Quy định cụ thể hơn chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc

16/04/2013 16:36 PM

(Chinhphu.vn) - Thảo luận Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc (sửa đổi) các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan trình Dự án rà soát, làm rõ và quy định cụ thể hơn các nội dung về hoạt động giám sát, phản biện xã hội cho phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc.

Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) do Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam soạn thảo đã nêu những điểm mới như Mặt trận Tổ quốc có chức năng, nhiệm vụ “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội”.

Những nội dung đổi mới trên đều nhằm thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng đã được ghi trong văn kiện Đại hội Đảng XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Tại phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/4, các thành viên cho rằng những điểm mới nêu trên chưa được Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc (sửa đổi) đề cập cụ thể cách thức, cơ chế triển khai.

Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội (cơ quan thẩm tra Dự luật) không phản đối quy định về chức năng “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân” của Mặt trận Tổ quốc nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ, cần làm rõ cơ chế "nhân dân ủy quyền cho Mặt trận Tổ quốc" cũng như phương thức đại diện.

Ngoài ra, theo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, công dân có nhiều quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng. Vậy Mặt trận Tổ quốc có thể đại diện và bảo vệ được toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân hay không?

“Dự thảo Luật chưa có các quy định cụ thể để làm rõ được chức năng bảo vệ của Mặt trận Tổ quốc”, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội nói.

Ông Phan Trung Lý đề nghị giữ như quy định hiện hành là Mặt trận Tổ quốc “cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân” .

Về chức năng nhiệm vụ “giám sát và phản biện xã hội”, Dự luật quy định Mặt trận Tổ quốc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan Nhà nước có liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; giám sát nhiệm vụ và đạo đức, lối sống của đại biểu dân cử, cán bộ, công chức Nhà nước.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng như nhiều ý kiến thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chưa rõ ràng về giá trị pháp lý của hoạt động giám sát và phản biện xã hội, chưa quy định cơ chế hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng chức năng “giám sát” của Mặt trận Tổ quốc cũng đã thể hiện thông qua các hình thức như phản ánh ý kiến của nhân dân, các đoàn thể với các cơ quan có thẩm quyền... Do đó, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc nên mang tính thể hiện tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và cũng để phân biệt với hoạt động giám sát mang tính quyền lực Nhà nước của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh “những nét mới trong Dự thảo luật chưa rõ. Muốn sửa luật để thực thi chức năng, nhiệm vụ mới của Mặt trận Tổ quốc thì luật phải chi tiết, cụ thể”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào cuối năm nay.

Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cơ quan trình Dự án Luật rà soát, làm rõ và quy định cụ thể hơn các nội dung về hoạt động giám sát, phản biện xã hội cho phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc.

Thành Chung

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,901

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn