Hôn nhân đồng giới: Luật sư nói gì?

20/04/2013 08:57 AM

(Chinhphu.vn) - Kết hôn đồng giới không ảnh hưởng đến các nguyên tắc của hôn nhân gia đình. Trong quy định của pháp luật cũng như nhận thức của mỗi người nên cởi mở đối với người đồng tính nói chung và quyền kết hôn của họ nói riêng.

Kết hôn là quyền tự do của mỗi người, không thể vì giới tính mà hạn chế đi quyền tự do đó. Ảnh: CLB ước mơ tuổi trẻ cung cấp

Theo Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, kết hôn là quyền tự do của mỗi người, không thể vì giới tính mà hạn chế đi quyền tự do đó. Đó sự kết hợp giữa hai cá nhân với nhau dựa trên cơ sở tình yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu lẫn nhau để xây dựng một “tế bào” xã hội ổn định.

Giữa hai người đồng giới có tình yêu thương, gắn bó thì việc kết  hôn của họ cũng sẽ đảm bảo được mục đích đó là: “chung thủy, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững” (Luật Hôn nhân và gia đình).

Nếu nói rằng kết hôn đồng giới không đảm bảo được các chức năng của gia đình trong đó có chức năng “tái sản xuất ra con người” thì chúng ta cần xem xét vấn đề này trên nhiều khía cạnh: Thứ nhất, những cặp kết hôn đồng giới chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tỷ lệ kết hôn khác giới vì thế không thể cho rằng họ kết hôn sẽ ảnh hưởng đến sự sống của nhân loại. Thứ hai, những “cặp vợ chồng” đồng giới vẫn có thể nhận con nuôi thậm chí với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học y tế chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng những “cặp vợ chồng này” có thể sẽ sinh con theo phương pháp tự nhiên. Nếu ta viện cớ rằng kết hôn đồng giới sẽ không đạt được chức năng của gia đình thì chúng ta cũng nên suy nghĩ rằng: đối với những người mắc bệnh “vô sinh” hay bệnh “yếu sinh lý” thì cũng không để đạt được các chức năng đó và vì vậy có nên chăng cấm cả những đối tượng này kết hôn?

Những gì thuộc về tự do cá nhân hãy để cá nhân tự điều chỉnh
Nếu như cấm kết hôn đồng giới thì những người mà chúng ta hay gọi là “giới tính thứ 3” ấy vừa không có một tờ hôn thú hợp pháp dù họ vẫn chung sống với nhau như vợ chồng vừa chịu sự kỳ thị của xã hội, sự đối xử không bình đẳng về pháp luật. Vì vậy, những gì thuộc về quyền tự do cá nhân của mỗi người hãy để cho mỗi người tự điều chỉnh và chịu trách nhiệm với nó.

Mặt khác, quy định tại Khoản 5, Điều 2 Luật hôn nhân gia đình: “Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú”. Đây là nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các con. Nguyên tắc này có thể hiểu là sẽ không phân biệt đối xử đối với con trên tất cả các phương diện. Nếu đã không có sự phân biệt giữa các con kể cả con đồng tính vậy tại sao lại có sự kỳ thị hôn nhân đồng tính.

Nhiều người cho rằng: kết hôn đồng giới sẽ vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc ta. Tôi cho rằng điều này là không có cơ sở. Cụm từ “thuần phong mỹ tục” mang nghĩa là những phong tục tốt đẹp và lành mạnh của dân tộc. Vậy, hai người yêu thương nhau tiến tới hôn nhân với nhau không phải là một hành vi xấu và càng không phải là một hành vi thiếu lành mạnh.

Việc đồng tính đã tồn tại từ lâu trong lịch sử, tuy nhiên vì quan điểm cho rằng đó là “căn bệnh” nên không được thừa nhận trong nhận thức cũng như trong pháp luật. Hiện nay khoa học đã chứng minh đó không phải là căn bệnh để có thể “hạn chế”, “chữa trị” khỏi được. Vậy, nên chăng chúng ta cũng cần phải thừa nhận nó trong quan hệ pháp luật.

Không sợ vướng về vấn đề nhận con nuôi và thừa kế
Khi đặt ra việc kết hôn đồng giới thì nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề nhận con nuôi và thừa kế. 

Đối với vấn đề nhận con nuôi, theo quy định tại Luật nuôi con nuôi và Luật hôn nhân gia đình năm 2000 thì: Cặp vợ chồng có thể cùng nhận nuôi con nuôi hoặc riêng từng người nuôi. Như vậy, đối với những cặp vợ chồng đồng tính họ có thể lựa chọn việc một người đứng ra nhận con nuôi.

Riêng về việc thừa kế thì tuân theo Bộ luật dân sự về thừa kế: Nếu có di chúc thì chia theo di chúc, nếu không có di chúc thì chia theo pháp luật với hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha, mẹ, con, không phân biệt là con nuôi hay con đẻ.

Luật sư Trương Anh Tú

(Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,527

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn