Tổng hợp điểm mới Nghị định 122/2015/NĐ-CP về lương tối thiểu vùng

20/11/2015 14:57 PM

Sau đây là những điểm mới của Nghị định 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

1. Tăng mức lương tối thiểu vùng

Cụ thể như sau:

- Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015).

- Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng so với năm 2015).

- Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng so với năm 2015).

- Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng so với năm 2015).

2. Một số địa bàn bị thay đổi vùng

Xem chi tiết tại Phụ lục kèm theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP.

3. Phạm vi điều chỉnh

- Phạm vi điều chỉnh của Nghị định này có bổ sung thêm Liên hiệp hợp tác xã.

- Thay đổi cụm “…các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động…” thành “…các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động…”

4. Đối tượng áp dụng

Tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định 122 đã bỏ đoạn “(kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không đăng ký lại hoặc chưa chuyển đổi theo quy định tại Điểm a Khoản 2 và Khoản 3 Điều 170 của Luật Doanh nghiệp)”so với Nghị định 103/2014/NĐ-CP.

5. Nguyên tắc áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn

- Nghị định 122 đã bỏ đoạn “Doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn liền nhau có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất”của Điều 4 Nghị định 103/2014/NĐ-CP.

- Bổ sung “khu kinh tế và khu công nghệ cao” vào cụm “Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.”

6. Áp dụng mức lương tối thiểu vùng

- Bổ sung vào Điểm a Khoản 2 Điều 5 cụm “chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cương, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ” và bỏ chữ “nghề”.

- Sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 2 Điều 5 thành “Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ; văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; văn bằng giáo dục đại học và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Luật Giáo dục năm 1998  và Luật Giáo dục năm 2005;”.

- Sửa đổi, bổ sung Điểm d, đ, e, g Khoản 2 Điều 5 thành:

“d) Người đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của Luật Việc làm;

đ) Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp;

e) Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo của giáo dục đại học theo quy định tại Luật Giáo dục đại học;

g) Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài;”.

- Bổ sung “bổ sung khác” vào Khoản 4 Điều 5 “Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.”

Nghị định 122/2015/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016 và thay thế cho Nghị định 102/2014/NĐ-CP.

Thanh Hữu

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 117,612

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn