Kỳ 1: Khi một trí thức Việt kiều phải đi kiện

02/06/2009 14:01 PM

Báo VietNamNet nhận được đơn kêu cứu của một trí thức Việt kiều từ Đức trở về Việt Nam khiếu nại về việc diện tích nhà thờ dòng tộc bị xâm chiếm. Suốt hơn 22 năm sau ngày đất nước thống nhất, bà Thái Thị Kim Lan trở về Tổ quốc.

Báo VietNamNet nhận được đơn kêu cứu của một trí thức Việt kiều từ Đức trở về Việt Nam khiếu nại về việc diện tích nhà thờ dòng tộc bị xâm chiếm.

 

Suốt hơn 22 năm sau ngày đất nước thống nhất, bà Thái Thị Kim Lan trở về Tổ quốc.

 

Ngoài những công việc lặng thầm bà làm cho đất nước ở xứ người và ngay trên đất nước sau ngày giải phóng đến nay, trong lòng bà luôn đau đáu nỗi niềm khi nhìn những di sản văn hoá lịch sử hàng ngày hàng giờ bị xâm hại.

 

Trong đó, có ngôi nhà thờ Thái tộc đang bị lấn chiếm để xây dựng một khách sạn và bà lại đứng ra bảo vệ bằng lòng tin vào công lý…

 

Hơn 22 năm đi bảo vệ di sản văn hoá lịch sử

 

Nhiều cán bộ lãnh đạo cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế gọi bà là người đàn bà đi kiện.

 

Bà Thái Thị Kim Lan. Ảnh: Hoàng Anh

Trò chuyện cùng bà, cũng như đọc lại hàng loạt hồ sơ về diện tích đất bị lấn chiếm đã được chính quyền địa phương của xã Hưng Long và UBND TP. Huế hợp thức hoá đã xâm hại hàng nghìn m2 đất của nhà thờ Thái tộc - một nhà thờ được xây dựng cách đây hơn 150 năm, mới thấy hết được cái tâm nguyện của bà là đi bảo vệ những giá trị văn hoá truyền thống của cha ông để lại, góp phần làm nên một di sản độc đáo của đất kinh thành Huế.

 

Một điều có thể dễ nhận thấy khi đặt chân vào khu nhà thờ Thái tộc là một quần thể kiến trúc độc đáo, là một phần tất yếu không thể thiếu để làm nên một khu di sản văn hoá ở Huế.

 

Khu nhà thờ Thái tộc nằm trên con đường chính bên bờ sông Hương chỉ cách chùa Linh Mụ khoảng chừng 30 m. Tại khu vực này hiện vẫn còn tồn tại hai nhà thờ của hai dòng tộc lớn nằm cạnh nhau đó là nhà từ đường Thái Thúc và Thái tộc.

 

Đây là những khu nhà vườn nổi tiếng ở Huế hay còn gọi là phủ của những gia đình hoàng tộc và sau này trở thành những nhà thờ của cả một dòng tộc lớn. Thế nhưng trên phần diện tích đất của nhà thờ Thái tộc được bao vây bởi nhiều nhà dân mà theo hồ sơ còn lưu giữ của bà Thái Kim Lan là đất của nhà thờ Thái tộc đã bị lấn chiếm hàng mấy chục năm nay.

 

Lật giở từng trang hồ sơ, khu kiến trúc văn hoá lịch sử độc đáo của nhà thờ Thái Tộc nằm trên diện tích hơn 5.240m2, trên tờ bản đồ trích lục số 714, tại xứ Thiên Mộ, đồ bản số hiệu H, số hiệu khu đất 843 cấp năm 1936, phía tây giáp với khu nhà thờ Thái Thúc, phía đông là kiệt chùa ông Nghệ, nay là đường Sư Vạn Hạnh.

 

P.V VietNamNet đã đến khu nhà thờ Thái Tộc tận mắt chứng kiến cảnh cả quần thể kiến trúc độc đáo này bị lấn chiếm và xây dựng nhà ở gây mất cảnh quan cho khu nhà thờ nói riêng và quần thể kiến trúc trong khu vực nói chung.

 

Gõ cửa nhiều nơi

 

Câu chuyện lấn chiếm đất nhà thờ bắt đầu từ năm 1976, khi ông Nguyễn Văn Kế lập hồ sơ nhà đất và cho rằng ông Thái Nguyên Hoè, hậu duệ đời thứ 4 của dòng Thái tộc chuyển nhượng mảnh đất 200m2 phía tây của nhà thờ cho mình làm nhà ở.

 

Tuy nhiên, việc chuyển nhượng này đã bị con cháu dòng Thái tộc phản đối vì là đất nhà thờ nên không được bất kỳ cá nhân nào mua bán mà không có sự đồng ý của Hội đồng gia tộc.

 

Ông Nguyễn Văn Kế bắt đầu dựng một căn nhà nhỏ để ở.

 

Năm 1987, bà Thái Kim Lan từ Đức trở về Việt Nam và đã có dự án trình UBND TP. Huế xây dựng khu du lịch văn hoá trên diện tích đất của hai nhà thờ lớn của Thái Tộc và Thái Thúc với điều kiện tôn trọng và bảo vệ nguyên trạng hai di tích.

 

Phần đất lấn chiếm trước mặt khu nhà thờ được che chắn. Ảnh: Hoàng Anh

Tại biên bản cuộc họp của UBND xã Hương Long chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND TP. Huế đã làm việc và yêu cầu các hộ ông Nguyễn Văn Kế, Võ Cau và Tôn Nữ Thị Hường di chuyển để trả lại phần đất đã lấn chiếm của khu nhà thờ này để xây dựng Khu du lịch Văn hoá.

 

Nhưng rất tiếc, dự án không được thực hiện do sự bất đồng của một số thành viên trong dòng Thái tộc, nên các hộ lấn chiếm đất trên không chịu di chuyển.

 

Theo trình bày cũng như hàng trăm đơn thư khiếu nại của bà Thái Kim Lan gửi các cấp chính quyền địa phương khẳng định: hộ ông Nguyễn Văn Kế tiếp tục lấn chiếm đất của nhà thờ bằng việc cho xây dựng các công trình phụ ngay sát cổng dẫn vào điện thờ chính.

 

Lập tức, Hội đồng Thái tộc phản đối và đã đồng viết đơn kiến nghị chính quyền địa phương xã Hương Long can thiệp giải quyết.

 

Đến tháng 3/1994, sau rất nhiều đơn thư kiến nghị giải quyết của bà Thái Kim Lan, đại diện cho con cháu Thái tộc, UBND xã Hương Long thành lập đoàn kiểm tra liên ngành xác định thực tế đất đai tại khu nhà thờ này.

 

Qua quá trình kiểm tra, xác minh nguồn gốc đất đai, đến ngày 8/11/1996, UBND TP.Huế ra quyết định 1564 QĐ/UBND giải quyết khiếu nại đất đai kéo dài của đại diện con cháu Thái tộc đã chính thức công nhận khuôn viên đất sử dụng của Thái tộc theo trích lục cũ số hiệu H.843 ngày 15/3/1936, sau khi trừ diện tích 1.331m2 đất đã bị chi phối bởi các văn bản quản lý nhà nước về đất đai trước đây…

 

Quyết định này nêu rõ: Yêu cầu các hộ dân lấn chiếm đất của nhà thờ Thái tộc phải trả lại nguyên trạng.

 

Tuy nhiên, sự việc đã không dừng lại ở đó.

Trong công văn số 1663 ngày 20/4/2009 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế “về việc phúc đáp công văn só 114/VNN” của báo VietNamNet do Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Thị Thúy Hòa ký, cho hay: UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhận được toàn bộ hồ sơ, đơn thư khiếu nại của bà Thái Thị Kim Lan, ông Thái Nguyên Hạnh (đại diện họ Thái) liên quan khu đất tọa lạc tại 120 Nguyễn Phúc Nguyên (xã Hương Long, TP. Huế) do báo VietNamNet chuyển theo thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo.

Theo đó, sau khi nhận được công văn 114, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quyết định số 796 “về việc thành lập đoàn công tác liên ngành rà soát trường hợp khiếu nại liên quan khu nhà, đất tọa lạc tại 120 Nguyễn Phúc Nguyên, xã Hương Long, TP. Huế” trong thời gian 10 ngày kể từ ngày công bố quyết định.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “do tính chất vụ việc phức tạp (cả 2 bên đều có đơn khiếu nại) và với tinh thần cầu thị, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan”, “hiện đoàn công tác liên ngành đang xây dựng kế hoạch thực hiện quyết định nói trên của Chủ tịch UBND tỉnh. Khi có kết quả, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ gửi văn bản để quý báo công khai vụ việc trước công luận…”.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 560

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn