Từ 1-1-2008:Phải có “sổ đỏ” mới được cấp phép xây dựng

14/12/2007 08:08 AM

Theo quy định mới về cấp giấy phép xây dựng, tại Hà Nội, từ 1-1-2008, người dân phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”) mới được xây dựng, cải tạo nhà ở.

- Theo quy định mới về cấp giấy phép xây dựng, tại Hà Nội, từ 1-1-2008, người dân phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”) mới được xây dựng, cải tạo nhà ở. Theo đó, sẽ có hàng trăm nghìn hộ dân chưa được cấp “sổ đỏ” hoặc đang trong giai đoạn chờ xem xét hồ sơ sẽ không được xây dựng mới, nâng cấp hoặc cải tạo nhà ở.

Dựa vào đâu để không cho dân xây dựng?

Theo Quyết định số 79/2007/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội, người dân muốn được cấp phép xây dựng phải có một trong 12 loại giấy tờ liên quan tới đất đai. Tuy nhiên, nếu không có “sổ đỏ”, các trường hợp còn lại đều chỉ được xét cấp giấy phép xây dựng đến hết ngày 31-12-2007.

Từ 1-1-2008, việc sử dụng đất phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) theo quy định tại Nghị định 84/CP mới được xét cấp giấy phép xây dựng.

Lượng nhà tư nhân xây dựng sẽ giảm mạnh vì thiếu “sổ đỏ”!

Trường hợp chưa có “sổ đỏ”, người dân sẽ phải lập hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” trước khi xin cấp phép xây dựng. Tuy vậy, chúng tôi tra mỏi mắt trong Nghị định 84/CP (Quy định bổ sung về việc cấp GCN, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai) cũng không tìm thấy điểm nào nói về việc phải có “sổ đỏ” mới được cấp phép xây dựng.

Duy nhất chỉ có một điều tới thời điểm 1-1-2008 là: “Kể từ ngày 1-1-2008, người sử dụng đất phải có GCN mới được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất”.

Tuy nhiên, quy định còn “mở” hơn quy định của thành phố Hà Nội với điều kiện kèm theo: “Trường hợp trước ngày 1-11-2007, người sử dụng đất đã nộp hồ sơ xin cấp GCN theo đúng quy định của pháp luật mà chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp GCN và người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 điều 50 của Luật Đất đai thì vẫn được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất”.

Một cán bộ Bộ TN-MT cho biết: “Các quy định về cấp phép xây dựng thuộc phạm vi của Bộ Xây dựng chứ Bộ TN-MT không thể đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai”.

Sẽ dấy lên “làn sóng” xây nhà không phép?

Ông Nguyễn Văn Sinh, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai hết sức bất ngờ trước thông tin phải có “sổ đỏ” mới được xây nhà. Ông Sinh nói: “Tôi phải tiết kiệm từ rất lâu để đợi đầu năm Mậu Tý được tuổi mới xây nhà. Chưa kịp hỏi thủ tục xin phép xây dựng thì lại “tòi” đâu ra quy định này. Chẳng nhẽ, tôi muốn chấp hành đúng quy định của Nhà nước, đi xin phép xây dựng đàng hoàng cũng không được hay sao?”.

Ông Lê Văn Phúc ở phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng cũng rất lo lắng: “Đất nhà tôi là đất cấp trái thẩm quyền, lo làm “sổ đỏ” mãi chưa xong. Nhà lụp xụp, dột quá, đang định ra Giêng cải tạo thì lại vướng quy định mới này. Có lẽ, gia đình tôi đành tiếp tục ở nhà nát chứ xây không phép mà bị phạt thì tốn kém lắm”.

Chỉ tính riêng số “sổ đỏ” tồn kho, chưa có người tới nhận tại Hà Nội đã lên tới trên 65.000 trường hợp, cộng thêm khoảng 27.000 trường hợp thuộc diện bất khả kháng chưa thể cấp “sổ đỏ” và hàng chục nghìn trường hợp đang sử dụng đất tái định cư, đất giãn dân nông thôn, đất dự án, nhà tự quản, nhà cấp 4...

Như vậy, sẽ có hàng trăm nghìn hộ dân bị ảnh hưởng bởi quy định phải có “sổ đỏ” mới được xây dựng. Đó là chưa kể những trường hợp chưa kê khai làm hồ sơ xét cấp “sổ đỏ” với cơ quan có thẩm quyền và chưa được liệt vào danh sách hàng trăm nghìn hộ kể trên. Theo một số cán bộ thanh tra xây dựng, chỉ có hai khả năng xảy ra đối với các hộ dân này.

Một là các hộ dân đành ăn ở tạm bợ, chờ được cấp xong “sổ đỏ”, rồi xin cấp phép xây dựng cho đúng với quy định của thành phố.

Hai là cố tình xây dựng không phép, vi phạm các quy định của Nhà nước. Những cán bộ này lo về khả năng thứ hai có thể xảy ra vì thật khó có ai chấp nhận việc đất đã ở mấy chục năm giờ lại muốn xin cấp phép xây dựng lại “đòi” phải có “sổ đỏ”.

Thậm chí, có cán bộ còn tâm sự rằng, đã chuẩn bị sẵn tâm lý để chịu kỷ luật vì không thể quản nổi trật tự xây dựng trên địa bàn. “Làm nghiêm như vậy mà tỷ lệ công trình có phép chưa phải đã cao, cán bộ xây dựng vẫn còn lo ngay ngáy. Nay lại phải có “sổ đỏ” mới được xây thì dân càng ngại, cứ xây bừa liệu người đâu mà quản nổi?” – vị này nói.

Phải mất rất nhiều công sức, thời gian và tiền của, thành phố Hà Nội mới có được bình diện khá tốt về trật tự xây dựng đô thị như hiện nay. Thế nhưng, với quy định “phải có “sổ đỏ” mới được cấp phép xây dựng”, người ta bắt đầu lo ngại về một “làn sóng” xây dựng nhà không phép mới. Chẳng nhẽ, thành quả thu được sau những chỉ đạo quyết liệt của thành phố lại có thể bị xóa đi dễ dàng như vậy?

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,183

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn