Thông tư 01/2015/TT-BXD: Nóng đơn giá nhân công

29/07/2015 08:51 AM

Ngày 20/3/2015, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 01/2015/TT-BXD về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong đó tập trung hướng dẫn xác định đơn giá nhân công, có hiệu lực từ 15/5/2015. Đây là Thông tư có ảnh hưởng lớn tới hoạt động quản lý xây dựng nên khi chính sách mới đi vào cuộc sống không tránh khỏi những bỡ ngỡ trong quá trình thực thi. Báo Xây dựng xin phản hồi thông tin xung quanh vấn đề này.

Các công trình vùng sâu rất khó thuê nhân công với mức giá thấp.

Theo thông tư hướng dẫn cách tính mới có rất nhiều điểm thay đổi so với việc tính đơn giá nhân công theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP cũ như: Quy định lại một cách tính chung mức lương đầu vào (LNC) theo 4 vùng khá thấp so với Nghị định 103/2014/NĐ-CP. Ví dụ: Vùng I chỉ có 2.350.000đ thay vì 3.100.000đ; không được tính thêm các phụ cấp như: Lưu động, không ổn định sản xuất, lương phụ nghỉ lễ, tết, phép, chi phí khoán trực tiếp lao động, khu vực v.v... vì trong mức lương đầu vào (LNC) đã có các phụ cấp này rồi; hệ số lương bị giảm đi do gần như các loại nhân công được đưa về nhóm I. Kể cả thợ lái máy, nhân công thi công trong ngành giao thông, thủy lợi, điện nước đều bị chuyển về nhóm I. Hệ số lương nhóm II tăng lên nhưng không biết dùng vào đâu?

Như vậy, cách tính theo chính sách mới tác động lớn đến sự biến động giá nhân công của các tỉnh miền núi có công trình trên địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Bà Vũ Thị Bắc (ngành xây dựng tỉnh Sơn La) phản ánh: Theo hướng dẫn tại Phụ lục 2, Bảng số 1 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2015/TT-BXD ngày 20/3/2015 của Bộ Xây dựng, cấp bậc, hệ số lương công nhân xây dựng thuộc nhóm I gồm: Mộc, lề, sắt, bê tông, cốp pha, hoàn thiện, đào đất, đắp đất; khảo sát xây dựng (bao gồm cả đo đạc xây dựng); vận hành các loại máy xây dựng (máy làm đất, máy đầm, máy nâng hạ, máy khoan, máy đóng ép cọc, máy bơm, máy hàn...); lương công nhân xây dựng nhóm II là các công tác khác không thuộc nhóm I.

Theo nội dung trên thì một số công tác thuộc công trình giao thông không nằm trong lương công nhân nhóm I (đào đắp đá, cát, phát rừng, thi công móng, mặt đường, vận chuyển tiếp đất, đá (sử dụng ô tô), các công tác khoan, xây lát công trình cầu, cống ...). Tuy nhiên, vận hành các loại máy xây dựng của các công tác này lại thuộc nhóm I. Như vậy, đối với công trình giao thông sẽ có hai nhóm cấp bậc, hệ số lương và trong cùng một đơn giá cũng sẽ có hai nhóm lương.

Bà Bắc hỏi, lương công nhân xây dựng công trình giao thông thuộc nhóm II hay bao gồm cả nhóm I và nhóm II? Nếu lương công nhân xây dựng công trình giao thông thuộc nhóm II, thì công nhân vận hành máy xây dựng công trình giao thông có thuộc nhóm II không?

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Lạng Sơn cho biết: Sau khi Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 01/2015/TT-BXD về việc hướng dẫn xác định giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 898/QĐ-UBND ngày 3/6/2015. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai và thực hiện, Hiệp hội Doanh nghiệp Lạng Sơn đã nhận được rất nhiều các phản hồi của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Lạng Sơn đã tiến hành đối thoại với đại diện các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng bàn biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong Thông tư 01/2015/TT-BXD trên tinh thần hướng dẫn của Thông tư, tính toán mức lương đầu vào đã bao gồm các khoản lương phụ, các khoản phụ cấp lưu động, phụ cấp khu vực, phụ cấp không ổn định sản xuất và đã tính đến các yếu tố thị trường.

Bước đầu cho thấy, sau khi áp dụng lương theo Thông tư 01/2015/TT-BXD trung bình lương của người lao động giảm từ 23-28%. Ví dụ: Khu vực 4 như tỉnh Lạng Sơn, lương tối thiểu ngày công của thợ 3/7 trước đây là 209.859 đồng/ngày công, sau khi áp dụng theo Thông tư 01/2015/TT-BXD là 157.846 đồng/ngày công (giảm 24,78% so với trước đây ). Doanh nghiệp xây dựng ở vùng sâu, vùng xa nên có mức phụ cấp khu vực từ 0,7 đến 1,0 lại càng gây khó khăn do không thể tuyển được lao động.

Mặt khác, Thông tư 01/2015/TT-BXD đã bỏ nhân công nhóm 3, do đó nhân công nhóm 2 chưa phản ánh hết được mức độ khó khăn trong thi công những công trình đòi hỏi kỹ thuật, chất lượng cao như thi công cầu, trạm biến áp, công trình viễn thông…

Số ngày công theo định mức là 26 ngày công, do hiện tại trong lĩnh vực XDCB chủ yếu là XD cơ sở hạ tầng nên phụ thuộc tầng rất nhiều vào yếu tố giải phóng mặt bằng và yếu tố thời tiết nên ngày công thực tế chỉ đạt từ 18 - 20 ngày công.

Những vấn đề nêu trên Báo Xây dựng sẽ tiếp tục cập nhật phản ánh và trao đổi cùng cơ quan chức năng trong các bài viết tiếp theo.

Huệ Anh

Theo Báo Xây Dựng

Điều 4. Xác định đơn giá nhân công

Đơn giá nhân công được xác định theo công thức sau:

 GNC= LNC x HCBx 1/t

Trong đó:

- GNC: đơn giá nhân công tính cho một ngày công trực tiếp sản xuất xây dựng.

- LNC: mức lương đầu vào để xác định đơn giá nhân công cho một ngày công trực tiếp sản xuất xây dựng. Mức lương này đã bao gồm các khoản lương phụ, các khoản phụ cấp lưu động, phụ cấp khu vực, phụ cấp không ổn định sản xuất và đã tính đến các yếu tố thị trường công bố tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này.

- HCB: hệ số lương theo cấp bậc của nhân công trực tiếp sản xuất xây dựng công bố tại Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này.

- t: 26 ngày làm việc trong tháng.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 25,507

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn