Tiến tới quy định “quyền được giữ im lặng”

12/11/2013 10:05 AM

“Tiến hành cải cách mạnh hơn để các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người” - bà Lê Thị Thu Ba (ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương) nói như trên trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ.

 

Bà Lê Thị Thu Ba - Ảnh: Việt Dũng 

* Từ vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, theo bà, đã bộc lộ “khoảng trống” nào trong bảo vệ công lý và quyền con người?

- Qua vụ án này cũng như qua thực tế công tác tư pháp thời gian qua, tôi thấy còn một số vấn đề chúng ta cần phải quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp. Cụ thể là tăng cường hơn nữa vai trò của kiểm sát viên, luật sư trong giai đoạn điều tra. Trong những vụ án có luật sư bào chữa, luật sư phải được quyền có mặt trong những lần lấy cung. Nếu có mặt kiểm sát viên hoặc luật sư sẽ làm việc lấy cung bị can được dân chủ hơn, hạn chế việc bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra.

* Các chuyên gia pháp luật đều cho rằng trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, nếu luật sư được tham gia từ đầu thì nhiều khả năng hạn chế được oan sai?

- Một trong những kết quả đáng kể của cải cách tư pháp chính là vai trò của luật sư ngày càng được khẳng định hơn, thẩm quyền của luật sư từng bước được mở rộng. Nếu trước đây luật sư chỉ tham gia tố tụng từ khi truy tố bị can ra tòa, thì nay khi thực hiện cải cách tư pháp, Bộ luật tố tụng hình sự (2003) cho phép luật sư được tham gia từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng, tức khi khởi tố bị can hoặc khi bắt khẩn cấp, bắt trong trường hợp bị truy nã, luật sư đã được quyền tham gia. Tuy nhiên hiện nay loại án bắt buộc có luật sư tham gia chỉ là án có khung hình phạt cao nhất 20 năm, chung thân hoặc tử hình hay án có người chưa thành niên phạm tội. Sắp tới, nên quy định bắt buộc có luật sư tham gia đối với loại án có khung hình phạt từ 15 năm trở lên.

* Vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn là vụ án có khung hình phạt cao nhất, vì sao luật sư không được tham gia ngay từ đầu?

- Theo tôi, có thể vụ án này đã xảy ra trước khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có hiệu lực, nên chưa có quy định cho phép về việc luật sư tham gia từ khi khởi tố đối với bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Qua đây càng cho thấy chủ trương mở rộng thẩm quyền của luật sư là việc làm hết sức cần thiết, nếu thực hiện đúng tinh thần cải cách tư pháp như tôi đã nói ở trên sẽ hạn chế rất nhiều việc vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra, nhất là chuyện bức cung, nhục hình sẽ không có cơ hội xảy ra.

* Ở nhiều nước ngay khi cảnh sát bắt giữ nghi phạm thì câu nói đầu tiên là “ông/bà được quyền giữ im lặng”...?

- Đó là một động tác đơn giản để giải thích quyền công dân, theo đó cho phép người bị tạm giữ, bị can được quyền im lặng để chờ luật sư của mình, khi chưa có luật sư tham gia thì họ có quyền chưa phải trả lời cơ quan điều tra, mục đích là để bảo đảm tối đa quyền con người, trong trường hợp họ bị tình nghi phạm tội. Theo tôi, tố tụng hình sự của chúng ta cũng phải tiến tới như vậy khi có đủ điều kiện, nghĩa là quy định về quyền được giữ im lặng của bị can, bị cáo một cách phù hợp.

* Để bảo vệ công lý, nghị quyết 49 cũng xác định khâu đột phá của hoạt động tư pháp là nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa và lấy kết quả tranh tụng làm căn cứ để ra phán quyết. Khâu đột phá này đã được làm đến đâu?

- Chủ trương về tăng cường tranh tụng là đúng và hiện đang được triển khai thực hiện đạt kết quả bước đầu tích cực. Tuy nhiên còn một số vướng mắc và kết quả chưa cao, đó là hiện nay pháp luật tố tụng được xây dựng theo mô hình tố tụng thẩm vấn. Ngoài ra, chuyện nhiều vụ án không có luật sư tham gia cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện phiên tòa tranh tụng. Một vấn đề nữa là để tổ chức một phiên tòa tranh tụng có kết quả, chúng ta phải chuẩn bị kỹ về kỹ năng tranh tụng cho các chủ thể (thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư).

* Nhiều nước giao Bộ Tư pháp quản lý công tác thi hành án hình sự, theo đó tách riêng cơ quan điều tra và cơ quan quản lý trại giam để đảm bảo tính khách quan, dân chủ trong quá trình điều tra, góp phần ngăn chặn những sự lạm dụng có thể ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo?

- Cũng có ý kiến đề xuất ta làm theo mô hình đó, làm được như vậy cũng tốt. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta phải căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tế ở nước ta. Hiện nay, Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định Bộ Công an giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án hình sự. Cơ quan thi hành án hình sự được tổ chức độc lập với cơ quan điều tra, đây là hai hệ thống có chức năng, nhiệm vụ khác nhau và được sự chỉ đạo của hai đồng chí thứ trưởng Bộ Công an nên về cơ bản cũng đảm bảo được tính độc lập trong hoạt động điều tra và thi hành án.

Mặt khác, Luật thi hành án hình sự mới được thi hành ba năm nên cần có thời gian phát huy được tác dụng. Hơn nữa, lực lượng công an đã quản lý công tác thi hành án hình sự nhiều năm, được đào tạo căn bản, chính quy và chuyên nghiệp, nếu để Bộ Công an tiếp tục quản lý sẽ tận dụng và phát huy được đội ngũ cán bộ. Vì vậy chưa cần phải thay đổi trong thời gian này.

* Chủ trương tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính được cho là sẽ giúp đảm bảo nguyên tắc độc lập của tòa án, qua đó góp phần loại trừ tình trạng xét xử oan sai. Tuy nhiên, từ khi có chiến lược cải cách tư pháp đến nay vẫn chưa triển khai xong?

- Về phía ban chỉ đạo chúng tôi rất quyết tâm bảo vệ chủ trương này, nhưng đang chờ kết luận của Bộ Chính trị. Hiện Bộ Chính trị yêu cầu tổng kết toàn diện tám năm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, sau đó sẽ có kết luận cụ thể, thời gian dự kiến là cuối năm nay. Bên cạnh đó, khi Quốc hội thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ có đầy đủ cơ sở để tổ chức tòa án bốn cấp theo thẩm quyền xét xử.

* Khi tòa án được tổ chức không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, sự giám sát của cơ quan dân cử cũng cần được đổi mới cho phù hợp?

- Hiện nay có hai mảng giám sát rất quan trọng đối với hoạt động tư pháp, đó là giám sát của các cơ quan dân cử (Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, HĐND các cấp) và giám sát của Mặt trận Tổ quốc VN, các tổ chức thành viên, các cơ quan thông tin truyền thông. Tôi đánh giá cao kết quả giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, tuy nhiên giám sát của Mặt trận Tổ quốc VN và các tổ chức thành viên tôi cho là chưa phát huy được.

Võ Văn Thành thực hiện

Theo Tuổi Trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,413

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn