sống tập thể, về chế độ dân chủ cộng hoà.

III. Văn phạm và chính tả.

Lớp Tư. – Văn phạm (không có)

Chính tả: chép và viết chậm từng chữ, những tiếng đã học ở bài tập đọc.

Lớp Ba. – Văn phạm (không có)

Chính tả: viết những bài ngắn độ 3, 4 dòng trích ở bài tập đọc.

Lớp Nhì. – Văn phạm: dùng tiếng đặt câu.

Chính tả: ám tản những bài ngắn 5, 6 dòng ăn ý với chương trình ngữ vựng.

Lớp Nhất. – Văn phạm: Các loại tiếng, cách dùng các loại tiếng, mệnh đề, phân tích mệnh đề, (dùng bài chính tả mà học văn phạm).

Chính tả: ám tả những bài dài từ 10 đến 15 dòng ăn ý với chương trình ngữ vựng và văn phạm.

Câu hỏi: giải nghĩa những chữ thông thường, tìm ý nghĩa chính của bài chính tả, phân tích các tiếng và các mệnh đề.

IV. Tập làm văn

Lớp Tư. – Không có.

Lớp Ba.

1) lấy những tiếng đã học trong ngữ vựng mà diễn vào những câu thiếu.

2) trả lời những câu hỏi về chương trình trong tuần lễ (ngữ vựng, tập đọc, học thuộc lòng).

3) tập đặt câu với những tiếng đã học về ngữ vựng (làm miệng rồi mới làm bài viết).

Lớp Nhì.- Tả cảnh, tả người, kể chuyện, viết thư rất dễ hợp với đời sống hàng ngày của học trò.

Lớp Nhất. - Nửa năm đầu, ôn lại các thể văn đã tập ở lớp nhì.

Nửa năm sau, tự thuật, đơn từ, giải nghĩa, phê bình.

V. Viết tập

Lớp Tư. - Tập viết những chữ và những tiếng thường lớn nửa dòng (tháng đầu viết bằng phấn, tháng thứ nhì viết bằng bút chì, tháng thứ ba giở đi viết bằng bút mực).

Lớp Ba. - Tập viết những tiếng, những câu ngắn lớn nửa dòng.

Lớp Nhì. - Tập viết những chữ thường và những chữ hoa lớn cả dòng, viết những câu ngắn có ý nghĩa.

Lớp Nhất. – Cũng như chương trình lớp nhì, thêm chữ rông.

LỜI NÓI ĐẦU VỀ CHƯƠNG TRÌNH TOÁN PHÁP

Chương trình toánh học soạn theo những nguyên tắc sau này:

1) chỉ chọn lấy những điều cốt yếu cần cho đời sống mà dậy cho học trò,

2) đào tạo cho trẻ con có khuôn phép và khuynh hướng về thực tế.

Theo hai nguyên tắc ấy, chương trình sẽ gồm những điều cần thiết cho đời sống và các bài dạy toán pháp sẽ có liên lạc mật thiết với công việc hàng ngày. Những con số dùng phải là những danh số thường gặp chung quanh mình; những ti dụ, đề mục đều phải lấy trong sự kinh nghiệm hàng ngày. Ở các lớp bé, cần có nhiều vật nhỏ như hột ngô, hột đậu, thẻ tre cho trẻ đếm.

Cũng vì những lẽ ở trên, nên phương pháp dạy toán là phải “dậy ít, tập nhiều”.

Ở tất cả các lớp, thầy giáo nên chú trọng về tính nhẩm, tập làm sao cho học trò làm thật nhanh, thật đúng, thì khi ra đời mới có ích. Vậy nên chia chương trình tính nhẩm như sau đây:

Ở lớp Tư và lớp Ba, phần nhiều làm miệng, chỉ mỗi tuần một vài lần tập làm trên giấy thôi.

Lên lớp Nhì, nên dạy tính nhẩm có phương pháp đủ cả bốn phép cộng, trừ, nhân, chia.

Lên lớp Nhất, mỗi kỳ dạy toán pháp cũng để dăm phút ôn tính nhẩm và khi làm tính đố nên cho học trò làm các tính dễ bằng miệng, không phải đặt xuống giấy, chỉ làm lời giải thôi.

Về đo lường và hình học, nên cho thực hành sát sự thực cho quen, thí dụ học về cân thì cho cân thật, học về đo ruộng thì cho ra vườn ra ruộng đo thật.

Về ước lượng, thì cho ước lượng chiều dài, sức nặng, thời giờ, sức chứa, tập ước lượng khi ở trong lớp, khi ra chơi, khi hoạt động thanh niên và trong các cuộc đi chơi. Bắt trẻ đo và nhớ lấy chiều dài một gang, một sải, một cánh tay, một bước của mình để khi không có thước cũng đo được.

V. CHƯƠNG TRÌNH TOÁN PHÁP

Lớp Tư. – Tập đếm các đồ vật từ 1 đến 10 và từ 10 đến 100 (đếm ngược và đếm xuôi). Một chục, một tá.

Tập viết những số từ 1 đến 100.

Thêm bớt 1, 2, 3, 4.

Gấp đôi, một nửa. Tiền tệ nước nhà.

(Nửa năm đầu toàn làm bằng miệng, và tập cho học trò làm thật nhanh, nửa năm sau thầy giáo đã có thể tập cho học trò làm những tính cộng, trừ số nguyên với 2 con số).

Lớp Ba. - Tập đếm các đồ vật từ 100 đến 1000 (đếm ngược và đếm xuôi). Tập viết những số từ 100 đến 1000.

Thêm bớt 5, 6, 7, 8, 9.

Học bảng cộng.

Gấp đôi, gấp ba, gấp tư.

Một nửa, một phần ba, một phần tư.

Tập làm tính cộng, trừ số nguyên với 3 con số.

Làm những tính đố nhỏ có tính cách thiết hực thuộc về cộng, trừ 3 con số.

Tập đo chiều dài, học về tiền tệ nước nhà.

Lớp Nhì. - Học các số trên 1000 và tập viết các số ấy.

Học các số lẻ,

Cộng trừ các số nguyên và số lẻ,

Học bảng nhân.

Nhân, chia các số nguyên và số lẻ.

Tính đố về 4 phép tính.

Tính nhẩm về bốn phép có phương pháp.

Tập đo chiều dài, đong lường, cân và tập ước lượng.

Học các đường, các góc, hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác, hình chữ nhật lệch, hình thang, hình thoi.

Lớp Nhất. – Tính nhẩm có phương pháp.

Tính giờ và cộng, trừ, nhân, chia về thời giờ

Phân số và cộng, trừ, nhân, chia về phân số.

Qui tắc tam xuất.

Tính tiền đặt lãi.

Chia tiền theo tỷ lệ.

Tính cổ phần.

Thước vuông, sào mẫu.

Thước khối.

Mật độ.

Đường tròn, hình tròn, hình vành khăn, hình nhiều cạnh, khối vuông, khối chữ nhật, khối lăng trụ, khối viên trụ, khối ống, khối tháp, khối chóp, khối tròn.

(Học cái gì thì cho làm nhiều tính đố ứng dụng về cái ấy).

LỜI NÓI ĐẦU VỀ KHOA HỌC THƯỜNG THỨC

Mục đích khoa học thường thức là dạy cho trẻ biết dùng ngũ quan, làm cho trẻ quan sát cùng trí phán đoán được mở mang và nhất là truyền thụ cho chúng biết những điều thường thức cốt yếu cần cho đời sống.

Vậy những bài khoa học thường thức phải có tính cách cụ thể nghĩa là dạy một hiện tượng gì, một con vật gì hay một đồ vật gì, muốn cho bài ấy thật bổ ích, đứa trẻ phải đứng trước hiện tượng ấy, phải có con vật, cái cây hay đồ vật ấy để nhận xét; muốn cho có sẵn tài liệu, mỗi trường cần có một học cụ khố thật đầy đủ.

Những bài khoa học thường thức lại phải có tính cách thực hành để trẻ có thể ứng dụng hàng ngày: những bài ấy lại cần thích hợp với địa phương nữa. Ở nhà quê, chú trọng về canh nông; ở thành phố, chú trọng về kỹ nghệ; ở bể chú trong về ngư nghiệp, về kỹ nghệ làm muối làm nước mắm; ở miền rừng núi, chú trọng về chăn nuôi, kỹ nghệ lâm sản và sự khai khẩn hầm mỏ, …

Bài khoa học thường thức không những chỉ dạy ở trong lớp, nhiều khi giảng ở ngoài giời, nhất là trong những buổi học du ngoạn.

Bài khoa học thường thức là một bài nhận xét. Khi học một vật gì cần đưa vật ấy ra cho học trò quan sát để định lấy tính chất của vật ấy, nghĩa là ông thầy không phải giảng mà chỉ gợi bằng những câu hỏi khéo léo để trẻ tìm ra những điều mình định dậy. Những điều tìm thấy sẽ ghi lần lượt lên bảng để làm bài toát yếu. Bài toát yếu cần thực ngắn. Lại cần có những phác hoạ để làm cho bài dễ nhớ.

Câu hỏi phải rõ ràng cho trẻ dễ hiểu, phải cho đích sác cho trẻ để ý đến những điều quan hệ và có thứ tự cho trẻ có cái cảm giác đã có tiến bộ trong đường phát minh.

VI. CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC THƯỜNG THỨC

Lớp Tư. – Không có bài. Chỉ có những giờ để học trò nhận xét về:

a) những đồ vật liên quan đến đời sinh hoạt hàng ngày: ăn uống, y phụ, tắm rửa.

b) những đồ vật trong nhà,

c) vườn dược: các hoa quả,

d) các giống vật thường,

đ) giờ, ngày, tuần lễ, tháng, bên trái, bên phải, luật đi đường.

Lớp Ba. – Thân thể người ta và các bộ phận

Các con vật biểu hiện cho từng loài: chó, mèo, trâu (bò), ngựa, chuột, (thỏ), gà, vịt, cò, bồ câu, chim sẻ, thằn lằn, rắn nước, rắn hổ mang, ếch, cóc, cá rô, cá chép, ong, kiến, bươm bướm, ruồi, muỗi, trai, ốc, giun.

Bên trái, bên phải, luật đi đường.

Cách xem giờ và xem lịch.

Phương hướng, các mùa.

Lớp Nhì. – Thân thể người ta: ngũ quan, sự tiêu hoá, sự hô hấp, sự tuần hoàn, sự bài tiết, thần kinh hệ.

Động vật: các loài, các con vật có ích và các con vật có hại.

Thực vật: các bộ phận của cây, những cây có ích, quả đất, bầu giời, mặt giời, mặt giăng, sao, nhật thực, nguyệt thực, gió, bão, mây, mưa, sương mù, nước thuỷ triều, nước lũ, lụt.

Lớp Nhất. – Khoáng vật: đá, đất sét, cát, đá vôi, than đá, muối, dầu hoả.

Kim khí: vàng, bạc, sắt, đồng, chì, thiếc, kẽm.

Trọng lực, trọng lượng, nguyên tắc đòn bẩy, các thứ câ.

Không khí, sự chạy, áp lực của không khí: phong vũ biểu, khí cầu, máy bay.

Nước, áp lực của nước, các vật nổi (thuyền, bè, tầu thuỷ), nguyên tắc bình thông nhau.

Ba trạng thái của vật thể, các sự đổi thể.

Hơi nóng, sự nở của các vật: hàn thử biểu.

Máy hơi nước, máy nổ.

Điện, sấm, chớp, đèn điện, xe điện, điện báo, điện thoại, chuông điện, vô tuyến điện, cột thu lôi.

Máy ảnh, máy hát.

LỜI NÓI ĐẦU VỀ CANH NÔNG, CHĂN NUÔI KỸ NGHỆ, THUỶ LÂM

Lên lớp Nhất, học trò đã sắp thôi học, nên cần dạy để họ chú ý đến nghề thường thức ở vùng họ.

Các trường tỉnh nên chú trọng về công nghệ.

Các trường thôn quê nên chú trọng về canh nông và chăn nuôi.

Các trường thượng du nên chú trọng về thuỷ lâm.

Các trường miền bể nên chú trọng về công nghệ đánh cá, phơi cá, ướp cá.

Các môn này nên dạy bằng cách thực hành và cho học trò đi xem để nhận xét tận nơi.

VII. CHƯƠNG TRÌNH DẠY VỀ CANH NÔNG, CHĂN NUÔI, KỸ NGHỆ, THUỶ LÂM

Canh nông. – Cách làm đất – Cách ương hạt và trồng các thứ cây: rau, đậu, ngũ cốc, cây có củ, cây đậu, cây ăn quả - Các thứ phân và cách bón – Cách để phân – Cách tưới cây – Các sâu bọ làm hại cây và các cách trừ - Cách tiếp cành và triết cây – Cách chọn và để hạt giống. Các đồ dùng về canh nông.

Chăn nuôi.- Cách chăn nuôi và săn sóc các gia súc như trâu, bò, ngựa, lợn, gà, vịt, chim bồ câu, thỏ - Cách nuôi tằm – Cách làm chuồng cho các gia súc.

Công nghệ. – Làm bún, làm miến, làm các thứ bột, ép dầu, làm nến, làm sà phòng, thuộc da, làm đường, máy sợi, máy gạo.

Công nghệ miền bể. – Cách đánh cá – Cách làm muối – Cách làm nước mắm – Cách làm các thứ mắm – Cách ướp cá.

Thuỷ lâm. – Ích lợi của rừng – Cái hại phá và đốt rừng – Cách đốn rừng, cách chặt cây, cách đốt rừng, cách ương rừng – Các thứ cây chính trong rừng và các lâm sản – Cách làm than củi.

LỜI NÓI ĐẦU VỀ CHƯƠNG TRÌNH VỆ SINH

Mục đích vệ sinh là giữ gìn cho trẻ em được khoẻ mạnh.

Muốn giữ được sức khoẻ cần hai điều cốt yếu:

a) ăn ở sạch sẽ,

b) đề phòng các bệnh tật.

Chương trình vệ sinh qui cả vào hai điều ấy.

Khoa vệ sinh không phải chỉ là một khoa học để mà biết về khoa này, sự thực hành là một sự bắt buộc.

Ở lớp Tư và lớp Ba không có bài và giờ nhất định. Ông thầy nên lợi dụng những trường hợp thuận tiện mà cho trẻ thực hành những điều thiết yếu về vệ sinh riêng và vệ sinh chung.

Khi thực hành, cần chỉ rõ cách thức và xét từng li từng tí để tập cho trẻ tính thứ tự và cẩn thận.

Cần nhất là làm thế nào cho đứa trẻ tự nó thích ăn ở hợp vệ sinh, thiếu vệ sinh nó sẽ thấy khó chịu, khổ sở. Chỉ có cách là gây cho nó những tập quán vệ sinh bằng sự thực hành hàng ngày những điều thiết yếu về sự bảo vệ sức khoẻ.

Từ lớp Hai trở lên đã có bài và các bài phải ăn ý mật thiết với chương trình cách trí. Thí dụ: bài cách trí nói về tiêu hoá, tuần hoàn … thì vệ sinh tiêu hoá, tuần hoàn dạy ngay vào đấy.

Bài chỉ để ghi một vài điều cho dễ nhớ, còn thực hành vẫn là phần chính.

Vệ sinh giúp cho sự cải tạo nòi giống và làm cho đời người được sung sướng hơn nhờ có một sức khoẻ đầy đủ. Vì lý do ấy, khoa vệ sinh là một khoa rất quan trọng trong chương trình vậy.

VIII. CHƯƠNG TRÌNH VỆ SINH

Lớp Tư. – Không có bài và giờ nhất định, hoàn toàn thực hành vào trường hợp thuận tiện để gây những tập quán về vệ sinh.

Thân thể - Rửa tay, mặt, tai, cổ ,chân, tắm, gội đầu, chải đầu, xỉa và đánh răng, cắt móng tay, móng chân, xỉ mũi, không dụi mắt, không mút ngón tay, không nhai áo. Ngồi ngay ngắn, không tựa ngực vào bàn.

Quần áo - Quần áo giữ cho sạch sẽ. Quần áo bẩn bắt thay ngay.

Đồ ăn, đồ uống - Rửa tay, mồm, trước khi ăn cơm, không ăn các thứ không đậy kỹ, không ăn quà vặt, không uống nước lã, không ăn quả xanh, rau sống.

Nhà cửa – Không nhổ bậy, không bôi bẩn ra tường, viết lên bàn ghế.

Chung quanh mình – Không ném giấy, rác.

Lớp Ba. – Không có bài, cũng không có nhờ nhất định như ở lớp tư.

Thân thể - Thở bằng mũi, không ngoáy mũi bằng ngón tay, không ngoáy tai bằng các vật cứng, tắm và kỳ cọ, không tắm và không chạy nhẩy lúc ăn no, có mồ hôi không đứng trong luồng gió và không tắm, đọc không được để sách gần mắt, ngủ dậy sớm.

Quần áo – Không mặc quần áo chặt quá, không thắt lưng chặt quá.

Ăn uống – Nhai kỹ để ăn, không ăn no quá, không ăn đồ ăn sống hay thiu, uống nước lã đã đun sôi.

Nhà cửa - Rẩy nước trước khi quét nhà, dùng chổi cán dài, mở rộng cửa cho ánh sáng và không khí vào.

Chung quanh mình – Không phóng uế bậy.

Lớp Nhì.- Có bài và có giờ nhất định.

Thân thể - Da, miệng, răng, tóc, mắt, mũi, tai, thể dục, tắm rửa, vệ sinh về ăn uống, về hô hấp, về tuần hoàn, về thần kinh hệ.

Quần áo - Quần áo phải thế nào, cách dặt quần áo, cách giữ gìn quần áo.

Ăn uống – Ăn uống chừng mực, sạch sẽ, bài trừ thói ăn kiêng không hợp lý, các đồ ăn đồ uống lành, bổ, các đồ ăn đồ uống có hại. Cách để đồ ăn.

Nhà cửa – Nhà cửa phải thế nào, cách giữ nhà cửa cho hợp vệ sinh. Chung quanh nhà cửa phải thế nào. Cách trừ ruồi, muỗi, rệp.

Chung quanh mình – Không đổ rác, quẳng sác súc vật chết xuống hồ, ao, sông, bên hay gần nhà cửa.

Lớp Nhất. – Các bệnh thường: nhức đầu, sổ mũi, đau bụng, đầy bụng, đi ngoài, cảm thường. Ký sinh trùng và vi trùng.

Các bệnh hay lây và bệnh dịch: ghẻ, run, sán, đau mắt, đậu mùa, lỵ, tả, thương hàn, ho lao, đau màng óc, sốt rét ngã nước, sốt định kỳ, bệnh chấy rận. Bài trừ cách dùng thuốc nhầm. Cách nuôi người ốm.

Cứu thương và cấp cứu: Bỏng, bụi vào mắt, chảy máu cam, chết ngạt, chết đuối, ngắt, thở nhân tạo, đứt mạch máu, bong gân, trẹo chân, sai khớp xương, gẫy xương, rắn cắn, chó dại cắn, rửa và băng bó các vết cáng, khiêng người bị thương.

LỜI NÓI ĐẦU VỀ CHƯƠNG TRÌNH LỊCH SỬ

Mục đích khoa lịch sử là dạy cho trẻ em biết:

- gốc tích nước Việt Nam

- yêu tổ quốc

- làm phận sự người công dân với tổ quốc.

Trẻ em Việt Nam cần biết nước Việt Nam đã có từ bao giờ. Ai là người đã gây dựng nền giang sơn tổ quốc, ai là kẻ tô điểm bồi đắp nền văn hoá quốc gia, ai đánh đuổi quân thù để bảo toàn lãnh thổ cho nước, giữ vững độc lập cho dân, thời đại nào nước Việt Nam ở vào cảnh đô hộ tàn khốc, thời đại nào dân Việt Nam ca khúc khải hoàn?

Tóm lại, trẻ em Việt Nam cần phải noi theo gương các đấng danh nhân đã làm vẻ vang cho tổ quốc; noi theo gương sáng ấy để nâng cao lòng can đảm, chí hy sinh, nghĩa hợp quần, lòng ái quốc để cố gắng học hành, tiến thủ, ngõ hầu phát huy và quảng đại sự nghiệp của tiền nhân để lại cho mình.

Học lịch sử nước nhà, trẻ em sẽ biết trọng pháp luật, nền tự do và hiểu rõ quyền lợi của dân và của nước.

Dạy sử phải bỏ hẳn lối cũ chuyên về tiểu sử các vua chúa. Trái lại, chỉ nên chú trọng đến sự nghiệp các vị anh hùng có công với đất nước và cần làm nổi bật tình hình xã hội trong từng thời đại một về các phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá cùng sự tranh đấu của quần chúng và ảnh hưởng của các cuộc tranh đấu ấy đối với sự tiến triển của dân tộc;

Dạy lịch sử tức là làm sống lại cái quá khứ. Bài giảng phải hết sức rõ ràng, khúc triết, lời nói phải cảm động hùng hồn, khiến trẻ vui vẻ, phấn khởi trước sự vinh quang của tổ quốc, căm tức, phẫn uất trước sự uy hiếp đè nén của kẻ thù. Cần có nhiều tài liệu (tranh ảnh, địa đồ, công văn, ấn tín, tiền, đồ vật cổ) để cụ thể hoá cho dễ.

Ở lớp tư và lớp ba, trí trẻ còn non nớt chưa có thể học hẳn lịch sử theo thời đại. Ở lớp tư thì kể các chuyện cổ tích, chuyện các bật có tiếng trong vùng, chuỵên các nhà khoa học, chuyện các cuộc thám hiểm. Lên lớp ba thì kể chuyện các danh nhân trong lịch sử, và nếu trong vùng có nhiều nơi cổ tích thì cho học trò đi thăm, vừa làm cho trẻ vui thích lại vừa làm cho chúng cảm thấy những việc dĩ vãng hơn là hiểu biết.

Từ lớp nhì trở lên, sử học mới dạy theo thời đại, song chỉ nên chú ý đến việc lớn, không cần tiều tiết để học trò có thể thấy trạng thái toàn thể dĩ vãng cùng hiện tại của cả dân tộc, chứ không phải của một người hay một việc trong thời gian.

IX. CHƯƠNG TRÌNH LỊCH SỬ

Lớp Tư - Kể các chuyện cổ tích, các chuyện theo tranh vẽ, chuyện các bậc có tiếng trong vùng, chuyện các nhà khoa học, chuỵên các cuộc thám hiểm.

Lớp Ba - Chuỵên danh nhân.

Thăm những nơi có vết tích lịch sử trong vùng. Kể cho học trò nghe những chuyện lịch sử các bậc anh hùng.

1. Cậu bé đuổi giặc Ân: Phù đổng Thiên vương.

2. Quả dưa đỏ: An Tiêm.

3. Cái nỏ thần: Mỵ Châu, Trọng Thuỷ.

4. Chuyện Lữ gia.

5. Thù chồng nợ nước: Bà Trưng.

6. Đầu voi phất ngọn cờ vàng: Bà Triệu.

7. Vua đồng lầy: Triệu Quang Phục.

8. Ngọn sóng Bạch đằng: Ngô Quyền.

9. Cờ lau tập trận: Đinh Tiên Hoàng.

10. Châu chấu đá voi: Lý Thường Kiệt.

11. Chẳng ăn vàng: Tô Hiến Thành.

12. Ông vua thương người: Lý Thánh Tôn.

13. Lòng quyết chiến: Trần Thủ Độ.

14. Vì nước quên thù riêng: Trần Hưng Đạo.

15. Vì nước quên thù nhà: Trần Hưng Đạo.

16. Lời thề sông Hoá: Trần Hưng Đạo.

17. Trận Bạch Đằng: Trần Hưng Đạo.

18. Đục thuyền quân Nguyên: Yết Kiêu.

19. Anh chàng bán than: Trần Khánh Dư.

20. Ngồi đan sọt mà lo việc nước: Phạm Ngũ Lão.

21. Anh hùng tí hon: Trần Quốc Toản.

22. Làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc: Trần Bình Trọng.

23. Một mình một ngựa phá tan giặc: Trần Nhật Duật.

24. Ông trạng thanh liêm: Mạc Đĩnh Chi.

25. Tước hầu đuổi giặc: Lê Đắc.

26. Người ấy là bậc cao hiền: Chu Văn An.

27. Cỗ đầu người: Nguyễn Biểu.

28. Mười năm bình định giặc Minh: Lê Lợi.

29. Lê Lai cứu chúa.

30. Trả thù cho cha, rửa hận cho nước: Nguyễn Trãi.

31. Luỹ thày: Đào Duy Từ.

32. Trận Đống Đa: Quang Trung.

33. Nhịn đói chịu đau mà chết: Nguyễn Tri Phương.

34. Thà chết không bỏ thành: Hoàng Diệu.

35. Doanh điền sứ: Nguyễn Công Trứ.

36. Vua Yên thế: Hoàng Hoa Thám.

37. Tháo nước giết giặc: Phan Đình Phùng.

38. Người ông chung của trẻ em: Hồ Chí Minh.

Lớp Nhì. – Lịch sử.

Nguồn gốc người Việt Nam, cách sinh hoạt về đời thượng cổ: nghề làm ruộng (nông khí bằng đá, nước thuỷ chiều), nghề đánh cá: tục vẽ mình.

Bắc thuộc thời đại: các Thái thú, các cuộc khởi nghĩa.

Ảnh hưởng về văn hoá và chính trị của Bắc thuộc.

Phục hưng thời đại: ngọn sóng Bạch Đằng: Ngô Quyền.

Giết 5 sứ quân: Đinh Tiên Hoàng.

Phá Tống đánh Chiêm: Lê Đại Hành.

Đánh Tống, đánh Chiêm, việc nội trị và công việc nhân đạo của nhà Lý.

Hội nghị Diêm hồng, đuổi giặc Mông cổ, hai lần phá quân Nguyên, tổ chức nền nội trị, xây dựng nền văn hoá: nhà Trần.

Văn nôm và Hàn thuyên.

Sáng kiến và chính trị nhà Hồ.

Vì lẽ gì nhà Hồ bị giết và nhà Minh đặt nền đô hộ ở nước ta?

Chính sách đô hộ của nhà Minh.

Mười năm bình định: Lê Lợi.

Văn hoá và chính trị của Lê Thánh Tông.

Công việc xã hội của nhà Lê. Cớ sao nhà Lê mất nước về nhà Mạc.

Lớp Nhất. - Lịch sử

Nhà Mạc.

Công và tội của Trịnh và Nguyễn.

Nhà Tây sơn, Quang Trung đại phá quân Thanh, công nghiệp và những cái nhầm của Gia Long.

Những cái nhầm của các vua nối nghiệp Gia Long. Tình hình Việt Nam trước hồi Pháp thuộc. Tại sao Pháp đánh lấy nước ta.

Người Pháp và chính sách đô hộ của người Pháp.

Phong trào cách mệnh và các cuộc khởi nghĩa: phong trào cần vương, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Đông kinh nghĩa thục, phong trào xuất dưỡng: Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Phau Chu Trinh, Vua Bãi sậy: cụ Tán Thuật, Thái Nguyên khởi nghĩa, Yên Bái khởi nghĩa,Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.

Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Ngày độc lập.

LỜI NÓI ĐẦU VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐỊA LÝ

Mục đích khoa địa lý ở các trường tiểu học là dạy cho học trò biết các điều cốt yếu về nước Việt Nam và các nước lân bang, rồi đến những địa thế về ngũ đại châu.

Khoa địa lý là một khoa nhận xét cần cho học trò trực tiếp với sự vật. Những khi không có thể, thì cho nhận xét tranh ảnh, địa đồ, vân vân. Do những sự nhận xét ấy, trẻ sẽ tìm ra những điều cần thiết trong bài.

Ở lớp Tư, học trò còn bé, không cần có bài, trong những lúc thuận tiện và nhất là trong những buổi đi chơi, ông thày chỉ cho học trò cái ao, cái hồ, đường xá, sông cái, sông con, tả ngạn, hữu ngạn, cầu cống,… Những cái mắt thấy tai nghe sẽ in xâu vào trí nhớ. Những bài khô khan trừu tượng với những định nghĩa phiền phức, tối tăm làm cạn óc trẻ, rất có hại cho sự phát triển của trí khôn.

Khi không quan sát trực tiếp được thì ông thầy lấy đất, cát, nước,…làm thành ra những hình thể mà học trò chưa từng trong thấy. Trái đất sẽ tượng chưng bằng quả cầu giấy, quả bưởi, quả bóng.

Từ lớp Ba giở lên đã có bài, song bao giờ cũng cho quan sát trước, rồi giải thích sau, cần dẫn học trò từ chỗ gần đến chỗ xa, từ chỗ dễ đến chỗ khó.

Dù học địa lý tỉnh mình cho đến địa lý các nước khác, khi nào cũng phải có tranh ảnh, địa đồ cho học trò xem xét. Địa đồ chỉ nên ghi những điểm đại cương cần thiết. Nhiều khi chỉ vẽ địa đồ cũng đủ, không cần ra bài, học trò sẽ trông vào địa đồ mà học.

Dạy địa lý cũng như dạy các khoa học khác, không nên quên cái mục đích thiết thực. Những điều dạy sẽ phải có ích cho đời sống và phải có tính cách “ giáo dục công dân”. Học trò có hiểu địa lý nước mình thì mới biết rõ công khai thác của tiền nhân. Nhờ vậy lòng yêu nước yêu nòi lại càng được phát triển.

Trong lúc học địa lý các nước lân bang và ngũ đại châu, những chi tiết có tính cách nhồi sọ phải bỏ hẳn mà chọn lấy những điều có tương quan đến nước mình về kinh tế, chính trị và văn hoá, những điều khiến học trò phải so sánh nghĩ ngợi về khả năng của nước mình để cho kịp người, hơn người.

X. CHƯƠNG TRÌNH ĐỊA LÝ

Lớp Tư. – Không có bài, không có giờ ở lớp.

Nhưng trong những cuộc đi chơi, tuỳ theo địa phương,thầy chỉ và giảng cho học trò biết: ao, hồ, đầm, sông đào, sông cái, sông con, lụt, lạch, suối, bể, đảo, bến thuyền, bến tầu, đèn bể, bờ đê, đường đất, đường đá, đường dựa, ngõ, cầu, cống, đập, chợ, tha ma, nhà hàng, điểm canh, đồng bằng, ruộng, vườn, nương mạ, bãi, đường hoả xa, nhà ga, nhà giây thép, đường giây thép, đường điện thoại, đường tầu điện, núi, đèo, đồi, gò, thung lũng, rừng, miểu, hầm mỏ.

Lớp Ba. - Lớp học, trường học, làng, xã huyện hay phố và thành phố, tỉnh.

Lớp Nhì. - Nước Việt Nam, Ai Lao, Cao Mên, Thái Lan.

Lớp Nhất.- Ôn lại nước Việt Nam.

Các nước lân cận: Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn độ.

Ngũ đại dương.

Ngũ đại châu.

LỜI NÓI ĐẦU VỀ CHƯƠNG TRÌNH VẼ

Trẻ em không đứa nào là không thích vẽ. Nhặt được miếng gạch non, hòn phấn hay mẩu bút chì là chứng vẽ vào khắp mọi nơi: mặt bàn, tường, cánh cửa… Ta nghiệm ra trẻ chỉ vẽ những thứ nó ưa thích: các gia súc, người, tầu bay, tầu thuỷ, ô tô… Lắm cái nó vẽ coi rất ngộ nghĩnh.

Trẻ có khiếu vẽ ngay từ bé. Vậy nhà trường có bổn phận làm nẩy nở khiếu ấy theo nguyên tắc sau đây:

a) phải trọng sự tự do của đứa trẻ;

b) khoa vẽ phải có tính cách giáo dục.

Trọng sự tự do của trẻ. – Ông thầy không nên nhất thiết bắt trẻ phải theo mình, trái lại chỉ nên khích lệ, để xướng, hướng dẫn để chúng vẫn có thể theo tình hình và quan niệm riêng của chúng mà vẽ, miễn là coi được thì thôi. Có thể thì khoa vẽ đối với chúng mới có hứng thú và tài của chúng mới phát triển được.

Tính cách giáo dục. – Khoa vẽ, không phải chỉ là ứng dụng vào thực tế mà còn có mục đích làm nẩy nở trí quan sát và khiếu thẩm mỹ nửa. Vậy thì vẽ một đồ vật gì thì phải để đồ vật ấy trước mắt cho trẻ được tự do quan sát, phân tích, so sánh, nhận định mầu sắc. Sự quan sát ấy ông thầy cần hướng dẫn để cho có qui củ. Đồ vẽ cần là một thứ thông dụng lại có hình thể dễ coi thì trẻ vẽ mới thấy ham thích.

Ở lớp Tư, tuy học trò còn bé, cũng không nên quên để đồ vật cho chúng quan sát, nếu ông thầy có vẽ phác qua hình thể đồ vật lên bảng có kẻ ô là để giúp trẻ vẽ cho dễ, chứ không phải là làm việc thay chúng.

Nên cho học trò có nhiều dịp vẽ tự do cùng vẽ trong trí (có tô mầu càng hay) để gây cho chúng tính thích vẽ.

Khoa vẽ cũng như các khoa học khác cũng đi lần lần từ sự dễ đến sự khó, từ sự đơn giản đến sự phức tạp. Vậy ở các lớp bé chỉ nên cho vẽ những vật đơn sơ. Từ lớp Nhì giở lên mới cho vẽ các đồ vật khó hơn. Vẽ ký ức cũng bắt đầu từ lớp này và lại có thể cho hiểu qua loa về luật viễn vọng để vẽ cho đúng với sự tự nhiên.

Vẽ theo đường ngoài mục đích giáo dục lại còn ứng dụng vào nghề nghiệp, nên ở các lớp lớn khoa này phải được chú ý đến một cách đặc biệt.

XI. CHƯƠNG TRÌNH VẼ (vẽ theo giòng và theo kiểu)

Lớp Tư. - Vẽ đường thẳng, đường song hành, đường gẫy.

Vẽ theo mẫu có kẻ ô trên bảng (mỗi khi có thể, nên để cả đồ vật cho học trò nhận xét thêm).

Vẽ tự do.

Lớp Ba. - Vẽ đường cong, đường xiên.

Vẽ trong trí với các đường.

Vẽ tả chân các đồ vật rất giản dị, các lá cây, các quả, củ.

Vẽ tự do.

Lớp Nhì. - Vẽ các đường, các góc, các hình đã học ở lớp hình. Lấy những hình ấy mà vẽ trong trí.

Vẽ tả chân các đồ vật thường dùng.

Vẽ theo trí nhớ các con vật, các hoa quả, cây cỏ (cho học trò nhận xét trước vài hôm).

Vẽ tự do.

Lớp Nhất. – Vẽ các hình và các khối học ở hình học.

Lấy những hình ấy mà vẽ trong trí.

Vẽ có kích thước (échelle) các đồ vật thường.

Vẽ tả chân những đồ vật thường dùng.

Vẽ theo trí nhớ.

Vẽ phác họa các điệu bộ dễ của các con vật và người đang làm việc.

Vẽ phong cảnh.

Vẽ tự do.

LỜI NÓI ĐẦU VỀ CHƯƠNG TRÌNH THỦ CÔNG

Môn thủ công có nhiều mục đích:

1) luyện cho trẻ khéo tay.

2) bày cho trẻ làm lấy đồ dùng khỏi mất tiền mua,

3) rèn cho trẻ làm việc kỷ càng không cẩu thả,

4) tập cho trẻ làm việc có phương pháp.

Sự học thủ công lại có thể giúp cho trẻ trong việc chọn nghề về sau.

Như vậy thủ công là môn rất quan trọng ở bậc tiểu học, thầy giáo không thể cho nó là một môn học chơi được.

Muốn đạt những mục đích trên, thầy giáo nên:

a) bắt học trò làm ngay ở lớp, vì cho đem về nhà các em sẽ mượn người khác làm hộ.

b) cho làm những cái vừa sức trẻ vì cho làm khó quá, chứng không làm được, chúng sẽ chán nản, sinh ra lười biếng và nói dối.

c) những thứ nào cần nhiều giờ thì nên chia ra nhiều kỳ, thí dụ muốn đan quạt nan thì kỳ thứ nhất hãy tập mài dao, kỳ thứ hai tập chẻ và vót nan, khi đã đủ nan rồi thì kỳ thứ ba hay thứ tư mới học đan.

d) khi bày cho học trò làm cái gì thì thầy giáo nên cùng làm, thầy làm và giảng trước, học trò theo sau.

đ) cho làm những cái có ích, có thể dùng được thì trẻ mới thích.

e) bảo làm cái gì thì bắt làm thật xong mới thôi, dù xấu cũng không bỏ dở để tập cho trẻ quen tính bền gan.

g) nếu làm hỏng thì bắt làm lại, làm cho đến kỳ được mới thôi để rèn cho trẻ sự lập chí.

h) làm cái gì có kích thước thì bắt làm thật đúng, đừng có cái lối hơi đúng hay vừa vừa để tập cho trẻ tính đúng mực.

i) khi chấm không nên trông về toàn thể mà khen hay chê, nên phân tách ra từng cái, chỗ được thì khen chỗ hỏng thì chê để khuyến khích trẻ làm cho hoàn toàn.

XII. CHƯƠNG TRÌNH THỦ CÔNG

Lớp Tư. – Quét nhà, lau bàn ghế.

Chải đầu, cắt móng tay, thắt nút quần, học sách vở, kẻ vở, kẻ dòng đôi, làm nút lọ mực, gấp tờ báo, cuốn kèn, nối dây, gấp các đồ chơi, cắt, trổ, đan.

Lớp Ba. – Quét nhà, lau bàn ghế, lau bảng, lau cửa kính. Đóng vở, cắt nhãn sách, kẻ nhãn sách, gọt bút chì, buộc dây giầy, chải áo, gấp quần áo, khăn mặt, đánh giầy, đánh mũ.

Gói hàng, buộc gói.

Vót tăm, chẻ đóm.

Cắt, trổ, đan.

Lớp Nhì. – Quét nhà, lau bàn ghế, lau bảng, lau cửa kính, trang hoàng nhãn sách, làm quản bút bằng giấy, bằng tre, cái giá bút, ống tăm, ống hoa bằng tre, bàn trải đánh răng, còi sáo bằng tre. Vót đũa, vót nan, chẻ lạt, đan quạt nan, vĩ ruồi. Làm các thứ hộp.

Nặn các thứ đồ chơi bằng đất, hoa, quả, lá.

Lớp Nhất. – Quét nhà, lau bàn ghế, lau bảng, lau cửa kính, rửa chai, rửa lọ.

Làm nón đèn, các thứ hộp, trổ các thứ hoa.

Làm khung ảnh, lồng kính, lịch, cặp, giá giầy.

Vặn thừng, vặn chổi, vặn quang.

Đan phên, đan giế.

Làm cái thước đo, cái ke, cái khoanh (compas), cái dùi, cái móc mành, cái móc màn.

Nặn các súc vật và người.

Đóng sách in và xén sách.

XIII. TRÒ CHƠI

Trẻ có tính hiếu động. Bắt chúng ngồi luôn mấy giờ đồng hồ trong lớp học thì chúng chịu sao nổi, vì thế mà khi bắt trẻ học lâu, nhiều em sinh ra đãng trí, mụ óc hay nghịch ngầm. Vậy thường thường trong lớp học thầy giáo nên bày ra các trò chơi để chúng được giải trí. Vả lại trò chơi cũng có nhiều ích lợi lắm; có trò chơi để luyện các giác quan như mắt, mũi, tai, lưỡi; có trò chơi để luyện các khiếu như sự quan sát, trí nhớ lâu, nhanh trí khôn; lại có những trò chơi để luyện óc trật tự, tinh thần hợp quần, tính thật thà, lòng can đảm, hay làm nở các bắp thịt và tăng sức khoẻ.

Ở hai lớp cuối (lớp Ba và lớp Tư) chương trình học còn nhẹ, có nhiều thì giờ, nên trong thời khoá biểu có để dành riêng mỗi tuần mấy kỳ chơi; thầy giáo nên lợi dụng chỗ đó mà rèn luyện các giác quan, các khiếu hay các đức tính con trẻ.

Lên lớp Nhì và lớp Nhất, chương trình học nhiều nên trong thời khoá biểu không thấy có giờ cho chơi; tuy vậy, thầy giáo cũng không nên quên việc ấy; sau mỗi bài học thầy nên để dăm phút cho học trò hát một bài hay chơi một trò chơi nào để chúng giải trí.

Khi cho chơi, thầy giáo nên nói rõ cách chơi và luật chơi cho các trò hiểu để chơi khỏi nhầm và mới hăng.

Điều khiển một trò chơi thì để ý làm cho học trò thật thà, hăng hái và trọng kỷ luật.

XIV. THỂ DỤC

Trước đây, tuy trong chương trình ở bậc tiểu học cũng có môn thể dục, nhưng phần đông giáo viên đối với môn này tỏ một thái độ hững hờ. Đó là một khuyết điểm tai hại.

Ngày nay, để dự vào công cuộc cải tạo giống nòi, các giáo viên phải cực lực tẩy trừ cái quan nhiệm sai lầm đối với thể dục, phải nhận chân cái địa vị quan trọng đặc biệt của môn ấy trong nền giáo dục mới của nước Việt Nam.

Môn thể dục ở bậc tiểu học không có mục đích làm cho trẻ trở nên những nhà lực sĩ tí hon, mà chỉ cốt làm cho chúng khoẻ mạnh, mềm dẻo, nhanh nhẹn.

Ngoài mục đích chính, thể dục có ảnh hưởng tốt về trí dục và đức dục. Môn này làm cho tinh thần trẻ minh mẫn hơn, gây cho chúng được nhiều đức tính, lòng quả cảm, tinh thần kỷ luật, tinh thần tập thể.

Trong việc dạy thể dục, ta nên nhớ rằng trẻ đang ở tuổi nhớn. Ở tuổi ấy ta chỉ có thể bắt trẻ tập những cử động hợp với sự nhu cầu về sức của chúng. Ta phải tránh đừng bắt trẻ dùng sức một cách quá độ, vì làm như thế là làm cho các bắp thịt rắn lại và làm trở ngại sức nhớn của trẻ. Ta lại phải tránh đừng chú ý tập riêng cho một bộ phận nào mà phải tập đều các bộ phận để cho thân thể nở nang một cách đều hoà. Trừ những trẻ mà thầy thuốc chứng nhận cho được miễn, còn trẻ nào cũng phải tập thể dục. Những trẻ ốm yếu lại càng phải tập. Lẽ cố nhiên, những trẻ này tập nhẹ hơn những trẻ mạnh. Giờ tập thể dục thường về buổi chiều, sau những giờ học chữ, nhưng nếu có thể được nên cho tập buổi sáng, nhất là về mùa nóng, miễn là giờ tập phải cách xa bữa ăn. Ngoài những buổi tập chính thức, ở trong lớp học, khi ta nhận thấy trẻ uể oải, ta có thể cho trẻ tập thở năm ba cái. Những lúc làm như vậy, phải bắt trẻ đứng dậy và phải mở rộng hết tất cả các cửa.

Tập thể dục phải ở nơi thoáng khí rộng rãi. Khi tập, về mùa nực, trẻ phải cởi trần, chỉ được mặc quần đùi. Về mùa lạnh, lúc bắt đầu tập, đừng bắt trẻ cởi trần ngay. Tuy vậy, đừng để cho chúng mặc quần chung với áo dài hay thứ quần áo khác làm cho chúng cử động không được dễ dàng.

Ở trường tiểu học thể dục chia làm ba bậc:

Bậc thứ nhất: từ 7 đến 9 tuổi;

Bậc thứ nhì: từ 10 đến 12 tuổi;

Bậc thứ ba: từ 13 đến 16 tuổi,

Một bài tập thể dục đầy đủ chia ra làm ba phần:

1) khởi động 2/10 thì giờ toàn thể

2) trọng động 7/10 thì giờ toàn thể

3) hồi tĩnh 1/10 thì giờ toàn thể

Về chi tiết các bài tập, các giáo viên sẽ xem ở sách thể dục.

Dưới đây tóm tắt các điều cần thiết mà các giáo viên phải biết trong việc dạy thể dục:

1) Chia học trò thành toán tuỳ theo sức khoẻ. Một đứa trẻ tuổi lên 10 nhưng yếu sức có thể xếp vào bậc từ 7 đến 9 tuổi. Trái lại, một đứa trẻ tuổi tuy lên 8 nhưng khoẻ mạnh cứng cáp có thể vào bậc từ 10 đến 12.

2) Bài tập hợp với sức của học trò. Tập quá sức thì có hại, cho tập nhẹ quá thì vô ích.

3) Bài tập phải liên kết nghĩa là đừng cho nghỉ luôn.

4) Lần lượt tập các cử động của thân thể.

5) Tập phải từ cử động dễ đến cử động khó.

6) Bắt đầu tập nhẹ, rồi tập nặng dần lên sau lại cho tập nhẹ dần.

7) Bài tập phải vui. Không nên cho tập mãi một cử động. Phải thay đổi cách tập để cho trẻ khỏi chán. Ông thầy có thể bịa một chuỵên vui cho trẻ thích, làm những cử động của một toán quân đi đánh giặc chẳng hạn. Làm như vậy, học trò cùng đi, cùng bò, cùng leo trèo, cùng nhảy, chạy, cùng mang xách, cùng chống đỡ, nghĩa là chúng tập theo bài mà vẫn tưởng là chơi.

8) Các cử động phải làm cho mềm mại. Tránh lỗi tập có tính cách máy móc.

9) Về mùa rét, trước khi tập phải làm cho trẻ nóng người.

10) Sau mỗi buổi tập nên cho học trò tắm hay lau mình.

11) Mỗi một trẻ phải có một cái phiếu để một năm hai kỳ ghi kết quả về thể dục.

XV. HOẠT ĐỘNG THANH NIÊN VÀ PHÉP HÀNG ĐỘI

Thường thường trong lớp học, giữa thầy và trò vẫn có cái không khí kính nể, nên khó lòng mà hiểu rõ được chúng để làm công việc rèn luyện được chu đáo; vả lại giữa anh em bạn cũng không có sự liên lạc mật thiết, nên khó mà gây được tinh thần tập thể. Vậy thầy giáo nên tổ chức học trò trong lớp mình thành một đoàn như đoàn Hướng đạo mà thầy là đoàn trưởng.

Đoàn phải có tên đoàn, bài hát chính thức của đoàn, châm ngôn của đoàn, luật lệ của đoàn, và nếu có thể được một dấu hiệu cho các đoàn sinh đeo. Trong đoàn lại có phó đoàn trưởng (do đoàn trưởng chọn), thư ký, thủ quỹ (do anh em bầu lên) để giúp việc đoàn trưởng.

Muốn luyện óc tổ chức, gây óc sáng kiến, chí cố gắng tranh đua, tinh thần kỷ luật, tinh thần tập thể được dễ dàng, đoàn trưởng lại chia đoàn ra nhiều đội và áp dụng ngay phép hàng đội tự trị của hướng đạo.

Cách tổ chức hàng đội:

1) Từ 7 đến 10 em họp thành một đội,

2) Cố xếp để sức học các đội không chênh lệch nhau quá.

3) Trong mỗi đội có cả học trò nhớn và học trò bé (những em nhớn cho ngồi đầu bàn gần tường).

4) Mỗi đội có 1 đội trưởng (do anh em trong đội bầu lên) và 1 phó đội trưởng (do đội trưởng chọn) và một đời sống riêng.

5) Mỗi đội lại tự chọn lấy một tên riêng (hoặc tên một vị anh hùng, tên một nơi có vết tích lịch sử, hoặc tên một con vật, tuỳ ý các em).

6) Mỗi đội có tiếng kêu, châm ngôn, nội lệ, cờ đội riêng, và nếu có thể được thì có tua vai và có dấu riêng.

7) Đối với đoàn trưởng, đội trưởng hoàn toàn chịu trách nhiệm về đội mình; vậy đối với các đội trưởng, đoàn trưởng phải cẩn thận, như là hết lòng tin cẩn, đừng làm mất thể diện của họ; khi có điều gì muốn chỉ trích thì nên nói riêng, đừng nói trước mặt các anh em khác; lễ phong đội trưởng nên tổ chức một cách dản dị nhưng rất trang nghiêm.

8) Đối với các đội, đoàn trưởng không nên phạm đến đời sống riêng của họ, đoàn trưởng phải trọng đặc tính của từng đội; khi các đội có bày tỏ ý kiến gì, đoàn trưởng cũng nên để ý đến.

Cách chia công việc cho các đội:

Các đội lần lượt làm công việc trong lớp: quét lớp, lau bàn ghế, bảng, tủ, cửa…

Đội trưởng mỗi đội phân chia các công việc cho anh em trong đội tuỳ theo sức: nhớn làm việc nặng, bé làm việc nhẹ.

Ngoài công việc hàng ngày nói trên, đoàn trưởng có thể giao cho mỗi đội một công việc làm trong một tháng: giữ gìn các bản đồ, coi học cụ khố, tủ sách, trông nom cây cảnh…

Để khuyến khích học trò cố gắng tranh đua, đoàn trưởng nên dùng cách cho điểm về công việc của từng người bằng sự thêm cho một điểm khi người ấy làm điều gì đặc sắc, hoặc bớt đi một điểm khi người ấy phạm một lỗi nặng. Sự thưởng hay phạt về cá nhân có ảnh hưởng cho cả đội. Cuối mỗi tháng, đoàn trưởng cộng điểm của các đội. Đội nào được nhiều điểm nhất được nhận lá cờ danh dự (hay một thứ khác) và giữ lá cờ ấy trong một tháng. Lễ phát cờ danh dự nên cử hành một cách trang nghiêm.

Một thí dụ về cách cho điểm

Đội Đinh Tiên Hoàng:

Công việc chung của lớp . . . . . 16

Công việc riêng . . . . . . . . . .15

Điểm số trung bình hàng tháng về việc

học của toàn đội . . . . . . . 14,50

Thưởng . . . . . . . . . . . 5

Cộng . . .50,50

Phạt . . . . . . . 7

Còn . . . 43,50

Hop đoàn và họp đội:

Mỗi tuần, nên cho họp đoàn một lần và họp đội một lần vào buổi hoạt động thanh niên. Đoàn họp trước, các đội họp sau hay các đội họp trước rồi đoàn họp sau đều được cả. Các buổi họp đó là để các em học chuyên môn, chơi hay hát với nhau. Cũng có khi dùng buổi hoạt động thanh niên để làm các công việc xã hội hay để đi điều tra một việc gì. Trong những trường hợp này nên cho các đội làm thi để thêm phần hăng hái.

Chương trình một buổi họp:

1) Hát chính thức,

2) Đoàn trưởng nói một vấn đề để nâng cao tinh thần các em hay giảng một điều luật.

3) Hát hay làm tiếng reo,

4) Học chuyên môn,

5) Trò chơi,

6) Học chuyên môn,

7) Trò chơi,

8) Học chuyên môn,

9) Trò chơi hay hát hay làm tiếng reo,

10) Kể chuyện,

11) Học hát,

12) Đoàn trưởng dặn dò các công việc,

XVI. ĐI CẮM TRẠI

Thường thường học trò chỉ ở trong nhà hay trong lớp học, con mắt của chúng bị bốn bức tường hay luỹ tre chung quanh làng ngăn cản không trông được xa. Nhân ngày nghỉ thầy giáo đưa học trò đi cắm trại bên một ngọn núi cao, bên bò biển hay cánh đồng rộng để tầm con mắt chúng được mở rộng, chí trẻ được nâng cao. Những lúc cắm trại đó, trẻ được sống gần thiên nhiên nên dễ yêu tạo vật, trẻ có dịp tốt để tập làm, tập tháo vác và ông thầy cũng có dịp sống gần trẻ để hiểu chúng hơn.

Vậy mỗi tháng, mỗi giáo viên nên tổ chức cho học trò mình ít nhất là một kỳ trại một hay hai ngày và để ý đến các điều kiện sau đây:

a) Tìm chỗ cắm trại

1) Thầy giáo nên đi tìm trước,

2) trại phải gần nước ăn lành,

3) tiện nước để tắm rửa,

4) tiện chỗ để mua thức ăn,

5) chỗ đất phải cao ráo, ít gió, nhiều ánh sáng mặt giời,

6) có một chỗ đất chung để chơi,

7) nếu có phong cảnh đẹp hay gần một xưởng kỹ nghệ để các học trò được xem thì càng hay.

8) có chỗ để trú lúc mưa to,

9) không có muỗi độc và bệnh truyền nhiễm,

b) Đi trại

1) sửa soạn các thứ trước rất cẩn thận, mang ít thôi, chỉ những thứ rất cần, những hộp cứu thương để phòng khi sẩy ra tai nạn hay ốm đau.

2) đường gần độ 5, 6 cây thì đi bộ Đường xa quá thì cho đi tàu hay ô tô hay thuyền một quãng, nếu không có tàu xe thì nên cho đi từng độ cho khỏi mệt.

c) Tới trại

1) xếp đặt trại cho có thứ tự, cần có hố vệ sinh và hố rác.

2) nếu có lều thì cho cắm chỗ khuất gió và thoát nước. Ở núi thì tránh đỉnh núi vì nhiều gió quá và chân núi thì ẩm thấp.

3) cho học trò ăn no, ngủ kỹ, chơi hăng (nhớ lên trại nào cũng cho chúng chơi một cuộc chơi lớn thì chúng mới thích).

d) Về trại

Trước khi về nhà lấp các hố và quét dọn sạch sẽ.

XVII. CHƯƠNG TRÌNH NỮ CÔNG BẬC CƠ BẢN

Huấn thị. - Ở bậc cơ bản, học trò còn nhỏ, trông nom dạy nữ công nên chú ý đến mấy đặc điểm sau này:

1) coi phần thực hành trọng hơn lý thuyết nhất là ở hai lớp nhỏ chỉ chuyên dạy thực hành thôi.

2) chỉ dạy những điều thông thường để khi về nhà, trẻ con áp dụng ngay vào việc trong nhà, mới thật có ích và thành khoẻ được.

3) dạy làm việc gì cũng bắt đến hoàn hảo mới thôi; nếu chưa được phải cho trẻ tập nhiều lần để tập tính làm việc chu đáo.

Gia chánh

Lớp Tư. – Quét nhà, lau bàn ghế, xếp sách vở có thứ tự, bọc sách, kẻ vở, cắt móng tay, lau nút lọ mực, vót tăm, nối giây giút và gập khăn tay, nhặt rau, chẻ dưa, cắt nũm cà, gọt khoai.

Lớp Ba. – Quét nhà, lau bàn ghế, rửa và lau ấm chén, đóng vở, cắt và để nhãn sách, gói hàng, bọc gói, chữa guốc đứt, lau bát, dọn cơm, róm lửa, đun nước, pha trè, thái rau để nấu canh, gọt bí, gọt mướp, giặt khăn tay.

Lớp Nhì. - Giữ nhà thế nào cho hợp vệ sinh, quét nhà, trần, tường, lau cửa kính, lau bàn ghế, đánh đồ đồng đồ bạc. Đi chợ, thái rau sống, thái thịt, làm cua, nhặt tôm, băm bầu, bí, rửa bát, vo gạo, rán đậu, cà, tráng trứng, sào giá, rau muống, rau cải, rang lạc, vừng, rang cơm, giặt áo.

Lớp Nhất. - Vệ sinh về sự ăn uống, tính chất các thứ ăn, các cách nấu, cách chọn thức ăn tươi tốt, sự cần thay đổi món ăn, cái hại ăn quà vặt, đi chợ, làm thực đơn, thổi cơm, đổ sôi, nấu chè, kho đậu, kho thịt, rán cá, nấu canh, nấu riêu, muối dưa cải, dưa giá, dưa cần, muối cà, muối kiệu.

Vệ sinh về quần áo: cách ăn mặc cho tiện lợi và hợp vệ sinh, cách chọn hàng và màu để may quần áo, cách giặc len, lụa, vải, các áo màu, tẩy vết bẩn, là quần áo, giãi vải nâu.

Khâu

Lớp Tư. – Sâu kim, tết nút chỉ, cầm kim, khâu lược, khâu luồn, đột thưa, theo đường chỉ rút ra, đính cúc áo, khâu sứt chỉ.

Lớp Ba – Ôn lại các đường luồn, đột thưa, đột mau, khâu đường cành cây, xúc xích. Khâu gấp nếp, gấp mép thẳng, đính cúc bầm, đan mũ.

Lớp Nhì – Ôn lại các đường học ở lớp ba, khâu sang sợi, khâu đè, khâu gấp mép chéo, vá áo, thùa khuyết chữa khuyết đứt khâu vài thứ dua dễ, khâu khăn tay, đo đan áo trẻ con.

Lớp Nhất - Mạng thẳng, mạng vuông, vá áo, thêu khăn tay, áo gối, cắt và may áo trẻ con, áo cánh, quần đùi, đan áo, bít tất.

Dưỡng nhi.

Lớp Tư – Không có.

Lớp Ba – Không có.

Lớp Nhì - Giữ em, bế em, mặc áo và thay lót cho em, đặt em ngủ, rửa bình sữa, luộc bình sữa.

Lớp Nhất - Vệ sinh về người đàn bà có thai. Sự cần sửa soạn lót, áo cho đứa trẻ sắp sinh, giường nằm của đứa trẻ em, tắm rửa cho đứa trẻ, những điều lợi nuôi con bằng sữa mẹ, nuôi trẻ bằng sữa bò, pha sữa, bú sam, cần phải xem phân và cân đứa trẻ, giống đậu cho đứa trẻ, cho nó ra ngoài. Đứa trẻ mọc răng, thôi bú. Vài bệnh thông thường của trẻ sơ sinh, tưa, tướt, ho, đau mắt, sởi, thuỷ đậu.

THỜI GIỜ TỔNG CỘNG CỦA TỪNG KHOA HỌC TRONG MỘT TUẦN LỄ

CÁC KHOA HỌC

LỚP TƯ

LỚP BA

LỚP NHÌ

LỚP NHẤT

Đức dục………………..

Công dân giáo dục…….

Tập đọc………………..

Chính tả và văn phạm…

Ngữ vựng……………...

Học thuộc lòng………..

Luận…………………..

Kể chuyện…………….

Viết tập……………….

Toán Pháp…………….

Quan sát, khoa học thường thức…………..

Canh nông kỹ nghệ……

Vệ sinh………………..

Địa dư…………………

Lịch sử………………...

Vẽ……………………..

Thủ công………………

Thể thao……………….

Giờ chơi……………….

Hoạt động thanh nhiên...

Trò chơi hướng dẫn……

Dạy vào lúc thuận tiện

0

3giờ

3g

1g20 10g10

0g20

0

0g50

1g40

2g30

2g05

0

Dạy vào lúc thuận tiện

Dạy vào lúc đi chơi

0

0g40

1g30

2g

2g15

2g30

1g20

Dạy vào lúc thuận tiện

0

2g30

1g30

1g 8g15

0g30

1g

0g45

1g

3g45

1g15

0

Dạy vào lúc thuận tiện

1g30

0g30

1g

1g

3g

2g15

2g30

1g

1g

0g30

1g15

1g

1g30 6g45

0g30

2g

0g

0g30

3g

1g30

0

0g30

1g30

1g30

1g

Làm vào giờ thanh niên

2g

2g15

2g30

0

 

1g

0g 30

1g30

2g

0g30 7g

0g30

2g

0

0g30

3g

1g30

0g45

0g30

1g30

1g30

1g

Làm vào giờ thanh niên

2g

2g15

2g30

0

 

25 giờ

25 giờ

25 giờ

25 giờ

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 417-NĐ ngày 10/09/1946 về Bậc học của nền giáo dục Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


9.499

DMCA.com Protection Status
IP: 18.223.108.186
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!