Hiệp định TPP 07/10/2015 11:12 AM

Hiệp định TPP: “Đòn chí mạng” đối với ngành công nghệ sinh học

07/10/2015 11:12 AM

Hiệp định TPP đề xuất cắt giảm thời gian độc quyền cho các loại thuốc sinh học. Ngành dược không hề vui mừng vì điều này.

Mỹ và 11 quốc gia Thái Bình Dương đã đạt được thỏa thuận lịch sử thúc đẩy tự do hóa thương mại giữa các quốc gia thành viên. Tuy là tin tốt với nhiều ngành, nhưng đối với công nghệ sinh học, Hiệp định TPP lại là một đòn chí mạng.

Hiệp định TPP sẽ ảnh hưởng đến 40% của nền kinh tế toàn cầu với mục tiêu loại bỏ những rào cản và thiết lập các tiêu chuẩn chung cho tất cả mọi thứ từ giá gạo cho đến các chi phí của các loại thuốc đặc trị. Hiệp định còn quy định về độc quyền sáng chế đối với thuốc sinh học, một phương thức điều trị tiên tiến có sử dụng các tế bào sống thay vì hóa chất.

12 quốc gia đã đạt được sự đồng thuận về thời hạn độc quyền bán thuốc sinh học và thời hạn nắm giữ độc quyền dữ liệu lâm sàng. Theo đó, các nước có thể lựa chọn một trong hai thời hạn độc quyền công nghệ sinh học: 8 năm độc quyền toàn phần, hoặc 5 năm độc quyền dữ liệu lâm sàng cộng thêm 3 năm độc quyền bán phần. Hiện nay, Mỹ cho phép 12 năm độc quyền thuốc sinh học và đã tìm cách áp đặt thời hạn này cho TPP, mặc dù các quốc gia khác, như Úc, vận động cho một khoảng thời gian ngắn hơn là 5 năm.

Sự rút ngắn thời hạn độc quyền như trên sẽ không ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn hiện hành của Mỹ, nhưng các công ty công nghệ sinh học lo lắng trước những tin tức ấy. Tổ chức Công nghiệp Công nghệ sinh học (BIO), hiệp hội thương mại công nghệ sinh học lớn nhất thế giới, cảnh báo rằng động thái này có khả năng làm sụt giảm đầu tư toàn cầu và kìm hãm sự phát triển của phương pháp điều trị mới mang tính đột phá.

Những người ủng hộ thời gian bảo hộ sáng chế ngắn hơn cho rằng thuốc thiết yếu có thể được bán với giá thấp hơn cho bệnh nhân trong một khoảng thời gian hợp lý, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp, nếu biosimilars (thuốc mà không phải là bản sao chính xác nhưng rất giống với các loại thuốc gốc) được sản xuất dễ dàng hơn. Vì vậy, trong vòng ít nhất là 5 năm, hiệp định TPP sẽ giúp nhiều bệnh nhân đủ khả năng mua bất kỳ loại thuốc sinh học mới nào, từ thuốc điều trị ung thư đến bệnh viêm ruột mãn tính (Crohn) (một báo cáo năm 2009 của Ủy ban Thương mại Liên bang chỉ ra thuốc biosimilar rẻ hơn thuốc gốc từ 10% đến 30%).

Tuy nhiên, không thể dễ dàng thực hiện điều đó. Các công ty công nghệ sinh học vẫn cần phải bù đắp chi phí đầu tư để phát triển các phương pháp điều trị mới mà có thể đẩy giá thuốc lên cao hơn trong một khoảng thời gian độc quyền ngắn hơn, đặc biệt là ở Mỹ, nơi các công ty dược có nhiều thời gian hơn để định giá. Thời gian 5 năm hay 8 năm chỉ được xem như một thắng lợi nhất thời chứ không tăng khả năng sinh lợi của thuốc trong vài năm nữa, đặc biệt là khoảng thời gian hoàn vốn đầu tư của công nghệ sinh học có thể kéo dài từ 13 đến 16 năm.

Thuốc sinh học cũng có khả năng duy trì thị phần ngay cả sau khi mất độc quyền biosimilars là không phải là bản sao hoàn chỉnh của thuốc gốc, mặc dù sự thay thế của thuốc biosimilars trên thị trường chắc chắn sẽ làm giảm giá thuốc.

Phản ứng của thị trường công nghệ sinh học đối với hiệp định TPP không mấy lạc quan mặc dù hiệp định thương mại này còn tiếp tục được nội luật hóa thông qua Quốc hội các nước. Chỉ số Nasdaq Index công nghệ sinh học đã xuống thêm 1% vào thứ Hai, giảm gần 11% so với tháng trước do áp lực ngày càng tăng của giá thuốc cao đối với ngành công nghiệp này.

Bích Trâm (dịch)

Theo Fortune

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,163

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn