Philippines lại hứng chịu “siêu bão” Parma

03/10/2009 08:23 AM

Đang còn ngổn ngang với hậu quả của bão Ketsana, Philippines lại phải tiếp tục hứng chịu cơn bão Parma thậm chí còn mạnh hơn. Trong khi đó, thành phố Padang của Indonesia vẫn đang chìm trong hỗn loạn sau các trận động đất dồn dập.

Đang còn ngổn ngang với hậu quả của bão Ketsana, Philippines lại phải tiếp tục hứng chịu cơn bão Parma thậm chí còn mạnh hơn. Trong khi đó, thành phố Padang của Indonesia vẫn đang chìm trong hỗn loạn sau các trận động đất dồn dập.

Người dân Manila đưa lương thực thực phẩm đi cứu trợ lẫn nhau - Ảnh: Getty Images

AP đưa tin ngày 2-10, Tổng thống Philippines Gloria Arroyo đã ra lệnh di tản hàng chục ngàn dân sáu tỉnh miền bắc và đông nam. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) dự báo bão Parma sẽ đổ bộ xuống đảo Luzon thuộc vùng bờ biển phía đông Philippines vào 8g sáng nay

(3-10). Parma có sức gió lên tới 195 km/giờ, giật 230km/giờ. Trung tâm bão quốc gia Mỹ (NHC) đánh giá bão Parma có thể gây ra những thiệt hại thảm khốc.

Dùng vũ lực để di tản

Gilbert Teodoro, người đứng đầu Hội đồng điều phối thảm họa quốc gia (NDCC), cho biết chính quyền sẽ dùng vũ lực để đưa trẻ em đến nơi an toàn, cho dù một số người không muốn di tản do sợ nhà mình bị cướp phá. Hiện hàng ngàn người đã được đưa đến các trung tâm di tản. Chính quyền đề nghị những người di tản trong cơn bão Ketsana tạm thời chưa trở về nhà (còn khoảng 400.000 người).

Theo Cơ quan dự báo thời tiết Philippines, bão Parma có sức gió mạnh hơn rất nhiều so với bão Ketsana nhưng mang theo lượng mưa ít hơn. Tuy vậy, hiện cả khu vực rộng lớn ở phía bắc Philippines, gồm cả thủ đô Manila, vẫn đang ngập lụt nặng. Do đó mưa dù ít, nguy cơ lụt vẫn rất nghiêm trọng. Hiện mực nước ở hồ Laguna ở ngoài thủ đô Manila đã dâng lên hơn 1m và có khả năng tràn vào các quận có tới 100.000 dân đang sinh sống ở Manila.

“Chúng tôi đã bị tấn công quá dữ dội” - anh Glen Juban ở Manila buồn bã kể với phóng viên AP. Anh Juban có cô con gái 4 tuổi bị chết đuối vì lũ. “Tôi không biết liệu chúng tôi có đủ sức vượt qua thêm một thảm họa nữa hay không”.

Từ ngày 27-9, khi cơn bão Ketsana ập đến, chính quyền Philippines đã công bố tình trạng thảm họa trên toàn quốc, cho phép chính quyền các tỉnh mở rộng ngân sách để ứng phó với thảm họa. Cơn bão Ketsana đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 293 người ở Philippines, trong khi vẫn còn 42 người mất tích.

Nguồn tin Bloomberg cho biết bão Ketsana đã giết chết 17 người ở Campuchia và 16 người ở Lào. Ngoài ra, tại Lào còn có tới 135 người mất tích. Hãng tin Lào KPL mô tả nhiều đường sá, cầu cống, nhà cửa và đồng lúa ở Lào bị tàn phá, hệ thống viễn thông hư hại nặng nề.

Indonesia: hơn 3.000 người chết và bị thương

Trong khi đó, đảo Sumatra ở Indonesia vẫn tiếp tục chìm trong hỗn loạn. “Chưa bao giờ một khu vực lại phải hứng chịu nhiều thiên tai trong một khoảng thời gian ngắn đến vậy” - Reuters dẫn nhận định của ông John Holmes, đặc trách các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc.

Uớc tính số người chết trong hai trận động đất 7,6 và 6,8 độ Richter ở tỉnh Tây Sumatra (Indonesia) đến hết ngày 2-10 đã lên đến 1.100 người. Số người chết có thể còn tăng cao khi hàng ngàn người vẫn đang bị chôn vùi trong các đống đổ nát. Văn phòng thống kê Indonesia cho biết có gần 2.200 người bị thương nặng và 2.600 công trình kiến trúc bị phá hủy hoàn toàn.

Theo Cơ quan quản lý thảm họa Indonesia, hoạt động cứu hộ gặp nhiều khó khăn do trời mưa và giao thông liên lạc gián đoạn ở nhiều nơi trong thành phố Padang và các vùng phụ cận. Hai vấn đề nan giải khác là thiếu điện và các phương tiện cơ giới nặng để di chuyển các khối bêtông khổng lồ cứu người bị mắc kẹt. Đến nay, thành phố Padang còn chìm trong hỗn loạn, thiếu nhiên liệu trầm trọng, nhiều cửa hàng ở Padang hết sạch thực phẩm và người dân lao đi tìm nước uống, nhiều con đường vẫn tắc nghẽn do đất chuồi nghiêm trọng.

Báo Jakarta Post cho biết lực lượng cứu hộ đã làm việc suốt đêm ở ngôi trường ba tầng Andriana sụp đổ ngay sau trận động đất 7,6 độ Richter để tìm kiếm hơn 60 học sinh bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Bên ngoài trường, nhiều phụ huynh gào thét, đào bới tìm kiếm con cái của họ.

Tờ báo mô tả nhiều người hoảng loạn đi lang thang trên các đường phố Padang kêu gào tìm kiếm người thân, trong khi một số khác đào bới trong đống đổ nát với hi vọng mong manh tìm được người thân của mình còn sống sót. Các nhà xác dã chiến được dựng lên khắp nơi với hàng loạt thi thể vẫn chưa được nhận dạng.

Từ Manila, nhà báo Alan Robles cho Tuổi Trẻ biết hiện người dân đang tỏ ra rất căng thẳng và lo sợ. Phần lớn người dân đều rời sở làm sớm và ào đến các siêu thị để mua thực phẩm tích trữ.

Trong thảm họa, người dân Philippines đã nỗ lực tự mình tổ chức các chiến dịch cứu trợ kịp thời và hiệu quả. Những người sử dụng Internet đã vào các mạng xã hội Facebook và Twitter để tìm kiếm thông tin về các khu vực bị thiệt hại nặng nề và cần sự giúp đỡ nhiều nhất. Sau đó cũng qua Facebook và Twitter, họ tổ chức các đợt cứu nạn và đem hàng viện trợ tới.

Các tổ chức dân sự, trường học, tổ chức thanh niên... kêu gọi những người tình nguyện đến góp sức và rất nhiều người đã có mặt. Những người tình nguyện khác vào siêu thị mua thực phẩm để phục vụ chiến dịch cứu trợ. Hoạt động đó diễn ra không ngừng nghỉ kể từ hôm chủ nhật. “Đó là tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau dù là những người xa lạ của người Philippines, mà chúng tôi gọi là bayanihan”.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 499

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn