Luật sư bào chữa chỉ cần đăng ký

25/10/2014 09:06 AM

Tại hội thảo góp ý dự thảo BLTTHS sửa đổi, bổ sung do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 24-10, vấn đề được các đại biểu tập trung bàn luận là làm sao để đảm bảo quyền bào chữa được thực thi một cách hiệu quả…

Theo luật sư Phạm Thanh Bình (Phó Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng và Kỷ luật Đoàn Luật sư TP Hà Nội), quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa trong tố tụng hình sự là quyền hiến định được Hiến pháp 2013 ghi nhận một cách cụ thể. Trong khi đó, thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa lại là một thủ tục hành chính. “Tại sao chúng ta lại phải giữ một thủ tục hành chính để hạn chế một quyền đã được hiến định? Khi nào còn giữ thủ tục này thì khi đó luật sư vẫn còn bị làm khó” - luật sư Bình nói.

Bỏ hẳn giấy chứng nhận bào chữa

Luật sư Trần Mỹ Thoa (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét: “Trước đây khi chưa có Luật Luật sư thì không có chuyện luật sư tham gia tố tụng phải xin cấp giấy chứng nhận bào chữa. Thế nhưng kể từ khi có Luật Luật sư lại sinh ra cái giấy này, cái giấy đã hành không biết bao nhiêu luật sư phải khổ sở. Đó là một bước thụt lùi trong hoạt động tố tụng!”.

Theo luật sư Thoa, giấy chứng nhận bào chữa thể hiện sự bất bình đẳng giữa luật sư với các cơ quan tố tụng: “Tôi có quyền nên tôi thích thì cấp, tôi ghét thì không cấp, anh không thích thì khiếu nại. Khiếu nại được rồi thì không biết bị can, bị cáo đang ở vị trí nào trong thủ tục tố tụng. Cạnh đó, mỗi giai đoạn tố tụng lại xin một giấy chứng nhận bào chữa thì thật không kể hết nỗi khổ của luật sư. Tại sao phải đặt ra thủ tục hành chính nhiêu khê như vậy và mục đích để làm gì?”.


Các ý kiến đại biểu đều thống nhất đề nghị luật sư chỉ cần làm thủ tục đăng ký để tham gia bào chữa chứ không phải xin giấy chứng nhận bào chữa như hiện nay. Ảnh: HTD

Đồng cảm với lời “kêu ca” của giới luật sư, Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) đề xuất bỏ ngay thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa trong lần sửa đổi BLTTHS này. Ông nói: “Tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa là quyền của mỗi người được Hiến pháp ghi nhận. Tại tòa, các bị cáo thực hiện quyền tự bào chữa có phải xin phép ai đâu, có ai có quyền cho hay không cho phép đâu. Vậy thì lý do gì nhờ người khác bào chữa lại phải xin phép rồi chờ cấp phép mới được thực hiện”.

Đó cũng là quan điểm chung của các đại biểu tham gia hội thảo. Các ý kiến đều thống nhất đề nghị khi sửa đổi BLTTHS lần này, chỉ cần quy định để tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo, luật sư chỉ cần làm thủ tục đăng ký như là một sự thông báo cho các cơ quan tố tụng chứ không phải xin giấy chứng nhận bào chữa như bây giờ nữa.

Mở rộng người có quyền mời luật sư

Luật sư Nguyễn Đình Thơ (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) góp ý: Dự thảo BLTTHS sửa đổi, bổ sung quy định chỉ có một số đối tượng được nhờ luật sư như gia đình, người thân thích… Việc hạn chế như vậy là không nên, không cần thiết mà cần mở rộng đối tượng thuê, nhờ luật sư cho bị can, bị cáo. Nên quy định bất cứ ai như người quen, bạn bè, người yêu… đều có thể nhờ luật sư giúp bị can, bị cáo.

Luật sư Trương Xuân Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng ủng hộ: “Nhiều lúc gia đình, thân thích của bị can, bị cáo không có điều kiện để mời luật sư. Lúc này nếu bạn bè, người quen của họ có điều kiện thì mời luật sư thôi. Người này hay người kia mời luật sư cho bị can, bị cáo đều không làm ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng, kết quả điều tra hay có ảnh hưởng tiêu cực gì khác. Vậy thì không có lý do gì để hạn chế đối tượng mời luật sư cho bị can, bị cáo cả”.

Bỏ “bào chữa viên nhân dân”

Đa số các luật sư đều kiến nghị đợt sửa đổi, bổ sung BLTTHS lần này nên bỏ hẳn chế định “bào chữa viên nhân dân”.

Luật sư Phạm Thanh Bình phân tích, chế định “bào chữa viên nhân dân” xuất hiện từ thời chống Pháp nhằm đáp ứng tình hình lúc đó. Hiện nay, chế định này đã không còn phù hợp. Thực tế quy định về “bào chữa viên nhân dân” cũng chỉ nằm trên giấy vì hầu như không có vụ án nào có sự tham gia của bào chữa viên nhân dân cả.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) góp ý thêm: Lực lượng luật sư hiện nay đã ngày một lớn mạnh, tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, đủ sức đáp ứng yêu cầu bào chữa trong các phiên tòa hình sự. Các quy định liên quan đến hoạt động hành nghề, đạo đức nghề nghiệp và các quy định khác đối với luật sư đã đầy đủ và dễ dàng vận dụng vào thực tiễn. Trong khi đó, để chế định “bào chữa viên nhân dân” có thể đi vào hoạt động được cần phải xây dựng lại các quy định liên quan. Nhưng xây dựng được rồi thì có vận dụng vào thực tiễn được hay không lại là điều cần phải cân nhắc vì từ trước đến nay, nhu cầu của người dân đối với bào chữa viên nhân dân hoàn toàn không có.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Đình Thơ (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) chỉ ra: Luật sư là người được đào tạo bài bản, kiểm tra đầu ra chặt chẽ nên chắc chắn sẽ đáp ứng yêu cầu tốt hơn bào chữa viên nhân dân. Cạnh đó, bên cạnh luật sư còn có người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo và trợ giúp viên pháp lý, chỉ cần ba đối tượng này cũng đã đủ đáp ứng yêu cầu của tố tụng hình sự rồi, không cần phải thêm chế định “bào chữa viên nhân dân” nữa.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, Thẩm phán Vũ Phi Long lại thận trọng: Chế định “bào chữa viên nhân dân” đã được quy định từ lâu và thực tế cũng không làm ảnh hưởng gì đến hoạt động của luật sư. Mặc dù thực tiễn chưa thấy bào chữa viên nhân dân nào nhưng nó là một quy định quan trọng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thể hiện vai trò của mình đối với các thành viên. Do vậy, nếu quy định mà không ảnh hưởng gì thì cũng không nên bỏ đi để đảm bảo vai trò của Mặt trận Tổ quốc.

Luật sư ngồi ở đâu?

Bàn về chỗ ngồi của luật sư trong phiên tòa hình sự, Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao) cho biết pháp luật tố tụng trước đây không có công tố viên, lúc đó tại phiên tòa thư ký là người đọc cáo trạng và luật sư thì ngồi ngang hàng với thư ký. Sau này khi có công tố viên thì chỗ ngồi trong phòng xử bị thu hẹp lại, dẫn đến chỗ ngồi của luật sư bị… đẩy xuống dưới, nhường chỗ cho chỗ ngồi của kiểm sát viên.

Ông Quế ủng hộ quan điểm cho rằng nên đặt vị trí ngồi của luật sư và vị trí ngồi của kiểm sát viên ngang nhau để đảm bảo sự ngang bằng về vai trò trong quá trình xét xử, nâng tầm vị thế luật sư.

Tuy nhiên, ông Quế cũng lưu ý là trong các vụ án lớn, số lượng luật sư có thể hai, ba chục người, trong khi kiểm sát viên cao lắm cũng chỉ vài người. “Nếu đặt chỗ ngồi ngang nhau thì lấy đâu ra đủ chỗ ngồi cho luật sư. Vì vậy, tôi đề nghị không nhất thiết phải đặt chỗ ngồi của luật sư ngang với kiểm sát viên mà chỉ cần đặt một cái bàn ngang hàng với bàn của kiểm sát viên để đến lượt mình, luật sư lên đó trình bày ý kiến, quan điểm bào chữa là được rồi” - ông Quế nói.

____________________________________________

Nâng cao vị thế

Để nâng vị thế của luật sư lên, có thể độc lập, tự chủ hơn thì phải đưa luật sư vào nhóm người tiến hành tố tụng bên cạnh điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán... Phải xem luật sư là một bên trong quá trình tố tụng. VKS là bên buộc tội thì phải có một bên gỡ tội để đối trọng để việc giải quyết một vụ án đảm bảo hài hòa.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁMPhó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Luật sư bị “bó tay bó chân”

Hiện quy định không cho phép luật sư được nói hay làm gì khi vào dự các buổi hỏi cung, làm việc của điều tra viên. Điều này đã làm vô hiệu hóa quy định tiến bộ là luật sư được tham gia ngay từ giai đoạn điều tra.

Luật sư NGUYỄN THỊ HỒNG LIÊN
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Bị can, người nhà hiểu lầm

Thấy luật sư được tham gia hỏi cung, bị can mừng ra mặt. Thế nhưng luật sư ngồi mãi mà không thấy nói gì, không thấy thể hiện gì, xong cuối buổi đi về. Thế là sau này bị can đem chuyện này phản ứng với người nhà và kết quả người nhà không thuê luật sư nữa với lý do vào ngồi im vậy thì thà không thuê cho đỡ tốn kém. Họ đâu biết rằng luật sư không được phép nói gì ngoài việc ngồi đó.

Luật sư TRẦN MỸ THOA
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

HỒNG TÚ

Theo Pháp luật TP

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,061

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn