“Người Hà Nội“ phải chịu phạt cao hơn nếu có vi phạm?

26/10/2012 13:21 PM

6 lĩnh vực được đề nghị sẽ nâng mức xử phạt cao hơn đối với “người Hà Nội” được trình trong dự thảo Luật thủ đô là trật tự, an toàn xã hội; môi trường; giao thông vận tải; văn hoá; đất đai; xây dựng.

Dự thảo quy định tại Điều 6 - Biểu tượng Thủ đô, là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Dự thảo quy định tại Điều 6 - Biểu tượng Thủ đô, là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Đề nghị nâng mức xử phạt hành chính tại thủ đô cao hơn
 
Về cơ bản, đề nghị này của Chính phủ phù hợp với chủ trương của Quốc hội trong việc cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực tại nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương như đã thể hiện trong Luật xử lý vi phạm hành chính, cụ thể là Luật cho phép HĐND các thành phố trực thuộc trung ương được quy định mức tiền phạt cao hơn trong 3 lĩnh vực là an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ môi trường và giao thông đường bộ.  
 
Lý giải về việc tăng thêm 3 lĩnh vực cần có mức xử phạt cao hơn, là văn hóa, đất đai, xây dựng, Chính phủ cho biết: “Đối với nội thành Hà Nội, ngoài 3 lĩnh vực mà Luật xử lý vi phạm hành chính đã cho phép các thành phố trực thuộc trung ương quy định mức tiền phạt cao hơn thì trong lĩnh vực là văn hoá, đất đai, xây dựng tình hình vi phạm hành chính cũng đang xảy ra hết sức phức tạp với tính chất, mức độ nguy hiểm, gây hậu quả lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu lực, hiệu quả và trật tự quản lý nhà nước ở Thủ đô, tác động, ảnh hưởng đến an ninh - chính trị, sự an toàn cho hoạt động của các cơ quan trung ương của Đảng và Nhà nước đóng trên địa bàn.
 
Thực tế cho thấy, mặc dù thành phố Hà Nội đã rất cố gắng, song vẫn chưa giải quyết, giải tỏa hết những hộ dân lấn chiếm đất di tích lịch sử, văn hóa. Ngoài việc tăng cường các biện pháp thi hành pháp luật thì một trong những giải pháp cần phải có đó là các quy định pháp lý với mức phạt hành chính cao hơn để đủ sức răn đe. Chẳng hạn, nếu vi phạm lấn chiếm đất công mà chỉ phạt khoảng 2 triệu, 10 triệu ở một nơi giá đất vài trăm triệu đồng 1m2 rõ ràng là không đủ mức để ngăn ngừa những người cố tình vi phạm.
 
Tương tự như vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, nếu xử phạt 50 - 100 triệu đồng đối với mỗi công trình vi phạm, trong đó có công trình xây sai phép, vượt tới 4 - 5 tầng, vượt hàng nghìn m2 xây dựng, trong khi giá trị giao dịch mỗi m2 xây dựng đã là gần một trăm triệu đồng, thì việc cố ý xây thêm tầng, cơi nới trái phép là khó ngăn chặn hết”.
 
Sẽ phải nộp phí nhiều hơn
 
Ngoài vấn đề nâng mức xử phạt, Dự thảo Luật Thủ đô còn quy định mức thu phí ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 2 lần so với mức thu do Chính phủ và Bộ Tài chính quy định đối với một số khoản thu phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân thành phố trong lĩnh vực giao thông vận tải. Lý giải quy định này, theo quan điểm của Chính phủ là: Trước mắt, khi chưa có đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, thì cần tiếp tục có giải pháp để giải quyết vấn nạn ùn tắc.
 
Dự thảo Luật cũng chỉ giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân xem xét, cần thiết thì mới quy định. Việc thu phí cao hơn không vì mục đích thu, mà để giảm ùn tắc trước hết là vào giờ cao điểm; người dân sẽ lựa chọn sử dụng loại phương tiện giao thông và thời gian lưu thông trong khu vực nội thành.
 
Liên quan đến việc quản lý dân cư, Dự thảo cũng đưa ra nhiều phương án để  để kiểm soát dân cư trong nội thành Hà Nội một cách phù hợp với các  giải pháp về kinh tế - xã hội, quy hoạch, đặc biệt là bằng biện pháp hành chính.
 

Vấn đề giáo dục, cơ chế tài chính... liên quan đến đặc thù của thủ đô cũng được đưa ra trong Dự luật, trình Quốc hội xin ý kiến trong kỳ họp này.

"Uỷ ban pháp luật nhận thấy, Cơ quan soạn thảo dự án Luật Thủ đô đã có nhiều cố gắng trong việc chuẩn bị dự án Luật, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội khoá XII, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan; đồng thời, đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của một số nước để có những quy định phù hợp.

Dự án Luật trình Quốc hội lần này được xây dựng trên cơ sở quán triệt các chủ trương được đề ra tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 06/01/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 và kết quả tổng kết gần 12 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô. So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội khóa XII, các quy định trong dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý lại phù hợp hơn, có tính khả thi cao hơn".

(Chủ nhiệm UBPLQH Phan Trung Lý)

 Nhật Thanh

Theo Phapluatvn.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,562

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn