Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với 50 chức danh

18/10/2014 09:06 AM

3 chức danh lần đầu tiên được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 8 gồm các ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Nguyễn Hữu Vạn, Tổng Kiểm toán Nhà nước và ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Ảnh: VGP/Thành Chung

Chiều ngày 17/10, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo giới thiệu Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII sẽ khai mạc ngày 20/10.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Người phát ngôn của kỳ họp thứ 8 cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Theo đó, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh, trong đó có 3 chức danh lần đầu tiên được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 8 gồm các ông: Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Nguyễn Hữu Vạn, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Nguyễn Đức Hiền, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo quy định, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ dành cho các chức danh đã đảm nhận nhiệm vụ từ 1 năm trở lên. Trong khi đó, 3 vị trên tính tới nay đã đảm bảo đủ thời gian công tác để Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

Các chức danh còn lại sẽ tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm bao gồm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Cho biết về nội dung kỳ họp thứ 8, Văn phòng Quốc hội cho biết, các đại biểu Quốc hội sẽ dành 2/3 thời gian cho công tác xây dựng pháp luật bằng việc thông qua 18 dự án luật và 3 nghị quyết, cho ý kiến 12 dự án luật khác. Trong đó có các dự án luật liên quan đến tổ chức bộ máy Nhà nước, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi),…

Một phần việc quan trọng khác của Quốc hội là các đại biểu sẽ thảo luận về các Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015; báo cáo hoạt động của các cơ quan Toà án, Viện Kiểm sát, Chính phủ…

Nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của Chính phủ là tái cơ cấu nền kinh tế cũng được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến dựa trên báo cáo giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quốc hội cũng cho ý kiến về các nội dung mà dư luận đang quan tâm hiện nay để ban hành một dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành,…

Thành Chung

Theo Chinhphu.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,294

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn