24/04/2012 13:45 PM

Giải trình trước Ủy ban Pháp luật sáng nay, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông, tịch thu và sung công xe đua không phân biệt chủ sở hữu. Ông Thăng cũng ủng hộ việc tạm giữ người say rượu lái ôtô.

Sáng 24/4, phiên giải trình về tình hình vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ diễn ra dưới sự chủ trì của ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật.

Báo cáo trước Ủy ban Pháp luật, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng dẫn lại một số con số thống kê về tình hình tai nạn giao thông và khẳng định vi phạm hành chính về giao thông đường bộ là một trong những bức xúc nhiều năm qua. Đặc biệt, vi phạm pháp luật giao thông đường bộ là nguyên nhân chính, chiếm 96% số người chết. Đưa ra nhiều giải pháp để xử lý nghiêm các vi phạm, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, ông Thăng nhấn mạnh tới việc nâng trần mức phạt tối đa đồng thời cho phép thanh tra viên, công an được tăng thẩm quyền xử phạt, tránh đẩy việc xử phạt lên cấp cao.

Bộ trưởng Đinh La Thăng tại phiên họp Quốc hội. Ảnh: Hoàng Hà.

"Cần nâng mức xử phạt của thanh tra viên và công an lên 2 triệu đồng; tịch thu và sung công với các hành vi nguy hiểm như đua xe trái phép mà không phân biệt chủ sở hữu", ông Thăng đề nghị.

Theo ông, nếu xe đua không bi tịch thu sẽ làm cho người vi phạm coi thường kỷ cương, tiếp tục đua xe. Bộ trưởng Giao thông cũng nhắc lại kiến nghị mở tài khoản ngân hàng của chủ phương tiện và yêu cầu một khoản ký quỹ khi tham gia giao thông để tiến tới thu tiền phạt qua tài khoản.

Đề xuất của Bộ Giao thông được thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, đại diện Bộ Công an tán thành trong báo cáo bổ sung của Bộ này.

Là người đầu tiên chất vấn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển lo ngại với con số 8,3 triệu vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông năm 2011. Số người chết và bị thương do tai nạn giao thông những năm qua quá lớn, không có biểu hiện giảm với số lượng khoảng 12.000 người chết mỗi năm và 54.000 người khác bị thương.

"Trước đây, tôi từng nói với Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng rằng nếu anh là tư lệnh thì anh 'nướng' quân nhiều nhất bởi mỗi năm mất một sư đoàn và làm 4 sư đoàn khác bị thương", ông Hiển nêu so sánh và yêu cầu Bộ trưởng Đinh La Thăng giải trình thêm về trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông.

Nhắc đến đề nghị tăng tiền phạt của Bộ trưởng Thăng, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển băn khoăn khi thấy ít nhắc đến trách nhiệm của đội ngũ thực thi công vụ. "Làm thế nào để nâng trách nhiệm của đội ngũ làm công vụ như thanh tra giao thông để hạn chế tiêu cực của lực lượng này? Tôi cảm giác thanh tra giao thông làm chưa đúng chức trách của mình và lấn sang nhiệm vụ của cảnh sát giao thông", ông Hiển nhận xét.

Ông Hiển cũng cho rằng, đang có sự phân biệt đối xử khi xử lý hành chính, ví dụ như việc cấm xe taxi vào ở một số tuyến đường và một số giờ trong khi không hạn chế xe cá nhân khác. "Các lực lượng chỉ nhăm nhăm phạt taxi nhưng xe xịn biển đẹp thì được làm ngơ", người đứng đầu Ủy ban Tài chính Ngân sách nói. Khẳng định về việc nhiều vụ tiền xử phạt vi phạm hành chính không chảy vào ngân sách nhà nước, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ trưởng Thăng giải trình về trách nhiệm cá nhân.

Trước hàng loạt câu hỏi do ông Hiển đặt ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng không đi thẳng vào vấn đề mà dẫn lại thông tin về tình hình tai nạn giao thông những tháng đầu năm có giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Thừa nhận để xảy ra tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng có trách nhiệm của người thực thi công vụ song ông chưa đề cập đến trách nhiệm cá nhân người đứng đầu đối với các vấn đề bức xúc của ngành giao thông.

Bộ Giao thông cho biết đang xây dựng hệ thống giám sát xử lý an toàn giao thông, đẩy mạnh hạ tầng giao thông đô thị, xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân trình Chính phủ. "Bộ sẽ đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng dù và đang xây dựng chương trình hành động để làm sao phát triển đột phá, tới năm 2020, Việt Nam cơ bản là nước công nghiệp", ông Thăng nói.

Liên quan tới đề án thu phí bảo trì đường bộ, đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu thực trạng, Bộ Giao thông dùng tiền đầu tư vào các công trình gây thất thoát nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết. "Trong khi đó đời sống đại bộ phận người dân còn khó khăn thì Bộ lại đề xuất thu phí bảo trì đường bộ khiến người dân không đồng thuận. Đề nghị Bộ trưởng trả lời", ông Vinh nêu vấn đề.

Quan tâm tới vấn đề giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện, đại biểu Nguyễn Thị Khá cho rằng, Bộ Giao thông chưa đề cập nhiều đến việc nhiều lái xe không có "bằng" hoặc bằng cấp không phù hợp dẫn đến những kiến thức tối thiểu như nhường đường xe ưu tiên các lái xe này cũng vi phạm. "Bộ có đánh giá gì về tình trạng học giả bằng thật?", đại biểu Khá đặt câu hỏi. Nữ ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng yêu cầu Bộ Giao thông đánh ra chi tiết hơn về tình trạng xe tải chở quá tải, việc lái xe uống rượu bia gây tai nạn.

Thừa nhận thực trạng chất lượng không đảm bảo, chậm tiến độ của "gần 100% công trình giao thông", ông Thăng tái khẳng định, 2012 là năm an toàn giao thông, Bộ sẽ sửa đổi quy trình kiểm soát chất lượng; xây dựng quy chế xác định trách nhiệm người đứng đầu trong việc chậm tiến độ.

"Còn quỹ bảo trì đường bộ là thực hiện theo Luật Đường bộ năm 2008 nhằm có nguồn thu bảo đưỡng đường hàng năm. Không phải bây giờ Bộ mới đề xuất", ông Thăng cho biết.

Trả lời đại biểu Khá, Bộ trưởng Thăng cho hay, Bộ đang phối hợp với Bộ Công an thống nhất việc quản lý lái xe trong cả nước. Theo đó, hướng sắp tới là mỗi người một bằng lái, kiểm soát bằng máy móc hiện đại để tránh làm giả. "Hy vọng sắp tới chất lượng lái xe sẽ tốt hơn", ông Thăng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, nhiều nước đã áp dụng biện pháp tạm giữ lái xe say rượu phải tạm giữ, thậm chí tại Hàn Quốc lái xe say rượu phải đi tù 6 tháng. "Tôi đề nghị quan điểm của Bộ trưởng phải rõ ràng, khi Quốc hội thảo luận về rượu bia thì Bộ Giao thông im lặng. Bộ Giao thông muốn giảm tai nạn thì phải ủng hộ biện pháp này. Thống kê cho thấy 4% tai nạn do rượu bia song Tổ chức Y tế thế giới cho rằng 30% tai nạn chết người là do rượu bia", đại biểu Tiên nói.

Trả lời đại biểu Tiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, trong Luật giao thông đường bộ đã quy định, khi lái xe ô tô không được uống rượu bia, điều khiển xe máy có nồng độ cồn vượt quá quy định.

"Ngành giao thông đã đề xuất trong nghị định 34 có tạm giữ đối với người uống rượu lái ôtô và vi phạm nồng độ cồn với xe máy, chúng tôi đã tham khảo kinh nghiệm các nước thế giới. Chúng tôi đã tập hợp và đề xuất biện pháp tạm giữ áp dụng với hành vi nguy hiểm cho cộng đồng", ông Thăng nói.

Trước đó, Trung tướng ông Đỗ Đình Nghị, đại diện Bộ Công an, cho biết, trong xử lý vi phạm rượu bia có nhiều khó khăn. Người Việt Nam sử dụng rượu bia như một tập tục, vui buồn cũng dùng rượu, uống cuối ngày, ngày lễ tết... Khi xử lý, ngành công an coi trọng các biện pháp như bố trí cảnh sát ở ngoài quán bia, thì người vi phạm phát hiện, khi ra người ta đi bộ chứ không đi xe. Khi buộc đo khí thở, có người vi phạm bảo quá say nên cố tình không thổi, cảnh sát đã phải căng dây xem người ta có đi được không...

Ông Nghị cho biết, ngành công an đã đề nghị nâng mức xử phạt cao hơn quy định hiện hành. Trong đó, đề nghị người say rượu bia bị tạm giữ hành chính, khi tỉnh mới cho đi. Song khi thảo luận nội dung này, nhiều ý kiến chưa đồng tình vì cho rằng đã giữ phương tiện sao lại còn giữ người, song ông cho rằng, khi say mà ra đường thì vẫn có thể gây tai nạn.

Tình trạng phương tiện quá tải gây hư hỏng đường xá cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Dương Trung Quốc nhận xét, xe quá tải phá đường khủng khiếp, do vậy cần có cơ chế để doanh nghiệp đền bù hậu quả. Hiện, cảnh sát phạt xong rồi cho đi tiếp, xe lại tiếp tục phá đường. "Quốc lộ 5 về Hà Nội - Hải Phòng hỏng nặng là do xe quá tải", đại biểu Quốc nói.

Với xe quá tải, Bộ trưởng Thăng cho rằng đây là vấn đề bức xúc nên đã dừng cho phép hoán cải xe, cơi nới thùng hàng. Bộ Giao thông sẽ thí điểm 2 trạm cân tại Quảng Ninh và Đồng Nai, có đề án tổng thể tải trọng xe trên toàn quốc như lập 23 trạm cân trên các tuyến quốc lộ, sử dụng trang thiết bị hiện đại.

Bộ trưởng cho hay, mới đây ông đi công tác ở Bắc Kạn, gặp xe container quá tải phá đường, khi yêu cầu đánh xe về trạm thì lái xe không lái, trong khi cảnh sát không lái được xe container. "Với ý kiến của đại biểu, chúng tôi trao đổi với cơ quan liên quan, có thể tăng mức tịch thu như với xe đua", Bộ trưởng Thăng khẳng định.

Vấn đề lạm thu tiền phạt vi phạm hành chính cũng được đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề cập. Có ý kiến là cảnh sát đi làm đã được hưởng lương, nếu để lại tiền phạt để cải thiện đời sống thì người thi hành sẽ phạt nhiều hơn, dẫn đến lạm thu.

"Đề nghị cơ quan nhà nước nghiên cứu chính sách hạn chế thu tiền của dân, trong khi tham nhũng, lãng phí hàng nghìn tỷ đồng, nếu chúng ta tiết kiệm cái đó thì không cần thu tiền của dân. Các quỹ nâng cấp hạ tầng có chính sách thu hút vốn để hạn chế thu tiền của dân", ông Thuyền nói.

Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính giải trình, nếu không phạt thì vi phạm nhiều hơn. Tiền phạt để đầu tư cho cọc tiêu biển báo, bồi dưỡng cho người đi thực hiện. Cảnh sát giao thông đã có lương, song họ làm ngoài giờ, làm đêm nên cần có bồi dưỡng. Mức 100.000 đồng bồi dưỡng không lớn, nếu không bồi dưỡng thì tiêu cực xảy ra.

"Không thể nói là lạm thu được, bây giờ từng loại vi phạm đã rõ ràng, cảnh sát không dễ làm sai. Nếu ta ngại chuyện lạm thu thì sẽ không giải được bài toán vi phạm giao thông", bà Minh nói.

Thứ trưởng Minh cũng cho biết, năm 2011, tổng thu tiền phạt vi phạm giao thông là 2.540 tỷ đồng, đã nộp vào ngân sách các địa phương, số tiền này đã được các Kho bạc phân bố theo tỷ lệ trích 70% cho cảnh sát giao thông, 10% cho thanh tra giao thông, 10% cho Ban an toàn giao thông.

Nguyễn Hưng - Đoàn Loan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,049

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn