30/03/2012 13:45 PM

Cuối phiên xử sáng nay, gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích đã đề nghị tòa hủy án, điều tra làm rõ những mâu thuẫn trong lời khai của Lê Văn Luyện. Tuy nhiên, đại diện Viện KSND tối cao tái khẳng định, Luyện không có đồng phạm.

Ngay từ sớm, bạn bè, người thân của gia đình anh Ngọc (chủ tiệm vàng Ngọc Bích) và cả trăm người dân đã đổ về TAND tỉnh Bắc Giang. Những hình ảnh bé Trịnh Ngọc Bích, nạn nhân sống sót duy nhất trong vụ thảm sát tiệm vàng ở phố Sàn được người nhà mang theo. Hôm nay, bé Bích không đến dự phiên tòa.

Để đảm bảo an ninh, Công an tỉnh Bắc Giang đã bố trí hơn 200 cán bộ tham gia bảo vệ trực tiếp từ khu vực cổng toà án vào phòng xét xử. Khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ chịu trách nhiệm an ninh vòng ngoài, chốt chặn các tuyến đường dẫn đến tòa án. Hàng rào thép đã được giăng ngay từ hai đầu phố Hoàng Văn Thụ.

Ảnh:

8h sáng, Lê Văn Luyện được đưa vào phòng xét xử. Ảnh: Hoàng Hà.

Luyện bị dẫn giải vào phòng xử trong tiếng la ó của người nhà bị hại. Sát thủ này nhìn gầy, đen hơn so với phiên sơ thẩm. Sau những phút bức xúc, gia đình nạn nhân đã giữ trật tự.

Căn phòng im phăng phắc khi chủ tọa Nguyễn Đức Nhận - thẩm phán TAND Tối cao công bố lại bản án và mức án trong phiên xử trước. Theo quy định, sau phiên phúc thẩm lần này, gia đình bị hại không có quyền kháng án. Nếu không đồng ý với bản án phúc thẩm, gia đình có quyền gửi đơn lên Chánh án TAND tối cao.

Luyện cúi gằm mặt nghe bản án cũ. Phía dưới khán phòng, người nhà bị hại sụt sịt khóc khi một lần nữa nghe lại quá trình gây tội ác của Luyện với người thân của mình.

Đứng trước vành móng ngựa, còn có bố bị cáo Luyện, ông Lê Văn Miên và các bị cáo Dương Thị Lược, Trương Văn Hợp... . Những người này làm đơn kháng cáo với hy vọng được cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội chăm sóc gia đình, con cái.

Khi tòa hỏi về việc chuẩn bị hung khí gây án, Luyện khai đã chuẩn bị dao phớ, đèn pin và quá trình thăm dò tiệm vàng Ngọc Bích. "Bị cáo ngồi tại góc nhỏ ở phố Sàn đợi đến đêm khuya. Lúc ấy trời gần mưa, bị cáo quay lại tiệm vàng, ngồi đối diện với hiệu bánh mỳ ngay sát nhà nạn nhân, rồi trèo lên cây, qua mái tôn, đột nhập vào", Luyện kể.

Luyện dùng đèn pin soi các phòng tầng 2-3 rồi xuống tầng 1, sau đó lên tầng 3 ngồi đợi. Lúc này, phát hiện anh Ngọc (chủ tiệm vàng) bê đồ lên, hắn nấp sau cánh cửa rồi vào phòng vệ sinh. Lợi dụng lúc anh Ngọc không để ý, Luyện lao ra đâm nhiều nhát. Nạn nhân hô hoán, người vợ chạy ra cũng bị đâm. Cuộc vật lộn diễn ra giữa vợ chồng nạn nhân và sát thủ.

"Bị cáo nghe người vợ kêu rằng, anh đã đâm vào chân em rồi", Luyện khai.

Ảnh: Hoàng Hà.

Lê Văn Luyện cúi gằm mặt khi nghe bản án. Ảnh: Hoàng Hà.

Sau khi hạ gục vợ chồng anh Ngọc, Luyện xuống dưới chém bé Bích, rồi tiếp tục sát hại cháu bé 18 tháng tuổi. Gây án xong, Luyện gọi cho Trương Thanh Hồng đến đón, rồi về nhà tắm rửa, khâu vết thương trên người.

"Bị cáo không dám bán vàng để chuộc xe mà đưa sợi dây chuyền cho Hồng bán để chuộc xe hộ ra. Bị cáo còn dặn dò Hồng nếu có ai hỏi thì bảo vào Nam", Luyện khai. Tuy nhiên, sau đó, Luyện bắt xe lên Lạng Sơn, ở nhà người cô và nhờ chú đưa sang bên Trung Quốc.

"Ngoài bị cáo, có ai tham gia, xúí giục không?". Luyện trả lời: "Không, bị cáo chỉ có một mình". "Ngoài số vàng đó ra, bị cáo còn cướp, chiếm đoạt tài sản gì nữa?", chủ tọa tiếp tục truy vấn. "Không ạ. Bị cáo không biết làm như nào nên phải đi cướp. Bị cáo bị cuống nên mới sát hại gia đình chủ tiệm vàng", Luyện lí nhí.

Luật sư Phạm Thanh Huỳnh (bảo vệ bị hại) hỏi: "Bị cáo từng khai nhà hàng xóm soi đèn pin và có gọi điện báo cho vợ chồng chủ tiệm vàng báo có trộm đấy. Tại sao bị cáo biết họ tên người này?". Luyện đáp ngay: "Bị cáo chỉ biết gia đình ông đó bán loa thùng".

"Bị cáo khai có vật lộn với ông chủ ở tầng 3. Vậy bị cáo có thấy vô lý khi gây án với bà chủ mà ông chủ vẫn ngồi tầng 3 để bị cáo gây án không?", luật sư vặn lại. "Cái đó bị cáo không biết", Luyện cúi gằm mặt đáp.

"Gia đình bị hại cho rằng bị cáo không thể thực hiện một mình, bị cáo nghĩ thế nào?". "Bị cáo không biết, bị cáo chỉ có một mình", Luyện ngập ngừng. Luyện khai có thể thực hiện lại nếu được cho thực hiện lại hành vi phạm tội.

"Bị cáo cho biết lý do gì, trước đó thì tắt nguồn điện, sau đó, khi gây án xong bị cáo lại bật. Có phải để nhìn cho sáng để tiện cho viêc lục tìm tài sản hay là có người khác bật nguồn điện cho bị cáo?", luật sư phía bị hại truy hỏi. "Bị cáo sợ tắt hết điện trong và ngoài sẽ có người nghi", Luyện đáp.

Trong khi con trai khai nhận, ông Lê Văn Miên mắt đỏ lựng, hai tay đan xen vào nhau. Trương Thanh Hồng (anh họ Luyện), ngồi cạnh mắt rưng rưng.

Sau phần thẩm vấn, Luyện được về chỗ ngồi, hai tay đan chéo, gương mặt anh ta lộ rõ vẻ lầm lì. Thỉnh thoảng quay sang ngó sang máy tính của một số phóng viên ngồi gần đó.

Toàn cảnh phiên phúc thẩm xét xử Lê Văn Luyện. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong phần xét hỏi các bị cáo khác, ông Lê Văn Miên (bố Luyện) khai do không hiểu biết pháp luật, chỉ vì thương con nên bao che tội ác. Còn Hồng khai sau khi nhận được điện thoại của em họ, đã ra đón và nhận 2 sợi dây chuyền và giấy cầm đồ để giúp em lấy xe.

Bị cáo Trương Văn Hợp (bố bị cáo Hồng) cho biết có biết việc Luyện phạm tội khi ông Miên rủ đi Lạng Sơn chơi, gặp Luyện và hỏi về việc có liên quan đến vụ cướp vàng?

"Bị cáo vặn hỏi, Luyện bảo thực hiện một mình. Bị cáo còn nghi ngờ, vụ án to vậy mà mày làm một mình à, khi đó, Luyện vẫn nói gây án một mình", ông Hợp trả lời rõ ràng.

Luyện ngồi phía dưới, chân di di khi chủ toạ tiếp tục phần thẩm vấn cô ruột Lê Thị Định - người đã che giấu khi hắn lẩn trốn ở Lạng Sơn. "Bị cáo do ở vùng sâu, xa, không hiểu biết pháp luật nên phạm tội", Định nức nở trước vành móng ngựa. Người đàn bà này trải lòng, hiện nay còn hai con nhỏ mà vợ chồng bị đi tù không ai chăm sóc.

Kết thúc phần thẩm vấn, phiên tòa chuyển sang phần trình bày của gia đình bị hại. Ông Đinh Văn Hương (anh trai chị Đinh Thị Chín, chủ tiệm vàng) thắc mắc, lúc đầu cơ quan điều tra đếm được 199 chiếc nhẫn, sau đó lại thông báo số nhẫn ít hơn 24 chiếc.

Mắt ngấn lệ, ông Hương kể về hiện trạng của bé Bích thời điểm hiện tại và tương lai. "Cháu tôi tàn tật vĩnh viễn, sẽ phải phụ thuộc vào người khác, chiếc tay bị chém giờ vẫn còn yếu", ông Hương nói. Ông Hương yêu cầu bồi thường 200 triệu đồng tiền điều trị cho cháu Bích cùng 500 triệu đồng tổn thất tinh thần cho người thân của các nạn nhân.

Còn ông Đinh Quốc Sinh (anh trai bà Chín) thắc mắc: "Luyện khai có nhờ người dẫn mua dao? Việc tắt camera và điện hai chỗ này cách nhau tới 10m. Luyện khai không đâm Chín, vết thương hình móng ngựa trên người em tôi thì thế nào? Chúng tôi cần Luyện giải thích và cơ quan điều tra làm rõ".

Ông Sinh cũng đề nghị tòa làm rõ về ôtô đỗ gần tiệm vàng, một số dấu vết máu tại hiện trường đã bị xóa."Hiện nay cháu Bích vẫn khẳng định có hai người vào nhà mình. Chúng tôi đề nghị hủy bản án và "diễn" lại hành vi của Luyện", ông Sinh nói.

Kết thúc phần thẩm vấn đểchuyển sang phần tranh luận, đại diện Viện KSDN tối cao giữ quyền công tố tại tòa nhận định, các bị cáo có tình tiết giảm nhẹ, bồi thường một số tiền cho gia đình bị hại, chưa có tiền án, tiền sự, gia đình có công với cách mạng. Tuy nhiên, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến dư luận, VKS đề nghị không chấp nhận kháng án xin giảm nhẹ hình phạt của 5 bị cáo Lược, Hồng, Hợp, Nghi, Định.

Theo vị đại diện VKS, về lời khai của cháu Bích, trong hồ sơ, có lời khai phù hợp với lời khai của Luyện về việc chém hai chị em. Ngoài ra, sau đó, cháu Bích khai có một thanh niên cao khoảng 1m60 đứng ở cầu thang, nhưng do trời tối nên không nhận rõ. "Cháu có cảm giác có người đứng ở đó nhưng không biết chính xác", đại diện VKS trích dẫn. Đại diện VKS khẳng định toàn bộ lời khai của Luyện cho thấy không có đồng phạm.

HĐXX tạm dừng phiên xử, phòng xử án nhốn nháo. Ông Tín (ông nội bé Bích) mặt đỏ lựng vì bức xúc, chưa rời khỏi phiên toà. Một số người dự khán đã la ó, chửi bới, thậm chí có người còn xông vào định hành hung Luyện khi kẻ sát nhân được công an dẫn giải ra xe.

13h30 tòa làm việc trở lại.

Một người dự khán xông vào định đánh Lê Văn Luyện

Một người dự khán xông vào định đánh Lê Văn Luyện. Ảnh: Hoàng Hà.

Hai tháng trước, ngày 10-11/1, TAND tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa sơ thẩm đối với Lê Văn Luyện, thủ phạm gây ra vụ thảm sát tiệm vàng Ngọc Bích (thị trấn Sàn, tỉnh Bắc Giang). Bố đẻ cùng cô chú, anh họ của Luyện cũng bị ra trước vành móng ngựa về các tội che giấu, không tố giác tội phạm.

Bản án sơ thẩm xác định, rạng sáng 24/8/2011, Luyện đột nhập tiệm vàng Ngọc Bích, cắt hệ thống camera, chuông báo động, đâm chết vợ chồng chủ tiệm. Con gái lớn của họ (bé Bích) bị chém đứt lìa tay phải, bé út bị giết. Luyện vơ vét 200 chỉ vàng ta, gần 153 chỉ vàng tây trong tủ trưng bày ở tầng 1, tổng giá trị tài sản hơn 1,27 tỷ đồng.

Theo TAND Bắc Giang, hồ sơ vụ án, kết quả khám nghiệm cho thấy không có cơ sở xác định Luyện có đồng phạm. Lời khai của Luyện về việc đột nhập tiệm vàng trùng với kết quả thực nghiệm hiện trường. Các vết chém trên người 4 nạn nhân khi khám nghiệm cũng khớp với lời khai hung thủ.

Với những phân tích trên, HĐXX cho rằng cáo trạng truy tố Luyện về 3 tội danh là có cơ sở. Luyện bị phạt 18 năm về tội giết người, 18 năm cho tội cướp tài sản, 9 tháng tù do lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do bị cáo gây án khi chưa đến tuổi thành niên (17 tuổi, 10 tháng 6 ngày) nên tổng hợp các hình phạt không quá 18 năm tù.

6 bị cáo còn lại của vụ án gồm: Lê Văn Miên (bố Luyện) lĩnh án 48 tháng tù do che giấu tội phạm; đồng phạm Trương Thanh Hồng và Lê Thị Định bị phạt lần lượt 30 tháng, 15 tháng. Do không tố giác tội phạm, bị cáo Lê Thành Nghi bị phạt 15 tháng, Trương Văn Hợp 12 tháng và Dương Thị Lược 9 tháng.

Ngay sau phiên sơ thẩm, đại diện gia đình bị hại đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Gia đình bị hại cho rằng tại hồ sơ vụ án và trước tòa, các bị cáo khai không thành khẩn; nhiều nội dung, lời khai mâu thuẫn nhằm che giấu hành vi đồng phạm giúp sức cho Luyện thực hiện tội phạm.

Việt Dũng

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,148

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn