01/10/2011 08:24 AM

Việc thường xuyên sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Dân sự (BLDS) giúp pháp luật cập nhật những vấn đề thực tiễn, nhưng lại thể hiện sự không ổn định của hệ thống pháp luật. Pháp luật trong lĩnh vực dân sự luôn đòi hỏi sự ổn định nhất định bởi nếu thường xuyên sửa, đổi luật thì người dân phải đổi nghề theo và hệ quả là xã hội không có người lành nghề và chi phí xã hội sẽ tăng lên do phải đổi nghề.

Hội đồng xét xử tuyên án phúc phẩm một vụ án dân sự.
Hội đồng xét xử tuyên án phúc phẩm một vụ án dân sự.

Ông Nguyễn Am Hiêủ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) thẳng thắn nêu ra tại tọa đàm “Định hướng sửa đổi cơ bản BLDS 2005” vào ngày 29/9 tại TP.HCM.

Hạn chế “cụm từ chung”

Ông Đỗ Thành Công, Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng, BLDS 2005 chưa quy định rõ về nguyên tắc các bên được tự do thỏa thuận các nội dung của hợp đồng cũng như chi tiết hóa nguyên tắc này trong những quy định hiện hành về hợp đồng dân sự. Trong nhiều trường hợp, chủ thể tham gia giao kết hợp đồng dân sự không biết mình có được tự do thỏa thuận một nội dung trong hợp đồng hay phải tuân theo quy định tương ứng của BLDS 2005(?).

Cụ thể hơn, trong nhiều quy định của BLDS 2005 về hợp đồng dân sự thông dụng, nhà làm luật thường sử dụng một số cụm từ, chẳng hạn như: “Khi các bên không có thỏa thuận về…thì”; “trừ trường hợp có thỏa thuận khác”; “nếu không có các thỏa thuận khác”… Việc sử dụng các cụm từ này dẫn đến cách hiểu là những điều luật nào có sử dụng những cụm từ này thì được xem là điều khoản thường lệ, các bên được quyền tự do thỏa thuận khác đi để đáp ứng nhu cầu, lợi ích của mình khi tham gia quan hệ hợp đồng.

Theo ông Công, đối với những điều luật nào không sử dụng những cụm từ nêu trên thì với những quy định hiện hành của BLDS 2005 liên quan đến nội dung hợp đồng thì khó có thể xác định chắc chắn đó có phải là các điều khoản bắt buộc các bên phải tuân theo khi giao kết và thực hiện hợp đồng hay không, đặc biệt là các điều khoản quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên – ông Công nêu ý kiến. Khoản 3, Điều 490 quy định: “Trong trường hợp tài sản thuê là gia súc, bên thuê phải trả lại gia súc đã thuê và cả gia súc được sinh ra trong thời gian thuê, nếu không có thỏa thuận khác.

Bên cho thuê phải thanh toán chi phí chăm sóc gia súc được sinh ra cho bên thuê”. Như vậy, trong hợp đồng thuê tài sản, hai bên có được phép thỏa thuận bên cho thuê không phải thanh toán chi phí chăm sóc gia súc được sinh ra cho bên thuê hay không, BLDS 2005 chưa đưa ra được câu trả lời rõ ràng. Do vậy, ông Công cho rằng khi sửa đổi BLDS 2005 cần lưu ý đến vấn đề này.

Xác định thiệt hại trong vụ án

Quan tâm đến việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật, TS.LS Phan Trung Hoài, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, cũng giống như các điều kiện “phải có thiệt hại xảy ra”, “phải có hành vi trái pháp luật” và “phải có lỗi cố ý hoặc vô ý của người gây ra thiệt hại”, thì “phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật” là điều kiện hợp thành làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; tuy nhiên BLDS 2005 không quy định cụ thể vấn đề này.

Theo LS Hoài, thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Điều này có nghĩa là thiệt hại xảy ra phải là thiệt hại trực tiếp của hành vi trái pháp luật thì người có hành vi trái pháp luật mới phải chịu trách nhiệm bồi thường. Mặt khác, thiệt hại xảy ra có thể là thiệt hại gián tiếp của hành vi trái pháp luật, nhưng thiệt hại đó phải là kết quả tất yếu, tức thiệt hại không thể tránh khỏi của hành vi trái pháp luật thì người có hành vi trái pháp luật mới phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Trong trường hợp này nếu ghi nhận điều kiện “phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật” như trong BLDS 2005 hoặc văn bản hướng dẫn thì điều kiện này phải thể hiện rõ nội dung: “Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại, hành vi trái pháp luật là nguyên nhân tất yếu gây ra thiệt hại” mới phù hợp với lý luận và thực tiễn – LS Hoài nhấn mạnh.

Tương tự, Thạc sỹ Nguyễn Trương Tín, giảng viên ĐH Luật TP.HCM cho rằng: Liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hạu cũng có lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì vấn đề bồi thường thiệt hại do vượt quá phòng vệ chính đáng không thể không được nhắc đến. Về vấn đề này, thạc sỹ Tín cho rằng, Điều 613 BLDS 2005 lại không quy định rõ người gây thiệt hại trong trường hợp vượt quá phòng vệ chính đáng phải bồi thường toàn bộ hay một phần thiệt hại. Theo thạc sỹ Tín, người gây thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng không phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Kiến nghị bổ sung khoản 3 Điều 397 “BLDS 2005 mới” như: “Trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng thông qua trung gian hoặc các phương tiện thông tin liên lạc, trừ trường hợp gọi điện thoại trực tiếp, mà không ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời gian hợp lý, có tính đến hoàn cảnh giao dịch và tốc độ của phương tiện liên lạc mà bên đề nghị sử dụng trong việc đề nghị”.

Pháp luật không quy định bắt buộc trong đề nghị giao kết hợp đồng phải ấn định thời hạn trả lời. Do đó, một đề nghị có nội dung rõ ràng, thể hiện ý định thực sự muốn giao kết hợp đồng, được gửi đến hoặc đưa ra đề nghị với những người xác định thì đã đủ dấu hiệu pháp lý để coi là một đề nghị hợp lệ. Vấn đề là nếu đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì thời hạn có hiệu lực của đề nghị sẽ được xác định rõ hơn. Do đó nếu một đề nghị không rõ thời hạn trả lời cũng được coi là đề nghị hợp lệ - cũng là cách hiểu phổ biến được thực tiễn lập pháp và án lệ quốc tế và nhiều quốc gia chấp nhận – TS Lê Minh Hùng, giảng viên ĐH Luật TP.HCM nêu ý kiến.

Phong Trần

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,879

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn