Bỏ đề xuất tăng dần tuổi nghỉ hưu

08/09/2014 09:02 AM

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất đã có khá nhiều sửa đổi so với bản được Chính phủ trình

Một trong những vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình khi thảo luận tại kỳ họp thứ 7 là quy định nâng tuổi nghỉ hưu.

Cụ thể, về điều kiện hưởng lương hưu, từ năm 2020 trở đi, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Quy định này đã được bỏ tại dự thảo luật mới nhất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần khẩn trương xây dựng lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu cho các nhóm đối tượng theo quy định tại Bộ luật Lao động, để đảm bảo cho việc điều chỉnh chính sách trong Luật Bảo hiểm (sửa đổi) đồng bộ, thống nhất.

Dự thảo luật cũng quy định rõ, việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế. Thời điểm và mức điều chỉnh cụ thể do Chính phủ quy định.

Liên quan đến tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thảo luận tại kỳ họp thứ 7, nhiều ý kiến đại biểu tán thành quy định từ ngày 1/1/2018 trở đi mới áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động.

Nhưng cũng có ý kiến đề nghị cần thực hiện quy định này ngay khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

Ủy ban Thường vụ Quốc lý giải, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn và dự kiến năm 2018, lương tối thiểu mới thực hiện đầy đủ theo quy định của Bộ luật Lao động thì việc quy định lộ trình thực hiện từ ngày 1/1/2018 sẽ đảm bảo tính khả thi hơn.

Với quy định về điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng, tại dự thảo báo cáo tiếp thu giải trình dự án luật, Ủy ban Thường vụ cho biết vẫn có hai phương án.

Phương án 1: điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội của lao động nữ và 20 năm đóng bảo hiểm xã hội của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Còn theo phương án 2 (do Chính phủ trình), số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.

Tán thành phương án 1, Ủy ban Thường vụ Quốc cho rằng, trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động thì cần giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ. Việc thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình thu bảo hiểm xã hội để đảm bảo tiền lương hưu người lao động thực nhận không bị sụt giảm nhiều so với trước đó. Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cần phải bảo đảm bình đẳng giới khi điều chỉnh chính sách này

Vẫn theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần có lộ trình nâng số năm đóng bảo hiểm xã hội của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu. Cụ thể: 2018 là 16 năm, 2019 là 17 năm, 2020 là 18 năm, đến 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm.

Theo dự kiến, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được thông qua vào kỳ họp Quốc hội thứ 8, tháng 10/2014.

Nguyên Hà

Theo VnEconomy

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,115

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn