Thuế thu nhập doanh nghiệp còn 22% từ 1/7 tới?

17/04/2013 08:56 AM

Vẫn băn khoăn về việc chưa thể giảm ngay thuế thu nhập xuống 20% như đã bàn ở phiên họp trước, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị tính đến phương án áp dụng mức 22% ngay từ 1/7/2013.

Chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho hay, mức thuế suất thay vì giảm từ 25 xuống 23% như dự thảo lần đầu đã được điều chỉnh xuống 22% áp dụng cho giai đoạn 2014 - 2015. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng thuế suất 20%. Giai đoạn 2016 - 2020 áp dụng thống nhất mức thuế suất phổ thông là 20%.

Cùng phiên họp chiều 16/4, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ đề nghị từ ngày 1/7/2013 doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20%.

Doanh nghiệp thực hiện đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội được áp dụng thuế suất 10% đối với phần thu nhập từ bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.

Doanh nghiệp đang hoạt động có đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất thì được miễn, giảm thuế cho phần thu nhập tăng thêm do đầu tư này mang lại theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Vẫn nhắc lại quan điểm nếu giảm về ngay 20% thì tốt,  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý quy định nên gọn gàng, bởi “bày ra lắm loại doanh nghiệp quá, chỉ tổ tiêu cực”. Vì có thể doanh nghiệp đầu năm làm ăn được có 200 lao động, giữa năm làm ăn kém còn 70 lao động, thì ai mà đi đếm được.

Ông cũng đề nghị tính toán xem có thể áp dụng luôn mức thuế suất 22% từ 1/7/2013, vì tình hình đang khó khăn.

"Cứ nói là giảm 1% thì ngân sách mất đi 6.000 tỷ là không chính xác, vì khó khăn thì doanh nghiệp có lợi nhuận đâu mà nộp. Vì thế nên công bố áp dụng mức 22% sớm đi", ông thúc giục.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai phân trần, kết quả thu ngân sách quý 1 chỉ đạt 20,6%, trong khi thông thường các năm khác đạt 25 đến 27%. Dự báo ngân sách rất khó khăn, nên nếu giảm thu 9.000 tỷ đồng nữa thì hết sức áp lực với cân đối ngân sách năm nay, bà Mai nói.

Cũng vẫn vì dự báo ngân sách hết sức khó khăn, nên Thứ trưởng Mai xin giữ lộ trình đến 2016 mới giảm thuế suất xuống 20%.

Thống nhất về mức thuế suất, song nhiều nội dung khác cơ quan soạn thảo chưa thuyết phục được cơ quan thẩm tra dự án luật.

Với thuế suất ưu đãi, cơ quan soạn thảo đề nghị giai đoạn 2016 - 2020 áp dụng mức 17% với các đối tượng đang hưởng mức thuế suất ưu đãi 20% trong giai đoạn 2014 – 2015. Tuy nhiên, môt số ý kiến từ cơ quan thẩm tra đề nghị chỉ nên áp dụng mức 15%.


Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị bỏ quy định khống chế chi phí trả lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Một nội dung khác cũng còn ý kiến khác nhau là quy định lộ trình tiến tới bỏ mức khống chế chi phí được trừ đối với chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại khi cơ quan soạn thảo nói không còn cơ quan thẩm tra nói có.

Cũng như vậy, cơ quan soạn thảo đề nghị không quy định tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị đối với các lĩnh vực kinh doanh đặc thù, độc quyền như điện, nước, xăng dầu… Ủy ban Tài chính – Ngân sách có quan điểm ngược lại.

Điều này khiến cho Chủ tịch Quốc hội sốt ruột. “Chi phí tiếp thị quảng cáo cứ đưa ra 5 -7 cách, đến tôi cũng chả hiểu, hai bên thống nhất nốt đi”, ông nói.

Chủ tịch cũng lưu ý sửa luật lần này phải đảm bảo dài hơn, đơn giản, dễ áp dụng.

Nguyễn Lê
Theo VnEconomy

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,812

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn