23/04/2013 16:29 PM

Người hút thuốc chỉ mất 1-2 phút là hút xong điếu thuốc, thời gian diễn ra hành vi vi phạm rất ngắn, số người hút lại nhiều, chưa có biện pháp bắt buộc người hút thuốc lá phải nộp phạt,… là những băn khoăn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Ngày 1/5 tới đây, luật phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ chính thức có hiệu lực. Để chuẩn bị thực thi luật, sáng 23/4, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai luật phòng chống tác hại của thuốc lá và chiến lược quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá tại Hà Nội.

Điểm đột phá trong việc thực thi luật lần này là in cảnh báo tác hại của thuốc lá bằng hình ảnh và chữ viết, chiếm 50% diện tích mặt trước và sau của vỏ bao thuốc.


Những hình ảnh dự kiến sẽ in trên 50% diện tích vỏ bao thuốc lá từ 1/5 tới đây.

Với tác hại mà nó gây ra, thuốc lá trở thành tác nhân khiến nhiều loại bệnh tật nguy hiểm phát sinh, tạo ra nhiều gánh nặng cho cộng đồng. Việc áp dụng luật phòng chống tác hại của thuốc lá là cần thiết, song làm thế nào để luật được thực thi hiệu quả trong thực tế vẫn còn là một câu hỏi khó, đặc biệt là trong khâu xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.

Theo điều tra Toàn cầu về sử dụng thuốc lá năm 2010, Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới, đặc biệt là nam giới. Trung bình cứ có 2 nam giới trưởng thành thì có 1 người hút thuốc lá.

Hiện có gần 8 triệu người lao động Việt Nam thường xuyên hít phải khói thuốc lá thụ động tại nơi làm việc, gần 47 triệu người thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá tại nhà một cách thụ động.

Tại Việt Nam, có gần 11% tổng số ca tử vong ở nam giới là do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Theo ước tính của Tổ chức y tế thế giới, mỗi năm VN có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca vào năm 2030.

Câu hỏi được quan tâm nhất là lực lượng nào sẽ tiến hành công tác thanh tra, giám sát, xử phạt này và việc xử phạt sẽ được thực hiện như thế nào? Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) thông tin: Các lực lượng tham gia vào việc này gồm thanh tra y tế, quản lý thị trường, chính quyền các cấp, …

Khi phát hiện người hút thuốc lá nơi công cộng, các lực lượng trên sẽ lập biên bản xử phạt, rồi người bị phạt sẽ phải mang tiền đến kho bạc Nhà nước để nộp phạt.

Với lĩnh vực vi phạm trong giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện phải mang biên lai nộp phạt từ kho bạc về đưa cho CSGT thì mới được trả lại giấy tờ, bằng lái xe, … Do đó, bắt buộc người vi phạm phải thực thi nghĩa vụ nộp phạt. Còn với người hút thuốc lá, họ có “áp lực” gì để phải lên kho bạc nộp phạt? Đây là câu hỏi chưa được ai đứng ra giải đáp thỏa đáng.

Ông Quang cũng thừa nhận rằng hiện nay việc xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng còn nhiều cái khó, như: Người hút thuốc chỉ hút 1-2 phút là xong một điếu thuốc, thậm chí chỉ châm lửa rồi hút 1-2 hơi rồi bỏ. Thời gian diễn ra hành vi vi phạm ngắn, số lượng vi phạm lại đông, nên việc xử phạt khó có thể tiến hành đầy đủ, kịp thời.

Đây cũng là lý do khiến cơ quan chức năng chỉ xử phạt được hơn 10 người trong vòng suốt hơn 1 năm qua, kể từ ngày 1-1-2010, khi quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng có hiệu lực.

Tương tự, hành vi sử dụng, mua hoặc bán thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt từ 100 – 300 ngàn đồng, người bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi cũng sẽ bị phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng, vv … Các quy định này đều được đánh giá là không khả thi (nếu không muốn nói là không thể thực hiện được) do không ai đứng ra giám sát việc mua – bán như trên.

Một số hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã được trình Chính phủ và dự kiến sẽ sớm được thông qua để áp dụng trong thực tế.

Một số điểm đáng chú ý trong dự thảo:

- Phạt từ 3 đến 5 triệu đồng với hành vi không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá; …
- Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng với hành vi không có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá, …
- Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng với hành vi in cảnh báo sức khỏe không đúng mẫu, vị trí, diện tích và màu sắc đã được quy định;
- Phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồn với hahf vi sản xuất, nhập khẩu thuốc lá vào VN nhưng không thực hiện ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định; …

Cẩm Quyên

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,189

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn