Tăng thuế nhập khẩu giấy: Áp lực cho ngành xuất bản

12/02/2009 09:47 AM

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, từ ngày 16-2 thuế nhập khẩu giấy in báo các loại sẽ tăng với mức 29% thay vì 20% như hiện nay. Giấy và các-tông sản xuất thủ công tăng thêm 4%, từ 25% lên 29%... Nhiều người lo ngại khi tăng thuế thêm 9% thì giá giấy in báo trong nước sẽ tăng theo.

Giá giấy chiếm tới 65% giá thành của tờ báo nên việc tăng thuế nhập khẩu giấy có thể gây áp lực cho giá báo.

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, từ ngày 16-2 thuế nhập khẩu giấy in báo các loại sẽ tăng với mức 29% thay vì 20% như hiện nay. Giấy và các-tông sản xuất thủ công tăng thêm 4%, từ 25% lên 29%... Nhiều người lo ngại khi tăng thuế thêm 9% thì giá giấy in báo trong nước sẽ tăng theo.

Ngành giấy: “Không sợ tăng giá”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, khẳng định: Dù thuế nhập khẩu tăng thêm 9% nhưng giá giấy in báo bán tại thị trường trong nước sẽ không tăng. Theo giải thích của ông Bảo, từ cuối tháng 8-2008 đến nay, do ảnh hưởng của chính sách giảm thuế nhập khẩu trong khu vực AFTA và WTO (có hiệu lực từ tháng 9-2008) lượng giấy nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, ngành sản xuất giấy trong nước hết sức khó khăn. Thực tế lượng giấy tồn kho toàn ngành đã lên tới khoảng 150.000 tấn. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, đóng cửa tạm thời... Cụ thể lượng giấy in báo đang tồn trong kho đủ đáp ứng cho nhu cầu trong năm tháng tới và giấy viết là bốn tháng. Vì thế, việc tăng thuế nhằm tránh nguy cơ sụp đổ một ngành sản xuất trong nước và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên.

Rõ ràng khi giá nguyên liệu trên thế giới giảm, các doanh nghiệp ồ ạt nhập khẩu hàng về mà không chú trọng đến sản xuất trong nước thì nguy cơ có hàng ngàn công nhân ở các lâm trường thuộc vùng nguyên liệu giấy thất nghiệp. Về lâu dài, không thể cứ nhăm nhăm chỉ đi lo nhập khẩu mà không chú trọng phát triển sản xuất trong nước. Trong tình hình khó khăn như hiện nay cũng là lúc chúng ta nên cơ cấu lại ngành sản xuất, tập trung phát triển sản xuất trong nước để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Nhà in: “Sẽ tăng”

Các nhà in thì lại khác. Ông Trần Thanh Duy, Giám đốc Công ty In Ba Đình, bức xúc cho rằng nếu sản xuất trong nước đáp ứng đủ nhu cầu hoặc tối thiểu cũng phải từ 70% trở lên thì mới có thể nói đến chuyện đảm bảo cho ngành in. Đằng này, trong nước chỉ có duy nhất Công ty CP Giấy Tân Mai sản xuất giấy in báo, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thì làm sao có thể nghĩ đến chuyện hạn chế nhập khẩu ngay được. Ông Duy nhắc lại, tháng 6, tháng 7 năm ngoái, công ty ông làm hợp đồng với Công ty CP Giấy Tân Mai để mua 200 tấn giấy/tháng nhưng chỉ được đáp ứng có 50 tấn/tháng. Hơn nữa, chất lượng giấy ngoại thì tốt hơn của chúng ta trong khi giá luôn thấp hơn khoảng một triệu đồng/tấn.

Ông Duy cũng nói thêm, trong khi giá giấy trên thị trường thế giới tăng cao thì các doanh nghiệp giấy đổ đi xuất khẩu, còn khi giá thị trường giảm, doanh nghiệp giấy ngành tồn nhiều hàng thì lại kêu gọi nhà nước tăng thuế nhập khẩu. Nói tóm lại, việc tăng thuế nhập khẩu giấy in báo là không hợp lý lúc này, không tuân theo cơ chế thị trường. Nếu quản lý như hiện nay thì doanh nghiệp ngành in luôn ở thế bị động. Không cẩn thận thì việc tăng thuế nhập khẩu giấy in báo thêm 9% sẽ khiến thị trường trong nước khan giấy như hồi tháng 6, 7 năm vừa qua.

Ông Duy cũng nhận định: “Việc tăng thuế đương nhiên là sẽ đẩy giá giấy tăng, gây sức ép tăng giá đối với báo in bởi giá giấy chiếm tới 65% giá thành của tờ báo. Trước kia 10 ngàn đồng có thể mua bốn tờ báo nhưng khi giá in báo tăng thì nay họ chỉ mua được ba tờ báo, thậm chí chỉ hai tờ. Rõ ràng là quyền lợi của người dân bị thiệt. Còn đối với doanh nghiệp, chắc chắn là sẽ không thể giữ giá như hiện nay khi mà thuế nhập khẩu tăng thêm 9%”

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 511

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn