Chủ tịch Thượng viện Brazil từ chức vì bị cáo buộc tham nhũng

14/12/2007 07:38 AM

Đây là sự cố chính trị lớn nhất trong thời gian qua trong chính trường Brazil. Ông Calheiros từng bị tố cáo nhận tiền của một công ty tham gia đấu thầu các công trình công cộng, trốn thuế kinh doanh của công ty gia đình, sở hữu đất trái phép, gian lận và nhờ người đứng tên sở hữu 2 đài phát thanh từ tháng 5/2007.

Vậy là đúng một tuần sau khi hết hạn 45 ngày chuẩn bị cho cuộc giải trình và tự bào chữa trước cơ quan chức năng về những cáo buộc liên quan tới tham nhũng, trốn thuế và lạm dụng quyền lực, ngày 4/12 vừa qua, Chủ tịch Thượng viện Brazil Renan Calheiros đã tuyên bố từ chức.

Ông Calheiros.

Sự "ra đi" của ông Calheiros được báo chí Brazil bình luận như là một sự rút lui khôn ngoan trước khi ông bị "uống rượu phạt" từ Quốc hội nước này.

Đây là sự cố chính trị lớn nhất trong thời gian qua trong chính trường Brazil. Ông Calheiros từng bị tố cáo nhận tiền của một công ty tham gia đấu thầu các công trình công cộng, trốn thuế kinh doanh của công ty gia đình, sở hữu đất trái phép, gian lận và nhờ người đứng tên sở hữu 2 đài phát thanh từ tháng 5/2007.

Cụ thể, một công ty xây dựng đã yêu cầu ông và các nghị sĩ khác duyệt cho họ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi lại các vị này sẽ nhận được tiền “lại quả” hậu hĩnh.

Đến tháng 9/2007, lại có bằng chứng cáo buộc ông Calheiros đã nhận khoảng 8.000 USD tiền hối lộ hàng tháng của công ty xây dựng trên để giúp họ giành được hợp đồng trong các công trình của chính phủ.

Đến ngày 12/9, ông Calheiros đã “thoát hiểm” nhờ tỉ lệ bỏ phiếu mong manh 40-35 tại Thượng viện Brazil. Vậy là vị Chủ tịch đầy bê bối được xóa tội.

Sự việc này chưa thể yên vì làn sóng phản đối từ phe đối lập và dân chúng khá mạnh mẽ. Từ các khu giáo dân cho đến các hiệp hội luật sư và tất nhiên, dân thường đều gọi sự bỏ phiếu trên của Thượng viện Brazil là “sự ô nhục” và “nỗi hổ thẹn quốc gia”. Phe đối lập trong Quốc hội Brazil nhiều lần gây sức ép đòi ông Calheiros phải từ chức.

Gần đây nhất, đảng Dân chủ đối lập tố cáo vị chính khách rất có ảnh hưởng của đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) này đã cho lắp đặt máy ghi hình và nghe trộm điện thoại để theo dõi hoạt động của các nghị sĩ đối lập. Phe đối lập trong Quốc hội Brazil từng tuyên bố nếu ông Calheiros không từ chức, họ sẽ không bỏ phiếu thông qua dự toán ngân sách năm 2008.

Đến ngày 11/10, ông Renan Calheiros buộc phải tuyên bố tạm trao lại quyền điều hành cho Phó chủ tịch Tiao Viana trong 45 ngày để chuẩn bị cho cuộc giải trình và tự bào chữa trước cơ quan chức năng. Không ai tin ông Calheiros có thể trụ lại ở vị trí Chủ tịch Thượng viện lâu nữa, nhất là khi phiên tòa lập pháp cuối cùng sắp đến gần. Và quan trọng hơn, Brazil đang ở trong giai đoạn bước ngoặt của cuộc chiến chống tham nhũng.

Chưa bao giờ, cơ quan luật pháp Brazil lại ra tay mạnh đối với nạn tham nhũng như thời gian gần đây. Theo một báo cáo mới nhất của Chính phủ Brazil, trị giá các dự án xây dựng nhà nước và công ích tại nước này mỗi năm bị “thổi phồng” lên thêm khoảng 13-20 tỉ USD.

Và nếu không có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng trên, người dân Brazil lo ngại kế hoạch đầu tư giao thông trị giá 250 tỉ USD của Tổng thống Lula da Silva trong vòng 4 năm tới có nguy cơ thất thoát lớn. Một trong những biện pháp cấp bách đó là đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng.

Theo các chuyên gia pháp luật, Cảnh sát Liên bang cùng các cơ quan khác như Văn phòng Công tố nhà nước và Tòa án Kiểm toán Liên bang Brazil, sở dĩ đang thể hiện được sự nghiêm túc của mình trong cuộc chiến chống tham nhũng vì ngày nay họ có quyền hành động một cách độc lập hơn.

Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng ở Brazil không dễ dàng chút nào. Cảnh sát Liên bang trong vòng 5 năm qua mặc dù đã bắt giữ hơn 5.000 người nhưng chỉ có một số ít bị đưa ra xét xử hoặc ngồi tù, bởi một số người trong số bị bắt giữ trên ít nhiều có liên quan tới các quan chức cao cấp.

Sự thiếu ngay thẳng trong giới quan chức đã từng công khai bùng phát trong thời kỳ 1964-1985 ở Brazil. Điều này chỉ thay đổi khi nền dân chủ quay trở lại.

Năm 1992, Quốc hội Brazil đã kết án Tổng thống lúc đó là ông Fernando Collor de Mello tội tham nhũng và thất bại trong việc siết chặt chi tiêu và phân phối tiền. Sau đó cơ quan lập pháp nước này lập tức tiến hành hết cuộc điều tra tham nhũng này đến cuộc điều tra tham nhũng khác, mặc dù hiệu quả chưa cao. Nạn tham nhũng lúc nào cũng khó kiểm soát, đặc biệt trong chính phủ vốn có truyền thống chi tiêu hoang phí ở Brazil.

Những cải cách luật pháp trong vài năm gần đây đã đem lại cho Brazil nhiều lợi thế trong cuộc chiến chống tham nhũng. Đó là một điều luật quy định chặt chẽ việc chi tiêu của các quan chức, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền, thậm chí bị bỏ tù.

Một luật khác yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo cho ngân hàng nhà nước về những khoản giao dịch vượt quá 52.000USD. Nhưng công cụ hiệu quả nhất chính là thái độ của công chúng. “Công chúng đang ngày càng không dung thứ cho nạn tham nhũng”- Fernando Gabeira, đại diện đảng Xanh ở Brazil nhận xét.

Calheiros cho biết ông từ chức Chủ tịch Thượng viện nhưng vẫn tiếp tục là nghị sĩ và vẫn một mực bác bỏ những cáo buộc trên. Tuy nhiên, theo giới phân tích, động thái từ chức của Calheiros là một chiêu bài để tránh bị quốc hội bãi nhiệm.

Ngay khi ông Calheiros tuyên bố từ chức, Chủ tịch tạm quyền Thượng viện Brazil Tiao Viana đã thông báo một cuộc họp bất thường sẽ diễn ra vào thứ 3 tuần tới để bầu ra vị chủ tịch mới.

Theo nhiều nhà phân tích, ông Garibaldi Alves, cũng là một thành viên của PMDB, đang được coi là ứng cử viên số một cho vị trí Chủ tịch Thượng viện.

Ông Calheiros, một đồng minh thân cận của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, là một trong những chính khách có ảnh hưởng nhất tại Brazil. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp dưới thời Fernando Henrique Cardoso.

Đây là lần đầu tiên một vị chủ tịch Thượng viện Brazil, nhân vật quan trọng thứ 3 trong nhà nước, từ chức

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 545

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn