Quận 1, TP.HCM: Hàng trăm công dân hết “vô danh”

14/12/2007 08:39 AM

Sáng 12-12, được tin một số người đã nhận được HK đợt một, chúng tôi cùng theo chân họ về hẻm. Con hẻm ngày thường vẫn lặng lẽ với những bóng người kiếm sống nhờ vỉa hè nay bỗng vỡ òa trong niềm vui. Nghe tin ông Nghĩa, ông Quý, bà Yến... có HK, nhiều người hàng xóm chạy qua “dòm một cái cho biết”.

Tụi tôi mừng như sinh lại lần thứ hai sau 27 năm là những công dân vô danh.

Người dân hẻm 95 Phó Đức Chính và hẻm 100 Nguyễn Công Trứ (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) được cấp số nhà tạm, cấp hộ khẩu và làm chứng minh nhân dân.

Mấy hôm trước khi đi công tác trên Đà Lạt, tôi nhận tin nhắn báo khoảng ngày 14 tháng này, bà con ở hẻm 95 Phó Đức Chính, quận 1, TP.HCM (Báo Pháp Luật TP.HCM từng có nhiều bài viết phản ánh) sẽ nhận được sổ hộ khẩu (HK).

Vậy mà không ngờ, hộ khẩu đến với họ còn sớm hơn dự kiến.

“Nào giờ mới thấy sổ hộ khẩu”

Sáng 12-12, được tin một số người đã nhận được HK đợt một, chúng tôi cùng theo chân họ về hẻm. Con hẻm ngày thường vẫn lặng lẽ với những bóng người kiếm sống nhờ vỉa hè nay bỗng vỡ òa trong niềm vui. Nghe tin ông Nghĩa, ông Quý, bà Yến... có HK, nhiều người hàng xóm chạy qua “dòm một cái cho biết”.

Ngách 95/5 đã có hai hộ được cấp HK. Bác Nguyễn Văn Nghĩa năm nay đã 70 tuổi, cái tuổi 70 đã đi gần hết cuộc đời, khi cầm cuốn sổ bìa đỏ hồng in hình trống đồng tay run run. Bác chỉ cho “bà nhà” coi tên mình, tên bà, tên người con trai được viết trong sổ. “Từ nay hết vô danh rồi, là một công dân bình thường rồi cô ạ” - ông nói. Trong căn nhà nhỏ khuất tối tận cuối ngách, những tiếng cười, tiếng nói cứ xôn xao, lan truyền qua từng vách tường, lây từ nhà này sang nhà khác, từ người này sang người khác.

Chị Thu đang “khoe” tấm bảng số nhà mới gắn. Ảnh: HTD

Từ sau ngày thành phố giải phóng, vợ chồng bác Nghĩa đi kinh tế mới. Năm 1979, họ về thành phố trong tình trạng không nhà cửa, không giấy tờ, sống lang thang ngoài vỉa hè.

Dịp gần Tết năm 1980, cả nhà bác được UBND phường 18 cũ (nay là phường Nguyễn Thái Bình) cho chuyển về sống trong một căn nhà lá trong hẻm 95 Phó Đức Chính. Con trai ông Nghĩa về làm công dân hẻm 95 lúc mới ba tuổi, nay anh đã 30 tuổi. Đi nhận sổ HK cho gia đình, anh xin ngay biểu mẫu để làm giấy chứng minh nhân dân.

Nhân viên phát biểu mẫu ngạc nhiên. Anh cười như khoe: “Hồi nào tới giờ, HK tôi còn chưa có lấy gì làm chứng minh nhân dân, không tin cô nhìn sổ HK tôi mới làm thì biết”. Anh cười ngỏn ngoẻn với chúng tôi: “Mai tôi sẽ đưa ba má đi chụp hình làm chứng minh nhân dân. Xong rồi tôi đi thi lấy cái bằng lái xe. Chứ làm nghề chở xe ôm gần 10 năm nay, đâu có bằng biếc gì. À, rồi còn đi sang tên cái xe nữa”... Những dự định hết sức bình thường ấy, vậy mà họ đã chờ biết bao nhiêu năm nay.

Miên man những niềm vui

Nhà chị Bùi Thị Huy Trâm ở hẻm 100 Nguyễn Công Trứ nay có số là 100/9. Chị về hẻm từ lúc mới 17-18 tuổi, nay cũng ngoài 40 mà chưa bao giờ biết mặt cuốn sổ HK nó làm sao. Nhìn thấy tôi, chị khoe ngay cái giấy hẹn của công an quận. Bảy ngày nữa, ngày 20-12, chị mới lên quận để nhận kết quả. “Chưa biết đã nhận HK ngay hay còn thiếu gì nhưng cũng thấy yên tâm hơn. Bằng này tuổi mà ra đường chẳng có giấy tờ tùy thân, nếu có lỡ làm sao thì chẳng ai biết đâu mà lần”.

Gặp chị Huỳnh Ngọc Thu, nhà số 95/5/2 hẻm 95, thay cho lời chào khách là một khuôn mặt cười rạng rỡ. Chị cũng là một trong số những người đi kinh tế mới, về hẻm 95 sống đã hơn 20 năm.

 Do còn thiếu một số giấy xác nhận nên hồ sơ chị mới nộp, giấy hẹn giải quyết HK của chị đến ngày 20-12 mới có. “Họ nhận hồ sơ của mình là vui rồi. Hơn 20 năm nay chẳng có mảnh giấy lận lưng, giờ thì sắp có rồi, có chờ ít ngày cũng chẳng sao”. Nói rồi chị chỉ cho tôi coi bảng số nhà mới gắn. Rồi chị lại cười.

Chị khoe, người bà con khi nghe chị nói mới có số nhà tạm đã bảo chị ghi lại số nhà rồi làm tặng chị cái bảng số nhà rất tề chỉnh. Phải thôi, bao nhiêu năm qua, tất cả những căn nhà trong hẻm này đều có chung một địa chỉ hẻm 95, nay có số thì phải gắn lên cho đàng hoàng chứ.

Bước chân rời khỏi hẻm, chúng tôi vẫn nghe loáng thoáng những thăm hỏi nhau, ông Tám đã nộp hồ sơ chưa, bà Tốt ngày 14 này có HK rồi đấy... Một niềm vui chung đang lan tràn trong tim những người được biết mình cũng là một công dân bình thường.

Ngày 30-7-2007, Báo Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh “Gần 30 hộ dân ở hẻm 95 Phó Đức Chính, quận 1: Không số nhà, không hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân”. Số báo ra ngày 1-8 phản ánh tiếp về tình trạng tương tự đối với một số hộ ở hẻm 100 Nguyễn Công Trứ (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1).

Từ đó, suốt trong các tháng 8, 9, 10 và 11 Báo Pháp Luật TP.HCM và các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan như Công an TP, Ủy ban MTTQ TP, Ban Pháp chế HĐND TP, UBND quận 1, Phòng Quản lý đô thị quận 1, UBND phường Nguyễn Thái Bình đã hết sức tìm cách tháo gỡ vấn đề xác nhận tình trạng nhà ở hợp pháp cho các hộ dân ở hai hẻm trên.

Trung tá Trần Văn Hiếu, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận 1, cho biết: Hiện đã có gần 30 hộ ở hai hẻm trên nhận được giấy hẹn. Một số hộ đã nhận được sổ HK. Người đến tuổi và người chưa có chứng minh nhân dân đều nằm trong diện cấp chứng minh nhân dân. Trường hợp nào còn vướng, ngoài việc xác nhận tình trạng nhà ở, đội sẽ liên hệ người dân để hướng dẫn thêm.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 574

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn